Hôm nay,  

Những Ngày Đầu Tiên Đến Nước Mỹ

08/03/200700:00:00(Xem: 158562)

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC MỸ

Người viết: Phùng văn Phụng

Bài số 1213-1824-531vb5080307

*

Tác giả Phùng văn Phụng, định cư  tại Mỹ theo diện HO đã13 năm. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là nhìn lại những khó khăn buổi đầu. Mong ông sẽ tiếp tục viết và vui lòng bổ túc dùm sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

Mới đến Mỹ chừng một tháng bà xã tôi đã cự nự:

- Tôi đã bảo đi Mỹ mà làm gì, ở nhà buôn bán rần rần, đang sung sướng,  bây giờ qua đây, ngồi " trông ngốc " trong phòng này như ở tù." Bà xã tôi than phiền như vậy.

Tôi cứng họng không biết trả lời ra sao"

Bà xã nói tiếp:

- Đi lên Tulsa ở tiểu bang Oklahoma với Hồng Thu, kiếm chuyện gì làm ăn, vô hảng nào cũng được chứ ở đây làm gì để sống đây""  Bà xã tôi cự tôi, đòi lên tiểu bang miền Bắc, ít người Việt, nhiều hảng xưởng may ra dễ tìm việc làm, có chỗ nào, hảng nào  mướn, làm gì cũng được. 

Tất cả chúng tôi gồm có sáu người, hai vợ chồng bốn đứa con, hai trai, hai gái chen chút trong "apartment" hai phòng ở đường Town Park thành phố Houston, Texas ; cuối tháng lảnh tiền trợ cấp của chánh phủ Mỹ trả tiền mướn phòng và nhận " food tem " để đi chợ cũng chỉ vừa đủ chi dùng trong tháng. Sau 8 tháng hết trợ cấp thì sống làm sao đây" tiền đâu trả tiền mướn nhà, tiền đâu mua thức ăn, trả tiền điện thoại v.v."

Đó là câu hỏi thường xuyên trong đầu óc các thành viên trong gia đình tôi trong những ngày bước chân lên đất Mỹ .

                         *

Khi tôi được trả tự do từ trại tù Nam Hà đầu năm 1983, tôi đã nộp đơn chui qua tòa Đại sứ Mỹ ở Thái Lan để xin tỵ nạn, bà xã tôi và thím tư mỗi lần gặp tôi cứ chọc quê tôi và nói đùa  rằng: "lo làm ăn không lo chỉ lo chuyện mò kim đáy biển". Tôi cũng có cảm tưởng như thím tư tôi nói nhưng hy vọng vẫn nhen nhúm dầu rất nhỏ trong lòng tôi cũng như vợ và các con của tôi đang sống trong khó khăn, cực nhọc và tôi thì đang bị mất quyền công dân. Từ năm 1983 tới năm 1990 đa số bà con cho rằng thành phần đi "cải tạo" về, những người được thả từ trong tù, trong trại cải tạo mà được đi Mỹ là chuyện "mò kim đáy biển."  

Cho nên khi tất cả gia đình chồng vợ và các con đã lên được máy bay và khi máy bay cất cánh rồi vào cuối năm 1993, tôi mới biết rằng gia đình tôi thực sự được đi Mỹ, rời khỏi quê hương yêu dấu nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên thành người.

Ai mà không khỏi đau lòng khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, xa cha mẹ, xa bà con, dòng họ, xa anh chị em ruột thịt, xa bạn bè thân thương, xa những học trò cũ hàng ngày thường gặp mặt. Vậy mà phải rủ bỏ tất cả để ra đi. Đang buôn bán làm ăn, công việc đang trôi chảy phát đạt, phải sang lại cho người em ruột.

Tại sao phải dứt khoát ra đi" Tại sao không ở lại khi đang làm ăn được" Quyết định nào cũng có những khó khăn và quyết định ra đi càng khó khăn gấp bội. Nếu được đối xử tử tế, bình thường như bao nhiêu người dân khác thì đâu có ai phải bỏ nước ra đi. Người dân miền Nam còn không được đối xử bình thường, được xem như kẻ bị trị bởi người cùng nòi giống, huống hồ là  người đã từng chống đối lại họ.

                   *

Một hôm phòng bên cạnh có người cần khiêng đồ đạc trong nhà như bàn ghế, tủ giường v.v lên xe để di chuyển. Họ thấy gia đình tôi có hai cháu thanh niên nên gọi đi khiêng đồ đạc giúp. Tôi mới khiêng được mấy lần đã thấy nôn nao trong bụng, muốn ói vì khiêng nặng không quen. Hôm đó được mấy chục đô la coi như lần đâu tiên kiếm tiền ở nước Mỹ bằng nghề khuân vác. 

Chú thím tư cùng người cháu bà con là người bảo trợ, đã  đi xin các bạn bè giường ngủ để ở hai phòng, có máy truyền hình cũ ở phòng khách cho nên khi vào nhà ở đường Town Park đã thấy rất ấm cúng. 

Hình dung lại trước khi ra đi, sáng thứ bảy, đến sở nhà đất để lấy giấy tờ chứng nhận không thiếu thuế, phải đợi cho đến chiều tối khi giấy tờ họ đã có, để ở trên bàn nhưng họ không chịu đưa, cho nên phải ngồi ngoài sân mà đợi. Họ đòi tiền mà tôi không biết và lúc đó thật ra cũng không dám đưa vì có thể bị họ cho rằng mình đưa hối lộ sẽ làm khó dễ giữ mình ở lại  thì phiền phức vô cùng. Nhưng cuối cùng rồi cũng phải chi cho họ một ít tiền mới lấy được giấy tờ để  lên máy bay vào ngày hôm sau.  Tôi nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay ngày thứ năm vì không có giấy chứng nhận không có chủ quyền nhà. Tới tối thứ bảy tôi mới lấy được giấy chứng nhận này. Trong mấy tháng trước khi ra đi vì quá lo lắng, tôi bị bịnh cảm liên tục, không ăn uống được phải uống thuốc thường xuyên mà cũng không hết. 

Qua một chuyến đi dài lần đầu tiên đến Mỹ tôi cứ suy nghĩ miên man qua Mỹ làm sao mà sống đây" Mình không có nghề nghiệp chuyên môn nào cả, muốn trở lại nghề dạy học cũng phải mất bốn hay năm sáu năm nữa học lại Anh văn, học lại chuyên môn về giáo dục, mà mình cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi sau khi học ra trường chắc gì ai mướn mình đi dạy đây"

 Tôi suy nghĩ: mình chưa bao giờ lái xe hơi, làm sao học lái và chạy xe đây."

Cháu Trung con anh Xin chở áo quần, đồ đạc lỉnh kỉnh từ phi trường Hobby về bằng xe truck. Hôm đi đón có anh Độ bạn cũ ở quận 8 Sài gòn, vợ chồng chú tư và các con, vợ chồng Lẫm và các con, đến quán Ba Lẹ có thêm Đoàn Hữu Đức là cháu thầy Đoàn văn Nghĩa, thường gọi là ông Đốc Nghĩa (thầy dạy Pháp văn của tôi lớp 6, lớp 7 ở trường trung học Cần Giuộc khoảng năm 1957-1958 ), lúc đó tôi mệt quá sau cuộc hành trình dài hơn 24 giờ đồng hồ. Thấy bà con đông đảo đến đón, thật là đượm tình nghĩa anh chị em, bạn hữu quá sức tưởng tượng của tôi.

Khi vào căn nhà do Lẫm mướn cho ở đường Town Park là một chung cư có nhiều dãy nhà sát liền nhau, xung quanh đa số là người Mỹ da đen chỉ có một ít người Mễ làm cho tôi thấy lo âu, cảm thấy hơi sợ.

 *Đi tìm trường học Anh văn.

Mới qua Mỹ chưa có xe hơi phải đi bằng xe bus. Từ nhà muốn đến trường phải đi bộ một đoạn đường khoảng một cây số mới tới được đường chính là Bellaire rồi từ đó đón xe bus đi đến đường Cookin mới có lớp ESL. Có người bạn cho biết có trường dạy Anh văn miễn phí nếu xin trợ cấp của chánh phủ ở gần đường Chimney Rock và Gulfton. Tôi không biết rõ trường nằm phía nào nên khi xuống Bellaire tìm được Gulfton rồi thay vì đi bên phải một đoạn đường ngắn là đến trường Đại học cộng đồng, tôi đi về phía trái cùng với con trai là Quốc đi hơn nửa giờ mà không tìm được trường đến nỗi Quốc mệt quá, cự nự, đành phải tìm đường trở về nhà.

Muốn đi học tiếp để có thể nói được tiếng Anh nên tìm trường để học. Học ESL cùng với các em, các cháu khoảng chừng ba mươi tuổi chỉ cần vài tháng các em nói tiếng Anh khá nhanh, còn tôi viết thì đúng văn phạm nhưng nói thì cứ ngọng, có nói được câu nào cho trôi chảy đâu. Phân vân giữa đi học tiếp và đi làm. Đi học thì có thể xin vay tiền đóng học phí nhưng không làm ra tiền để trả " bill ". Nếu bây giờ học lại phải mất mấy năm nữa, già rồi ai mướn đây" Làm sao làm ra tiền để có cuộc sống ổn định".

* Làm cho tiệm grocery

Tôi đi tìm việc làm, nộp đơn ở tiệm fast food "Jax in the Box" ở đường Gessner, nộp đơn ở hảng làm điện tử, ở hảng sản xuất vàng, vào chợ Auchun nộp đơn xin bán hàng hay làm bất cứ nghề gì cũng được nhưng ở đâu người ta cũng không nhận. Lý do tuổi đã lớn trên năm mươi, không có " back ground " quá khứ làm việc ở Mỹ, nói tiến Anh không thông thạo, không có nghề gì chuyên môn. Cùng với con gái là Uyên Phương đi nộp đơn ở hảng K.Tec, hảng làm điện tử, con gái được nhận đi làm, còn tôi thì không. Đi nộp đơn ở hảng chuyên làm vàng mà chú tư đang làm hảng cũng không nhận.

Đành đi fill hàng cho tiện Grocery ở đường Dairy Asford. Sáng sớm mặc áo lạnh đi bộ từ nhà ra bến xe bus khoảng hai dặm, đứng đợi xe bus chừng 10, 20 phút, xe bus chạy khoảng 15 phút, xuống xe bus, lại đi bộ khoảng hai dặm đến chỗ làm. Bửa nào gặp mưa gió, trời lạnh mùa đông, gió rít từng cơn, gió rét căm căm mới thấy nỗi lòng nhớ nhung quê hương, nhớ bà con, nhớ ba má, anh chị em bạn bè v.v. của người xa xứ. Rồi khi vô chỗ làm cần phải đeo kính để đọc tên của món hàng, sắp xếp hàng hóa lên kệ tủ, nên làm khá chậm chạp không bằng những người trẻ không đeo kính. Do đó anh Vương, chủ tiệm bảo: "Sao chú làm chậm quá vậy, mai về nghỉ đi."

Tôi làm cho tiệm Grocery khoảng hai tuần lễ thì mất việc.

* Đi làm tiệm sang băng nhạc.

Bà xã thấy tôi không có chuyện gì làm nên nhờ người quen giới thiệu đi làm ở tiệm sang băng nhạc ở trong khu chợ Hồng Kông 1 ở đường Gessner. Nghề máy móc tôi đâu có biết vì gốc gác là thầy giáo chỉ biết đi dạy học mà thôi. Khi sang băng dĩ nhiên rất chậm chạp thời gian làm việc từ 10 giờ sáng cho đến 8 giờ tối. Tiền lương mỗi tháng được trả là 600 đô la.  Ngày đầu tiên tôi đến làm việc đã được em của bà chủ hay là em của ông chủ" hạch sách ngay.

Anh ta nói: " Ở Việt Nam sướng quá mà qua đây làm gì cho khổ." Đi qua đây chỉ có nước đi làm công, làm mướn chứ làm được gì"

Tôi tức lắm nhưng không muốn tranh luận  với anh này làm gì. Khi thấy tôi lớ ngớ đứng không biết làm gì thì anh ra lịnh ngay:

"Anh phải lau bàn ghế,lau tủ cho sạch sẽ đi chớ ".

Tôi vội vả cầm khăn lau bàn ghế, lau tủ kiếng, sau một lúc anh bắt tôi sang băng cải lương, phim chưởng, phim Trung Quốc  để cho mướn.

Anh đâu có hiểu rằng tôi ra đi là vì tôi không thể sống với Cộng Sản được. Tôi là kẻ từng chống đối với chế độ, một con người bị để ý, canh chừng. Làm sao sống được khi mình luôn luôn bị nghi ngờ, bị thường xuyên theo dõi. Một lần tôi đến thăm anh Ngọc, trước cũng ở trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến thì công an khu vực đã hỏi anh Ngọc: " Ông Phụng đến nhà anh làm gì đó. Có âm mưu gì không"" Anh Ngọc sợ quá bảo :  "Thôi anh đừng đến thăm tôi nữa, công an khu vực hỏi thăm tôi về anh đó. Hắn hỏi anh đến đây là gì, bàn tính, âm mưu chuyện gì "

Một số bạn bè sĩ quan thường đến thăm tôi thì công an khu vực hỏi thăm ông bảy Bích là tổ trưởng ở sát bên nhà: " Anh thấy ông Phụng thế nào." Tại sao nhiều sĩ quan chế độ cũ cứ đến thăm và theo ông thì ông Phụng này có tính toán chuyện gì chống đối nhà nước không"

Ông tổ trưởng phải trả lời là ông Phụng có giấy tờ đi Mỹ rồi còn tính toán chuyện gì nữa. Nói như vậy nhưng anh công an khu vực có  tin điều đó không"

Lúc nào tôi cũng lo âu, hồi hộp không biết bị bắt lại bất cứ lúc nào. Thường xuyên tôi bị theo dõi.

* Đi bán bảo hiểm

Tình cờ nói đúng hơn là  Thiên Chúa sắp xếp, tôi gặp ông Đoàn Hữu Đức vừa mới mở văn phòng Đoàn Agency nên rất cần người. Tôi đã phải thi 8 lần mới đậu bằng "group one" để được bán bảo hiểm. Mất gần một năm trời mới xong bằng và được tiểu bang chấp nhận cấp giấp phép hành nghề. Đoàn Hữu Đức là cháu ông Đốc Nghĩa, dạy pháp văn  trường trung học Cần Giuộc.

Những ngày đầu đi làm, đi bán bảo hiểm là một thách đố lớn. Nhiều khi bị trời mưa tầm tả cũng phải cố gắng đến nhà bà con vì mình lỡ hẹn rồi. Có khi đến nơi rồi tìm không ra nhà dưới trời mưa không dứt hột, cũng phải đi kiếm địa chỉ của khách hàng, vì Apartment ở khu làng Park Place phòng này sát với phòng kia nhưng cách một dãy nhà thành ra tìm không ra. Kiếm nhà không được, đi dưới trờì mưa đến cây xăng gần đó dọc Freeway  South45 và đường Broadway, bỏ 25 cents vào điện thoại công cộng để hỏi anh chỉ giùm căn nhà đó chỗ nào". Sau khi anh bạn mình chỉ thì mình mới biết rằng mình cũng vừa đứng ở chỗ đó vậy mà không thấy được số nhà vì lúc đó trời đang mưa mà ban đêm, trời lại tối nữa. Sau khi bán đươc anh chương trình bảo hiểm 25,000 đô la, hảng đã thuận đem "policy" là sổ hợp đồng hay giao kèo đến cho anh thì anh lại không nhận, công của mình đã trở thành vô ích, nhưng lâu lâu mới gặp trường hợp như thế chứ nếu ngày nào cũng như vậy chắc đã bỏ nghề đã từ lâu.  

Tôi có cái hẹn vô nhà người khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ. Tôi đang giải thích nhu cầu bảo hiểm cho người con vừa mới mua nhà, nếu có mệnh hệ nào thì vợ làm sao có tiền để trả nợ  nhà. Tôi chỉ mới hỏi vài câu và vừa mở máy computer ra; người cha từ bên kia đường bước qua lớn tiếng nói với người con: " Mầy đi qua đây ăn cơm. Không được mua bán gì hết. Đến đây để lường gạt con tao hả"."

Thấy không khí có vẻ căng thẳng, tôi gấp máy computer lại, bước ra khỏi nhà, mở cửa xe sẵn có mấy tờ báo trên xe, tôi lấy hai cuốn báo đem đến cho người này.

-   Cháu xin gởi bác hai tờ báo này "

-  Đi đi , đi đi  tao kêu cảnh sát bắt mầy bây giờ, đến đây để dụ dỗ, gạt gẫm con tao hả."" . Lần đầu tiên tôi bị cự nự dữ dội như vậy. Hết sức tức giận nhưng tôi cố gắng tự trầm tỉnh, mở máy xe, hít thật dài hơi và tự nhủ: " tự nhiên bị hiểu lầm, bị cự nự vô lý, nếu mình giận ông này mình cũng điên như ông ấy vậy. Thôi bỏ qua đi. Tai nạn nghề nghiệp mà. Tuy nhiên phải mất hơn mười phút tôi mới lấy lại được bình tỉnh mà lái xe về văn phòng.

Một lần khác ghé nhà một người quen do anh Tommy làm nghề bán xe hơi giới thiệu, vừa bước vô nhà, mới hỏi thăm sơ sơ về hoàn cảnh gia đình, bà vợ đứng ở bếp đang nấu ăn, nói lớn tiếng:

- Mấy thằng bán bảo hiểm là những thằng lường gạt, tôi mua bảo hiểm mấy năm trước ở Cali, bây giờ tăng giá, lúc mua nó không nói. Tôi đã bỏ rồi không đóng tiền nữa. Toàn là những đứa lường gạt."

Vì mới vào nghề bảo hiểm tôi chẳng biết phải trả lời thế nào, cứng họng, vội bỏ tài liệu vào cặp và rút êm ra khỏi nhà anh chị này mà trong lòng tức tối lắm vì chị quơ đủa cả nắm ai làm nghề bảo hiểm đều xấu xa cả. Chị ấy chửi mình mà mình chẳng biết trả lời ra sao.

 * Kết: Tạ Ơn.

Hơn mười ba năm trôi qua từ tháng 11 năm 1993, hiện tôi đã và đang sống trong nghề bảo hiểm hơn 12 năm. Có ba cháu lập gia đình. Có ba cháu ngoại và một cháu nội. Bà xã tôi dứt khoát không muốn về Việt Nam ở luôn nếu có về chỉ muốn ở một, hai tháng như đi du lịch mà thôi vì các con, các cháu đều hiện sống ở Houston, Texas.

Tạ ơn Thượng Đế ban gia đình của con, các con, các cháu đều khỏe mạnh và bình an. Xin cám ơn nước Mỹ, chánh quyền và người dân Mỹ đã chấp nhận gia đình chúng tôi đến định cư ở quốc gia này như là một quê hương thứ hai của tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,655,391
Tác giả Nguyên Phương đã góp một số bài viết đặc biệt. Sau đây là bài viết mới của bà. “Ba rọi” là tiếng chỉ miếng thịt heo nửa nạc nửa mỡ
Tác giả Nguyễn đại Toàn đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài mới của ông lần này là để tưởng nhớ một nhà khoa học
Tên thật là Nguyễn Viết Tân, cư dân Nam California, giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, tác phẩm đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã
Tác giả nguyên là dân Kinh 5, vùng Cái Sắn, Rạch Giá, cùng quê cũ với gia đình Thượng sĩ Long Nguyễn vừa hy sinh. Bài viết không dự thi
Tác giả, 63 tuổi, là cư dân Westmister, thành phố có Little Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện một cựu tù nhân chính trị
Đang trong tiệm Caroll, sung sướng vì tìm được hai món hàng ưng ý với giá mua thật rẻ, Phương thầm bảo « Số mình hôm nay hên thật. Thường vào cuối mùa Solde/Sale
Tác giả Hoàng Yến đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặcbiệt trong các năm trước. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu và vẫn liên tục góp bài viết và khích lệ giải thưởng. Trước 1975, ông là nhà giáo
Nguyễn thượng Chánh, DMV (Doctor of Veterinary Medicine: Bác sĩ Thú Y) là tác giả nhiều bài viết tìm hiểu khoa học giá trị trên các tạp chí và online chuyên ngành
Tác giả Quân Nguyễn cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do