Hôm nay,  

Kỷ Niệm Định Cư Từ 1975

31/03/201100:00:00(Xem: 115594)

Kỷ Niệm Định Cư Từ 1975

Tác giả: Vũ Ngọc Bích
Bài số 3153-28453 vb5033111

Vũ Ngọc Bích là tác giả bài "Chuyện Tháng Tư 75: Đi Mỹ" Đi Mỹ!" kể chuyện đưa gia đình rời Việt Nam vào những ngày cuối Tháng Tư 1975. Ông sinh năm 1937, tốt nghiệp khoá 18 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, từng du học Hoa Kỳ 1970-1971. Hiện là cư dân Santa Ana. Bài mới của ông vẫn tiếp tục ôn lại những kỷ niệm từ 1975, bước đầu định cư tại Mỹ.

***

Sáng 10 tháng 7 năm 1975, gia đình chúng tôi gồm 2 vợ chồng và 4 con đã rời trại tỵ nạn Fort Chaffee để tới định cư tại thành phố Richmond, thuộc tiểu bang Virginia.
Chúng tôi được gia đình người bảo trợ là ông bà Harold Woolston và một số tín hữu của nhà thờ đón tiếp ngay tại phi trường. Gặp lại các khuôn mặt thân quen trong thời gian tôi đi du học ở Fort Lee, gần thị trấn này, và cuối tuần đến sinh hoạt với họ.
Hồi ấy, các em thiếu niên nam nữ của nhà thờ chỉ trong lứa tuổi 14 hay 15. Sau 5 năm, gặp lại các em, họ đã thành những thanh niên, thiếu nữ xinh đẹp, trưởng thành. Các em trai đều cao lớn, vạm vỡ hẳn lên. Các em còn nhớ cả tên và cấp bậc của tôi nữa. Đặc biệt, tôi cũng gặp một em, nay đã trở thành sinh viên sĩ quan của trường Võ Bị West Point, nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Nhân dịp đi phép về thăm gia đình, John cùng các bạn hữu ở nhà thờ cũng lên phi trường đón chúng tôi. Gọn gàng trong quân phục sinh viên sĩ quan trường Võ bị West Point, John đứng thẳng người giơ tay chào tôi theo kiểu nhà binh, tôi đưa tay lên trán chào em đáp lễ. Tôi ngậm ngùi nhớ đến ngày nào, tôi đã tới phi trường này, như là một sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được gửi đi du học. Sau 5 năm, tôi trở lại, không còn bộ quân phục đại lễ trên người nữa! Bây giờ, với bầu đoàn thê tử, vài ba chiếc va li xách theo, tâm trạng tôi bồi hồi khó tả. Bắt đầu mang thân phận của người tỵ nạn, tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn tôi.
Sau khi tạm trú tại gia đình người bảo trợ được một tuần, tôi kiếm được công việc tại một hãng sản xuất “valise”. Nhờ có chút kinh nghiệm trong ngành quản trị mãi ước, tôi được viên giám đốc sắp xếp cho làm ở phòng tiếp thị, lương đủ sống và được hưởng bảo hiểm y tế cho cả gia đình.
Thời tiết ở Virginia tương đối ôn hòa. Vào mùa hè, tôi thường đưa gia đình đi pinic ở khu rừng phong với gia đình vài người bạn. Nhưng đến mùa thu, lá rơi xào xạc mỗi khi có những cơn gió se lạnh thổi qua. Lá cây nơi rừng phong cũng từ từ đổi mầu từ xanh sang vàng, đỏ úa, rồi chuyển sang mầu nâu sẫm và rơi rụng. Tôi chợt nghĩ tới mùa đông khắc nghiệt sắp tới, và thấy lo lắng cho các con tôi phải đi học xa, vợ tôi phải lái xe đưa các con tôi tới trường và đón về. Mỗi khi trời đổ mưa hoặc tuyết rơi mà phải lái xe như vậy, tôi thấy tội nghiệp cho nàng quá!
Sau nhiều tháng tìm hỏi các người quen tại California; rất may, tôi kiếm ra địa chỉ và số điện thoại của cha mẹ và anh chị cả tôi. Cha mẹ tôi lúc đó đang cư ngụ tại North Hollywood, California. Thật là mừng rỡ vô hạn, khi tôi được nghe tiếng nói thân thương của cha mẹ tôi! Tôi chuyền máy điện thoại cho vợ tôi và các con tôi để được nghe tiếng nói thân yêu của cha mẹ. Sau hết, cha tôi khuyên vợ chồng tôi nên tìm cách về California. Thứ nhất, được sống gần song thân trong những ngày cuối đời của cha mẹ tôi. Thứ hai, là khí hậu ở California ấm áp; lại là nơi có nhiều đông bào Việt Nam cư ngụ. Nghe lời khuyên hữu lý của cha mẹ, tôi bàn sơ qua với vợ tôi, và chúng tôi quyết định dời về California khoảng mười ngày sau đó…
Sau gần sáu tiếng đồng hồ bay xuyên lục địa Hoa Kỳ, chúng tôi đã tới phi trường Los Angeles. Cha mẹ chúng tôi rất vui mừng gặp lại chúng tôi sau những ngày xa vắng Mẹ tôi làm vài món ăn giản dị, nhưng thật ngon, đãi chúng tôi và các cháu. Buổi sáng hôm sau chúng tôi thuê căn apartment hai phòng, sát chỗ cha mẹ tôi đang cư ngụ 
Kế tiếp, tôi xin được công việc tại Social Security Administration tại địa phương. Tôi chỉ làm ở đó 6 tháng; rồi nhân dịp First Interstate Bank of California tuyển nhân viên, tôi tham dự kỳ thi, và được ngân hàng nhận vào làm.
Riêng vợ tôi xin được học bổng của trường Van Nuys College of Business. Nàng theo học ngành kế toán, khi ra trường được tuyển dụng làm ở phòng lương bổng của Universal Studios, lương khá cao, cộng thêm các quyền lợi khác. Nàng làm ca chiều nên có thì giờ lo việc nhà và có thể đưa các con đi học. Những ngày ở gần cha mẹ tôi cũng là dịp cho vợ chồng tôi bầy tỏ lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành. Hàng tuần đi nhà thờ, tôi thường đón cha mẹ đi cùng. Đi pinic hay đi chợ, tôi cũng đón đưa cha mẹ tôi Tôi nghĩ ở tuổi ngoài bảy mươi, cha mẹ tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa, nên còn làm được việc gì để báo hiếu cho cha mẹ, chúng tôi hết lòng làm. Anh chị cả chúng tôi mỗi tuần đều đến thăm, vấn an sức khỏe cha mẹ. Thỉnh thoảng, vợ tôi nấu canh khoai mỡ, canh rau mùng tơi, hoặc cá thu kho riềng, hay thịt kho tầu, nàng đều múc ra mỗi đĩa, mỗi tô; rồi đích thân mang sang biếu cha mẹ.
Với số tiền dành dụm trong vòng hai năm, chúng tôi mua căn nhà 4 phòng ngủ và hai phòng tắm với giá 80,000 mỹ kim, ngay tại North Hollywood. Căn nhà được tu bổ lại, trông như mới. Vốn có chút kinh nghiệm trong ngành trồng tỉa, tôi tự tay làm cỏ lấy, và trồng các loại hoa, nhất là hoa hồng và hoa cẩm chướng.
Vì làm việc ca chiều, nên ban ngày vợ tôi cũng có thì giờ ghé thăm cha mẹ tôi. Một hôm, mẹ tôi bị đau cần phải đi khám bệnh. Vợ tôi lái xe đến đón cha mẹ chồng đi bác sĩ. Tới phòng mạch, thấy vợ tôi đỡ mẹ ngồi xuống ghế, người bác sĩ Mỹ hỏi cha tôi:
- Xin lỗi ông, đây có phải là con gái ông không"
Cha tôi trả lời.
- Đây là con dâu tôi.
Người bác sĩ Mỹ cám ơn, nhưng trong thâm tâm ông nghĩ người như bà con dâu này cũng hiếm hoi lắm. Trên đường lái xe đưa cha mẹ tôi về nhà, vợ tôi cho biết cha mẹ tôi rất vui và hãnh diện có người con dâu hiếu thảo biết săn sóc cha mẹ những lúc đau yếu.
Năm 1981, người anh kế tôi, anh Vũ ngọc An và hai con vượt biên bằng chiếc thuyền con mong manh, tới được trại Songkla, Thái Lan. Nhận được điện tín của anh, tôi liền làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh anh tôi và hai cháu qua Hoa Kỳ.
Tiếp đến, em rể tôi, thiếu tá Nguyễn Quang Cảnh vượt biên bằng thuyền qua Mã Lai. Tôi cũng xin bảo lãnh cho chú qua Mỹ.

Tình cảm mà cha mẹ tôi dành cho chú em út tôi, Vũ Trung Hiền, mới thật đáng kể. Ngày đêm, cha mẹ tôi mong ngóng tin tức em. Cha mẹ cầu nguyện thật nhiều, mong gặp lại người con trai út. Em tôi đã nhiều lần ra đi bằng đường biển, tốn kém rất nhiều, và đã bị công an Việt Cộng bắt giữ đôi ba lần. Cha tôi lúc đó đã 75 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh nên cũng kiếm việc làm bán thời gian. Tiền bạc kiếm được, cha tôi gửi về giúp bà con, và cũng giúp chú em út tôi có phương tiện vượt biên.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm về cha tôi. Một buổi chiều, tôi đưa vợ con đến thăm, và mang vài món ăn tới biếu cha mẹ. Ngồi chơi nói chuyện một lúc, cha tôi ngỏ ý muốn tôi cho một bà cụ già đơn chiếc ở nhà thờ đến ở chung với chúng tôi. Tôi thật thà thưa với cha tôi là nhà tôi tuy có bốn phòng nhưng chỉ vừa đủ cho gia đình sáu người. Sẽ không có dư phòng nào cho bà cụ ở cả.
Vừa nghe tôi trả lời như thế, cha tôi tưởng tôi có lòng hẹp hòi không muốn giúp đỡ bà cụ kia, nên cha tôi nổi nóng, xông tới đánh tôi. Tôi hoảng hốt, chạy ra cửa. Vừa chạy tới đầu cầu thang, tôi khựng lại và không dám bước thêm một bước nào nữa. Tôi sợ, nếu tiếp tục chạy, cha tôi đuổi theo, lỡ té xuống cầu thang, thì nguy hiểm không sao lường được. Tôi đứng yên, xoay lưng lại, ôm lấy đầu, mặc cho cha tôi đánh. Nhưng ông cụ chỉ đấm vào lưng tôi hai cái rất nhẹ, như phủi bụi thôi. Dường như cha tôi cảm thấy hối hận vì sự nóng nảy của mình, nên ông trở lại bàn, ngồi yên lặng. Còn mẹ tôi thì đến bên cạnh, vỗ về tôi, vì bà sợ tôi giận cha tôi.
Riêng tôi, tôi cảm thấy thương cha tôi nhiều hơn, vì tôi biết sức khỏe cha tôi đã bắt đầu suy sụp.
Hồi tôi còn trong lứa tuổi thiếu niên, đôi khi lầm lỗi, cha tôi cũng dùng roi mây sửa phạt tôi. Những lần đó, tôi biết cha tôi còn khỏe mạnh, vì những lằn roi ông đánh rất đau. Nhưng lần này, tôi biết chắc là cha tôi đã già yếu rồi. Ông thụi tôi hai đấm, mà tôi chẳng cảm thấy đau gì cả. Tôi rưng rưng nước mắt, thương cha tôi, và cầu mong ông cứ mạnh khỏe như xưa.
Chẳng ngờ, chỉ sau đó khoảng bảy tháng, cha tôi bị tai biến mạch máu não, nửa thân người bị tê liệt, phải đưa vào nhà thương chữa trị hai ba tháng, mà bịnh tình vẫn không thuyên giảm. Anh chị cả tôi liền đưa xe xuống đón cha mẹ tôi về thành phố Pasadena, để phụng dưỡng rất chu đáo
Cũng giống như ngày xưa cha mẹ tôi đã phụng dưỡng cha mẹ già, anh cả tôi cũng đích thân thay quần áo dơ cho cha tôi và tắm rửa lau chùi, giặt quần áo cho cha tôi.
Thật đúng như mong ước của cha mẹ tôi, tháng 6 năm 1982, em trai út tôi là Vũ Trung Hiền đã vượt biên bằng đường bộ, tơi biên giới Thái Lan được an toàn, và đúng một năm sau, em tôi đến được California. Cùng với anh chị cả và mẹ tôi, em trai út tôi săn sóc cha tôi rất chu đáo. Vui nhất, là ngày thím dâu út và hai con sang đoàn tụ với em trai út tôi. Cha mẹ tôi và anh chị em tôi làm tiệc mừng gia đình em tôi gặp lại nhau, sau bảy năm xa cách. Năm 1988, lại có tin vui là cô em gái út tôi, giáo sư Vũ Bạch Cúc và ba con qua Mỹ đoàn tụ với cha mẹ tôi. Qua tới Mỹ, cô Vũ Bạch Cúc dành nhiều thời giờ săn sóc cha mẹ tôi. Sau đó, cô Bạch Cúc lấy thêm “Master of Education” và nhiều “Credentials” rồi vào dậy trường Trung học ở thành phố Paramount, CA.
Ngày 11 tháng 5 năm 1990, cha tôi đã về an nghỉ trong nước Chúa. Rất tiếc, hai anh tôi không có dịp gặp mặt cha tôi khi người qua đời.
Tháng 10, năm 1990, Trung tá Vũ Đức Nghiêm, anh thứ nhì của tôi, và chị Nghiêm, sang Mỹ theo diện H0. Anh thứ ba của tôi, Trung tá Vũ Đức Chỉnh, cùng với chị dâu tôi, vào tháng 4 năm 1992, cũng đi theo diện H0 đoàn tụ với mẹ tôi. Anh thứ tư của tôi, anh Vũ Đức Anh, từ Paris, nghe tin cha tôi mất, đã đưa cả gia đình về dự tang lễ. Đám tang của cha tôi được cử hành trọng thể tại nhà thờ của nghĩa trang Rose Hills do mục sư Vũ Đức Chang cử hành thánh lễ.
Lúc cha tôi qua đời, mẹ tôi đang ở với gia đình em trai út tôi. Tuy vậy, vào những dịp cuối tuần, chúng tôi thường đón mẹ lên nhà chúng tôi chơi đổi gió vài bữa, và vợ tôi lại có dịp trổ tài nấu nướng những món ăn hợp với khẩu vị của mẹ. Món ăn mà mẹ tôi thích nhất là canh rau đay nấu với mướp và tôm thẻ, ăn với cà pháo và cá kho tộ. Vợ tôi cũng làm món chạo tôm bọc gióng mía chẻ tư, nướng trên than, ăn với bún, món mà mẹ tôi ưa thích. Tôi rất vui, vì vợ tôi săn sóc cho mẹ chồng rất chu đáo. Ban đêm, mẹ tôi ngủ chung giường với vợ tôi. Thấy mẹ tôi trở mình, nàng biết ý đỡ mẹ dậy, dắt mẹ đi tiểu, vì sợ mẹ không quen, có thể vấp ngã.
Có lần nàng nói một câu, khiến mẹ tôi rất cảm động:
- Con mồ côi mẹ năm con 13 tuổi, nên con rất muốn được coi mẹ như mẹ ruột con vậy.
Điều làm cho tôi thật hãnh diện là cha mẹ tôi lập gia đình năm 1924, sống với nhau trên 65 năm và có cuộc sống lứa đôi rất hạnh phúc. Câu “Phu Phụ Tương Kính Như Tân” được cha mẹ tôi thuộc nằm lòng. Mẹ giữ lòng trung thành và kính nể cha tôi, người mà mẹ yêu quý suốt đời.
Theo lời chú em út tôi cho biết, từ khi cha tôi về an nghỉ trong nước Chúa, mẹ tôi tuy đỡ bận rộn phải săn sóc cha tôi; nhưng mẹ buồn nhiều. Có lúc ngồi một mình thẫn thờ, mẹ tôi lại hộc lên tiếng khóc. Tiếng khóc đau đớn, não nề, ai oán kéo dài từng hồi. Những lúc như thế, chú em tôi lại chạy tới, ôm lấy mẹ, dỗ dành, an ủi mẹ.
Tôi vẫn thường nghe thiên hạ bảo rằng, sự ra đi nào cũng đem tới mất mát cả. Thật đúng với câu ví von của một thi sĩ thời tiền chiến:
“Người đi một nửa hồn tôi chết
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”
Câu thơ này thật đúng vơi hoàn cảnh của mẹ tôi. Kể từ sau khi cha tôi qua đời, mẹ ra vào bệnh viện thường xuyên hơn, và sức khỏe của mẹ cũng suy giảm thấy rõ.
Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng bên cạnh những người con thân yêu vào ngày 27 tháng 10 năm 1992, hưởng thọ 88 tuổi. Đám tang của mẹ tôi được cử hành trọng thể tại thánh đường của nghĩa trang Rose Hills với hơn 400 người đưa tiễn. Quan tài của mẹ tôi được an nghỉ bên cạnh mộ của cha tôi…
Cha mẹ kính yêu,
Đêm nay một mình trên căn gác vắng, con ghi lại đây những lời yêu thương đối với cha mẹ. Những kính phục cho người mẹ hiền, suốt đời đã quên mình để lo cho chúng con. Những người con được sanh ra bởi tình yêu của cha me. Cho con kính dâng Cha Mẹ nụ hôn thương yêu và biết ơn Cha Mẹ.

Vũ Ngọc Bích

Ý kiến bạn đọc
06/04/201104:13:29
Khách
Thưa Anh Bích,
Hai bài viết này đều xuất sắt, đáng được giải thưởng của Việt Báo.
VTH
06/04/201104:23:19
Khách

Bài viết thật cảm động, chứa chan ân tình của anh Vũ Ngọc Bích về anh và gia đình anh.
BS. Vi Sơn
03/04/201102:06:30
Khách
bai viet nhu vay ma cung duoc toa san dang len a??????
02/04/201120:48:39
Khách
Sao William khắt khe vậy !
03/04/201106:58:44
Khách

Vũ Ngọc Bích đã viết chuyện xuất sắc. Nói về cha mẹ, phần kết luận gây xúc động mạnh làm em không cầm được nước mắt. Cám ơn anh đã kể chuyện thât hay và tự nhiên.
Blessings
BCV
22/04/201102:24:04
Khách
Cha nay ke chuyen nghe biet la BK hay khoe khoan chuc tuoc truoc ten sau
03/04/201106:41:20
Khách

Câu chuyện thật cảm động, chan chứa tình gia đình, lòng hiếu thảo của người con dâu đối với cha mẹ chồng.
Tôi rất thích bài viết này.
Mimosa.
01/04/201118:54:41
Khách
Toi , duoc quen biet voi Vu Ngoc Quynh , con gai Thay Vu Duc Nghiem[ Vo Bi Dalat ] rat kham phuc tinh gia dinh sau dam va tai nang cua Anh em , vo , nha ho Vu .De gi tim duoc tren dat My nhung gia dinh ma con cai hieu de voi cha me , Anh chi em thuan thao , vo chong chung thuy den hoi tho cuoi cung nhu the .Nhat la nguoi dau co hoc ma le phep voi Me chong , cung la hiem hoi
Gia dinh ho Vu khong nhung chi di Dao ma 'Song dao ' rat tot , vinh danh thien chua
;Love by Action , not just by tongue '
31/03/201117:34:30
Khách
Moi, ma famille, mon père, ma mère, mes freres, ma femme, mes enfants,....et mon ego et rien d'autres.
01/04/201101:57:58
Khách
Bài viết hay! Có chút không hiểu "ngành quản trị mãi ước" là ngành gì?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,324,307
Tác giả tham dự giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2002, với bài viết Tiểu Hợp Chủng Quốc.
Ngày tôi quen O Điểm thì O mới học xong lớp 10
Tiếng cánh cửa mở, tôi nhìn ra lòng rộn ràng như bao lần khác khi trông thấy nàng
Tác giả đã góp một số bài viết đặc biệt về chuyện đời tị nạn, và đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với một truyện tình của một người cựu tù cải tạo.
Tác giả đã nhận Giải Thưởng Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2011 nhưng không thể dự lễ phát giải ngày 31 Tháng Bẩy vừa qua.
Trong ngày “Giáng Sinh Cho Trẻ” này, sau khi ăn uống, chơi đùa và chụp hình với ông già Noel xong xuôi
Bố vẫn chưa tới! Bố lúc nào cũng trễ!
Với tôi, không khí đón mừng con Chúa ra đời năm nay dường như đến sớm hơn mọi năm thì phải
Ánh nắng mặt trời xuyên qua khung cửa sổ làm Dũng choàng tỉnh
Nhạc sĩ Cung Tiến