Hôm nay,  

Niềm Vui Sum Họp - Nỗi Buồn Biệt Ly

15/06/201200:00:00(Xem: 228249)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 nhiều bài viết đặc biệt. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông nhân dịp Fathers Day.






Ngày đó, ba tôi khăn gói lên đường trình diện đi học tập cải tạo muời ngày theo diện “Ngụy Quyền SàiGòn.”

Quân lệnh của Uỷ Ban Quân Quản t/p HCM rõ ràng là như vầy:


Ðối với các phó quận trưởng, trưởng ty, cấp úy, thì mỗi người phải mang theo giấy bút, quần áo, mùng mền vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong mười ngày kể từ ngày trình diện.

Với các cấp chỉ huy từ giám đốc trở lên, sĩ quan từ cấp tá, các dân biểu nghị sĩ, các lãnh tụ đảng phái thì thông cáo ra lệnh mang theo giấy bút, vật dụng cá nhân, số tiền là 13,000 đồng đủ cho việc ăn uống trong 30 ngày kể từ ngày học tập đầu tiên.

Ba tôi không phải quân nhân. Không là phó quận, hay trưởng ty gì cả. Ông làm chức Công Cán Ủy Viên bộ Liên Lạc Quốc Hội đặc trách công tác tại Phủ Thủ Tướng

Mới nghe qua ai cũng nghĩ ba tôi phải là cán bộ công chức cao cấp lắm của chính quyền Sài Gòn, nhất là sau năm 75 mỗi khi nói đến hai chữ” Ủy Viên”không ít người nghĩ ngay đến mấy ông ủy viên bộ Chính Trị của Hà Nội!

Trước hết, tôi không biết bộ Liên Lạc Quốc Hội là bộ gì, và chắc là cả thế giới chỉ có miền nam nước tôi là có cái bộ này. Còn Công Cán Ủy Viên đặc trách Phủ Thủ Tướng, theo lời ba tôi kể thì công việc của ông là mỗi khi Phủ Thủ Tướng có họp bàn chuyện gì liên quan đến quốc gia đại sự, ba tôi đại diện cho bộ Liên Lạc Quốc Hội tới tham dự ngồi phía dướì lắng nghe, và về viết bài tường trình lên cho Bộ trưởng.

Chỉ có vậy. Công việc có vẻ giống như một phóng viên nhà báo của chính phủ. Một chức vụ ngồi chơi xơi nước. Thử hỏi mỗi tháng phủ Thủ Tướng của ông Trần Thiện Khiêm họp được mấy lần cơ chứ?

Nhưng kẹt nỗi tính theo ngạch trật của công chức chính quyền thời đó, thì Công Cán Ủy Viên ngang hàng ty trưởng, hay Chánh Sở , Chánh Sự Vụ của mấy tỉnh. Vì vậy mà ba tôi bị liệt vào diện mười ngày.

Và kết quả của cái “mười ngày” này là …6 năm trời ở những miền rừng thiêng nước độc biên giới Việt-Tầu.

Nhưng cũng may nhờ cái mười ngày thành sáu năm này mà ba tôi lấy được cái vé HO4 định cư sang Mỹ năm 1990.

Tính từ khi ba tôi đi trình diện học tập cải tạo 1975, được thả về năm 81 thì tôi đã vượt biển, và ở Mỹ. Cha con tôi đã cách biệt 15 năm tròn.

Ngày đầu tiên sum họp gặp lại ba tôi sau hơn 15 năm xa cách.

Trên đường từ phi trường về nhà, tôi lái chiếc xe Van, ba ngồi ghế cạnh tài xế hỏi tôi c ó biết phi hành gia Phạm Tuân không? Tôi nói có nghe. Ba bèn kể cho tôi chuyện này:

“Đồng chí Phạm Tuân, phi hành gia đầu tiên của Việt Nam với đôi dép lốp đi vào vũ trụ. Sau chuyến du hành không gian với phi hành đoàn Liên Xô về đến Hà Nội và được toàn thể lãnh đạo nhà nước và báo chí đón tiếp trọng thể.

Tối hôm đó đêm sum họp, chị Phạm Tuân hỏi chồng trong tàu vũ trụ anh được phân công làm gì. Phạm Tuân mếu máo đưa đôi bàn tay nói “ Em ơi, đi cho có tiếng mà thôi. Có làm gì đâu. Anh ở trên tàu đụng tới đâu là chúng nó khẽ tới đó, không cho anh chạm vào cái gì hết nên tay anh bị sưng vù vù như vậy nè. hu hu!!”

Tôi nói “Ủa, ba đã học tập cải tạo 6 năm trời mà sao còn …phản động quá nha ”

Cả nhà tôi cười như pháo nổ.


Bây giờ thì ba tôi đã không còn nữa. Mười một năm trước ông đã ra đi về lòng đất lạnh. Nhưng tôi luôn nhớ đến mùa Xuân đầu tiên của gia đình sum họp.

Mùa Xuân năm đó, gia đình tôi ăn tết lớn vì lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, gia đình ba, mạ, anh chị em mới quay quần đầy đủ trên mảnh đất tự do này. Hôm cuối năm, ba và tôi đang cắm hoa bàn thờ ông bà. Biết tôi cũng viết lách lai rai, ông bèn ứng khẩu thử tài thằng con:

- Đối thử câu này: ra ngoài LỘ, hái LỘC đầu XUÂN

Tôi tên Thái, nhưng còn có tên ở nhà lúc nhỏ là LỘ. Thằng em kế tôi tên là DƯƠNG, và cũng có tên ở nhà là LỘC. Lại có nhỏ em tên XUÂN, và bà chị tên CẨM

Vậy là một câu ngắn, ba tôi nhắc tên của ba đứa con trong đó: LỘ, LỘC, và XUÂN.

Tôi suy nghĩ vài phút rồi đối lại như vầy

-Lên đỉnh THÁI , tiềm DƯƠNG thập CẢM

- Ba tôi cười khen

- Chưa chỉnh lắm, nhưng đối nhanh như vậy là cũng giỏi rồi.

Tôi biết là chưa chỉnh, nhưng cũng khoái vì tạm đỡ được chưởng đó của ba tôi.


Có những lần hai cha con ngồi nhâm nhi uống bia với nhau, ba tôi tâm sự ông không ngạc nhiên thấy tôi thích viết lách. Những ngày xưa trẻ, chính ba cũng rất tự hào về năng khiêú văn học của mình, nhưng vì không có duyên, hay nghiệp, nên ba không thể theo đuổi con đường văn chương như mộng ước. Sự nghiệp văn chương duy nhất của ba là một bài diễn văn ba được chính quyền tỉnh (?) ngày đó uỷ nhiệm viết để chào đón gia đình Hoàng Gia vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương trong một dịp kinh lý lễ lớn nào đó. Bài diễn văn này đã được đăng báo sau đó.

Tôi hỏi ba còn nhớ không, ông cười đã quên rồi, chỉ còn nhớ một chút là đoạn đắc ý nhầt vì ba dùng hai chữ “chan hòa” rất hay. Lúc đó ba tôi có đọc lại nguyên câu văn có hai chữ “chan hòa” này, nhưng bây giờ đã hơn hai mươi năm, tới phiên tôi quên mất câu đó rồi.

Đang nói về vua Bảo Đại, ba cao hứng kể tiếp tôi nghe một chuyện liên quan đến ông vua này mà có lẽ rất ít người biết tới,

“Một hôm vua Bảo Đại cùng vài cận thần vệ sĩ thân cận đi câu cá trên sông Hương. Ngài chỉ muốn thưởng thức thú vui câu cá như một ngưòi bình dân thường nên chuyến đi lặng lẽ không ai biết. Ra đến giữa dòng, khi vua Bảo Đại đòi hút thuốc, mới khám phá ra là Ngự tiền thị vệ …quên mang thuốc lá tây cho nhà vua. Tội này không phải nhỏ. Không bay đầu chứ bay chức như chơi, nhưng cũng đành phải thú thực với ngài mà thôi.

Vua Bảo Đại không nói gì bước ra tới đầu thuyền có anh lính đang hút thuốc, ngài hỏi…xin một điếu. Anh lính sợ hãi nói anh đang hút thuốc vấn CẨM LỆ, loại thuốc lá bình dân rẻ tiền nên không dám dâng lên ngài thượng. Vua Bảo Đại thản nhiên lấy thuốc Cẩm Lệ và nói “Ri là nhứt rồi. Chơ mi tưởng tau đòi vàng mới hút hay răng?”

Và trong suốt buổi câu cá, vua Bảo Đại tiếp tục hút thuốc vấn Cẩm Lệ xin của người lính.

Một thời gian sau thật lâu, khi vua Bảo Đại không còn tại vị nữa, câu chuyện này mới kể lại, chứ việc vua phải xin thuốc của lính hút đâu thể lưu truyền trong dân gian được. Lúc đó trên thuyền trên dưới chục người. Chuyện này đổ bể là có kẻ…mất đầu á.



Tôi không có nhiều kỷ niệm với ba như là với mạ.

Những ngày tôi còn thơ, ba luôn luôn vắng nhà. Thời loạn lạc của cuộc chiến Quốc - Cộng, ba tuy là bên dân sự hành chánh, nhưng thường phải nhận nhiệm sở những nơi xa xôi địa đầu giới tuyến không được an ninh, nên ba thu xếp cho gia đình mạ con tôi ở lại thành phố, những nơi an toàn hơn.

Chiến cuộc chấm dứt, ba đi cải tạo.

Khi ba về thì tôi đã vượt biên đến Mỹ…

Cho đến cuối đời, trong khoảng thời gian hai tháng ba nằm trên giường bệnh của bệnh viện, có lẽ là thời gian tôi gần gũi và nói chuyện với ba nhiều nhứt. Ba có đủ bệnh trong người, nhưng bệnh gì cũng quy về bệnh lão. Bốn đoạn đường đời sinh lão bệnh tử ba đã đi gần hết ba đoạn đường đầu.

Và chuyện gì phải tới cũng sẽ tới. Định mệnh và số phần của mỗi con người ai mà cãi được.

*

Một tuần sau khi đã chôn cất ba xong, tôi được điện thoại của nhà thương gọi vào để họ đưa lại những đồ đạc cá nhân mà ba đã mang theo mấy tháng trước. Gồm bộ quần áo ba mặc khi nhập viện, và vài giấy tờ cá nhân khác.

Tôi cầm gói đồ của ba đi ngang qua căn phòng mà ba tôi đã nằm trong hai tháng trời. Căn phòng còn để trống nên tôi bước vào.

Mọi đồ vật trong phòng hình như vẫn còn y như mới ngày hôm qua tôi và ba còn ở đây. Vẫn là cái giường đó, ba tôi nằm mệt mỏi với những giây nhợ chằng chịt gắn trên mình. Bên cạnh giường là cái ghế mà tôi vẫn thường ngồi ngủ gật bên cạnh ba hằng đêm. Một lần tôi mệt mỏi quá ngủ quên. Khi giật mình tỉnh dậy thấy ba tôi đang cố gắng cầm ống bô đi tiểu một mình nhưng vì tay yếu nên nước đổ ra loang lổ trên giường. Tôi nói sao không kêu con, ba trả lời thấy con ngủ ngon quá nên ba để con ngủ…

Tôi lật lại bộ quần áo của ba và cảm thấy một nổi buồn lạ lùng xâm chiếm tâm hồn.

Hình như trong đời tôi chưa bao giờ buồn đến như vậy cả.

Tôi chợt nhận ra, mấy tuần qua, khi ba mới mất, tôi đau lòng nhưng không buồn như hôm nay. Khái niệm mất cha vẫn hãy còn mù mờ lắm, nửa tin nửa ngờ.

Nhưng hôm nay trở lại chốn cũ. Cảnh vẫn còn đây mà người đã không còn! Lúc đó tôi mới xác định được rằng ba đã thực sự ra đi.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy thấm thía thế nào là sinh ly tử biệt.

Nổi buồn biệt ly.

ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
19/06/201222:27:51
Khách
Cám ơn nhiều!
15/06/201207:38:18
Khách
Tôi không rõ nhận định thế này có quá đáng hay không:tâm lý con người nói chung;cái gì mình có thường thường ít ai lưu tâm và trân trọng đúng mức nhưng khi không còn trong tầm tay nữa mới thấm thía sâu sắc sự mất mát vô phương tìm lại được;như nước Việt thân yêu của chúng ta là một thí dụ điển hình!

Bài viết xuất sắc:trình bày nội dung mạch lạc,lời văn tự nhiên mà tràn trề cảm xúc đậm đà tình yêu thương của một người con nhớ về đấng từ phụ đã vui chơi miền lạc cảnh.

Cám ơn tác giả đã san sẻ tâm tình.

Hoan nghênh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,662,448
Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam.Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, nghề nghiệp: làm nail. Loạt bài viết về nước Mỹ gần đây của tác giả với tên thật Nguyễn Thị Hữu Duyên gồm: Bỏ Gì Thì Bỏ; Ước Vọng Của Tin, thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Vẫn trong tinh thần ấy, bài mới của bà là chuyện của mùa Fathers Day.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005 với bài viết mang tên "Bà Mẹ Hoa Kỳ". Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, khoá 8/68 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, bị bắt tại Ban Mê Thuột ngày 14 tháng 3 năm 1975; Đến Mỹ tháng 4/2005, hiện cư ngụ tại Carlsbad, California, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài mới nhất là một truyện tình đầu chung thuỷ.
Mr. Bond là bút hiệu của David Huỳnh, cư dân Los Angeles. Ông nói về mình, “Người ta gọi tôi là "Cái Thằng Trời Đày" vì lỡ mang máu mê đi câu, vừa tốn tiền vừa vất vả mò đêm mò hôm. Trong loạt bài Mr. Bond góp cho viết về nước Mỹ, có chuyện câu cá nước ngọt lẫn nước mặn, câu từ Nam đến Bắc Cali, qua Alaska, hay xuống Mễ, câu về tới VN hay qua tận Thái lan... rồi chuyện đi lặn bắt bào ngư, bắt tôm hùm, và đi săn “hàng khủng” cá Tầm (Sturgeon) trên Delta Bắc Cali. Tuần trước, là chuyện “Đi săn Cá Sấu Gar”. Lần này là chuyện thủ phủ Cali mùa “cá bẹ”. Nơi đàn cá đi qua, có cả vùng bờ sông đầy vàng lẫn trong cát...
Tác giả là cư dân Chicago, 35 tuổi. Trong email kèm bài viết, Lê Thị cho biết, "Mới đây, sau khi đọc một số sách của nhà văn Nhã Ca, tôi bỗng có cảm hứng muốn viết và đây là bài viết bằng Việt ngữ đầu tiên của tôi trong 20 năm qua." Bài viết theo lối tự sự, nhân vật xưng tôi đến Mỹ khi còn là một cậu bé “tiếng Việt chưa đủ vốn, tiếng Anh dăm ba chữ chập choẹ,” kể về chuyện tình đồng tính dữ dội. Bài viết đầu tiên, “Tôi Vẫn Là Tôi”, Vietbao Online từ 19 tháng 5, 2012, hiện đã có 10054 lượt người đọc. Sau đây là chuyện tiếp theo.Tựa đề cũng là tên bài hát nổi tiếng “There is a Place for Us” của Leonard Bernstein.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, vừa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 20011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là một du ký công phu mà vui vẻ hiếm thấy.
Tác giả cho biết ông họ Vũ, là cư dân California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là truyện ngắn về một thảm cảnh gia đình Việt tị nạn. Mong Tuyết Phong sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả tên thật Ngô Thị Bạch Huệ, định cư ở Mỹ từ 1980, cư dân Orange County, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài "Người Mỹ Di Động". Đây là một tự truyện đầy tính lạc quan: 7 lần dọn nhà, 12 lần đổi job, không ngán. Công việc thứ 12 của cô là thành lập công ty consulting firm của riêng mình, viết sách technical bán trên AMAZON.COM và sách được sắp hạng Best Seller. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến