Hôm nay,  

Bên Dòng Tự Do

10/10/200200:00:00(Xem: 173133)
Người viết: Phan Kim Nhựt
Bài tham dự số: 3010-658-vb61011

Tác giả Nhựt Kim Phan, trước 1975, từng là sinh viên sỹ quan không quân VNCH du học Hoa Kỳ, sau đó từng là tù nhân Cộng sản. Ông vượt biên tới Mỹ, từng làm đủ nghề, nhiều năm làm Job permanent custodian cho public school, về hưu non, hiện cư trú tại Los Angeles đang làm Pet Stylist cho Pet Mart. Bài viết của ông Nhựt hàm chứa nhiều chi tiết xúc động lòng người. Mong ông sẽ còn tiếp tục viết.

Từ lâu tôi vẫn muốn góp phần vào mục "Viết về Nước Mỹ" nhưng chẳng biết bắt đầu như thế nào, hơn nữa chính tả và luật hỏi ngã bết bát và phải viết tay với nét chữ lăng quăng cua bò nên tôi rất ngại bài viết của mình không qua khỏi vòng loại để tới được bến tự do. Tuy nhiên, con đường tự do cực kỳ gian nan và phải dấn thân thì mới hy vọng tới bờ.

Vài tháng trước khi rời khỏi Việt nam tôi đã vào nghĩa trang hốt cốt cha mẹ đem tro gởi vào chùa Phật Bửu Tự. Chúng tôi cảm thấy an tâm khi làm xong việc này, vì lúc ấy các nghĩa trang đều bị ngang nhiên đập phá trước sự làm ngơ hưởng ứng của công an thành phố và cuối cùng bị lệnh sang bằng nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi để lấy đất làm Cung thiếu nhi.

Ôm hài cốt cha mẹ, tôi lủi thủi ra về dưới ánh nắng thiêu đốt của nghĩa trang hoang tàn không bóng mát. Chợt thấy từ ngoài cổng bước vào một anh "homeless" ốm tong teo vác cuốc xẻng khập khểnh hướng về đóng rác to ở góc nghĩa trang để lượm vặt những gì có thể giúp anh sinh sống qua ngày. Anh ta đội chiếc mũ đi rừng bạc màu sương gió và khoác chiếc áo rằn ri rách nát rộng rinh bao bọc tấm thân gầy ốm tông teo như cây sậy khô khan lung lay tìm chút sinh khí trong cơn nắng hạ.

Nhìn thấy sắc áo quen thuộc, bỗng nhiên tôi muốn làm quen, làm một cử chỉ gì để an ủi anh ta, và cũng tự an ủi cho chính mình. Đến gần, tôi hỏi anh ta có diêm quẹt không cho mồi một điếu thuốc. Anh ta dừng chân móc túi lấy ra chiếc hộp quẹt cây vừa nói: "Diêm quẹt còn vài que, thuốc thì đã hết hai bữa rày" tôi lấy bao thuốc Vàm Cỏ ra, còn sáu điếu mồi một điếu và đưa cả năm điếu kia cho anh ta cầm luôn. Anh ta đốt một điếu thuốc, rít hơi dài lim dim ém khói rồi lui cui vác cuốc xẻng lên khấp khểnh bước đi. Tôi lững thửng đi sau sắp rẽ lối chia tay, bổng từ trong đám sậy ở cạnh nghĩa trang một con đổ quyên lẻ bạn cất tiếng kêu "Quốc, quốc" anh homeless rít lên một hơi thuốc rồi cất giọng rè rè qua làn khói xám: "Đất nước mất thì mất tất cả".

Về tới nhà tôi đem những cảm hứng đó viết ra một bài thơ con cóc:

Tôi đứng lom khom

tìm trong đống rác

Còn chút gì để sống, để chờ

Bọn nhỏ chất cao lòng đất mẹ

Cánh tay con bới tìm tình thương

Trong hôi tanh,

chiếc lon hoen sắc vàng

Với một chiếc huy chương tiêu tàn

Tìm xa xâm,

có chiếc gậy chỉ huy u sầu

Viên đạn cũ ngã nghiêng không đầu

Tìm sâu trong hư vô

Chiếc áo gối tả tơi

đôi chim phượng loan

Chén ly bôi không tròn

Chỉ còn lửng lơ nửa câu đá vàng

Một tháng rưỡi sau ngày hốt cốt song thân, tôi vượt biển thành công sau 12 lần thất bại. Indonesia, một cựu đồng minh của VNCH đã nhân từ đưa tay đón nhận chiếc tay nhỏ bé rệu nát của chúng tôi. Rất tiếc, ngày nay theo kế hoạch chung, họ phải quay lưng xua đuổi thuyền nhân đến sau.

Kuku, một đảo nhỏ tạm dung trước khi tới trại tỵ nạn Galang. Ở đó có một nghĩa trang "mimi" an táng vào đồng bào Việt nam vượt biển thành công nhưng không đủ sức chờ đến ngày được đi định cư. Những nấm mộ thô sơ nằm hẩm hiu dưới chân núi. Trên ngọn núi có một ngôi chùa đơn sơ, không được trùng tu nên đã gần đổ nát. Lối vào chùa có một chiếc cổng với hai câu liển:

"Vượt biển tìm tự do, sống thác hai hàng lệ đổ

Lên non chầu Phật tổ, sắc không một mảnh hư vô"

Sau mười sáu tháng lây lất ở trại tỵ nạn, lần hồi tôi cũng được rời đảo định cư, tới nước Mỹ lần thứ hai. Lần đầu là một sinh viên sĩ quan không quân tráng kiện sang đây du học để trở về phục vụ tổ quốc, lần này là một kẻ tha hương tỵ nạn vượt thoát gông cùm khổ sai, đi tìm cái sống trong cái chết.

Tới Mỹ tôi lăn xả vào guồng máy sinh hoạt khổng lồ, quờ quạng làm lại cuộc đời như một con kiến nhỏ kiếm ăn trên miếng bánh ngọt khổng lồ. Sức khỏe đã suy giảm nhiều sau những năm dài trả nợ KBC trong lao tù cộng sản, nên tôi vừa đi làm việc vừa đi bác sĩ khám sức khỏe trị bệnh.

Đầu tiên tôi đươc hãng Sear nhận làm part time trong shop sửa chữa máy cắt cỏ. Một hôm, có ông già làm chung nói rằng con trai ông là một Vietnam Veteran làm cảnh sát ở Maryland, và anh ta nhờ tôi tìm mua giúp một lá cờ Việt nam Cộng Hoà để làm kỷ niệm. Tôi nhận lời ngay và hai hôm sau tới khu sinh hoạt Việt Nam ở Virginia mua một lá cờ VNCH gởi tặng anh cựu chiến binh. Ông già hỏi bao nhiêu tiền, tôi nói đó là món quà tôi rất hân hạnh gởi tặng con trai ông, không tính tiền và nhờ ông cho tôi gởi lời cám ơn anh bạn đã chiến đấu giúp quốc gia nhỏ bé của chúng tôi, và xin cám ơn anh vẫn còn nhớ đến dân tộc Việt Nam.

Sau đó vài hôm, ông già lại mang đến cho tôi một chiếc hộp nhỏ nói rằng con trai ông gởi lời cám ơn và gởi tặng lại tôi một món quà. Tôi liền nói rằng: lá cờ vàng ba sọc đỏ ấy tôi rất hân hạnh gởi tặng anh ta. Đâu cần gì phải đáp lễ như vậy. Ông ta nói: "Mày phải nhận món quà này, nếu không con trai tao sẽ buồn" tôi liền nhận và tiếp tục làm việc.

Buổi tối về nhà mở gói quà ra xem. Thật là xúc động, bàng hoàng, đó là một chiếc huy chương anh cựu chiến binh Mỹ đã nhận tại chiến trường Việt Nam và ít dòng chữ viết rằng anh rất hân hạnh đã chiến đấu giúp bảo vệ tự do cho Việt Nam và rất xấu hổ về việc nước Mỹ đã rút lui để chúng tôi phải trở thành những người mất nước. Anh nhận thấy không xứng đáng giữ chiếc huy chương này nữa, nên muốn gởi lại cho người Việt nam. Tôi nhìn sững chiếc huy chương, nó đã mờ dần, mờ dần vì nước mắt tôi chảy xuống mặt huy chương của anh cựu chiến binh.

