Hôm nay,  

Tâm Tình Quanh Một Chuyến Về Quê

02/06/200600:00:00(Xem: 164441)

Người viết: AI CƠ HOÀNG THỊNH

Bài số 1024-1633-346-v3300506

*

Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria, Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994  tại Thành phố Footscray) & Teacher of the Year 1997 tại tiểu bang Victoria. Kinh nghiệm nhà giáo đã được bà chia sẻ với bạn đọc qua loạt bài “Nhật Ký Cô Giáo Lớp Cuối Tuần”. Bài viết của bà lần này là một bút ký từ một chuyến về thăm quê Mẹ, cuối năm 2005.

*

MẸ VÀ DÌ

Mẹ tôi năm nay 86, bắt đầu trở bệnh lãng trí nặng. Khi thì cụ thống trách đôi tay đôi chân vụng về, lẩy bẩy, vô dụng của  mình. Khi thì cụ lộ vẻ hoảng hốt hoặc tự dằn vặt về những đổ vỡ, hư hại do sự "hoá đần độn" của mình gây ra. Khi thì cụ uất ức vật vã kêu khóc vì nhận ra giai đoạn tang thương cuối đời đã thực sự đến với mình rồi.

Bố tôi từ ngày mừng thượng thọ 90 cách nay gần hai năm thì sức khoẻ yếu đi song trí óc vẫn rất minh mẫn. Tính bố tôi lại ngăn nắp, chu đáo và nguyên tắc, nên ông cụ trở thành nạn nhân đáng thương và tuyệt vọng nhất, khi phải thường trực chứng kiến và đương đầu với hậu quả căn bệnh Suy-sụp-trí-tuệ của bà cụ.

Đám con cháu như chúng tôi cũng phải giấu đi sự căng thẳng và đau khổ, cố tìm hiểu và áp dụng nhiều phương cách giúp mẹ tôi bớt mặc cảm và thêm an vui.

Một trong những phương cách ấy có lẽ là: chiều theo ý nguyện của người bệnh.

Mẹ tôi còn người em gái ruột, tên Đức, hiện sống ở Sóc Sơn, quê chồng. Bố tôi đông anh chị em ruột và anh chị em họ lắm, nhưng mẹ tôi thì độc nhất chỉ có dì Đức. Mẹ và dì giống nhau từ lời ăn tiếng nói, tính tình, đến nét mặt và vóc dáng. Hai chị em yêu quý nhau vô vàn song định mệnh chỉ cho được sống chung dưới mái ấm gia đình một thời gian quá ngắn ngủi. Mẹ tôi mười ba tuổi thơ dại, đang còn mê chơi bán hàng, lò cò, ô quan với em gái, bỗng bị bắt làm cô dâu, bị gả vào một nhà chồng giàu có nhưng khắc nghiệt và cổ hủ. Từ 1954, đất nước chia đôi, mẹ tôi theo chồng di cư vào Nam, dì kẹt lại Bắc, hai chị em tưởng đành chia lìa mãi mãi. Sau 1975, trong khi bao nhiêu người thân từ miền Bắc nhào vào miền Nam để nhận "hàng" thì dì Đức đã lặn lội muôn dặm đường gian nan, đội mâm quà đầy ắp đến nhà tôi để nhận "họ". Tin vào lời tuyên truyền, dì tưởng dân miền Nam đói rét, nên đem gạo, nếp, đường, bột ngọt, vải nylon tiếp tế cho gia đình chị, để rồi ngỡ ngàng thấy toà nhà bốn tầng của chị mình sao đầy ắp những thứ mà dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa như mình có phấn đấu lao động mấy đời cũng không sắm nổi. Tiếc rằng chị em chưa mừng tủi hội ngộ, hàn huyên được bao lâu thì lại tiếp tục nghìn trùng cách biệt, vì gia đình tôi vượt biên và định cư ở nước ngoài.

Đó là nỗi u uẩn lớn nhất trong lòng mẹ tôi, nên cụ hay hờ khóc, gọi tên dì Đức trong những cơn mê sảng. Thâm tâm cụ xót xa thương người em gái út ít, bé bỏng, ra đời giữa lúc cha mẹ làm ăn thất bại, điêu đứng và khi lấy chồng lại gửi thân vào nơi quá chật vật, quê mùa. Biết thế, nên tôi vỗ về : "Mẹ có muốn con dắt mẹ về Sóc Sơn thăm dì không"". Đôi mắt mỏi mệt của mẹ tôi chợt sáng lên, song lại mờ đi ngay: "Mẹ đi thì ai ở nhà trông nom bố" Mẹ không đi được đâu!" Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp cho cái phản xạ tự nhiên của người đàn bà Việt nam tiêu biểu, dốc lòng chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng con dòng dã bảy mươi mấy năm trời, trước khi ngã bệnh! Tôi cố nén để khỏi bật ra câu nói dại dột: "Chính bố đang phải trông nom mẹ đó, mẹ ơi! Bố đuối sức lắm rồi, chúng con đang loay hoay tìm cách giúp bố..."

Một lần nào đó, bố tôi dịu dàng gợi ý : "Hay là, con thay mẹ về thăm dì. Mang theo máy quay phim, thu cảnh sinh hoạt hàng ngày của dì, đem về đây chiếu cho mẹ xem." Tôi miệng vâng dạ, mắt nhìn sâu vào mắt bố tôi, thầm hiểu bố tôi đang tha thiết muốn chữa tâm bệnh cho mẹ tôi bằng tình thương và bằng những hình ảnh thân yêu mà mẹ tôi khao khát được ấp ủ.

BẠN ĐỒNG HÀNH

Uyên - con gái tôi - học hành rất chăm và giỏi, nên tôi đã hứa thưởng cho cháu một chuyến du lịch đến nơi nào cháu chọn, vào dịp nghỉ phép cuối năm nay. Cháu vẫn háo hức mơ được đặt chân tới những thành phố hoa lệ bên châu Âu. Nay tôi phải dò xem cháu nghĩ sao nếu tôi đưa cháu về thăm quê nghèo VN, một nơi cháu cũng chưa hề đặt chân tới. Tưởng Uyên sẽ từ chối phắt đi như nhiều lần trước đây, không ngờ Uyên vui vẻ nói: "Ý kiến hay đấy mẹ ạ. Chị Khanh và chị Thuỵ từ Seattle cũng về VN trong khoảng thời gian này. Con muốn gặp và đi chơi với hai chị! Vả lại, con nghe bạn con nói đồ  hiệu  ở VN rẻ lắm."

Anh Tiến - chồng tôi - giật mình mường tượng ra viễn ảnh bà-vợ-hay-xỉu dắt đứa-con-gái-lớ-ngớ về VN nên đột ngột quyết định cùng đi, lấy cớ là để bảo vệ vợ và hướng dẫn con. Tôi thầm hiểu mục đích chính của anh là về gặp lại và bù khú với bạn bè cho thoả thích, và đây cũng là điều tôi luôn khuyến khích, hỗ trợ anh  thực hiện.

Gấp rút mua vé máy bay về VN vào thời gian cao điểm cuối năm không phải là điều đơn giản. Nhất là năm nay du khách e ngại nạn khủng bố tại các nước khác nên ồ ạt dồn về VN. Song bà giám đốc công ty du lịch Viễn Đông, mẹ một em học trò cưng của tôi, đã sốt sắng lo vé và các thủ tục cần thiết cho chúng tôi một cách chóng vánh. Bà không những chẳng tính một chút hoa hồng nào mà còn ưu ái tặng vé máy bay cho Uyên nữa!

Hàng loạt thuốc chủng ngừa dồn dập đem các loại vi trùng vi khuẩn độc địa vào tấm thân đầy mầm bệnh của tôi, quật tôi nằm liệt giường, tưởng phải huỷ bỏ chuyến đi. Anh Tiến và Uyên cũng chích ngần ấy thứ, y hệt tôi, song vẫn phây phây. Chị Thu Nguyệt, bác sĩ  gia đình và cũng là bạn chí thiết của tôi, chích cho tôi mũi thuốc khoẻ và cười bảo: "Không sao đâu. Như vậy chứng tỏ thuốc ngừa có hiệu quả tốt. Chúc bồ đi chơi vui vẻ nhé!"

NGÀY LÊN ĐƯỜNG

Chuông đồng hồ reo đúng 4g sáng, nhưng không đánh thức ai, vì chúng tôi đã thức trắng đêm chuẩn bị hành lý, nói chuyện, ca hát ồn ào vui nhộn, và sẵn sàng để ra khỏi nhà khi chuông reo. Quân lái xe đưa bố mẹ và em gái ra phi trường. Mới 18 tuổi mà nó đã chững chạc, ra vẻ người lớn lắm rồi.

Vắng khách nên thủ tục check-in, lấy boarding pass rất nhanh. 6g máy bay Qantas cất cánh và 7g20 hạ cánh xuống Sydney, đúng y như giờ ghi trên vé. Nhưng đến trưa, khi chúng tôi chuyển sang Vietnam Airlines thì thấy ngay sự khác biệt: giờ cất cánh bị chậm trễ hơn một tiếng đồng hồ và các tiếp viên trẻ đẹp khá hà tiện nụ cười nhất là với khách đồng hương.

Sau 8 giờ bay, phi cơ hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất trong cơn mưa tầm tã. Phi trường mới tinh và khang trang. Hành khách kiên nhẫn xếp hàng dài trước mười quầy hải quan, chờ làm thủ tục nhập cảnh. Uyên thì thầm vào tai tôi: "Trông họ dễ sợ quá trong những bộ đồng phục màu quân đội, phải không mẹ" Mặt họ vô cảm như những bad guys trên tivi con thường xem vậy đó!" Đến lượt mình, Uyên hồi hộp lắm, nhưng vẫn lưu loát trả lời các câu hỏi và không bị hoạnh hoẹ gì. Thật bất ngờ, dù không có tờ đô la nào kẹp trong sổ chiếu khán, khuôn mặt xương xảu lạnh lùng của anh hải quan thoáng hiện nét cười hiếm hoi : "Em nói tiếng Việt giỏi lắm. Đi chơi vui nhé!"

Nhận và kiểm soát xong hành lý thì đã 6g chiều! Vừa bước ra ngoài, chúng tôi bị ngay một bầu không khí nồng nực bao chụp lấy, nhức đầu và khó thở liền! Vậy mà, em Đạt tôi, người chị họ và những đứa cháu thân thương của tôi đã phải chen chúc ngóng đợi chúng tôi suốt 2 tiếng đồng hồ trong cái nóng ẩm, ngột ngạt này rồi! Tôi muốn ôm từng người, giới thiệu với Uyên, song mắt tôi hai dòng lệ nóng chỉ chực tuôn trào, nên tôi cố cười nói làm vẻ tỉnh bơ để tự trấn tĩnh mình.

Lên taxi, trực chỉ PN Guest House. Người đâu, xe gắn máy đâu mà ùn ùn tuôn ra đường phố như thác lũ thế này! Kèn xe liên tục réo đinh tai nhức óc. Chi chít những dòng xe đan kịt lấy nhau, lao ập vào nhau, thách đố bất kỳ luật giao thông nào trên thế giới!  Uyên liên tiếp la lên: "Trời đất ơi! Xe chạy nguy hiểm quá mẹ ơi!", "Ủa, sao ông kia dám đứng tiểu ngoài đường vậy mẹ"", "Ủa, sao từng loạt người đua nhau bịt mặt như Batman vậy mẹ"", "Ủa, dân bikies ở đây gồm cả mấy ông bà cụ già khọm, ốm nhom nữa, ngộ quá ha mẹ"" Tôi bật cười, hình dung đến tướng tá vạm vỡ bậm trợn của giới bikies của xã hội Âu Mỹ.

Đến nơi, người chị họ biết chúng tôi chưa có tiền Việt nên đã lo sẵn tờ 50 ngàn VND (gần 5 Úc kim) trả tiền taxi giùm. Chủ nhân căn biệt thự kín cổng cao tường, yên tĩnh thân ái ra tận ngoài cổng đón chúng tôi vào. Sân vườn rộng rãi thoáng mát, có cây cao rợp bóng. Phòng khách trang trí thật đẹp và sang. Phòng ốc dành cho khách trọ sạch boong và đầy đủ tiện nghi. Uyên thích lắm, vì được một mình một phòng lớn, có máy lạnh, tivi, bồn tắm, toilet riêng. Uyên tròn mắt hỏi: "Ngon lành như thế này mà chỉ 10 Mỹ kim một ngày thôi hả mẹ" Con không thể tin được!"

DẤU VẾT THỜI GIAN

Buổi tối, nhóm bà con từ các tỉnh miền Tây lục tục kéo lên chơi, khệ nệ xách theo bưởi Năm Roi, mít nghệ, sa-bô-chê lòng mứt, lựu, bánh tráng sữa, bánh đậu xanh, mãng cầu sấy, kẹo dừa, kẹo sầu riêng, kẹo chuối, v.v... Toàn là hàng tuyển mua tại những nhà vườn hoặc lò quen. Cung cách và quà cáp trông vẫn thế, chỉ con người là biến đổi khủng khiếp! Ôi, thế hệ tôi thực sự trở thành các lão ông, lão bà rệu rã bệnh tật hết cả rồi! Dấu vết thời gian và những lầm than cơ cực in hằn trên từng khuôn mặt, vóc dáng thân yêu. Những đứa cháu bé tí ngày nào đã trở thành người lớn, gánh vác trách nhiệm cưu mang gia đình. Chạnh nhớ đến những người đã đi vào lòng đất, đem theo trí thông minh, vẻ xinh đẹp, nét duyên dáng, giọng hát trầm ấm, tiếng cười hồn hậu hay cả một thời bay bướm, kiêu sa. Và thầm cảm ơn Thượng Đế đã cho những người còn sống sót gặp lại được nhau sau bao biến đổi thăng trầm...

ĐIỂM HẸN NHA TRANG

Chúng tôi hụt gặp Thụy (cháu gọi tôi bằng cô ruột) vì phái đoàn bác sĩ nhãn khoa của cháu sau một tháng làm việc thiện nguyện tại bệnh viện Điện Biên Phủ đã bay về Mỹ đúng lúc chúng tôi bay sang VN.

Nay chúng tôi nhất định phải sắp xếp để gặp cho bằng được cháu Khanh (chị của Thụy). Khanh đang có mặt tại Nha Trang để hưởng tuần trăng mật và cũng để ra mắt bà con bên chồng.

Nếu dùng xe đò hãng PT thì chỉ tốn hơn 200 ngàn VND tiền vé, song tôi quyết định thuê bao một chiếc xe Mercedes 12 chỗ ngồi, có tài xế và phụ xế. Với giá 2 triệu VND/ ngày chúng tôi có riêng 3 băng ghế êm ái, nằm hay ngồi đều thoải mái, và dọc đường có thể tùy nghi dừng lại nơi nào mình muốn.

Chúng tôi nói trước với tài xế và phụ xế rằng sẽ mời họ cùng ăn 2 bữa sáng và trưa với mình, đồng thời dặn họ chọn giùm 2 tiệm ăn ngon và sạch sẽ nhất.

Quả nhiên, chúng tôi đã được hưởng 2 bữa ăn dọc đường rất bảo đảm về phẩm chất và vệ sinh.

Ghé thăm tháp Phú Hải, ngọn tháp Chàm cổ nhất trên đất Việt. Tuy đã rêu phong, nứt nẻ, di tích này vẫn cố đứng vững để nhắc mọi người nhớ đến một nền văn hoá rực rỡ đã hiện diện nơi đây hơn 1200 năm trước. Đáng nói thêm là tháp này toạ lạc trên đồi "Lầu Ông Hoàng", ngọn đồi nổi danh nhờ chuyện tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Đồi này cũng là đài quan sát thiên nhiên nhìn bao quát thị xã Phan Thiết.

Muốn dừng lâu ở Mũi Né để ngắm nghía những bãi cát vàng mịn chập chùng và những rặng dừa thơ mộng, nguồn cảm hứng của bao tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng xưa nay, song thấy trời vần vũ quá, chúng tôi đành vội vã tiếp tục cuộc hành trình. Tôi có cảm tưởng Mũi Né giờ đây bị khai thác thương mại quá độ, với quá nhiều nhà trọ, quán ăn, quán giải trí mọc kín mít bãi biển.

Với mục đích khoe chúng tôi sự phát triển của "miền thùy dương cát trắng" chú tài chọn đoạn xa lộ mới nối Cam Ranh với Nha Trang chạy dọc theo bờ biển thay vì dùng con đường cũ đi qua Nha Trang Thành.

Xe đến trung tâm thành phố Nha Trang khi trời sập tối. Chúng tôi chọn khách sạn Vịnh Xanh ở đường Trần Phú vì nó mới. Phòng tiện nghi, có ban công nhìn ra biển, mà chỉ 300 ngàn VND (gần 30 Úc kim) một ngày.

Xế cửa khách sạn có trạm xe buýt công cộng với băng ghế và mái che mưa nắng đàng hoàng. Xe buýt mới tinh, trang bị máy lạnh và ghế nệm êm ái, vắng khách, giá vé chỉ 2 ngàn VND (20 xu Úc) một chuyến. Giới xe ôm, xe thồ ở Nha Trang bây giờ đói meo, chỉ mong kiếm ăn chút đỉnh vào buổi tối khi xe buýt hết giờ chạy.

Bãi biển Nha Trang vừa được trùng tu. Lối đi lát gạch (sidewalk) thênh thang, dằng dặc, một bên là bãi biển, một bên là đường Trần Phú. Thỉnh thoảng lại được tô điểm bằng một bồn hoa và một tác phẩm điêu khắc lạ mắt. Tôi thấy nhiều người chạy bộ, tập thể dục, chơi banh dọc bãi biển sạch đẹp và phong quang này.

CHUYỆN TÌNH SEATTLE

7g sáng, Khanh và Bảo đến khách sạn đón chúng tôi bằng chiếc xe Mazda 12 chỗ thuê trọn ngày. Khanh trông vẫn xinh xắn, trẻ măng, hồn nhiên, giống một nữ sinh trung học hơn là một bác sỹ chuyên khoa vừa được bệnh nhân Mỹ bầu là "vị y sĩ đáng mến nhất" của bệnh viện Olympia!

Uyên gặp Khanh thì mừng quýnh, xoắn xuýt bên chị và líu lo không dứt. Khanh và Uyên rất  hợp gu và yêu quý nhau, nhưng cơ hội  gặp nhau ít ỏi quá! Cuộc hội ngộ ở Nha Trang quả là một ước mơ chợt thành của cô cháu, chị em chúng tôi.

Anh Tiến bắt tay Bảo, cười ha hả, đầy cởi mở và thân thiện: "Chúc mừng! Chúc mừng! Cháu thật đẹp đôi với Khanh!" Rồi anh nháy mắt trêu tôi: "Được vào làm rể nhà cô cháu họ Hoàng này, chú cháu mình thật là trầy vi tróc vảy, Bảo nhỉ"" Anh ngầm nhắc đến năm năm trời Bảo phải nhẫn nhục chịu đựng sự chống đối kịch liệt của mẹ Khanh, phải bỏ công việc cũ, học lên cho có bằng cấp tương xứng với Khanh, đáp ứng mọi điều kiện mẹ Khanh đưa ra, vô hiệu hoá những nghi ngờ, buộc tội mẹ Khanh gán ghép cho.

Tôi vẫn nhớ đinh ninh một buổi chiều nhạt nắng trên sân đại học Washington ở Seattle cuối năm 1999, Khanh siết chặt tay tôi và Bảo, tha thiết: "Cô ơi, chúng cháu yêu nhau chân thật. Chúng cháu trưởng thành ở Mỹ, có thể tự ý kết hôn ngay bây giờ, không ai ngăn cản được. Nhưng cháu thương mẹ, không nỡ làm mẹ đau khổ và gia đình tan hoang. Bố cháu mất rồi, xin cô thay bố làm chứng cho lời thề của chúng cháu hôm nay: Bằng mọi giá chúng cháu sẽ quyết lấy nhau. Tất cả những điều kiện hóc búa mẹ cháu đưa ra cốt để ngăn trở mối tình này sẽ được đáp ứng thoả đáng. Chỉ xin mẹ để yên cho chúng cháu bốn năm nữa thôi."

Bốn năm trời ấy, mẹ Khanh đã không "để yên" cho đôi tình nhân một ngày giờ nào. Mặc dù Bảo đã phải bay qua tuốt đại học Temple ở Philadelphia, chịu xa cách Khanh cả một chiều rộng mênh mông của nước Mỹ, mẹ Khanh vẫn chưa hài lòng. Trong mấy lần bay sang thăm 3 mẹ con Khanh, rủ nhau đi viếng Space Needle, Vancouver, phố Bolsa hay Las Vegas, tôi từng chứng kiến những cơn nổi trận lôi đình bất chợt và khủng khiếp của mẹ Khanh. Ngòi nổ chỉ là một món quà lưu niệm nhỏ Khanh mua mà mẹ Khanh đoan chắc là để gửi tặng Bảo, hoặc một câu nói vô tình của Khanh xa gần nhắc tới Bảo.

Vậy mà giờ đây Khanh đang ríu rít khoe: "Mẹ cháu cưng Bảo hơn cháu nữa cơ! Có của ngon vật lạ gì cũng để phần cho Bảo. Cuối tuần nào Bảo trực không đến thăm mẹ được, mẹ nhắc cho sốt ruột luôn!"

Sinh ra và lớn lên ở Nha Trang trước khi vượt biên qua Mỹ, lại hay về quê hương thăm bà con, nên Bảo đương nhiên là hướng dẫn viên đáng tin cậy của chúng tôi. Tiếc rằng chúng tôi đến Nha Trang đúng vào mùa bão tố, Bảo không thể làm gì hơn được!

Bãi biển hấp dẫn lắm, Uyên mê tắm biển lắm, nhưng vừa xuống nước bơi chưa đầy năm phút đã phải trở lên vì sóng gió dữ dội, nguy hiểm quá.

Ngoài khơi trời xám xịt, biển mịt mù. Tàu thuyền không dám đưa khách ra các đảo du lịch như thường lệ, các tiết mục lý thú Bảo đã hoạch định cho chúng tôi không thể thực hiện được.

Trời cứ chợt nắng chợt mưa bất thường. Phố phường ảm đạm, thưa người. Quán xá eo sèo, ế ẩm. Bảo đành đưa chúng tôi đi thăm dinh Bảo Đại, Tháp Bà và biển Dốc Lết. Nơi nào cũng thế, mưa giăng lê thê, cỏ cây sướt mướt, lối đi ướt át trơn trượt, cảnh vật đìu hiu, ngoài nhóm chúng tôi không có bóng du khách nào khác.

Bù lại, chúng tôi được Bảo mời bữa ăn ngon nhớ đời tại quán Gió, ngay dốc Ninh Hoà, với các loài hải sản ít phút trước đó còn bơi lội dưới sông : cua gạch rang me, cá lóc hấp cuốn bánh tráng phơi sương, tôm càng nướng chao, mực nướng vỉ, ... Nem chua và chả lụa Ninh Hoà cũng hết sảy, chẳng hổ danh tiếng lẫy lừng bấy nay!

Sau một ngày được trọn vẹn sống với nhau trong tình thân tộc đầm ấm, chúng tôi bùi ngùi chia tay cùng Khanh và Bảo, không biết bao giờ mới được gặp lại nhau....

PHỐ CỔ HÀ NỘI

Vé máy bay nội địa rất dễ mua, giá khoảng 1.3 triệu VND/ vé Nha Trang - Hà Nội, không phân biệt khách là dân địa phương hay người nước ngoài. Gọi điện thoại đến Vietnam Airlines đặt vé, thì hoặc 10 phút sau nhân viên đã đem vé đến giao tận tay, hoặc khách sẽ nhận vé tại phi trường, trước giờ bay.

Phi trường Nha Trang tuy đã bị dời ra tuốt Cam Ranh song bến xe ca chở khách ra phi trường rất gần khách sạn, nên chúng tôi vẫn có nguyên buổi sáng 2-12 thả bộ quanh Chợ Đầm, cho Uyên nhẩn nha chọn mua các đồ trang sức làm bằng vỏ ốc, ngọc trai, xà cừ hay đồi mồi có khắc tên thành phố biển danh tiếng này, đem về tặng bạn bè.

Mười hai giờ trưa chúng tôi có mặt ở phi trường Cam Ranh, làm thủ tục để lên chuyến bay 13:40 đi Hà Nội.

Sau gần hai giờ bay, phi cơ đến Nội Bài. Phi trường Nội Bài bây giờ khá tối tân, tráng lệ.  Cả trăm chiếc taxis chực sẵn để đưa khách về Hà Nội với giá niêm yết công khai là 150 ngàn VND. Trong một tiếng đồng hồ trên xe, chú tài xế với giọng Bắc nhẹ nhàng lễ độ đã kể tôi nghe biết bao điều hay, đẹp, đổi mới của "Hà Nội ngày nay". Chú tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm chuyên môn, đành an phận lái taxi cho hãng máy bay. Chú bảo đảm với tôi rằng: "Hà Nội không còn nạn ăn mày, trộm cướp, trấn lột, móc túi nữa, cô chú cứ yên tâm du lịch".

Chúng tôi chọn khách sạn NM ở Phố Cửa Đông vì nó mới, ở ngay Phố Cổ, và giá cũng chỉ 300 ngàn VND/ một ngày đêm. Các nhân viên khách sạn trẻ đẹp, duyên dáng, lễ phép, đon đả và có giọng nói hay như hát, đến nỗi Uyên ngạc nhiên, trầm trồ mãi... Họ vui vẻ cho mượn bản đồ, đánh dấu các tiệm cà phê, phở, chả cá, bánh tôm, bún chả, v.v... nổi tiếng nhất của Hà Nội và nhắc : "Hôm nay Thứ Sáu, cô chú và em đi Chợ Đêm cho biết ạ."

Chợ Đêm Đồng Xuân mở thâu đêm Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật mỗi tuần. Xe cộ bị chặn lại không cho vào khu vực Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Chiếu, cho phép hàng trăm lều sạp dã chiến mọc lên san sát thành hai dãy giữa lộ. Chúng tôi hoà vào dòng khách nhàn du đông đảo, có cảm tưởng như đang đi chợ trời ở Úc. Đa số là các sạp quần áo, giày dép, bóp ví, kiếng mắt, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ, đồ thủ công,... với giá rất hạ. Hàng quà bánh cũng nhiều vô kể: ô mai mơ, thịt bò sấy, lục tàu xá, chí mè phù, tàu hũ nước đường gừng, nước mía quất, mía hấp, bắp rang, bắp luộc, bắp nướng, hạt dẻ rang, xôi lạp xường, bánh bột chiên kiểu Tàu, bánh mì dồi kiểu Đức, bánh mì thịt nướng kiểu Trung Đông,...

Những người bán hàng co ro trong nhiều lớp áo. Thấy chúng tôi phong phanh áo thun quần soọc, một cô suýt soa: "Trời rét 15 độ, cô chú và em mặc thêm áo khoác vào đi ạ, kẻo ốm to!". Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm và lòng tốt của cô, và nói thật rằng chúng tôi đang thấy mát và dễ chịu lắm.

Ảnh hưởng của các trận đua tài trong mùa SEAGAMES thật rõ nét trong sinh hoạt của mọi tầng lớp dân chúng, kể cả các bạn hàng. Từng giây từng phút, họ hồi hộp theo dõi từng biến chuyển trên sân cỏ, qua màn hình tivi đặt đây đó, việc chào mời khách hàng trở thành lơ là. Các câu chuyện trao đổi giữa họ đều xoay quanh trận bóng đá đang diễn ra sôi nổi. Có khi khách hàng cũng hào hứng đứng lại góp chuyện. Ai cũng chung một niềm khao khát:  hai đội túc cầu nam và nữ của VN sẽ giành được ngôi vị vô địch.

Chợt một điều đáng tiếc xảy ra: anh Tiến suýt bị móc túi! Tôi tình cờ đi sau, trông thấy và la lên. Tên gian rút phắt tay khỏi túi quần sau của anh Tiến, chắp tay lạy lia lịa và lùi ra xa, rồi quay lưng chạy biến đi. Nếu bị bắt giao cho công an tên này có thể sẽ bị hốt bỏ lên rừng như các thành phần bần cùng và bất hảo khác, theo chính sách "làm sạch thành phố" của nhà nước, nên hắn mới sợ đến thế.

Cụt hứng, chúng tôi rời Chợ Đêm, rẽ qua Hàng Đường, Hàng Ngang và Hàng Đào. Uyên hỏi tại sao các con phố và các tiệm nhỏ tí xíu vậy. Tôi được dịp kể sơ Uyên nghe về lịch sử 36 Phố Phường và giá đất đắt kinh khủng của Hà Nội. Khi thấy một cửa hiệu thời trang lớn, lịch sự, có nhiều nhân viên mặc đồng phục tiếp khách, Uyên mừng lắm, bước ngay vào. Quả nhiên, Uyên đã chọn mua được những bộ cánh may thật khéo léo, mặc vào trông Uyên thanh tú, xinh tươi, duyên dáng lạ. Nhìn đến giá, anh Tiến giật mình kêu đắt quá, nhưng vẫn bấm bụng trả tiền, tự an ủi rằng nếu mua ở nước ngoài thì những món tương tự như vậy sẽ đắt bội phần.

Chúng tôi ghé vào tiệm Lã Vọng ở đường Chả Cá. Tiệm đông nghẹt khách, chứng tỏ uy danh "Chả Cá Lã Vọng" vẫn tiếp tục vang dội gần xa, khiến chúng tôi háo hức tin rằng sắp được trực tiếp thưởng thức một "miếng ngon Hà Nội". Nhưng thú thật, chúng tôi khá thất vọng. Lúc bước lên lầu, ngó xuống bếp thấy thùng mỡ heo trắng hếu khổng lồ, tôi đã rùng mình rồi!

Đối diện Lã Vọng có tiệm "Bánh cuốn gia truyền" TN với những hàng chữ quảng cáo thật nổ: "Duy nhất nơi đây có cà cuống nguyên con và tinh cà cuống nguyên chất". Chúng tôi tò mò vào ăn thử. Cũng chẳng ngon lành gì, mà lại ngọ ngằn và đắt một cách phi lý.

SÓC SƠN, ĐIỂM HẸN CHÍNH

Từ sáng sớm chúng tôi đã khăn gói sẵn sàng, ngồi ở phòng tiếp tân của khách sạn chờ taxi từ Sóc Sơn tới đón. Dì Đức không cho chúng tôi tự đến nhà dì, sợ chúng tôi lạc đường! Ông taxi này là hàng xóm của dì, lái xe giàu kinh nghiệm và cẩn thận, nên được dì tin cậy. Đúng 7g ông đến, không sai hẹn một phút nào. Có Tuấn, cháu ngoại cưng nhất và nhanh nhẹn nhất của dì, đại diện Sóc Sơn theo xe lên đón chúng tôi nữa.

Tuấn vừa hoàn tất học trình cử nhân kinh tế. Cháu thú thật rằng sau những năm trọ học tại Hà Nội, cháu rất mong tìm được việc làm ở thủ đô, hầu có cơ hội bay thoát khỏi cái phố huyện chân quê, lạc hậu của mình

Khi xe về đến Phố Miếu Thờ, một đám đông lố nhố người lớn trẻ con đã ngóng đợi sẵn bên lề đường. Thấy xe dừng lại, cả đám ùa tới reo mừng : "A, khách đến rồi!". Người lớn đon đả, tíu tít: "Chào anh chị ạ. Uyên đây phải không"" Trẻ con, xúng xính trong những bộ quần áo mới, đồng loạt vòng tay cúi đầu lễ phép: "Cháu chào hai bác ạ! Em chào chị ạ!" Có đứa hồn nhiên nhận xét: "Hai bác và chị trắng nhỉ, nom cứ như người Hàn quốc ấy!". Tôi chào lại mọi người và đảo mắt nhìn quanh tìm dì. Một bà cụ đẹp lão, đầu chít khăn vuông, lưng hơi còng, mặc áo cánh trắng, quần đen, trông giống hệt mẹ tôi cách đây mấy năm, đang rảo bước về phía tôi. Tôi phóng đến ôm chầm lấy dì. Hai dì cháu cùng oà lên nức nở: "Dì ơi! Cháu về thăm dì đây!" "Ôi cháu tôi! Còn mẹ cháu đâu" Mẹ cháu sao rồi""

Anh Tiến mở máy quay phim, lần lượt mời từng thành viên trong "đại gia đình Sóc Sơn" nhìn vào ống kính tự giới thiệu tên tuổi, vai vế trong nhà và nói vài câu thăm hỏi "đại gia đình bên Úc". Cũng nhờ màn "xếp hàng đóng phim" này mà chúng tôi có cơ hội ôn lại các chi tiết cần nhớ về mỗi người thân của mình, để việc xưng hô chuyện trò sau đó dễ dàng hơn.

Ngôi nhà ba gian hai chái cổ xưa của dì nằm giữa một vườn cây ăn trái rợp bóng mát. Dì kể rằng trong chiến tranh ngôi nhà đã bị dời đi dời lại nhiều lần theo các cuộc di cư, tản cư, hồi cư của gia đình dì. Sau mỗi lần bị đào gỡ vận chuyển, các cột kèo bị hư hao sứt mẻ thêm một chút. Căn nhà cứ thế mà thấp nhỏ, vá víu, tồi tàn dần đi trong khi nhân số cứ tăng dần lên...

Ngày nay 5 người con trai và 3 người con gái của dì đều có gia đình và nhà cửa riêng. Điều đáng mừng là ai cũng xây nhà quanh quẩn trong vùng, rất tiện cho những dịp  tập họp đại gia đình.

Tôi thấy dì tôi có cái oai phong của một vị nữ tướng, chỉ huy đội ngũ con cháu đông đúc một cách hữu hiệu, tài tình. Ngồi nói chuyện với tôi và anh Tiến ở nhà trên, dì thỉnh thoảng ban những hiệu lệnh bằng mắt hoặc bằng tay, điều khiển lực lượng con gái và con dâu lục đục nấu nướng dưới bếp. Tôi hiểu dì đang cho "sửa mâm cơm cúng, trình các cụ" rằng con gái, con rể và cháu ngoại của chị mình vừa từ xa về thăm họ hàng, làng nước.

Đám trẻ con thập thò ở gian nhà bên trái, háo hức hóng chuyện. Tôi mở túi xách lấy một bao thư kính cẩn trao dì bằng hai tay, thưa đây là quà bố mẹ cháu gửi dì. Dì lưỡng lự đón lấy, giọng đầy xúc động, nói như có bố mẹ tôi trước mặt: "Hai bác như cây khô cạn lộc rồi, sao cứ chắt chiu gửi quà cho em mãi như thế này. Không nhận thì hai bác buồn. Thôi, em nhận cho hai bác vui, rồi mua sâm, trà, bột sắn nhờ cháu đem về bên ấy cho hai bác dùng." Tôi tiếp tục lôi từ túi xách ra lủ khủ những món khoái khẩu tôi đã chọn mua từ các phi trường trong cuộc hành trình, và từ Saigon, Ninh Hoà, Hà Nội, bày ra bàn. Dì vẫy tay một cái, lập tức có hai chiếc mâm đồng được đưa đến. Dì giúp tôi chia quà làm hai mâm, bảo tôi đặt một mâm lên bàn thờ gia tiên, thắp hương. Còn mâm kia dì bảo Uyên bưng lại chia cho đám trẻ. Nghe tin mừng, thay vì ùa đến, chúng  lại ù té chạy vụt ra sân, trốn biệt. Thấy Uyên quá ngỡ ngàng, dì mỉm cười giải thích: "Các em xấu hổ đấy cháu ạ! Vì bị bắt quả tang là nãy giờ hau háu, chầu chực đợi quà. Cháu cứ bưng ra sân đi. Chỉ một tị nữa là chúng nó sẽ trở lại, không thiếu đứa nào".

Uyên vâng lời. Quả nhiên, đám trẻ dần mon men trở lại xúm xít vây quanh Uyên. Và chỉ một loáng sau là cái mâm trống trơn. Tôi biết đám trẻ đã thân thiết với Uyên lắm khi nghe chúng bật ra nỗi tò mò cố nén: "Chị ơi, răng chị bị sao thế"" Uyên phá lên cười: "Răng chị không sao cả. Chỉ niềng lại cho đều đặn thôi mà" "Chắc đau ghê hồn, chị nhỉ "" "Ừ, lúc đầu thì bị nhồ bớt hai cái răng mọc dư, bị kéo siết nguyên hàm để lấp đầy hai khoảng trống đó và bị cái niềng cọ cứa lở miệng, chị đau ghê lắm. Bây giờ thì êm rồi, chị chỉ phải đeo thêm một năm cho hàm ổn định thôi" "Muốn đẹp thì phải chịu khó, chị nhỉ. Mà chắc tốn tiền lắm hở chị "" Uyên tiết lộ số thù lao chúng tôi đã phải trả cho vị orthodontist: "Khoảng 55 triệu VDN". Lũ trẻ ồ lên, lắc đầu le lưỡi. Chúng càng ngạc nhiên khi nghe Uyên kể rằng niềng răng là chuyện bình thường, thậm chí là cái mốt phổ biến của lứa tuổi thiếu niên bên Âu Mỹ.

Ba chiếc xe gắn máy tốt nhất trong đại gia đình đã sẵn sàng đợi trước cửa nhà để đưa anh Tiến, tôi và Uyên đi thăm mộ. Ba người em họ khoẻ mạnh, tay lái vững, nhận nhiệm vụ làm "tài xế xe ôm" và hướng dẫn viên cho chúng tôi. Nghĩa trang gia tộc họ ngoại của tôi nằm sâu trong ruộng, cách nhà dì chừng một cây số. Từ khi rời  đường cái quẹo vào đường ruộng mấp mô thì ba chiếc xe bắt  đầu nhảy chồm chồm chỉ chực hất phăng chúng tôi xuống ruộng. Uyên vòng hai tay ôm chặt bụng người chú họ, mắt nhắm nghiền. Một lúc sau, hết làm gan nổi, Uyên la bài hải: "Dừng lại! Dừng lại! Cho cháu xuống đi bộ, chú ơi!" Chú "tài xế" cười to: "Ừ, cũng chỉ còn một quãng ngắn nữa thôi, chúng ta đậu xe, đi bộ vào nhé!" Chúng tôi không men theo các bờ đất ngăn ruộng nữa, mà băng ngang thửa ruộng vừa gặt xong, còn trơ gốc rạ, đi tắt đến nghĩa trang. Bốn ngôi mộ bằng xi măng quét vôi trắng đơn sơ của ông ngoại, bà ngoại tôi, của chồng và con trai trưởng của dì nằm cạnh nhau. Tôi thắp hương, đứng trước từng ngôi mộ, đăm đăm nhìn các hàng chữ khắc trên mộ chí,  xúc động nghĩ đến mối liên hệ thiêng liêng giữa mình với những tên tuổi ấy. Anh Tiến thu cận ảnh tấm mộ chí bằng đá tảng đặt trước mộ ông ngoại tôi, sau khi nghe chú em họ dẫn giải: "Nhờ tấm mộ chí bền vững này mà gia đình mình tìm ra dấu tích mộ ông bà ngoại trong vùng bom đạn chiến tranh, rồi đem về cải táng ở đây. Mộ chí này do chính hai bác thuê thợ khắc khi ông mất đấy."

Đi thăm mộ về, chúng tôi thấy cảnh nhà dì thật nhộn nhịp. Ngoài những người thân chúng tôi đã gặp, còn có thêm những người là công tư chức, sau buổi làm việc sáng Thứ Bảy, chạy về góp mặt trong bữa cơm  đoàn tụ đại gia đình. Lại một màn từng người tự giới thiệu trước ống kính thu hình của anh Tiến.

Hiệp, người đã từng qua Đông Đức, Liên Xô, quay sang hỏi Uyên: "Lần đầu tiên về VN, cảm tưởng của cháu ra sao"" Uyên dè dặt đáp: "Thưa chú, cháu mới ghé qua mấy nơi thôi, nên cũng khó nói." Hiệp liền khuyến khích: "Không sao! Thấy gì, nghĩ gì, cháu cứ nói, đừng ngại!" Uyên ngập ngừng: "Saigon và Hà Nội nóng, ồn, đông người, nhiều xe gắn máy quá.... Nha Trang và Sóc Sơn thoải mái hơn... Nhưng dù ở đâu cháu cũng chỉ yên tâm khi ở trong nhà ... Bước ra khỏi cửa là cháu sợ..." Hiệp hỏi tới: "Cháu sợ gì"" Uyên thành thật thổ lộ: "Đi bộ thì cháu sợ phải qua đường, đi xe ôm thì cháu sợ té bể đầu, ngồi trong xe hơi thì cháu căng thẳng thấy sinh mạng mình nằm trong tay người tài xế đang cố lượn lách hoặc để cướp đường hoặc để thoát hiểm. Cháu sợ đến nỗi ban đêm gặp ác mộng hoài!" Hiệp vớt vát: "Nhưng VN cũng phải có điểm gì để cháu thích chứ"" Uyên gật đầu: "Dạ, cháu vui khi được gặp những người thân ruột thịt mà hồi nào tới giờ cháu chỉ nghe nhắc đến." Nãy giờ cả đại gia đình thích thú theo dõi cuộc đối thoại giữa hai chú cháu. Riêng tôi hồi hộp lo tính thẳng thắn của đứa bé sinh ra và lớn lên trong nền giáo dục Tây phương có thể tạo ra sự thất thố, làm buồn lòng những người thân thuần tính Đông phương. Nhưng may quá, Hiệp hài lòng với câu trả lời này của Uyên và chuyển hướng "cuộc phỏng vấn" qua các đề tài Uyên dễ trả lời hơn, chẳng hạn: "Cháu học lớp mấy" Cháu tính theo ngành gì"" ...

Những mâm thức ăn thịnh soạn được bày suốt ba gian nhà. Khách dĩ nhiên được mời vào "mâm trên". Rượu nếp (nhà cất lấy) được liên tiếp châm đầy các ly con trước mặt khách. Những khúc cá chắm thơm ngon, những khoanh giò lụa đậm đà, những lát sườn ram vàng ươm, những chú tôm nướng to kềnh liên tiếp được gắp bỏ vào chén của khách, đầy tú hụ. Mỗi miếng gắp là một tiếng nhắc: "Tự nhiên đi chứ, nhắm đi chứ. Chẳng mấy khi người góc biển kẻ chân trời gặp nhau. Mai kia biết còn dịp sum vầy đông đủ như thế này nữa không" Chưa hết, lại còn các món "cá rô chiên giòn bố cháu thường khen", "cà bung với mẻ mẹ cháu vẫn ưa thích", các món canh xu hào, nấm hương, bóng cá dưa nhồi giò sống cổ truyền ... Phải cố nếm qua tất cả các món cho khỏi phụ lòng dì. Và tôi tin rằng nếu không có lệnh cấm do nạn cúm gia cầm thì chắc chắn mâm cỗ còn chen chúc thêm các món măng khô hầm vịt, vịt quay, gỏi gà và gà luộc rắc lá chanh non nữa!

Ăn uống xong, mọi người lo dọn dẹp, còn dì và chúng tôi nằm trên những chiếc võng mắc vào thân cây mít, bưởi, khế, ổi ở vườn sau, tiếp tục trao đổi tin tức về hai gia đình. Dưới tàng lá râm mát và trong làn gió hiu hiu, chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết ...

Khi chúng tôi thức dậy thì nhà dì đã yên vắng, ba chiếc xe gắn máy hồi nãy lại đang chờ sẵn để đưa chúng tôi đến thăm nhà từng người em họ. Dì ghé tai tôi dặn dò : "Đừng sót nhà em nào, kẻo nó tủi thân. Ghé mỗi nhà một chút, nhớ ăn miếng bánh quy, kẹo lạc, uống ngụm trà cho chúng nó vui, cháu ạ. Em nào mời ở lại ăn cơm cháu cứ nói là dì đã dặn phải về ăn cơm với dì, cháu nhé! "

Ống kính của anh Tiến cẩn thận thu mọi góc cạnh nhà cửa của từng người em họ tôi. Nhà nào cũng có cửa sắt, nền gạch hoa, tường đúc, mái ngói, và nhất là cầu tiêu giựt nước, khác hẳn nhà dì. Người em nào cũng nói như phân trần : "Ngay từ khi bố em còn sống, mẹ em đã quen quyết đoán mọi việc trong nhà. Mà cụ độc tài lắm, bao nhiêu lần chúng em xúm lại xin cụ cho phép lấp cái chuồng xí hôi hám mất vệ sinh ấy đi, cụ đều gạt phắt! Cụ tiếc nguồn phân bón cho vườn rau xanh um của cụ đấy mà! Bây giờ chị ở xa về, cụ đang thương chị nhất đấy, chị nhẩn nha thuyết phục, không chừng cụ nể lời chị đấy".

Cảm ơn Trời Phật, đúng như kỳ vọng của các em, tôi đã thuyết phục được dì. Thực ra, tôi chỉ cần thủ thỉ: "Lẽ ra chúng cháu không ở khách sạn đâu, chúng cháu thích ở nhà dì hơn, thích có nhiều thì giờ bên dì hơn, nhưng ... chuồng xí bất tiện quá. Dì biết không, bố mẹ chúng cháu bên kia cứ lo thắt ruột mỗi khi nghĩ đến cảnh dì chân yếu, mắt kém, nửa đêm nửa hôm phải lần mò ra tận cuối vườn, gió máy, rắn rết, nguy hiểm ... Quà của bố mẹ cháu kỳ này có một phần để dì chi phí vào việc xây lắp tiện nghi tối thiểu này đó, dì ạ."

VỊNH HẠ LONG

Đêm qua chúng tôi từ Sóc Sơn về Hà Nội khá khuya, giữa lúc hàng đoàn xe gắn máy  ào ào phóng lượn bạt mạng. Những người ngồi ở yên sau giương cao những lá cờ đỏ chói, bay phần phật. Cả đoàn nhịp nhàng đồng thanh gào lên : "VN! Vô địch! VN! Vô địch! VN! Vô địch!..." Thì ra đội túc cầu nam của VN vừa thắng trận bán kết, để được cùng Thái Lan vào chung kết nay mai.

Sáng nay chúng tôi dậy sớm chuẩn bị đi tour Hạ Long trọn ngày. Xuống phố ăn phở và uống cà phê tại một quán đông nghẹt khách. Đúng 8g trở lại khách sạn kịp lúc xe của công ty du lịch đến đón. Chú phụ xế kiêm hướng dẫn viên hoan hỉ nói như reo : "Sau mấy tháng mưa bão, hôm nay trời nắng đẹp, Hạ Long sẽ không bị mây mù che phủ. Cô chú và em thật may mắn!". Đón xong chúng tôi, xe còn ghé mấy khách sạn khác, đón thêm cho đủ 12 người khách được sắp xếp cho chuyến này. Chú hướng dẫn viên rất dễ mến và luôn cố gắng chu toàn phận sự. Suốt lộ trình Hà Nội - Quảng Ninh chú chịu khó gân cổ thuyết trình về lịch sử và văn hoá VN bằng một thứ tiếng Anh ngọng líu lo. Uyên ban đầu còn chăm chú lắng nghe và cố gắng đoán hiểu để học hỏi thêm về quê hương, sau Uyên kêu nhức đầu quá và nhắm mắt ngủ khò.

Tại bến Hạ Long, thuyền khách đậu san sát. Đoàn chúng tôi lên một chiếc thuyền hai tầng do công ty du lịch mướn sẵn. Thuyền êm ái ra khơi. Hàng trăm ngọn núi đủ hình dáng ngoạn mục nhô lên khỏi mặt biển, ẩn hiện xa gần, hắt bóng xuống mặt nước xanh như ngọc. Thuyền ghé lại cho chúng tôi leo lên thăm Thiên Cung và hang Đầu Gỗ, ngắm nghía muôn vạn tác phẩm điêu khắc diễm ảo, hùng vĩ của tạo hoá.

Buổi trưa thuyền cập vào một chợ nổi, cho khách chọn mua hải sản còn sống, giao cho chủ thuyền nhờ chế biến giùm, để nhậu ngay trên thuyền.

Lúc nhờ khách sạn đặt vé cho chuyến đi chơi này, và họ tính 25 Mỹ kim/ người, anh Tiến đã suýt soa khen rẻ quá. Nào xe đưa đón tận khách sạn, nào có hướng dẫn viên (tour guide) đi theo suốt ngày, nào thuyền máy rong chơi trên vịnh Hạ Long, nào vé vào thăm các hang động, nào bữa ăn trưa ngon lành thơ mộng trên thuyền... Bây giờ chú hướng dẫn viên còn mách nhỏ với chúng tôi: "Những khách Tây thì khách sạn tính hoa hồng thế nào họ phải chịu vậy. Cô chú và em là người Việt, cháu nói thật, nếu khách đến thẳng văn phòng của chúng cháu, cách khách sạn của cô chú non một trăm mét, thì giá đúng ra chỉ là 18 Mỹ kim/ người thôi ạ."

Cho rằng việc ăn huê hồng chút đỉnh của khách sạn Ngọc Mai là lẽ đương nhiên, nên chúng tôi vẫn nhờ họ đặt mua giùm vé máy bay Hà Nội   Saigon.

VÒNG QUANH HÀ NỘI

Anh Tiến đưa tôi và Uyên lần tìm lại những dấu tích thời thơ ấu, đã cách xa nửa thế kỷ, của anh.

Đây là nhà thờ Chánh Toà, đây là hồ Tây, đây là hồ Trúc Bạch, đây là chùa Trấn Quốc, đây là đền Quan Thánh, ... những nơi ông bà nội và bố mẹ anh từng dắt tay anh qua lại hàng ngày.

Đây là ngôi nhà lầu số 36 đường Đỗ Hữu Vị ở Cửa Bắc của ông nội anh, nay cả chục gia đình lạ mặt đang chiếm ngụ, nếu mình đòi lại được chủ quyền thì sẽ có ngay một gia tài kếch sù trong tay.

Đây là chùa Một Cột, Văn Miếu, hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, ... những nơi nhắc anh nhớ lại hình ảnh mẹ anh xinh đẹp như một cô tiên, với suối tóc mượt mà, tà áo dài tha thướt, khác hẳn hình ảnh một bà cụ co quắp ngồi trên xe lăn, vô cùng đáng thương sau này...  

TRỞ LẠI SAIGON

Chờ đến phút chót, khi chúng tôi check out chuẩn bị ra phi trường cô nhân viên khách sạn mới đưa ra bao thư chứa 3 vé máy bay cho chúng tôi. Mở ra xem qua, thấy đúng tên và giờ bay, nhưng giá thì thấp hơn cả triệu VND so với giá khách sạn đã bắt chúng tôi trả trước. Tôi hỏi: "Có phải đó là tiền hoa hồng không" Sao hôm trước cháu nói là chỉ tính thêm vài chục ngàn VND thôi"" Cô nhân viên lúng túng: "Cháu không biết ạ. Bà chủ bảo sao thì chúng cháu phải làm thế ạ." Anh Tiến đòi gặp bà chủ, nhưng cô nhân viên nói bà chủ đi vắng rồi. Sợ trễ máy bay, chúng tôi đành ra taxi, nhưng trong lòng giận lắm. Người tài xế taxi trẻ, mặt mày sáng sủa, tử tế, nghe chuyện, hỏi ngay: "Cô chú có giữ hoá đơn không ạ"" Tôi lôi tờ hoá đơn in chữ đỏ từ sắc tay ra: "Có đây!". Liếc qua, chú nói: "Ngoài tiền vé bội thu, họ còn bắt cô chú phải chịu 15% tiền thuế trên tổng chi phí trả cho khách sạn nữa! Thật là quá đáng! Theo luật, với loại hoá đơn in chữ đỏ, lẽ ra chủ nhân phải chịu thuế này. Họ ỷ y cô chú là Việt kiều nên mới xử thế. Khi đến phi trường, cô chú đòi gặp ban lãnh đạo rồi đưa hoá đơn và vé máy bay ra, khiếu nại đi ạ". Tôi và Uyên không muốn rắc rối, và thấy số tiền bị lường gạt cũng chẳng đáng bao nhiêu, khuyên anh Tiến bỏ qua. Song anh Tiến nhất định "không để cho chúng nó tưởng Việt kiều ngu dốt, tha hồ mà mắt, bóp mũi". Anh sùng sục chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống mấy tầng lầu của phi trường quyết tìm cho ra người có trách nhiệm cứu xét và giải quyết việc này. Anh nhấn mạnh mục đích : không hề muốn đòi tiền lại, mà chỉ muốn giúp cải thiện cách thương nhân Việt đối xử với du khách. Họ đá anh qua lại không khác gì một trái banh trên sân cỏ. Cuối cùng, khi chỉ còn 10 phút trước khi lên máy bay, anh đưa được cái đơn ngoáy vội, trình bày sự việc và số điện thoại lưu động của mình cho một cô nhân viên có vẻ mặt phúc hậu. Cô hứa: "Cháu sẽ gửi lên Ban Lãnh Đạo ngay hôm nay."

An vị trên máy bay rồi, anh phì cười: "Bây giờ mới thấy đôi chân mỏi rời! Anh khùng quá, cứ làm như là VN cũng có Consumer Affairs bênh vực khách hàng vậy đó. Khiếu với chẳng khiếc, sẽ chỉ công cốc thôi!"

Chúng tôi yên chí rằng lá đơn khiếu nại của anh Tiến sẽ bị vứt vào sọt rác, nên bảo nhau quên nó đi.

Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất vào 4g chiều. Giữ lời hứa với người chị con bác, chúng tôi đã trở lại Saigon vừa kịp một buổi họp mặt gia đình. Người chị đang tu tại gia, dốc toàn thì giờ cho việc chùa chiền, đã vì chúng tôi mà tổ chức bữa tiệc mặn linh đình tại nhà chị. Được gặp khá đông anh chị em họ tuy đồng trang lứa nhưng hoàn toàn khác biệt về nếp sống, nếp nghĩ, hẳn là một kinh nghiệm lý thú cho một cô bé nhạy cảm và thông minh như Uyên.

Sáng 7 tháng 12 bạn anh Tiến đến đón chúng tôi đi ăn phở Nhật, tiệm Oso đường Đồng Khởi. Nước dùng không có chất xương hầm hay mì chính, mà ngọt đậm vị củ cải. Bánh phở dẻo mịn. Giá mỗi tô chừng 40 ngàn VND, trong khi một tô phở Việt loại ngon chỉ 10 ngàn VND. Song bù lại, có trà xanh tráng miệng và nhất là được thưởng thức khung cảnh độc nhất vô nhị chung quanh : tất cả bàn ghế và đồ bài trí trên trần vách của tiệm phở hai tầng này đều là đồ cổ làm bằng gỗ quý, đồi mồi hay sơn mài, chạm trổ tinh vi, do chủ nhân đam mê sưu tầm.

Ăn xong, tính dạo bộ quanh quanh các đường phố chính cho Uyên biết trung tâm Saigon, nhưng chỉ một lát là chúng tôi chịu thua cái nóng hầm hập làm da rít chịt, bầu không khí ngập ngụa khói xăng làm lỗ mũi đen kịt, tiếng kèn xe inh ỏi làm tim nhảy lên thon thót và lưu lượng ồ ạt xô bồ của xe cộ làm mình chóng mặt. Đành chọn các cửa hiệu có máy lạnh để lánh vào. Tại một siêu thị vắng khách và mát mẻ, hàng hoá phong phú, cách bày biện tương tự một siêu thị trung bình bên Mỹ, Uyên đọc các nhãn hiệu và bảng giá, kêu lên: "Lạ quá, sao hàng nhập cảng từ Mỹ mà lại rẻ hơn ở Mỹ được nhỉ!". Vậy là khi tha xách quà về tặng thân nhân, chúng tôi đã "tha củi về rừng"!

Bên ngoài toà Đại Sứ Mỹ đường Đồng Khởi, người ta xúm năm tụm bảy, đứng ngồi chờ chực. Hai chính phủ vừa ký kết một nghị định cho phép các quân nhân bị đi cải tạo trên 3 năm và những người đã làm việc trên 5 năm với Mỹ được nộp đơn di dân qua Mỹ theo diện nhân đạo. 

Trưa, tôi định dắt Uyên đi ăn cơm niêu ở đường Tú Xương, xem cảnh anh bếp biểu diễn tài ghè vỡ chiếc niêu đất, lấy trọn khối cơm tròn vo nóng hổi ra, thảy vèo qua đầu đám thực khách đông đảo, cho một anh bồi giơ dĩa bắt gọn lấy, dùng dao bổ ra làm tư, đặt lên bàn trước mặt khách, lễ phép mời thưởng thức những múi cơm vỏ cứng giòn vẫn bốc hơi nghi ngút. Tôi muốn cho Uyên được cầm đọc cái thực đơn phong phú, bao gồm mấy trăm món ăn đặc sản của ba miền Bắc Trung Nam, được thấy la liệt các món ăn dọn trên những chiếc dĩa hay trong chén nhỏ xíu, rất tiện cho khách tò mò muốn thử nhiều món khác nhau. Tôi muốn Uyến nếm qua mấy món canh điên điển, canh cua đồng, gỏi bồn bồn, cà pháo mắm tôm, v.v... tuyệt chiêu của tiệm này.

Nhưng, thay vì bữa cơm niêu, chúng tôi đến tham dự bữa nhậu do các bạn học cũ của anh Tiến mời, nhân dịp một anh bạn khác vừa từ Iowa về . Trong khi các anh tì tì uống bia như nước, tôi tì tì nhâm nhi những con nghêu mập đầy, ngon ngọt, hấp dẫn hơn loại nghêu bán từng thau ở vỉa hè Nguyễn Tri Phương ngày xưa rất nhiều.

CẢM ƠN MẸ GIỮ GÌN TIẾNG VIỆT CHO CON

Chuyến về quê vỏn vẹn chỉ hai tuần ngắn ngủi song thật khó quên. Thăm thắng cảnh là mục tiêu rất phụ, thăm thân nhân bằng hữu mới là chính. Và mỗi cuộc hội ngộ đều để lại trong tâm tư tôi nỗi bồi hồi khó tả...

Tuy rất sung sướng được trở lại với không khí trong lành và đời sống quy củ của một đất nước văn minh giàu có, Uyên nói mấy câu khiến tôi rất xúc động: "Cảm ơn bố mẹ đã thưởng cho con món quà vô giá; cho con cơ hội học hỏi trực tiếp về cội nguồn của mình. Cảm ơn mẹ đã giữ gìn tiếng Việt cho con. Con đã không bị lạc lõng giữa những người bà con ruột thịt nơi quê mẹ."

Ai Cơ Hoàng Thịnh

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,482,879
Máy chụp hình được đặt trong một hộp trắng, đi kèm với một hệ thống đèn flash, được dựng ở bốn góc
Ông buồn lắm! Sang tới đất nước này, lòng ông càng trĩu nặng. Ông đã tính không đi. Người ta bảo, sang bên đây buồn, nhất là những người già như ông. Nhưng đám con ông nó nghĩ khác
Từ sáng, người bạn sponsor thả vợ chồng con cái Nguyên xuống Sở Xã Hội này để làm thủ tục "đầu tiên" (xin trợ cấp tị nạn) với chính quyền, rồi hẹn khoảng năm giờ
Sau năm 1975, một số dân tị nạn chúng ta vô nghề làm móng tay móng chân và đắp bột. Nghề nầy hồi trước dân địa phương đã chập chửng khai thác rồi nhưng rất đắt tiền. Một bộ móng tay
Nơi này, hôm nay, ông Thành đang bước đôi chân nhẹ nhàng , thong thả mà thẫn thờ, vơ vẩn, trên đường Magnolia và góc Bolsa, trong khu phố chợ ABC. Ông đi vật vờ ngắm cảnh hơn là
Trong cái mát lạnh của một buổi sáng cuối tuần, vừa uống cà phê, thả mấy cụm khói thuốc bay lơ lững và tan hoà vào không gian. Nhìn ánh nắng mai vàng tươi, le lói xuyên qua mấy cành dừa
Đời sống, sinh hoạt, giờ giấc mỗi người mỗi khác mạnh ai nấy sống; nhiều khi cái tình "lạt như nước…. lã". Người Mỹ có câu "Eat together, stick together" có ăn chung thì mới gắn bó với nhau
Tác giả sinh năm 1935, là một nhà giáo kỳ cựu. Tại Việt Nam trước 19775, bà là giáo chức Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, Saigon. Tại Hoa Kỳ, bà hiện là giáo chức thuộc Coachella Valley Unified
Lại đêm qua, tôi ngồi với ông gìa đầu bạc mà tôi quen biết cũng đã lâu. Chuyện kể của ông, nhắc lại tin tức hôm nào mà chỉ mình tôi nhớ. "chuyện đêm qua."
Đây là bài viết đặc biệt được dành cho Ngày Lễ Tạ Ơn. Tác giả là trưởng nữ một gia đình thuộc sắc tộc Chăm (Chàm) đang sống tại Việt Nam, đến Mỹ do sự can thiệp đặc biệt của bệnh viện U.C Davis
Nhạc sĩ Cung Tiến