Hôm nay,  

Cố Tri: Trăng Thề

19/11/200900:00:00(Xem: 203910)

Cố Tri: Trăng Thề

Tác giả: Karen N. Nguyen
Bài số 2787-1628858- vb5111909

Tác giả là trưởng nữ một gia đình H.O., định cư tại miền Đông, hiện là một dược sĩ làm việc tại Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên, với nhiều bài viết giá trị, Karen N. Nguyen đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, kể về một tình bạn.

***
 "Trăng Thề": Đó là tựa đề của một bức tranh trên tạp chí Tuổi Hoa số 187, phát hành ngày 15 tháng 10  năm 1972, tác giả là Dũng, lớp hội họa Tuổi Hoa. Vi nhớ bức tranh đó, nhớ rất kỹ, bởi đại đa số những tranh bìa của báo Tuổi Hoa, tờ bán nguyệt san Vi thích đọc trước 1975, những tranh bìa đó do họa sĩ Vi Vi minh họa.
Từ lúc Vi bắt đầu đọc Tuổi Hoa năm 1968, Vi thấy chỉ có một lần tranh bìa là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tài, và vài lần tòa soạn dùng hình chụp cho bìa báo mà thôi. Thành ra khi thấy bức tranh của Dũng trên bìa báo, Vi ngạc nhiên một chút vì nét vẽ, sắc màu hoàn toàn không phải là của Vi Vi. Chắc người vẽ bức tranh này phải nổi bật trong lớp hội họa Tuổi Hoa, nên tranh mới được tòa soạn chọn đăng trên bìa báo, Vi thầm nghĩ với trí óc trẻ con của mình.
Bức tranh vẽ một cô gái có  nước da bánh mật nâu hồng, khuôn mặt hơi bầu bĩnh, gò má tròn, hai mắt to với hàng mi dài, caí mũi ngồ ngộ hơi hỉnh, miệng cười nhẹ, mái tóc dài rẻ đường ngôi hơi lệch qua bên trái buông xoã quá vai chừng một gang tay.Cô mặc áo dài vàng, hai tay để dọc theo thân người, hai bàn tay mấy ngón đan nhẹ vào nhau, cổ tay phải đeo cái vòng đeo tay màu đỏ sậm. Phía sau cô gái là vầng trăng vàng, bao phủ xung quanh bởi những gam màu tím sậm, tím hồng, xanh lá cây, xanh nước biển, tạo thành những vòng tròn loang ra, loang ra làm thành cái phông cho bức tranh. Ánh trăng loang loáng sắc vàng trên mái tóc cô gái. Cô gái trong tranh có cái cổ khá cao, đôi tay và thân người khá dài, Vi nhận xét, nhưng có cái gì đó trong bức tranh thu hút sự chú ý của Vi, và Vi cảm thấy thích bức tranh đó, rất thích.
Thích cho đến nỗi khi thành phố Saì Gòn rơi vào tay cộng sản năm 1975 và phát động "chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động" năm 1976, Vi đã lén cắt cái bià báo Tuổi Hoa có bức tranh "Trăng Thề" và dấu dưới gầm tủ nhà mình, lâu lâu lại len lén lấy ra xem. Cô gái trong bìa báo nhìn Vi với đôi mắt to, khuôn mặt thuần hậu, thanh khiết, thanh khiết như vầng trăng 16, như cái tuổi 16 của cô trong trí tưởng tượng của Vị , giúp Vi quên đi trong một phút chốc những nỗi đau của gia đình Vi, gia đình của một người sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà, một người tù cải tạo không án, không số, biền biệt trong trại giam xa xôi chẳng biết ngày về...
Cứ ngỡ cái dáng người, cái khuôn mặt như vậy chỉ tồn tại trong tranh,  bất ngờ làm sao, một ngày nọ, Vi tìm thấy một người thật hao hao như vậy. Người đó là một sinh viên trong lớp của Vi, lớp Máy Hóa Chất thuộc khoa Hóa, Đại Học Bách Khoa thành phố. 
...
Khoa Hóa năm thứ nhất chia làm hai lớp, lớp Máy Hoá Chất học 5 năm và lớp Hóa Công Nghệ học 4 năm.  Khoảng 25 sinh viên trong đó có Vi được xếp vào lớp Máy Hóa Chất. Gần 80 sinh viên còn lại vào lớp Hóa Công Nghệ. Lúc vào họp lớp Máy Hóa Chất, Vi nhìn thấy một cô gái ngồi trong lớp, và ngạc nhiên vô cùng vì tìm thấy "Trăng Thề" ở ngoài đời. Cũng nước da bánh mật, cũng cái cổ cao,  thân người và đôi tay hơi dài quá khổ, cũng cái miêng nhỏ, cái mũi hỉnh . Mái tóc dài là hơi khác, vì nó được kẹp lai sau gáy, và đôi mắt, ừ, đôi mắt to thật, nhưng vẫn không to bằng cô gái trong tranh.  Vậy là giống hao hao rồi, tìm người giống y như tranh vẽ, làm sao mà có, Vi thầm nghĩ trong đầụ, rồi cảm thấy mình vớ vẩn, vẩn vơ quá đi thôị . 
Lớp trưởng đã được khoa chỉ định từ trưóc. Đến mục bầu lớp phó đời sống, có mấy người trong lớp nhìn nhìn "Trăng Thề", rồi nói là muốn bầu cho Nguyệt Thu. Nguyệt Thu làm lớp phó đời sống nhe, anh lớp trưởng nói, và Vi thấy "Trăng Thề" gật đầu đồng ý. Có ngẫu nhiên, có tình cờ hay không, Nguyệt Thu, tên của "Trăng Thề" là Nguyệt Thu ! 
Làm lớp phó đời sống, Nguyệt Thu mỗi đầu tháng đi lãnh tiền học bổng ở phòng Tài Vụ của trường rồi mang về lớp phát cho sinh viên trong lớp. Con trai được 18 đồng  1  tháng, con gái được 18 đồng rưỡi 1 tháng. Cánh con trai mè nheo, phản đối đều đều mỗi lần lãnh tiền,  dù ai cũng biết tỏng ra là phần 50 xu chênh lệch được giải thích là để cánh con gái dùng để mua... đồ vệ sinh phụ nữ hằng tháng. Mỗi lần phát học bổng cho lớp mà lại nghe cánh con trai quậy phá hỏi han lung tung, Nguyệt Thu chỉ biết cười, mặt đỏ gay, lắc lắc đầu, không tranh cãi lại .
Biết tính Nguyệt Thu hiền, mấy đấng húi cua phá làng phá xóm trong lớp còn bạo miệng hỏi dò xem nhà Thu có đào hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ không, Thu có làm em bé giao liên đi đưa tin tức , thư bí mật giấu trong mấy đòn bánh tét hay mấy gói nem mang trong giỏ xách  hồi trước 75 hay không... Mấy lúc như vậy, Vi thấy Thu cũng chỉ biết lắc đầu, nói không có đâu.
Vi lắm lúc cũng muốn nhảy vào vòng chiến, nói với mấy tay ngang như cua trong lớp là phá vậy là đủ rồi, nhưng rồi lại thôi, không can thiệp, để cho tụi nó tiêp tục đùa. Chuyện nắng mưa hằng ngày, Thu còn ít trao đổi với Nguyệt Thu nữa là. Bởi lẽ, Thu thuộc nhóm Dự Bị Đại Học Tiền Giang, được coi là thuộc thành phần gia đình “co công với cách mạng”. 
Cho đến 1 ngày nọ.
...
Năm thứ nhất, sinh viên Bách Khoa khoa nào cũng phải học Hình Họa. Hình Họa, nhưng có lẽ theo ý Vi thì gọi là môn "Hành Hạ" thì sát nghĩa hơn. Đó là môn vẽ kỹ thuật, cơ bản nôm na là dụng cụ gì, chi tiết máy gì cũng có thể được biểu diễn bằng ba hình chiếu: hình chiếu đứng, hình chiếu bằng và hình chiếu cạnh. Cái hình khối trụ chẳng hạn, hình chiếu đứng sẽ là hình chữ nhật vì nhìn thẳng vào, hình chiếu bằng sẽ là hình tròn vì nhìn từ trên xuống, hình chiếu cạnh sẽ la hình chữ nhật vì nhìn ngang qua..Kich thước các hình chiếu có tương quan với nhau , và biết được hai hình chiếu thì sinh viên như Vi sẽ có khả năng hình dung ra hình chiếu thứ ba với cây viết chì và cây thước kẻ. Đơn giản là vậỵ .
Đơn giản là vậy, mà không phải vậỵ . Bởi lẽ hai sinh viên trong lớp chia nhau một cuốn sách Hình Họa, sách mượn của thư viện trường đến cuối học kỳ phải trả lại, bàì tập trong sách đứa này làm đem so với đứa kia mỗi đứa vẽ 1 kiểu, chẳng đứa nào giống đứa nàọ. Thời đó làm gì có giấy pơ-luya mỏng để can-kê mấy cái hình bài tập trong sách, lâu lâu sinh viên lại được mua giấy, những thếp giấy tái sinh ngả màu nâu vàng nhiều trang còn lẫn cả những cọng rạ, những dây lát in hằn lên đó mà thôị. Chuyện sao chép mấy cái hình baì tập Hình Họa để làm là chuyện dàì nhiều tập. Bài tập Hình Họa trong sách, mấy thế hệ đàn anh đi trước đã có lòng tốt làm hết trơn, chằng chịt viết chì, viết máy, viết mực, đàn em nhìn vào thấy hoa cả mắt như nhìn vào Bát Quái Trận Đồ, và không biết bài giải có đúng hay không  nữa!
Thầy ĐCS dạy môn Hình Họa cho sinh viên năm thứ nhất. Ông thầy người Bắc, nói năng nhỏ nhẹ, hiền khô, áo sơ-mi ngắn tay màu trắng khá rộng bỏ ngoài, quần xanh rêu như quân phục bộ đội, mang dép nhựa, vào lớp là cầm ngay viên phấn vẽ lên bảng đen hết hình này đến hình khác. Khoảng cách từ điểm này đến điểm này trên hình chiếu nàỵ sẽ bằng khoảng cách từ điểm này đến điểm này trên hình chiếu kia, lý thuyết dễ dàng làm sao, nhưng từ mấy hàng ghế trong giảng đường nhìn lên, đám sinh viên không thấy gì hết vì lưng thầy che mất cái hình thầy đang vẽ, và không nghe được gì nhiều vì thầy nói nhỏ nhẹ quá, giảng đường lại không có micro. 
Vi thấy mình bắt đầu chới với, không biết thầy làm thế nào để có được mấy cái hình chiếu như vậy, và chỉ biết cặm cụi, lò mò vẽ lại trong tập mình những cái hình thầy vẽ trên bảng. Thầy vẽ rất nhanh, vẽ hết cái bảng đen thì bắt đầu xóa bảng đen, vẽ hình khác, trò chạy theo mệt bở hơi tay vì phải vẽ theo cho kịp.
Rồi Vi phát hiện ở Thư Viện Quốc Gia có một cuốn sách Hình Họa. Một cuốn duy nhất! Cuối tuần, Vi đạp xe đạp ra thư viện, ra thật sớm để là một trong những người đầu tiên vào thư viện để mượn cuốn sách đó. Vô số lần cửa cửa thư viện mở là có Vi vào gởi xe đạp, rồi ba chân bốn cẳng chạy lên lầu để mượn cuốn sách Hình Họa hiếm hoi đó.
Đầu những năm 80, muốn mượn sách phải ghi mã số cuốn sách mình muốn mượn vào cái phiếu yêu cầu rồi đưa cho mấy cô làm ở thư viện. Một ngày nọ, Vi đến thư viện thật sớm. Lên lầu, lấy phiếu yêu cầu, ra đến cái ngăn tủ chứa thẻ ghi mã số sách để tìm cái mã số của cuốn sách Hình Họa, và tìm không ra. Bàn tay nhám nào đã chôm chỉa mất cái thẻ ghi mã số của cuốn Hình Họa. Không biết mã số, không thể yêu cầu mượn cuốn sách đó được. Ai đó quả là đã xuất thủ độc chiêu! Chán nản tột cùng, Vi thở hắt ra, định bỏ đi về nhà.
Có tiếng người gọi tên Vi. Vi nhìn lên và thấy Nguyệt Thu. Thu nhìn Vi, nhìn cái ngăn kéo Vi đang tìm mã số cuốn Hình Họa trong tuyệt vọng. Vi tìm gi vậy, Thu hỏi Vi, và Vi nói.  Thu mở cuốn tập của mình, đưa cho Vi coi mấy chữ chép ở bìa trong: mã số cuốn Hình Họa, cùng với mã số vài cuốn sách khác. Thu chép mấy cái mã số này, để vào thư viện thì không phải đi tìm nữa, Thu nói với Vi. Vi cần cuốn Hình Họa thì mượn nó đi, Thu học môn khác.
Vi nhìn Nguyệt Thu, cảm thấy áy náy trong lòng. Hay là hai đứa mình học chung đi, Vi đề nghị, và nhận được cái gật đầu đồng ý cộng với nụ cười của Nguyệt Thu.
Kiến thức về Hình Họa của Vi và Nguyệt Thu đều bết, hai đứa vào thư viện học chung vô số lần, tình bạn giữa hai đứa ngày một tăng lên còn kỹ năng kỹ xảo để giải mấy bài tập Hình Họa của hai đứa thì "vũ như cẩn".
Ngày tháng qua, Vi thân với Nguyệt Thu hơn. Thân hơn, để biết được là Thu là đứa con thứ chin trong nhà, mấy đứa cháu gọi là cô Mười hay dì Mười, mấy anh chị và cả má của Thu ở nhà đều gọi Thu là Mười. Thân hơn, để biết được là Thu có anh rễ, chồng chị Ba, và hai người anh ruột là si quan cấp úy đi học tập cải tạo năm, sáu năm trời mới được thả về. Thân hơn, để đến chơi nhà Nguyệt Thu, căn nhà nằm trong một khu xóm lao động , phần phía trước nhà là cửa hàng tạp hóa bán đủ thứ linh tinh.. Thân hơn, để có những buổi trưa ở lại trường, Vi và Nguyệt Thu cùng ngồi ở hành lang khoa Thuỷ Lợi B6 mát rười rưọi với bao bóng cây to xung quanh, hay lên lầu hai, lầu ba khoa Hóa B10 để ăn cơm mang theo trong lon guigoz, đọc bài , ngủ một chút đợi đến tiết học chiều.
Những ngày đầu tháng có chút tiền học bổng trong túi,  hai đứa cùng mấy sinh viên khác trong lớp nếu tài chánh dồi dào thì ra quán nước cổng sau Tô Hiến Thành uống cà phê sữa đá hay vào căng-tin của trường mua cơm dĩa có mấy miếng tàu hủ và mấy lát thịt mỡ kho, tiền bạc eo hẹp hơn thì đi ăn chè đậu xanh bán ở khu nhà công nhân viên gần xưởng cơ khí mà tụi con trai cắc cớ gọi là chè "cứt mũi", cuối tháng hết tiền thì thăm viếng cây trứng cá gần căng-tin hay vào ký túc xá nhậu củ chuối luộc với mấy bạn ở đó, mấy cái củ chuối sinh viên nhổ lén từ mấy bụi cây chuối cảnh  trong cái vườn nhỏ trước khoa Hóa đem về ký túc xá luộc cả đêm mới mềm !
Học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, ngày Tết đến, ngoài nhu yếu phẩm thông thường mỗi tháng là gạo và nửa ký thịt, sinh viên còn được mua tiêu sọ, đuờng, nước mắm, Vi phụ Nguyệt Thu chia tiêu, cái gói tiêu sọ nhỏ xíu lãnh từ trường phải mượn cây muỗng ăn cơm từ căng-tin để múc ra mấy gói giấy nhỏ xếp bằng giấy tập để trên hành lang, một cơn gió mạnh thổi qua là mấy hạt tiêu sọ nhỏ xiú lăn long lóc chạy đi để Thu và Vi lồm cồm bò theo lượm lại.  Năm khác, Tết đến mỗi sinh viên được phát mấy thước vải, cánh con trai thi vải có ba màu, anh nào may mắn thì được tấm vải màu xanh da trời, anh nào không may thì trúng tấm vải màu vàng hay ..màu hồng ; đám con gái thi được cùng 1 loại vải hoa, hoa văn màu đen xám trên nền vàng nhạt. Ngoại trừ màu vải  xanh da trời xuất hiện trên áo sơ-mi vài nam sinh viên trong trường, những màu vải còn lại không thấy đâu trong trường hết. Vi đến nhà Nguyệt Thu, phì cười thấy Thu mặc cái áo may bằng vải trường phát bởi Vi cũng có một cái áo may bằng vải đó ở nhà.
Thời gian trôi qua cùng với những môn học càng ngày càng khó, và đến lúc sinh viên phải dùng đến máy tính. Mẹ Vi trầy trật giật gấu vá vai mới sắm được cho Vi cái máy tính hiệu Casio mua ngoài chợ đen để Vi làm bài, những bài tính truyền khối, truyền nhiệt, cơ lưu chất...Trong cặp Vi bây giờ có thêm một cuốn tự điển tiếng Việt của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, ruột khoét rỗng bên trong để chứa cái máy tính, tài sản quý báu nhất trong đời sinh viên của Vi.  Rồi Nguyệt Thu cũng bắt chước Vi mua một cuốn sách dày và khoét ruột để bảo vệ máy tính của mình.
Sau mấy năm học, rồi cũng đến ngày Vi và các bạn trong lớp lên trình bày đồ án của mình trước hội đồng gíáo sư ba người. Vậy là tốt nghiệp đại học. Sau đó mỗi đứa đi một ngả. Trường có một danh sách những xí nghiệp cần kỹ sư. Không quen biết, không thân thế, Vi cứ dựa trên danh sách đó mà đến gỏ cửa từng xí nghiệp để xin việc. Phải đi làm cho xí nghiệp quốc doanh, tập sự hai năm, có giấy chứng nhận của thủ trưởng là mình lao động tốt mới về trường lãnh bằng thật sự.
Khi Vi đưa hồ sơ lý lịch của mình ra, người ta nhận hồ sơ, nhưng sau đó không  nhận Vi vào làm. Trong lúc Nguyệt Thu về làm cho một nhà máy xay xát lúa ngay sau khi ra trường, Vi vẫn còn thất nghiệp sau khi  đến vô số nơi: nhà máy cà phê, xí nghiệp chế tạo dụng cụ y tế, phân viện thiết kế máy hóa chất, xí nghiệp làm chân tay giả cho thương binh, nhà máy bột giặt, nhà máy làm thuốc trừ sâu, nhà máy bia, nhà máy .....Điểm số học trong trường của Vi, cao nhất nhì trong lớp, không có nghĩa lý gì cả khi đi tìm việc.
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa đi quét lá đa
Sinh viên trong lớp Vi, có người về làm cho hãng xà bông, có người về công ty xuất khẩu hải sản Seaprodex, có người về làm cho công ty xuất nhập khẩu của tỉnh X, nhà máy đông lạnh của tỉnh Y, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh Z. So với những sinh viên từ trường Dự Bị Đại Học Tiền Giang, nhiệm sở của Nguyệt Thu không phải thuộc loại xịn. Cái tính hiền như cục bột của Nguyệt Thu, nhiều lúc Vi tự hỏi, không biết về nhà máy có bị ma cũ ăn hiếp hay không nữa. Dù sao đi nữa, Thu cũng còn tốt số hơn Vi, được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ra và muốn có việc làm để "phục vụ nhân dân, cống hiến sức mình cho đất nước" mà mãi hoài vẫn thất nghiệp nằm nhà.
Hơn nửa năm sau khi ra trường,  Vi may mắn tìm được việc làm ở một trung tâm nghiên cứu khoa học. Một người bạn học bên Hóa Công Nghệ, lớp Hóa Vô Cơ, làm ở đây, đã nhiệt tình giúp cho Vi tìm được việc.  Thủ trưởng của Vi, một khoa học gia tốt nghiệp luận án tiến sĩ ở Pháp, là một người rất nhiệt tình với các công trình nghiên cứu và chỉ chú trọng đến khả năng, không màng đến lý lịch khi tuyển người vào làm.
Cái Tết đầu tiên trong đời làm việc cho nhà nước của Vi, Vi gặp lại Nguyệt Thu. Thu đến nhà Vi, đi cùng với Thu là một anh chàng ốm nhom, có nước da ngăm ngăm như Thu, ít nói nhưng có nụ cuời khá dễ thương. Đây là Hùng, Hùng làm cùng cơ quan với Thu, Thu nói. Về sau, Vi được biết thêm là Hùng tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp và ba Hùng là trung tá VNCH cũng đi học tập cải tạo chưa về. 
Mấy năm sau khi Vi ra trường thì ba Vi ra khỏi tù. Rồi chương trình HO xuất hiện, để nộp hồ sơ xuất cảnh Vi phải nghỉ làm, em gái Vi cũng phải nghỉ học.  Em gái Vi ,đang học năm thứ tư ngành Điện Toán, phải bồi hoàn lại cho trường chi phí các năm học vừa qua. Vi ra trường đã lâu, đã nhận bằng tốt nghiệp, không còn giấy tờ hồ sơ gì phải lấy từ trường nên không phải bồi hòan chi phí các năm học của mình.


Vài ngày trước khi Vi cùng gia đình qua Mỹ, Nguyệt Thu và một số bạn học ở Bách Khoa đến thăm Vi.  Bao nhiêu năm trời học chung với nhau, kỷ niệm chất chồng, ngọt ngào cũng có mà cay đắng cũng không thiếu ... Thôi nhé, chào tạm biệt "Anh Hai", lớp trưởng quê Cai Lậy có bố là liệt sĩ, ngày nhập học năm nào có một tay phá làng phá xóm trong lớp hỏi hôm trường học ở Cai Lậy bị pháo kích trước 75 thì anh ở đâu, và anh  thật thà trả lời là hôm đó anh bị bệnh, má anh cho anh ở nhà.  "Anh Hai" bây giờ đã lập gia đình với L. bên lớp Hóa Hữu Cơ cùng thuộc nhóm Dự Bị Tiền Giang có bố là một nhạc sĩ cách mạng nổi tiếng.
Chào tạm biệt Nguyệt Thu, một phiên bản ngoài đời của "Trăng Thề", bìa báo Tuổi Hoa Vi đã cất giữ từ sau 1975 và sẽ đem qua Mỹ...

Từ khi chia tay, Nguyệt Thu gởi thơ sang Mỹ  thăm hỏi Vi khá thường xuyên, hầu như năm nào ít nhất cũng 1 lá thơ hoặc thiệp chúc Tết.  Thu hỏi thăm , nói Vi có nhiều chuyện mới thì kể cho Thu nghe.  
Chuyện mới ở Mỹ ư " Nhiều lắm... Viên phấn người giáo sư ở community college ở Mỹ đầu những năm 90 không có nhiều bụi như viên phấn người thầy ở Bách Khoa dùng,  viên phấn chắc chắn, viết đến mòn mà không gãy dễ dàng như những viên phấn ở Việt Nam....
Vào college, sách vở phải mua, muốn mua sách mới tinh giá khá đắt cũng có, muốn mua sách cũ của các sinh viên khóa trước giá rẻ cũng có; lúc xếp hàng mua sách trong libray của campus Vi lại nhớ đến những lúc đi lãnh sách ở thư viện Bách Khoa ngày nào, hai sinh viên chia nhau một bộ sách, miễn phí, hết học kỳ thì trả lại thư viện, cuốn sách nào làm mất thì bồi thường thư viện một giá rẻ mạt, rẻ không so sánh nổi so với chuyện đi mua cuốn sách giống y như vậy bán đầy dẫy ở chợ trời trên đường Hàm Nghi.
Ở Mỹ, nhiều môn học, vào lớp thầy phát bài in trên giấy trắng, mỗi sinh viên một xấp dày cộm, rồi giảng dựa trên đó, lâu lâu minh họa thêm cái gì đó bằng phấn trắng trên bảng đen. Vi ngồi dưới lớp nghe giảng bài, lắm lúc nhớ lại cái thời nào mấy năm trước mình và Nguyệt Thu và bao bạn khác cắm đầu cắm cổ chép lại những gì thầy cô viết trên bảng đen ở Bách Khoa, và thầm công nhận thầy Việt Nam viết bài lên bảng nhanh kinh khủng. Những lá phổi của những người thầy Việt Nam, sao bao năm chép bài cho bao thế hệ hoc trò bằng phấn trắng trên bảng đen, bao nhiêu phần của lá phổi bị hư hao vì bụi phấn, Vi tự hỏi....Ở Việt Nam những năm 80 làm gì thầy giáo có quyền copy bài giảng của mình để phát cho sinh viên . Máy đánh chữ, máy in ronéo, chỉ có những tiệm nhận đánh máy ở ngoài đường Lý Thái Tổ có đăng ký hành nghề mới có, ngay cả những loại máy đó dân thường làm gì được sử dụng, nói làm gì đến máy photocopy!
Đi vào computer room của campus, computer xếp dài dài, printer nhiều vô số kể, giấy trắng để in bài nhiều vô số kể... Nhìn mớ giấy trắng sinh viên in bài ra rồi không hài lòng, quăng bỏ vào sọt rác, Vi thấy tiếc quá xá. Một mặt giấy đã in chữ, mặt giấy bên kia còn trắng tinh ! Chạnh lòng nhớ đến lúc làm đồ án tốt nghiệp ra trường ngày nào ở Bách Khoa, máy đánh chữ cũng không có, sinh viên cặm cụi chép tay bằng viết bơm mực Hồng Hà trên giấy  tạm gọi là trắng, rồi nhờ người đóng thành tập để nộp cho thầy hướng dẫn, một bản duy nhất....
Bốn năm sau khi qua Mỹ, Vi nhận được thư và hình đám cưới của Nguyệt Thu và Hùng. Gia đinh Hùng không qua Mỹ theo diện HO và Hùng, con của một trung tá đi cải tạo về, lập gia đình với Nguyệt Thu, con của một gia đình có công với cách mạng.
Vi nhìn hình Hùng và Nguyệt Thu cắt bánh cưới, hình Nguyệt Thu chụp ở studio mặc mấy kiểu áo cô dâu khác nhau, hình Thu ngồi với bó hoa cưới, váy cái áo đầm trắng kết ren trải dài thành  một  vòng tròn,  thầm cầu chúc cho Thu và chồng hạnh phúc bền lâu.  Thu gởi cho Vi hình hai vợ chồng đi Đà Lạt nhân tuần trăng mật, chụp ở thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, hồ Than Thở,  hình nào cũng có nụ cười của Thu và Hùng.
Khi Vi tốt nghiệp trường dược, có việc làm, là lúc Vi nhận được thư Nguyệt Thu. Tin vui là Thu và Hùng có một bé trai, tin không vui là Thu không còn làm ở nhà máy nữa, mà chuyển sang làm kế toán cho một công ty khác sau khi Thu học xong một lớp kế toán trung cấp, sau đó công ty làm ăn thua lỗ, vậy là Thu mất việc.
Từ sau đám cưới, vợ chồng Thu vẫn ở chung với gia đình lớn của Thu, căn nhà trong một khu xóm lao động, trước nhà là cửa hàng tạp hóa. Gia đình chị Ba của Thu và gia đình 2 người anh của Thu đã qua Mỹ diện HO. Cô em gái của Thu, tốt nghiệp đại học y khoa, vài năm sau khi ra trường thì lập gia đình với một Việt Kiều ở Mỹ, và cũng đã qua Mỹ.
Vài năm sau khi ra trường, Vi mua nhà. Vi nhận được thư của Nguyệt Thu, báo tin là vợ chồng Thu định mua nhà, và Thu hỏi xem Vi có thể cho Thu mượn một số tiền được không vì lãi suất ngân hàng Việt Nam khá cao. Vi ngần ngừ, trăn trở... Người trong gia đình mượn tiền, Vi không ngại, nhưng đàng này là Nguyệt Thu, người bạn ngày nào ở Việt Nam. Vi còn nợ tiền học mấy năm đại học phải trả, tiền nợ chiếc xe Vi đang lái, bây giờ thêm tiền nợ căn nhà Vi mới mua. Vi im lặng, không trả lời thư Nguyệt Thu. Gần đến Noel, Vi gởi cho Thu cái thiệp chúc Noel, năm mới, Tết tây, Tết ta luôn một thể, lòng tự hỏi không biết Thu có giận Vi không.
Tết đến, Vi nhận được thiệp chúc Tết và năm mới của Nguyệt Thu. Vợ chồng Thu đã mua nhà.

 *
Một buổi chiều đi làm ra, về đến nhà Vi thấy có một cái phong bì khá to để ngay cửa. Địa chỉ người gởi lạ hoắc bên Cali, Vi không nhận ra ai hết.  Mở ra, bên trong là gói khô mực sấy khô của một công ty bên Việt Nam và một lá thư. Thư của Nguyệt Thu.
Nguyệt Thu đang ở Mỹ. Thu cho Vi số phone nhà cô em gái bên Cali để liên lạc. Vi gọi số phone đó, gọi sáng trưa chiều tối phone reng không ai bắt, đành phải nhắn message lại vào answer machine. Nhắn message rồi, đợi mấy ngày, cũng không nghe tin gì của Nguyệt Thu.
Mãi đến khi Vi nhâm nhi gần hết gói khô mực Thu gởi thì đến phiên Vi nhận được tin của Nguyệt Thu : Hóa ra là Thu và con trai qua Mỹ du lịch, ở nhà cô em gái bên Cali gần 1 tuần  thì cùng gia đình cô em bay qua Florida thăm gia đình chị Ba của Thu, cái answer machine bên Cali lâu thật lâu mới có người nhớ đến . Vi có được số phone mới của nhà chị Ba của Thu bên Florida.
Vi gọi cho Nguyệt Thu, và lần này Vi không phải đợi lâu. Giọng nói của Nguyệt Thu bên đầu dây bên kia vẫn vậy, không thay đổi, Vi nhận xét. Chỉ có Vi, bây giờ khi nói chuyện với bạn, Vi chợt nhận ra là mình xài hơi nhiều những chữ tiếng Anh chêm vào những câu nói tiếng Việt của mình, và khi Vi nhận ra Thu không quen nghe như vậy, Vi bắt đầu sửa lạị cách mình dùng từ.
Ba chồng của Thu  vừa qua đời 1 tháng trước khi Thu đi Mỹ. Trên mạng, Thu kể cho Vi nghe, có người viết bài gọi ông là kẻ phản bội anh em chiến hữu vì ông không đi Mỹ sau khi đi cải tạo. Hùng không đi Mỹ du lịch với vợ con. Nhà máy Hùng làm mới nhập một dàn máy mới, và Hùng đang coi khâu lắp ráp máy và vận hành.  Vi nghe Thu kể về công việc của chồng mình, giọng nói có chút kiêu hãnh, tự hào trong đó. ....
 Nguyệt Thu ở Florida mấy tuần, thành ra Vi có nhiều cơ hội gọi điện thoại nói chuyện với bạn mình. Thu kể cho Vi nghe chuyện cô em gái út đi du lịch ở Mỹ thăm anh chị hai năm trước, năm nay đi phỏng vấn thì bị đánh rớt vì lý do cô không có việc làm , người phỏng vấn e cô đi qua Mỹ du lịch rồi ở  luôn, không về lại Việt Nam. Thu kể Vi nghe chuyện Thu và con đi phỏng vấn, được phía dịch vụ dặn dò là khi được hỏi về lương của Hùng, phải khai ...nhiều hơn thực tế  để có bằng chứng là Thu và con sẽ về lại Việt Nam, chứ không ở lại Mỹ.  Thu kể cho Vi nghe về lệ phí 131 dollars /người, phải thanh toán bằng dollars, giấy bạc phải lành lặn, mới, sạch sẽ .....Thu kể cho Vi nghe về căn nhà hai vợ chồng mua, căn nhà đóng cửa để đó và mới phát hiện nhà có mối, phải thuê người xịt thuốc diệt mối. Thu kể cho Vi nghe những khó khăn Thu trải qua khi mang thai, khi sinh con, và bệnh suyễn của đứa con trai duy nhất của mình, chú bé chin tuổi trong hình đã đứng cao đến vai Thu và theo lời Thu kể qua Mỹ vẫn thích ăn cơm với chả lụa xịt nước tương, người khá tròn trịa và đô con sau khi một ông bác sĩ ở Việt Nam cho chú uống "thuốc bổ"...
Gia đình chị Ba của Thu sẽ đi lên New York, Thu cho Vi hay, và trên đường đi sẽ ghé gia đình của một người quen bên Virginia ngủ qua đêm vào ngày. Đã nhận được bao nhiêu hình của Nguyệt Thu và thấy là Thu không thay đổi nhiều sau bao năm trời, Vi vẫn bồn chồn mong gặp lại Nguyệt Thu. Bao nhiêu là kỷ niệm của năm năm trời học chung, nói chuyện qua điện thoại bao lần vẫn không ôn hết, để đêm về nhắm mắt ngủ lắm hôm Vi lại mơ về cái thời sinh viên ngày nào ở Bách Khoa.
Buổi sáng ngày Nguyệt Thu và con trai cùng gia đình chị Ba của Thu  lên đường từ Florida lên Virginia bằng xe hơi, Vi đi cắt tóc. Tóc đã có nhiều sợi bạc , Thu mà thấy rồi về Việt Nam nói với bạn khác là mình bây giờ già sọm, tức chết, Vi nghĩ vậy và quyết định đi cắt tóc, uốn tóc, nhuộm tóc, highlight, để nhìn thấy trẻ trung chút xíu. Xong phần tóc, đến phần lựa áo mặc, cắt dũa móng tay, kiểm tra pin trong máy chụp hình, rửa xe ( cái xe bụi đóng dày mấy lớp do lười không rửa, để đến hôm nào trời mưa thì xe sạch ), chọn giày mang.... Chồng Vi đi làm về, hỏi Vi xem lúc nào thì đi đến nhà bạn Vi. They drove this morning from Florida, I need to call  first to make sure when they get there, Vi nói. Lái xe từ Florida lúc tờ mờ sáng lên Virgnia, xa lắm chứ đâu phải đùa....
Tám giờ tối, vợ chồng Vi lái xe đến nhà người quen của gia đình Nguyệt Thu.
Vi nhìn căn nhà xa xa đèn đuốc sáng trưng, có mấy chiếc xe đậu ở driveway và trên lề đường trước nhà, có mấy người đàn ông Á Châu đứng trước sân nhà nói chuyện, thầm đoán đó là căn nhà mình sẽ ghé. Đúng như vậy.  Mười ơi, có bạn tìm, một người đàn ông gọi vào nhà, rồi mời vợ chồng Vi vào phòng khách. Nhà đông quá, cả chục đứa trẻ đang ngồi chơi game ở một góc phòng, mấy người lớn ngồi ở mấy cái ghế và sofa. Vi nhận ra má của Nguyệt Thu và đến chào bà. Mười mấy năm rồi, má Nguyệt Thu già đi nhiều lắm, nhưng bà vẫn còn nhớ đến Vi. Bà mặc áo bà ba, tóc bạc búi tròn sau gáy, hai bàn tay xương xẩu, mấy ngón tay méo mó mang dấu vết của bệnh viêm khớp. Vi áy náy khi nhìn thấy chiếc xe lăn để gần đó....
Vi tới lâu chưa, tiếng Nguyệt Thu sau lưng Vi. Vi ngoái lại và thấy Nguyệt Thu, Nguyệt Thu với mái tóc ngắn, người ốm nhom, nước da đen thui. Mừng quá chừng, Vi ôm chầm lấy Nguyệt Thu, và thất bạn ốm ơi là ốm. Trời ơi, sao qua Mỹ mấy tuần mà Thu không lên ký hả, Vi bật thốt, sao mà ốm quá vậy.  Thu phì cười, nói là không ăn đồ ăn Mỹ quen, chỉ ăn cơm như ở Việt Nam hà. Có con mình, nó ăn đồ ăn Mỹ hợp nên mập ra , Thu chỉ con trai mình, thằng bé đô con nhất trong nhóm trẻ con. Thu kêu con trai đến chào vợ chồng Vi, thằng bé lễ phép khoanh tay chào bằng tiếng Việt.  Vi giới thiệu chồng mình với Nguyệt Thu, anh chàng đã nghe Vi nói trước ở nhà là bạn Vi không nhuyễn tiếng Anh nên không nói gì nhiều, ngồi ở cái ghế xem TV và nói chuyện chút đỉnh với anh chủ nhà, một người bà con của Nguyệt Thu, để cho Vi nói chuyện bằng tiếng Việt.
Ngày mai tụi này sẽ đi New York, Thu nói với Vi. Ngồi trên xe bữa nay cả chục tiếng, ngày mai nghĩ đến chuyện ngồi trên xe lâu lắc thấy ngán quá, Thu nói, nhất là lo cho má mình, bà bây giờ không có đi bộ xa được. Mấy ngày nữa thì nhà mình sẽ qua New Mexico dự đám cưới thằng cháu, con anh Sáu, Thu tâm sự, đi cả tháng Hùng ở nhà nhớ con, tối là mình gọi điện thoại cho hai cha con nói chuyện với nhau. ....Thu kể cho Vi nghe chuyện đưa má từ Việt Nam qua Mỹ du lịch, chuyện trục trặc chuyến bay ở phi trường mà Thu lại không rành tiếng Anh nên cả nhà phải ngồi chờ ở phi trường lâu thật lâu, chuyện con trai đi Mỹ về thì sẽ trễ nhập học mất 1 tuần, chuyện kinh tế sa sút nên nhà máy cắt giảm giờ làm, Hùng dịp Tết vừa rồi có nhiều ngày nghỉ hơn dù không muốn, Vi ngồi nghe Nguyệt Thu nói chuyện, cảm thấy thời gian như quay ngược trở lại cái thời Vi và Thu còn ngày ngày đạp xe đạp đến trường ở Bách Khoa. Vi nhìn bạn mình, vẫn cái cổ cao, cái mũi hơi hỉnh.... Chẳng bao giờ Vi nói cho Thu biết là Thu giống như cô gái ViVi vẽ trên bìa tạp chí Tuổi Hoa , chẳng bao giờ Vi nói cho Thu biết là Vi đem cái bìa báo đó từ Việt Nam qua Mỹ và còn giữ đến bây giờ...
 Thu hỏi Vi có định về Việt Nam không, Vi trả lời là có, có định, có nghĩ tới, nhưng không biết chắc là bao giờ. Căn nhà của gia đình Vi, căn nhà đó khi nhà Vi rời Việt Nam đã trở thành tài sản của nhà nước mất rồi. Sài Gòn đổi thay nhiều, thật nhiều, Vi khó khăn lắm mới nhận ra những góc phố quen ngày xưa khi xem những cuốn DVD về Việt Nam.  Chừng nào Vi về Việt Nam , Vi muốn ở nhà tụi này không, Thu hỏi, và Vi chỉ biết cười, khó tìm lời giải đáp. Ông chồng Mỹ của Vi ăn đồ ăn Việt Nam không rành, rất ngán khí trời nóng bức , muốn thuyết phục chàng  về Việt Nam với Vi là cả một vấn đề, mà Vi đi về Việt Nam một mình thì có vui vẻ được đâu , phải kiên nhẫn chờ thời cơ thuận tiện, Vi giải thích với Nguyệt Thu như vậỵ
 Vi nói với Thu về chợ Eden ở Virginia và bao nhiêu khu chợ và tiệm Việt Nam khác, chợ Biên Hòa, bánh mì DC Sandwitch, phở 75, nhà hàng Four Sisters, muốn mua đồ ăn Việt Nam, món nào cũng có. Vi kể cho Thu nghe về những đài truyền hình phát tiếng Việt, những show ca nhạc Việt Nam có thể xem trình diễn trên sân khấu hay xem DVD, những nhà sách Việt Nam với bao chủ đề khác nhau, những website Việt Nam, những báo Việt Nam online, bao nhiêu phương tiện khá nhau giúp cho người Việt ly huơng  tìm về cội nguồn và tạm quên nỗi buồn xa xứ.
Vi hỏi xem Thu có hay vào internet không, và không ngạc nhiên chút nào khi biết Thu vẫn không có email.  Vi nói đùa nhờ Thu mà mấy người làm bưu điện không mất job.
 Thời gian trôi qua nhanh không thể tưởng, chuyện ngắn chuyện dài mười mấy năm có trao đổi qua thư và điện thoại vẫn còn khá nhiều để Vi và Nguyệt Thu kể cho nhau nghe, nhưng đã đến lúc vợ chồng Vi phải cáo từ để ra về cho Thu có thời gian nghỉ ngơi truớc khi lên đường đi New York. Vi có số điện thoại nhà anh Sáu của Thu bên New Mexico để gọi cho Thu nói chuyện tiếp.  Hai tuần, Vi còn hai tuần để gọi cho bạn mình, hai tuần để tán dóc chuyện trên trời dưới biển , từ ca sĩ, tài tử Việt Nam, Paris By Night, Asia, đến chuyện bạn bè và chuyện Bách Khoa.
 Buổi tối Vi trằn trọc khó ngủ, suy nghĩ lung tung... Vi gặp lại Nguyệt Thu ở ngoài đời, Thu vẫn vậy, giản dị, chân chất, hiền như cục bột, không phấn son, không màu mè, chăm lo chu đáo cho má, cho chồng, cho anh chị em, cho cháu, cho con....  Tim Vi thót một cái ! Gói khô mực, Thu gởi tặng Vi gói khô mực. Còn Vi, gặp lại bạn sau mười mấy năm trời, Vi chỉ lo đến cái bề ngoài của mình, sao cho Thu nhìn thấy một Vi trẻ trung, tươi mát, Vi nông cạn quá đỗi, ích kỷ quá đỗi, hình thức quá đỗi. Vi quả là tệ, tệ lắm lắm....
Vi trở mình, nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh trăng, ánh trăng dịu dàng chiếu qua mấy cái cây trước nhà, chiếu vào phòng. Mấy chục năm sau khi cắt và cất giữ cái bìa báo Tuổi Hoa có tựa đề "Trăng Thề" do ViVi vẽ rồi mang qua Mỹ, bây giờ Vi đã gặp lại Tuổi Hoa trên internet với những cuốn sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh, Hoa Tím... Vi thích thú đọc ngày nào còn bé, và Vi đã tìm lại được "Trăng Thề" qua Nguyệt Thu, cô bạn học ngày nào ở Bách Khoa.
HC80MH ơi, Thu ơi...
Vi biết là nếu Vi kể cho Thu nghe về những suy nghĩ của Vi, những áy náy của Vi sau khi Vi mất cả ngày lo chưng diện để đi gặp lại Thu, Thu sẽ bật cười mà nói những dòng bất hủ của HC80MH: "Nói chuyện gì mà dễ xa nhau quá" và để Vi trả lời lại: " Có gần ở đâu mà xaaaaaa!". 
Thật đó Thu ơi, có gần ở đâu mà xa,  Vi  bây giờ ở Mỹ, Thu ở Việt Nam,  có gần ở đâu mà xa hả Thu"
KAREN N. NGUYEN

Ý kiến bạn đọc
08/09/201604:07:17
Khách
https://tinhthanblog.files.wordpress.com/2016/09/trang-the.jpg
08/09/201600:29:23
Khách
Bức tranh ở đây:

https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2016/09/02/co-tri-trang-the/#more-19911
07/09/201622:31:54
Khách
<em>Merci Karen N. Nguyen! Một ký ức quá tuyệt vời! DŨNG lớp Hội hoạ Tuổi Hoa bây giờ đã vào U 60 rồi! Bản gốc mình còn giữ nè và đang ở Paris!</em>
[caption id="attachment_809" align="aligncenter" width="296"]<a href="https://tinhthanblog.files.wordpress.com/2016/09/trang-the.jpg"><img class=" wp-image-809" src="https://tinhthanblog.files.wordpress.com/2016/09/trang-the.jpg?w=240" alt="Trăng Thề Dũng, lớp hội họa Tuổi Hoa" width="296" height="370" /></a> Trăng Thề<br /><em>Dũng, lớp hội họa Tuổi Hoa</em>[/caption]

Bạn có thể vào xem ở link này:
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2016/09/02/co-tri-trang-the/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,029,411
Mặc dù gia đình tôi đạo Phật từ tổ tiên đến nay không biết bao nhiêu đời, nhưng mỗi năm
“… như mưa và tuyết từ trời rơi xuống, nó không trở lại trời nhưng tưới đất, làm cho đất đượm màu và nẩy nở, đem lại hạt giống cho kẻ gieo &nbsp;và bánh cho người ăn…”
Chuông điện thoại reo, tôi nhìn vào thấy cái tên Sergio lạ hoắc
Ngày còn ở VN, tôi là sinh viên năm thứ hai đại học ngoại ngữ khoa Anh Văn.&nbsp; Tôi có được lòng ham mê học ngoại ngữ
Những khi bỗng rảnh, tôi ưa lái về những nơi bỗng nhớ
Hơn một thế kỷ trước, đầu mùa Đông năm 1897, một cô bé tám tuổi nghiêm chỉnh đến hỏi cha
Tại thành phố Houston, Tiểu Bang Texas, trong khu vực gần nơi cư ngụ của gia đình tôi, có ba Nhà Quàn
Mấy ngày hôm nay thời tiết bỗng thay đổi bất thường
Tháng 8 thường thường chúng tôi đi nghỉ hè tại vùng biển Caribbean
Mùa hè năm đó, cách đây cũng mấy năm rồi, có vợ chồng người cháu từ bên Úc qua chơi