Hôm nay,  

Ngả Rẽ

11/06/201300:00:00(Xem: 254076)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên Trương Như Thảo sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế trong nước, sang Mỹ theo diện bảo lãnh đầu năm 2012, hiện là cư dân của thành phố Garden Grove, California và đang làm công việc văn phòng tại quận Cam. Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô.

Thấm thoát đã hơn một năm tôi sang Mỹ, thời gian trôi đi thật nhanh, có nhiều chuyện vui nhưng cũng có lắm nỗi buồn. Khi ở Việt Nam có giấy tờ đi Mỹ do phía bên chồng bảo lãnh, tôi suy nghĩ nhiều, mình có nên đi vào lúc này hay không? Hiện tại cuộc sống của tôi ở Việt Nam cũng tốt, tôi làm kế toán trưởng cho một tập đoàn của Mỹ lương hậu. Ông xã tôi là giáo viên tiếng Anh của một trường cấp 2. Ngoài giờ đi dạy, anh làm part-time cho một công ty đại diện của Singapore. Tôi nghe nói tình hình kinh tế ở Mỹ đang khó khăn, thất nghiệp nhiều, sinh viên ra trường khó kiếm việc, hãng xưởng sa thải công nhân... Tôi hỏi ông xã:

- Bá, mình có nên đi trong lúc này không?

- Sao lại không? Chờ bao nhiêu năm rồi? Đâu phải ai cũng có cơ hội sang Mỹ.

- Nhưng ở Việt Nam mình đang có cuộc sống ổn định, có nhà có cửa đàng hoàng, qua Mỹ ở nhà thuê, tiền đâu trả, lấy gì sống? Không đủ tự tin để đi học lại, sinh viên ở Mỹ ra trường còn khó kiếm việc huống hồ gì mình, qua đó chỉ có nước đi làm cu-li, mà có làm nổi không đây?

- Em có chắc mình ổn định lâu dài không, ai biết được ngày mai ra sao, ở Việt Nam không có gì là lâu dài hết. Hôm nay là tỉ phú ngày mai vô tù không thấy sao. Mọi thứ đều nằm trong lòng bàn tay của nhà nước. Ai làm ăn lên có tiếng tăm được một chút nếu không có thân thế thì cũng bị phá sản vào tù như không. Mà nếu cậy thế cậy quyền, thì cũng bị thí chốt như thường.

Tôi cố cãi lại :

- Nhưng mình đâu thuộc dạng đó, mình là người dân bình thường, có cuộc sống bình thường thôi, đâu dính dáng gì tới nhà nước.

- Nói vậy sao được. Em nên nghĩ xa một chút. Này nhé em hãy so sánh Việt Nam và Mỹ về mặt giáo dục như trường lớp, thầy cô, chương trình giảng dạy; về mặt y tế như bác sĩ, bệnh viện, chi phí khám chữa bệnh, thuốc men; cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, phương tiện đi lại; hệ thống pháp luật, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng... À, còn một chuyện nữa ảnh hưởng trực tiếp đến em đó là thực phẩm. An toàn thực phẩm ở Việt Nam là con số không; hàng giả, hàng dõm từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, giết dần giết mòn người ta đó. Còn nữa, nguồn nước hàng ngày em xài cũng ô nhiễm trầm trọng. Chưa hết, em có thấy mấy cái dự án Bô-xít không, từ trên cao nguyên nước chảy xuống đồng bằng, có chuyện gì là cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía dưới này lãnh đủ, ô nhiễm nguồn nước khủng khiếp lắm, bây giờ thì chưa sao, nhưng mấy cái dự án này Trung Quốc nó làm, mà Trung Quốc làm thì không cần nói nhiều em cũng biết rồi. Sao không cân đong đo đếm những chuyện này. Ở Việt Nam đầu óc con cái mình bị "đóng khung" từ nhỏ, lớn lên nó không thoát ra được những suy nghĩ bị nhồi nhét, không có suy nghĩ độc lập, sáng tạo... Đó là chỉ nói đến cá nhân tụi nó thôi, chưa dám nói đến môi trường xã hội chung quanh tụi nó...

Ôi thôi anh "lên lớp" cho tôi tràng giang đại hải, đủ thứ chuyện từ đông sang tây. Tôi đuối lý nhưng cố vớt vát:

- Nhưng qua Mỹ lấy gì sống, tiền bạc dính vào mấy căn nhà hết rồi, mà hiện nay nhà cửa đang đóng băng đâu có bán được...

Sau cùng thì tôi cũng "khăn gói" lên đường sang Mỹ, bỏ lại quê hương mến yêu, bạn bè thân quen với biết bao kỷ niệm. Tôi yêu Sài Gòn và "quen thuộc đến từng con đường, góc phố, hàng cây"; nơi tôi chào đời, khôn lớn, học hành và làm việc hơn bốn mươi năm; từ cái thời con nít nghèo đói sau năm 75 đến cái tuổi dậy thì thiếu thốn áo cơm và trưởng thành trong vô vàn khó khăn; bỏ lại dở dang chương trình cao học kế toán kiểm toán ACCA; bỏ lại công việc và mọi thứ tôi đã cố công gây dựng bằng chính đôi tay của mình. Và hơn thế nữa, bỏ lại Ba tôi đã vĩnh viễn nằm xuống sau bao nhiêu năm rên xiết trong lao tù cộng sản...

Tôi sang Mỹ chỉ với một đức tin, đức tin nhảy vọt, đức tin phó thác hoàn toàn vào Chúa Giê-xu. Chúa sẽ cưu mang, che chở, bảo vệ và chu cấp mọi thứ cần thiết cho gia đình chúng tôi như trong bài cầu nguyện chung mà chúng tôi đọc hàng đêm "Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày, xin tha tội lỗi cho chúng con như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con, xin chớ để chúng con bị cám dỗ, song cứu chúng con khỏi điều ác. Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về cha đời đời vô cùng. Amen"

Tôi "giáo dục tư tưởng" cho hai đứa nhỏ để chúng không bị hụt hẫng thời gian đầu:

- Sang Mỹ là sẽ không được sung sướng như ở Việt Nam đâu nha, không được đi du lịch, không được đi ăn nhà hàng, không có đòi mua đồ, khi nào má thấy cái đó có khả năng mua được thì má mua cho, còn không thì thôi nha. Không có người giúp việc nên Bé Chị phải biết share việc nhà, giúp rửa chén, nhà cửa chật chội phải biết dọn dẹp cho ngăn nắp. Qua Mỹ không phải để hưởng thụ mà để cho tụi con có môi trường giáo dục tốt, sắp tới mình sẽ cực khổ và thiếu thốn, nhưng đó là tạm thời, khi bá má có việc làm thì sẽ khá hơn, sẽ mua nhiều đồ chơi cho Thằng Em...

Đứa lớn lờ mờ hiểu nhưng thằng nhỏ tám tuổi thì không hiểu gì, nó nói:

- Qua Mỹ cực khổ vậy qua Mỹ làm chi?

Mấy tháng đầu sang Mỹ, chúng tôi "market servey" vùng đông bắc-Philadelphia vì tôi có mấy người cô và ông xã tôi cũng có cô em gái và bà dì ở đó. Mặc dù mọi người giúp đỡ chúng tôi rất nhiều nhưng tôi thấy nơi đó không phù hợp vì nhiều lý do cá nhân. Chúng tôi chạy xuống Las Vegas, cả họ nhà ông xã tôi ở đó từ ba mươi mấy năm nay, tuy nhiên đây cũng không phải là nơi tôi muốn định cư lâu dài. Tình cờ có người bạn quen ở Phước Lộc Thọ kêu xuống, vậy là chúng tôi chạy xuống đây-nơi người Việt Nam mình sinh sống đông nhất tại Mỹ và trên thế giới. Chúng tôi thuê một cái garage được remodel lại thành một unit có hai phòng với giá 900 Đô-la một tháng. Vì lúc đầu, chưa biết lái xe nên tôi kiếm căn nhà này gần hai trường middle và elementary school để có thể đi bộ đưa đón hai đứa nhỏ. Vào mùa đông ở garage lạnh lắm.

Thế là mọi người ồ ạt gởi đồ "viện trợ" cho gia đình chúng tôi. Mấy đứa cousin ở Philadelphia và hai bà cô của tôi đóng xuống ba kiện quần áo và một bộ nồi niêu xoang chảo, mấy chị bên gia đình ông xã trên Los cũng cho nào là mỹ phẩm; tô chén, dụng cụ nhà bếp. Nhớ lại lúc tôi chuẩn bị qua Mỹ, bà cô tôi ở Việt Nam cũng "lì xì" 500 đô, nói là cho tôi "ra riêng". Tôi thật cảm động và thầm cảm ơn tình cảm của họ dành cho tôi. Thỉnh thoảng vài tuần, chúng tôi chạy lên Las Vegas và chở về đầy xe "hàng cứu trợ" từ lốc sửa, thùng trái cây đến bộ drap, cái mền, cái gối... Vậy là chúng tôi có một chỗ ở tương đối đầy đủ mà không tốn nhiều tiền mua sắm. Furniture trong nhà cũng được bạn bè cho, vừa đúng lúc có một người bạn dọn nhà qua bang khác, nên cho bàn ghế, microwave, giường và cả một cái máy tập thể dục, một số khác được tôi sưu tầm ở "good-will".

Một hôm nọ, có người quen của tôi tên là chú Tuấn ở Virginia gọi điện thoại hỏi:

- Cháu thấy sống ở Cali như thế nào?

- Ở đây được này mất kia chú ơi, nơi đây như một xã hội Việt Nam thu nhỏ nên đủ mọi thành phần, cái gì cũng có, đông vui. Nhà cửa quá mắc nhưng thức ăn nhiều và rẻ.

- Ở Cali chênh lệch lớn quá phải không? Nhân sĩ, trí thức, những người nổi tiếng vang bóng một thời đều tập trung về Cali, nhưng giới bình dân, lao động cũng nhiều... Ở Virginia thì ít chênh lệch hơn.

- Dạ, ở đây giống như bứng cái Sài Gòn đem qua. "Tiểu Sài gòn" mà chú.

Khi ra Phước Lộc Thọ tôi thấy không khác gì ở Việt Nam; cũng ngồi lề đường uống cà phê, bàn chuyện Việt Nam, thế giới; chỉ khác là mấy chú, mấy bác được tự do nói tất cả mọi chuyện, thậm chí phê bình nói xấu chính phủ cũng không sao. Bước vào lòng chợ, cũng mua bán, nói thách, trả giá. Hôm tôi ghé khu chợ vải Bolsa mua một cái mền, bà chủ tiệm nói giá 45 đô, tôi trả giá 42 đô cho vui, bà ta đồng ý cái rụp, về nhà nghe bà chủ nhà nói hố là cái chắc...

Một lần tôi đi chợ Á Đông cũng trên đường Bolsa, tôi đang mở đèn xi-nhan chờ một chiếc xe phía trước ra để vào parking, thì đột nhiên, một chiếc xe chạy lên trước cắt ngang đầu xe tôi giành chổ đậu xe. Nhìn vào xe tôi thấy một vị bà cô sồn sồn, dĩ nhiên là Việt Nam, tôi chỉ biết thốt lên "Oh my goodness" rồi đi tìm chỗ parking khác.

Từ nhà tôi đến chỗ làm việc đi qua ngã tư Hazard-Brookhurst, tôi thường thấy mấy người "tinh thần không được ổn định" đi tới đi lui trên vỉa hè phía trước phở 79. Mỗi lần qua đó tôi rất sợ và lái xe thật cẩn thận, vì biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, mấy chú vui vui bang xuống đường va vào xe tôi, lúc đó chắc tôi thành homeless và "tinh thần cũng không được ổn định" như mấy chú. Tôi chợt nhớ có bài hát "Một người già trong công viên, một người điên trong thành phố" nghe sao não ruột quá, và ở đây cũng vậy, thỉnh thoảng thôi thấy những người lớn tuổi đẩy cái xe đi lượm chai nhựa, vỏ bia để bán recycle, tôi nghĩ chắc họ làm cho vui, chứ ở bên đây, chính phủ có chính sách cho người già hẳn hoi mà.

Vài tháng sau, mấy đứa cousin của tôi ở Philadelphia gọi điện thoại xuống hỏi thăm, tụi nó hỏi con gái tôi Bé Chị:

- Sao, con thấy qua Mỹ thế nào?

- Chỉ có chuyện học hành là sướng, còn cái gì cũng không bằng Việt Nam...

- Là chuyện gì?

- Nhà cửa gì chật ních, thiếu thốn đủ thứ, phải ở chung phòng với Thằng Em, nó bày tùm lum, con dọn hoài mà cũng không gọn bị má la...

Nhưng được cái là đứa lớn thì không có khó khăn gì trong việc học tiếng Mỹ vì ở Việt Nam tôi cho nó học trường Quốc Tế. Nó hòa nhập rất nhanh và chỉ trong ba tháng học lớp đặc biệt dành cho học sinh mới qua Mỹ, nó được cho lên học lớp regular, và một điều làm tôi được an ủi rất nhiều là trong đợt xếp hạng vừa qua nó được hạng 15/442 học sinh của trường. Tôi thăm dò:

- Lớn lên Bé Chị thích học ngành gì?

- Con thích nghiên cứu đất đá, không gian, vũ trụ.

Oh My God, tôi giật mình, tại sao nó không thích những ngành nào thực tế một chút nhỉ. Mặc dù vậy tôi không dám tỏ thái độ phản đối. Mấy đức nhỏ thích học cái gì thì cho học cái đó, vì trong việc học phải có sự đam mê thì mới tiến bộ nhanh chóng, tôi nghĩ vậy. Thằng Em nghe Bé Chị nói cũng xen vào:

- Con thích học về mấy con cá dưới biển.

Lại thêm một đứa thích không thực tế. Mà thật lạ, từ nhỏ tới giờ, Thằng Em rất thích cá và những sinh vật dưới biển. Mỗi lần đi tắm biển là nó ở trên bờ, tìm tìm kiếm kiếm những con ốc, dã tràng, cua biển... chơi một cách say mê. Nó có thể đứng hàng giờ coi không chán mấy con cá bơi tới bơi lui trong hồ ở những khu vui chơi, bấm lia lịa đến nổi muốn hết thẻ nhớ trong máy chụp hình. Đi đâu gặp hồ cá là nó đứng lại coi cho bằng được.

Thằng Em lúc đầu gặp nhiều khó khăn, tôi rất lo lắng vì nó không hề biết một chữ tiếng Mỹ nào. Ở Việt Nam nó mới vào lớp một, tiếng Việt cũng chưa rành. Nhưng sau một năm lớp hai ở bên đây, nó xí xô xí xào và bây giờ tôi lại lo ngược lại là nó sẽ không biết đọc và viết tiếng Việt, nói thì ok nhưng đọc và viết tiếng Việt thì chắc phải tốn thêm một mớ tiền và thời gian cho nó.

Vậy cũng tạm ổn, lúc đầu chưa có "con ngựa sắt", để giết thời gian tôi học online khóa kế toán căn bản và lấy được cái Certificate. Tôi đi học lái xe, ba tháng sau tôi mua một chiếc xe cũ hai ngàn chạy tới chạy lui tìm việc làm. Tôi xin vào làm part-time cashier cho một tiệm bánh của người Việt, mỗi tuần lãnh cái check chưa tới hai trăm. Mèn ơi, tôi bùi ngùi, một tháng lương ở đây thua xa nữa tháng lương của tôi ở Việt Nam. Nhưng thôi, sướng khổ vui buồn tại tâm mình mà ra, khi tôi đã quyết định làm việc gì rồi thì không hối hận, không ngó lui, nhắm thẳng phía trước mà bước.

Tôi vừa đi làm vừa học lớp khai thuế của trường H&R Block, sau khi kết thúc khóa học tôi xin số PTIN của IRS và xin được CTEC license. Bây giờ tôi có thể xin làm công việc khai thuế thu nhập cá nhân ở các văn phòng khai thuế, nhưng người ta chỉ mướn tôi từ tháng một đến tháng tư làm full-time. Tôi thấy "không ổn định" nếu làm part-time thì được, tôi vừa làm khai thuế vừa làm cashier, vì sau tháng tư tôi không muốn phải chạy tới chạy lui xin việc nữa. Vì vậy tôi tiếp tục công việc cashier ở tiệm bánh và online tìm việc. Một lần, trong lúc rảnh rỗi hiếm hoi ở tiệm bánh, tôi và chị làm chung nói chuyện, tình cờ tôi nói: lúc còn học đại học ở Việt Nam...

- Ủa, ở Việt Nam mày học đại học hả? (vì chị này cũng lớn tuổi nên kêu tôi thân mật bằng "mày", trong tiệm, chị rất thích tôi và thường "bao che" khi tôi làm nhầm order cho khách hàng)

- Dạ, em tốt nghiệp từ năm 95.

- Bên đó mày làm gì?

- Dạ em làm kế toán.

- Lương khá không?

Tôi thật thà nói lương của mình. Chị nói:

- Thiệt không? Vậy qua đây làm gì?

- Thì cũng vì tụi nhỏ, qua cho tụi nó học hành...

Trong giọng nói của chị, tôi cảm nhận được, một là chị nghĩ tôi "nổ", hai là chắc tôi "tinh thần không ổn định". Từ đó về sau, rút kinh nghiệm, có ai hỏi về chuyện này tôi chỉ trả lời cho qua: "Dạ cũng đủ sống qua ngày". Mà cũng ngộ thiệt, những người Việt Nam tôi quen hay hỏi tôi bao nhiêu tuổi, bên đó làm gì, lương bao nhiêu, qua đây theo diện gì. Gặp ai tôi cũng bị hỏi có bấy nhiêu câu đó. Riết rồi tôi cũng nổi quạo, lơ luôn không trả lời bắt qua chuyện khác. Trong khi tụi Mỹ, đây là những điều cấm kỵ, tụi nó không bao giờ hỏi tuổi của phụ nữ hay lương bổng của người khác...

Tôi nhớ một câu trong Kinh Thánh "hãy trung tín trong việc nhỏ, Chúa sẽ đãi ngươi việc lớn". Câu chuyện về người làm công ngay lành, trung tín trong Kinh Thánh nhắc nhở tôi luôn luôn toàn tâm vào công việc mình đang làm, bất kể đó là công việc gì, coi như làm cho chính mình chứ không phải làm mướn cho người khác. Tôi đã trung tín trong việc nhỏ nên Chúa ban cho tôi việc tốt hơn. Tôi xin được công việc văn phòng full-time nên thu nhập khá hơn, giờ giấc cũng thoải mái, giờ hành chánh từ chín giờ sáng đến sáu giờ chiều. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với một phần khả năng của tôi. Tôi dâng lời cảm tạ Chúa, từng bước Ngài mở đường cho gia đình chúng tôi, Ngài sắm sẵn mọi thứ cho chúng tôi.

Ở sở làm mới, môi trường làm việc và đồng nghiệp rất tốt, người chủ sống đạo đức, không vì mục đích kiếm lợi mà bất chấp thủ đoạn. Hôm Thứ Tư vừa rồi, ông xã tôi làm overtime đột xuất nên không thể đón đứa nhỏ để đưa đi bác sĩ, anh gọi cho tôi kêu tôi xin về sớm một chút để đi đón Thằng Em. Nếu tôi làm ở chổ khác hoặc làm công nhân trong hãng xưởng thì giờ giấc đâu có linh hoạt như vậy. Đó là lý do tại sao tôi thích làm ở đây. Công việc nhẹ nhàng, giờ giấc thoải mái, mọi người đối xử với nhau chân tình như trong gia đình. Nhớ lại lúc làm ở tiệm bánh, có khi tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng, vào mùa đông, trời bên ngoài tối đen và lạnh cóng xuống tới 40 độ, đang ngủ ngon phải lòm còm ngồi dậy, thấy sao cuộc đời cũng lạnh cóng và tối đen như ngoài trời. Lại xãy ra chuyện"ma cũ ăn hiếp ma mới". Những lúc như vậy tôi làm ngơ, không muốn đôi co, cũng không cần phải "thanh minh thanh nga". Bởi vậy tôi mới nói: ở cái tiểu Sài Gòn này cái gì cũng có, người nào cũng có.

Ơn phước Chúa ban cho gia đình tôi không kể xiết, sau một thời gian vật lộn với đủ thứ công việc, ông xã tôi kiếm được việc làm tốt, lương của anh hơn gấp đôi lương của tôi, có đầy đủ benefit. Chỉ có Chúa mới làm được điều này: Anh là một trong bốn người được chọn trong bảy mươi sáu người apply công việc này. Ba người kia được tuyển dụng lại, trước đây họ đã làm cho hãng này ở các tiểu bang khác, nên hãng ưu tiên. Chỉ có một mình ông xã tôi là người mới toanh, thời gian làm tạm chưa đủ để được tuyển chính thức, nhưng anh vẫn được hãng tuyển chính thức. Miracle, tôi biết Chúa đã làm mọi điều cho chúng tôi.

Hôm trước, khi gia đình quây quần bên mâm cơm, ông xã tôi hỏi:

- Em thấy quyết định của mình đúng không?

- Cũng tạm được.

- Tạm được thôi sao? Anh thấy cũng tốt đấy chứ. Mình may mắn hơn rất nhiều người rồi đó.

