Hôm nay,  

Ước Mơ Đã Thành!

28/01/201100:00:00(Xem: 277033)
Ước Mơ Đã Thành!

Tác giả: Hoàng Trần
Bài số 3105-28405 vb6012811

Đôi bạn tác giả Hoàng Trần - Thanh Mai đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải tác giả xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2008. Là cư dân Minnesota, Hoàng Trần hiện làm việc trong ngành bưu điện. Bài mới của ông là chuyện của người anh tại Mỹ bảo lãnh cho các em và theo dõi hồ sơ suốt 10 năm.

***

Từ lúc Minh khăn gói đi học nội trú, rồi đi làm, lấy vợ, sinh con, càng ngày Minh càng bận bịu hơn, nên anh ít có dịp gặp và sống chung với cha mẹ anh em. Khi cha vợ Minh bảo lãnh vợ chồng và hai đứa con anh sang định cư ở Mỹ, cuộc sống mới bận rộn hơn nên những kỷ niệm thời thơ ấu bên cha mẹ và anh em ít có dịp hiện lên trong đầu anh như trước kia, nhưng mỗi lần nghĩ đến thì những hình ảnh, những sự kiện về thời thơ ấu lại rõ nét và cảm giác lại mạnh mẽ hơn. Có lẽ những chuyện càng khó với tới càng làm người ta ao ước mạnh hơn.
Trong một lần hồi tưởng như vậy, Minh nói với Vân, vợ anh:
- Từ ngày anh theo nàng về dinh anh trở thành một con nhạn lạc bầy, càng lúc càng lạc xa hơn.
Vân an ủi chồng:
- Vài năm nữa ổn định một chút, khi có quốc tịch anh làm hồ sơ bảo lãnh ba má và mấy đứa em sang. Sống gần nhau, chạy qua chạy lại thăm viếng cũng vui. Gia đình em tuy là đã sang đây hết, nhưng ông ngoại, mấy cậu, dì sắp nhỏ mỗi người sống ở một tiểu bang khác nhau. Em cũng lạc bầy như anh thôi!
Hai con nhạn lạc bầy đã có cùng một tâm sự. Không đợi đến khi có đủ điều kiện, trong một lần nói chuyện điện thoại với cha mẹ, Minh thăm dò ý kiến hai ông bà:
- Mai mốt ba má sang đây sống với con nghen.
Má Minh biết con bà còn vất vả vì mới sang xứ người không lâu. Bà hình dung nỗi vất vả khó khăn của mình lúc đưa các con tản cư từ quê lên tỉnh tránh bom đạn trong thời chiến mà so sánh, ví von. Bà nói với anh:
- Ốc lo mang nổi mình ốc là má mừng rồi. Khi nào thong thả một chút, về thăm nhà một lần để má gặp lại các cháu là quí lắm. Ba má đã già, nay đau mai bịnh, qua đó làm các con thêm vướng tay vướng chân mà thôi.
Minh cũng mè nheo lại bằng cái cách ví von của mẹ:
- Ai ai người ta cũng nói " Mẹ thương con út mẹ thay, thương thì thương vậy chẳng tày trưởng nam". Cái thằng trưởng nam của má mới 19 tuổi đã khăn gói đi mất tiêu gần hai chục năm, đi biệt xứ, đâu đã được cưng như tụi em nó. Vậy mà bây giờ má cũng không chịu sang đây để cưng bù con làm con buồn lắm đó nghen!
Ba Minh chen vào câu chuyện:
- Ba có gặp và nói chuyện với những người lớn tuổi sống bên đó về thăm quê. Hầu hết than buồn vì suốt ngày ở nhà, ngôn ngữ bất đồng không giao tiếp được với hàng xóm láng giềng, bạn bè không có, buồn lắm. Đa số đều muốn về nước sống hết tuổi già ở quê nhà. Ba má mà sang đó chắc cũng vậy thôi. Đã không được vui mà còn nay đau mai bịnh, làm khổ tụi con nữa. Ba má hiểu ý con là muốn chăm sóc ba má lúc tuổi già. Có lòng vậy là quí lắm rồi, nhưng để ba má sống ở đây hay hơn.
Minh biết cha mình nói đúng, nhưng anh cần nói rõ hơn để ông bà cân nhắc:
- Các em còn trẻ, nếu như con đưa được sang đây tụi nó sẽ có nhiều cơ hội có được một cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều cả về vật chất và tinh thần, tương lai của con cái cũng được sáng sủa hơn. Nếu như chúng nó đi hết, lúc đó chắc ba má buồn và cô đơn lắm, ba má sẽ tính sao"
Ba chàng nói:
- Ba má lo cả đời cũng chỉ lo được cho các con chừng đó! Con có điều kiện, khả năng và có ý giúp đỡ các em, ba mừng lắm. Ba má vẫn ở lại đây, vẫn còn bà con giòng họ, còn hàng xóm láng giềng, còn bạn bè. Con không cần lo nghĩ nhiều.
Biết cha mẹ đã quyết, Minh chỉ còn nghĩ đến các em. Đứa nào cũng thừa hưởng cái tính siêng năng và chịu khó của cha mẹ, khổ nỗi chúng cũng thừa hưởng cả cái tính trung thực và nhân hậu của ông bà thì làm sao mà sống nổi trong môi trường mánh mung và bè phái. Càng siêng năng sẽ càng cực nhọc rồi cũng chẳng khá được. Chính bản thân anh đã vấp ngã thảm hại trong ba năm làm công chức nhà nước, cuối cùng cũng bỏ cuộc. Rồi cuộc sống của một lao động tự do rốt cuộc cũng chỉ là tự do bấp bênh kiểu bèo dạt mây trôi, may mắn là trôi ra khỏi biên giới anh mới có được cuộc sống cho ra sống.

**
Khi đã có quốc tịch, anh hăm hở gọi ngay các em nói ý định của mình. Coi cái chuyện ra đi để tạo dựng một cuộc sống mới là chuyện đương nhiên, không cần bàn cãi, anh nói gọn:
- Mỗi đứa gởi cho anh một bản khai sinh, đứa nào có gia đình gởi hôn thú và khai sinh của người hôn phối, có con thì gởi khai sinh con. Mọi chuyện khác anh lo hết.
Thằng Lân, em trai kế Minh ngập ngừng:
- Đơn giản như vậy sao anh, để em nói lại với chị Phụng và mấy đứa nhỏ rồi sẽ gởi giấy tờ.
- Đơn giản nhưng không phải là nhanh đâu, anh em bảo lãnh cũng phải ít nhất mười năm mới được đi.
Minh trả lời em, rồi anh bỗng thấy hứng chí, xổ nho:
- "Thập niên chi kế, mặt ư thụ phong, bách niên chi kế mặt ư thụ nhân" như vậy cũng là nhanh gấp mười lần cổ nhân rồi đó.
Cuối tuần lễ sau đó, biết các em tụ tập cả ở nhà cha mẹ, Minh lại gọi về hỏi:
- Giấy tờ đã gởi cho anh chưa!
Con Phụng, đứa em kế Minh trả lời:
- Tụi em ở lại cũng ổn anh ạ, tiệm may của ảnh cũng ăn nên làm ra. Hai đứa nhỏ đã 13 và 12. Mười năm sau tụi nó đều quá 21 sẽ không được đi, không chừng lúc đó lại dính thêm dây mơ rễ má chồng vợ, rắc rối lắm.
Chồng Phụng lại thêm:
- Với lại mười năm nữa tụi em cũng xấp xỉ năm bó. Cái tuổi đó mà bắt đầu e là quá trễ.
Mới bắt đầu mà đã bị từ chối, Minh hơi chưng hửng nhưng rồi nghĩ lại hai đứa em không phải là không có lý, anh nói:
- Vậy cũng được, coi như giao phần chăm sóc cha mẹ cho hai đứa. Còn ý thằng Lân thì sao"
- Em cũng ở lại.
Minh hơi bất ngờ:
- Mười năm sau em vẫn còn đủ sức để làm lại từ đầu, con em cũng chỉ mới 7 tuổi. Khi sang được bên này nó vừa đúng tuổi vào đại học, tương lai đẹp vô cùng, chịu khó cày một vài năm gọi là hy sinh đời bố, củng cố đời con...
Vợ Lân chen vào, cắt ngang lời thuyết phục của ông anh:
- Anh Hai à, em nghĩ là ở đâu cũng sống được miễn là mình được vui. Con em nếu có chí thì học ở đâu cũng thành người còn nếu không thì điều kiện có thuận lợi mấy cũng chẳng ra gì.
Nói vậy thì anh Hai cũng cứng lưỡi, hết đường bô lô ba la cái miệng. Nhưng cái đầu anh Hai thì vẫn hoạt động, nghĩ thầm: Hai cái đứa giáo chức mới toanh này vẫn chưa nhìn xa khỏi mấy trang giáo án. Tiếp xúc với các em nhỏ đầu óc còn trong như ngọc nên vẫn còn lý thuyết quá, cho dù sự thực là "thầy giáo, tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo..." vẫn không làm tụi nó ngán.
Riêng Minh, cho dù đã lâu anh vẫn không thể nào quên rằng "ưu tiên gia đình có công với cách mạng" là một quốc sách. Ở trường đại học ngoài những người thật sự xuất sắc mới có thể thành công nếu chọn một ngành khoa học cơ bản. Ngoài ra số thành công khi ra trường là những người chịu khó tung hô chế độ, luôn luôn vượt lên phía trước trong những phong trào của Đảng bộ nhà trường khởi xướng, có vậy mới trở thành những cán bộ xuất sắc mà Đảng cần. Cái số học hành không lấy gì xuất chúng, được xếp loại "không làm gì cho địch, cũng không làm gì cho ta" như anh lại chỉ biết cố gắng học hành không muốn a dua theo những chuyện vô bổ thì coi như đi vào ngõ cụt. Có được một nhiệm sở sau khi học xong thì cũng bị cái đám đồng sự còn hăng tiết vịt hơn nhiều cái đám bạn cùng lớp trước đây đè bẹp. Hai đứa em Minh có thể may mắn hơn anh là không gặp một môi trường quá tệ như anh nhưng chúng lại chẳng chịu nhìn xa một chút để biết trời đất vẫn còn rộng rãi và đường đời vẫn có rất nhiều ngả rẽ hay hơn.
Không muốn mất nhiều thì giờ, Minh tạm gác lại trường hợp này, định sẽ thuyết phục chúng sau. Anh hỏi tiếp cô em kế:
- Còn con Oanh, em tính sao"
- Tụi em cũng không đi.
Cô này mới lấy chồng, một mái nhà tranh hai quả tim vàng và một nhóc trai đang bồng trên tay. Anh chồng là cậu út trong một đại gia đình sống chết có nhau, khó mà bứt ra một mình một cõi nên cho dù cô em có muốn đi xa chắc cũng khó mà thuyết phục được chồng.
Sau ba lần bị từ chối cả, Minh nôn nóng:
- Mấy đứa còn lại, có đứa nào đi không"
Yến, đứa em gái kế trả lời:
- Em đã gởi giấy tờ của em với thằng Dũng, thằng Mạnh cho anh được hai bữa rồi. Cần làm gì nữa thì anh cho tụi em biết.
Ba đứa em này chưa có gia đình, như vậy cũng đơn giản cho anh. Chúng còn trẻ hơn nên cơ hội lập nghiệp thành công cũng sẽ lớn hơn. Thôi thì tạm thời cưa đôi 50/50 với cha mẹ để lo cho ba đứa cũng được. Tuy vậy anh cũng vớt vát một câu trước khi chấm dứt:
- Anh khuyên là tất cả đều gởi giấy tờ cho anh để anh làm một lần luôn, sau này không muốn đi thì bỏ, không ai bắt buộc mình đâu mà sợ, cũng chẳng tốn kém gì cả. Đến lúc đó muốn ra đi lại không đi được vì giấy tờ cũng phải chờ đến mười năm người ta mới xét. Đời người đâu có nhiều cái mười năm để mà làm lại!
Nhận được giấy tờ của các em, Minh đến cơ quan INS địa phương xin làm thủ tục bảo lãnh thân nhân đến định cư ở Hoa Kỳ. Thời bấy giờ đơn được phát tại INS vì internet chưa phổ biến và chưa được sử dụng triệt để như hiện nay.
Mỗi đứa em, Minh phải điền riêng một mẫu đơn xin bảo lãnh có mã số I-130. Ngoài khai sinh của người được bảo lãnh anh còn phải nộp khai sinh của anh, khai sinh và hôn thú của cha mẹ để chứng minh là họ có quan hệ anh em ruột. Những giấy tờ này cần một bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, Minh căn cứ vào bản dịch khai sinh và hôn thú của mình trước kia để điền tên tuổi thích hợp vào rồi ra ngân hàng nhờ họ công chứng, xong xuôi gởi bưu điện đến địa chỉ được chỉ dẫn. Lệ phí của mỗi hồ sơ là $110 cũng được gởi kèm theo đơn.
Chỉ một tuần lễ sau, anh nhận được giấy báo là cơ quan INS đã nhận được hồ sơ và đang xét duyệt, một tháng sau lại nhận thư báo là hồ sơ được chấp nhận và chuyển sang Visa Center. Mỗi hồ sơ họ đều gởi thư riêng và cho thêm một mã số gọi là Case number và ngày chấp nhận đơn là ngày ưu tiên để xét đơn theo thứ tự gọi là priority day. Trong thư còn dặn là không được liên lạc với INS hoặc Visa Center để hỏi han bất cứ điều gì cả. Khi nào có gì cần thiết chính Visa Center sẽ liên lạc với anh.
Minh gọi điện thoại về Việt Nam cho mấy đứa em:
- Hồ sơ của ba đứa đã được chấp nhận rồi, bây giờ phải chờ đến chục năm nữa. Coi như không hề xảy ra chuyện gì, đứa nào đi làm thì cứ đi làm, học nghề cứ tiếp tục học nghề, gặp ai ưng ý thì cứ lập gia đình. Hãy quên đi chuyện bảo lãnh này. Cứ coi như anh mua cho mỗi đứa một cái vé số, xổ trúng thì vui, trật thì thôi, đừng hy vọng gì nhiều! Quên đi là hay nhất.
Tuổi trẻ mới vào đời có nhiều chuyện để lo, có nhiều chuyện để làm, có nhiều chuyện để vui buồn. Sau đó lại không hề nghe Minh nhắc gì đến chuyện giấy tờ bảo lãnh, ba chị em cũng quên luôn.
Năm sau, Minh dẫn vợ con về thăm cha mẹ, trực tiếp thuyết phục ba đứa em không chịu làm giấy tờ nhưng họ vẫn không đổi ý, anh không nhắc lại nữa trong những lần anh em nói chuyện với nhau sau đó.
Năm sau nữa, Minh đổi địa chỉ đến một thành phố khác cho tiện với công việc làm của anh và vợ. Trong những cơ quan mà anh thông báo đổi địa chỉ có cả Visa Center. Lập tức anh nhận được thư trả lời của họ là sẽ liên lạc với anh ở địa chỉ mới khi cần thiết.
Lại sáu năm nữa trôi qua trong bình lặng. Minh về quê thăm cha mẹ lần nữa. Lúc này Dũng, đứa em áp út mà anh làm giấy tờ bảo lãnh đã có vợ và sinh được hai con. Anh nói với Dũng:
- Em đưa anh giấy hôn thú và khai sinh của hai cháu để anh bổ túc hồ sơ, có lẽ cũng gần đến lúc họ xét tới hồ sơ của mình, làm cho kịp để sau khỏi chậm trễ.
Về đến Mỹ, Minh dịch ngay những giấy tờ Dũng mới đưa cho mình, kèm theo một bức thư gởi đến Visa Center xin bổ túc những giấy tờ mới vào hồ sơ của Dũng. Vài tuần sau anh nhận được giấy chấp nhận bổ túc hồ sơ. Hồ sơ của Dũng vẫn giữ nguyên Case number và Priority Day như trước nhưng bây giờ thêm vào đó ba người nữa là vợ và hai con. Chẳng phải đóng thêm một chi phí nào cả.
Bây giờ kỷ thuật thông tin đã tiến xa so với tám năm trước, hàng tuần Minh đều liên lạc với gia đình bên Việt Nam qua Yahoo Messenger. Hôm báo tin vui cho Dũng về chuyện hồ sơ bổ túc đã được chấp nhận, chợt nghe vợ Dũng ấp úng, hỏi:
- Em là đảng viên cộng sản, không biết họ có cho đi không anh"
Minh hơi ngạc nhiên, cô em dâu này của anh cũng chỉ là một giáo viên tiểu học, tính tình có vẻ cởi mở, hòa đồng với mọi người trong nhà, đâu có giống mấy ông kẹ đảng viên mà Minh đã từng gặp. Anh thử chọc cô em một chút:
- Ai biểu thím phấn đấu dữ quá làm chi, không chừng vì vậy mà mấy cha con chú ấy cũng phải ở lại với thím mất thôi!
Giang, vợ Dũng thanh minh:
- Em có làm gì khác ngoài việc siêng năng dạy học cho tròn trách nhiệm của một cô giáo đâu! Chỉ vì lý lịch em thuộc loại tốt có cha mẹ đều là đảng viên nên họ mới vận động vào đảng. Không vào cũng đâu có yên vì có thể người ta nghi ngờ mình có ý này ý nọ. Em vào đảng mỗi tháng tốn ít tiền đóng đảng phí, mất thêm vài giờ cho vài cuộc họp hành, vậy thôi!
Chuyện đảng phái vốn là một điều xa lạ với mọi người trong gia đình Minh, anh thử cô em:
- Mỹ họ chống cộng sản. Thím bỏ đảng trước rồi mới tính chuyện đi Mỹ.
Giang trả lời không dụ dự:

- Được đi Mỹ là em xin ra khỏi đảng ngay.
Minh nghĩ thầm rằng, nước Mỹ là một xứ tự do, ai muốn theo đảng phái nào thì theo. Họ không ưa cộng sản nhưng cả một đảng cộng sản Mỹ cũng chẳng làm nên trò trống gì huống hồ là một di dân tiếng Anh còn ú ớ thì làm gì mà sách động tuyên truyền làm hại cho Mỹ mà họ phải để ý. Nhưng Giang vẫn còn thấy lo:
- Nhưng nếu khi phỏng vấn họ hỏi tới, em có nên nói thiệt là trước đây em đã từng là đảng viên cộng sản không vậy anh.
- Chuyện nói láo là một tối kỵ trong lúc phỏng vấn, có sao nói vậy, họ không chấp nhận cho đi thì thôi. Em nói láo nếu như họ biết được là kể như hết đi đứng gì cả.
Kể từ lúc này, hàng tháng vợ chồng Minh đều vào webside của Visa Center theo dõi sát sao xem hồ sơ được xét tới đâu. Mỗi tháng hồ sơ cứu xét đều được nhích gần đến thời điểm của các em Minh.

Đúng mười năm một tháng mười lăm ngày kể từ ngày hồ sơ được chấp nhận, Minh nhận được ba lá thư của Visa Center, đó là mẫu DS 3032 Choice of Address and Agent. Thư này yêu cầu người được bảo lãnh chọn người đại diện để Visa Center liên lạc tiến hành thủ tục bảo lãnh. Minh scan ngay ba cái thư và email cho các em, rồi dặn:
- Ký tên vào rồi e mail qua cho anh.
Lúc này bỗng nảy sinh chuyện lôi thôi mới: Cậu em út là Mạnh không muốn đi. Các anh chị xúm lại khuyên mấy cũng không lay chuyển. Minh sốt ruột, bảo cậu em:
- Không muốn đi cũng phải ký giấy, anh sẽ đánh dấu vào dòng "tôi không còn muốn xin Visa nữa" để người ta còn xét đến người tiếp theo, mình không đi cũng phải trả lời cho rõ ràng để người ta biết và không thể ỳ ra đó mà choán chỗ của người sau. Nhưng chỉ ký tên vào mà thôi, mọi chuyện khác để anh lo.
Thật ra thì Minh tính kế hoãn binh, anh vẫn điền vào cột chọn người đại diện là anh rồi đóng lệ phí $70 để hồ sơ của cậu em vẫn được giữ lại một năm. Sau một năm mà hồ sơ vẫn không tiến hành thì mới bị hủy bỏ. Như vậy trong vòng một năm, nếu như cậu em đổi ý thì vẫn còn có cơ hội.
Trong mẫu đơn này Minh cũng chọn phương tiện liên lạc là email vì e mail nhanh chóng hơn thư bưu điện. Tiền lệ phí Minh dùng Credit Card đóng thẳng cho Webside của Visa Center, như vậy là anh chỉ ngồi nhà làm mọi thứ một cách nhanh chóng. Thật hết sức cám ơn công cụ Internet!
Chỉ vài giờ sau khi nhận lệ phí, Webside của NVC (National Visa Center) cho phép Minh được Download mẫu I-864 , Affidavit of Support. Nội dung chính của mẫu đơn này là người bảo lãnh xác nhận lại sự bảo lãnh thân nhân của mình và khai báo thu nhập cùng tài sản hiện có, đủ điều kiện để lo cho thân nhân được bảo lãnh.
Sau khi cẩn thận điền mẫu đơn để gởi đi, Minh được hướng dẫn vào Webside của NVC để đóng lệ phí $400 cho mỗi đầu người được bảo lãnh, không kể già trẻ lớn bé, tất cả đều đồng hạng!. Lúc này hồ sơ của cậu em út được dừng lại, $400 không phải là một món tiền nhỏ, nếu cậu em vẫn không tiếp tục làm những giấy tờ tiếp theo thì hy sinh $70 để hồ sơ được bảo lưu một năm là cần thiết, nhưng không cần phải hy sinh $400.
Khi đã gởi mẫu I-864 đi rồi, Minh gọi cho người bạn cũng bảo lãnh cho mấy đứa em như anh để hỏi thăm, người bạn chỉ đường:
- Nói tụi nó ra tỉnh xin ngay hộ chiếu và mẫu Lý lịch tư pháp ngay đi, những giấy tờ này phải mất đến 3 tuần mới xong nên cần phải xin trước.
Minh hỏi:
- Nhưng mẫu lý lịch tư pháp nội dung ra sao mình chưa biết làm sao xin"
Bạn anh trả lời:
- Đó chỉ là mẫu của Công An tỉnh, báo lại quá trình phạm tội nếu có của những cá nhân trên 16 tuổi. Không có mẫu từ NVC đâu.
Hỏi là hỏi cho biết, Minh nghĩ là anh đã đóng tiền lệ phí rồi có lẽ chỉ một ngày nữa là anh sẽ nhận được hướng dẫn từ NVC để làm những giấy tờ cần thiết. Mỗi một bước đi cần chính xác, mình hấp tấp một chút không chừng lại chậm hơn vì sai sót. Người bạn tiếp tục chỉ vẽ:
- Đã chuẩn bị sẵn bản chính giấy khai sinh và hôn thú của tụi nó và của ông bà chưa" Họ sẽ đòi nộp đó.
Minh trả lời:
- Xưa nay giấy tờ gốc tôi chỉ nộp bản copy, họ chấp nhận cả mà! Bản chính giấy tờ của tôi thì có nhưng của tụi nó tôi gởi trả lại nhân có người quen về Việt Nam rồi!
Bạn anh khẳng định:
- Nhưng lần này họ sẽ đòi, và họ sẽ trả lại sau khi phỏng vấn xong.
Minh than thở:
- Đòi vậy thì hơi kẹt, gởi bưu điện vừa lâu vừa sợ bị thất lạc. Hiện giờ lại không có ai qua lại. Thôi, để tôi gởi bản copy một lần nữa xem sao. Biết đâu chừng người lo hồ sơ của anh khó tính hơn chớ xưa nay tôi vẫn gởi bản copy cũng được chấp nhận cả mà.
Anh bạn lại khẳng định:
- Chắc chắn họ sẽ đòi bản chính mà, tin tôi đi. Trước đây tôi cũng gởi bản copy nhưng lần này họ hướng dẫn là phải nộp bản chính.
Đúng như người bạn chỉ dẫn, sau khi nhận được tiền lệ phí của Minh, cũng như lần trước, bên cạnh thông báo có thêm cái link với dòng chữ Next step. Click vào đó anh biết là mình cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Mẫu DS-230. Nội dung là khai lại quá trình lưu trú, làm việc, học tập của mỗi người. Mẫu này được thực hiện nhanh chóng. Minh chỉ cần hỏi trực tiếp các em qua Yahoo Messenger rồi điền vào mẫu, gởi trang cuối qua e mail để các em ký rồi email lại cho anh. Anh in ra và sắp xếp lại, sẵn sàng để gởi đi.
- Giấy tờ cá nhân của mỗi người bao gồm:
+ Khai sinh, hôn thú của người bảo lãnh và người được bảo lãnh như bạn anh đã nói. Bản gốc và bản dịch
+ Copy hộ chiếu, trang có hình ảnh, tên tuổi của người được bảo lãnh.
+ Tư pháp lý lịch của Công An tỉnh cho những người được bảo lãnh trên 16 tuổi.
- Mỗi người 2 tấm ảnh cỡ 2x2 inches. Hình ảnh từ Việt nam gởi qua e mail, Minh download rồi in ngay tại chỗ.
Vậy là các em anh cần ra ngay sở Tư pháp tỉnh để xin hộ chiếu và mẫu lý lịch tư pháp.
Minh vẫn lúng túng cái vụ bản gốc giấy tờ, anh tính:
- Nếu có ai qua lại thì gởi, nhất định không gởi bưu điện, cùng lắm khi mọi giấy tờ khác xong cả rồi mình gởi bản copy như mọi lần xem sao, chắc họ cũng nhận thôi!
Lâu nay giấy tờ làm rất trơn tru và nhanh chóng, lần này bắt đầu đụng tới chính quền Việt Nam quả nhiên là sinh chuyện. Lúc này Minh liên lạc với các em mình hàng ngày. Chiều đó Minh nghe Dũng báo:
- Tụi em ra tỉnh xin hộ chiếu, họ coi giấy chứng minh thư xong nói " Chứng minh thư phải đổi mới sau 15 năm, tất cả chứng minh thư của tụi em đều quá hạn, phải làm lại trước khi làm hộ chiếu."
Cuối cùng cái lý lịch "gia đình có công với cách mạng" của cô em dâu cũng giúp ích được chút đỉnh. Nhờ quen biết, các em Minh "chạy" chứng minh thư trong vòng... một tuần lễ. Bốn tuần sau đi nhận hộ chiếu và Lý Lịch Tư Pháp, anh em lại gặp nhau trên mạng cuối ngày, Minh hỏi:
- Giấy tờ có đủ chưa"
- Dạ chưa nhận được hộ chiếu
- Sao vậy"
- Hôm nay Sở Tư Pháp bị cúp điện.
- Cúp điện thì dính dáng gì tới chuyện phát thẻ kia chớ!
- Dạ họ nói cúp điện thì không mở computer lên được, không biết giấy tờ lưu ở đâu!
Minh bực tức chửi thề:
- Mẹ nó! kiếm chuyện!
Nhưng cuối cùng thì giấy tờ cũng xong. Minh gởi tất cả đi. Hai tuần sau anh nhận được thư trả lời yêu cầu giấy khai sinh và hôn thú phải là bản gốc hoặc bản sao còn bản copy không hợp lệ. May làm sao, một tuần lễ sau có em của người bạn được bảo lãnh sang ngay chính tiểu bang Minnesota. Minh báo cho các em gởi giấy tờ gốc cho người bạn này. Tất cả thư từ Minh gởi cho NVC anh đều gởi dưới hình thức priority mail, có thể kiểm tra từng chặng đi của thư qua internet. Một ngày sau khi NVC nhận được thư, anh gọi hỏi kết quả xét hồ sơ qua số điện thoại hoạt động 24/24 của NVC. Công nhận họ nhận tiền của mình khá cao nhưng làm việc đâu ra đó. Cô nhân viên cho biết hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, đợi ba tuần nữa là anh có thể gọi vào để biết lịch phỏng vấn của các em.
Nhưng mới được 2 tuần Minh nóng ruột gọi thử. Quả nhiên là chưa có lịch phỏng vấn.
Đến tuần thứ ba gọi vào, anh nhân viên trực cho biết là do hồ sơ cuối năm tồn đọng lại nhiều cho nên các em của anh vẫn chưa có lịch phỏng vấn vào tháng giêng này được.
Đến tuần kế tiếp, anh được cho biết lịch phỏng vấn của các em mình là ngày 10/2 và 11/2, như vậy nhằm vào 27 và 28 tết. Minh đã dự tính về thăm cha mẹ và ăn tết Việt Nam xong rồi dẫn các em đi luôn nhưng không thực hiện được vì còn chờ kết quả phỏng vấn. Người nhân viên NVC cũng hứa với anh là sẽ gởi e mail cho anh để hướng dẫn những điều cần làm như khám sức khỏe và địa chỉ phỏng vấn ở Việt Nam. Quả nhiên là hôm sau anh nhận được những chỉ dẫn cần thiết.
Trước khi phỏng vấn, các em của Minh phải đi khám sức khỏe ở Bệnh Viện Chợ rẫy hoặc bệnh viện IOM ở Sài Gòn. Họ cho số điện thoại để gọi lấy hẹn và địa chỉ để đến khám sức khỏe,cả địa chỉ và ngày giờ phỏng vấn cũng được ghi rõ.
Bây giờ là thời điểm mấy đứa em được ông anh lên lớp chuẩn bị cho việc phỏng vấn. Lớp học cũng là màn hình liên lạc của Yahoo Messenger.
- Ít nhất là phải nhớ thuộc lòng tên tuổi, địa chỉ nhà, địa chỉ và tên công ty anh đang làm việc, số điện thoại của anh.
- Giấy tờ chứng nhận quốc tịch, giấy khai thuế trong 3 năm gần nhất và bản lưu tiền lương hiện nay của anh phải download xuống rồi in ra, tất cả bỏ vào phong bì dán kín, nếu họ có hỏi những gì liên quan đến mấy thứ đó thì đưa nguyên phong bì cho người ta và nói là anh tui gởi nguyên một phong bì như vậy và dặn là nếu hỏi tới thì đưa, còn không thì giữ nguyên vậy cho ảnh, không được xé ra coi. Họ thấy mình tôn trọng tư ẩn của người khác sẽ có cảm tình với mình.
- Anh gởi mấy tấm hình mới nhất chụp hôm tổ chức tết Dương lịch, để chứng tỏ là người bảo lãnh vẫn còn sống nhăn răng, chưa theo ông theo bà để nếu họ có nghi ngờ anh đã ngủm củ tỏi, bỏ mấy đứa cho chính phủ lo thì đưa ra để chứng minh.
- Tất cả những hình ảnh của anh em mình chụp chung hồi nhỏ cho tới lần mới nhất anh về thăm nhà nhớ mang cả theo.
Minh tiếp tục dặn dò, mấy đứa em chẳng dám ngắt lời. Chờ Minh nói xong, Dũng mới nói:
- Em có vô được cái Webside vietditru.com. Trong đó có nhiều người viết lại những kinh nghiệm phỏng vấn của mình, kể cả những kinh nghiệm làm đơn trương giấy tờ và những chuẩn bị khi mới sang định cư nữa.
Minh hơi chưng hửng nhưng lại mừng, rồi bằng cái giọng rất là "anh Hai", anh nói:
- Không sao, nghe thêm một lần nữa cũng không thừa!
Vậy mà cuối cùng, mấy đứa em anh đã gặp hên. Người phỏng vấn chấp nhận cho định cư mà chỉ hỏi 1 câu đơn giản về tên tuổi của người bảo trợ. Có lẽ vì họ xét thấy giấy tờ đầy đủ rõ ràng và điều kiện tài chánh của người bảo trợ đủ tiêu chuẩn.

**

Anh chị Hai Minh nghe xong kết quả phỏng vấn liền mua ngay hai vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam và bảy vé từ Việt Nam sang Mỹ. Tuy là không được ăn tết Việt Nam nhưng ngày nào cũng vui như tết.
Gia đình nhỏ của Dũng chộn rộn thu xếp hành lý cho một chuyến di cư dài nửa vòng trái đất. Mừng và lo! Ước mơ đi Mỹ nay đã thành hiện thực! Lại còn được anh chị Hai đích thân về dẫn đi thì còn gì bằng. Trong tiệc tùng chia tay của gia đình, bạn bè...mọi người đều hân hoan chúc mừng cho cuộc đời mới. Riêng chỉ có 2 gia đình của vợ chồng Lân và vợ chồng Oanh là bị hụt hẫng, ngỡ ngàng. Nếu ai cũng như ai thì chẳng có gì xảy ra, nhưng bỗng nhiên có một người gặp may đổi đời thì những người kia sẽ có sự ganh tị, tiếc nuối vì cơ hội đó mình cũng có thể có được lại không chịu nắm lấy.
Bao nhiêu năm nay, công việc làm ăn của vợ chồng Lân và vợ chồng Oanh gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Con cái lớn lên phải thêm nhiều chi phí, đòi hỏi. Theo xu hướng hiện nay, bọn nhỏ đều muốn đi du học nước ngoài, mà với mức thu nhập như hiện nay thì không tài nào họ có thể lo cho con cái thỏa mãn nguyện vọng này được. Vợ chồng Oanh mặt buồn buồn không dám nói nhưng vợ chồng Lân đã than với anh Hai Minh khi thằng con của họ về trách với cha mẹ là tại sao hồi đó không chịu để bác Hai làm giấy tờ bảo lãnh cho mình:
- Biết vậy ngày đó em để cho anh làm giấy tờ!!! Tụi em đâu ngờ lại có ngày này. Đúng là quyết định của cha mẹ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái. Bây giờ mình có thể bắt đầu làm giấy tờ bảo lãnh lại không anh"
Minh nói:
- Hồi đó anh biết trước sẽ có ngày này và em sẽ rất hối tiếc nên anh đã ráng khuyên mấy đứa hết lời mà cứ khăng khăng không chịu nghe. Bây giờ mới bắt đầu làm giấy bảo lãnh e là muộn vì 12 năm nữa hai đứa em được chấp thuận đi Mỹ thì lớn tuổi rồi, làm sao thích nghi và tìm được việc làm trong một xã hội hoàn toàn mới để nuôi sống bản thân. Rồi lúc đó lớn tuổi nếu bịnh hoạn làm sao có tiền chạy chữa. Hơn nữa mấy đứa con em quá 21 tuổi làm sao họ chấp thuận cho đi. Anh thì lúc đó về hưu rồi, không có đủ lợi tức để bảo trợ tài chánh và cũng không có đủ sức để lo cho gia đình em đâu.
Mặc cho vợ chồng Lân năn nỉ làm giấy bảo lãnh, Minh vẫn cương quyết từ chối. Cơ hội ít khi trở lại hai lần, thành thử phải có gan nắm bắt thì mới không có ngày nuối tiếc là mình đã không thử sức.

***

Ngày tiễn biệt phái đoàn 9 người ra phi trường, mọi người đều buồn vui lẫn lộn. Minh từ nay là một con chim đầu đàn, dẫn các em bay đến một phương trời mới để tìm cơ hội và tìm một tương lai tươi sáng hơn. Cô cháu bé mới 6 tuổi nắm tay bác Hai reo lên:
- Giấc mơ đi Mỹ của gia đình con được thành sự thật rồi!
Hoàng Trần

Ý kiến bạn đọc
28/01/201123:37:25
Khách
Tham phuc long thuong yeu than nhan cua tac gia. Tien bac roi thoi gian dau tu vao cong viec bao lanh cho cac em o VN nhu tac gia that dang kham phuc. Xin cho toi nguong mo.

31/01/201114:25:58
Khách
BAi viet that cam dong, nhung xin tac gia dung dung tu "co ban" duoc ? Tai sao khong dung can ban ma co ban? Di My lau roi con dung tu ngu VC sao? Toi thi rat la "di ung" tu ngu cua Cong No.

Cam on ong.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 65,730,644
Đã ba tuần rồi, tuyết vẫn còn rơi, bầu trời xám xịt với những cơn gió cuốn từng lớp tuyết phủ kín mặt đường, nóc nhà, góc phố…
- Chào bà, mời bà đứng vào đây tránh gió.
Tôi bắt đầu sống xa nhà năm 18 tuổi
Thầy Văn bước vào lớp. Như một thông lệ, cả lớp đứng dậy. Thầy đứng thẳng, yên lặng một giây
Cảnh chen lấn xô đẩy liên tục khiến tôi có cảm tưởng máy bay chở quá tải
Cành mai giả và câu đối giấy đã làm tròn nhiệm vụ
Con số 911 đã có lần cứu tôi trên xa lộ 280 tiểu bang Cali. Sáng sớm tinh mơ hôm đó
Tôi đi vượt biên trót lọt qua Mỹ năm 81, đem theo cái máy bay nhỏ xíu của My làm kỷ niệm
Tôi đã đến tuổi về hưu, vợ chồng già sống cô đơn trong một căn nhà nhỏ
Tôi thật không biết phải bắt đầu từ đâu để câu chuyện đời lộn xộn của mình có được một chút ngăn nắp để bạn hiểu tôi hơn