Hôm nay,  

Đêm Kịch Liên Hoan Giáng Sinh

01/01/200400:00:00(Xem: 172711)
Người viết: TIM NGUYỄN
Bài tham dự: 434-972-V4241203

Đây là bài viết về nước Mỹ của một tác giả đang sống và làm việc tại Âu châu, gửi qua e-mail. Tim Nguyên cho biết ông họ Bùi, sắp 43 tuổi, hiện cư trú tại Brussels và đang là công chức. Bài viết của ông là truyện ngắn về một đêm trình diễn mùa giáng sinh của đám học trò nhiều sắc dân, sống động và xúc động. Câu chuyện chính là “Một ngày mùa đông của Bi,” một cậu nhóc gốc Việt 13 tuổi. Tựa đề được đặt theo nội dung câu chuyện.
+

Bi thọc sâu hai tay vào túi áo choàng, co ro đi bên cạnh thằng lỏi Mustapha. Thằng này khác với ngày thường, vẻ mặt đăm chiêu táo bón. Hai vai rút lên ngang tai dấu đôi giấu bàn tay trong ống tay áo rộng thùng thình, thằng rệp đi nghiêng qua nghiêng lại như con lật đật. Nó nhón gót nhảy tránh một nhánh cây khô rớt trên đường :
- Sợ không Bi "
Bi gật đầu không nhìn bạn:
- Tao cũng hơi ớn, thằng rệp tự thú. Nhưng chắc không sao đâu. Bọn mình cứ làm y như mấy lần tập dượt, như cô giáo đã chỉ là cool!
- Biết vậy nhưng tao vẫn cứ sợ.
Mustapha vung tay, giọng song tàng :
- Bọn mình dân "xịn" mà ngán ai! Mày cứ tưởng tượng như đang chơi Game Boy vậy. Kẹt lắm lúc tao năn nỉ, mày lắc đầu quầy quậy, đóng sập cửa tiệm và treo bảng "hết chỗ" là xong, khỏi phải nói nhiều.
Chợt nghĩ tới má của bạn Bi quay qua hỏi:
- Vậy hôm nay má mày có tới dự được không"
Mustapha lắc đầu, buồn buồn:
- Không. Lúc đầu bả hứa dữ lắm nhưng cuối cùng bị kẹt. Làm cho Mc Donald mà, ngày lễ phải làm thêm, lộn xộn chủ đuổi lúc nào không hay!
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống dân Bắc Phi. Ông bố Ma-rốc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những "linh kiện" còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi rệp quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
Bố mẹ Mustapha gặp nhau khi ông qua đây du học. Họ ăn ở với nhau và Mustapha chào đời sau đó không lâu. Ra trường, ông bố muốn đưa vợ con về quê lập nghiệp nhưng bị gia đình phản đối. Nơi quê nhà, cha mẹ ông đã chọn sẵn nàng dâu, chỉ chờ ông về làm đám cưới theo cổ tục Hồi Giáo. Hai người chia tay. Bà mẹ giữ Mustapha ở lại, thành ra nó có cha mà như không. Sau cuộc chia tay đó má của Mustapha đâm buồn chán, uống rượu, đi làm bữa được bữa không và hay bỏ bê nó luôn.
Nói đúng ra Mustapha cũng chỉ là "nạn nhân chiến cuộc". Trong lớp chỉ có bốn tên con trai mà hai thằng trắng không đứa nào chịu làm thánh nên cô giáo phải bắt Mustapha. Bi thích đóng vai Giuse hơn vì vai chính, được xuất hiện trên sân khấu nhiều lần. Nhưng nếu cô giáo cho nó đóng vai đó chẳng khác nào chửi bố mấy ông viết thánh sử! Thánh Giuse da vàng mũi tẹt, hình như chưa ai tưởng tượng hình ảnh tóa bạo đó. Chủ quán trọ còn chấp nhận được, ở đâu mà không có nhà hàng Á Châu"
Bi tự an ủi dù sao nó cũng được xuất hiện hai lần, lần đầu trong vai lính La Mã đi lùng bắt Giuse và Maria. Lần sau làm chủ quán trọ gian ác. Toàn những vai "độc"!