Cuối tuần đó tôi đi Metro ra DC, hỏi đường lội bộ tới thăm Bức Tường đá đen khắc tên năm chục ngàn lính Mỹ bỏ mình cho VNCH. Tới nơi tôi mở hộp lấy chiếc huy chương của anh GI kia ra và nói thầm: "Anh bạn quý giá kia ơi và cả những anh có tên ở đây, các anh rất đáng được vinh danh. Chúng tôi rất cám ơn công sức và cả sinh mạng các anh đã hy sinh vì đất nước nhỏ bé của chúng tôi. Chúng ta đều yêu mến tự do và sống chết cho lý tưởng tự do. Chiếc huy chương này anh rất xứng đáng nhận nó, sao anh đem gởi lại cho tôi để nước mắt tôi phải rớt trên mặt nó".

Xong, tôi lủi thủi trở lại bến Metro về Maryland. Thời tiết rét lạnh của mùa cảm cúm làm tôi thấy nhức đầu sổ mũi, choáng váng khó chịu. Gần tới cửa hầm Metro, chợt thấy một anh homeless đứng co ro tay cầm tấm bảng "Vietnam Veteran, need help" tôi bỗng thấy choáng váng quay cuồng, phải dựa lưng vào tường và lần tay móc bóp ra đếm tiền: còn đúng 4 đồng và cái ticket round trip trở về Maryland. Tôi loạng choạng bước tới dúi hết bốn đồng cho anh ta. Lên Metro, tôi ngủ thiếp một giấc dài cho tới Maryland.

Thời tiết giá lạnh ở miền Đông Bắc quả thật không thích hợp cho sức khỏe cải tạo yếu ớt, nên tôi lần hồi về tới California để được sống gần mặt trời, ấm áp hơn. Tới đây, tôi cũng đổi Job nhiều lần: làm assembler, làm trợ tá bệnh viện thú y, làm church care taker (giữ nhà thờ Do Thái, ăn ngủ luôn trong nhà thờ, clean up, bảo vệ, phụng sự ba cuốn kinh Torah là bao bảo vật cổ điển của nhà thờ viết trên da lừa và cuốn còn lại (5 roll) nặng cỡ một em bé vài tháng).

Lúc làm trợ tá bệnh viện thú y, tôi biết chăm sóc chó mèo, chim, rùa..vv cho uống thuốc, chích thuốc, chụp X ray, phụ tá bác sĩ trong phòng giải phẫu vv.. so với thân phận người tù cải tạo thì quả thật chó mèo chim cá rùa rắn ở đây được sống trong thiên đàng!

Lần hồi tôi xin được một Job permanent custodian cho public school có đủ benefits, lương bổng cũng gói ghém sống được, tự túc tiện túc. Job này phải làm việc từ chiều đến nửa đêm.

Những lúc rảnh rỗi break time, tôi thường ngồi mơ màng ôn kỷ niệm trong không khí vắng vẻ của trường học về đêm. Một hôm đọc báo thấy một thông cáo của hội Thi sĩ quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Poetry) khuyến khích những người có tâm hồn, tâm sự làm được một bài thơ trong vòng hai chục câu với bất cứ chủ đề nào gởi đến cho họ tuyển chọn và đăng trong tuyển tập hàng năm. Tôi bèn hỏi mượn cô giáo một cuốn sách dạy làm thơ giản dị cho bậc tiểu học và nắn nót viết ra một bài thơ ghi lại cảm tưởng của người công dân mới đứng trước bức tường đá đen.

Khoảng ba tuần sau hội Thi Sĩ Hoa Kỳ gởi thư thông báo tuyển chọn bài thơ đó và cho đăng trong tuyển tập "The Hand Of Destiny" mùa xuân 1998. Tôi xin ghi lại nguyên văn:

First Expression

The early Metro brings up my life

From underground I step up with pride

New Citizen, I'm qualified to serve

The values of the famous statue

so high

My first mission:

finding the road to the wall of fame

Thankfully, I feel the touch

on the great, great names

Of the brave whom my survival owed much

Their blood shed in expectation of peace and liberty

Their names written in all hearts of the country

In cool breeze the flaunting flag of America

Extending its shadow to reach the wall lovingly

The wall built up with diguity for memorial and witness

To all realizations of Spirit of Liberty

Nhut Kim Phan

và tôi đã gom góp những ý tưởng trên làm thành một bài thơ chữ Việt với cảm đề:

HOÀI CẢM

Chuyến xe điện ngầm ghé bến DC

Bước lên mặt đất thấy lòng hoan hỷ

Bỏ nước ra đi cờ không đất cắm

Mạng rẻ hơn bèo vẫn nắm tự do

Đại lộ Dc anh đào nở rực

Ngàn áng mây ấp ủ bức tường dài

Gió thoàng đưa cành hoa lay phơ phất

Như ngón tay tìm kiếm chữ thân thương

Cám ơn tất cả, cám ơn tất cả

Chiến sĩ ra đi Nữ thần sáng giá

Chiến sĩ trở về tường đá ghi danh

Ngọn đuốc dơ cao

Nữ thần tưởng nhớ

Cả những người con chưa trở về nhà

Đá nhẵn như gương thoáng nhìn thấy dáng

Những đồng minh cũng thấp thoáng bên trong

Lá cờ vàng một nước nhỏ Viễn Đông

Máu anh đã hòa trong ba sọc đỏ

Không tiếc hận trãi thân đường thương nhớ

Chỉ trách hờn dương thế lắm đảo điên

Hồn không tan cháy

rực ánh lửa thiêng

Vẫn bất khuất vẫn bập bùng oai võ

Tên các anh Nữ thần ghi lên đó

Đuốc tự do hãy sáng tỏ trăm miền

Cho chiến sĩ mỉm cười nơi phước hạnh

Và anh lính thôi hiu quạnh nổi sầu riêng

Sống đã oai hùng, thác hẳn linh thiêng

Thấm thoát tôi đã làm custodian cho public school được cả chục năm. Hiệu trưởng và các thầy cô đều rất tử tế dễ thương. Nhưng vật đổi sao dời, ngôi trường cũ có một hiệu trường mới cao ráo sạch sẽ nhưng tấm lòng lại chẳng cao thượng thoải mái chút nào: Tư nhân tư diện bất tư tâm!

Chúng tôi làm việc nổ lực gấp đôi gấp ba nhưng lúc nào cũng bị chê bai. Đến kỳ làm evaluation dĩ nhiên chúng tôi đều bị chê chưa tốt, chưa đủ. Tôi đã lễ phép trả lời rằng chúng tôi đã nổ lực dọn dẹp quét tước nhà trường gấp đôi gấp ba trước kia, nhưng hiệu trưởng vẫn không hài lòng, điều này khiến tôi hồi tưởng lại thời gian ở tù CS, ở đó chúng tôi phải làm việc khổ sai với những chỉ tiêu càng ngày càng gia tăng, cố gắng đến đâu cũng không đủ. Tôi xin thưa thật với hiệu trưởng rằng tôi sẽ làm thêm hoài, thêm mãi với cảm giác của một người nô lệ! Tôi xin lỗi câu nói này có thể làm phật lòng bà, nhưng nếu không nói ra, tôi vẫn nghĩ vậy ở trong lòng.

Sáu tháng sau đủ ngày, đủ tháng tôi bèn xin retired non (55 tuổi). Trước ngày retired tôi gom góp được gần hai tháng vacation và đi học cấp tốc những kỷ luật căn bản của nghề Pet grooming tắm rửa hớt tóc làm đẹp chó kiểng chó cưng mèo xiêm mèo mướp….

Vừa retired xong tôi xin vào làm ngay cho Pet Mart và được gởi đi thụ huấn ở Michigan trở về thực tập và chánh thức làm Pet Stylist cho Pet Mart. Quả thật ở xứ Mỹ này trẻ con, người già, các bà và chó mèo của các bà là những thành phần ưu tiên trong xã hội.

Bây giờ khỏi làm ca đêm nữa. Mỗi sáng tôi thường đi sớm ghé vào Starbuck uống cà phê đọc báo. Những tin tức hình ảnh thời sự diễn biến hàng ngày một lần nữa lại thôi thúc tôi cầm bút viết ra một bài thơi thứ nhì và hội Thi Sĩ quốc gia, bây giờ đổi lại là Thi sĩ Quốc tế (International Library of Poetry) cũng đã nhận cho đăng luôn với tinh thần tự do ngôn luận:

Ý XUÂN

Hai mươi tuổi mộng thắm xuân thì

Nhưng hưởng gì khi đất nước loạn ly

Giấc mộng xuân vấn vương đời lính trẻ

Góc tre già nhung nhớ tóc bạc phơ

Thắm thỏm ngóng trông khô bờ môi thắm

Xin chở che người ở chốn xa xăm…

Quê hương đã có ngày tan khói lửa

Nhưng vẫn không rạng rỡ ánh chiêu dương

Rừng U Minh vùi lấp cả yêu thương

Sống khổ sai chết vẫn còn trói buộc

Trong vô vọng người tù binh thấy được

Một đồng minh mòi nữa điếu thuốc thơm

Ngẩn mặt lên nhìn giang san biến đổi

Chẳng bạn, chẳng thù chỉ là danh lợi

Ta nằm đây chờ thế cuộc chuyển xoay

Rừng U Minh vẫn có một ngày mai

Ngọn đuốc thiêng sáng soi vùng hắc ám

Gần hai mươi năm bỏ nước ra đi tha phương tỵ nạn, thay đổi quốc tịch nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Mặc dù không thành công rực rỡ trên phương diện vật chất, tôi vẫn vui lòng gói ghém, "tri túc tiện lúc, đãi túc hà thời túc" (biết đủ là đủ, đợi đên lúc đủ bao giờ mới đủ). Ra ngoài xã hội dùng tiếng Mỹ để kiếm cơm, lấy chữ lót Kim làm tên cho dễ gọi, về đến nhà nói tiếng Việt Nam, dùng món ăn Việt Nam, cầm chén đũa lên tự nhủ mình là người Việt Nam.

Quê hương chúng ta không được một ngày yên ổn, đồng bào ta không được sống thanh bình hạnh phúc. Nhưng chinh chiến và những bất hạnh triền miên đã nung nấu tấm lòng tha thiết tự do của tất cả chúng ta, và cũng đã đào tạo ra biết bao nhiêu anh hùng xả thân cứu quốc như Hưng Đạo Vương, Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi quân xăm lăng to lớn gấp trăm lần, đại thần Nguyễn Công Trứ đến lúc gần chết vẫn còn dâng sớ xin vua cho đi đánh giặc cứu nước.

Trong chiến tranh, VNCH đã có nhiều bậc tướng lãnh tài ba được toàn quân kính phục với câu "Nhất Thắng, Nhì Thanh, Tam chinh, Tứ trưởng" rất tiếc trong cuộc sống lưu vong không có vị nào thể hiện tinh thần Nguyễn Công Trứ, nhưng tôi vẫn nhắc đến tên niên trưởng với lòng kính trọng theo đúng truyền thống KBC. Ngay bây giờ tại quê nhà vẫn còn những anh hùng bất khuất, bị nhốt vào tù vẫn khăn khăn "Uy vũ bất năng khuất" và những chiến sĩ vô danh thân xác đã chôn vùi nhưng anh hồn vẫn nương theo ngọn gió bóng cờ phất phơ vẫy gọi tự do.

Khi bỏ nước ra đi, chúng ta đã mang theo nổi nhục mất nước, cờ không đất cắm. Nhưng cho đến ngày 30 tháng 4 năm 75, chúng ta vẫn giữ được biên giới quốc gia nguyên vẹn, bây giờ giang sơn đổi chủ lãnh thổ lại bị thu hẹp bởi những hiệp ước sang nhượng quê cha đất tổ. Cái nhục của những kẻ cúi đầu dâng đất cho giặc ắt phải to hơn cái nhục của chúng ta đã mất nước trong tay họ.

Viết xong những dòng tâm sự này, ly cà phê Starbuck cũng vừa cạn, nhìn đồng hồ tôi giựt mình đứng phắt dậy xách túi bước lẹ ra xe chạy vào sở bấm thẻ, đến nơi mới sực nhớ lại vẫn còn sớm, vì tôi đã set đồng hồ sớm hơn giờ thật cả hai mươi phút để khỏi phải bị trễ giờ.

Phan Kim Nhựt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,801,821
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo