Hôm nay,  

Bạn Tôi Và Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ

12/07/201000:00:00(Xem: 225067)

Bạn Tôi Và HỌP MẶT Viết Về Nước Mỹ

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2945-28245-vb2071210

Tác giả là một huynh trưởng rất được quí trọng trong sinh hoạt chung của Việt Báo. Sau khi nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2001 rồi giải Việt Bút 2008, ông đã là một thành viên trong Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Chung Kết Viết Về Nước Mỹ hàng năm, nhưng vẫn liên tục góp bài viết mới dù bài không dự giải. Trước 1975, ông là một Hải Quân Trung Tá VNCH.
Bài viết mới sau đây kể về người bạn thân đồng khoá và đồng đội, một vị anh hùng của hải quân VNCH, từng tham dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ từ vài năm qua và góp phần  phổ biến sinh hoạt giải thưởng Việt Báo trên mạng internet: Ông Nguyễn Dinh, cựu Sĩ Quan Hải Quân VNCH, vừa tạ thế, tang lễ được cử hành trang trọng tại Rose Hill, Nam California.
Việt Báo và Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ xin trân trọng phân ưu cùng tang quyến và quí vị trong Hội Ái Hữu Hải Quân.

Viết Về Nước Mỹ tại Rose Center 2008: Phương Dung, Iris, Tường Vy, Thanh Mai, Thịnh Hương, Thuỵ Nhã, Nguyễn Xuân Nghĩa. Hàng ngồi, Nguyễn Dinh, Bồ Tùng Ma, Nguyễn thị A Tiên, Anne Khánh Vân.

 

 

 

 

Lể chuyển cữu Ông Nguyễn Dinh tại Rose Hill ngày 3 tháng Bẩy 2010.


***

Chắc một số bạn Viết Về Nước Mỹ (VVNM), nhất là các bạn trong nhóm Việt Bút, còn nhớ trong ba lần phát giải VVNM kể từ năm 2007 tại Sea Food World cho đến năm 2009 ở Hội trường Việt Báo,  còn có một người mặt mày sáng sủa, miệng luôn luôn mỉm cười, mang máy quay video đi theo tôi như hình với bóng.  Ngoài việc chĩa máy lên sân khấu, gặp cái gì anh cũng "bắn": Mâm đồ ăn; mấy chai rượu; mấy "cháu" Iris, Thanh Mai, Thịnh Hương, Khánh Vân, Thụy Nhã, Phương Dung, Ngọc Anh, Bảo Xuân, Tường Vy, Khôi An, Bảo Trân, Nguyên Thảo... Vì vậy những đoạn video của anh quay rất sinh động.
-Mấy... "cháu nhỏ",  đứa mô trông cũng dễ thương mi hỉ!
Anh giả giọng Huế, nghe buồn cười, dù anh cũng là người Huế, một người Huế đi tứ xứ, nói giọng hơi trọ trẹ. Chúng tôi tuy đã già nhưng vẫn xưng hô "mi, mầy, tao" với nhau như cách đây 40 năm. 
-Hình như có "mấy cháu nhỏ" đang là bà nội hay bà ngoại đó, mi ơi!-Tôi cười nói.
Anh tên là Nguyễn Dinh, có biệt hiệu là Dinh Mặt Ngựa vì mặt anh hơi dài, bạn cùng khoá  với tôi. Anh chẳng có liên quan gì đến cuộc thi VVNM, chưa từng có một bài viết nào; và ngoài vợ chồng tôi, anh chẳng quen ai trong giới cầm bút nói chung và trong nhóm Việt Bút nói riêng. Anh theo tôi đến đây do lời yêu cầu của tôi và cũng do ý thích của anh.
Sau buổi phát giải năm 2008 tại Rose Center, Dinh nói với tôi:
-Chắc sang năm mi cũng nhờ tao quay phim nửa chớ"
-Dĩ nhiên. Ngoài mi ra còn ai nữa. Mỗi lần tao nhờ bà xã tao quay thì khi xem những gì bà ấy quay, chỉ thấy toàn là giày với  dép, chân với cẳng hay trần nhà, lại thấy như bị động đất hay đi biển gặp sóng hai sóng ba.
Tôi quay video khá hơn vợ tôi nhưng không thể sánh với Dinh được mặc dù tôi đã từng học nghề quay phim không chính thức với một người thân hồi tôi còn rất nhỏ, nói đúng hơn tôi đi theo đoàn phim...chơi vào dịp nghỉ hè và được chỉ vẻ vài kỹ thuật cũng như nghệ thuật quay. Hồi đó chỉ có phim nhựa, không phải video như ngày nay.  Người ta tiết kiệm từng centimet phim, nhưng tôi cũng từng huỷ hoại tài sản của nhà sản xuất rất nhiều.  Sau này khi đi tù cải tạo trở về, tôi được một ông bạn từ Mỹ về cho một máy quay video cũ. Tôi vác máy quay video to như cái cày này đi quay đám cưới, đám tang...kiếm chút tiền, thì bị công an địa phương "hỏi thăm sức khoẻ", có ý nói loại người như tôi mà cũng dám hành cái nghề "cao quý" này.  Khi qua Mỹ tôi vẫn ghiền quay video.  Tôi mua một máy quay video nhỏ, đi theo vợ tôi quay...sau lưng bà ấy vì chỉ khi nào bà ấy trang điểm thật kỹ rồi mới chịu cho tôi quay. Khó quay vợ tôi như vậy nên gặp gì tôi cũng quay, nhất là mấy đứa con. Sau này vợ tôi cứ nằng nặc đòi tôi cho xem các đoạn video cũ gần 20 năm trước. Xem xong, bà ấy khoái lắm vì thấy trong video mình trẻ đẹp, có eo, chứ không như sau này.
Dinh không "luyện nghề" như tôi, cũng chưa từng học quay video, nhưng những đoạn video anh quay rất đẹp, từ cảnh này qua cảnh kia rất mượt, mà nói theo từ chuyên môn là smooth như có chen vào giữa những transition.  Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu sao anh có thể thu âm rất rõ và rất hay tiếng hát Bạch Hạc "trong như tiếng hạc bay qua", tiếng dương cầm của Tường Vi và vĩ cầm của Bùi Công Thành "đục như nước suối mới sa nửa vời" trong Trăng Ban Chiều của Trần Dạ Từ (http://www.youtube.com/watch"v=fKsN-GApxO4). Trong một cái máy quay video nhỏ xíu thuộc loại không chuyên nghiệp mà anh có thể thu hình, nhất là thu âm rất pro như thế, thật đáng khâm phục. Tôi rất phục Dinh về việc quay video; còn Dinh lại phục tôi (") về việc viết lách. Dinh nói:
-Tao không hiểu sao mầy có thể tưởng tượng ra những tình tiết trong truyện ngắn như vậy.
-Mày nhớ "Vẽ Gì Khó" trong Cổ Học Tinh Hoa của cụ Nguyễn Văn Ngọc không" Vẽ ma quỷ dễ, vẽ người khó. Người thì mình thấy ngay trước mắt; còn ma quỷ ít ai thấy, mình vẽ sai cũng chẳng ai biết.
-Tao thì may ra chỉ có thể viết những gì thấy ngay trước mắt.
-Ồ, viết những cái gì mắt thấy tai nghe như vậy mới đúng theo yêu cầu của Viết Về Nước Mỹ. Sao mầy không viết"
-Những cái mắt thấy tai nghe tao cho là hay chỉ xảy ra trước 30 tháng 4 năm 75, đâu phải ở Mỹ...
-Phải, nhưng tao thấy đôi khi Việt Báo cũng  đăng những bài viết như vậy trong Viết Về Nước Mỹ.
-Tao cũng có thấy. Tao rất thường hay đọc mục Viết Về Nước Mỹ. Không những tao mà còn rất nhiều người thích đọc mục này.  Có đôi lần tao định viết nhưng chỉ được chừng nửa trang là ngưng, rặn không ra chữ nữa.
Kỳ phát giải VVNM năm 2009 tại Hội Trường Việt Báo, nếu không có Dinh nhắc nhở, chắc chắn tôi và vợ tôi chỉ đến ... ăn uống rồi về, và sau đó sẽ tiếc hùi hụi vì không được làm ca sĩ với Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ của Cao Minh Hưng trên sân khấu.  Dù trước đó trong buổi họp mặt tại nhà Tân Ngố và nhà Trần Quốc Sĩ, ai cũng nói nên đến tham dự lễ phát giải sớm để có thì giờ chuyện trò, nhưng không hiểu sao tôi lại lú lẩn đến nỗi cứ đinh ninh 5 giờ chiều buổi lễ phát giải mới bắt  đầu. Đến nơi tôi đã thấy Dinh ở hội trường, mặt nhăn như khỉ ăn ớt:
-Camcorder đâu rồi. Sao bây giờ mới đến" Người ta sắp lên sân khấu rồi đó.
-Ủa" Lên sân khấu làm gì vậy"
-Nói chi "hay" vậy" Việc của mầy mà mầy hỏi tao.
-À, lên hát Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ.
Dinh quan tâm về giải thưởng VVNM còn hơn cả tôi.  Không những anh theo tôi quay video, nhắc nhở này nọ, mà còn phổ biến giải thưởng này trong nhóm email của khoá chúng tôi, trong nhóm email của các khoá khác và trong website của Hội Cữu Long.  Anh đọc hầu hết các bài VVNM trên báo giấy cũng như trên mạng, nhất là bài của tôi.
-"Bảy Em Du Học Sinh" của mầy vừa đăng. Tao thích bài này lắm.
Anh thường thông báo cho tôi như vậy.  Tôi làm bộ nói:
-Vậy hả" Nhờ mi tao mới biết.
Thật ra trừ khi đi xa hay bận việc, tôi vẫn thường theo dõi trên mạng cũng như mua báo để xem bài viết của mình đã được đăng chưa.
Quả thật Dinh là "Anh hung vô danh" của giải thưởng VVNM.
Có một lần tôi hỏi Dinh:
-Dinh này! Tao có cảm tưởng như mầy là Bồ Ma, chứ không phải tao...
-Không dám đâu!
-Sao mầy thích...
-Tao biết mầy muốn nói chi rồi. Tao thích cái không khí ở đây. Ở đây già trẻ đều có đủ, mà ai cũng vui vẻ thân tình. Họp khoá, chỉ có bọn già tụi mình chuyện trò với nhau, vui vẻ với nhau; còn phần đông đám con cháu chúng ta chỉ ngồi một lát rồi làm người nhái.
-Ngoài cái đó mầy còn thích chi nữa"
-Thôi, Kiều Chinh, Khánh Ly đang ở đằng kia kìa. Mầy tới...ôm họ, tao chụp cho vài tấm hình.
-Hồi nãy tao có chụp với hai cô ấy rồi. Ngồi nghỉ, nói chuyện một chút đã!
-Ừ, tao thích cách tổ chức, cách đặt tên các giải thưởng. Rất tế nhị. Không gọi giải nhất, giải nhì, giải ba...; mà gọi là...
-Mầy nói với tao cái này năm ngoái rồi. Nói chuyện khác.
-Thì chỉ có vậy thôi. Nói chung là thích cái không khí ở đây.
-À, mầy đã đến dự họp mặt VVNM tại ba nơi khác nhau, Sea Food World, Rose Center, Hội trường Việt Báo, mầy thích nơi nào hơn"
-Thích cả ba.
-Đúng là ba phải. Nói! Thích nơi nào nhất"
- Rose Center thì ... hoành tráng nhưng nghe nói đắt; lại thiếu sự...du di, thông cảm, nghe nói họ cho thuê hội trường chừng đó giờ thì nhất định chừng đó giờ, kéo dài thêm, họ doạ cúp điện.
-Ủa, sao mầy biết tài vậy" Lại "Hoành tráng" nữa. Nghe mầy nói giống như quảng cáo ở Việt Nam. "Nội thất xe hơi KIV của Hàn Quốc cực kỳ hoành tráng"
-Không hiểu sao họ không nói "Nguỵ Bát-Chung-Hy", mà nói "Hàn Quốc"
Dinh cười ha hả, nói tiếp:
-Hội trường Việt Báo thì...thư giản hơn.
-Còn Sea Food World"
- Sea Food World hả" Tao nghĩ mấy bà thích nơi này nhất, ánh sáng mờ mờ ảo ảo nên trông  bà nào cũng ít già.
-Ồ, hèn chi bà xã tao, sau khi tham dự ở Rose Center về, cứ nhắc đến Sea Food World.
-Sang năm tổ chức phát giải ở đâu" Tròn 10 năm mà.
-Ủa" Sao mầy rành vậy"
-Giải thưởng này bắt đầu từ năm 2000, dĩ nhiên năm 2010 là đúng 10 năm.  Kỷ niệm 10 năm chắc phải...hoành tráng.
Dinh cười, cười cả miệng lẩn mắt, tất cả những gì trên mặt anh đều cười. Mỗi lần cười như vậy anh đều ngẩng mặt lên, nhìn hết người này đến người nọ, khiến ai cũng cảm thấy ...được Dinh cười. Gặp Dinh, trước hết là gặp nụ cười của anh, mọi chuyện vui buồn khác sẽ "gặp" sau.
-Trước khi tổ chức lễ phát giải 2009, anh Trần Dạ Từ có nói với tao việc tổ chức Kỷ Niệm 10 Năm VVNM. Dự định tổ chức lớn, kéo dài đến mấy ngày. Dự định như vậy, nhưng không biết sẽ ra sao. Sau này chị Nhã Ca cũng nói vậy.
-Tổ chức ở đâu"
-Chưa biết. Mầy nhớ tham dự nghe.
-Dĩ nhiên.  Nếu có phí tổn gì, cho tao đóng góp.
-Chuyện nhỏ.
Đầu năm 2010 tôi có cuộc họp mặt tại một tiệm ăn ở Little Saigon với các bạn đồng khoá, trong số này có Dinh.  Trông Dinh hơi ốm, ăn ít.  Tôi hỏi:
-Mầy có đau gì không"
-Vết thương cũ hành hạ, khó chịu, nhưng không sao.
-Còn 7, 8 tháng nữa là Ngày Kỷ Niệm 10 Năm VVNM. Mầy nhớ tham dự, quay video nghe.
Dinh im lặng không trả lời.  Tôi hơi lấy làm lạ nhưng vì vui chuyện với bạn bè nên cũng không để tâm lắm. Sau buổi họp mặt, tôi chợt nhớ đến vẻ buồn hiếm thấy của Dinh khi nãy nên nhắc lại câu hỏi vừa hỏi:
-Có nhớ không" Tháng 8 đừng đi chơi đâu nghe. Nhớ đi tham dự, quay video.
Dinh  trả lời, giọng buồn buồn:
-Chắc...không được đâu.
-Sao lại không"
-Người tao thấy mệt mỏi, không có hứng thú.
-Không lẽ mệt mỏi luôn cả 7, 8 tháng
-Có khi còn dài hơn nữa mầy ơi.
Tôi pha trò cho không khí bớt buồn:
-Nói giỡn hay nói chơi rứa mi"
-Nói thiệt.
Một tuần sau tôi cùng với một số bạn đồng khoá khác  đến nhà Dinh thăm anh.  Dinh có vẻ tươi tỉnh hơn, nói cười nhiều hơn. 
-Mầy muốn xem vết thương của tao không"
-Đâu"
Dinh kéo cái áo lên.  Tôi trố mắt nhìn bụng Dinh. Không phải bụng nữa, mà là một cái gì như mặt người với cái miệng méo mó, cái mũi lõm sâu vào và cặp mát xiên xẹo không có cả lòng đen lẫn lòng trắng.


-Những vết thương trông ghê thật, nhưng lâu rồi mà. Hình như trong trận Mậu Thân"
Dinh không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói:
-Bây giờ mình già rồi nó hành, nó ảnh hưởng đến những bộ phận khác  trong người.
Tôi định nhắc Dinh về việc tham gia Ngày Kỷ Niệm 10 Năm VVNM nhưng rồi linh cảm bảo tôi không nên.  Nhắc đến việc này sẽ làm Dinh Buồn.
Vì có việc riêng cần giải quyết, tôi từ biệt Dinh và các bạn ra về trước. Dinh tiễn tôi ra cửa.  Ra đến xe tôi quay đầu nhìn lui, thấy Dinh còn đứng nơi cửa nhìn tôi.  Thật hiếm khi có chuyện này.  Thông thường khi thấy tôi từ biệt ra về, Dinh chỉ ngồi tại chỗ, nói một câu gọn lỏn:
-Về sớm chi vậy mầy.
Lần này Dinh nhìn tôi buồn buồn. Tôi nhớ lại ngày ba tôi lên trại "học tập cải tạo" thăm tôi lần cuối cùng. Ba tôi ra về,  lên xe đò ngồi nhìn tôi qua cửa xe. Vẻ buồn của Dinh hôm ấy chẳng khác nào vẻ buồn của ba tôi cách đây 35 năm. Tôi vào trong xe, cố ý không quay đầu nhìn Dinh nữa, nhưng khi lái xe ra đường, quẹo qua trái, tôi thoáng thấy Dinh vẫn còn đứng nơi cửa. "Sao mình có cảm tưởng như đang đi đâu xa".  Tôi lẩm bẩm.  Mỗi lần đi đâu xa, tôi cũng buồn, vẫn cảm thấy quyến luyến nơi mình từ biệt ra đi. Mỗi làn từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình tôi buồn vì quyến luyến quê hương thứ hai này, và mỗi lần rời Việt Nam về Mỹ, tôi cũng cảm thấy bâng khuâng.
Tôi có một địa chỉ email riêng. Địa chỉ này để gởi và nhận những email riêng tư trong đám bạn bè rất thân. Nó là nơi "tối mật", nghĩa là bà xã tôi không thể đọc được những gì trong địa chỉ email này. Thật ra bà ấy cũng không muốn đọc vì biết hộp thư chỉ chứa những chuyện tiếu lâm, những chuyện "cấm đàn bà", những hình ảnh phụ nữ "ướt át". Hộp thư thường được mở ra lúc 10 giờ tối mỗi ngày khi bà xã tôi đã vào giường nằm ngủ ngon lành. Nhưng hôm ấy sau khi từ nhà Dinh trở về, cả một tuần sau tôi mới vào địa chỉ email này. Không có một email mới nào cả. Chỉ mới tháng trước đây, email "ra vào" nườm nượp, mà nay nó vắng như chùa Bà Đanh. Quả thật chúng tôi đã già rồi, không còn thích thú gì trong những câu chuyện tiếu lâm, chuyện ướt át và hình ảnh ướt át nữa.
Tôi gởi một email cho tất cả, đại khái nói sao không có bạn nào lên tiếng vậy. Tôi gởi xong, rồi qua trang web của đài BBC đọc tin tức. Đọc chán tôi lại trở về hộp thư. Tôi vui mừng thấy có email của Dinh với tựa đề: "Có tao đây. Đừng bỏ qua, rất uổng phí". Tôi quay qua nhìn bà xã tôi, xem bà ấy đã ngủ chưa, rồi mở email Dinh ra. Toàn là hình phụ nữ ướt át, rất mỹ thuật trong những tư thế vui nhộn. Tôi gọi điện thoại cho Dinh:
-Còn gởi hình như ri là vẫn còn nhiều "power" lắm đó.
-Ủa, mày nghĩ sao mà nói vậy" Bộ mày đã tưởng tao hết "power" rồi sao. Vẫn còn. Còn "chuyện đó" là còn tất cả; mất "chuyện đó" là mất tất cả.
-Phải.
-Mầy thì sao"
-"Vũ Như cẩn". Xưa sao nay vậy.
-Đừng nói dóc. Đừng nghe những gì thằng Ma nói, hãy nhìn kỹ những gì thằng Ma làm.
"Thằng ma" tức là tôi. Trong trường, tôi có biệt hiệu là Ma.
Có lần anh Nguyễn Văn Hưởng, sau khi đọc "Sám Hối" của tôi, nói tôi giàu óc tưởng tượng. Tôi rất mong nhận xét của anh Hưởng đúng. Tôi hay tưởng tượng ra những chuyện không hay, bất trắc có thể xảy ra cho gia đình, cho người thân, mà trường hợp của Dinh như đã nói trên là một. Chỉ là tưởng tượng thôi. Thằng Dinh Mặt Ngựa vẫn còn power lắm. 
Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại cho các bạn. Ai cũng vui mừng. Tôi nhận biết việc này qua giọng nói của họ, trong giọng nói này có tiếng cười vui dù họ không cười. Nhưng rồi chiều tối hôm đó, khi đi ngủ, tôi cứ thao thức mãi. Tại sao các bạn ai cũng vui khi nghe tôi báo tin Dinh vẫn khoẻ. Chắc chắn họ cũng đã thấy Dinh không được khoẻ, đã thấy vẻ buồn của Dinh trên đôi mắt, trên khuôn mặt, nên khi nghe tôi báo tin Dinh vẫn khoẻ, họ mới vui chớ. Vậy thì tôi đâu có tưởng tượng.
Ngày 23 tháng 5 vợ tôi và tôi về Việt Nam thăm ông ngoại mấy đứa nhỏ. Đáng lẽ chúng tôi chưa đi nhưng ông cụ nay đả trên 90, lại bị ốm, hơn nữa vợ tôi bị té gãy tay đang dưỡng bệnh ít nhất một tháng. Một dịp tốt để về thăm ông cụ.  Bà ấy muốn tôi đi theo để khuân mấy cái va-li to tổ bố của bà ấy. Đến Sài Gòn, đến Đà Nẵng hay bất cứ nơi đâu, vẫn thấy những cảnh "không giống ai" ở đất nước mình mà "mặt nổi" là trong giao thông, trong cách sắp hàng chờ một cái gì đó, trong việc giữ gìn vệ sinh, trong cách ăn nói... Hầu như ai cũng tranh giành nhau, bất lịch sự với nhau. "Mặt nổi" biểu hiện cho "mặt chìm" và cái "mặt chìm" này chắc chắn còn ghê gớm hơn nữa.  Dù sao thì cũng phải về. Phải trả một cái giá để nhìn lại những người thân, nhìn lại quê hương. Nói như anh Nguyễn Xuân Nghĩa trong một email gởi cho tôi : "Tại sao chúng ta phải trả cái giá đắt là muốn gặp gia đình lại buồn về tổ quốc...".
Ở Việt Nam một hôm vào khoảng cuối tháng 5 tôi nhận được email của Ấn: "Nguyễn Dinh đã vào bệnh viện. Nhưng các bạn đừng gọi điện thoại cho gia đình. Gia đình đang bối rối. Việc thăm Dinh sẽ thông báo khi thuận tiện".  Nghe tin này tôi lập tức gọi điện thoại cho Chính, Khoa, Thuận, Ấn, Đào.  Chímh là người thường xuyên liên lạc với gia đình Dinh. Chính nói: "Bệnh tình Dinh nguy ngập lắm. Chị Dinh và các cháu rất bối rối".
Sau đó mấy ngày tôi gọi cho Ấn. Ấn nói: "Dinh đã được đưa về nhà, bác sĩ chê. Gia đình Dinh nói chỉ còn đợi giờ Dinh ra đi.". Ấn hỏi tôi có về kịp để gặp Dinh lần cuối không. Tôi nói 10 ngày nữa về được không. Ấn nói e không kịp. Tôi đổi vé về sớm hơn một tuần. Nhưng không còn kịp nữa!  Dinh đã vĩnh viễn bỏ bạn bè ra đi. Tôi bàng hoàng.
Tôi không ngờ người ra đi kế tiếp Nguyễn Hữu Thương trong khoá lại là Dinh. Tôi cứ tưởng một bạn nào đó trong khoá, hay đau ốm, hay than  mình có lượng cholesterel xấu cao, lượng đường cao... ra đi trước. Tôi vẫn đùa với Dinh: "Mặt mầy là mặt ngựa, nhân trung dài, sẽ sống lâu như ông Bành Tổ. Thật không ngờ. Thật khó lường được những gì sẽ xảy ra. Vạn vật vô thường. Sống là phải chấp nhận và bình tâm trước việc này.
Nghe tin Dinh đang quàng tại nghĩa trang Rose Hill, tôi vội vàng đi thăm. Tôi hỏi một bà tại phòng information, bà niềm nở chỉ dẫn nơi Dinh nằm. Trái với sự ít tò mò của người Mỹ, nhất là trong trường hợp này, bà ấy nói:
-Xin lỗi, cho hỏi. Ông Dinh chắc làm lớn lắm trong quân đội các ông phải không" Họ ăn mặc giống Hải quân Nhật quá.
Tôi cười buồn, gật đầu, rồi lên phòng Chapel.
"Chết là bắt đầu một sự sống khác". Tôi vừa bước qua một đám rất đông các anh mặc tiểu lễ và đại lễ Hải quân Việt Nam Cộng Hoà, thì nghe tiếng một vị sư từ trong phòng chapel nói vọng ra. Tôi bước vào phòng. Gần như không thiếu một khuôn mặt quen biết nào trong nhóm Hải quân Việt Nam Cộng Hoà ở Nam Cali. Một vị sư người Mỹ da trắng ("), mặt giống như mặt Phật Thích Ca, cũng nói vài câu gì đó bằng tiếng Anh mà tôi chỉ nghe được một câu, hình như là: "Có tức là không, không tức là có, có chẳng khác gì không, không chẳng khác gì có...Ai trong chúng ta cũng sẽ như thế...".
Vẫn biết cuộc đời là như thế và có thể "Sự chết là bắt đầu một cuộc sống khác";  nhưng ta đã quen với cuộc sống này rồi, với gia đình, với bạn bè, với cảnh vật ..., làm sao trong một sớm một chiều ta có thể bỏ lại tất cả để đến nơi không biết sẽ ra sao.  Phải chi có một sự chuyển tiếp để ta làm quen..., mà sự chuyển tiếp này phải không đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn như đang nằm trên giường bệnh hay chờ ra pháp trường.
Nguyễn Dinh đã được an táng tại nghĩa trang Rose Hill ngày 3 tháng 7 năm 2010. Đám tang anh được tổ chức rất trọng thể. Có lẽ ngay cả những vị niên trưởng của chúng tôi, đã ra đi hay sẽ ra đi, chưa chắc có được một đám tang tổ chức trọng thể như thế. Rất dễ hiểu.  Anh Dinh là người rất được thương quý, không những bởi các bạn đồng khoá, các sĩ quan đàn em, đàn anh, mà còn bởi hầu hết những ai đã có dịp tiếp xúc với anh. 
Dinh là một anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Anh là người hiếm hoi trong sĩ quan hải quân cấp tá, và là người đầu tiên cũng như duy nhất trong khoá chúng tôi, có Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với ngành dương liễu. Anh là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, rất được các sinh viên sĩ quan này kính trọng và quý mến. Những cựu sinh viên sĩ quan này hiện đang ở lứa tuổi 50, nhiều người thành công trên đất Mỹ, vãn còn rất hăng hái trong các công tác hội đoàn. Chính họ là bộ phận chính trong ban tổ chức tang lễ anh Nguyễn Dinh. 
Khi sắp ra về, tôi nói đùa với một cựu sĩ quan hải quân đang mặc đại lễ đứng nghiêm chỉnh bên mộ anh Dinh
-Tôi chỉ mong được ra đi như anh Dinh, không kéo dài cơn bệnh, làm phiền vợ con, lại còn được tổ chức tang lễ trọng thể như thế này. Biết vậy tôi... chết ké theo anh Dinh.
Trở về nhà nghỉ ngơi một lát tôi mở hộp thư "bí mật" ra. Cũng đã gần một tuần tôi không mó máy đến nó.Tôi rất xúc động thấy có email của Dinh gởi cách đó khá lâu, với tự đề: "Vài ý nghĩ, có thể đúng hay sai". Tôi vội vàng mở email ra đọc.
Đầu email có mấy dòng như sau: "Thư này viết khá lâu nhưng hôm nay mới gởi". Tiếp theo đó Dinh đề cập đến rất nhiều lãnh vực như chính trị, bạn bè, khoa học, văn chương... Trong giới hạn một bài viết, tôi không thể ghi hết ra những gì Dinh đã viết. Tôi chỉ ghi ra đây vài nhận xét của Dinh về chuyện viết lách.
"...Ma ơi! Mầy nói mầy viết dễ hiểu, bình dân, vậy mà có người cho là đôi khi mầy viết khó hiểu. Theo tao, mầy là "người trong cuộc", mầy biết mày nói gì, nhưng người đọc đâu có hiểu một cách dễ dàng như mầy. Nhưng thôi, mầy viết những gì mầy hiểu là được. Có người mà ngay cả những gì họ không hiểu họ cũng viết ra.
"...Tao thấy mầy ít cắt nghĩa lôi thôi ở cuối truyện. Mầy còn nhớ truyện ngắn Con Mèo của chị Ph. không"  Đại khái trong truyện chị Ph. nói con mèo sống quá cực khổ, mong sao sau này nó được làm người. Chị Ph. đem bản thảo nhờ Ban Biên tập Xa Biển của khoá mình sửa. Mày sửa, nghĩa là thêm "..Nhưng không phải làm người trong chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa". Thằng H. lại thêm: "Vì trong chế độ XHCN, con người khổ chẳng khác gì con vật".  Theo tao, không nên cắt nghĩa dư thừa như thằng H. Nên để độc giả hiểu ngầm..."  "...Tao rất thích những truyện ngắn có kết cục bất ngờ như truyện của O Henry, Guy de Maupassant... Bất ngờ nhưng không gượng gạo.  Có lẽ trước khi viết những kết cục quá bất ngờ, nên thêm vài dấu hiệu  báo trước những kết cục bất ngờ đó. Báo trước nhưng phải khéo léo  để độc gỉa không đoán trước được...".
 Đọc xong email của Dinh, tôi có cảm tưởng như Dinh vẫn còn sống. Tôi muốn tiếp tục chuyện trò với Dinh. Tôi bấm reply trả lời Dinh: "Cám ơn mầy, nghe Dinh. Mầy viết có vẻ chung chung như vậy nhưng tao biết chắc khi viết mầy nghĩ đến Viết Về Nước Mỹ.  Tao biết có rất nhiều người giống như mầy, chẳng qua tao không có hân hạnh quen biết họ, hay họ không viết hoặc chưa viết mà thôi".
Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 72,913,359
- Chào bà, bà có phải là cô giáo Hân Viên, ngày xưa dạy ở trường...không" Em là Tửng, học trò cũ của cô đây.  Cô khoẻ không, cô" 
Ngày đầu tiên đặt chân tới Mỹ,  hình ảnh của một "thiên đường" không như trong trí tưởng tượng của tôi
Đã cuối thu. Chỉ còn vài chiếc lá lẻ loi trên cành đợi cơn gió mạnh là rụng hết
"Surf the internet" FB account"  LOL cool!"
Đằng sau chợ Tom Thumb là khu apartment
Tôi khẽ đặt nhẹ bàn tay phải của mẹ vào đôi tay mình. Dưới lớp da mỏng như tờ giấy bạch, nổi cợm lên những đường gân như sắp vỡ tung
Tháng Tư năm nay, trong khi người Việt hải ngoại chuẩn bị tưởng niệm 35 năm cái chết của miền Nam vào ngày 30 tháng tư năm 1975
-Anh Sáu! Sao già không đưa bà xã đến hội già ăn cơm trưa với anh em bạn già cho vui"
Người ta có thể chết vì trái tim tan vỡ không"
Mẹ tôi kết thúc nét chữ cuối cùng trên mặt chiếc bánh kem
Nhạc sĩ Cung Tiến