Hôm nay,  

Gia Long Lưu Lạc

07/03/200600:00:00(Xem: 145300)
Người viết: Phong Lan

Bài số 954-1554-278-vb8050306

*

Tác giả tên thật Ngô Thị Bạch Huệ, định cư ở Mỹ từ 1980, cư dân Orange County, đã được trao tặng giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài “Người Mỹ Di Động”. Đây là một tự truyện đầy tính lạc quan: 7 lần dọn nhà, 12 lần đổi job, không ngán. Công việc thứ 12 của bà là thành lập công ty consulting firm của riêng mình, viết sách technical bán trên AMAZON.COM và sách được sắp hạng Best Seller. Sau 5 năm ngừng viết, mới đây, Phong Lan vừa góp thêm bài mới.

*

Tôi rời trường Gia Long vào giữa năm học lớp 12 khi cả lớp đang chuẩn bị kỳ thi học kỳ I. Tôi đi vượt biển một mình.

Khi bước xuống tàu ở Cát Lái và ra khơi ở Vũng Tàu, tôi đã quay đầu nhìn lại mảnh đất quê hương một lần cuối và biết rằng tôi sẽ khó có ngày quay về lại đất nước thân yêu của tôi.

Vừa ra khơi được 1 ngày 1 đêm, thuyền của tôi bị sóng đánh tả tơi tưởng là đã tiêu rồi. Trên tàu tôi nôn mửa tới kiệt lực, hết cử động nổi. Mỗi buổi sáng khoảng 8 giờ sáng tôi được phát một chén cháo loãng và đợi đến 8 giờ tối lại được thêm một chén cháo khác. Nhưng tôi không buồn ăn uống nữa vì ăn rồi thì lại nôn mửa tiếp.

Trong cơn mê ngủ vì say sóng, tôi nằm mơ thấy mình bị cô giáo Gia Long kêu lên trả bài, và vì đêm qua không học bài nên tôi trả lời ấp úng. Tôi lật đật ngồi dậy tìm kiếm tập vở nhưng nhìn qua nhìn lại thấy mình đang ở trên tàu, chung quanh người ta nằm la liệt, và con tàu vẫn đang lướt sóng trong đêm. Tôi tỉnh hẳn người ra và biết rằng từ nay tôi không còn phải học bài trong đêm nữa, và nỗi ám ảnh lo sợ bị cô kêu lên trả bài bất tử không còn nữa, “mừng” quá! Và cũng từ đây, số phận tôi là lưu lạc ở xứ người, là một mình tự quyết định lấy vận mạng của mình.

Hành trang và kiến thức vào đời mà mái trường Gia Long đã trang bị cho tôi là 6 năm học Anh Văn, mỗi tuần 3 giờ, Toán đại số, lượng giác đến lớp 11, và nhất là những giờ Việt Văn làm cho tôi yêu tiếng mẹ đẻ, yêu cổ nhạc, yêu cải lương, yêu những lời ca tiếng nhạc Việt Nam đã làm cho tôi thổn thức những ngày đầu xa quê hương trên xứ người, những bài công dân giáo dục học ở lớp 6, 7, 8, 9 giúp cho tôi lúc nào cũng ráng sống giữ đạo làm người, giữ lòng tự trọng dù cho cuộc sống tôi có lúc đã rớt xuống hạng nghèo nhất.

Khi ra đi tôi hy vọng sẽ được Mỹ chấp thuận cho vào nước Mỹ vì tôi chỉ biết chút ít tiếng Anh. Nhưng mà mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Tàu của tôi sau 18 ngày lênh đênh ngoài biển, đã đến được Phi Luật Tân nhưng không được phép vào bờ. Mỗi ngày Cao Ủy Liên Hiệp Quốc lái tàu ra khơi làm giấy tờ cho chúng tôi đi định cư ở nước thứ ba và tiếp tế đồ ăn. Pháp là nước đầu tiên sẵn sàng tiếp nhận chúng tôi không cần điều kiện gì. Nếu muốn đi Mỹ tôi phải chờ ở trên tàu ít nhất 6 tháng sau khi các nước khác đã ưu tiên nhận hết người trên tàu.

Thế là tôi phải đứng trước một quyết định là đi Pháp hay đi Mỹ. Đi Pháp thì biết chắc tôi sẽ thành một người vừa câm vừa điếc vì tôi có biết một chữ Pháp nào đâu" Cuộc sống chắc chắn là vất vả bước đầu. Muốn đi Mỹ thì phải ở lì trên tàu dơ dáy và đầy hơi người này trong 6 tháng nữa, rồi tiền đâu mà xài"

Thôi thì ...

Đành liều nhắm mắt đưa chân

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu"

Tôi quyết định xin đi Pháp mặc kệ đời có ra sao thì ra. Tôi phải đi ra khỏi con tàu này, không chờ đi Mỹ nữa.

Chỉ trong vòng một tuần lễ tôi được cấp giấy nhập cảnh Pháp. Bước chân lên máy bay ở phi trường Phi Luật Tân, tôi chỉ có một túi xách có 2 bộ đồ, và một đôi dép cao su. Từ một đưá con gái con nhà giàu ở Sàigòn, tôi rớt xuống thành một người vô gia cư, vô nghề nghiệp, vô tổ quốc, và tương lai vô định. Nhưng không sao, Gia Long đã cho tôi có một nghị lực, một niềm tin ở chính mình dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Tôi bước xuống phi trường Charles DeGaulle ở Paris, tự nhủ lòng bằng câu thơ của người xưa:

“Còn trời còn đất còn non nước

Chẳng lẽ ta đâu mãi thế này!”

Đến Pháp, tôi được chính phủ Pháp nuôi ăn ở trong 4 tháng, và có thầy dạy chúng tôi Pháp văn. Tôi học nói tiếng Pháp nhưng cứ phát âm giống tiếng Anh những chữ tận cùng bằng “tion” như conversation, question, etc... Tôi tức mình sao ngày xưa ở trường Gia Long không cho lớp 10, 11, 12 học tiếng Pháp là sinh ngữ hai thì bây giờ có lẽ tôi đỡ khổ hơn không"

Sau 4 tháng được ở không ăn chơi và học sinh ngữ, tôi nói tiếng Tây “ba rọi” cũng tạm tạm. Đã tới lúc phải đi kiếm việc làm. Nhưng làm gì bây giờ với cái vốn liếng tiếng Pháp 4 tháng"

Mới 18 tuổi đầu, tôi đã phải lăn xả ra cuộc đời để tự mưu sinh. Lúc ấy đêm nào tôi cũng nhớ về trường xưa, nhớ thầy cô, nhớ mấy đưá bạn thân. Giờ này chắc chúng nó đang học để thi lớp 12, rồi thi vào đại học. Còn tôi giờ này tứ cố vô thân, học hành dở dang, nghề nghiệp không có gì hết. Tôi tủi phận mình và biết rằng tôi sẽ bị bỏ lại sau lưng. Nhưng mà thôi, có ngồi than vãn cũng không giúp ích được gì.

Tôi đứng dậy, và tự vẽ ra một kế hoạch đi tìm việc làm. Sáng nào tôi cũng lấy xe điện ngầm métro đi đến các trung tâm tìm việc làm dành cho người Á Đông để ghi tên tìm việc. Tôi còn nổi hứng sáng tác một bài thơ con cóc với tiếng Tây ba rọi để tự trêu mình và bạn bè cùng hoàn cảnh:

‘Sáng lấy métro đến boulot

Chiều rượt métro để dodo

Gagner mỗi tháng vài xu lẻ

Còn hơn thất nghiệp đánh loto.’

(Chú thích: Boulot là việc làm, Dodo là cái lưng, ý nói về nhà nằm, Gagner là kiếm được tiền, Loto là chơi xổ số Lô Tô.)

May quá, trung tâm giới thiệu cho tôi được một việc làm giữ em bé mỗi ngày 5 giờ, mỗi giờ được 4 francs. Bà chủ của tôi là một giáo sư đại học ở Pháp, mới có đứa con đầu lòng, bà nghỉ việc ở nhà giữ con. Nhưng có lẽ ở nhà mãi tù túng quá, nên bà muớn tôi mỗi ngày 5 giờ để trông coi bé Eric và đẩy xe em bé ra công viên chơi để bà được ra ngoài cho thoải mái một chút. Tôi mừng quá nhận việc liền.

Bà chủ của tôi rất tử tế. Bà nói tiếng Tây chậm rãi với tôi để tôi có thể hiểu. Làm được một tháng, lãnh cái check đầu tiên, sau khi trừ thuế, tôi thấy sao ít quá. Thấy bà chủ trưa nào cũng phải nấu cơm cho ông chồng từ sở về ăn, ăn xong bà phải rửa chén và ủi quần áo cho cả nhà. Thấy vậy, tôi đề nghị bà chủ hãy để tôi rửa chén và ủi quần áo giùm bà. Và nếu được thì bà cho tôi tính thêm 2 giờ mỗi ngày nữa! Bà ngần ngừ một chút rồi cũng “D’accord” đồng ý!

Vậy là tôi có thêm tiền để đi học thêm Pháp văn ở Alliance Francaise, một trường tư dạy Pháp văn cho người ngoại quốc rất nổi tiếng nhưng cũng rất đắt tiền. Sau gần 15 tháng học ở đây tôi cũng được cấp bằng “Certificat de Francais parlé” và “Diplôme De Langue Francaise” ngày 30-6-1980!”

Làm giữ em bé được 6 tháng tôi nghe bạn bè nói chính phủ Pháp có mở những lớp dạy học nghề mỗi ngày 8 giờ và được trả lương tối thiểu 6 francs một giờ như đi làm. Tôi ghi tên xin đi học và được chấp thuận cho học nghề đánh máy và kế toán. Tôi học Gia Long ban toán nên học kế toán thì đúng là sở trường rồi. Tôi học dễ dàng và thi kỳ nào cũng được cô giáo khen.

Trước khi xin bà chủ nghỉ việc, tôi giới thiệu một cô bạn khác của tôi cũng mới qua Pháp cho bà chủ và còn giơí thiệu bạn tôi là một nhạc sĩ đàn piano ở Việt Nam. Bà chủ trố mắt nhìn tôi có vẻ không tin. Sẵn nhà bà chủ có đàn piano, bạn tôi đến đàn một bài cho bà chủ nghe chơi. Bé Eric nghe đàn thích quá, chạy tới làm quen. Bạn tôi được mướn liền. Tôi từ giã bà chủ tốt bụng và chuẩn bị đi học được lãnh lương tuần sau đó.

Đi học được một năm, tôi cũng muốn ghi tên đi học đại học trở lại. Nhưng khổ nổi, tiếng Tây của tôi còn kém quá, tôi lại không tốt nghiệp trung học ở Việt Nam, nên đường vào đại học rất vất vả, nếu không muốn nói là khó có thể được.

Tôi không biết là nên ở lại xứ Tây hay là kiếm đường “vượt biên” lần nữa. Tôi không muốn bị bạn bè bỏ lại sau lưng trên đường học vấn. Tôi không muốn đầu hàng nghịch cảnh. Mục đích của ba má tôi cho tôi đi vượt biển ra nước ngoài là mong muốn cho chúng tôi được học hành thành đạt và tiến thân sau này. Chẳng lẽ tôi lại dậm chân tại chỗ, bằng lòng với mảnh bằng thư ký đánh máy và kế toán cơ bản"

Sau khi học xong khóa học, tôi có việc làm cashier trong một siêu thị. Lương bổng không nhiều nhưng đủ sống qua ngày.

Có lẽ cái chất Gia Long trong người tôi còn nặng lắm, học hành thi đua với chúng bạn để được điểm cao làm cho thầy cô hãnh diện vì mình, đã làm cho tôi quyết định”vượt biên” một lần nữa!

Tôi liên lạc với người thân ở Mỹ và may mắn sao, anh của tôi vừa từ trại tị nạn ở Mã Lai đến Mỹ năm 1980. Anh bảo lãnh cho tôi sang Mỹ và tôi đã đến Mỹ tháng 10-1980. Trường đại học ở Mỹ đã nhập học vào tháng 9, tôi sang trễ quá nên phải đợi khoá sau vào tháng 1-1981 mới khai giảng lại. Thế là tôi được ở nhà nấu cơm, chăm sóc bà ngoại.

Từ một người đang có việc làm ở Pháp, tôi lại thành thất nghiệp ở nhà tại Mỹ. Ở nhà chán quá, hết ra lại vào, không có tiền xài, tôi than buồn nản và nói với anh tôi là tôi muốn trở lại Pháp để đi làm. Anh tôi tức giận rầy la tôi và nói là ở Mỹ là xứ sở có thể đi học đại học dễ dàng, đại học là học đại, 18 tuổi ai cũng có thể đi học đại học và sau 4 năm ra trường sẽ có đời sống ổn định.

Vạn sự khởi đầu nan. Làm việc gì cũng phải vượt qua khó khăn lúc đầu. Anh đem về cho tôi mấy cuốn sách Toán tiếng Việt lớp 12 bảo tôi ở nhà tự ôn lại bài, và học lại tiếng Anh. Nhờ vậy thời gian trôi qua thật nhanh và tôi đã từ từ lấy lại tự tin và lòng kiên nhẫn để hoàn tất 4 năm đại học và 3 năm cao học trong khi vẫn phải đi làm để tự nuôi thân.

Năm 1990, khi người Việt tại Mỹ có thể về nước thăm nhà, tôi đã có dịp trở về Việt Nam thăm lại bạn bè và thầy cô. Tôi không còn mặc cảm thua kém bạn bè vì ít ra tôi đã cố gắng hết mình để hoàn thành việc học, không bỏ nửa chừng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Nhớ lời dạy của thầy cô Gia Long, tôi đã đem kiến thức của mình để truyền lại cho nhiều người Việt Nam và người bản xứ nơi tôi cư ngụ và giúp đỡ nhiều người có công ăn việc làm tốt. Khi có cơ hội nói chuyện với thanh niên sinh viên học sinh ở Mỹ, tôi luôn khuyến khích các em có tinh thần vượt khó, và sống với tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình.

Đối với đàn em tại ngôi trường cũ sau này, tôi mong có dịp được giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, trong tinh thần một người chị Gia Long ở phưong xa lúc nào cũng nhớ về trường xưa, về thầy cô và lúc nào cũng muốn giúp đỡ các em, vì các em chính là hình ảnh của tôi ngày xưa.

Đối với trường Gia Long và các thầy cô thương yêu của tôi, tôi luôn dành cho trường và thầy cô những tình cảm chân thành nhất. Được thầy cô sai bảo, nhờ vả điều gì, tôi đều cảm thấy hạnh phúc và làm hết sức mình để hoàn thành.

Em xin được gửi đến những thầy cô Gia Long những lời biết ơn chân thành nhất của một đứa học trò lúc nào cũng mang ơn trường Gia Long đã cho em kiến thức và hành trang vào đời thật vững chắc để tạo dựng sự nghiệp và giúp ích cho đời.

Các thầy cô bây giờ đã về hưu hết rồi, nhưng những điều thầy cô từng chỉ dạy còn theo chúng em mãi: Chăm sóc cho lớp trẻ có kiến thức, có tình người, biết thương yêu người nghèo khổ và có tinh thần hy sinh vô vị lợi cho tha nhân. Hình như đâu đây em vẫn còn nghe bài hát “Cô gái Việt” từ trong sân trường thân yêu ngày nào...

Phong Lan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,476,846
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của một tác giả cư dân Virginia . Công việc của ông là phục vụ cộng đồng trong lãnh vực tư vấn. Ông đã góp cho Viết Về Nước Mỹ 4 bài viết: Buổi Chiều Rất Ngắn, Bình Hoa Tan Vỡ, Chân Dung Của Núi và Đôi Bạn Chân Tình. Mỗi bài một đề tài tiêu biểu: đồng tính, ngoại tình, tình dục, tình bạn
Huyền Thoại là bút hiệu khác của Thịnh Hương, một tác giả cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài viết mới lần này của bà là truyện về phản ứng của một cô dâu với ông bố đã bỏ bê vợ con. “Ông ngoại không thương con,” Thảo khóc ngất. Cô úp mặt vào nệm ghế, vai cô rung
Khu shopping Senter có quán HO tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Nhất là buổi sáng có nhiều khách uống cà phê phải kéo ghế ra hàng ba ngồi. Thường ở đây quy tụ các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, họ quây quần ở đây để uống ly cà phê “bạc xỉu” -bạch tiểu, có nghĩa nhiều
Đáng lý ra thì nó đã được gọi bằng một cái tên Việt-Nam cho khỏi “Mỹ hoá”! Nhưng là vì hai đứa anh lớn của nó “bàn ra tán vô”trước khi con bé được sinh ra. Đại-khái là dùng tên Mỹ để sau đi học cho dễ gọi, chứ như hai đứa anh lúc qua Mỹ đã sáu bảy tuổi, đi đến trường bằng tên Việt bình thường, mấy tháng đầu nhiều khi
Tác giả Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán ở Pháp, cô sang Mỹ, vừa làm vừa học thêm về Management Information System. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ gặp gỡ trên chuyến bay đi Việt Nam .
Tác giả Trương Tấn Thành, cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, hiện trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã được trao tặng
Năm 2000, sau gần 25 năm cày bừa chăm chỉ trên đất Mỹ, hai vợ chồng già đã làm một chuyến qui cố hương đáng giá, đi từ bắc vô nam. Sau chuyến đi này, tôi vẫn thường ra rả bên tai chồng rằng: nì, Ôn ơi, kể từ nay mỗi năm tụi mình chỉ nên kéo cày 11 tháng, còn một tháng thì kiếm chỗ đi chơi, kẻo già rồi cố quá có ngày
Tác giả cho biết ông sinh năm 1934 tại Cần Thơ, hiện là cư dân Austin , Texas . Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Những Người Tuổi Sửu”, kể chiuyện “đi cầy tại Mỹ” cho thấy tấm lòng của các bậc cha anh với thế hệ con em. Bài mới lần này là câu chuyện về một bà mẹ thuyền nhân phấn đấu với hoàn cảnh, một mình
Nhạc sĩ Cung Tiến