Vở kịch tụi nó sắp trình diễn đêm liên hoan Giáng sinh năm nay lấy đoạn Kinh thánh từ lúc Giuse dắt Maria đi trốn quân La Mã truy lùng. Qua tới đệ nhị quốc gia, hai người đi tìm quán trọ để Maria sinh nở nhưng mấy tay chủ quán thấy hai vợ chồng nghèo kiết xác thì hắt hủi, không cho tạm dung. Trong lúc gấp gáp, Maria đẻ rơi Giêsu trong một chuồng thú vật nơi đồng không mông quạnh...
Những buổi tập dượt là dịp bà cô già nhắc lại những kỷ niêm thơ ấu. Bà khoe đã được chọn đóng vai Maria bốn năm lần; rằng hồi đó bà đóng thế này, ngày xưa bà làm thế nọ... Bi mà là con gái và đươc chọn đóng vai Maria chắc chán chết hoặc kiếm một cái mền ôm theo đặng ngủ. Vai đó tuy là vai chính nhưng thụ động quá, không có điều kiện nâng cao tính năng tạo hình của người nghệ sĩ. Bà cô Anna có vẻ rất hãnh diện về điều đó. Bà dai dẳng mãi về quá khứ nên có một đôi khi Bi âm thầm tự hỏi: người già còn lại những gì ngoài tuổi trẻ" Nhất là tuổi trẻ ấm êm không biết sợ hãi, trốn chạy, không hiểu ý nghĩa của những từ bỏ nước, vượt biên. Khi người ta bắt đầu ngồi kể lể tưởng tiếc quá khứ là lúc họ không còn chút hy vọng gì ở tương lai...

Dù không giống Giuse về màu da, Bi thấy hoàn cảnh gia đình nó cũng không khác gì cảnh ngộ của đôi vợ chồng Do Thái ấy. Cũng là dân tỵ nạn, chỉ khác là hồi đó chưa có Cao ủy nên Giêsu phải chịu cảnh đẻ rơi. Cũng may mà lớp chỉ có bốn đứa con trai nên Bi mới được gọi lên sân khấu chứ không cũng chỉ được làm khán giả. Làm lính La Mã đứa nào cũng thích nên không có vấn đề, đến lúc chọn người đóng vai chủ quán mới gay. Không kể Mustapha đã được chọn thủ vai Giuse, lớp còn lại ba đấng nam nhi: Philips, Brian, Bi. Mới đầu cô Anna đề nghị hai thằng Philips, Brian làm chủ những quán trọ bên đường nhưng hai thằng lỏi này chỉ thích làm lừa cho con Roxian cưỡi nên cuối cùng Bi được làm chủ quán. Một đứa con gái khác sẽ giả trai làm chủ quán thứ hai.
Bi thấy hồi hộp khôn tả. Lần đầu tiên lên sân khấu mà. Nhất là trong đám phụ huynh đông đảo tối nay ngoài ba má còn có bà ngoại từ bang Cali nắng ấm người đông sang chơi một tuần mà thôi vì bà rất sợ cái lạnh của bang Massachusetts Bi đang ở.
Bà ngoại hồi xửa hồi xưa từng là ca sĩ chuyên ca nhạc cải cách của thành phố Sài gòn hoa lệ. Bây giờ bà vẫn rán tiếp tục. Nhìn bà ngoại ca, Bi thấy thương bà thật nhiều. Những lúc bà gân cổ lên cao, Bi thấy thót ruộ. Ông em-xi có lần khen bà đẹp không thua hồi xửa hồi xưa. Ông nói sai sự thật nhiều lắm. Bây giờ bà ngoại còn sặc sỡ HƠN tấm hình đen trắng của bốn chục năm về trước mà Bi thấy được trong cuốn album của má.
Có một đôi khi Bi âm thầm tự hỏi: người già còn lại những gì ngoài tuổi trẻ" Hào quang dĩ vãng theo đuổi nên con người cứ ngỡ họ đang nắm được sợi chỉ thời gian nhưng đâu ngờ đó là đầu mối của mảnh vải tưa mà nếu kéo mạnh sẽ tuôn mãi, tuôn mãi...Bên kia đỉnh vinh quang, cỗ xe tuột dốc thê thảm. Nhìn bà ngoại ca, Bi có cảm tưởng bà đang trì vai rán không cho cỗ xe tuột dốc. Thương bà ngoại nhiều quá! Bà ngoại làm Bi nhớ tới những bi hùng kịch cổ Hy Lạp mà vai chính dù bị trói tay đẩy vào con đường chết vẫn dãy dụa múa lên những đường kiếm hào hùng bi tráng. "Ôi, vinh quang là đốm lửa mà loài người là những con thiêu thân!", ba thường nói với lon bia mỗi lần lật báo trang cuối không thấy tên trong mục "Bài sẽ đăng"! Lên vài lon bia nữa ba sẽ làm một Đại hội chỉnh huấn quân dân cán chính, ông chưởi một loạt những kẻ đón gió trở cờ bán nước buôn dân từ trong ra ngoài, từ trái sang phải! Xong ông ngâm thơ Đương rồi ngủ. Bi thấy ba khó làm một nhà văn chạy đường dài. Chưởi hăng như ba, quay sang viết bỉnh bút chắc sẽ nhiều thành công. Trong cuộc đời có những cánh chim tầm thường một ngày kia vô tình được ngọn gió thời đại nâng lên cao bay cùng tầm với những cánh đại bàng nên họ có cái nhìn sai lầm về thân thế. Đến khi ngọn gió tàn, trở về kiếp tầm thường muốn đập cánh bay cao nhưng không thể, đành ngồi nhà ... đón gió!
Riêng Bi sau khi đã giựt hết các giải tennis lớn trên thế giới, Bi sẽ mở một cuộc họp báo tuyên bố giải nghệ về hưu mở trường đào tạo mầm non mới. Lúc đó chắc Bi vào khoảng hai mươi sáu tuổi. Trận cuối cùng trước khi liệng vợt để các phan dành nhau giữ làm kỷ niệm, một mình Bi sẽ đấu một lúc với hai con trâu nước nhà họ Williams. Tiền thâu được sẽ bỏ vào quỹ mua đồ chơi thể thao cho trẻ em nghèo...
Tạm gác những suy nghĩ lan man, Bi tập trung tâm trí vào những vai sẽ thủ diễn. Làm lính La Mã không khó. Ba nói làm lính quèn ở quân đội nào cũng dễ, chỉ làm theo lệnh cấp trên. Trong vai lính thú đi lùng cặp Giuse-Maria, Bi phải vào nhà con France, tra khảo và hất đổ vài vật dụng trong nhà. Bi xoa tay khoái trí. Phen này nó sẽ được trả thù dân tộc. Con France cứ đè đầu Bi mà kêu "thằng chệt"" làm Bi tức cành hông.
Làm chủ quán trọ đòi hỏi nhiều khả năng diễn xuất hơn. Bi là người chủ quán sau cùng. Giuse Mustapha sau khi bị từ chối ở quán con France, sẽ qua gõ cửa quán Bi. Chủ quán Bi sẽ chạy ra mở cửa với nụ cười cầu tài nhưng tắt ngay sau khi nhìn thấy quần áo của đôi vợ chồng nghèo và quyết kiệt từ chối dù họ hết lời năn nỉ. Cuối cùng, chủ quán Bi sẽ lạnh lùng tống cặp vợ chồng trẻ ra cửa và treo bảng "closed" trước khi khóa cửa thật kỹ như sợ Giuse sẽ trở lại ăn vạ...
Bi đứng trước gương, đưa tay sửa cho ngay chiếc nón La Mã hơi rộng so với đầu. Bi nhăn răng, méo miệng, đứng nghiêm, quay phải, quay trái tìm tư thế cho vai lính sắp đóng. Tim nó đập bình bịch, thiếu điều muốn lọt ra ngoài lông ngực. Phải tự kiểm soát mình, Bi nhủ thầm. "Người biết tự kiểm là người sẽ bay xa", trích lời cô giáo Anna.


Bi dùng ngón tay trỏ gạt nhẹ lọn tóc loà xòa trước trán. Nhìn bóng mình trong gương, nó không khỏi thầm phục má và càng tin tưởng vào đấng Hóa công, người đã tạo dựng muôn ngàn tinh tú cao xa, thiên nhiên hùng vĩ và các sinh vật đẹp đẽ mà trong đó có một người xấp xỉ mười ba, tương tá coi được nếu người ấy khiêm nhường, bảnh trai nếu người ấy chân thật, học lực trên trung bình, nhiều năng khiếu nghệ thuật và đang chuẩn bị bay xa, thiệt xa...
" Bi ! ". Có tiêng réo của cô Anna. Bi chộp vội thanh gươm nhựa rồi phóng ra ngoài cánh gà, chờ ra sân khấu làm lính.
Xong màn đầu, Bi nán lại cánh gà, hé tấm màn nhung ngó xuống. Ba má và bà ngoại ngồi ở hàng thứ năm mé tay phải gần cửa ra vào. Bi nhận ra ngay nhờ bà ngoại bận bộ váy dạ hội màu xanh dương điện tử sáng chói, quầng mắt rải thêm một mớ kim tuyến có thể bắt ánh sáng trong vòng năm cây số. Tuổi trẻ còn có hiện tại để phung phí và tương lai để ước mơ, người già còn lại gì ngoài tuổi trẻ"
Bi muốn làm một dấu hiệu gì đó để ba má và bà ngoại biết Bi đang ở đây, ở góc phải sân khấu này nhưng không thể, vở kịch mới tới giữa chừng. Mọi người mong mỏi được coi màn chót mà Bi đã biết kết cục ra sao rồi. Người nghệ sĩ sao cô đơn quá!
Không biết lúc nãy ba người có nhận ra Bi trong vai lính" Ánh đèn sân khấu quả có ma lực làm Bi vượt khỏi thằng Bi của đời thường để cảm nhận tâm hồn người lính thú La Mã, được lệnh quan trên lùng bắt cho bằnh được tên phiến loạn Giuse. Trở về tay không đồng nghĩa với ký củ, đề lao nên Bi tra tấn con France rất tận tình. Bi đá đít nó mấy cái làm con nhỏ khóc oe oe, cả rạp không cầm được nước mắt. Bi còn tính thoi nó một cái vào cạnh xườn nhưng dừng lại, chỉ sơ hội bảo vệ phụ nữ và thú vật lên tiếng phản đối. Xong màn đó chạy vô, cô giáo Anna xoa đầu khen làm mặt Bi đỏ bừng.
Khép màn lại Bi lẩm nhẩm ôn lời đối thoại của người chủ quán. Bên cạnh nó Giu se Mu stapha cũng đang lẩm rẩm ôn bài. Maria con Roxian đang cự nự bọn lừa chạy lẹ quá làm nó ê ẩm bàn tọa. Vai con Roxian thảnh thơi nhất, chỉ cần đưa bản mặt như bánh bao chiều là ngon cơm. Bi thấy con Roxian không cần cố gắng, bản mặt của cỏn lúc nào cũng bí xị rồi.
Có tiếng gõ cửa. Bi chạy vội ra mở. Ánh đèn sân khấu chói mắt. Bi hít không khí vào lồng ngực căng tràn nhựa sống, vươn vai biến thành chủ quán trọ bên đường.

Chủ quán (mở cửa, quan sát y phục của đôi khách lạ, lớn tiếng) : Tới đây làm gì vào giờ khuya khoắt như vầy "
Giuse : Chúng tôi muốn có một chỗ tạm dừng chân qua đêm.
Chủ quán : Đây là quán trọ, có tiền trả không "
Giuse : Tôi là thợ mộc, có thể sửa chữa tủ giường bàn ghế hoặc làm những việc nặng nhọc...
Chủ quán : À, không có tiền hả " Không có tiền thì đi chỗ khác ! Đây chỉ đón tiếp những kẻ có tiền.
Giuse : Xin ông thông cảm, vợ tôi đã đến kỳ sanh nở...
Chủ quán : Đẻ hả " Hết chuyện rồi sao đẻ giờ này " Làm ơn mang nhau đi chỗ khác mà đẻ, quán này không chứa con rơi con rớt !
Giuse (thiết tha) : Xin ông thương người gặp lúc khó khăn, đã bị từ chối nhiều nơi. Quán của ông là cơ hội cuối cùng của chúng tôi...
Chủ quán (hét) : Ta đã nói không là KHÔNG mà, sao ngươi dai quá vậy,Ngoài đồng còn mấy cái chòi trống đó, ra mà sanh ! Vả lại quán ta chật lắm rồi , không thể nhận thêm được nữa !
Giuse ( nước mất lưng tròng, níu tay chủ quán khẩn khoản) : Xin đừng hắt hủi người tỵ nạn...

Bi nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má Mustapha, mủi lòng . Hai chữ " tỵ nạn " như nước sôi làm lòng Bi mềm lại như bún. Tội nghiệp Mustapha, lần đầu tiên lên sân khấu mà không được mẹ đến ủng hộ tinh thần. Trong khoảnh khắc, Bi nhớ tới mấy đứa bạn còn đang kẹt lại trên đảo Phi-Luật-Tân. Những giot mồ hôi lấm tấm trên trán, dưới những lọn tóc quăn tít, lóng lánh dưới ánh đèn sân khấu của bạn làm Bi nhớ mình cũng là kẻ tỵ nạn, nếu không được xứ này nhận, giờ chắc cũng đang mòn mỏi chờ trên đảo... Cao ủy tỵ nạn chưa có, tại sao người cùng cảnh ngộ không đón nhận nhau "
Thời gian sân khấu dừng lại ở cái nhìn của Bi. Có tiếng sụt sùi của ai đó bên dưới.
Phải làm sao" "To be or not to be, that's the question". Là Bi hay là không là Bi, câu hỏi nhức nhối quá! Như người dang tay cân bằng đi trên sợi dây căng làm trò xiếc, cuộc đời luôn là những chọn lựa giữa hai con đường : đi tè hay nín, cho hay không, bỏ hay lấy mà mỗi con đường ta chọn được mất đều có cả.
Cuối cùng Bi quyết định :
- Xin mời ông bà vào đây nghỉ qua đêm, chờ cho bà sanh nở xong thì đi đâu thì đi, đừng đứng ngoài gió lâu quá sẽ cảm lạnh...
Bi choàng tay qua vai Mustapha, dìu bạn đi chậm qua ngưỡng cửa giữa tiếng vỗ tay như sấm nổ.
Hình như bà giáo già đang dậm chân chạy lại kéo màn. Cô Anna sẽ la nhưng chắc chắn má sẽ khen Bi làm đúng...
Sau buổi liên hoan, ba rủ tất cả đi ăn Pizza, Bi rủ Mustapha theo luôn, vì để nó về một mình đã buồn mà không có Bi chơi Game Boy chung càng buồn hơn. Trong nhà hàng, bà ngoại nói mai sẽ trở về Cali. Má nói sao sớm quá vậy. Bà ngoại co vai chịu lạnh như vầy đủ rồi, còn phải về sửa soạn đám cưới nữa chứ. Bà ngoại sắp đi lấy chồng lần nữa. Chồng ngoại làm cao lắm, tổng thống của một chính phủ không có lãnh thổ , không đối lập và chủ trương đấu tranh cho dân chủ tự do... Ba không nói gì. Ông đang làm một cuộc chỉnh huấn âm thầm những kẻ bán nước buôn dân. Theo ba, chính trường muôn đời vẫn là hí trường của những người mặc cảm xấu xí - Washington is Hollywood of ugly people!.
Sau khi ăn, Bi hỏi Mustapha có muốn về chơi games với tao không. Mustapha lắc đầu không, có thể má tao đã về nhà rồi.
Trên đường về nhà Mustapha, xe đi qua một con phố lọ. Ở góc đường có một nhóm thanh niên da đen đang nhảy "rap" quanh một dàn stéréo to tổ chảng. Bà ngoại rụt cổ không hiểu sao mỗi lần đi qua xóm lọ đều thấy sợ sợ làm sao. Ba nói mấy ông cảnh sát cũng khổ sở vì các anh chàng này - rồi quay qua hỏi Bi - con biết muốn bắt một ông đen cảnh sát phải huy động bao nhiêu người không" Bi nói hai, một người chỉa súng một người hỏi giấy tờ. Ba nói đúng có một nửa, phải bốn người lận, hai người nữa phải khiêng dàn stéréo ! Bi ôm bụng cười. Mustapha hỏi tại sao. Bi kể lại cho Mustapha nghe bằng tiếng Mỹ. Tới lượt Mustapha ôm bụng cười ngất, nó lập đi lập lại your dad is really cool!
Ba quẹo xe vào bãi đậu phá sau chung cư nhà của Mustapha.
Bước ra ngoài xe, ngửng đầu nhìn lên ban-công nhà Mustapha, Bi giựt tay áo bạn:
- Má mày kìa!
Mustapha ngửng đầu lên kêu :
- Má... Má!
Tiêng kêu thứ hai thật hãi hùng.
Má nhìn theo và kêu lên :
- Chết rồi anh ơi, chị ấy tính nhảy lầu! Mary! Don't jump!
- Stay alive!
Bà ngoại không hổ danh con nhà văn nghệ, tuy khẩn cấp vẫn sính Bee Gees.