Tôi chỉ cười không trả lời, nhưng anh nhận ra đó là một nụ cười đồng ý. Tôi mãn nguyện khi thấy hai đứa nhỏ có môi trường học hành tốt, được chăm sóc sức khỏe tử tế, hấp thụ nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Riêng tôi, sắp tới tôi sẽ đi học lại. Tôi sẽ transcript bằng cấp và tiếp tục tới trường. Dù có muộn màng nhưng chuyện người lớn tuổi đi học lại ở Mỹ là chuyện rất bình thường.

Hôm nay là một ngày cloudy, tôi dặn hai đứa con mặc thêm áo đi học. Bên ngoài se lạnh, bầu trời u ám, mặt trời bị các đám mây che khuất, nhưng xuyên qua khe của các đám mây, tôi thấy ló dạng những tia nắng lấp lánh, chói chang. Ngày mai chắc là một ngày nắng đẹp. Tôi nhấn ga đi đến sở làm, trong lòng tràn ngập một niềm vui lạ.

Như Thảo

Ý kiến bạn đọc
14/06/201322:06:08
Khách
Suy nghĩ của con người không đúng với suy nghĩ của Thiên Chúa đâu . không biết con người là hữu hạn , phải chết sao? Đừng đặt những câu hỏi dại dột như thế .
12/06/201323:18:12
Khách
Bài viết rất hay và nói rất đúng tâm trạng của những người trí thức mới sang Mỹ vì tương lai của con cái nên đành chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân mình. Chúc bạn thật nhiều may mắn nữa trên con đường phía trước.
12/06/201319:40:11
Khách
Nếu Chúa chỉ đặc ân cho gia đình mình đựoc jobs tốt , mà không giúp gì cho mấyngừời kia , thì Chúa hoá ra không công bình chút nào. Làm Chúa lẽ ra phải thưong yêu tất cả mộị ngừoi 1 cách bình đẳng chứ. ..đâu có thiên vị riêng ai được. Cái NGÃ mình đâu có to hơn cái ngã kẻ khác đâu.
Nếu mỗi lần ta gặp may mắn mà cứ cho là Chúa giúp, thì lúc xui xẻo hoạn nạn xảy tới thì ai gây ra đây?Chả lẽ Satan? Lúc đó Chúa đi đâu rồi, sao không tới giúp đánh đuổi Satan đi?
11/06/201315:52:00
Khách
Ở Mỹ nhà nước cho tự do tôn giáo chúng ta nên học hỏi nha.
11/06/201312:50:15
Khách
Cám ơn bài chia sẻ chân thật của tác giả. Chúc gia đình cô nhiều may mắn và tốt lành.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,753,102
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O. 38 năm sau Tháng Tư 1975.
Sáu năm trước, 2005, có bài Viết Về Nước Mỹ mang tên “Con Tàu Ma” của “Người Giấu Tên” được phổ biến lần đầu, kể về chiếc tầu sắt Panama đậu ngoài khơi để công an CSVN ở Bến Tre đưa người lên đi “bán chính thức”.
Tác giả là cư dân North Carolina, chỉ vừa định cư tại Mỹ hai năm sáu tháng. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người đến Mỹ khi tuổi đã 60, thân mang bệnh tật, tự chọn cho mình cách sống theo kiểu một loài chim đầm lầy vùng sông Nile Ai Cập,
Tác giả là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Ông Tân Ngố nói, “Tay này là dân cử gốc Kinh 5, mới 52 tuổi xuân, được dân đồng kinh bầu là Hội phó Hội Sợ Vợ miền Trung tây Hoa Kỳ. Bài viết là du ký quanh nước Mỹ của gia đình Ông Phó.
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả từng nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước 2007. Một bài viết của ông từ năm nhận giải, “Bài Không Tên thứ 20” hiện đã có tới 206680 lượt người đọc trên Viebao Online, tính tới hôm nay.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ được mọi người quí trọng. Ông góp bài từ năm đầu, đã nhận giải Danh Dự, và suốt 14 năm qua vẫn đều đặc sinh hoạt và hỗ trợ giải thưởng Việt Báo.
Bài viết mới của tác giả dành cho dịp Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu đang đến. Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh trước 1975, đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon.
Tác giả là cư dân Miami, tiểu bang Folrida, đã góp hai bài viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Cả ba bài đều là những bài viết rất ngắn có nội dung cô đọng. Mong Y Châu sẽ tiếp tục viết thêm.
Nhạc sĩ Cung Tiến