Hôm nay,  

Bằng Nail và Bằng Cấp

02/10/201200:00:00(Xem: 335924)
Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali (hình bên). Thư kèm bài viết, bà cho biết “Tôi tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California hồi tháng 5, 2012 khi tôi vừa tròn… 62 tuổi. Chúng tôi cũng vừa mới dọn đến thành phố này được hơn một tháng, sau khi tôi tốt nghiệp và bán đi cái tiệm nail. Hiện tôi đang volunteer tại một trường Tiểu học ở Marysville trong khi nộp đơn xin đi dạy. Lần đầu tiên tham gia Viết Về Nước Mỹ, trong bài viết tựa đề “Bằng Nail và Bằng Cấp” này, tôi mượn “tâm trạng” của cái bằng Nail để chia xẻ kinh nghiệm và những suy nghĩ của chính tôi nhằm xóa bớt những thành kiến “không mấy đẹp” về ngành Nail từ lâu nay...” Mong tác giả tiếp tục viêt về những kinh nghiệm làm việc và học tập tại nước Mỹ.
phuong_hoa_bang_nail
Sống trên đất Mỹ này, người Việt Nam mình thường nhắc đến và ca tụng những cái bằng như Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ vân vân. Chủ nhân của loại bằng cấp này thường được tuyên dương, kính nể vì chẳng những các bằng cấp đó đã “cấp” cho chủ nhân của chúng sự thông thái mà còn mang về cho họ mức lương trên “sáu số” tức là hàng trăm nghìn/năm. Nhưng mà người ta đã “bỏ quên” hoặc là có nhắc đến nhưng với những nhận định không mấy đẹp đối với những cái bằng “không có cấp” cho dù chúng cũng đã đem lại cho chủ nhân những thành công không nhỏ. Một trong số đó là cái bằng Nail.

Hình như cái bằng Nail không được vinh dự có tên trong “danh mục” bằng cấp. Giá mà nó biết nói, thì nó sẽ tự hào mà tuyên bố một cách hùng hồn rằng nó cũng từng giúp “làm nên lịch sử” cho rất nhiều gia đình Việt sống trên đất nước của Nữ Thần Tự Do này. Nói về việc giúp cho kiến thức tổng quát, bằng Nail cung cấp sự hiểu biết về những khái niệm cơ bản của sinh học, hệ tuần hoàn, các chứng bệnh “thế kỷ” dễ lây nhưng không dễ trị, các loại vi khuẩn, việc giữ gìn vệ sinh cần thiết để ngăn ngừa sự nhiễm bệnh, lây bệnh cho bản thân, cho người khác, cách pha chế dung dịch sát trùng theo tiêu chuẩn của bệnh viện, và điều quan trọng nữa là những kiến thức tuyệt vời trong việc “đối nhân xử thế” và những bí quyết để thành công trong lãnh vực kinh doanh. Trừ ra nghệ thuật làm móng tay, thì tất cả kiến thức mà cái bằng Nail đòi hỏi cũng gần “sêm sêm” với những kiến thức cơ bản mà những cái bằng “cấp cao” như Bác Sĩ Nha Sĩ đều phải học qua.

Nói về việc giúp cho con đường học vấn, thì có biết bao cái bằng Đại Học, Thạc Sĩ, và Tiến Sĩ, có khi đếm không xuể, mà những đứa con của những người “thợ dũa Việt Nam” đã mang về cho cha mẹ họ. Bằng Nail cũng giúp cho chính những người thợ nail hoàn thành ước mơ. Một cô thợ nail đã từng làm cho tôi trước đây chỉ học đến lớp 7 bên Việt Nam, vậy mà trong thời gian làm nail, cô ấy đã tranh thủ đi học lấy GED rồi vào college, cuối cùng hoàn thành cái bằng college AA cộng thêm Pharmacy Technician. Hiện giờ cô ấy đang làm việc cho một hãng thuốc tây, có bảo hiểm y tế “ngon lành” và cuối tuần vẫn tiếp tục “đi dũa” để kiếm thêm thu nhập.

Nói về kinh tế gia đình, có biết bao cái bằng Nail đã đem lại cho chủ nhân của nó mức lương cũng “trên sáu số như ai” (có mấy người chủ tiệm nail lớn tôi quen biết cũng nằm trong số này), nhà cửa khang trang, đi xe “xịn,” cuộc sống không thua gì những “đại gia,” và hơn thế nữa, còn “dài tay” giúp đỡ bà con nghèo, xây nhà cất cửa, mồ mả ông bà, giúp mở tiệm, nhà hàng, khách sạn cho cha mẹ anh em kinh doanh bên Việt Nam.

Nói về kinh tế quốc gia, bằng Nail đã có công rất lớn trong việc giúp phát triển nền kinh tế Hoa Kỳ. Hằng hà sa số cái bằng Nail đã “kéo” theo cái bằng “Business Owner” treo bên cạnh nó trong những tiệm Nail khang trang, sang trọng – hệ thống tiệm Nail dây chuyền trong Walmart là một ví dụ, và biết cơ man nào là tiệm Nail mọc ra khắp hang cùng ngõ hẻm trên nước Mỹ này, đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người.

Theo hội Thẩm Mỹ Quốc Gia Hoa Kỳ (National Cosmetology Association), thì có đến 70% thợ nail tự làm chủ cho những tiệm nail của họ và ngành kinh doanh về Nail được đứng vào hạng thứ 7 trong cái “list” của hơn bốn nghìn doanh nghiệp trong quyển Phonebook màu vàng.

Còn nữa, bản thống kê mới nhất của tạp chí Nails, (Nails Magazine, 2011-12 Big Book) cho thấy trong tình hình kinh tế hiện nay “mặc dù ai ngả ai nghiêng, thuyền Nail vẫn vững như kiềng ba chân”. Mức doanh thu trong năm 2011-2012 của ngành Nail đã tăng trưởng một cách “rất ư là ngọan mục” với tổng doanh số 7.3 tỷ mỹ kim so với 6.6 tỷ trong năm 2010-11! Nếu chỉ nói về một chuyện “nhỏ như con thỏ” là làm người tiêu dùng tốt để “đẩy mạnh kinh tế thị trường” như cái việc mà tổng thống Mỹ Obama đã từng làm –biếu không dân chúng một số tiền để đi mua sắm nhằm đẩy mạnh kinh tế quốc gia – thì cái bằng Nail đã “đẻ” ra những người tiêu dùng thật là hết sẩy!

Những người thợ nail thường để dành tiền “tip” trong cả tuần và đến ngày nghỉ cuối tuần thì đi shopping. Tiền tip có khi lên đến nhiều trăm dollars/tuần. Họ mua sắm vô tư, thích gì mua nấy, không bao giờ tiếc tiền vì đó là số tiền thưởng, tiền nhờ sự tận tâm phục vụ tốt đối với khách hàng mà có. Tiền đó không cần phải “tính” vào thu nhập hàng ngày. Họ mua sắm đủ thứ, có thứ mua về rồi xài, có thứ mua rồi không xài. Nhưng mà họ không bao giờ đem bán “Garage Sale” như những người Mỹ “chánh hiệu con nai vàng” để số quần áo đồ dùng đó lại “du lịch vòng vòng” cho đến khi nó dừng chân ở một cái tiệm “Salvation Army” hoặc là “Goodwill” nào đó và lại được tiếp tục… xoay vòng! Rồi số hàng hóa đó cứ tồn tại mãi trên “đất của chú Sam,” như vậy thì rất ư là bất lợi cho cái sự phát triển kinh tế.

Những người thợ nail Việt thì lại khác, họ thường đóng gói số vật dụng và quần áo không dùng rồi đợi đến Tết Nguyên Đán là dịp mà ngành nail chậm lại, thì mang về Việt Nam để tặng bà con em cháu và những người nghèo trong xóm làng. Vậy là số hàng hóa đó biến mất khỏi thị trường Mỹ, “một đi không trở lại,” làm tăng thêm nhu cầu cho các nhà sản xuất trong niên khóa đến. Thiết nghĩ mỗi năm người thợ nail Việt về thăm “chùm khế ngọt” của họ ít nhất là một lần mà mỗi một người đi thì nước Mỹ “xuất khẩu” cả trăm cân Anh hàng hóa (vì các hãng máy bay chỉ cho phép họ mang có thế chứ nếu không thì bảo đảm sẽ là một con số khổng lồ hơn!), thì thử hỏi với con số hàng trăm nghìn thợ nail Việt về Việt Nam/năm, thì mức sản xuất sẽ tăng lên đến cỡ nào? Giá như có ai đó “trình tấu” tỉ mỉ cái công trạng này lên tòa Bạch Cung thì thế nào vị đệ nhất nhân Obama cũng trao tặng một cái bằng “Tưởng lục” cho cái bằng Nail, “kẻ đồng minh thầm lặng” của ông.


Đấy, “công sức” của cái bằng Nail nó tuyệt vời đến như thế! Mà đau lòng thay, hình như nhân loại đã lờ đi hoặc là không nhận ra tất cả những điều nó làm. Không ít người đã nhắc đến cái nghề Nail với một vẻ khinh khi, miệt thị, nào tiệm nail là chốn “hỗn độn” nào là “lộn xà ngầu” vân vân. Người Mỹ có câu, “People are different,” người ta không ai giống ai cả, còn người Việt Nam mình thì nói “Chín người mười ý” để chỉ ra sự khác biệt của mọi người. Công bình mà nói, có những chủ tiệm nail rất tệ, khó tính với người làm, dành hết khách “xịn” cho mình hoặc chia khách không công bình giữa thợ “phe mình” và thợ “không phải phe ta.” Nhưng cũng có rất nhiều người chủ biết điều và đối xử với thợ như bạn, hướng dẫn kỹ càng, chia xẻ ngọt bùi, thuyết phục khách ruột cho họ chịu để thợ làm khi tiệm gặp cảnh “sớm nắng chiều mưa” như người chủ tiệm tôi làm đầu tiên ngày xưa.

Thợ nail cũng vậy. Tôi cũng từng được xem những video clip “xấu” về thợ nail, và tôi cũng từng chứng kiến cảnh tranh khách hoặc là “nhiều chuyện” giữa các thợ nail khi tôi đi làm. Nhưng tôi cũng đã gặp rất nhiều người thợ dễ thương, phụ giúp nhau những khi khách vội, và thật tâm giúp đỡ, san sẻ kinh nghiệm cho những kẻ mới vào nghề. Cho nên đem bao nhiêu “tội lỗi” của những kẻ không biết điều mà đổ “lên đầu lên cổ” của tất cả những người có bằng Nail thì quả thật là oan ức cho họ và cho cái bằng Nail vô tội kia quá thể! Điều đó đã khiến cho nhiều chủ nhân của cái bằng Nail không dám đề cập đến sự thành công của mình là nhờ vào cái bằng “không có cấp” đó.

Và nếu như cái bằng Nail biết nói, nó cũng sẽ hỏi rằng tại sao những người chủ tiệm nail và thợ nail Việt đã gây ra “tai tiếng xấu” cho nó lại không tự hỏi lại bản thân họ thử xem tại con người hay tại cái bằng Nail làm cho nghề Nail của người Việt bị mang tai tiếng và bị người đời châm chọc và coi thường, quên mất đi giá trị của cái bằng Nail? Người Mỹ họ cũng có câu, “No job is a humble job,” không có cái nghề nào là thấp hèn cả.

Cũng theo thống kê của tạp chí Nails (Nails Magazine, 2011-12), cái tổng doanh thu thật là “đẹp mắt” 7.3 tỷ Mỹ kim của ngành nail năm 2011-12 là “công lớn” của cái bằng Nail từ 45% người Việt Nam và 33% từ người Mỹ da trắng “Caucasian,” và số còn lại thì của các sắc dân khác. Như vậy chứng tỏ ngành nail nhất định không phải là ngành “tồi tệ” trên xứ Cờ Hoa này!

Tóm lại, như người Việt Nam mình thường nói, “Uống nước nhớ nguồn,” chúng ta cũng nên nhớ đến những thành quả tốt đẹp mà cái bằng Nail mang lại cho bản thân, cho gia đình, và cho xã hội mà không nên nặng lời phê phán, vạch áo cho người xem “cái lưng của thợ nail Việt”–vì hình như thiên hạ không hề nghe thấy những bình phẩm “đau lòng” như thế về thợ nail Mỹ bao giờ–mà vô tình “gậy ông đập lưng ông,” rồi làm giảm đi cái giá trị của tất cả những chủ nhân của cái bằng Nail, trong đó có cả chính những người cùng nghề đã từng “phê phán” nó!

Xin hãy nghĩ rằng những cái “xã hội to đùng” với hàng trăm hàng nghìn nhân vật như một quốc gia hay là hội đồng Thượng viện Hạ viện của một nước, được lãnh đạo bỡi những vị “tai to mặt lớn” thế mà không tránh khỏi những bất đồng, tranh cãi, thậm chí có khi còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau nữa là huống chi cái “xã hội Nail” bé tí trong tiệm nail với một chủ và mấy thợ. Suy cho cùng, tất cả những thứ đó là sự đa dạng của cuộc đời, của cộng đồng, sự đa dạng đã hình thành cuộc sống thú vị của chúng ta mà chúng ta không thể nào “vất” nó đi được. Nó cũng giống như cái cộng đồng muôn màu muôn vẻ của một vườn hoa. Có những loài hoa với sắc màu rực rỡ làm cho người ta cảm thấy vui khi ngắm nó như hoa cúc, hoa hồng thì cũng có những loài hoa mà màu sắc của nó mang đến cho thiên hạ cảm giác buồn như cẩm chướng, thạch thảo; có những loài hoa hữu dụng như hoa sứ hoa nhài đã cho chúng ta những tách trà thơm, thì cũng có những loài hoa độc hại như hoa loa kèn hay hoa cẩm tú cầu mà chúng có thể làm hại ta nếu ta nếm phải. Nhưng nếu thiếu đi sự đa dạng đó, thì vườn hoa sẽ không còn là một vườn hoa đúng nghĩa nữa!

Cho nên, nếu mọi người ai làm chủ cái bằng Nail cũng đều cố gắng sống thân thiện, hòa đồng, chia xẻ ngọt bùi với nhau, nhất là không để lộ ra cái tính nết “không được đẹp” của mình trước mặt khách hàng để tự mình biến thành một loài hoa “độc hại” trong vườn hoa nghề nghiệp, và liên kết tạo thành một “thế giới Nail” lý tưởng rồi tất cả mọi người cùng nhau đi từ thành công đến đại thành công trên quê hương thứ hai này thì thiên hạ sẽ không còn ai dám xem thường, và họ sẽ nhắc đến cái bằng Nail của “thợ nail Việt” với sự kính trọng cũng như những bằng cấp khác.

Riêng đối với tôi, kẻ viết bài này, cái bằng Nail có giá trị “liên thành.” Cái bằng Nail của tôi nó có sự “liên quan mật thiết” đến bằng cấp của các con tôi, bằng cấp của các cháu tôi nơi quê nhà, và nó cũng có “dây mơ rễ má” đến đời sống của anh em, cô dì chú bác, và bà con nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nhưng trên tất cả, cái bằng Nail đã cho tôi cơ hội ban ngày làm nail ban đêm đi học rồi “vươn tới” cái mảnh bằng đại học ở tuổi 62 sau mười năm cùng với “người dưng khác họ” của tôi làm chủ một cái tiệm nail chỉ bé bằng cái “đít con cóc ngồi,” để tôi “gác cây kiếm dũa” rồi cầm “cây kiếm bút” và bắt đầu một sự nghiệp mới, cái sự nghiệp mà tôi hằng ước mơ cả cuộc đời: Đi dạy học. Tuy rằng đã muộn, nhưng “muộn vẫn còn hơn không” như người Mỹ thường nói, “Its never too late,” nhất là, không bao giờ quá trễ đối với việc học hành.

Cho dù làm nail nay đã thành dĩ vãng, nhưng tôi vẫn “renew” cái bằng Nail và trang trọng treo nó bên cạnh cái bằng “mới nhất” của tôi. Và nếu ai có hỏi, tôi sẽ không một chút do dự mà trả lời rằng cái bằng Nail là một trong những bằng cấp rất quan trọng của tôi.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
23/10/201219:57:14
Khách
Đồng ý với Kim Nguyen. Nhờ vậy họ mới giàu hơn là đi làm công chức hay công nhân nhiều.
24/10/201219:52:42
Khách
Đồng ý với Kim Nguyen. Nhờ vậy họ mới giàu hơn là đi làm công chức hay công nhân nhiều.
25/10/201220:34:21
Khách
Các bạn Kim Nguyen, James Nguyen, và Lisa Nguyen nói như thế chắc là các bạn không ở trong ngành Nails rồi. Những chuyện các bạn nói cũng có lẽ xảy ra khi xưa. Bây giờ các tiệm Nails lớn nhỏ đều nhận ATM or Credit Cards và khách họ cũng thích cà thẻ hơn là mang theo tiền mặt, và họ cũng thường add tiền típs vào trong bill. Tôi đi làm nhiều nơi, chủ tiệm ghi hết tiền tips rồi cộng lại trả check để thợ khai thuế. Có lẽ cũng còn một số ít…lọt sổ, nhưng mà, như chúng ta đã biết, ở đời không có việc chi là “hoàn hảo” cả, đúng không các bạn?
14/10/201204:59:23
Khách
bài viết sâu sắc,chứa đựng rất nhiều tâm huyết của tác giả, lời văn mộc mạc, chân thật dể thấm sâu vào lòng người đọc. Bằng NAIL và... đã thể hiện được kỹ năng viết văn, sự am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, mang tính nhân văn cao. Rất trân trọng. Mong rằng sẽ còn nhiều bài viết tuyệt vời hơn nữa sau khi đã hoàn tất neo... và xài bằng cấp ...DẠY HỌC
08/10/201212:20:31
Khách
Chào tất cả các Bạn,
Tác giả xin cám ơn các bạn đã bỏ thời gian đọc và góp ý về bài viết này. Sự quan tâm và chia xẻ của các bạn đã làm cho tác giả… “nung nấu” một ý nghĩ là sẽ cố gắng viết thêm một vài bài nữa…Một lần nữa xin cám ơn các bạn
Phương Hoa
03/10/201221:21:19
Khách
Cam on Co Phuong Hoa da viet mot bai rat chan thanh nhieu y nghia ve nghanh Nail.
Mong Co som tim duoc viec day hoc ma co hang ao uoc.
02/10/201222:00:11
Khách
Bai that hay va y nghia...
02/10/201213:58:38
Khách
Em xin cam on chi.

Bac Si Neo
05/10/201201:31:16
Khách
Ước gì mọi người cùng ngành Nail đọc thật kỹ và suy ngẩm từng chi tiết trong bài này để hoặc học hỏi thêm hay để....nhìn lại mà....sửa mình thì không còn cái mặc cãm về "NGHỀ NAIL" nửa mà phải hảnh diện về NGÀNH NAIL.
bài viết thật hay và có giá trị!!!!! Mong tác giả tiếp tục viết thêm nửa.....
KLoan
05/10/201201:26:53
Khách
Vợ làm Nail, chô`ng Kỷ sư là thiên hạ vô địch!!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,660,820
Nguyễn Duy An là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước My 2006. Ông cũng là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President National Geographic, tổ chức văn hoá khoa học lớn nhất thế giới. Năm nay, từ Washington D.C. tác giả bay về Cali tham dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12. Bài mới nhất của tác giả đề cập tới tình hình tài chính quá khó khăn của National Geographic và báo tin chàng chính thức về hưu non.
Chủ Nhật 12-8-2012 là họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12. Giải thưởng Việt Báo hiện đã sang năm thứ 13 và liên tục từ năm 2000 tới nay, mỗi ngày đều có phổ biến bài viết mới. Sau đây, là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả Hoà Đa.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 sẽ khai diễn chiều Chủ Nhật 12 tháng Tám sắp tới tại Little Saigon. Từ hôm nay tới cuối tuần, nhiều tác giả từ khắp nơi sẽ bay về họp mặt. Nhân dịp này, mời đọc lại ký sự họp mặt Viết Về Nước Mỹ lần đầu tiên,
Với kiểu “viết như nói”, tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, Giảng Viên Anh ngữ trường Sinh Ngữ Quân Đội, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO9, hiện định cư tại Greenville South Carolina. Từ năm 2002, ông đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ giá trị. Sách đã xuất bản: "Hành Trình Về Phương Đông." Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả đã góp nhiều bài viết giá trị và có tên trong danh sách chung kết giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIÌ, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông cũng tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng tại San Diego và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên. Năm nay, Phạm Hồng Ân là tác giả vào danh sách chung kết giải thưởng Việt Báo 2012. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả họ Vũ, cư dân Bắc California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Giấc Mơ Thiên Đường”, truyện ngắn về một thảm cảnh gia đình Việt tị nạn. Tiếp theo, “Trường Đời: Học Làm Chồng” và “Số Đào Hoa” cho thấy tài kể chuyện duyên dáng của tác giả. Sau đây là bài viết mới nhất.
Có một lúc nào đó trong thời thơ dại, bạn tôi mơ trở thành vận động viên thể dục (gymnastics Olympian ) đi dự thi đại hội thể thao của thế giới được tổ chức mỗi bốn năm.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên từ 2009. Sang năm 2011, với bài “Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên” và nhiều bài đặc biệt khác, ông là tác giả được bình chọn vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới sau đây tiếp tục cho thấy cách viết linh hoạt vui vẻ của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến