Hôm nay,  

An Trú Trong Hiện Tại

06/03/201200:00:00(Xem: 152599)

Bài số 3502-12-289552vb3030612

Phạm Thái

Tác giả cho biết ông đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với một số bài viết về đề tài Du Lịch Nước Mỹ hoặc Trại Hè. Sau hơn 10 năm, lần này ông trở lại với giải VVNM, với bút hiệu mới là Phạm Thái, với bài "rượu vang nửa cốc mỗi ngày" tốt cho sức khoẻ. Bài thứ hai, “Tình Thư của một HO.” và bài mới nhất của ông là một chuyện tình.

*

Thao xếp tập hồ sơ lại, ngồi ngả lưng ra ghế cầm chai nước lọc uống vài hớp. Gần tám tiếng quay cuồng với công việc chàng cảm thấy hơi mệt, nhưng rồi niềm hạnh phúc và khoan khoái bừng lên khi nhớ lại chiều nay thứ sáu rồi, chỉ còn khoảng 30 phút nữa chàng có hai ngày cuối tuần nghỉ ngơi. Đang thả hồn nghĩ xem mình sẽ làm gì trong dịp cuối tuần thì Cathy bước vào phòng làm việc riêng của chàng. Tự động kéo ghế ngồi đối diện với Thao, Cathy nở nụ cười tươi như hoa với chàng:

- Trưa mai muội ghé qua huynh rồi chúng mình đi chùa Tây Lai dùng cơm chay nhe.

- Chắc không được Cathy ơi. Huynh vừa nhớ ra trưa mai thứ bảy huynh đã có hẹn với người bạn thân rồi.

- Có thật không? Huynh không nói dối muội chứ?

- Thật mà.

Nụ cười tươi thắm trên môi Cathy thay đổi ngay bằng nét thất vọng và buồn bực khi nghe Thao chối từ sự mời mọc của mình. Nàng đứng lên đi đến sau lưng Thao và bằng cử chỉ quen thuộc dùng hai bàn tay mềm mại của mình chà nhẹ sau gáy Thao, thì thầm vào tai chàng:

- Trông huynh có vẻ mệt mỏi, muốn muội massage như thế nầy không?

- Làm ơn đừng ngừng tay nhe muội .

Mười ngón tay thon dài của Cathy tiếp tục chà xát vào sau gáy Thao, với giọng trầm buồn nàng hỏi:

- Huynh đọc qua kinh "Nhất Dạ Hiền Giả" chưa? 

- Chưa muội ạ. Huynh rất thích muội nói kinh kệ lắm. Nói huynh nghe đi.

Cathy vẫn đứng sau lưng ghế ngồi của Thao, hai bàn tay móng nhọn đỏ chót tiếp tục chà lên chà xuống sau gáy chàng, đọc một cách chậm rãi và rõ ràng toàn bộ bài kinh "Nhất Dạ Hiền Giả":

"Quá khứ không truy tìm 

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến, 

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập, 

Hôm nay nhiệt tâm làm, 

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được, 

Với đại quân thần chết, 

Trú như vậy nhiệt tâm, 

Đêm ngày không mệt mỏi, 

Xứng gọi Nhất Dạ Hiền, 

Bậc an tịnh, trầm lặng." 

Mùi thơm của tóc Cathy quệt vào mặt chàng khi nàng cúi đầu xuống rót vào tai chàng:

- Huynh hiểu lời kinh nầy chứ? Vậy mà muội biết chắc có một người không thực hành đúng lời dạy của Đức Thế Tôn.

Nói xong Cathy ngừng tay massage cho Thao, trở lại ghế ngồi và lấy chai nước lọc của Thao uống hết phần còn lại. Nàng nhìn Thao một cách chán nản nói một hơi dài: "Mười mấy năm về trước huynh còn nhớ lời ví von của giáo sư Steven trong lớp Beginning Accounting không? Sau nầy muội mới thấy sự ví von nầy rất hợp với lời kinh trên mà Đức Thế Tôn đã giảng cách đây hơn 2500 năm về trước. Muốn cho các sinh viên dễ hiểu, ông giáo sư nầy đã ví dụ hảy xem sự việc thuộc về quá khứ như là một Cancelled Check; sự việc đang xảy ra trong hiện tại và hiện có trong tay như là một Cash-In-Hand; và sự việc mong chờ trong tương lai như là một Lottery Ticket. Huynh vẫn mãi sống trong mơ, vẫn mãi hoài niệm với quá khứ và mỏi mắt đi tìm tờ Cancelled Check, trong khi huynh đang có "Cash-In- Hand", huynh lại không chịu nắm bắt.

Nhìn đồng hồ đeo tay Cathy đứng lên bắt tay Thao rồi nói:

- Đến giờ tan sở rồi. Muội về nhe, chúc huynh đi chơi với bạn vui vẻ.

- Huynh cũng chúc muội hạnh phúc trong hai ngày cuối tuần.

Đi ra tới cửa Cathy ngoái đầu vào nói giọng hờn trách:

- Một ngay nào đó thay vì xoa bốp làm huynh thư giãn, muội sẽ chẹn cổ cho huynh nghẹt thở luôn nếu huynh cứ mãi cự tuyệt tình muội.

Sự thân thiết của hai người tới mức độ có thể xem là nhân tình với nhau, khiến chàng không lo âu gì hết trước lời nói đùa của nàng con gái Việt gốc Hoa duyên dáng mỹ miều nầy.

Thời gian lướt qua nhanh đến chóng mặt, Thao đâu thể ngờ chàng đã bước qua ngạch tuổi bốn mươi! Hơn 16 năm trước hai người học chung trường chung lớp với nhau ở Cal State Long Beach, California. Những năm đầu tiên trên đất Mỹ Cathy đã giúp Thao rất nhiều trong việc trở lại đèn sách và làm quen với nền giáo dục ở đây. Sau đó hai người ra trường cùng năm với ngành Accounting và cùng đầu quân làm việc cho Los Angeles County. Từ trường lớp cho đến sở làm hay bất cứ một party nào, bóng dáng Thao và Cathy tay trong tay, vai kề vai bên nhau đều được ngợi khen là một cặp đôi hoàn hảo. Vì vậy bạn bè hay đồng nghiệp trong sở làm ai cũng nghĩ một đám cưới linh đình sẽ đến với hai người trong một tương lai rất gần. Nhưng rồi từng năm và từng năm trôi qua hai người vẫn chưa lồng nhẫn cưới cho nhau. Họ vẫn duy trì tình trạng độc thân và vẫn thân thiết như thuở mới quen nhau.

*

Nơi tổ chức buổi lễ ra mắt tác phẩm của nữ sĩ được tổ chức tại tòa soạn một nhật báo của trung tâm thương mại người Việt ở vùng nam California. Số người tham dự đã gần chật kín phòng. Một phụ nữ trong ban tổ chức hướng dẫn Tiến và Thao đến ngồi ở hàng ghế thứ tư. Thao nhìn thấy một tấm khăn màu huyết đỏ trải trên mặt bàn dài hình chữ nhật, trên đó được đặt nhiều chồng sách và chỉ một người đàn bà tuổi trung niên ngồi kế bên, cho chàng biết đó là chủ nhân của buổi lễ ra mắt sách trưa nay. Trong tà áo dài màu xanh da trời với nét trang điểm đơn sơ, nhan sắc nơi nữ sĩ vẫn tỏa ra sự trong sáng và quí phái của thời xuân sắc.

Khi một MC lên tiếng khai mạc chương trình và giới thiệu về tên cùng tiểu sử của nữ sĩ, có vài chi tiết khiến tâm Thao có chút giao động, nên bắt chàng ngắm nhìn nữ sĩ kỹ hơn xem có bao giờ đối diện hay chạm mặt với dung nhan diễm lệ nầy chưa? Nguyễn Thị T. là tên, Uyên Ly là bút hiệu của nữ sĩ. Người MC còn cho thính giả biết nữ sĩ là cựu học sinh trường nữ trung học Trưng Vương và cũng là sinh viên trường Luật trước 1975. Thao không lấy làm ngạc nhiên khi hơn phân nửa số người hiện diện trong phòng nầy là phái nữ, có lẽ là hội viên của hội Ái Hữu Trưng Vương đến ủng hộ gà nhà. Và chắc chắn ít nhất có hai cựu sinh viên Luật Khoa là Tiến và Thao, hiện diện một cách tình cờ để khích lệ người bạn đồng môn của mình.

Nữ sĩ bước lên bục gỗ khi được giới thiệu. Bằng giọng nói từ tốn và chậm rãi nữ sĩ nói về hoàn cảnh tạo ra hai tác phẩm, một truyện dài và một tuyển tập truyện ngắn được ra mắt độc giả hôm nay. Nữ sĩ Uyên Ly nói xong khoảng 15 phút, kế tiếp đến phần cho thính giả đặt câu hỏi. Khi nữ sĩ đứng trên bục cao Thao trông thấy rõ nữ sĩ hơn và cảm nhận nơi nữ sĩ toát ra một vẻ đẹp rất thanh tao và duyên dáng. Nét đẹp tuyệt vời nầy trông thân quen quá, hình như một lần nào đó Thao đã từng giáp mặt, nhưng thật tình chàng không thể nhớ được không gian và thời gian nào đưa đẩy chàng có duyên lành gặp gỡ người đàn bà đang đứng trên bục gỗ trả lời sự chất vấn của thính giả. Ai làm chủ bông hoa thùy mị và diễm kiều nầy quả là một người đàn ông may mắn! Mình kém tu ở trong quá khứ, hạt nhân ở những đời trước không tốt, nên trong đời sống hiện tại cái quả trổ ra toàn là trái xấu vị chua. Dù ít đi chùa và đọc kinh kệ như Cathy, nhưng Thao tin tưởng hoàn toàn và tuyệt đối về luật nhân quả của nhà Phật. Nhân và quả theo nhau như bóng với hình, như nhìn mình trong gương. Hình như cảm nhận ánh mắt chăm chăm của Thao, nữ sĩ nhìn xuống ngay chỗ Thao ngồi, nở nụ cười hiền hòa thân ái. Thấy nữ sĩ chiếu ánh mắt về hướng chỗ ngồi của mình như một mời gọi đặt câu hỏi hay sao, Tiến ngồi kế bên Thao đưa tay và đứng lên cất giọng hỏi:

- Được biết nữ sĩ là sinh viên Luật Khoa Sài Gòn, xin cho biết nữ sĩ bắt đầu học niên khóa nào? Và trong hai tác phẩm của nữ sĩ có ghi lạ kỷ niệm nào về “…Con đường Duy Tân có cây dài bóng mát…” ở trường Luật không?

Đôi mắt đẹp của nữ sĩ nhìn về hướng Tiến và Thao cười nhẹ khôn khéo trả lời vắn tắt:

- Mong mỏi mời anh đọc hai tác phẩm nầy rồi anh sẽ thỏa mãn điều anh muốn biết.

Bởi tò mò muốn xem cô nữ sĩ viết gì về ngôi trường gần công trường con Rùa, một nơi nổi tiếng với những xe bán bò bía và xe nước dừa hấp dẫn bọn Thao ở những buổi chiều tan giờ học, chàng cầm trên tay hai quyển sách bước chậm đến đứng trước mặt nữ sĩ trả tiền và lấy chữ ký của tác giả. Nữ sĩ đỡ lấy sách, mắt nhìn Thao mỉm cười. Ôi giời ạ! Ánh mắt và nụ cười nầy sao quen thuộc, gần gũi quá như chàng đã từng bắt gặp trong quá khứ. Ký? tên xong nữ sĩ trao lại hai quyển sách cho Thao kèm theo ánh mắt long lanh như đợi chờ điều gì. Nhưng đằng sau còn rất nhiều người đang đợi lấy chữ ký tác giả, nên chàng không nói một lời nào với tác giả. Thao cảm thấy từ ánh mắt đến nụ cười của nữ sĩ ban cho chàng có vẻ đặc biệt và khác thường. Chàng cố gắng hết sức nhớ lại xem hình dáng nữ sĩ có lần nào xuất hiện trong tâm khảm chàng không, nhưng đành thua, không thể nhớ được chút gì, lẳng lặng theo Tiến rút lui ra về.

Ít ngày sau, cuốn sách ấy có dịp theo Thao lên chuyến bay của Southwest sang thành phố Minneapolis thăm gia đình người chị. Trái tim Thao như muốn nổ tung, như sắp ngừng đập khi mở trang sách đầu tiên nhìn thấy chữ ký của tác giả: Thao?. Dấu chấm hỏi bên chữ Thao làm chàng nhận ra ngay đây chính là nét chữ của “người xưa”, trong giảng đường của Viện Quốc Gia Hành Chánh gần một phần tư thế kỷ trước.

Chữ ký nầy đặc biệt và quái dị lắm, chỉ người trong cuộc với nhau mới hiểu được mà thôi. Không nghi ngờ gì cả nữ sĩ Uyên Ly đã nhận ra Thao là ai, nên đã trao cho chàng ánh mắt thân quen ở buổi ra mắt sách của nàng vào tháng trước. Chính người con gái nầy đã khiến Thao, một người có công danh và sự nghiệp vững chắc phải kéo lê cuộc sống độc thân cho đến ngày hôm nay. Cũng chính người con gái nầy phải khiến Cathy Kwan ôm hận oán trách Thao đêm ngày nhớ tưởng về quá khứ, bóng hình xưa.

*

Vào đầu thập niên 1970 sự trùng tu trường Luật Khoa Sài Gòn trên con đường Duy Tân chưa hoàn tất, nên sinh viên năm thứ nhất phải qua học tạm ở Viện Quốc Gia Hành Chánh. Trời vừa tạnh cơn mưa nhẹ Thao vội thay đồ phóng xe mau đến đấy, vì chiều nay có hai giờ môn Kinh Tế Học của giáo sư Vũ Quốc Thúc. Giờ của thầy Thúc giảng đường luôn luôn đầy kín không còn chỗ ngồi, bởi vì thầy có lối giảng bài rất hấp dẫn, giản dị và nhất là đi sát với thời cuộc. Cũng như mọi khi giảng đường to rộng đã đầy nghẹt sinh viên đến dự thính. Đứng bên ngoài phòng Thao đảo mắt nhìn quanh kiếm tìm vài người bạn quen, bỗng nghe tiếng gọi:

- Thao, lại đây mau.

Nhìn về hướng gọi tên mình Thao thấy Tiến đang vẫy tay nên vội vã bước đến, nhìn thấy bên mặt Tiến còn hai ghế trống nên Thao ngồi xuống kế bên Tiến. Chờ Thao yên vị xong Tiến trách nhẹ:

- Sao ông tới trễ vậy?

Thao cười nói nhỏ với bạn mình:

- Cám ơn ông giữ chỗ giùm nhe.

Vẫn nụ cười cố hữu trên môi Tiến nói:

- Giờ của giáo sư Vũ Quốc Thúc lúc nào cũng hết chỗ.

- Còn chứ. Còn một chỗ kế bên tôi.

Thao vừa dứt lời thì một cô gái trong chiếc áo màu xanh dương lợt bước vào ngồi xuống chiếc ghế trống kế bên Thao. Tiến cười khoái trá:

- Ông thấy tôi nói có sai đâu. Không còn ghế trống nào hết.

Nghe Tiến nói, Thao quay đầu qua vai phải nhìn người ngồi kế bên mình. Vừa lúc cô gái cũng quay đầu liếc sang Thao. Mặt đối mặt. Bốn mắt chạm nhau. Rồi cô gái trở sang nói chuyện với cô bạn ngồi kế bên cạnh, trong khi hồn Thao thơ thẫn, sửng sờ đúng như lời ca “…phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng..”, đến nỗi Tiến nói gì hỏi gì chàng không biết nữa.

Giáo sư bước vào giảng đường mà tâm tư Thao vẫn còn giao động trước nhan sắc quá diễm lệ của cô gái ngồi bên cạnh. Tất cả sinh viên trong phòng đứng lên chào đón sự hiện diện của thầy và khi mọi người từ từ ngồi xuống, Thao không thể không quay nhìn cô gái ngồi kế bên, cùng lúc cô gái cũng liếc nhẹ nhìn Thao cười mỉm. Chàng ngất ngây và chới với bởi nụ cười duyên từ cô gái vừa ban cho. Thao muốn ngỏ vài lời với cô gái vừa lúc trên bục cao giáo sư bắt đầu bài giảng, ở dưới sinh viên im lặng lắng nghe và ghi note. Thao cũng lấy quyển note để trước mặt, mắt chàng hướng nhìn thẳng lên bục cao nhưng tâm trí chàng cứ quẹo phải mãi thôi.

Chẳng biết cô gái vô tình hay cố ý, cây viết đang cầm trên tay bỗng rơi xuống đất. Một cách ga lăng Thao liền cúi xuống nhặt lên trao cho cô gái kèm theo ánh mắt đắm đuối và nụ cười say đắm. Cô gái nhìn thẳng Thao, cười nhẹ đón lấy cây viết, không nói lời gì. Ánh mắt đẹp của cô gái nhìn Thao một cách hiền hòa và thân thiện như giúp chàng chàng tìm cách kết thân. Thay vì ghi bài thầy giảng, chàng viết trên trang note mình: “Tôi tên Thao, ước ao được làm bạn với cô. Mong được biết tên cô". Ghi xong chàng cố tình để trang giấy cho cô gái nhìn thấy “lá thư” làm quen của mình. Không chờ đợi lâu Thao thấy cánh tay trái của cô gái duỗi thẳng xuống, như vô tình để trang giấy cho chàng nhìn thấy dễ dàng hơn. Lòng chàng mừng vui khôn xiết vì sự hồi âm mau chóng của cô gái. Chàng liếc thấy trên trang giấy cô gái chỉ viết một chữ: "Thao?". Chàng phỏng đoán cô gái không thấy được nét chữ trên trang giấy chàng nên hỏi lại tên mình. Vì vậy lần thứ nhì chàng hớn hở viết rất rõ ràng: “Phải, tôi tên Thao. Hứa sẽ là người bạn tốt nếu cô cho biết tên". Chàng duỗi cánh tay phải xuống cốt cho cô gái thấy “dòng lá thắm” của mình rõ ràng hơn.

Hình như cô gái múm mím cười, mắt nhìn thẳng lên bục gỗ như thực sự lắng nghe thầy giảng. Cô gái không trả lời vội “thư làm quen” của Thao và như cảm nghiệm sự đợi chờ của chàng, cô gái cười nhẹ viết chỉ một chữ như lần đầu: “Thao?". Lòng chàng ngạc nhiên khi thấy lần thứ nhì cô gái cũng ghi trên trang giấy trắng duy nhất một chữ như thế. Chàng nhíu mày suy nghĩ. Hoặc có thể cô gái có đôi mắt cận thị khá nặng không thấy được hàng chữ chàng viết? Hoặc cô gái khước từ lời làm quen nên giả vờ hỏi tên chàng? Thao nhủ lòng cố gắng lần chót thử xem cô gái có còn ghi một chữ hỏi tên mình là gì nữa hay không? Vì vậy Thao viết trên trang giấy mình với nét chữ to lớn và đậm nét như sau: “ Tên tôi là Thao, là Thao. Cho biết tên cô nếu nhận tôi làm bạn?”. Cô gái bắt Thao chờ khá lâu, rồi với nét mặt thản nhiên cũng viết một chữ: "Thao?". Khuôn mặt chàng trắng bệch toát ra nỗi thất vọng não nề khi lần thứ ba cô gái vẫn không thay đổi, chỉ viết một chữ như lần đầu trên trang giấy hồi âm.

Sau hơn hai giờ giáo sư Thúc đứng dậy chấm dứt buổi giảng. Toàn thể sinh viên cũng lần lượt đứng lên nói cười với nhau rồi tuần tự bước ra giảng đường. Sánh vai nhau đi đến nơi lấy xe Tiến hỏi:

- Sao, ông có làm quen với cô gái ngồi bên cạnh ông không?

Không muốn nói dối với bạn, cũng không muốn bạn biết được nỗi nhục nhã bị cô gái trêu đùa mình nên Thao trả lời:

- Ông có thấy tôi mở miệng nói lời nào với cô gái không?

- Tôi thấy ông cúi xuống ghế lượm cây viết giùm cô ta.

- Bởi cây viết rớt ngay xuống ghế tôi, bắt buộc tôi phải lượm giùm thôi.

- Ông không nghĩ cô ta giả vờ để rơi cây viết, tạo cơ hội cho ông làm quen hay sao?

Thao cũng nghĩ như Tiến nói nên mới lạc quan ngỏ lời kết thân với cô gái có dung nhan diễm tuyệt như tiên nữ giáng trần. Không ai biết, kể cả Tiến, Thao đã âm thầm và kín đáo thả lời giao duyên với cô gái và đã bị cự tuyệt thầm kín trên tập vở trắng tinh. Vừa lúc ấy Tiến dừng lại nói chuyện với cô bạn thường vào ngồi học bài với Tiến trong Thư Viện Quốc Gia. Thao chờ Tiến ở chỗ lấy xe để hai đứa đi uống cà phê như thường lệ. Lát sau Tiến gặp Thao cười nói:

- Cô đó tên Huệ, hỏi tôi có lấy note đầy đủ bài giảng của thầy Thúc không cho cô ta mượn.

Rồi Tiến cười tiếp tục nói:

- Cô ta cười xòa mỗi khi nghe bọn tôi gọi bằng Huê-nặng.

Thao cũng cười tiếp lời Tiến:

- Hình như bạn có em trai tên Hội phải không?

Bỗng nhiên Thao ngưng cười và nói nhanh với Tiến:

- Ông đến quán cà phê Hân trước đi, chờ tôi, tôi phải trở vào giảng đường.

- Ông bỏ quên cái gì hỡi?

- Tôi sẽ cho ông biết sau.

Nói xong Thao đi trở nhanh về giảng đường để tìm cô gái ngồi kế bên mình. Giời ạ! Thao thầm nói, cô gái với nét đẹp mê hồn như thế mà tinh nghịch hết biết! Nếu Tiến không gặp cô bạn tên Huệ, chắc Thao không thể khám phá ra tên cô gái ngồi bên cạnh. Ngó quanh vào giảng đường Thao thấy trống rỗng, không còn ai. Bóng cô gái đẹp như một thiên thần đã khuất.

Lủi thủi quay về bãi đậu xe Thao tự khiển trách mình đã ngu dại không biết tinh ý của cô gái mỹ miều ngồi bên cạnh. Cô gái đã trả lời đến lần thứ ba tên cô là Thảo, thế mà chàng không nhận ra để rồi vì tự ái mà bỏ cuộc kết thân. Không ai khờ khạo như chàng! Tên chàng ghép với dấu hỏi thành ra tên nàng là Thảo. Thao cảm thấy hổ thẹn với người con gái có nhan sắc chim sa cá lặn và cũng ranh mãnh, tinh quái hết sức! Tự trách mình một phần nhưng lòng chàng lâng lâng vui sướng đến mười phần, vì Thảo đã đẩy đưa và đáp lại duyên tình mà chàng không sáng suốt nhận biết. Lững thững đi trở lại bãi đậu xe, chàng cảm thấy chiều nay trời trong xanh đẹp dịu vợi như tà áo xanh được khoác lên người Thảo vậy.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê với Tiến, Thao kể cho bạn nghe về người con gái ngồi bên cạnh rồi kết luận:

- Đau thật. Tôi công nhận mình ngốc nặng quá!

- Ừ, cô gái nầy nầy tinh nghịch gớm!

Rồi Tiến đăm chiêu:

- Tôi đi course đều lắm, sao không gặp cô gái nầy bao giờ?

- Hy vọng tuần sau cũng giờ giáo sư Thúc chúng ta sẽ gặp lại nàng.

Thao và Thảo sau đó đã trở thành bạn quen, nhưng đúng ngày chàng viết lá thư tỏ tình mang vào lớp để trao tay thì nàng bỗng biến mất. Tuần lễ sau và những tuần lễ sau kế tiếp ở giờ Kinh Tế Học, chàng không còn gặp lại Thảo! Nàng như loài chim Uyên trên thiên đàng lạc xuống trần gian, tạm đậu trên vai Thao rồi cất cánh bay vút trên trời xanh.

Bóng hình Thảo biền biệt, mất hút. Tiến giúp bạn đi hỏi thăm về Thảo nhưng hoài công. Mỗi ngày Thao mang bộ mặt vô hồn đến lớp, mắt luôn đảo quanh kiếm tìm đối tượng đã làm tim chàng rướm máu. Trong đầu Thao trống tuếch dù kỳ thi cuối năm sắp đến. Tiến nhiều lần cảnh báo chàng và đồng thời tiêm vào chàng tia hy vọng:

- Tên bạn và tên cô gái có thể được xếp ngồi kế bên nhau trong kỳ thi. Bạn không gắng lo bài vở coi chừng kết quả kỳ thi, bạn sẽ mang lấy tủi thẹn với cô nàng lần nữa đấy.

Thao mong cho lời bạn mình đúng để chàng có cơ hội lần thứ hai gặp lại người con gái một lần giáp mặt ngàn đời nhung nhớ. Nhưng rồi kỳ thi năm đó và tiếp nối đến năm cuối cùng ra trường chàng không còn thấy bóng hình Thảo. Nàng con gái với nét đẹp như thiên thần đã bay cao và bay xa, để lại trong Thao niềm thương nhớ miên man khôn xiết! 

"Tên nàng cùng với tên anh,

Xóa đi dấu hỏi chỉ thành một tên...

*

*

Thao ngừng xe trước một căn nhà hai tầng trong khu phố sang trọng, yên tĩnh. Thời sinh viên ở Sài gòn, chàng trai mới lớn đã thúc thủ, không cách gì tìm nổi tung tích nàng, nhưng tại Mỹ thì khác.

Như có hẹn trước khi chàng bấm chuông, Thảo bước ra với nụ cười tươi mở cửa mời đón khách. Chỉ ghế mời Thao ngồi nàng đi vào trong lấy nước giải khát cho chàng. Ngồi xuống Thao tự mỉm cười mãn nguyện khi nhớ lại từ tiểu bang Minneasota trở về nhà, chàng lấy số phone trong quyển sách của tác giả Uyên Ly và gọi cho Thảo. Không ai bắt phone dù chuông điện thoại reo khá lâu, Thao định cúp máy thì một giọng nói ngọt ngào trả lời chàng. Thao xưng tên và cho nàng biết chàng chính là người được nàng ký tên một chữ đặc biệt, là Thao kèm theo dấu hỏi, giống hệt nét chữ ngày xưa ở Viện Quốc Gia Hành Chánh. Chàng nghe tiếng Thảo reo vui trong phone:

- Thảo vui khi biết anh còn nhớ chuyện năm xửa năm xưa.

- Làm sao tôi quên được nỗi ngu ngơ của mình ngày xưa. Hôm nay gọi đến để cầu xin sự thứ tha nơi Thảo về sự mù lòa của mình đã không nhận ra Thảo trong buổi ra mắt sách.

- Thảo không ngạc nhiên điều nầy đâu anh, bởi vì đàn bà thường chóng già hơn đàn ông các anh. Có điều là...

Thấy câu nói bị bỏ lửng, Thao nhắc:

- Thảo vừ nói có điều là... Xin cho nghe tiếp.

Tiếng nàng trong trẻo:

- Có điều là... từ buổi ra mắt sách, Thảo biết là anh sẽ gọi lại.

- Không chỉ gọi mà còn bấm chuông trước cửa nhà nữa.

- Dạ, Thảo biết...

Và thế là Thao tới. Và kìa, Thảo bước ra với hai ly nước trên tay và ngồi xuống ghế đối diện với chàng. Hai người kể nhau nghe về những kỷ niệm đã qua, về hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại tưởng như hai người là bạn thiết với nhau từ lâu lắm rồi.

Theo lời Thảo kể, lúc đang theo học năm thứ nhất Luật khoa và ngồi bên Thao trong giảng đường rộng lớn ở Viện Quốc Gia Hành Chánh, ba má nàng bắt gả cho ông anh họ xa là một trung úy bác sĩ quân y, lớn hơn nàng đúng một con giáp. Nàng không chịu viện cớ còn quá trẻ chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân và đòi tiếp tục việc học. Nhưng phong tục cổ hủ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó vẫn còn tồn tại trong các gia đình Việt Nam, Thảo khóc hết nước mắt mấy ngày liền miễn cưỡng giã từ bạn bè và trường lớp bước lên xe hoa về nhà chồng. Vì chồng nàng phục vụ trong một quân y viện trên miền cao nguyên Ban Mê Thuột, nên hưởng xong tuần trăng mật nàng phải theo chồng về sống trên đó. Khi thành phố Ban Mê Thuột mất chồng nàng bị bắt làm tù binh đến hơn ba năm sau mới được tha về. Vài năm sau vợ chồng nàng là những thuyền nhân may mắn cập bến tới đảo Ga Lăng, Indonesia. Và hơn một năm sau vừa sinh hạ đứa con trai đầu lòng ở trên đảo, vợ chồng nàng được em gái của chồng bảo trợ đến nước Mỹ. Nàng phải đi làm nail bảy ngày một tuần để giúp chồng học lấy bằng hành nghề bác sĩ trở lại. Nhưng cuộc hôn nhân của nàng chấm dứt ngay sau khi chồng nàng hoàn tất việc học, bởi vì chồng nàng đã ngoại tình với một bác sĩ mắt xanh tóc vàng cùng trường. Nàng được trọn quyền nuôi con và hưởng trợ cấp tiền nuôi dưỡng đứa con từ người chồng bạc nghĩa vong tình. Thảo thôi làm nail, ở nhà chăm sóc con, thời giờ rảnh rang nàng trở lại thú vui cầm bút như khi sống ở thành phố đất đỏ, buồn heo may là Ban Mê Thuột.

Từ khi gặp lại Thảo, người con gái tinh nghịch viết tên mình bằng tên chàng với một dấu hỏi, cuộc đời chàng có nhiều ý nghĩa, như có ngọn gió bất ngờ thổi tan mây đen làm mặt trời ló dạng.

Một lần, Thao hỏi Thảo:

- Em biết bài thơ "Tình Già" của nhà thơ Phan Khôi không?

- Đương nhiên. Anh quên Thảo từng là “nữ sĩ” à? 

Nàng đùa và đọc trọn bài thơ.: 

“ Hai mươi bốn năm sau.

Tình cờ đất khách gặp nhau.

Đôi cái đầu đều bạc.

Nếu chẳng quen lung.

Đố nhìn ra được....”

-Đủ rồi, Thảo. Không đọc thêm nữa. Hơn hai mươi năm trước, Thảo nhớ hai đứa tuy học luật nhưng cùng mê văn chương, có lần chúng ta hẹn sẽ gặïp nhau sau giờ giảng của thầy Vũ Quốc Thúc. Trước ngày hẹn, Thao đã thức gần trọn đêm viết cho Thảo lá thư tình đầu đời. Trong thư có câu thơ thế này: “Tên nàng cùng với tên anh. / Xóa đi dấu hỏi

là thành một tên”. Khi lá thư được mang đến lớp thì Thảo đã biến mất. Hơn hai mươi năm, Thao không ngừng tìm kiếm, mãi đến nay mới được gặp nhau. Chúng ta giống mà không giống bài thơ của Phan Khôi. Cái dấu hỏi năm xưa, chắc đã tới lúc phải xoá đi. Anh chờ ý kiến Thảo.

Khuôn mặt Thảo nhoà nước mắt nhưng sáng lên nụ cười:

- Từ khi qua Mỹ em tự tiện xử dụng tên anh mà không sợ anh kiện ra tòa, bởi vì tên đôi ta viết và đọc không khác nhau gì hết. Anh khôn quá, cái tên anh khiến em nhớ hoài đến anh cùng với kỷ niệm êm ái ở giảng đường Viện Quốc Gia Hành Chánh ngày xưa.

- Em có thấy, chính vì kỷ niệm đó khiến anh kéo lê cuộc sống độc thân chờ em tới hôm nay.

Đưa tay vuốt tóc nàng Thao nói tiếp:

- Nếu ngày xưa anh đừng bị vô minh che lấép, có thể chúng mình đã thành phu phụ với nhau và sinh ra vài ba đứa con rồi.

- Em sợ nghĩ đến điều nầy lắm anh ạ. Giả thử đôi mình lấy nhau lúc trẻ, biết đâu...

Thao ngưng ngang câu nói rồi thở dài, đăm chiêu.

*

Thao chậm xe lại để quẹo phải vào exit, chạy đến đèn đỏ rồi quẹo trái con đường Valley tiến vào thành phố Alhambra, khu phố người Hoa nơi Cathy cư ngụ với song thân. Nàng đã xin nghỉ làm vài tuần lễ ở nhà săn sóc người mẹ lâm bệnh nặng và hôm nay Thao mới có dịp ghé thăm. Trao bó hoa và rổ trái cây cho Cathy chàng hỏi:

- Bệnh tình bác gái thế nào rồi, muội ?

- Cám ơn huynh ghé thăm. Muội mong gặp huynh nhiều lắm.

- Trông muội ốm hẳn đi. Chắc ít ngủ lắm phải không?

- Thế à. Mẹ muội vừa mới chợp mắt, chúng mình ra Patio ngồi đi.

Thao nối gót theo Cathy bước vào Patio ngồi để trốn ánh nắng ban trưa vẫn còn chiếu xuống sau vườn. Đưa lon nước ngọt cho chàng Cathy hỏi:

- Cho muội biết công việc trong sở ra sao?

- Vẫn bình thường. Muội đừng lo, có sự thay đổi nào huynh cho muội biết ngay. Nhưng có vài rumor về muội, muội muốn nghe không?

- Làm ơn nói muội nghe nhanh đi huynh.

Thao ngập ngừng giây lát, quay mặt nhìn ra vườn rồi nhìn Cathy chầm chậm nói:

- Họ nói ông David cầu hôn với muội.

- Chuyện nầy cũ rích rồi huynh à. Muội nghĩ chắc còn điều gì nữa mà huynh không muốn cho muội biết.

- Họ còn nói lần nầy muội đã gật đầu ưng thuận.

Nỗi buồn hiện rõ trên nét mặt Cathy bởi như mọi lần nghe người ta đồn rầm như thế, nàng không thấy Thao có một phản ứng sợ hãi mất nàng chút nào cả. Tình yêu là cái chi chi khiến ai vướng vào cũng đều khổ đau hết! Nàng đã nhiều lần oán trách Thao có "Cash-in Hand" trong tay mà không chịu nắm lấy, có khác nào tự mình trách mình. David là nhân vật số hai trong sở, ly dị với vợ từ lâu và đã đeo đuổi nàng một cách công khai từ nhiều năm qua, nàng có thèm bắt lấy đâu. Nhưng lần nầy có thể Cathy không thể đợi chờ Thao được nữa, vì vậy nàng nghiêm nghị trả lời:

- Đó chỉ là rumor không thật đâu, nhưng sau nầy rồi sẽ trở thành sự thật huynh à.

- Huynh thấy David ngoài địa vị cao còn là người đàn ông hiền từ và đạo đức.

Nhìn Thao với ánh mắt tức tối Cathy gằn giọng:

- Muội không cần nghe huynh ngợi khen ông ta đâu. Huynh có biết lý do vì sao muội phải ưng thuận lời cầu hôn của David không?

- Huynh đang lắng nghe đây.

Khuôn mặt trầm buồn như muốn nhỏ lệ, Cathy từ từ kể Thao nghe mẹ nàng vừa biết mang bệnh ung thư gan và theo lời của nhiều bác sĩ, trừ phi có phép lạ nào, sinh mạng mẹ nàng chỉ kéo dài trong vòng nửa năm mà thôi. Vì vậy bà bắt nàng hứa phải lấy chồng trước khi bà lìa đời. Bị đặt vào hoàn cảnh bó buộc Cathy đành phải hứa vâng lời trăn trối cho mẹ an vui trước khi bước sang thế giới khác. Ai cũng biết phong tục người Hoa rất thủ tín, nhất là đối với người sắp sửa qua đời. Nhưng nàng lấy ai cho vui lòng người mẹ trước khi nhắm mắt?

Một người là xếp nàng, địa vị cao cả, sang giàu, thật tình yêu thương nàng và đã cầu hôn nàng hai lần rồi, ở hai mùa Valentines qua. Còn một người gần gủi với nàng từ mười mấy năm qua mà nàng hết dạ thương yêu lại không muốn chia cơm sẻ áo với nàng. Hai dòng lệ lăn dài xuống má khi Cathy kể tới đây trong khi Thao ngồi bất động, hai bàn tay nắm chặt đè nén cơn xúc động đang dâng trào trước nghịch cảnh éo le của người bạn gái thân thiết bấy lâu qua. Chàng không đành nói cho Cathy biết về dự tính hôn nhân của chàng với người tình trong mộng mà chàng đã tìm gặp. Hai người trao đổi thêm vài câu chuyện nữa rồi Thao đứng lên ra về.

*

Cuộc tình Thao Thảo vẫn ngày càng khắng khít, đến mức hai người cùng tính tiến hành việc phải sống bên nhau một cách chính thức.

Từ hai ba tuần qua, chàng và Thảo đã ghé qua nhiều cửa hàng may áo cưới, cùng những nơi khác liên quan đến việc cưới xin. Không biết vì lý do nào Thảo không ưng ý bộ áo cưới nào hết. Hai người còn ghé vào mấy nhà in, xem nhiều mẫu thiệp cưới, nhưng nàng cho biết không có mẫu thiệp cưới nào hợp với ý thích nàng cả. Qua ngày hôm sau hai người dừng chân trước nhiều tiệm kim hoàn. Đi mỏi cả chân rốt cuộc hai người trở về tay không, bởi vì Thảo vẫn không thấy chiếc nhẫn cưới nào vừa mắt và hẹn tuần sau sẽ đi xem lại.

Thao cảm thấy khó hiểu về việc Thảo chối từ tất cả việc mua sắm cho hôn lễ của hai người. Hình như nàng chất chứa một tâm lý sợ hãi nào đó khi đối diện việc hôn nhân lần thứ hai với chàng?

Giải quyết công việc được vài tiếng Thao mở hộp thư email và sửng sốt thấy email khác thường của Thảo.

Thư viết khá dài. Thảo nhắc lại thờichưa biết hương vị ngọt bùi của tình yêu thế nào, nàng đã bị song thân ép buộc lấy chồng, bắt mặc áo cưới, đeo nhẩn cưới, ngồi xe hoa. Thêm nữa, người cha ruột của đứa con trai nàng, sau một thời gian ngắn chung sống với nữ bác sĩ tóc vàng đã đường ai nấy đi nên muốn trở về với nàng. Bởi không muốn thấy đứa con mình lớn lên sống trong cảnh không cha. Bởi sự hồi tâm ăn năn và sám hối của người chồng muốn quay đầu về mái nhà xưa. Và bởi như con chim bị đạn sợ đậu cành cong không muốn mặc áo cưới lần thứ hai, Thảo trân quý tình cảm mặn nồng nơi chàng dành cho nàng, nhưng khẩn xin chàng hảy quên nàng đi để không trở thành oan gia với nhau.

Đọc xong lá thư, Thao thấy ngực nhói đau rồi bỗng dưng chàng gục đầu xuống bàn. May mà chỉ ít phút sau đó, Cathy bước vào phòng làm việc của Thao để hai người cùng đi ăn trưa như mọi ngày. Thấy chàng gục đầu trên bàn giấy, một điều chưa bao giờ Cathy trông thấy nơi Thao từ mười mấy năm làm việc chung với nhau. nàng biến sắc và hốt hoảng bốc điện thoại bấm số 911. Sau đó nàng chạy ra thông báo cho mọi người biết tình trạng hôn mê của Thao.

Sau năm ngày điều trị trong bệnh viện Kaiser ở Los Angeles Thao xuất viện với một tinh thần khá ổn định, nhưng nửa thân thể bên phải không cử động môt cách bình thường được. Theo lời bác sĩ cho Cathy biết chàng bị stroke nhẹ. Bởi may mắn được nàng phát giác đúng lúc, xe cứu thương đến kịp thời nên nảo bộ Thao không bị gì hết, trí óc hoạt động bình thường, chỉ có tứ chi bên phải bị liệt. Ngỡ người đàn bà nói chuyện với mình là hiền thê của bệnh nhân, vị bác sĩ già căn dặn Cathy:

- Bà đừng để ông nhà ăn fast food và đồ mặn nhiều quá. Hảy nên ăn nhiều rau và trái cây mới giảm bị stroke.

Và vị bác sĩ lạc quan nhấn mạnh với Cathy rằng sau thời gian tập luyện therapy, chừng nửa năm thôi chàng sẽ khôi phục như xưa.

*

Trong bộ áo tràng màu nâu Thao và Cathy ngồi bán già đối diện cách nhau khoảng một lối đi trên tọa cụ, nhíp mắt lại tọa thiền, hít vào thở ra theo bài kệ của thầy Nhất Hạnh:

Hít vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời.

Ngoài việc đến bệnh viện tập therapy mỗi tuần hai lần, Thao còn bị Cathy bắt ngồi thiền với nàng, ban đầu thiền định khoảng nửa giờ, sau tăng dần lên một giờ mỗi ngày. Hiệu quả rơ rệt của việc thiền định khiến chỉ trong vòng ba tháng thôi, tay chân Thao đã cử động được gần như bình thường. Chừng một giờ sau Thao ngưng hít vào thở ra, mở mắt thấy Cathy vẫn còn nhập định, chàng cười mỉm và thầm nghĩ nếu mà Cathy mặc bộ đồ màu trắng toát, thì trông nàng không khác nhân vật Tiểu Long Nữ ngồi đối diện với chàng luyện võ. Cathy mở mắt ngưng thiền hỏi:

- Điều gì làm huynh khoái chí cười khì vậy?

- Muội nhắm mắt sao thấy huynh cười hỡi?

- Huynh làm gì nghĩ gì muội biết hết.

- Nói thử xem vì sao huynh thầm cười?

- Huynh đang nghĩ xấu về muội. Đúng không?

Nhìn Cathy một cách say đắm Thao chậm rãi nói:

- Sau tai nạn huynh mới thấy thực tại hiện tiền là quí giá nhất trong đời. Muội ngồi trước mặt huynh đây như viên kim cương vô giá, huynh phải nhanh tay cất dấu để khỏi lọt vào tay ông David.

Hơn mấy tháng qua Cathy thấu hiểu tâm trạng Thao biến đổi ra sao kể từ ngày chàng nằm hôn mê trên bàn làm việc. Cặp mắt chàng toát ra nỗi trìu mến thương yêu một cách sâu kín đến nàng, như thể từ đây không muốn xa nàng một phút giây nào hết.

Còn nỗi niềm sung sướng nào hơn khi mà nàng đã đợi chờ suốt thời gian dài, chàng bây giờ mới thực sự thuộc về nàng. 

Vẫn trong tư thế ngồi bán già Thao cố gắng xê dịch chiếc tọa cụ đến gần sát mặt chạm mặt với Cathy, âu yếm hỏi:

- Huynh mới biết tuần sau sẽ đến ngày lễ Tình Nhân phải không muội?

- Ông David sẽ cầu hôn muội lần nữa đó.

- Năm nay có thêm một người cầu hôn muội. Muội chọn ai?

- Ai vậy? Nói muội nghe. 

Bỗng thấy dưới thảm có sợi thun tròn nhỏ, Thao lượm lên, cầm bàn tay phải Cathy và lồng vào ngón tay áp út tình tứ nhìn nàng:

- Huynh thành tâm cầu hôn muội. Muội đừng chối từ nhe.

Giọt nước mắt hạnh phúc dâng trào lã chã rơi xuống má, Cathy vội ngả vào lòng Thao thì thầm:

- Huynh ác lắm, bắt muội đợi chờ phút giây nầy ròng rã từng ấy năm trời.

- Xin muội thứ tha cho sự vô minh của huynh đã không biết bên mình có viên ngọc quí, suốt tháng ngày dài rong ruổi tìm bắt bóng trăng dưới nước.

Thao luồn bàn tay bên phải vén mái tóc đậm đen và óng ả của Cathy, còn bàn tay trái ghì chặt người tình lý tưởng vào lòng thì thầm:

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời!

Phạm Thái

Ý kiến bạn đọc
11/03/201219:54:43
Khách
Kết thúc câu truyện thật là hay! Đôi khi người ta cứ chạy theo những ảo tưởng trong cuộc đời mà không trân quý những gì mình đang có trong tay.
12/03/201215:37:32
Khách
Chân thành cám ơn rất nhiều sự nhận xét chính xác của Melody. Và cũng xin cám ơn lời ngợi khen của Melody ở bài trước.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,725,676
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật trong ba tập truyện của Phạm Thành Châu đã xuất bản, phải kêu là tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế. Nhân vật trong truyện mới của ông Châu sau đây còn “trên cả tuyệt vời”, nói theo kiểu các trang mạng phổ biến từ trong nước.
Tác giả là một dương cầm thủ đồng thời là nhà văn, có nhiều CD và sách đã xuất bản, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là truyện ngắn mới của bà dành cho mùa giáng sinh đang tới.
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. 9, hiện định cư tại Greenville, South Carolina, tham dự Viết Về nước Mỹ từ 2002. Tác phẩm đã xuất bản: Hành Trình Về Phương Đông. Sau đây là hai bài viết mới của ông.
Tác giả là cư dân Roches- ter, NewYork. Hình ảnh và bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả được chuyển tới bằng điện thư, được giới thiệu như sau:
Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù công sản, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng, và sự lạc quan, yêu đời. Bài viết mới nhất là một họp mặt trường cũ, với niềm vui của tình thầy trò.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, 2000, hai lần nhận giải thưởng, đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết từ ba năm qua. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Với một loạt truyện tự sự khác thường về đề tài đồng tính và sức mạnh gia đình, Lê Thị đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2012. Tác giả, 35 tuổi, cho biết đã đến Mỹ khi còn là một cậu bé “tiếng Việt chưa đủ vốn, tiếng Anh dăm ba chữ chập choẹ,” hiện hoạt động trong ngành thiết kế thời trang tại New York và Chicago. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau: Chủ nhiệm tuần báo Phù Sa, phát hành tại bắc Cali vào những năm 1990.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Bài dự viết về nước Mỹ gửi từ Sài Gòn bằng email, được đăng nguyên văn, không thêm bớt. Bài viết ngắn, tác giả 30 tuổi, cho biết đây là những câu hỏi mong được các chú bác anh em ở Mỹ trả lời.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến