Hôm nay,  

Duyên Nợ Với Nước Mỹ

31/12/200600:00:00(Xem: 402435)

Duyên Nợ Với Nước Mỹ

Người viết: Anne Khánh Vân

Bài số 1165-1777-485-vb8311206

Anne Khánh-Vân, sinh năm 1974, cư dân Hoa Thịnh Đốn, đã góp một số bài viết đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp kinh tế kế toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc, vừa học thêm. Bài viết về nước Mỹ thứ mười của Anne Khánh Vân là chuyện kể về “duyên nợ” của một gia đình Việt Nam với nước Mỹ.

*

Ngày bà nội tôi còn sống, nội thường kể chuyện đời xưa cho chúng tôi nghe. Ngoài những chuyện thần thoại, cổ tích với các ông tiên, bà tiên, nội tôi còn kể những câu chuyện của đời thật. Nội kể chuyện hấp dẫn lắm nên cứ mỗi lần nội bắt đầu một câu chuyện mới là chị em tôi lại tranh nhau giành cho bằng được chỗ ngồi thật sát bên nội để được nghe rõ từng tiếng nói nho nhỏ chầm chậm của bà.

Hôm ấy, vừa kể chuyện, nội vừa mở cho chúng tôi xem một cuốn album hình. Đó là album hình gia đình, từ cái thời thơ ấu của ba tôi cùng các cô chú anh chị em của ba. Khi nhìn thấy hình ba tôi, đứa em trai út của tôi đã reo lên:

- Ô, có hình của con nè!

Bà Nội tôi xoa đầu nó, cười: "Hình tía con chứ hình con hồi nào! Hình này tía con đã 6 tuổi rồi, lớn hơn con bây giờ!"

Được xem hình ba tôi hồi còn nhỏ, chị em tôi mới thấy thằng út giống ba y đúc, bởi thế nên nhìn hình ba mà nó cứ ngỡ là hình của chính nó.

Để không xảy ra chuyện "nhận bậy" nữa, bà nội vừa lật từng trang album hình, vừa chậm rãi nói cho chúng tôi biết những người trong hình là ai, bấy giờ họ bao nhiêu tuổi và hình được chụp ở đâu,... Khi đến trước một bức hình mà một góc hình như có vết cháy, nội tôi dừng lại và im lặng... Nội làm chị em tôi hồi hộp và sốt ruột quá... bởi những người đứng cạnh bên ba tôi trong hình không có vẻ gì là người Việt Nam. Họ trông rất nhân hậu. Họ lại ôm lấy ba tôi vào lòng như có vẻ rất yêu quý ba tôi. Một câu chuyện mới khác của nội lại được bắt đầu.

- Đây là bức hình duy nhất nội còn giữ lại được. Ba má nuôi của ba của tụi con đó. Họ là người Mỹ.

Chúng tôi cùng nhau trố mắt, "ồ" lên một tiếng, rồi hỏi nội: "Ủa, ba tụi con có ba má nuôi người Mỹ sao nội""

- Ờ... Hồi đó, ông nội tụi con mất sớm lắm khi ba tụi con chỉ mới lên 3. Thấy một mình nội làm lụng, may vá cực nhọc để nuôi nấng năm đứa con, một bà khách Mỹ quen của nội đã giới thiệu nội vào hội của các người Mỹ. Hội này có chương trình nhận con nuôi Việt Nam. Ban đầu nội đâu có chịu... bởi nghèo thì nội chịu nghèo, khổ thì nội chịu khổ... chứ nhất định không đem con mình đi cho ai cả. Nhưng người của hội đã giải thích cho nội biết chương trình này chú trọng đến tinh thần chứ không phải nhận con mình xong rồi thì bắt con mình đi... Nhờ vậy mà nội đã yên bụng và chấp nhận. Sau đó nội đã mang hết cả nhà đi chụp hình và tiến hành làm mọi thủ tục giấy tờ. Khi ông bà người Mỹ này xem hồ sơ và xem hình ba của tụi con và các cô chú, họ chỉ chọn ba của tụi con trong số 5 anh chị em để nhận làm con nuôi. Hàng tháng họ gửi tiền về cho nội để nội đóng tiền học và chi trả những thứ cần thiết cho ba của tụi con. Họ có sang Việt Nam vài lần và ba tụi con đã được gặp gỡ làm quen với họ. Họ rất thương ba của tụi con nên đã hứa sẽ bảo trợ cho ba của tụi con sang Mỹ học đại học khi ba tụi con học xong tú tài, hoặc khi nào ba của tụi con muốn sang Mỹ chơi thì cứ cho họ biết. Cũng nhờ họ thương ba của tụi con thật nhiều mà các cô chú nhà mình đã được hưởng lây, được học hành tới nơi tới chốn...

Nghe nội kể đến đây, chị em chúng tôi bắt đầu trầm trồ. Trong lòng bỗng cảm thấy hãnh diện cùng vui thú khi được làm con của ba. Chị em tôi cứ nghĩ chắc ba mình phải đặc biệt lắm nên mới được những người Mỹ này để ý và thương quý đến như thế. Nhưng sau đó, khi chị em tôi có dịp chuyện trò và muốn ba tôi kể thêm về cha mẹ nuôi của ba thì ông chỉ mỉm cười hiền từ rồi nói: "Ba chẳng đặc biệt gì hơn người ta đâu; nếu có thì có lẽ nhờ ba may mắn hơn họ một chút xíu thôi... "

Nhưng dường như may mắn thường không đến với người ta nhiều lần trong đời! Giọng ba tôi trở nên buồn, rồi nụ cười ba cũng dần phai đi...

*

Nếu kể ra thì ba tôi hụt đi Mỹ ít nhất là 5 lần mà lần nào phần chắc cũng gần 100%.

Lần hụt đầu tiên là khi ba tôi học xong tú tài. Ba mẹ nuôi người Mỹ đã sẵn sàng  việc bảo lãnh cho ông sang Mỹ để vào đại học, nhưng đúng lúc ấy thì trái tim ba đã... trao cho một người và hai người không chịu... xa nhau. Thế là thay vì đi Mỹ, ba tôi vào Không Quân,  kết hôn với người ba yêu và vài năm sau đó tôi đã được sinh ra đời.

Lần hụt thứ nhì là ngay cái ngày dầu sôi lửa bỏng... Làm việc ngay trong phi trường, lẽ ra ba đã lên phi cơ một mình ra đi nhưng ba đã quyết định ở lại,  quay về với gia đình vì trái tim ba lần này đã "trao" cho... tôi, lúc đó còn là con bé mới sinh hơn 6 tháng.

Khi Saigon đổi đời, nếu bà nội tôi không quá lo sợ và đốt hết mọi giấy tờ, hủy hết mọi chứng cớ có quan hệ mật thiết với Mỹ, để rồi sau đó mất hết mọi liên lạc... thì với cương vị con nuôi chính thức của một gia đình người Mỹ, ba tôi cùng gia đình đã được bảo trợ sang Mỹ một cách dễ dàng từ khá lâu.

Sau này, khi diện HO ra đời thì ba tôi lại thiếu một số giấy tờ, thiếu chút điều kiện! Thấy nhiều người cứ lần lượt được đi Mỹ còn con mình thì... đã mất hẳn hy vọng, bà nội tôi xót xa, ngẩn ngơ thường tự trách mình, là vì  cứ nghĩ thiêu hủy hết mọi thứ liên quan đến người Mỹ là để tránh tai hoạ cho con, ai dè đã không tránh khỏi tai hoạ  mà còn bị mất luôn những cơ hội sau này.

Một thời gian sau đó, khi hồ sơ đoàn tụ gia đình do cô tôi bảo lãnh sang Mỹ được xét duyệt phỏng vấn và cho đi thì người chủ hộ là bà nội tôi lại đột ngột tắt thở ngay tại phòng cấp hộ chiếu trước khi cầm được hộ chiếu trong tay...

Nội tôi bị chứng đau tim. Vì quá đỗi mừng vui và hạnh phúc cho con cháu mà niềm vui ấy đã làm nổ tung trái tim của nội tôi. Nội đã bỏ chúng tôi "ra đi" một mình. Tôi khó thể nào quên đi được những hình ảnh kinh hoàng của ngày hôm ấy.

Một buổi sáng mùa hè, ba tôi chở nội tôi ra sở ngoại vụ tại đường Nguyễn Du để làm thủ tục đi đoàn tụ. Xe đã chạy được một đoạn rồi mà nội vẫn quay đầu lại thêm một lần để nhìn chúng tôi đang còn đứng ở cổng nhà nhìn theo bóng ba và nội. Đó là một ngày vui nên trong nhà ai cũng hớn ha hớn hở, cứ nghĩ khi ba tôi chở nội về, mọi người sẽ có hộ chiếu, tuần sau sẽ được cấp visa và có thể là ngay trong tháng ấy chúng tôi sẽ rời khỏi Việt Nam.

Nhưng ai nào ngờ... thình lình, một chiếc xe taxi ngừng ngay trước cửa nhà. Bác tài xế bước ra mở cửa xe. Ba tôi mếu máo ẵm nội tôi ra khỏi xe và khóc: "Bà nội chết rồi mấy đứa ơi!" Chúng tôi hốt hoảng, không tin vào sự thật, kêu khóc: "Ôi! Nội ơi, tại sao nội lại chết, đừng chết nội ơi, tụi con không cần phải đi Mỹ đâu nội, đừng chết nội ơi..."

Ba tôi hụt đi Mỹ, "đám lu la" phía sau ba cũng hụt đi Mỹ theo. "Vậy chắc là... gia đình mình vô duyên với nước Mỹ rồi tụi con ơi!"  

Nhưng nếu nói là... "vô duyên" thì có lẽ tôi còn vô duyên với nước Mỹ hơn vì tôi hụt đi Mỹ nhiều hơn những 5 lần.

*

Khi còn bé, tôi thường hay thắc mắc không hiểu vì sao mà nước Việt mình cứ bị hoài những chuyện giặc giã, chiến tranh, xâm lăng, đô hộ... Đến trường học, tôi được giải thích cho hiểu rằng "Vì đất nước Việt Nam tài nguyên phong phú, vị trí địa hình thuận tiện..."  Vâng, có lẽ là vậy, vì thế mà Việt Nam luôn là miếng "mồi" ngon cho những kẻ đã có nhiều mà vẫn còn "tham ăn", luôn nuôi ý đồ xâm lăng, chiếm đất nước khác!

Như vậy, tôi "lý sự", nếu đất nước nào cũng rộng lớn tương đối bằng nhau, tài nguyên phong phú ngang nhau thì người nào sẽ ở nhà người nấy, dân nào sẽ ở nước của dân ấy, và như thế sẽ không có chuyện giành giựt, sẽ không có chiến tranh và sẽ không có hận thù chăng" Nhưng thực tế không được như vậy nên tôi có một thắc mắc khác: Nếu Việt Nam ta giàu tài nguyên, nếu Việt Nam ta có vị trí địa hình thuận lợi, nếu Việt Nam ta cứ "được" người khác "thèm"... thì tại sao dân ta không ở đất của chính dân ta mà lại cứ lưu vong khắp nơi trên thế giới và hàng ngày vẫn còn những người cứ mong được rời xứ ra đi để có tương lai hơn"

Lần đầu tiên khi xuống thuyền vượt biên, tôi chưa tròn mười tuổi. Tôi đi... là cứ đi theo các cậu, các dì chứ chẳng hề hiểu một chút lý do vì sao mình lại phải từ giả cha mẹ ra đi. Tôi cũng không rõ mình sẽ đi đâu nữa. Chỉ biết đến giờ thì khăn gói cùng cậu dì xuống thuyền đi vào trong đêm tối với niềm tin và hy vọng ngoài ấy sẽ là bình minh, sẽ là ánh sáng... Thế rồi trong cơn rượt đuổi, súng nổ ầm ì, đối diện với cái chết, cuộc trốn thoát bất thành... con bé chưa tròn mười tuổi mới "già đi" và dần dà cảm thấy thêm nhiều điều thấm thía khác.

Phải vì một cái gì đó ở ngay đất nước này, những con người con người bình thường  kia mới có đủ khả năng đè lại bao nỗi đau, bao lo âu sợ hãi để bước xuống thuyền rời xa người thân, rời xa quê hương đất mẹ. Sức mạnh nào đã khiến họ liều lĩnh đến thế khi không thể nào đoán biết được những gì đang chờ đón họ phía trước. Sống hay chết" Thành công hay thất bại" Tự do hay tù tội"

Càng lớn lên, tôi càng cảm nhận thêm được những nỗi đau thầm lặng trong lòng ba tôi. Tôi biết ba tôi buồn, thất vọng và tiếc khi gia đình, nhất là các con của ba, không còn hy vọng "ăn theo" những cơ may của ba để có được một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, ý tưởng "ra đi" trong lòng ba mẹ tôi dần bị đẩy lùi về phía cuối... sau những bận tâm lo toan cho vấn đề mưu sinh, tồn tại... Nhưng với cá nhân tôi thì hai chữ "ra đi" lại không ngừng đeo đuổi đầu óc mình. Tôi đã tin rằng, phải có một lý do nào đó mãnh liệt lắm người ta mới trở nên liều lỉnh và gan dạ đến như chính mắt tôi đã chứng kiến trong những lần vượt biên. Tôi muốn mình cũng phải "đến được bờ bên kia" để có thể thấu hiểu vì sao đã có những người dám đánh đổi mạng sống của họ... Nhưng làm sao tôi có thể ra đi được đây khi trước mắt tôi những cơ may cứ nối đuôi nhau mà lụi tàn.

*

Từ nhỏ, tôi đã nhiều lần nghe nói "Nếu học giỏi sẽ được đi du học nước ngoài," dù vẫn còn mơ hồ chẳng rõ "được đi du học nước ngoài" là có thể đi những đâu, nhưng trong tôi đã âm thầm ấp ủ một mộng ước.

Tôi còn nhớ thời điểm sau khi tôi đi vượt biên không thành trở về, đó là lúc cả nhà đang lâm cơn cùng quẫn.  Của cải tiền bạc trong gia đình  cạn kiệt, mẹ tôi "một mình" đã phải làm việc tận lực, thế  mà vẫn có hôm phải mang đi bán những bộ quần áo cũ để có tiền mua gạo cho chúng tôi ăn. Có lần tôi đã suýt phải nghỉ học, nhưng tôi đã khóc với mẹ tôi: "Con ăn một ngày một bữa cũng được, con chỉ mặc một hai bộ quần áo thôi cũng được, con đi bán vé số sau giờ học cũng được, con thức đến 1, 2, 3 giờ sáng để phụ việc cho mẹ cũng được... chứ con không muốn phải bị nghỉ học." 

Được đi học đối với tôi từ lúc ấy đã là một diễm phúc và dường như chỉ mình tôi biết rõ lý do vì sao tôi cần phải học thật giỏi. Tôi đã nghĩ, nếu phải nhịn đói một vài hôm khi gia đình đang cùng kẹt thì cũng không đến nỗi nào chết; nhưng nếu mình mà "đói chữ" thì suốt đời sẽ mãi đói mà thôi và như thế mới thật là "chết". Vì vậy mà tôi đã cố gắng học hành hết sức mình với hy vọng trở thành một ngọn đèn dù chỉ nhỏ nhoi, le lói trong đêm tối, nhưng nó có thể phần nào sưởi ấm lòng người cha thiếu may mắn của mình, nếu một ngày kia, chính tôi sẽ thực hiện cái ước vọng mà  ba tôi từng nghĩ "không bao giờ còn có cơ hội nữa.

Và rồi sau này, chính chuyện học đã trở thành phương tiện giúp tôi có cơ hội ra đi...

*

Mười lăn năm trước đây, khi một mình rời xa gia đình, đến được nước Pháp, tôi đã mừng thấy mình thực hiện được ước mơ "ra đi" của ba.

Rồi từng ngày trôi qua, trưởng thành hơn khi  tiếp cận với lối sống tự do, văn minh của phương tây, rồi có dịp quan sát, so sánh khi về thăm Việt Nam, tôi đã dần hiểu được ý nghĩa của những chữ "có tương lai hơn" mà ngày trước tôi thường nghe người lớn nói.

Sau một thời gian học tập và làm việc ở Pháp, mọi thứ từ xa lạ dần trở nên thân quen, gắn bó. Khi bắt đầu yêu thích mọi thứ bên ấy, tôi đã nhiều lần nghĩ đây sẽ là nơi mình có thể ngừng chân và bén rễ..."

Càng gần gũi và sống lâu với người Pháp, tôi càng để ý thấy họ dường như không mấy thích Mỹ. Họ thường chê Mỹ quá vật chất và tư bản. Và thế là, vì sống ở Pháp, tiếp xúc với người Pháp hằng ngày, tôi cũng đã ít nhiều ảnh hưởng những tư tưởng của họ. Tôi kiêu hãnh sống ở Pháp, kiêu hãnh mang quốc tịch Pháp, kiêu hãnh nói tiếng Pháp và kiêu hãnh được tìm hiểu, học hỏi và ảnh hưởng văn hóa Pháp... Dù nước Mỹ và gia đình tôi đã có những "trang dài lịch sử," tôi không còn thấy chuyện sang Mỹ là cần nữa. Đi du lịch nơi đâu thì đi, tôi thường chần chừ trước ý định du lịch sang Mỹ dù chỉ là... để biết.

Tuy nhiên, một điều đã luôn khiến tôi thắc mắc (lại thắc mắc!). Nếu người Pháp không thích Mỹ thì tại sao Mỹ vẫn là nơi mà người Việt nói riêng và nhiều dân tộc khác nói chung, thích được đến đó sống hơn hết" Thế là cuối cùng tôi đã quyết định du lịch Mỹ một chuyến để tìm hiểu về nước Mỹ, để biết thêm về cộng đồng người Việt ở Mỹ và để giải đáp những thắc mắc  trước khi để cho mình "mọc rễ" trên đất Pháp.

Và rồi... chuyến đi Mỹ lần đầu tiên ấy...

Tôi nhớ hoài cái hôm đến trước tòa nhà Quốc Hội Mỹ. Nhìn cái cao ốc trắng xóa, nguy nga, phản chiếu xuống mặt nước hồ phẳng lặng, tôi bỗng cảm thấy bồi hồi xúc động lạ thường. Có một cái gì đó như sống lại trong tôi.

Tôi nhớ ba tôi. Nhớ bức ảnh cháy góc ngày xưa bà nội đã cho chúng tôi xem; tôi nhớ lại những người Mỹ trong hình đã nhận ba tôi làm con nuôi. Và tôi đã nhớ sao là nhớ bà nội nhỏ nhắn, đáng yêu, đáng quý của tôi - một góa phụ ở tuổi 33, cả đời chỉ biết hy sinh cho con cháu.

"Nội ơi! Con đang ở đất Mỹ nè nội, cái xứ sở mà chúng ta đã nhiều lần hụt đến, cái xứ sở nơi có một gia đình mà nội đã nợ tình, nợ nghĩa... Ba mẹ nuôi của ba con đang ở đâu nội nhỉ" Nội chỉ dùm cho con đi nội, để con có thể đến đó chào họ, thăm họ, và nói với họ rằng: 'Ông bà nội nuôi ơi, con chính là con gái của đứa con nuôi bị thất lạc của ông bà đây, thưa ông bà.' Nội ơi, nội có nghĩ họ cũng sẽ quý yêu con không" Chắc họ sẽ nhận ra, phải không nội. Vì con là con của... ba con cơ mà, và vì con cũng có cái khuôn mặt hao hao giống cái thằng bé 5, 6 tuổi mà ngày trước ông bà ấy đã chọn nhận làm con!"

Tôi chợt nhớ lời ba tôi đã từng nói ngày xưa: "Ba mong một ngày nào đó sẽ được đặt chân trên đất Mỹ. Đến được thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ba sẽ nói những lời cảm ơn nước Mỹ!" 

Nhớ đến đây, tôi đã thầm thì  với ba mình ở bên kia bờ đại dương: "Ba ơi, ba sẽ đến đây ba ạ! Ba sẽ đến đây! Con không cảm ơn nước Mỹ dùm phần ba đâu. Chính ba sẽ tới đây, chính ba sẽ nói lời cảm ơn của ba với nó!"

Sau 2 tuần đó đây Đông Tây nước Mỹ, trở về lại Pháp, tôi cứ như đã "bỏ quên con tim" của mình bên kia trời Mỹ. Một cái gì đó rất khó hiểu không ngừng thôi thúc tôi trở lại. Nước Mỹ đối với tôi không giống như những những đất nước khác mà tôi đã từng du lịch qua.

Thật lạ lùng, cuộc sống của tôi ngày ấy ở Pháp đã rất ổn định, tôi lại đang định bảo lãnh gia đình sang Pháp cùng sống với tôi. Thế rồi mọi dự tính đã bị thay đổi vì tôi không còn chắc mình sẽ mãi mãi sống ở Pháp. Ba tôi lại một lần nữa hụt đi... nhưng lần này là hụt đi Tây...

Sau đó tôi đã trở lại Mỹ vài lần và vào lần cuối, không biết là nhờ cơ may hay do "định mệnh", sau nhiều khó khăn, tôi tìm được việc làm và được phép định cư.

Thời gian đầu mới sống ở Mỹ, thật tình thì... tôi chẳng thích lối sống Mỹ chút nào. Cái gì tôi cũng đem ra so sánh với Pháp và "chê". Từ các món ăn đặc sản của Mỹ: hầu như chỉ có "Fast foods"... cho đến áo quần giầy dép: chẳng thẫm mỹ lắm; Thậm chí cả mùi nước hoa cũng thấy nồng và nặng hơn dù cùng một hiệu,...

Đời sống tại Mỹ, mọi người ai cũng chạy đua với đồng hồ; một người mà đến hai ba công việc; lúc nào cũng làm việc, làm việc, và làm việc, khó mà còn thời giờ để nhớ đến bạn bè, gia đình, người thân... Trong khi ở Pháp, vì làm việc cho chính phủ, mỗi tuần tôi chỉ làm việc 35 giờ thay vì 40; mỗi năm tôi được gần 7 tuần lễ hè; lương thì những 13 tháng rưỡi. Thế không sướng hơn sao" Bạn bè còn ở lại bên Pháp ai cũng bảo: "Mày phải điên lắm mới quyết định bỏ hết tất cả những gì đã gầy dựng nên được bên này đi qua cái xứ 'máy móc' đó." Lúc ấy tôi chưa biết phải trả lời làm sao... đành đổi thừa cho "duyên... nợ".

Giờ đã quen với lối sống của Mỹ rồi, trở về Pháp thăm, tôi lại thấy đời sống Pháp sao quá ư an nhàn. Thấy mọi người "thong dong" đến phát... thèm. Thôi thì.... nước Pháp sẽ dành để tham quan, du lịch, để nghỉ ngơi, thư giãn, để mộng mơ, yêu đương... Còn Mỹ thì sẽ là nơi để làm việc, để thực hiện tham vọng, để tranh đua, để trở nên tiến bộ, giàu có hơn... Hình như đó  chính là cách trả lời giản dị  cho những câu hỏi mà tôi đã từng thắc mắc trước kia. Người ta không chỉ "ham" Mỹ vì nó giàu, vì nó mạnh, vì nó thật là tự do..., mà còn vì nó luôn có hàng vạn cơ hội cho những ai có chí, muốn tiến xa hơn trong mọi lãnh vực.

Đã tận mắt nhìn thấy những thành quả của người Việt trên đất Mỹ, tôi tự hào mang dòng máu Việt trong người, vì người Việt đã chứng tỏ cho thế giới nhận thấy họ rất thông minh, nhẫn nại, can đảm, có đầu óc cầu tiến, không bao giờ đầu hàng trước những khó khăn và điều quan trọng là luôn rất giàu tình cảm, biết để tâm đến người thân và những người xung quanh.

Đời sống Mỹ cũng có thể hơi "vật chất và máy móc" như người Pháp đã từng nêu ra với tôi, nhưng cũng còn tùy vào mình có thể cân bằng nó ra sao.

Hàng ngày, những người Mễ Tây Cơ vẫn tìm cách vượt biên giới sang Mỹ dù biết bao hiểm nguy, từ  hàng rào, lính gác, tới hiểm hoạ chết khô chết khát trong sa mạc trên đường vượt biên... Những người Cuba không ngần ngại, lo sợ bao hiểm nguy ngoài đại dương, vẫn tiếp tục "chế" những chiếc thuyền cỏn con "lạ lùng" để vượt biên đến Mỹ. Vẫn còn những chiếc tàu buôn Trung Quốc mà trong khoang tàu khi bị khám phá... là hàng trăm người muốn "America Life". Bao đứa bạn Tây trắng, Tây đen, Nam Phi, Nam Mỹ và rất nhiều các nước Á châu khác mà tôi biết, chúng đã buồn bã, thất vọng, xốn xang, có khi đến cả khủng hoảng tinh thần khi giấy tờ hết hạn phải "ra về" vì chúng cũng muốn được sống trong đất Mỹ. Đất nước quê hương của những con người này, như Việt Nam, không còn chiến tranh, cũng không đến nỗi nào quá nghèo đói... nhưng họ vẫn muốn tìm cách ra đi... Phải chăng họ ra đi là để tìm một cái gì đó mà họ vẫn còn thiếu, mà vẫn họ chưa có, vẫn chưa có...

Đã trở thành một công dân của nước Mỹ, tôi có thể tự tin hơn để nói là tôi đã có duyên, có nợ với xứ sở này! Ngày xưa, ba tôi đã được những người Mỹ mở lòng thương yêu, nhận làm con nuôi, cho ăn, cho học, cho lớn lên... Ngày nay nước Mỹ cũng đang mở rộng vòng tay cho tôi cơ hội từng bước thực hiện những ước mơ và nguyện vọng của ba tôi và của chính tôi. Xin được cảm ơn nước Mỹ và cũng xin được mang ơn nước Pháp đã làm chiếc cầu nối đưa tôi từ đất mẹ ruột đến đất mẹ nuôi của ba tôi." 

Ba ơi! Gia đình mình thật sự cũng đâu đến nỗi quá "vô duyên" với nước Mỹ, dù cuộc hành trình của chúng ta thật dài và cũng không thiếu gian nan, thử thách và mất mát!

Con đang chờ ngày được đón ba vào đất nước của bố mẹ nuôi để chính ba sẽ nói lời cám ơn nước Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 47,936,735
Lạnh quá! Gió buốt từng cơn! Đã hơn hai giờ đồng hồ... Vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc xe buýt. Mọi người ai nấy đều cóng lạnh, đi tới đi lui cố gắng cử động để máu huyết lưu thông tạo nhiệt
Một buổi sáng vào khoảng giữa năm 2005, tôi nhận được một phong bì vàng gởi tới bởi phòng an ninh của công ty nơi tôi đang làm việc. Mở ra, bên trong là một xấp tài liệu viết bằng Anh Ngữ
Sáng thứ bảy nhưng trời nóng sớm vì mùa hè còn nợ mấy hàng cây đang hồi xanh lá. Ong Hoàng lẩm bẩm với cây chanh ngoài sân sau, nhổ cỏ, vun gốc, tưới nước…Tánh ông, thích hay không thích
Trước khi viết bài này, tôi có nói với chị Cả của tôi: - Chị à, tui định ca cẩm về cái chuyện đi học nail, đi thi nail rồi đi làm nail để phải "chịu đời" với ba cái chuyện bực mình, nhưng sợ bị "nhàm hàng"
Người Việt Nam mình thường nói "vô phước đáo tụng đình" , có nghĩa là bất đắc dĩ mới đem nhau ra ba tòa quan lớn để phân xử. Bởi vì kiện tụng nhau rất tốn kém, có khi còn tán gia bại sản nữa là khác
Ngoài trời tuyết đang rơi, tuyết thật trắng, như những miếng bông gòn từ trên không rơi xuống, bao phủ mảnh sân nhà tôi, độ dày cả một tấc. Tôi và các bạn tôi đang tụ họp để uống cà phê
Đầu tháng Bẩy, mùa hè, từ miền Bắc, tôi bay về miền Nam California dự ngày hội ngộ của các cựu học sinh trung học Ngô Quyền. Từ phi trường LAX, tôi được hai anh chị bạn đón về vùng
Sức khỏe là một phần tối ư quan trọng trong đời sống con người. Chúng ta ai cũng hiểu biết, nhưng bạn không thể hình dung sức khỏe đã ảnh hưởng trên con người đến mức độ nào!
Trân Nguyên, mi giỏi há con… Mi ỉ làm "bác sĩ" rồi tha hồ đem hết mấy Ôn - Cha - Chú lên mổ xẻ … toang hoang cho thiên hạ hắn tròn xoe con mắt hết trơn… À há. Mi có ngon kỳ ni viết chuyện
Tôi đọc lại bài thơ đó bằng hồi ức, không thể nhớ tên tác giả. Sergey Tkachenko là ai, đứa trẻ Nga nào có đôi mắt xanh như tuyết đứng bên bờ Volga, như một ly rượu vang đầy ắp, như điệu dân ca