Hôm nay,  

Trái Táo Cắn Dở

21/01/201200:00:00(Xem: 282013)

Trái Táo Cắn Dở

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 3462-12-28932vb7012112

Tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận giải vinh danh tác phẩm 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. “Trái Táo Cắn Dở” là bài viết tưởng niệm Steve Jobs, được trích từ báo xuân Việt Báo năm Nhâm Thìn của một thiếu nữ thuyền nhân Việt, ới Mỹ vào thời của chiếc MAC 2. ghi là “Viết cho H4, H5 - Kính tặng các Thầy Cô dạy Toán thời Trung học của em.”

steve-jobs-mac1-large-contentsteve-jobs2-large-contentSteave Jobs, thời của chiếc MAC 2, và ảnh tưởng niệm ông do Apple phổ biến.

*

Cuộc đời cùa thiên tài Steve Jobs mãi mãi ngừng ở tuổi 56 để lại tiếc thương cho cả triệu người khắp thế giới. Đóng góp cùa ông cho khoa học đã tạo cảm hứng cho họa sĩ Gudjonsson vẽ hình ông cầm trái táo đứng trước cửa thiên đường, kèm theo lời chú thích: "Có ba trái táo trong lịch sử của nhân loại : trái táo của ông Adam, trái táo của ông Newton, và trái táo của ông Jobs.”

Trái táo cùa ông Adam, trong lãnh vực tôn giáo, là một hình tượng so sánh nhiều hơn là hình ảnh cùa những trái táo xanh , đỏ, vàng bán ở chợ. Trái táo của ông Newton lẫy lừng trong lịch sử khoa học, là một trái táo thật tròn trĩnh, -rớt từ trên cây xuống ngay trước mặt nhà bác học-, đẻ ra lực hút của trái đất cùng nhiều định luật vật lý đóng góp cho mọi ngành khoa học, đặc biệt là kỹ nghệ hàng không, và thám hiềm không gian. Nhưng trái táo, bị cắn mất một miếng, của ông Jobs thì rất thật và rất gần với đời sống của nhân loại cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, là logo của Công Ty Apple, luôn nằm ở môt góc những sản phầm kỹ thuật của Công ty này.

Máy personal computer (PC) Apple 2 được giới thiệu ở thị trường tiêu thụ Mỹ cuối năm 1977, khi những người Việt Nam tỵ nạn đầu tiên vẫn còn bở ngở ở một môi trường sống mới. Những em bé Việt Nam đến trường học Mỹ cuối thập niên 70s là những người Việt Nam đầu tiên quen thuộc với hình ảnh trái táo có màu sắc cầu vòng - bị cắn lẹm mất một miếng ở bên trên - ở góc trái của cái computer Apple 2 vuông vức nằm chểm chệ trong phòng Science Lab của trường. Nhiều trong số em bé Việt Nam năm đó, về sau đã trở thành những kỹ sư computer giỏi cả về cả hai mặt software và hardware, thầm lặng góp phần "behind the sence" cho các sản phẩm kỹ thuật càng ngày càng thon nhỏ, tối tân hơn.

Khi tôi xách cái túi nylon của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đặt chân đến Mỹ, cuộc chiến kỹ thuật và thương mại giữa IBM và Macintosh (sản phẩm của Công Ty Apple) đã đến hồi quyết liệt mà phần thắng có vẻ nghiêng về IBM. Doanh số bán máy computer Macintosh kém xa mức dự đoán. Rất thực dụng kiểu Mỹ, không tình nghĩa, Ban Điều hành của Apple, Inc. đẩy ông Steve Jobs ra khỏi Công ty do chính ông (cùng một người bạn thời Trung học là Steve Wozniak) góp phần xây dựng nên vì lý do IBM hấp dẫn người mua hơn là Macintosh. Nhiều người bò xó, hoặc cho Macintosh để quay qua mua PC của IBM về sử dụng. Sức bán cùa Apple 2 thua xa doanh số của IBM. Lúc đó là vào cuối thập niên 80s, một cái Apple 2 (tên gọi thông thường là Macintosh PC để phân biệt với IBM Computer) vào khoảng một ngàn ba trăm dollars.

Thời đó, computer labs ở các trường Đại học có hai bên: một bên là IBM Computers, một bên là Apple Computers. Máy personal computer (PC) còn đắt tiền nên đa số sinh viên phải vô lab để làm bài tập vì không có PC ở nhà. Thường thì nếu muốn dùng computer IBM phải chờ đợi, nhưng nếu dùng Macintosh thì lúc nào cũng có máy trống. Thấy rõ điều đó, nhà trường mở rộng IBM section, và thu hẹp Apple section. Ai vào lab thường xuyên đều thấy computer của IBM thắng thế rõ rệt so với Macintosh. Đó có lẽ cũng là lý do mà sau thất bại của máy điện toán cá nhân Apple 3, Công ty Apple ngưng sản xuất computer, quay qua sản xuất các note book, và iphone.

Ba "tài sản quý giá" đầu tiên ở Mỹ của một người tỵ nạn như tôi lúc đó là: cái xe Toyota Celica cũ đã 12 tuổi màu nâu (để làm chân đi học, đi làm) , một cái TV mới 13 inches (đề improve cách phát âm tiếng Mỹ) , và một cái PC cũ có logo trái táo với màu sắc cầu vòng nằm trong cái khung vuông vức, mà mãi về sau, tôi mới biết đó là Apple 2, một trong những công trình tim óc cùa hai thiên tài cùng mang tên Steve (Jobs và Wozniak).

Một người bạn, là một người di tản buồn từ tháng 4/75, mua một cái IBM PC mới, thấy tôi mới khởi đầu vào College với hai bàn tay trắng, không có ba mẹ bên cạnh nâng đỡ ; cần làm bài tập nhiều, anh cho tôi cái computer cũ Apple 2. Khỏi nói nỗi vui mừng của một người mới vào College có được một cái desktop computer làm của riêng ờ vào cuối thập niên 80. tôi quý Apple 2 ngang với cái Toyota Celica mười hai tuổi mua bằng cả tháng lương đầu tiên của mình. 

Mãi về sau, sau này, dù đã được sử dụng và làm chủ 3 hay 4 computers cùng lúc, dù luôn luôn thích IBM hơn Macintosh, tôi không nở đem cho, hay quăng đi cái Apple 2 cũ kỹ . Không chỉ vì đó là tài sản vô giá của tôi trong những ngày đầu lưu lạc quê người, đó là món quà tình nghĩa quý báu, mà còn vì Apple 2 có hình trái táo cắn dở với màu sắc cầu vồng cho tôi niềm tin muôn màu ở quê hương thứ hai.

Khả năng thư pháp học được từ một sermester duy nhất ở Đại học của Steve Jobs và khả năng tiềm ẩn về hội họa cùa ông đã làm Apple 2 thành một công cụ không thề thiếu trong công việc của những người làm việc trong lãnh vực graphic design, vẽ kỹ thuật.

Nhưng những người dùng computer trong thương mại hay như một cái kho lưu trữ tư liệu cần thiết thì mê IBM hơn. Do vậy không ngạc nhiên khi Apple không thể nào sánh được với IBM trong doanh số tiêu thụ. Thất bại này như “một viên gạch mà cuộc đời liệng thẳng vào mặt” Steve Jobs như ông tự thú trong trong diễn văn nói chuyện với các sinh viên trường Đại học tư Stanford ở thành phố Palo Alto, quê nhà của ông. Có lẽ đó cũng là lý do mà Macintosh computers chỉ có Apple 1, Apple 2, mãi mãi dừng lại ở Apple 3 non trẻ chết sớm , mà không bao giờ có Apple 4 tiếp nối.

Apple 1 được tạo nên bởi Jobs và Steve Wozniak, một người bạn lớn hơn từ thời Trung học, cùng có đam mê phát minh máy móc như Steve Jobs. Hai ông Steve, cách nhau 5 tuổi, người nhỏ chững chạc hơn, người lớn hồn nhiên hơn số tuổi của mình, cùng đam mê sáng tạo khoa học, nên trở thành một teamwork bình đẳng rất hữu hiệu. Hai chàng trẻ tuổi thông minh, cùng bỏ học ở năm đầu Đại học, cần cù làm việc vì đam mê ngay trong phòng của ông Jobs (lúc đó vẫn còn ở chung với cha mẹ nuôi) . Những linh kiện điện tử (single circuit board. microprocessor) -được mua từ tiền bán chiếc xe Wolkswagon Van cũ của Jobs, và cái máy tính điện tử scientific calculator HP 65 của Wozniak- , càng ngày càng nhiều đầy căn chung cư một phòng của ông Wozniak ở San Jose , đầy phòng của ông Jobs Los Altos , California , rồi lấn chiếm cả garage của cha mẹ ông Jobs. Chiếc máy điện toán cá nhân được hoàn thành, ông Steve lớn (Wozniak) là người thiết kế, viết thảo chương điện toán , và trực tiếp ráp nối với sự góp ý và giúp sức của ông Steve nhỏ (Jobs), được đặt tên là Apple 1. Nhưng việc bán chiếc máy ra thị trường và lập nên Công ty Điện toán Apple năm 1976 là ý của ông Steve nhỏ. Ông Wozniak có đầu óc của một nhà phát minh, sự thông minh của một nhà toán học, nhưng người nhìn xa hơn và mang tham vọng đem kỹ thuật nâng cao đời sống nhân loại, nói theo cách của người Mỹ là "think outside the box", là ông Jobs, người có tham vọng tạo thay đổi, tạo tiến bộ trong đời sống con người.

Họ cùng là sáng lập viên của Công ty kỹ thuật Apple, cái tên đến từ thói quen thích ăn táo, và từng một thời đi giúp người ta hái táo từ một trang trại ở địa phương của ông Steve nhỏ. Steve Jobs thích tên "Apple"(trong 4 cái tên cả hai ông Steve nghĩ là sẽ dùng làm tên gọi cho Công ty mới thành lập của mình) vì Apple là tên một loại trái cây, đơn giản, dễ nhớ, và sẽ được xếp trong mẫu tự A đầu tiên trong danh bạ điện thoại. 

Công ty có tên là Apple thì logo phải là một trái táo, nhưng hình vẽ trái táo được thu nhỏ lại hơi giống hình trái cà chua hay trái cherry. Táo phải là táo, rõ ràng và chính xác, không thể lẫn lộn với cà chua hay cherry được. Thế là logo mang hình trái táo bị cắn mất một miếng rất sắc gọn, để chắc chắn là không ai có thể lầm lẫn đó là trái cà chua. Hầu hết mọi thứ đều là ý kiến của ông Jobs. Ông Wozniak chỉ tập trung vào kỹ thuật và các thảo chương điện toán.

Dĩ nhiên ông Jobs cũng phải làm luôn công việc marketing trong những ngày Apple, Inc. còn là một em bé sơ sinh, chưa ai biết đến. Ông đem sản phẩm đầu tay - máy computer cá nhân Apple 1 hãy còn thô sơ- ra tiếp cận người tiêu thụ bằng cách mở cửa garage nhà cha mẹ nuôi, mời vợ chồng nhà hàng xóm bên kia đường qua giới thiệu. Cũng trạc tuổi cha mẹ nuôi của Steve Jobs, ông bà cụ hàng xóm không biết Steve là :

" Chàng tuổi trẻ vốn dòng....nổi loạn,

xếp bút nghiên theo việc..... phiêu lưu”

ở nhà đối diện đã past được test dành cho các học sinh lớp 10 từ hồi còn là một cậu bé ờ lớp 4. Họ lại càng không biết thiên tài còn "chiêu mộ" được một thiên tài khác (the other Steve- Wozniak) cùng chế tạo ra một cái máy điện toán cá nhân đầu tiên, nên không chịu phí thì giờ bước qua bên kia đường.

Steve Jobs không phải là người chịu thất bại dễ dàng. Ông ngồi xuống bên cạnh hai ngưới hàng xóm, khôn ngoan đánh đòn tâm lý vào cả ông lẫn ba :

- Cái máy có thể giúp bác gái, cùng những người thích nấu ăn, giữ được tất cả recipes nấu ăn mà không cần phải dùng đến những tờ giấy viết tay sắp trong mấy cái hộp giấy. Vừa tiện lợi, vừa ngăn nắp, khi cần tìm là có ngay.

- Cái máy có thể giúp bác trai theo dõi kết quả các trận đấu thể thao dễ dàng hơn và có thể giữ đầy đủ số liệu và sự nghiệp cùa từng cầu thủ hay từng đội mà bác yêu thích từ năm này qua năm khác mà không bao giờ bị lẫn lộn.

- Cái máy được đặt tên là Apple Computer.

Hai người hàng xóm trạc tuổi cha mẹ Steve nghe xuôi tai, mềm lòng cất bước sang garage nhà hàng xóm nghe hai ông Steve thay phiên nhau thuyết trình về cấu trúc của Apple 1 như đang thuyết trình trước các kỹ sư điện tử. Hai nhà phát minh trẻ hào hứng nói về công trình của mình và những ích lợi Apple 1 cung cấp cho đời sống hàng ngày. Ông bà hàng xóm nghe như là "vịt nghe sấm". Nhưng mặt mày bà hớn hở vì tưởng tượng việc bếp núc của mình sẽ dễ dàng hơn, không phải dùng kính lúp săm soi tìm từng cái recipe chữ nhỏ lấm lem dầu mỡ. Ánh mắt ông rạng rỡ niềm vui khi hình dung ra cảnh sẽ "nói có sách mách có chứng" về các kết quả thi đấu thể thao mà không phải gân cổ lên to tiếng với các cổ động viên của đội tuyển đối phương.

Và như thế, Apple 1 "ra mắt" người tiêu dùng không kèn, không trống , không ai biết ngoài hai người phát minh trong độ tuổi 20, và hai người hàng xóm đứng tuổi trong một cái garare cũ ở vùng Los Altos, miền Bắc California vào April Fools' Day, tháng 4 năm 1976. Rất đơn giản nhưng không phải là chuyện "đang giỡn" cùa ngày April Fool's Day - "cá tháng tư" - mà là ngày khai sinh của đại công ty Apple lẫy lừng khắp thế giới sau này.

Mặc dù không bán được Apple 1 cho ông bà hàng xóm ở nhà đối diện. Jobs học được bài học marketing thực tế và đã cùng Woz (tên gọi ông Steve lớn) bán được vài trăm computer Apple 1 cho các tiệm bán hàng quanh Mountain View, Los Altos, và Palo Alto bằng cách cổ điển, như các em hướng đạo gõ cửa từng nhà bán bánh kẹo gây quỹ. Phát minh đầu tiên hãy còn thô sơ và nhiều khuyết điểm nhưng điều vui nhất, và khá thành công là không có cái Apple 1 nào bị trả lại.

Phài đến lúc computer Apple 2 ra đời vào năm 1977 thì logo trái táo mới trở thànnh một biểu tượng chính thức luôn luôn xuất hiện trên các sản phẩm cúa Công ty. Logo đầu tiên là một trái táo với 6 màu sắc khác nhau , phản ảnh Apple 2 là máy điện toán cá nhân đầu tiên có thể in ra giấy với 6 màu sắc rõ nét.

Về sau, sau này, Apple 2, Lisa, Mac… hay các sản phẩm điện thoại càng ngày càng nhỏ và có đủ chức năng của máy chụp hình, computer, nối kết với Internet do Apple , Inc. sản xuất , logo vẫn là trái táo cắn dở nhưng nhỏ hơn và thường là màu đen hay màu bạc. Hình như , trái táo cắn dở vẫn có hình thù như ngày đầu tiên nhưng màu sắc khác nhau, và không còn rực rỡ màu sắc cầu vòng của thủa ban đầu vì "cha đẻ ra trái táo kỹ thuật" đã bắt đầu đi vào giai đoạn thứ ba trong chu kỳ "sinh. lão, bệnh, tử" của đời người vào đầu thế kỷ 21.

Cũng vì bệnh ung thư, không còn sức khỏe để làm việc, ông Jobs phải nghỉ dài hạn. Thời gian đó, khi chưa phải là "thường trú nhân" của bệnh viện, ông có thì giờ thực hiện thú tiêu khiển của mình -đi bộ- quanh thành phố Palo Alto, nơi ông ở. Ông thường lái xe đến trường Stanford, lúc nào cũng "đóng bộ" trong cái quần Jeans Levi’s bạc phếch và cái áo thun cổ cao màu đen, đi quanh quẩn trong campus của ngôi trường tư đẹp nổi tiếng cả thế giới. Lúc nào mệt, ông ngồi nghỉ trên những băng đá, có khi ngồi bệt dưới một bóng cây, đôi khi mắt nhắm lại tập trung thiền định trong thế giới tĩnh lặng của riêng ông. Sinh viên qua lại, thảng hoặc quan sát người đàn ông gầy yếu, xanh xao. Tuyệt nhiên không ai nhìn ra đó là Steve Jobs.

Những lúc đó, ông nghĩ về cuộc đời, tự hỏi nếu ông được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu có, dư dả để đóng học phí rất cao cho trường Đại học tư Reed College ở Oregon, thì chắc là ông sẽ trở thành một nhà Toán học. Ông cũng nghĩ, nếu khỏi bệnh, ông sẽ rút ngắn bớt giờ làm việc, thu xếp đi học lại, mặc dù có thể phải đi học dưới một cái tên khác để tránh bị chú ý và mất thì giờ không cần thiết, như Steve Wozniak đã làm ở UC Berkley hơn 20 năm trước.

Những tháng cuối đời, lúc đời sống chỉ còn tính bằng tuần trên mười đầu ngón tay, thân thể mất dần sinh lực, mong manh như một chiếc lá khô sắp lìa cành, thỉnh thoảng ông Jobs vẫn tự lái chiếc xe Mercedes thể thao hai cửa đi làm, đậu ở khu vực sát cửa vào cho người tàn tật mặc dù không có giấy phép. Ông đi xe Mercedes không phải vì muốn chứng tỏ mình thành công, giàu có, mà vì ông rất ngưỡng mộ nhà bác học người Đức Albert Einstein , và mê luôn các loại xe do nước Đức sản xuất. Lúc đó, ông Jobs không còn sức khỏe để đi bộ những khoảng cách dài. Mà cũng có thể thiên tài cho là quy luật dành cho người bình thường không thể áp dụng với mình. Cái xe của ông không hề có bảng số xe từ cả chục năm nay. Vì ông vốn thích sống khép kín, để không ai có thể nhận ra mình. Dĩ nhiên ông thừa thông minh (và dư tiền) cứ sáu tháng đổi xe một lần để có thể lái xe không có bảng số như luật định cho phép. Cẩn thận như thế, thêm vào đó, bệnh ung thư ở giai đoạn cuối tàn phá cơ thể thiên tài. Bề ngoài của ông Jobs suy sụp nhanh chóng. Ít người nhận ra đó là một khuôn mặt lớn, quen thuộc, một vài lần xuất hiện trên trang bìa các tạp chí khoa học, và cả trên bìa trước của tuần báo Time (thường chỉ in hình các lãnh tụ và các danh nhân trên thế giới).

Thế nên có lần khi ông vừa ra khỏi cửa văn phòng, đúng lúc một gia đình du khách đến chụp hình bên cạnh logo trái táo bị cắn mất một miếng ở cổng chính của trụ sở Công ty Apple ở Cupertino, miền Bắc California. Người cha trong gia đình thấy ông đi ngang qua, chìa cái iphone của mình ra, lịch sự yêu cầu :

- Ông có thể vui lòng giúp chúng tôi chụp một cái hình cho cả gia đình không?

Rõ ràng là họ không nhận ra người đàn ông cao gầy, râu ria tua tủa, mắt trũng sâu, trong cái áo thun cổ cao màu đen, và chiếc quần jeans bạc màu, có một vài lỗ rách, là Steve Jobs.

Ông Jobs gật đầu, cầm cái iphone, điều chỉnh màn ảnh, lùi ra xa vài bước, ngắm nghía cẩn thận như một người thợ chụp hình dạo, và bấm ngón tay cái khô khốc, thiếu sinh lực cùa mình lên màn ảnh, mỉm cười trao trả cái iphone có logo quả táo cho chủ nhân. rồi lên xe rời Công tỵ Đó cũng là một trong những lần cuối ông Jobs đến Apple, Inc. và có dịp nhìn thấy một trong những đứa con tinh thần của mình đã góp phần làm thay đổi đời sống của con người.

Cả gia đình người du khách cùng hướng mắt vào tấm hình nhỏ trên iphone, trầm trồ khen người chụp hình chụp rất đẹp, và rất rành cách sử dụng iphone, không biết là họ vừa có cơ may hiếm có, được Giám đốc Apple, Inc,- người góp phần lớn trong việc sáng tạo tất cả các sản phẩm của Apple, kể cả cái iphone của họ- chụp cho họ một tấm hình, có thể là đẹp nhất trong đời.

Năm 2005, Steve Jobs được mời nói chuyện với cả ngàn sinh viên tốt nghiệp ở sân trường Stanford. Khác với những diễn giả khác ở các lễ ra trường luôn tô hồng cuộc đời trong con mắt vốn dĩ chỉ toàn màu hồng lạc quan và màu xanh hy vọng của các tân khoa, ông Jobs với kinh nghiệm cá nhân, với những điều học được từ giáo lý đạo Phật đã nói rất thẳng và rất thật:

- Bây giờ các bạn còn trẻ, và là sức sống mới của xã hội. Nhưng một ngày nào đó, không xa, các bạn sẽ già và sẽ bị đào thải. Xin lỗi, nhận xét đó có vẽ bi quan, nhưng đó là sự thật Đời sống có giới hạn , đừng phí thời gian. Hãy làm những gì mình thích.

Lời nhắn nhủ khác thường đó như một loại thuốc đắng giã tật đã giúp rất nhiều sinh viên ra trường năm đó nhận ra mình muốn gì, can đảm bỏ con đường thảm đỏ bằng phẳng, thênh thang đã được cha mẹ trải sẵn để bước vào con đường riêng gập ghềnh, khúc khuỷu của mình. Có người vấp ngã, có người thành công, nhưng tất cả đều hạnh phúc với lựa chọn của mình. Như hình ảnh chàng thanh niên Steve Jobs chưa đến 20 năm xưa, bỏ trường Đại học, cùng một người bạn thân hăm hở vác ba lô đi vòng quanh Ấn Độ (quê hương của Đức Phật Thích Ca) tìm ra chữ "lặng" trong tâm, đóng góp rất nhiều trong các phát minh khoa học kỹ thuật.

Thiên tài có một bộ óc xuất chúng, một tầm nhìn xa về kỹ thuật nhưng ông vẫn là một con người nên cũng có nhiều điểm yếu. Chẳng hạn, khi trở bệnh nặng, phài nằm ở Intensive Care Unit của bệnh viện Stanford, ông Jobs nổi tiếng khó chịu. Bệnh nhân Steve chỉ nghe lời và cộng tác với 3 người y tá trong mấy chục y tá giỏi nhất của bệnh viện. Ông yếu dần, phải đi bằng cái walker, và phải cố gắng bằng tất cả sức lực và ý chí còn lại của mình. Những bước chân chập chững đầu đời ông được nâng đỡ bằng bàn tay của mẹ nuôi (bà Clara Jobs) ở sân sau ngôi nhà thời ấu thơ. Cuối đời ông lại tập đi với sự trợ lực của cái khung nhôm walker và sự khuyến khích của vợ (bà Laurene Powell) trong khu ICU của bệnh viện Stanford. Đó là lúc ông sắp đi hết vòng tròn sinh tử của đời người.

Thời trẻ có lần ông Jobs nghĩ đến chuyện xuất gia, đi tu và thành một nhà sư trong một ngôi chùa Phật giáo ở Nhật. Nhưng một vị thiền sư người Nhật, mà ông hết lòng ngưỡng mộ, đã khuyên ông đi theo con đường kỹ thuật có hiệu quả hơn là con đường tu hành. Cũng chính thiền sư Kobun Chino Otogowa (1938-2002), cố vấn tinh thần của ông Steve, là người tổ chức lễ cưới cho ông Steve và cô Laurene trong một buổi lễ nhỏ giữa núi rừng gần công viên quốc gia Yosemite năm 1991. Lễ cưới của một nhà tỷ phú trẻ, một thiên tài điện toán, không có khách mời, không có áo quần xênh xang, không có hoa lá muôn màu. Chỉ có cô dâu chú rễ đứng nghiêm trang nghe những lời giảng về "duyên và nợ" của một thiền sư Phật giáo người Mỹ gốc Nhật hòa vào tiếng chim hót , tiếng suối reo của đất trời thiên nhiên.

Hình như Steve Jobs sinh ra để chỉ hòa hợp với công việc và các sáng tạo kỹ thuật, ông không hòa hợp với con người. Rất nhiều kỹ sư giỏi, có tài, từ chối làm việc với ông, vì họ không thể chịu được lối làm việc tuyệt đối hoàn hảo, và lối nói thẳng chói tai, làm mất lòng người nghe của sáng lập viên công ty Apple.

Khi ông Jobs qua đời, có một vài người bạn trẻ ở độ tuổi ngoài 20, đã ngồi trong hàng ngũ sinh viên ở Stanford năm 2005, say mê nghe ông nói chuyện năm xưa, đặt những ngọn nến hình trái táo bên cạnh di ảnh thiên tài, thầm cảm ơn ông giúp họ đủ tự tin đi trên con đường mình chọn.

Có rất nhiều điều chẳng bao giờ một người bình thường như chúng tôi có thể bắt chước ông Jobs, hoặc có những chọn lựa như ông. Nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ theo gương ông, sẽ làm được "Simplicity and Focus",- sống đơn giản và tập trung-, như thiên tài đã làm và đã yêu cầu tất cả cộng sự viên của mình làm theo.

Mỗi một lần lướt ngón tay trỏ trên màn ảnh Iphone, tìm số phone hay một dữ liệu nào đó về một người thân quen, tôi vẫn nghĩ đến ông Steve thông minh với một đời sống không dài, nhưng đủ để cho ông tạo được một chỗ đứng rất lớn trong lịch sử khoa học điện toán đương thời.

Mỗi một lần chọn mua những trái táo ngọt ngọt chua chua, đủ màu, tôi cũng sẽ nhớ đến Steve Jobs và trái táo cắn dở của ông. Có đến gần cả chục loại táo đủ màu bán trong các chợ, nhưng không hiểu tại sao loại táo xanh được trồng từ một tiểu bang Tây Bắc nước Mỹ có dán nhãn hiệu Washington với riêng tôi, vẫn gần với trái táo của Công ty Apple nhất. Có thể vì trái táo xanh gắn liền với màu xanh tươi tốt, hy vọng của rừng thông bạt ngàn ở tiểu bang Oregon nơi ông Jobs đã học và mang thư pháp vào các máy computer của Apple tạo cho chúng ta nhiều kiểu chữ vừa đẹp, vừa rõ ràng. Có lẽ một người đạo Phật, ăn chay từ nhỏ như ông Steve rất thích ăn táo và các thực vật màu xanh. Món ăn ông Jobs thích nhất, ngoài táo, là cà rốt sống. Ông nhai cà rốt mà không cần đến một thứ nước chấm dressing nào như loài thỏ thưởng thức loại thực vật giòn tan màu vàng cam. Chuyện khó tin nhưng có thật là ở giữa một đất nước thừa mứa thức ăn như Mỹ, trong một thời gian rất dài, ông Jobs chỉ ăn táo và một vài loại rau quả, mà không đụng đến thịt và các loại thực phẩm khác. Nên cho đến bây giờ chỉ có mỗi một trái cây duy nhất là trái táo được đi vào lịch sử khoa học kỹ thuật.

Ngày được tin ông mất, tôi làm một bài thơ ngắn gởi đến rememberingsteve@apple.com để góp phần tưởng nhớ nhà phát minh ngắn số:

One of the brightest stars of the world just felt.

But everything you did will be with us forever.

Your life doesn't last long enough as expectation

But your achievement will be lifetime motivation

for youngsters.

Every time I work on my Laptop, I'll think of you.

Heaven will be opened for someone like you.

Surely you will be happy in a better place

Where there is no war, no killing, and illness.

RIP at somewhere that is always calm and peaceful.

Million thanks for leaving behind a technical legacy.

Mong vô cùng một ngày nào đó , chúng ta sẽ có một David, Ted, Anthony, William... Nguyễn, Phạm, Lê, Huỳnh… ở Mỹ; hay một Pierre , Daniel, Francois, Jean… Trần, Ngô, Đặng, Lý… ở Pháp, hay một Tuấn, Sơn, Minh, Nam.. Bùi, Đoàn, Phan, Trương ở Việt Nam...đi tiếp được con đường ông Steve Jobs đã đi. Lúc đó chắc là bưởi Biên Hòa, chôm chôm Long Khánh, măng cụt Lái Thiêu , hay nhãn lồng ở Huế sẽ có chỗ đứng trang trọng cạnh bên trái táo cắn dở mà ông Steve Jobs đã vĩnh viễn bỏ lại sau lưng...

Nguyễn Trần Diệu Hương

In Memory of Steve Jobs

-Santa Clara,10/2011

Ý kiến bạn đọc
18/02/201201:18:40
Khách
Cám on cô Diệu Huong qua bài viet này tôi đuơc biết thêm nhiều vế cuộc đòi của Steve Jobs. Tuy nhiên có một khía cạnh mà không ai muốn nói tói đó là nỗi bất hạnh trong cuộc đòi của Steven Jobs là ông không thể nào có thể quên và tha thú cho cha cùa ông cho dến chêt mạc dù cha ông đã email cho ông nhân ngày sinh nhật trùoc khi ông qua đòi và một sụ việc đáng tiếc khấc là chinh ông đã khuóc tù chính con gái cùa ông là LISA . Đây là bất hạnh lón lao nhất vì chinh Steven Jobs đã lập lại sụ sai trái mà chính ông đã tùng trải (kinh nghiệm) qua nguòi cha của ông. DT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,603,327
Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã 2 lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: giải danh dự 2009, và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010. Đón năm mới 2013, mời đọc bài viết cuối năm của Khôi An kể chuyện về thanh âm, ca nhạc.
Tác giả làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh tại nước Pháp. Họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là Giải Á Hậu. Bài viết mới, chuyện cuối năm bên Tây vẫn đầy hương vị của Little Sàigon.
Là con gái một quân nhân VNCH, từ bé, nàng từng nghĩ mình sẽ là vợ lính. Sau đổi đời, trưởng thành tại Hoa Kỳ, nàng chống lại Bố để kết hôn với một thuyền nhân. Ngày cưới đúng vào mùa giáng sinh. Năm nay, kỷ niệm 22 năm thành hôn, chàng đang trong nhà tù cộng sản tại Việt Nam.
Thêm một cánh chim đầu đàn thuộc thế hệ đầu tiên của người Việt tại Hoa Kỳ vừa từ trần: Cụ Nguyễn Văn Thịnh, vị niên trưởng của một gia đình thuyền nhân gồm 58 người định cư tại San Diego, đã ra đi vào lúc 4 giờ 57 chiều ngày thứ Hai 17-12-2012, nhằm ngày 5-11 năm Nhâm Thìn, hưởng thọ 83 tuổi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Mong Cao Đắc Vinh tiếp tục viết, bổ túc dùm mấy dòng sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng một bài viết ngắn. Mong Y Châu tiếp tục viết, bổ túc dùm mấy dòng sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục và trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. 
Trước 1975, tác giả là một nhà thơ quân đội, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông đã tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên và hai lần nhân giải, 2001 và 2012.
Tác giả là Bác sĩ Vĩnh Chánh, thuộc Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Thời chiến tranh, ông là YSĩ Quân Y Nhảy Dù. Bài viết sau đây được tác giả viết cho Mùa Giáng Sinh năm 2012. Chuyện là thật, nhưng họ và tên các nhân vật không hoàn toàn đúng sự thật.
Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali. Thư kèm bài viết, bà cho biết “Tôi tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California hồi tháng 5, 2012 khi tôi vừa tròn… 62 tuổi.
Nhạc sĩ Cung Tiến