Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ Và Tôi

26/08/200700:00:00(Xem: 150698)

Người viết: Nguyễn Duy An

Bài số 2074-1937-641vb8260807

*

Nguyễn Duy-An là tác giả đã nhận Giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2006. Ông hiện là Senior Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005, ông lần lượt góp 12 bài viết, trong số này có tự truyện “Từ Bình Giả tới Hoa Thịnh Đốn”và trở thành tác giả có số lượng người đọc nhiều nhất. Theo “lệ làng”, năm nay ông là người sẽ trao giải thưởng Việt Báo  cho người thắng “Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007” trong buổi họp mặt phát giải tối chủ nhật 26-8.

*

Mùa hè năm 2006 tôi đưa gia đình trở về thăm lại quê hương Bình Giả...

Một hôm, trong lúc đang ngồi ở dịch vụ internet, tôi nhận được Email của cô Quyên (Việt Báo) hỏi xin địa chỉ, điện thoại liên lạc... vì tôi là một trong số 12 tác giả được bình chọn vào giải chung kết Viết Về Nước Mỹ năm 2006, và một trong ba bài được chọn là bài "Từ Bình Giả Tới Hoa Thịnh Đốn". Tôi bồi hồi và xúc động thật nhiều vì đó là bài viết đầu tiên của tôi được Việt Báo đăng trong mục Viết Về Nước Mỹ ngày 21 tháng 5 năm 2005, và tôi nhận được tin vui khi đang ở Bình Giả. Tôi đã tìm cách vượt "bức tường lửa" (firewall) để vào đọc thông báo trên Việt Báo Online và vội vàng liên lạc nhờ một người bạn đang ở Mỹ mua giúp vé máy bay để sang California tham dự Lễ Phát Giải Thưởng VVNM-2006 vì mãi tới ngày 17 tháng 8 tôi mới rời Bình Giả trở về Hoa Thịnh Đốn.

Tôi gởi bài tham gia chương trình Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2005 sau khi vợ tôi mượn được một cuốn sách Viết Về Nước Mỹ 2002 ở thư viện Wilson, Falls Church, Virginia. Càng đọc tôi càng thích thú vì nhiều chuyện rất gần gũi với cuộc đời tỵ nạn của chính tôi. Tôi tìm đọc lại những trang nhật ký "Đời Tỵ Nạn" ghi lại những biến cố đã xảy ra cho chính tôi hoặc những câu chuyện tôi tận mắt chứng kiến từ khi bước chân lên trại tỵ nạn Galang, Indonesia, và quyết định sắp xếp thành từng bài viết khác nhau để chia sẻ với mọi người qua chương trình Viết Về Nước Mỹ.

Viết văn không phải là "nghề" của tôi. Thêm vào đó, lúc còn học trung học ở quê nhà, Việt Văn là môn học tôi không thích! Lý do tôi không thích Việt Văn rất đơn giản, vì cho dẫu tôi cố gắng tới đâu, các thầy cô cũng không bao giờ cho điểm một bài luận 20/20 như những bài Toán, Lý Hóa, hay những môn học khác. Do đó, khi gởi bài cho Việt Báo, tôi chỉ muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm sống dựa vào những dữ kiện tôi góp nhặt trong cuộc sống thường nhật sau hơn 20 ở Mỹ chứ không bao giờ nuôi mộng tưởng sẽ được trúng giải.

Phần thưởng hiện kim của Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ, sau khi khấu trừ tiền thuế Liên Bang và Tiểu Bang, đã tạo điều kiện cho tôi làm được một chút gì đó cho quê hương yêu dấu Bình Giả của tôi vì trong chuyến về quê năm 2006 tôi đã gặp rất nhiều gia đình khốn khó, nhiều đứa trẻ lên năm, lên bảy mà gầy gò ốm yếu như mới ba bốn tuổi. Tôi đã gặp những cụ già đau ốm, bại liệt lâu năm trong những căn nhà xiêu vẹo, trống trước hở sau. Tôi đã gặp những em bé trần truồng đang mò cua bắt ốc hay mót lúa, mót khoai giữa trời trưa nóng như thiêu như đốt, và hàng trăm trẻ em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc...

Tôi không phải là nhà văn. Tôi chỉ kể lại những chuyện vui buồn của người Bình Giả. Tôi xin cám ơn quý độc giả khắp nơi. Tôi xin cám ơn Ban Giám Khảo, Ban Tổ Chức và tôi xin thành khẩn cúi đầu cám ơn Việt Báo và chương trình Viết Về Nước Mỹ đã giúp xoa dịu phần nào nỗi khổ của "Người Bình Giả".

Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ là giải thưởng lớn nhất trong các giải Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, và cái giá trị đó còn được tăng lên gấp bội khi chuyển về quê tôi, vì ở đó, một nông dân bình thường chỉ được trả lương chưa tới $1 cho một ngày công lao động. Ôi! Tôi không biết làm sao để diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa cao quý cả vật chất lẫn tinh thần tôi nhận được từ giải thưởng Việt Báo, vì sau gần 25 năm xa xứ, đây là lần đầu tiên tôi có điều kiện để làm một chút gì đó cho những người cùng khổ từ nơi "chôn nhau cắt rốn" của tôi.

Một lần nữa, tôi xin khắc ghi vào tâm khảm những ân tình tôi nhận được từ anh chị em trong gia đình Việt Báo, các tác giả và độc giả tôi có dịp quen biết nhờ chiếc cầu văn hóa Viết Về Nước Mỹ. Đây chính là phần thưởng cao quý nhất tôi vẫn hằng ấp ủ trong lòng từ khi tham gia chương trình Viết Về Nước Mỹ.

Trong dịp lễ Phát Giải Thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm 2006, tôi gặp lại một người đàn anh là nhà báo Phan Tấn Hải sau hơn 20 năm trời xa cách. Tôi "quen biết" anh Hải lúc còn ở trại tỵ nạn qua câu chuyện "Cậu Bé và Hoa Mai" đăng trên Bán Nguyệt San Tự Do ở Galang, Indonesia. Lúc bấy giờ anh Hải là thầy giáo "thiện nguyện" dạy Việt Văn ở khối Giáo Dục Phổ Thông, còn tôi đang "cùng ăn, cùng ở" như một người anh cả của những trẻ em lai Mỹ hoặc vượt biên một mình không có thân nhân tại trung tâm "Unaccompanied Minors" nên tạm coi như là "anh hai" của đám học trò "ngổ ngáo" nhất trại tỵ nạn Galang... Bây giờ gặp lại, anh Phan Tấn Hải đã là Chủ Bút của Việt Báo. Xin chúc mừng anh.

Ngược dòng thời gian... Thời mới lớn ở Việt Nam, tôi rất "mê" những bài thơ tình của Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên và Trần Dạ Từ. Đã hơn một lần tôi thả hồn mơ mộng được "Đưa Em Về Dưới Mưa", rồi "nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát" theo "Thưở Làm Thơ Yêu Em" hay "Nụ Hôn Đầu", và cũng nhiều lần ngâm nga "Người Đi Qua Đời Tôi"... nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có dịp quen biết những thi sĩ "gạo cội" của nền Văn Học Việt Nam từ trước năm 1975. Viết Về Nước Mỹ đã nối một nhịp cầu cho tôi được gặp gỡ và tâm tình với hai nhà văn nhà thơ Trần Dạ Từ và Nhã Ca như một người thân thương trong gia đình. Tôi không bao giờ quên được giây phút thi sĩ Trần Dạ Từ siết chặt tay tôi nói lời chúc mừng bằng một giọng nói trầm trầm: "Anh Từ và chị Nhã chúc mừng em" trong khi nhà văn Nhã Ca tươi cười vồn vã xiết chặt vòng tay ôm vợ tôi vào lòng như hai mẹ con gặp lại sau nhiều ngày xa cách. (Hôm sau vợ tôi mới nói cho tôi biết con gái đầu lòng của anh chị cùng tuổi với nàng, nên ít ra chúng tôi phải gọi bằng cô chú mới đúng, nhưng tôi chỉ muốn tiếp tục xưng hô "Anh Từ và Chị Nhã" cho thân tình).

Trước khi tham gia chương trình Viết Về Nước Mỹ, tôi đã từng đọc nhiều bài bình luận của nhà báo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trên nhiều tờ báo Việt ngữ, đọc và nghe những bình luận kinh tế tài chánh của ông trên các đài  BBC, RFI, đài Á Châu Tự Do và rất cảm phục những nhận xét và phân tích của anh về thời cuộc và kinh tế. Khi gặp mặt anh, tôi lại càng kính trọng "ngài chánh chủ khảo" của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều hơn vì dáng dấp rất mô phạm và giọng nói chan chứa sức thuyết phục, thu hút và hùng hồn... Hình ảnh nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa gợi cho tôi nhớ thật nhiều một thầy giáo cũ đã dạy Việt Văn cho tôi từ mấy chục năm trước ở quê nhà nên tôi chỉ dám "kính nhi viễn chi" như một cậu học trò bé bỏng đứng trước mặt vị thầy khả kính.

Một thành viên khác trong Ban Giám Khảo tôi được hân hạnh quen biết trong dịp này là nhà báo Nguyễn Khắc Nhân. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi xưng "cháu" với nhà báo Nguyễn Khắc Nhân, mặc dầu "anh ấy" đã gọi tôi là "em" khi vừa bắt tay vừa khích lệ "em viết khá lắm" sau lời giới thiệu của thi sĩ Trần Dạ Từ. Tôi trân trọng nâng niu tuyển tập "Di Cảo Thơ Đặng Tường Vi Yêu Thương" được nhà báo Nguyễn Khắc Nhân ký tặng và chợt nhớ tới người cha già đã mất nên thốt lên: Cháu cám ơn bác.

Được gặp gỡ và quen biết những "bậc vị vong" trong thế giới văn nghệ sĩ là một vinh dự lớn cho tôi, nhưng niềm vui lớn hơn mà tôi vẫn còn ấp ủ mãi trong lòng là việc được quen biết với những tác giả tham gia chương trình Viết Về Nước Mỹ. Tất cả chúng tôi, mỗi người phiêu bạt một phương trời, tuổi tác chênh lệch, nghề nghiệp khác nhau nhưng dầu sao cũng là "đồng hội đồng thuyền" nên dễ thân nhau và không phải "e lệ" trong lúc "tâm tình to nhỏ" như đối với những "bậc trưởng thượng" của nền Văn Học Việt Nam.

Một trong những người tôi rất hâm mộ và rất vui khi được quen biết là tác giả tuyển tập "Chuyện Miền Thôn Dã" Nguyễn Viết Tân. Người anh có bút hiệu Tân Ngố này nói chuyện "vui không chịu được".  Những bài Viết Về Nước Mỹ của anh lúc nào cũng chan chứa tình người và vui nhộn, nhưng lối nói chuyện của anh còn "vui" hơn nhiều lắm. Ước gì tôi được ở gần anh để thỉnh thoảng ngồi "lai rai" nghe anh kể chuyện cho đầu óc vơi bớt căng thẳng sau những giờ vất vả "đi cày" trên xứ lạ quê người. Xin cám ơn anh đã tặng em cuốn "Chuyện Miền Thôn Dã" để em biết nhiều hơn về cuộc sống của "Người Miền Tây" vì em được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hẻo lánh ở "Miền Đông Nam Bộ".

Một người chị vẫn thường xuyên liên lạc với tôi qua email, điện thoại là tác giả Thịnh Hương (bút hiệu mới của chị là Huyền Thoại). Không biết có phải vì tôi và chị Thịnh Hương "cùng nắm áo chùng thâm của cùng một Linh Mục lúc còn ở bên quê nhà" như lời chị ấy nói, hay vì cả hai chị em thường hay phải đi công tác xa nhà và hay "viết vớ vẩn" nên dễ thân nhau... Mới đây chị ấy còn nhắc tôi liên lạc với Việt Báo để xin được xếp ngồi chung bàn với gia đình chị vào dịp lễ Phát Giải Thưởng năm 2007. Hy vọng chúng tôi sẽ được toại nguyện.

Có hai tác giả vợ tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần phải làm quen, xin chữ ký và địa chỉ liên lạc là XYZ vì bài viết "Anh Đã Mừng Đưa Em Sang Đây" và tác giả Trân Nguyên vì "Chuyện Cấm Đàn Ông". Tại nhà hàng, khi nhìn thấy hai "ông lính" là Bác Sĩ Hải Quân Thiếu Tá Bùi Quang Hân và Trung Uý Thuỷ Quân Lục Chiến Hồ Viết Tân (Cánh Chuồn Chuồn), vợ tôi đã vội vàng chạy tới xin chữ ký ngay lập tức vì cái nét "oai phong lẫm liệt của hai chàng quân nhân người Việt trên đất Mỹ". Vợ tôi vẫn "mê lính" từ nhỏ nhưng lại lấy tôi là người chưa bao giờ "khoác áo chiến y!"

Trong suốt năm qua, thỉnh thoảng vợ tôi vẫn khoe với bạn bè những tấm hình được chụp chung với nhà văn Nhã Ca, nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, hai chàng sĩ quan đẹp trai và những tác giả cũng như bạn mới trong gia đình Việt Báo. Cũng đã hơn một lần cô ấy "mè nheo" với tôi vì tấm hình "gươm lạc giữa rừng hoa" chụp chung với Ban Tiếp Tân và mấy cô "Bé Viết Văn Việt" để nhắc tôi sắp xếp lịch công tác làm sao để dành cuối tháng 8 hàng năm trở về Quận Cam tham dự chương trình Phát Giải Thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ...

Riêng tôi, tôi vẫn nhớ mãi những khuôn mặt thân thương của các tác giả như Thuỳ Dương, Quỳnh Hương, Sapy Đi Đi, Nguyễn Văn Hưởng, Tô Văn Cấp (Philatô), Long Châu, Bồ Tùng Ma... Tôi vẫn không quên bóng hình một thiếu nữ rất Huế với tà áo dài mầu tím là tác giả Nguyễn Thị Huế Xưa. Tôi vẫn nhớ mãi gương mặt phúc hậu của tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân, nhớ tác giả Lê Tường Vi lúc nào cũng rạng rỡ tươi cười... Các bạn ơi, chúng ta phải làm sao để nối kết mọi người vào chung một diễn đàn hay "Group-Mail" để giữ liên lạc và tiếp tay cùng Việt Báo nuôi sống và phát huy chương trình Viết Về Nước Mỹ càng ngày càng lớn mạnh hơn nhé.

Tôi đến với chương trình Viết Về Nước Mỹ vì một "Chuyện Tình Cờ". Tôi vui mừng khi được trao giải chung kết Viết Về Nước Mỹ năm 2006, nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với tôi chính là được chung tay, góp sức với các bạn (tác giả cũng như độc giả) cùng hưởng ứng, khuyến khích và hỗ trợ cho "bộ sách lịch sử ngàn người viết" mỗi ngày một thêm phong phú...

Viết Về Nước Mỹ chính là một nhịp cầu văn hóa đang liên kết những thế hệ người Việt xa quê hương trong tình đoàn kết yêu thương, đồng thời cũng dãi bày cho cả thế giới thấu hiểu cái giá trị đích thực của những thành công cũng như thất bại, và ý chí quật cường của người Việt Nam trên xứ lạ quê người.

Tôi tin tưởng đợi chờ tới ngày được cùng với tất cả mọi người, mọi giới hân hoan mừng lễ khánh thành chiếc cầu văn hóa Viết Về Nước Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,269,235
Mỗi lần tôi đến thăm Dì Năm; Dì cứ lặp đi lặp lại câu nói: " Cho tới bây giờ đã hơn ba mươi năm sống tại Mỹ mà ngồi nghĩ lại những ngày trước
Sau những gay go chật vật, cơm, áo, tiền ...; rồi cũng đến Seattle năm 1993 với danh nghĩa HO. (HO, (Humanitarian Operation)
Đầu tiên là bé gái Út lấy chồng. Lấy chồng thì phải theo chồng, bé Út khăn gói theo chồng về Florida. Sau đó đến em Ty lấy vợ
Tôi thích viết văn, làm thơ từ thuở còn bé xíu. Những bài thơ, câu chuyện tôi viết không mang màu sắc tươi vui của cuộc sống đẹp như trong mơ
Xuân đã đến rồi! Minnesota vừa mới lột đi được chiếc áo choàng trắng của nàng Tuyết và chuẩn bị mặc lên chiếc áo rực rỡ của nàng Xuân
Nếu con còn muốn sống với gia đình thì phải sửa đổi, học hành đàng hoàng. Dì nhất định không chấp nhận cảnh đi đi về về xem nhà như cái chợ của con
Hai năm gần đây, sắp tới tuổi về hưu, tôi bớt lo công việc đi bán bảo hiểm như gọi điện thoại cho bà con, để đến từng nhà họ
Về đâu" Đó là một câu hỏi trong mỗi một con người chúng ta. Nhất là những khi chúng ta gặp điều không may trong cuộc sống.
Dưới thung lũng tuyết trắng xóa, có ba anh em nhà “mộc tồn” người Esquimo. Mộc tồn có nghĩa là cây còn, nói lái là con cầy
Bãi Cát ở Mersing, nơi chúng tôi đặt chân lên bờ và dựng chiếc lều bằng thùng giấy và vải nhựa sống những ngày tị nạn đầu tiên. Hình nhỏ góc phải: Refugee Camp
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến