Hôm nay,  

Bao Giờ Còn Lồng Đèn

30/09/201200:00:00(Xem: 241168)
Trước 30/4/1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa - hiện có trên trang mạng: http://tuoihoa.hatnang.com/ và http://www.camlinguyenthimythanh.com Sau ngày 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose, California từ năm 2003; và năm 2009 Cam Li bắt đầu góp cho Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010. Sau đây là bài viết mới của Cam Li cho Trung Thu 2012.
em_be
Giữa dòng đời tấp nập, một em bé tội nghiệp, thân hình gầy gò, áo quần rách rưới nằm chỏng chơ trên đường phố, cầm trên tay chiếc lồng đèn trung thu hình con thiên nga đã hỏng, gãy mất một cánh, ngắm nghía rất chăm chú.
Một bức ảnh được tung lên internet, làm cơn xúc động ùa đến trong những trái tim người. Em nghĩ gì trong giấc mơ giữa ban ngày của em? Một mẩu bánh nướng thơm phức, một chiếc lồng đèn mới toanh, một mái nhà đầm ấm, hay một lớp học với em và các bạn quần áo chỉnh tề??? Người qua kẻ lại, xe cộ ngược xuôi, có ai thấy em bên vệ đường? Có khi nào trong giấc mơ ban ngày của em, em thấy mình được lên cung trăng? Xu thoát khỏi trang web có hình em bé đó, thở dài. Vậy mà… Xu có đấy! Xu là một người từ nhỏ đã có trong đầu một thế giới mộng mơ. Cô bé không là “con người khoa học” quá đâu! Cô bé không giỏi về vật lý học, chỉ đủ điểm để không phải thi lại. Nhà đông anh em, Xu là con giữa. Con giữa thì sung sướng vì không phải làm việc nhiều, bởi việc gì nặng nhọc thì đã có anh chị lớn lo. Nhưng con giữa thì lại rất hay “bày trò” vì sau mình còn một lô em. Vâng, Xu rất hay “bày trò”. Chẳng qua là cô bé giàu tưởng tượng, lúc nào cũng vẽ ra một thế giới ảo để mình vui và lôi kéo bầy em vào cùng. Coi vậy mà các em cũng thích lắm. Bởi vì có sự “bày trò” của Xu, các em lại có dịp ăn những món ăn lạ lùng, chơi những trò chơi ngộ nghĩnh, và nhất là được nghe Xu kể chuyện. Về mục này thì không có gì khó khăn cả. Xu tiếp nhận những câu chuyện cổ tích từ bà ngoại. Bà ngoại là một cái kho “chuyện đời xưa”. Và Xu cứ sao chép “nguyên xi” những câu chuyện bà ngoại kể là có thể tạo ra những buổi “diễn thuyết” cho bọn nhóc nghe đến mê tít rồi. Bà ngoại dần dần già yếu. Xu thay bà kể chuyện cho các em nghe. Thôi thì đủ loại, từ Tấm Cám, Thằng bé sọ dừa, Ăn khế trả vàng, Trầu cau… cho đến một lô chuyện gọi là “sự tích”. Không biết ai đã sáng tác ra chữ “sự tích” nghe rất hay. Ý nghĩa của nó là nguồn gốc, nguyên cớ nào mà có một đồ vật, một loài hoa, một loại cây, hay những loài muông thú. Nào là sự tích trái thơm, sự tích bánh chưng bánh dầy, sự tích con muỗi, sự tích con thạch sùng v.v… Và mùa Trung Thu thì có chuyện Chú Cuội cây đa. Thuở nhỏ Xu đã thấy sự mâu thuẫn trong chuyện Chú Cuội cây đa mà hỏi không ai giải đáp. Số là bà ngoại kể chú Cuội một hôm nọ đi vào rừng, nấp thấy mấy con cọp con bị người ta làm cho bị thương, rồi cọp mẹ nhai một nắm lá đắp vào cho các con, vết thương đã lành mau chóng. Cuội bứng cái cây đó về trồng và gọi đó là cây đa. Cây đa giúp Cuội chữa lành bệnh cho nhiều người, ai cũng quý mến Cuội. Trong số đó có một cô gái sau khi được Cuội cứu sống đã kết duyên cùng Cuội. Một hôm vợ của Cuội vô tình … đi tiểu nơi gốc cây đa, làm cây đa tức giận bật gốc bay lên. Cuội đi về, thấy vậy tiếc cây đa bèn nắm chặt rễ cây đa và như vậy là phải bay cùng với cây. Cây đa bay mãi, bay mãi, lên tận cung trăng. Từ đó Cuội “ôm một mối mơ” ngồi một mình trên cung trăng nhìn xuống trái đất, Cuội buồn vì chẳng bao giờ có thể về lại với loài người.

Rõ ràng là phải ở trên cung trăng hoang vắng rồi thì Cuội mới ngồi gốc cây đa, cô độc cho đến khi trở thành “Cuội già”. Vậy mà lại có câu đồng dao:

“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ơi ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn đánh trống đi mời quan viên”

Xu không hiểu ra sao nữa… Thôi kệ, chuyện thì cứ kể, ca dao thì vẫn cứ thuộc. Hình như sự dễ dãi đã là một nét rất đáng yêu của người Việt Nam. Không hại gì ai.

Nhưng hình như càng lớn, Xu càng khó tính. Xu muốn cái gì cũng phải hoàn toàn, cũng phải thật. Chuyện kể cho con nít nghe lại càng phải thật. Mỗi mùa Trung Thu đi qua, Xu lại càng muốn có một cái gì mới mẻ cho các em.

Cho đến một ngày, cô bé Xu reo lên trước một tin rất hấp dẫn. Anh Cả “dịch” lại đó là những con người địa cầu đầu tiên theo phi thuyền Apollo 11 lên đến mặt trăng. Mọi người dán mắt nhìn lên màn ảnh ti-vi đen trắng. Xu hồi hộp. Xem kìa, những bước chân của con người đang đi trên mặt đất của cung trăng! Ở một nơi mà trọng lực chỉ bằng một phần sáu trọng lực trên trái đất, bước chân của họ trông mới “ngộ” làm sao! Họ đi khệnh khạng, có vẻ như thân mình nhẹ quá nên họ cứ như bơi trong nước. Xu nghe trong lòng có một niềm cảm động. Ôi! Những bước chân “chập chững” của con người, là cả một quá trình gian khổ của khoa học. Các em cũng trố mắt ra nhìn. Lũ nhóc lao nhao:

- Thế chú Cuội ngồi gốc cây đa đâu anh?

Anh cả trịnh trọng, ra vẻ con nhà khoa học gớm, và nói:

- Làm gì có chú Cuội! Chỉ toàn là đá thôi! Cũng không có sự sống nữa.

Lũ nhóc “ồ” lên. Có đứa tiu nghỉu. Còn cô bé Xu hay “bày trò” lại càng tiu nghỉu hơn. Thôi thế là hỏng hết công lao! Cả một thế giới thần tiên có cơ sụp đổ. Không có không khí, không có nước, chú Cuội làm sao sống?

Thế nhưng cô bé Xu không phải là người dễ đầu hàng. Cô bé đã lái câu chuyện mặt trăng qua một “đề tài khoa học”. Chà, nghe có vẻ “trí thức” ghê! Đề tài khoa học! Mà thật thế, Xu bảo bọn nhóc em mình ngồi chung quanh, rồi dẫn giải chuyện các phi hành gia của phi thuyền Apollo 11 bước những bước chân đầu tiên lên đất mặt trăng như thế nào và tại sao… Lúc này là lúc cô bé mang hết kiến thức tiểu học và trung học của mình ra để nói cho bọn nhóc hiểu. Xu chẳng đã là cô giáo của những lớp học “ảo” đó sao? Và thế là có một buổi diễn thuyết không kém tưng bừng. Anh Cả và chị Hai cũng phải lắc đầu chào thua cô bé và lặng lẽ “rút lui có trật tự”.

Thật tình Xu là cô bé thích “bày trò” cho nên không lúc nào không suy nghĩ. Mà đã suy nghĩ thì phải làm. Bao nhiêu năm tháng đi qua, Xu vẫn thích mỗi mùa Trung Thu lại xếp thật nhiều lồng đèn. Làm lồng đèn có khung tre thì hơi khó và mất thời gian, chứ làm lồng đèn xếp thì dễ lắm. Xu biết xếp lồng đèn hình trụ kéo lên hạ xuống như chiếc đàn phong cầm gọi là đèn xếp, rồi lồng đèn chữ V, khi giăng ra sẽ thành quả trám, rồi lồng đèn trái bí v.v… Nói chung là theo cùng một nguyên tắc: xếp quạt giấy. Những kiểu đèn xếp nhưng vậy, ở những nơi sản xuất người ta dùng máy để nhún, còn Xu thì nhún bằng tay. Làm xong một lô đèn thì móng tay cùn đi rất nhiều. Nhưng kệ, làm thì vui. Xu cho các em của mình chơi, và còn mang đi cho các bé ở cô nhi viện nữa. Cứ như thế, cô bé Xu hầu như không biết mình lớn lên. Đến cái tuổi các em mình không còn thích chơi lồng đèn nữa, mỗi Trung Thu Xu vẫn xếp đèn đem đến cô nhi viện, vẫn thích mua một lô đèn cầy và thắp đầy bậu cửa sổ, ngồi ngắm đèn, trông trăng cho đến khuya.

Sự thật về mặt trăng đã rõ ràng từ năm 1969, lúc con người lần đầu tiên đặt chân lên đó. Nhưng vẫn còn tục lệ chơi lồng đèn, cũng như tập quán ăn bánh nướng, bánh dẻo. Chẳng bao giờ người ta nói: “Thôi, hãy ngưng những thứ đó đi!” Vì lý do thương mại ư? Cũng có đấy! Nhưng một phần cũng vì nó đã thành cái nề nếp đáng yêu. Bởi vì dù là một nơi hoang vu không có sự sống, mặt trăng đối với người đứng trên trái đất vẫn là một vật thể gần gũi, thân thương. Khi lớn lên, đi xa nhà, cái cảm nghĩ gần gũi với mặt trăng lại càng sâu đậm. Cùng nhìn một vầng trăng, là người ta cảm thấy các miền địa đầu đều gần lại. Và con người, Đông cũng như Tây, vẫn còn say mê những câu chuyện cổ tích dù biết nó là không thật. Vâng, những chuyện cổ tích không bao giờ lỗi thời.

Những dịp Tết Trung Thu tham gia với cộng đồng Việt, Xu vẫn thấy những chiếc lồng đèn truyền thống được phát cho các em thiếu nhi. Đèn xếp, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn chiếc tàu, đèn con bướm, đèn con thỏ… hơi cổ điển một chút, nhưng vẫn đáng yêu hơn những chiếc đèn “hiện đại hóa” làm từ Trung Quốc.

Một lần đi đến Viện Bảo tàng Không gian ở Washington D.C., Xu đứng ngắm mãi mẩu đá mặt trăng được Apollo 17 mang về. Xu nhớ câu “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?” và ngẫm nghĩ trăng đã hơn bốn tỉ tuổi, đá mặt trăng đem về trái đất phải được tồn trữ trong nitrogen, không ai được đụng trực tiếp tới đá mặt trăng mà phải cần tới những dụng cụ đặc biệt, Xu chợt thấy có những cái thật gần mà cũng quá xa. Cuộc sống cũng như thế.

Có những ước mơ tầm thường trong đời sống mà mãi không thực hiện được, và mặc nhiên những điều đó lại biến thành xa vời hơn cả chuyện cổ tích. Ở một thời đại mà những chiếc lồng đèn đã được “hiện đại hóa” thành những chiếc đèn tự động, biết chớp tắt, biết phát sáng mà không cần thắp nến, lại còn biết phát ra nhạc…, vẫn còn có những em bé mơ một chiếc đèn lành lặn mà không có, cũng như mơ có một mái nhà và những bữa cơm gia đình đơn sơ mà không được, thì câu hỏi “Em có mơ thấy mình lên cung trăng không?” chắc là ngô nghê lắm! Không, hiện tại em đang sống giữa dòng đời xuôi ngược, chen chúc trong những quán ăn đông nghẹt người. Tiệm đông khách, em mừng hơn cả chủ tiệm vui mừng. Vì khi những thực khách đứng dậy với vẻ mặt no nê thỏa mãn, thì em, và các bạn em, chạy nhanh đến, mỗi đứa bưng lấy một tô, húp lấy húp để phần thức ăn thừa. Sau đó các em cũng có được nét mặt no nê, thỏa mãn, một cách rất tội nghiệp. Rồi em và các bạn em sẽ trở về “nhà” của các em, là những bãi rác, những chân cầu, những xóm nghèo lầy lội.

Một người bạn của Xu còn ở Việt Nam, kể cho Xu nghe rằng Trung Thu năm nay bạn đi phát quà cho trẻ em nghèo, người ta cho bánh nướng bánh dẻo nhưng không cho lồng đèn. Bạn buồn. Bạn nói cuộc sống đi dần vào chuyện ăn uống mà bỏ hết những phần thơ mộng. Ai còn nghĩ đến chuyện thơ mộng, sẽ bị gọi là “người cõi trên”, là “E.T.”, tức người ngoài hành tinh.

Nửa tháng trước đêm Trung Thu năm nay, Xu rưng rưng theo dõi hình ảnh buổi lễ thủy táng phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên của trái đất bước chân lên mặt trăng, thần tượng của tuổi thơ Xu. Xu nói với ông:

- Ông ơi! Phi hành gia chinh phục được không gian, đến được quê hương của chị Hằng chú Cuội, có chinh phục được nỗi đau của con người???

Xu nghe ông trả lời trong khi tro của ông được rải trên mặt biển:

- Bé Xu ơi! Hãy nhìn lên mặt trăng. Tất cả câu trả lời ở trên đó. “Người cõi trên” hay E.T. là những người có thể biến ước mơ thành sự thật. Hãy cứ ước mơ!

Cám ơn ông, ông phi hành gia, và cám ơn tất cả các phi hành gia. Ngày xưa có lúc Xu giận các ông lắm, vì các ông đã làm cho cả một thế giới thần tiên của Xu và các em bị sụp đổ. Nhưng không, cho đến bây giờ, con người vẫn gần gũi với trăng, thậm chí còn tìm hiểu về trăng nhiều hơn nữa. Các nhà khoa học còn cho biết rằng những khi có “super moon”, trăng sẽ to khác thường nếu trăng chiếu rọi qua những vật ở cận cảnh, như cây cối, nhà cửa… Đó là “ảo ảnh trăng”. Là ước mơ. Nhưng là thật.

Em bé nằm giữa phố đông người không mơ trăng, nhưng em đang cầm chiếc lồng đèn rách. Em ơi! Bao giờ còn lồng đèn, chúng mình vẫn còn mơ mộng. Đó chính là ước mơ trả lại sự hồn nhiên cho tuổi thơ em.

Trung Thu 2012

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
01/10/201219:32:17
Khách
Biết bao giờ, đến bao giờ???? Tuổi thơ VN thật tội nghiệp!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,660,453
Tác giả là cư dân châu Âu, làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh tại nước Pháp. Tuy sống bên kia Đại Tây Dương, những bài viết của cô thường thường rất bén nhậy với chuyện của người Việt tại Mỹ. Họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là Giải Á Hậu. Bài viết mới của cô là là chuyện Mothers Day 2012 của một nàng dâu người Mỹ tóc vàng.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Mothers Day 2011, bà viết về Mẹ. Năm nay, bà viết về bà Mẹ Chồng, người mà bà trân trọng gọi là “Má tôi.”
Chủ Nhật 13-5 là Mothers Day 2012. Xin mời đọc bài viết mới của Anne Khánh Vân, giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Tô vĩnh Phúc, từng viết một số văn thơ dưới nhiều bút hiệu khác nhau, nhưng bút hiệu sau cùng là Giang Thiên Tường. Thơ văn đã đăng ở tuần báo Phụ Nữ Cali và Làng magazine ở bắc Cali và các trang web. Tác phẩm mới nhất được xuất bản là thi tập "Bên Bến Sông Buồn"(2011). Trong những năm 1990, xuất bản và phát hình tuần báo Phù Sa ở Bắc Cali. Hiện là cư dân ở Sacramento, California. Mùa Mothers Day 2011, ông có bài “Chuông Gọi Mẹ Thương.” Sau đây là bài mới cho Mothers Day năm nay của ông. 
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, nghề nghiệp: làm nail. Loạt bài viết về nước Mỹ gần đây của tác giả với tên thật Nguyễn Thị Hữu Duyên gồm: Bỏ Gì Thì Bỏ; Ước Vọng Của Tin, thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tên thật là Yến Phi, 63 tuổi, hiện là cư dân WA. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà cũng là bài viết đầu tay nhân mùa Mothers Day, sau nhiều “vật lộn” khó khăn với chữ Việt trên computer, được tác giả trân trọng gọi là “Tác Phẩm Đầu Tay Dâng Mẹ.” Tựa đề được đặt lại theo nội dung bài viết. Mong tác giả tiếp tục.
Từ giữa năm 2010, tác giả tự sơ lược tiểu sử khi tham dự Viết Về Nước Mỹ: Trước 75, còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990. Hiện ngụ tại Myrtle Beach, SC. Bài mới của Hải Âu cho giải thưởng năm thứ mười hai là một chuyện tình chia lìa vào Tháng Tư 1975.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, vừa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 20011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 nhiều bài viết đặc biệt. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Bài viết mới của tác giả cho mùa Mothers Day là một tự sự cảm động về Mẹ.
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận các giải bán kêt 2001 và giải Việt Bút 2008, hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Thưởng Việt Báo. Bài mới “góp vui” của ông là một truyện hiếm có mở đầu cho mùa Mothers Day đang tới.
Nhạc sĩ Cung Tiến