Bên Nỗi Chết, Cám Ơn Cuộc Sống
Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3054-28354-vb2112910
Trước 1975, Cam Li từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa. (hiện có trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết giá trị. Với bài viết "Mùa Xuân Mai Vẫn Nở", tác giả đã nhận giải vinh danh "Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010. Sau đây là bài cô mới viết trong mùa lễ tạ ơn.
***
Ngày vợ chồng Hiếu bước chân xuống phi trường tại Los Angeles cũng là ngày mà anh chị chạy bay vào bệnh viện để mong gặp mặt người chị ruột đang bệnh nặng. Chỉ kịp ôm chầm lấy đứa con gái ra đón, rồi không thể tiếp tục vui mừng được nữa khi nhìn thấy chị mình nằm mẹp trên giường như một cái xác ve. Mấy chị em cùng khóc. Chị yếu ớt đưa tay vuốt bàn tay em. Em run run vuốt lên má chị. Chị đã đến giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Bác sĩ bảo không còn bao lâu nữa.
Nước Mỹ đến với vợ chồng Hiếu bằng hình ảnh đầu tiên là bệnh viện. Thật ra thì những cảnh vật hai bên đường có hiện ra vùn vụt trong khi xe chạy, nhưng hầu như không có sức hấp dẫn gì cả. Không hiểu là do màu xám của kính xe, hay là do tâm trạng của hai người lúc đó nóng lòng muốn gặp người chị, nhưng thật tình anh chị không giống như hầu hết những người được gia đình bảo lãnh đến Mỹ, vui sướng, hào hứng, rộn ràng... Lẽ ra họ còn nán lại để giải quyết hết việc nhà, nhưng bệnh tình của người chị đã khiến họ đặt vé máy bay sớm và đi ngay khi đã qua được cuộc phỏng vấn.
Nước Mỹ cũng đến với vợ chồng Hiếu bằng hình ảnh một "nursing home" tại nhà. Đúng ra, phải gọi chính xác đó là một "hospice" tại nhà. Họ ngơ ngác khi nghe từ ngữ đó. Hospice, "bệnh viện dành cho người bệnh nặng sắp mất". Ôi! Họ bàng hoàng. Một chiếc giường đặc biệt với tất cả những máy móc đặc biệt để chăm sóc cho người bệnh nặng đến mức độ gọi là "terminal ill" cũng về đến nhà cùng lúc với họ. Và một cách tự nguyện, họ đã trở thành người săn sóc cho chị của mình. Họ đã chọn tạm thời không ở cùng con gái, người đã bảo lãnh họ qua đây, mà ở nhà người chị để săn sóc chị. Nước Mỹ cũng đến với họ bằng bốn bức tường của ngôi nhà này. Họ có một điều hài lòng trước mắt: được đoàn tụ với con gái, và với người chị thân yêu trước khi chị ra đi.
Trong khoảng thời gian một tuần lễ sau khi người chị rời bệnh viện, mấy chị em đã có thể chuyện trò, ôn lại kỷ niệm xưa, thuở cùng sống chung dưới một mái nhà với cha mẹ. Nhưng sức khỏe của chị đã như ngọn đèn dầu từ từ cạn hết. Chị không còn gắng sức thêm được nữa. Chị chỉ có thể mấp máy đôi môi thốt ra vài tiếng yếu ớt, còn thì đa phần chị nói bằng mắt. Thời gian trước đây, mỗi khi chị trở cơn nguy cấp, các con của chị đưa chị vào bệnh viện cấp cứu ngay. Nhưng từ khi được bệnh viện cho biết về sự thật không thể chối bỏ được, gia đình tiếp nhận hình thức "hospice tại gia", nghĩa là không còn có những lần đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Ban đầu, Hiếu đã rất choáng váng, cộng thêm một chút bất bình. Tại sao không phải là "còn nước còn tát"" Hiếu đã tự hỏi như vậy... Nhưng rồi, Hiếu chấp nhận sự thật. Vợ chồng anh đã chạy đua cùng thời gian, để ở bên người chị thân yêu đang dần dần lịm đi như ánh mặt trời chiều.
Vợ Hiếu, với đôi bàn tay dịu dàng khéo léo, đã chăm sóc cho người chị chồng như chăm sóc cho người mẹ vậy. Chị không ngại khi thay quần áo cho người bệnh lúc này đã hầu như kiệt quệ không còn sức để tự lo cho chính mình nữa. Khi các cháu đề nghị thuê người đến giúp, vì các cháu phải đi làm, vợ Hiếu không chịu, tình nguyện làm công việc ấy. Cái tình, cái tính chất muôn thuở của người Việt Nam, cái đôn hậu của người phụ nữ Việt vẫn nguyên vẹn nơi chị, nên chị đã làm những công việc ấy một cách tự nhiên.
Và rồi cái ngày phải tới đã tới. Cây đèn dầu đã cạn. Ánh mặt trời chiều đã tắt. Những gì mà vợ chồng Hiếu và các cháu chuẩn bị đã đến tay. Không thể làm gì khác hơn là chờ các nhân viên hữu trách đến xác nhận người đã qua đời thật sự. Bước tiếp theo là chờ nhân viên của nhà quàn đến mang chị đi. Dù đã được báo trước như vậy nhưng Hiếu vẫn cảm thấy một nỗi đau xót tràn ngập. Hiếu không thể làm gì khác hơn là ngồi tiếp vài người thân đến thăm khi nghe được tin. Còn vợ Hiếu thì lau rửa và thay quần áo mới cho người quá cố, rồi chuẩn bị một bát cơm, cái trứng luộc và đôi đũa để làm một nghi lễ nho nhỏ trong khi chờ đợi. Chị cũng đã mang từ Việt Nam qua, một chiếc máy bé xíu phát ra một bài kinh cầu siêu. Thế thôi, không rộn ràng như trong những đám tang ở quê nhà. Căn phòng chìm trong yên lặng... Và khi hai nhân viên của nhà quàn đến trong một chiếc xe dài kín mít màu trắng, mọi người cũng giữ yên lặng tối đa. Họ lùi hết ra sau để cho hai người này làm việc. Trong một chuỗi những động tác vô cùng nhẹ nhàng và khéo léo, hai người đàn ông trẻ nâng người chị đặt vào một tấm vải trắng, gói lại thật gọn. Rồi một người bế cái hình hài nhẹ tênh ấy đi xuống thang lầu, người kia ra xe để lái đi. Những người trong gia đình lần lượt ra xe của mình để lái đi theo. Không có ai được vào trong xe của nhà quàn.
Khi vào bên trong khu vực của nhà quàn, chiếc xe ngừng lại trước một dãy nhà kín như bưng. Mọi người ra khỏi xe của mình. Hiếu thấy hai nhân viên kéo chiếc băng-ca trên đó có chị của mình đã được đắp chăn đen phủ kín, chuẩn bị đưa vào nhà xác. "Mortuary", Hiếu đau lòng khi thấy chữ ấy. Một trong hai nhân viên nói với thân nhân:
- Chúng tôi rất tiếc, quý vị chỉ có thể theo đến đây. Bây giờ chúng tôi xin phép đưa bà ấy vào trong. Tạm biệt quý vị.
Mọi người xúc động. Có vài tiếng thổn thức cất lên. Là vai lớn nhất nơi đây, Hiếu tiến đến cám ơn hai người nhân viên. Không chủ ý, nhưng Hiếu có dịp để nhìn gần hai người ấy. Một người da trắng, người kia da đen. Khi quay lưng đi để ra xe, Hiếu bỗng có cảm tưởng như mình vừa gặp được hai gương mặt thiên thần.
*
Và như thế, những ngày đầu tiên của vợ chồng Hiếu trên đất Mỹ tiếp nối theo một trình tự mà họ lần đầu tiên dự vào. Hiếu trải qua năm đêm trằn trọc khi ở nhà mà nghĩ đến chị mình lạnh lẽo trong nhà xác. Không ngủ được, anh lại ra ngồi ở phòng khách, nhìn đăm đăm vào vũng bóng tối trước mặt. Hiếu hồi tưởng ngày cha mất, đêm đầu tiên sau khi ông thở hơi cuối cùng, cả nhà thức canh cho ông, chờ giờ tẩn liệm. Đèn thắp sáng trưng trong nhà, hương trầm đốt ngát thơm. Khi tẩn liệm, các vị sư được mời từ chùa đến, tụng niệm suốt buổi lễ. Con cháu quây quần xung quanh quan tài của cha, trong tiếng khóc còn nghe được sự ấm áp. Hai ngày sau đó dành cho lễ viếng tại nhà. Suốt ngày đêm, lúc nào cũng có người túc trực cạnh bên quan tài, thắp nhang, thay nến, và giữ cho ngọn bấc trong bát dầu đặt dưới chân quan tài luôn được cháy sáng.
Ở đây thì khác. Vì không ai làm lễ tang tại nhà nên mọi việc phải do sự sắp xếp của nhà quàn. Và cũng đã đến lúc tang lễ của người chị được cử hành. Lễ viếng được tổ chức một ngày rưỡi rồi sau đó sẽ đưa linh cữu ra nghĩa trang. Các vị ni sư được mời đến để tụng niệm làm lễ cầu siêu cho chị. Khung cảnh thật trang trọng. Và khi quan tài của chị được đưa ra, với một nửa phần trên mở nắp, Hiếu đến gần để nhận thấy chị của mình đã được trang điểm tươi tắn như một người khỏe mạnh đang ngủ. Anh tìm thấy lại cảm giác bình an đôi chút. Anh cùng vợ đứng lặng yên bên chị, bồi hồi nhớ lại những lời nói vui vẻ của chị hứa đưa các em đi đây đi đó khi các em qua tới Mỹ. Rồi anh ra khỏi phòng, đi một vòng trong khuôn viên nhà quàn để quan sát. Có nhiều căn nhà giống nhau dùng làm nơi tổ chức tang lễ. Một điểm chung nơi đây là các tang lễ được cử hành trong yên lặng, trừ những khi làm nghi thức tôn giáo thì mới nghe vang lên lời cầu nguyện. Không có tiếng kèn trống rộn ràng của các ban nhạc như trong đa số các đám tang ở bên nhà.
Đến tám giờ tối, người đại diện của nhà quàn thông báo mời mọi người về nghỉ. Nhà quàn phải đóng cửa ban đêm. Hiếu và vợ dù đã biết trước, nhưng hai người vẫn cảm thấy lạ lùng. Họ nhìn nhau, cùng một cái nhìn xót xa. Lại một đêm nữa, người chị sẽ lạnh lẽo một mình. Hiếu chạnh nhớ đến bên nhà, đêm trước khi đi an táng, bao giờ người nhà, có khi cả những người lối xóm, cũng đều thức trắng để chuẩn bị cho ngày mai. Thanh niên ngồi uống trà, uống cà phê, đánh cờ hoặc trò chuyện cho khỏi buồn ngủ. Có khi họ cũng đàn hát. Đêm sẽ qua thật mau.
Mọi người đã dần dần ra về hết. Người đại diện nhà quàn đến chào tạm biệt Hiếu rồi điều chỉnh tăng độ lạnh của máy điều hòa trong phòng. Hiếu chợt rùng mình...
*
Cùng trong một khu vực, nghĩa trang cách nhà quàn không bao xa, nên mọi người có thể đi bộ theo xe tang ra đó.
Tiếng chuông mõ hòa với lời tụng niệm vang đều trong khi lễ hạ huyệt được cử hành. Khi quan tài được đẩy ra nơi làm lễ hạ huyệt, đã có đậu sẵn một chiếc xe cơ giới với một người ngồi bên trong để vận hành xe. Chiếc xe, với một cái cần cẩu, làm động tác nâng quan tài lên, đặt xuống chiếc huyệt đã đào sẵn. Rồi cũng chính chiếc xe ấy, với phần trước giống như một lòng máng lớn, đã xúc đất lấp đầy huyệt. Người ta dậm nén cho mặt đất chắc lại và bằng phẳng. Cuối cùng, một miếng đất mỏng với thảm cỏ phía trên, như tấm chăn hình chữ nhật, được phủ lên phần mộ. Hiếu nhìn đăm đăm vào đó, tưởng như thời gian đã chạy thật nhanh về phía trước. Bởi tất cả những gì nằm bên dưới lớp cỏ xanh tươi ấy, trong đó có chị của mình, như đã yên ngủ từ rất lâu.
Mọi người đem những vòng hoa tươi đặt lên mộ phần, chồng chất kín hết vuông cỏ xanh. Chị đã có một nấm mộ bằng hoa.
*
Nước Mỹ đến với Hiếu bằng những ngày tiếp theo đó bàng bạc sự trầm cảm trong anh. Vợ anh thì đỡ hơn, đã bắt đầu tìm cách làm khuây khỏa nỗi buồn bằng việc đi cùng con gái xuống phố, ra chợ để mua sắm và ngắm nghía quang cảnh. Mặc dù đã về ở với con, nhưng mỗi ngày Hiếu đều ghé qua nhà chị để thắp nhang, rồi vòng ra nghĩa trang để thăm mộ. Mọi việc đã hoàn thành cho nên không còn phải làm gì thêm như ở bên nhà, bận rộn nào xây mộ, dựng bia, nào trồng hoa, tỉa cỏ. Tất cả đều đã có nhân viên nghĩa trang lo cả. Cuối tuần cả nhà cùng đến chùa, nơi đó mọi người nghe những bài giảng về Phật pháp, về cõi nhân sinh vô thường, về tình nghĩa gia đình khi còn sống và khi đã cách trở âm dương. Hiếu đã dần dần cảm thấy nhẹ lòng.
Chiều nay khi đem đến cho chị một bó hoa tươi, Hiếu ngồi lặng yên trầm tư bên mộ. Hiếu nhớ đến khu đồi trên vùng cao nguyên nơi an táng cha mình và biết bao người thân ở quê nhà, những lúc anh chị em kéo nhau đi thăm mộ, đều phải vất vả leo qua bao nhiêu gò đất, cẩn thận đi trên những con đường mòn trơn trợt, và mỏi mắt tìm kiếm từng ngôi mộ vì mỗi lần trở lại là quang cảnh đã khác đi. Những ngôi mộ xây theo đủ kiểu, có ngôi cao ngất ngưởng như một dinh thự, có ngôi khiêm nhường với những vật liệu đơn sơ. Một xã hội thu nhỏ! Còn nơi đây, tất cả mọi ngôi mộ trong cùng một khu đều có chung một lối kiến trúc. Cũng là một xã hội thu nhỏ! Hiếu mỉm cười. Ôi! Mình đã có những ý nghĩ thật mới lạ.
Hiếu đi dọc theo những dãy mộ ngay ngắn, thắp nhang nơi mỗi ngôi mộ. Một cách chào hỏi với những "hàng xóm" của người thân đang yên nghỉ nơi đây, cũng rất giống như ở bên nhà. Vâng, ai cũng vậy, sống hay chết cũng phải có thôn lân, xóm giềng. Và Hiếu dừng lại trước một ngôi mộ, không biết là mới hay cũ vì tảng cỏ che trên mộ cũng xanh rì. Một cô bé khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, đang ngồi cắt quanh viền của tảng cỏ ấy, làm thành một khung hình chữ nhật ngay ngắn, chuẩn bị cắm những cây hoa xuống đó. Thấy Hiếu đứng nhìn, cô bé ngước lên, nói ngay như để khoe:
- Bác ơi! Cháu trồng hoa quanh viền mộ cho mẹ cháu. Sẽ đẹp lắm đó bác!
Hiếu yên lặng. Cô bé tưởng Hiếu chưa hiểu, nên giải thích:
- Cháu trồng loại hoa mà mẹ cháu rất thích. Cháu cũng muốn trang trí cho mộ của mẹ cháu được đặc biệt một chút.
- Vâng, bác hiểu.
Hiếu quay đi để cô bé không thấy đôi mắt của anh đang nhòa lệ.
*
Ý nghĩ của Hiếu,
Như thế đó, nước Mỹ đến với tôi, đúng ra là tôi đến với nước Mỹ, những ngày đầu tiên thật đặc biệt. Những cảm giác mà tôi nếm trải có lẽ sẽ không bao giờ có nếu tôi còn ở bên nhà. Nhưng nói cho cùng thì vẫn là cảm giác của con người. Ở đâu cũng vậy, dù hình thức có khác nhau ít hay nhiều, con người vẫn giống nhau. Cho đến bây giờ, khi những đau đớn riêng tư được khuây khỏa phần nào, tôi đã tìm hiểu những phương thức mà người sống sẽ làm cho người thân quá cố của mình. Thì ra là có những lớp học để người tham dự học cách chuẩn bị cho phần này. Và tôi còn tìm hiểu thêm một hình thức mới mẻ nữa: "green burial", chôn cất tự nhiên, chôn cất thân thiện với môi trường. Suy cho cùng thì lại cũng giống như cách an táng của người thời xưa. Trở về với thiên nhiên, với cát bụi. Không có kim tĩnh xây bằng bê tông, không có quan tài quá kiên cố. Sự phân hủy sẽ mau chóng. Thịt xương sẽ sớm được trả lại cho đất. Cũng là một hình thức tương tự như hỏa thiêu rồi gửi tro lại cho đất, cho rừng, cho sông, cho biển, cho muôn loài sinh vật tiếp nối sự sống. Cái chết, như vậy, thật quá "green", quá "xanh", tràn đầy ý nghĩa.
Bên nỗi chết, tôi cất lời ca ngợi cuộc sống, trân trọng những điều mà tôi chiêm nghiệm được. Người sống và người chết không hề xa rời nhau, mà nối tiếp nhau trong một chu kỳ mầu nhiệm. Xin cám ơn tất cả.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Mùa Tạ Ơn 2010