Ba vội vã móc điện thoại di động gọi cấp cứu. Nghe tiếng ồn ào, nhiều khuôn mặt ló ra cửa sổ.
Má đẩy Bi và Mustapha :
- Con với Mustapha chạy mau lên kêu má vào.
Rồi quay sang ba :
- Anh lên với mấy đứa đi.
Chỉ trong cảnh hỗn loạn mới biết ai là manager của nhà này.
Ba người theo nhau chạy vào chung cư. Bi bấm gọi thang máy. Mustapha nóng ruột đi qua đi lại. Có tiếng còi hụ xe cảnh sát. Thang máy mở cửa, cả ba bước vội vào bên trong.
Mustapha mở cửa. Căn hộ chật hẹp nồng mùi rượu. Mustapha nhìn về hướng ban-công và la lên:
- Má! Đừng nhảy, con đây nè!
Nó định chạy ra ban-công thì ba bị nắm áo giữ lại nói phải coi chừng.
Bà Ma ry đang nằm trên thành ban-công, nửa chân trong, nửa chân ngoài. Ngoài trời lạnh ngắt mà bà chỉ phong phanh một bộ đồ thường trên người. Mặt mày thẫn thờ, mắt đẫm lệ:
- Mustapha, hãy để má chết, má có sống cũng chỉ làm khổ con thêm...
- Không, má đừng chết. Má con mình dù gì cũng còn nhau. Mất má con ở với ai"
- Tran đó hả"
Bà biết cả nhà Bi sau nhiều lần được mời tới ăn chả giò chấm ketchup.
- Tôi đây, Ba trả lời.
- Nếu tao có mệnh hệ nào, mày giúp Mustapha nhe. Tội nghiệp nó không cha, mẹ có cũng như không.
- Ma ry, đừng làm chuyện rồ dại như vậy. Phải cố ở lại với Mustapha, với tụi tôi. Có gì từ từ rồi tính...
Trong lúc ba nói chuyện với Mary, Bi rón rén bò tới núp sau ngưỡng cửa mở ra ban-công. Nó quay lại nhìn ba chờ đợi. Ba gật nhẹ và vẫn tiếp tục nói chuyện với Mary.
Bi xoay người phóng ra ôm lấy cẳng của Mary ghì xuống thật chặt. Ba nhào theo sau chụp lấy vai Mary kéo vào và nói xong rồi xong rồi... Đôi chân bà vừa đặt xuống thì Mustapha ôm lấy bà khóc nức nở. Mary vừa khóc vừa hôn lên trán và mặt con vừa nói xin lỗi.
Vừa lúc ấy nơi ngưỡng cửa ra vào xuất hiện bộ đồng phục một nữ cảnh sát. Ba quay ra và nói xong rồi...

Đêm ấy Bi vào giường, thân thể mệt mỏi rã rời sau một ngày nhiều biến động.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Bi chúi vào mền che kín đầu vờ ngủ say. Tiếng cửa mở và bước chân ai rón rén tới gần giường và ngồi xuống nệm. Người ngồi là bà ngoại vì nệm lún sâu hơn.
Bi ngửng đầu lên nhìn bà chờ đợi. Ngoại vuốt tóc Bi rồi nói:
- Mai ngoại đi sớm. Con ở lại mạnh giỏi, rán học cho ba má vui lòng. Bà không ngờ cháu bà giỏi quá.
Bà cúi xuống hun trên trán Bi, mắt bà long lanh. Bi ngồi dậy choàng tay ôm lấy vai và hun lên má bà ngoại. Những giọt nước mắt của người sắp về nhà chồng thật nồng ấm. Đừng khóc nữa bà ngoại ơi. Ngoại còn trẻ, tóc còn vàng, ngực còn căng đầy nhựa silicon và cuôc đời còn nhiều điều mong đợi. Hãy cứ vui mà sống cho hết hôm nay. Bi chân thành cầu chúc cho ngoại được nhiều hạnh phúc, luôn được những gì mong muốn...
Bà ngoại ra khỏi phòng rồi, để lại Bi với những suy nghĩ lơ mơ, Bi thấy ngày hôm nay thật nhiều nước mắt. Bi nhắm mắt lại và từ từ đi vào giấc ngủ bình yên của người thiện tâm dưới thế...

Tim Nguyên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 46,242,449
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo