Hôm nay,  

Gặp Lại Ông Rọm

05/11/200600:00:00(Xem: 179321)

GẶP LẠI ÔNG RỌM

Người viết: Nguyễn Thị Huế Xưa

Bài số 1137-1746-459-vb7281006

Tác giả là cư dân Austin, Texas, làm việc trong bệnh viện thành phố,  đã góp nhiều bài viết  sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006. Một trong những bài viết đặc biệt trước đây của bà là “Chuyện Ông Rọm,” viết về một cựu biệt kích gốc Việt tàn tạ bị đuổi việc tại bệnh viện. Bài mới hồi sau của chuyện

*

Mười một giờ rưỡi sáng thứ bảy thành phố Houston đông đúc xe cộ, khói bụi ngập trời.  Thành phố đã nhiều lần tôi ghé đến nhưng không bao giờ có ý định dừng chân vì đối với tôi nơi chốn nhộn nhịp này thật là ngột ngạt, khó thở.  Con đường xa lộ cong vòng với những đoàn xe vun vút nối đuôi nhau.  Tôi nhìn đồng hồ mà lòng nóng như lửa đốt, còn nửa tiếng nửa thì làm lễ rước dâu mà giờ này ông xã còn lạc lòng vòng trên hướng bắc của xa lộ 59.  Từ đây mà tới nhà gái cũng phải mất 20 phút nếu không kẹt xe. 

Hai vợ chồng tôi vì được tiếng là "mát tay" nên được anh bạn nhờ đại diện đàng trai đến giạm ngõ xin cưới vợ cho con.  Ngày trọng đại như thế này mà đến trể thì bậy lắm vì anh bạn đã coi ngày và giờ thật kỹ lưỡng, anh ấy cứ dặn đi dặn lại là phải làm sao canh cho đúng giờ Ngọ tức là mười hai giờ trưa thì hãy gõ cửa nhà gái liền vì giờ đó hạp với tuổi của hai đứa nhỏ.  Ngày lành giờ tốt thì hai trẻ mới kết hợp nhau cho đến trọn đời.  Tôi càng nhìn đồng hồ thì ông xã tôi biết ý càng nhấn ga cho xe dọt nhanh hơn.  Tôi cứ van vái thần trong bụng là đừng để cảnh sát bắt phạt về tội chạy nhanh thì hỏng hết mọi sư.

Khi chúng tôi đến nơi thì nhà trai có khoảng chừng chục người đã đứng ngoài đường chờ. Tất cả đều sẵn sàng mâm qủa hẳn hòi.  Chú rể mặt mũi bơ phờ mặc áo dài xanh khăn đóng lăng xăng đi tới đi lui trên bờ đường trông thật tội nghiệp. Anh bạn thấy mặt chúng tôi thì mừng rỡ hẳn và tôi cũng thở phào nhẹ nhm, còn năm phút nửa mới mười hai gìờ.  Tôi vuốt lại vạt áo dài nghe anh bạn dặn dò lần cuối và cùng ông xã tôi mạnh dạn lại gõ cửa nhà cô dâu. 

Cánh cửa đưọc trang hoàng rực rỡ với hai chữ vu quy đỏ tươi thắm từ từ mở rộng.  Tôi nhìn sửng người đàn ông đại diện cho nhà gái.  Thân hình gầy guộc nhỏ nhoi trong bộ đồ tây màu đen rộng thùng thình, mái tóc lưa thưa vài cọng buộc bó lại đằng sau ót, đôi mắt nhỏ sâu hút và giọng nói nặng nề miền trung: 

“Mời cô chú vô nhà.”

Tôi nói nhỏ một mình: A lại gặp ông thằng rọm.  Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

“Ông thằng rọm” là tên một nhân vật trong truyện “Mưa Trên Cây Sầu Đông” của bà Nhã Ca, được mô tả là ngang bướng tức cười. Tôi mượn biệt danh này để gọi ông. 

Thật ra, ông là một cựu biệt kích Việt Nam Cộng Hòa tên Danh sau bao năm đi tù cải tạo về được sang Mỹ theo diện HO, nhưng đến xứ người thì sống một cảnh đời thất chí.  Cách đây gần hai năm ông ta làm lao công trong nhà thương nơi tôi đang làm việc, vì những khó khăn riêng tư nên ông phải từ chức và từ đó tôi không biết ông trôi giạt nơi đâu.  Tôi vẫn thường nhớ tới ông với đời sống vất vả và tự hỏi không biết bà vợ hay giựt kinh phong của ông đã bớt bệnh chưa. 

Thường ngày tôi đi làm hay mặc đồng phục của y tế hoặc   phục, có lẽ hôm nay tôi mặc áo dài nên chi sau vài giây phút bỡ ngỡ có lẽ ông cũng đã nhận ra tôi nhưng vì chưa tiện để tay bắt mặt mừng cho nên ông chỉ nhìn tôi mỉm cười gật đầu chào.

Buổi lễ cưới tại gia diễn tiến rất êm xuôi.  Bàn thờ gia tiên được chưng dọn thật kỹ càng và long trọng.  Hình ảnh của hai họ nội ngoại được chưng trên bàn thờ, hai bên bàn là hai cặp đèn đỏ cao có trổ hình con rồng. Đặc biệt nhất là hai qủa đựng trái cây sắp xếp theo hình hai con phụng thật là khéo léo. 

Tôi không biết ông rọm liên hệ với nhà gái như thế nào nhưng hôm nay ông ta là chủ lễ.  Nhà gái đứng sắp hàng bên phía tay trái của ông và nhà trai thì bên tay phải. Khi cô dâu mặc áo dài hồng thướt tha được hai cô phụ dâu dìu từ phòng đi ra thì ông ra hiệu cho cả cô dâu và chú rể đứng giữa bàn thờ tổ tiên.  Hai vợ chồng tôi đại diện nhà trai chính thức ngỏ lời xin hỏi cưới, ông rọm chính thức đại diện nhà gái đưa lời chấp thuận.  Sau  khi cả hai bên giới thiệu gia đình quí tộc xong thì ông rọm bắt đầu đốt hai cặp đèn lên cho cô dâu và chú rể làm lễ ra mắt ông bà. Ông rọm cũng đốt thêm ba thẻ nhang, một thẻ đưa cho cô dâu, một thẻ đưa cho chú rể còn một thẻ ông kính cẩn cầm và vái xá bàn thờ. Sau khi xá ba xá ông bắt đầu nghiêm trang khuấn nguyện:

"Hôm nay ngày lành tháng tốt kính hương hồn hai bên nội ngoại về đây chứng kiến cho hai trẻ nên duyên chồng vợ, ăn ở với nhau cho đến khi đầu bạc răng long. Hai họ Trần Nguyễn kể từ đây ràng buộc với nhau trong tình thân ái gia đình. Trai tài gái sắc ăn nên làm ra, vợ chồng thuận hòa, con cháu an khang....."  ông rọm còn nói rất dài dòng, giọng nói mang âm hưởng miền trung dày đặc nhưng có một chút gì rất quyến rũ với những lời khấn cùng chúc tụng.  Tôi ngạc nhiên nhìn ông, không tưởng tượng đây là một người lính lực lượng đặc biệt một thời ngang dọc chống cộng. 

Ông bây gìờ giống như một người đang an phận với cuộc đời. Bổng nhiên tôi để ý đến nét mặt khắc khổ của ông và con mắt phía bên phải của ông đều đặn giựt liên hồi, những nhịp giựt của con mắt đi đều với những lời nói từ tốn.  Tôi bắt đầu hơi thắc mắc nhưng lại phải chú ý đến diễn tiến của buổi lễ.  Sau khi ông nói xong lời khấn nguyện và hai trẻ làm lễ gia tiên xong thì những chiếc khăn trùm đỏ  trên mâm qủa đuợc mở ra để phơi bày những món nữ trang đi cưới, những trà, rượu, trầu cau xứ này đều có đầy đủ hết,  có cả bánh xu xê với nhãn hiệu song hỷ . 

Thủ tục nhận lể vật đeo bông tai, đeo nhẫn cho cô dâu xong thì ông rọm ngỏ lời xin họ hàng quan khách thứ lỗi nếu trong buổi cưới tại gia hôm nay có điều gì xơ suất và cũng nhắc nhở mọi người là buổi tiệc chính vào lúc sáu giờ chiều tại nhà hàng Kim Sơn.  Kế đó ông mời tất cả qua bên phòng ăn để nhập tiệc trà. Tôi nghe người trong nhà gọi ông rọm là bác Hai.  Bác Hai mời ba mẹ cô dâu và chú rể đi trước trong khi họ hàng sắp hàng đễ lấy thức ăn. 

Tôi lấy xong thức ăn thì ra ngồi ở một góc bàn và thấy ông rọm từ từ đi đến, ông cười cười hỏi tôi:

“Cô còn nhớ tui không"”

Tôi cũng cười và nói:

“Ai mà quên chú được.  Mà chú có nhớ tôi không"”

Ông rọm trợn mắt:

“Tên cô là quê hương của tui răng tui quên được.”

Phản ứng trẻ con và câu trả lời mộc mạc của ông làm tôi cảm động.  Sau khi đã hết bỡ ngỡ và giới thiệu ông với nhà tôi, ông rọm ngồi bên cạnh và dường như đọc được sự quan tâm của tôi, ông bắt đầu kể cho tôi nghe đời sống của ông trong những ngày tháng qua.

Gần hai năm trước sau khi ông không còn làm việc ở nhà thương nữa thì ông đã lần lượt làm không biết bao nhiêu công việc khác mà chổ nào cũng chỉ được vài ba tháng rôì thôi. Lần cuối cùng ông đi làm cho một hãng đồ hộp và chỉ trong vòng hai tháng thì bị đuổi sở.

 Vẫn giọng nói ngang bướng như dạo nào ông kể:

“Cô coi đó đời tui ở cái xứ này nó dị hợm chi lạ, đi làm toàn với mỹ đen hay mễ thôi.  Mà tụi nó ... vô hậu kế đợi lắm cô, tui ngồi ngủ trong phòng tắm có một chút mà tụi hắn đuổi tui.”

 Tôi nhìn ông sững sờ... cũng câu nói ngang ngược bất hủ, cũng tại cái tội ngủ gục và tôi nghĩ ngay đến bà vợ với căn bệnh giựt kinh phong mà có lẽ đó là nguyên do ông rọm không có thì giờ ngủ.  Tuy nhiên tôi cũng trách nhẹ: 

“Chú ngủ ngồi có sướng ích chi mà để cho bị mất việc một lần nữa.”

Ông rọm nhìn tôi nhoẻn nụ cười hóm hỉnh:

“Cô không biết chứ từ nhỏ tới lớn tui chỉ ngủ ngồi thôi nên quen rồi không bao giờ nằm giường.”

Tôi nhìn ông rọm nghi ngờ thì ông kể tiếp là thuở nhỏ theo bà mẹ bán chè dưới đò nên ông quen đi thói ngủ ngồi dưới khoang đò. Ông còn nói ngủ dưới đò rất thú vị vì khoang đò tuy chật hẹp nhưng nước sông đánh bồng bềnh, người cứ lắc lư như em bé được ru nôi nên ngủ ngon lắm.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.  Lúc trước làm trong nhà thương tôi thường lấy gìờ ăn trưa để có dịp trò chuyện cùng ông mà có bao giờ ông nói cho tôi nghe những chuyện kỳ thú này đâu, rồi tôi tưởng tượng đến hình ảnh người chiến sĩ lực lựợng đăc biệt này ngồi...ngủ trên những cánh dù tung gió.  Tôi bật cười một mình làm ông rọm có vẻ hơi giận nên ông nói cô không tin thì cứ hỏi... vợ tôi đi.  Tôi cười vì sự tưởng tượng vớ vẩn của tôi thôi cho nên sợ ông phật lòng tôi lật đật hỏi:

“Ngày xưa chú là lính biệt kích phải không"”

Đôi mắt sâu hũng của ông rọm với cái nhìn xa vắng:

“Thời đó xưa rồi cô.  Lúc sau này tui về làm phòng mật cho nên mới bị đi học tập, còn đám anh em nhảy dù thì bị tụi nó nhốt rục xương trong tù rồi.  Tui ở lại với đám anh em thời đó thì có chết cũng chết vinh...”

Ông rọm nói xong thì nhấp thêm tí rượu, đôi mắt nhỏ sâu hũng chứa chan sự buồn bã vô biên. Phải rồi, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sinh tử Bắc Nam thì có màng chi đến cái chết, nhất là chết để bảo vệ quê cha đất tổ của mình. Tôi cũng là con cháu nhà binh nên tôi cảm thông được thâm tình của ông đối với binh nghiệp và đồng đội một thời.

Theo lời ông rọm kể thì cái chứng nhức đầu khinh niên nó tiếp tục  hại ông. Tôi nhìn nét mặt khắc khổ, nhăn nheo và con mắt bên phải của ông chớp giựt liên hồi thì tôi nghĩ là cuộc đời trôi nổi của ông nó hành ông thì nhiều hơn. Tôi đột ngột hỏi:

Chú có vẻ buồn phiền nhiều, có lẽ chú uống thuốc an thần phải không"

Ông rọm nhìn tôi bối rối:

“Cách chi mà cô biết được"”

Tôi chỉ đoán thôi vì triệu chứng tự động giựt gân mắt (máy mắt) một bên và một bên miệng (dyskinesia) là phản ứng của những người uống thuốc an thần dài lâu.  Có lẽ ông nhớ ra là tôi có cái tật hay lo lắng, hỏi han về những vấn đề bệnh hoạn nên ông rọm nhìn quanh quất các quan khách rồi hạ giọng nói nhỏ với tôi:

Buồn thúi ruột cô nờ, tui chán đời, bứt rứt nên tui uống đại thuốc an thần của vợ tui, mấy tháng sau đi bác sĩ bị rầy rà qúa rồi rút cuộc ông cũng cho tui uống một ngày hai viên thuốc nhỏ trắng trắng, vàng vàng....

Tôi đoán có lẽ ông uống thuốc Haldol, một loại thuốc an thần thông dụng.

Ông rọm đứng lên đi lấy thêm một ly rượu rồi tiếp tục câu chuyện.  Được biết sau khi nghỉ ở hãng làm đồ hộp ông rọm chán nản và lo lắng vì bà vợ của ông đã bớt giựt kinh phong nhưng lại sanh ra chứng mất ngủ và mỗi đêm như vậy thì bà cứ đi vòng quanh nhà, có khi còn đòi mở của đi ra ngoài đường. Ông rọm rất khổ sở, ông thức suốt sáng để canh chừng bà vợ sợ bà làm quấy hại đến tính mạng. Người ông rọm đã...rọm rồi mà ăn uống, ngủ nghê không đủ nên càng ngày càng còm cỏi thêm.  Ông không đi làm lụng chi được nên hai vợ chồng sống trong căn nhà hai phòng khu chung cư của chính phủ trợ cấp và nhờ vào vài trăm đồng tiền xã hội mổi tháng.

Vợ ông càng ngày càng bệnh nặng, suốt ngày cứ lầm lầm lì lì, ngồi ngủ gà ngủ gật trên ghế, ban đêm thì thức đi lòng vòng.  Thêm vào đó bà ta không thiết tha gì đến ăn uống, đến diện mạo.  Ông rọm cho biết là ngày nào cũng phải kho cá, nấu canh, năn nỉ lắm bà mới ăn dược chút cơm, hai ba bửa ông lại phải tắm rửa cho bà vợ.

Tôi nghe đến đây thì mường tượng đến ông thằng rọm của bà Nhã Ca trong "Mưa Trên Sầu Đông" khi bà ngoại của Đông Nghi mỗi tối ra lu nước tắm thì réo ông thằng rọm ra kỳ cái lưng nhăn nheo như vỏ cau khô của bà. Có một sự nhẫn nại nào đó của cả hai ông rọm làm tôi thấy mến thương.  Ông rọm tâm sự:

“Ai cũng khuyên tui nên xin cho bả vào viện dưỡng lão ở vì thấy tui lo không xuể, nhưng tui làm như rứa thì bất nhân, bạc nghĩa qúa. Vả lại, vợ tui vô trong nớ tụi Mỹ nó nói ba xí, ba tú thì  biết đường đâu mà xoay trở.”

Dường như lâu ngày không có ai để trút hết nổi lòng nên ông rọm nói miên man cho tôi nghe về nổi đau buồn không đo lường được của ông. Ông là người sống vì tình, vì nghĩa.  Bà vợ hiện tại của ông mặc dù là người đến sau nhưng đã chia xẻ những cay đắng ngọt bùi trong nhũng ngày tàn tạ của cuộc đời ông sau khi ông đi cải tạo về.  Nhắc đến bà vợ trước ông rọm cay đắng:

“Mụ ...ngựa thượng tứ...lúc trước mụ lãnh tiền tử của tui.  Ngày tui đi cải tạo về mụ lấy thằng cộng sản, xin lỗi cô nghe, rõ ràng là bông hồng cắm bãi c...  trâu...”

Ông rọm ứa nước mắt sau khi thốt ra những lời hằn học đó. Tôi nghĩ ông còn thương bà vợ cũ và không trách móc bà bằng trách hoàn cảnh oái ăm, ông căm giận thời thế đổi thay. Thời thế tạo anh hùng nhưng ngày nay anh hùng đành phải nhẫn nhục vì trong cuộc chiến bao giờ cũng có những thua thiệt thương đau, những mất mát tàn nhẫn. Ông còn nói tiếp: 

“Trái tim và đầu óc mình sinh ra là đã thuộc về nền cộng hòa chân chính thì tụi nó có ép đến mấy cũng không hòng mị đưọc tư tưởng của mình, bày đặt cải với tạo.”

Tôi nghe ông rọm nói vừa buồn vừa cảm phục.  Đất nước có mất nhưng tấm lòng chung thủy và tinh thần cường tráng vẫn tồn tại mãi trong lòng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Ông rọm còn nói say sưa về những bạo tàn, điêu đứng của cuộc chiến đã qua trong hơn ba mươi năm. Ông bảo rằng nếu bà vợ của ông không đau yếu thì ông cũng xin đi theo chân ông Lý Tống về phục hồi quê hương vì ông không có gì để lưu luyến ở xứ người.  Ông nhớ tới giòng sông, ông nhớ tới con đò, ông thương thời chiến đấu sát cánh bên những anh em chiến sĩ oai hùng lẫm liệt.  Ông tâm sự tiếp:

“Đời tui đứt đoạn rồi cô, đứt như sự nứt rạn của chiếc vòng ngọc mà vợ tui không may làm bể thành đôi.”

Tôi nhớ đến câu chuyện chiếc vòng ngọc cứu độ mà cách đây mấy năm cả ông và vợ ông tin tưởng là nhờ sự linh thiêng của nó mà bà vợ ông sống thoát qua cơn mổ màng óc.  Không cần hỏi ông rọm đã cho tôi biết thêm chi tiết là bà vợ ông bị té một lần và khi chống tay vào thành cửa chiếc vòng ngọc luôn luôn mang trên tay bị bể làm hai.  Ông cố gắng đem chiếc vòng đến tiệm nữ trang mong gắn lại, chiếc vòng mặc dầu vẫn còn trong ngắt màu huyết dụ nhưng sự rạn nứt là một dấu tích được gắn lại bởi một mảnh vàng nhỏ ngay chính giữa.  Nó không còn là một chiếc vòng tròn nguyên thủy nữa, giống như khối óc tròn của bà vợ ông không còn nguyên vẹn sau cơn mổ óc với vết sẹo dài chạy ngang vành đầu.  Từ đó ông đâm ra chán nản.  Khi nhận được tin của một người bạn cũ đang làm chủ một cửa tiệm chạp hóa ở Houston và người bạn này rủ ông lên đây sinh sống thì ông nhận lời ngay. 

Đến Houston ông xin được trợ cấp tàn tậtcho bà vợ ( SSI) và xin luôn được trợ cấp nhà.  Mỗi ngày ông ra cửa tiệm của ông bạn uống café và tán dốc năm ba phút rồi về đưa bà vợ đến ngôi chùa phía bắc của thành phố.  Nơi đây bà vợ của ông thẩn thờ ngồi lượm những chiếc lá rụng trong sân chùa còn ông thì nghe kinh kệ và tiếp giúp làm những chuyện lặt vặt trong chùa.  Cũng trong khoảng thời gian này ông rọm tìm sự thanh thản cho tâm hồn bằng cách học đọc kinh cầu an, cầu siêu cũng như những kinh lễ khác, cùng cách sắp đặt bàn thờ cho những buổi lễ.

Nhờ tính tình điềm đạm, cách trình bày bàn thờ khéo léo và sự khấn cầu thành thật của ông mà những người quen lần lượt nhờ ông làm chủ lễ cho những đám cưới tại gia, và cái tên bác Hai cũng từ đó mà ra. 

Bây giờ tôi mới biết là ông không có liên hệ chi với gia đình nhà gái hết.  Buổi tiệc cưới đơn giản nhưng khá vui nhộn rồi cũng tàn.  Trong khi tôi cùng mọi người chào từ giã, tôi có hẹn là chiều nay sẽ gặp tại nhà hảng Kim Sơn thì ông rọm lắc đầu:

“Tui đi không được đâu cô, gửi vợ tui lâu qúa bà lại đâm ra quẩn trí.  Nãy gìờ đi là đã qúa sức rồi, chiều nay phải..."baby sit" bả đó mà.”

Khi bàn tay xương xẩu của ông bắt tay tôi, ông nói hy vọng sẽ có dịp gặp lại, tôi cũng nói thầm trong lòng là mong lần gặp gỡ tới, đời sống của ông bớt lao đao, và mong sẽ còn dịp đuợc nghe chú Danh, ông rọm, bác Hai, người cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa năm xưa kể  chuyện về những chiến công oai hùng của ông và đồng đội khi bảo vệ đất nước.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 47,947,540
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo