Hôm nay,  

Xuân Giữa Đời Thay Đổi

22/03/201300:00:00(Xem: 284646)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả hiện định cư tại Philadelphia. đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện và MBA. Đã giữ chức vụ Engineering Director tại BEI ở Little Rock, AS. Các công ty phục vụ: Exxon, McDonnell Douglas, Boeing, Physical Optics. Tác phẩm: Trùng Khơi Sóng Vỗ (thi tập, 2002). Bài viết mới của ông là một tự truyện, nhiều hồi tưởng về gia đình, quê hương.

Thế giới hiện tại sao đầy dẫy những đổi thay biến động. Từng phút từng giây. Bầu cử Tổng Thống, luật mới, chiến tranh Trung Đông, Châu Á, thuế khóa, là những đổi thay bên ngoài. Trong ta phải đối phó với một thân xác thêm nhiều bệnh lắm tật, và một tâm thần đang hứng chịu các sức ép của ngoại cảnh.

Ngày xưa thế giới của tôi là một thế giới không thay đổi, gần như bất động. Mọi người chấp nhận thế giới ấy và cố gắng an định trong bối cảnh xã hội ấy. Từ bé chúng tôi học lễ nghỉa "tiên học lễ, hậu học văn". Lúc mới học vỡ lòng gặp thầy đi ngoài đường là phải chạy đến cúi đầu chào thầy. Và thành phố Phan Thiết sao mà hiền hòa bình dị đến gần như dừng lại trơ gan cùng tuế nguyệt, chỉ chuyển động theo một chiều - chiều của thời gian.

Trong ký ức tuổi trẻ thơ ngây xa xưa mới tập tểnh đi học, tôi nhớ hình ảnh của các bạn trẻ con "bên phố" bùng binh của một quê hương thật an bình và hiền hòa Phan Thiết. Và một hàng chữ in nơi trang bìa tập viết mà tôi còn nhớ mãi bao nhiêu năm nay. Ðó là mấy chử "Ngày Nay Học Tập, Ngày Mai Giúp Ðời". Ngày nay tôi phục vụ cơ quan cấp bằng phát minh của Hoa Kỳ (US Patent and Trademark Office, USPTO). Công việc hằng ngày là phân tích và giám định chuẩn phê các sáng kiến từ các quốc gia nộp vào để cấp bằng phát minh. Công việc này là tích tụ 30 năm sau một hành trình từ một người tị nạn, qua 3 trường đại học, làm kỹ sư cho các hãng Exxon, McDDonnel Douglas, Boeing, và đến USPTO.

Ngày xưa mẫu người đại trượng phu phải đầy đủ nhân, lễ, nghỉa, trí, tín. Ngày nay một số các giá trị đó không còn quá cần thiết giữa một xã hội đa nguyên, hợp chủng.

Hôm nay, qua một bờ Thái Bình Dương bao la, qua bao nhiêu bến xe, cảng tàu đò, bao nhiên phi trường, qua bao nhiêu quốc gia, và cả một quãng đời đổi thay hụt hẫng... giữa các tia nắng Xuân vàng óng ả mới le lói giữa cơn giá tuyết mùa Đông, chợt nhớ về các hình ảnh ngày xưa là một điều đầy thú vị...

Quê hương ngày xưa

Vào những tháng ngày thơ ấu trong trí nhớ non kém mà tôi còn có thể hình dung được, cả phố Phan Thiết bình dị vừa chứng kiến nhiều dâu bể đổi thay trong nước. Vua Bảo Đại xuống, Ngô Ðình Diệm lên thay, sau một cuộc bầu cử "trưng cầu dân ý". Tân Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là người từng giử chức Tuần Vũ Bình Thuận lúc mới tròn 21 tuổi, một chức vụ tương tự như Tỉnh Trưởng sau này. (Sau cuộc đảo chánh năm 1963, giấy khai tử của ông có kê khai chức vụ của ông là "Tuần Vũ Bình Thuận" chứ không phải là "Tổng Thống VNCH"). Ðồng bạc mới VN thời đó đó có giá trị đáng kể. Chỉ cần hai cắc bạc chúng tôi có thể mua được cả một rổ ốc ruốc về để chị em chúng tôi "lể" ăn mệt nghỉ. Tôi nhớ lúc chánh phủ mới vừa cho lưu hành tiền mới, tôi cầm đồng bạc mới do má cho, đi mua món trái cây trị giá năm cắc. Bà bán hàng không thối lại năm cắc mà lại bà xé đôi đồng bạc giấy trả cho tôi một nữa vừa được xé ra! Trong hoang mang tôi về kể với các chị và ba má, thì mới hiểu lúc đó tân chính phủ vừa nhậm chức chưa có tiền cắc mới để cho lưu hành.

Cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều, được gọi là thầy "Thẹo", là hầu hết lũ trẻ đường Lê Văn Duyệt dảy nhà tôi; và dảy đối diện phía bên kia của bùng binh, tức đường Nguyễn Văn Thành. Cùng học chung lớp nhi đồng thời ấy có các con của các bác nhà sách Vui Vui, bác Năm Phùng, tiệm vàng Thành Kim, tiệm vàng Mỹ Quang, tiệm may Mai Xuân Trượng v.v...bên kia đường là con của bác chủ tiệm xe đạp Tân Lập, Lê Chánh Ngử... có cả hai chị em Thanh và Bạch cháu cô Nam Phong tiệm vải nhà ở đường đinh Tiên Hoàng lối vào chợ, phía trong tiệm billiard chú "Buộc" nữa. Bên phố Gia Long các tiệm Vĩnh Hưng, Phước Hưng, kéo dài đến tiệm sách chú Bé Vĩnh Lợi cũng đều gửi con học chung trường này... Sau ngày anh cả tôi mất lúc vừa 2 tuổi, mẹ tôi sinh chị Anh rồi chị Nam. Lúc sanh được con trai, người mình có tục lệ hay cho đeo khoen ở tai để khỏi bị ông bà "bắt", bỏ qua không xem xét vì ngở là con gái. Tôi và Hiệp con bác Tân Lập đều rơi vào hoàn cảnh đó. Hiệp con bác Tân Lập vẫn thường được các bạn bè thân yêu gọi là Hiệp Lé, sau này được người chú tập đánh trống, trỡ thành 1 tay trống xuất sắc cho các ban nhạc. Hiệp khi đi học vỡ lòng vẫn còn mang khoen ở tai giống như tôi. Bây giờ mỗi khi sờ lên cuối vành tai trái tôi vẫn còn dấu lổ tai đeo khoen ngày xưa, mặc dầu lổ ấy đã được lấp kín từ lâu. Và như vậy mốt đeo khoen của các con trai ngày nay tôi cũng đã có từng nếm qua từ bé... Vì cha tôi hay thách thức tôi từ nhỏ với các bài toán nhân toán chia rất dài rất khó, nhưng nếu làm đúng sẽ được thưởng 1 đồng, thậm chí có khi ba đồng đủ ăn một tô hủ tíu mỳ tuyệt vời, nên tôi rất yêu thích Toán. Và cũng là dễ hiểu khi sau này tôi xem Albert Einstein như một thần tượng, với nhiều khao khát được đi học để mỡ mang kiến thức. Albert Einstein, nhân tài lỗi lạc nhất thế kỹ 20 của loài người tuy chỉ hiện diện trên quả đất vỏn vẹn có 76 năm ngắn ngủi nhưng những đóng góp vô song của ông vào kho tàng kiến thức của nhân loại đã đẩy loài người vào những cao độ mới, những quỹ đạo mới của các đẵng cấp tinh khôn.

Vào những năm trước 1960 khi đất nước đã hồi phục được phần nào giữa những biến động triền miên, gia đình tôi đã tạo được cơ sỡ làm ăn vững vàng với tiệm may Phan Sinh kế bên nhà hàng Nam Thạnh Lầu. Trong nhà đông người nhộn nhịp những năm ấy với hơn mười thợ may nam nữ, chiều nào nhà cũng tràn ngập hạnh phúc với tiếng đố vui, tiếng vui cười đùa cợt của những anh chị thợ may thi đua nhau xem ai may cắt nhanh và đẹp nhất. Thậm chí có khi các anh chị thợ may còn ngũ lại trong nhà qua đêm. Dạo ấy có chú Phán là 1 thanh niên trẻ tuổi, người vui tính hay đờn ca xướng hát và cười giỡn nhiều nhất. Có đêm tôi và Ba đi xem xi nê về thấy các cô cậu còn giỡ bàn xoay Cơ giữa đêm khuya, với nét mặt vừa tò mò vừa nhút nhát của các chị thiếu nữ bên ánh nến lung linh, và miếng Cơ - làm bằng gổ từ hòm người chết - chạy rèn rẹt trên bản đồ giấy. Sau này 15 năm sau chú Phán có ghé về thăm nhà tôi, chàng thanh niên vui tính hay cười đùa dàn hát dạo đó đã thành một tu sỉ, nghiêm chỉnh trong bộ nâu sòng. Những êm ấm ấy, dầu xen lẫn với bao thiếu thốn vật chất, đều đã tan biến vào những năm khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời với khủng bố của chiến tranh, như cơn gió đen tàn bạo thổi vào thành phố.

Từ vùng biển mặn
đến Sài Gòn mỹ lệ

Quê tôi chỉ cách Sài Gòn 200 cây số. Nếu tuổi ấu thơ của tôi có thể ví như mực nước sông Mường Giang bình dị của Phan thành, thì tuổi lớn lên của tôi phải ví như những đợt sóng Thái Bình Dương ồ ạt. Tôi được gửi vào Sài Gòn học theo chân người chị kế vào Sài Gòn học - chị Minh, mà sau này mấy ông thư ký trong xóm kém chử nghỉa làm giấy tờ viết lộn tên của chị, kêu theo thứ thành tên "Năm", để rồi sau này được đổi lại thành Nam cho dể nghe. Năm thi trung học, chị Nam đậu hạng Bình, được nhận vào trường nữ Gia Long ỡ Sài Gòn. Chị có khiếu học sinh ngử, có nét xinh đẹp và bản chất thông minh nên thường có nhiều thanh niên theo đuổi. Gia đình muốn tôi cùng vô Sài Gòn học với chị để có chị có em cho vui. Người Pháp có nói "đi là chết trong lòng một ít".

Làm sao tôi quên được những đêm ngồi khóc thấm thía bên một góc tối sân thượng nhà Dì Hai chỉ vì một anh nghệ sĩ lãng mạn nào đó ỡ cuối hẻm Lê Văn Duyệt Sài Gòn, góc Phan Đình Phùng, đã thổi những tiếng sáo trầm uẩn não nề như cắt xé lòng kẽ xa nhà ra từng mãnh vụn. Và nhất là những ngày chuẩn bị về quê, từ rựng sáng chị em tôi thức dậy thật sớm để đón xe xích lô máy nổ bình bịch, náo nức ra bến xe đò để về Phan Thiết nghĩ Tết. Tuy nhớ nhà thương quê nhưng cái quyến rũ, cái náo nhiệt của Sài Gòn cũng khó mà cưỡng lại. Nếp sống nhộn nhịp, phồn hoa và táo bạo ấy tấn công tâm hồn trai trẽ vụng dại trong tôi như một cơn bão lốc. Hằng ngày học cùng lớp với những tên bạn lúc nào cũng nhai chewing gum, mặc quần jeans, đi Vespa, sáng sáng vô lớp chỉ kể chuyện đi "boum" (tức đi party) thật là khác xa với những người bạn cần mẫn chất phát quê nhà hằng ngày gắng đạp ngược gió những chiếc xe đạp củ kỹ từ Phú Long qua sỡ muối lên Phan Thiết học, hoặc có kẽ đi miệt mài hằng mấy cây số mới đến trường - và thông thường hay bỏ học vào những năm đệ Tứ, đệ Tam để đi lấy vợ hoặc đi cảnh sát. Rời xa những người bạn thân thương nối khố với những nụ cười dể dải hồn nhiên, vào Sài Gòn ngồi chung lớp với các cậu thanh niên chuyên ăn chơi thưỡng ngoạn nhạc ngoại quốc thường hay tán gẩu về Sylvie Vartan, Cliff Richard, Elvis Presley và ban The Beatles quả là một sự thay đổi đầy trái ngược. Những tháng đầu tiên vào trọ học Sài Gòn hồn tôi đầy những trống vắng hoang vu làm sao vì nhớ nhà nhớ bạn giữa một thế giới náo nhiệt chung quanh.

Mỗi chuyến về thăm quê Phan Thiết như vậy là để tìm về với những ấm cúng thân yêu của gia đình với gỏi cá mai, cơm gà, mì quảng với những câu chuyện vui và hấp dẫn do cha tôi kể mà mọi người chúng tôi náo nức muốn nghe.

Bao năm trường lớn lên, ngoài tính chất nghệ sĩ được hấp thụ từ cha, chúng tôi được Ba kể cho nghe không biết là bao nhiêu chuyện hay. Từ những chuyện đường rừng lạ lùng kỳ hoặc, chuyện ma Bình Thuận kinh dị, những mẩu chuyện Ngàn Lẻ Một đêm kỳ thú của vương quốc Ba Tư, những chuyện tếu và ý nhị như loạt chuyện Thi Nói Láo đăng trên báo thời bấy giờ, những mẫu chuyện sâu sắc từ quyển "Để Trỡ Thành Một Vĩ Nhân", đến những chuyện Tam Quốc Chí nêu cao cái hay đẹp trong thuật xử thế của người xưa, chúng tôi đã học hỏi không biết bao nhiêu điều qua những mẩu chuyện hấp dẫn từ cha tôi.

Chị Nam (tức Hoàng Minh) là một người giỏi về văn thơ, lúc nào cũng yêu đời, hay kể các chuyện vui Sài Gòn, nhất là chuyện các cô nữ sinh Gia Long tinh nghịch, với lối pha trò và điệu bộ rất dí dõm. Các em Yến và Hà luôn lăng xăng quấn quít bên các anh chị từ xa về để góp tiếng cươì chung. Mỗi dịp các con về, mẹ tôi không bao giờ quên nấu những nồi canh chua thật ngon với đủ thứ cá tươi, giá, rau thơm, ngò, me, bạc hà, và nước cà chua vàng óng ánh đặc sản của Phan Thiết mà chúng tôi không còn được thưỡng thức khi vào Sài Gòn. Hình ảnh nồi canh chua vì vậy in khắc trong trí tôi trỡ thành biểu tượng cho sự hi sinh của người mẹ nói chung và người mẹ Phan Thiết thân yêu của chúng tôi nói riêng.

Lúc hai chị em tôi trọ học ỡ Sài Gòn, mỗi lần có người vào Sài Gòn mẹ tôi thường hay gửi 1 nồi cá nục kho tặng Dì Hai, kèm cả một bầu trời thương yêu trong lá thư của mẹ. Thư của mẹ gửi chúng tôi có nét chử nghuệch ngoạc của bậc tiểu học nhưng đầy ý nghỉa của một người hiểu đời. Bà mẹ ấy không bao giờ quên quá khứ khổ nhọc và đã cố gắng dành hết những hạnh phúc cho các đứa con. Người mẹ ấy trước kia là một thiếu nử xinh xắn tại Phú Long, chị cả của một đàn em đông, chỉ được học xong lớp Ba. Vì thuỡ mới lớn nghèo khổ, mẹ phải phụ gia đình làm bánh bông lan bán nuôi đám em nhỏ dại. Bà gặp Ba tôi cũng là người anh cả trong một gia đình đông con tại Phan Rí, cũng không kém phần khổ cực. Ngày ba má tôi lấy nhau, cả hai gia đình đều khóc vì mất đi người phụ lo cho hai bầy em hai bên. Vì không một mảy may vốn liếng gì để làm ăn, ba tôi phải trôi dạt sang tận bên Miên (Cam Bốt) theo theo bác Tư Sào ba anh Nguyễn Văn Cao để học nghề may. Sau này bác Tư Sào về lại Phan Thiết mở tiệm cầm đồ Phước Lợi.

Trong cảnh bần cùng khó nhọc đó, ba tôi cuối cùng dành dụm được một ít tiền về lại Phan Thiết để bắt đầu một cuộc đời mới. Mẹ tôi rất khéo về buôn bán với lối giao tình thân mật với các khách hàng của bà. Chỉ một vài năm bán hàng trong chợ, bà đã mỡ rộng các gian hàng theo số thương vụ gia tăng. Chiều chiều mẹ tôi mua chè đậu xanh cho chúng tôi ăn, đến mùa mãng cầu, xoài, hay măng cụt mẹ tận tụy đem về cùng ăn với đám con. Có lẽ không gì đáng nhớ cho bằng một điều đặc biệt là mỗi khi đi đâu về nhà mẹ tôi đều mang về một chút quà cho con, dầu chỉ là 1 trái ổi, trái quít hay chỉ là một củ khoai.

Tôi thích Sài Gòn với nhịp đập của cuộc sống mãnh liệt, mỹ lệ với các thời trang hấp dẫn, và vui tươi với nhiều mục giải trí. Nhưng tôi thương yêu thành phố Phan Thiết bình dị hiền hoà quê tôi bỡi đó là đất của những kỹ niệm thân thương, của những rung động và nhận thức đầu đời.

Thế hệ của Cha

Những năm đó sự tàn phá của chiến tranh càng lúc càng dử dội. Một buổi chiều mùa hè khi được tin từ Sài Gòn nhắn về Phan Thiết cho biết tôi thi đậu Tú Tài 1, ba tôi sung sướng khoác vai tôi, hai cha con cùng đi bộ một quãng đường dài khá xa; từ nhà ngang qua trường tiểu học Đức Nghĩa, vòng qua ty Cảnh Sát, rồi mới trở về lại nhà. Trên đường đi, ông rưng rưng siết vai tôi kể lại đời ông và chuỗi ngày ông đi học trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, khiến mắt tôi ướt đẫm lúc nào.

Ông ra đời năm 1918 vào một buổi chiều cuối năm âm lịch khi chợ Tết sắp tàn. Ông nội tôi chết sớm, bà nội tôi phải chật vật nuôi đàn con thơ. Ba tôi thân phận mồ côi cha, phải kiên trì chịu đựng lắm mới được đi học sau những giờ làm lụng vất vã. Ngày đỗ bằng Sơ Học, ông được đưa về làng như cảnh tượng vinh quy bái tổ. Cho đến ngày nay, tôi vẫn không bao giờ quên được kỹ niệm buổi chiều hai cha con đi bộ ngày hôm đó. Ba tôi có chữ viết rất đẹp dầu cả quãng đời niên thiếu của ông đầy giẩy những cơ cực. điều mà tôi nhớ mãi ỡ cha là chiều chiều ông hay ra các bài toán nhân hoặc chia thật khó cho tôi làm để khích lệ tính hiếu học trong tôi.

Chính những kỷ niệm đặc thù đó đã thúc đẩy kích thích tôi yêu thích mê say môn toán như những nhà vỏ sĩ sẳn sàng lăn xả vào đấu trường. Sau này khi sang Mỹ, và suốt cả cuộc đời mài đủng quần tại các trường học, môn Toán đối với tôi vẫn là một thú tiêu khiển thích thú đầy thi vị hơn là một môn học khó nuốt. Nhờ công việc dạy kèm Toán tại các trường đại học Hoa Kỳ tôi đã có thêm ít tiền còm để chi dụng những tháng ngày theo đuổi việc học.

Dạo đó Ba tôi không còn đi lưu diển với đoàn hát cải lương thành phố nữa, về lại Phan Thiết lập nghiệp với tiệm may Phan Sinh. Tuy nhiên các diễn viên củ trong đoàn hát như cô Út, chú Tao Ngộ, chú Võ, v.v... vẫn ghé thăm nhà tôi để cùng đờn ca xướng hát các bài bản ưng ý cuả thời đi lưu diễn. Thỉnh thoảng ba tôi vẫn ngân nga những bài ca xưa, cả những khi ông đang cắt vải thoăn thoát theo đường phấn kẻ màu xanh với chiếc kéo cắt thật bén và lớn, hoặc lúc chân đang dạp đều nhịp chiếc máy may với đôi tay ông lèo lái các đường vải. Các máy may khác trong nhà chạy đều theo nhịp đạp của các thợ chính, thợ phụ, hoặc các anh còn đang tập sự. Các anh thợ thanh niên thì dạn dĩ hay ca góp vui nối tiếp theo ba tôi, hoặc có người ra câu đố, hoặc kể chuyện vui. Các người giúp việc đôi khi cũng trở thành đề tài cho các thanh niên giỡn phá. Các chị thợ thường chỉ phụ đơm khuy và kết nút, tham gia cuộc vui một cách kín đáo hơn bằng các tiếng cười dòn. Chị Sáu thường bị các anh thợ chiếu cố trêu ghẹo suốt ngày vì chị có nét xinh ở tuổi dậy thì.


Sau giờ làm việc, các anh chị vẫn còn tiếp tục lân la kể chuyện vui hoặc đờn ca trong phòng khách lầu dưới. Mé sau căn nhà, trên lầu hai có một bức tường bằng gạch, được xây hơi kiểu cọ, chừa khuyết một vòng tròn khá lớn như vầng trăng khiến cho người trong nhà có thể nhìn được ra sân thượng ở mé sau.

Chị cả cuả chúng tôi, chị Hoàng Anh, thường leo ngồi vào vòng trăng đó, thả chân đong đưa vừa ca các bài như "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to..." Dạo ấy chị Anh đã là một thiếu nữ cao và thon gầy trong chiếc áo dài trắng. Trong khi chị Hoàng Minh (tức chị Nam) vẫn còn học trường Nữ bậc tiểu học, chị Anh đã vào học trường Phan Bội Châu, được ba má tôi mua cho một chiếc xe đạp mà lúc nào chị cũng giữ bóng loáng. Lúc sau, theo phong trào Velo Solex, chị cũng có 1 chiếc Velo thay cho xe đạp. Chị theo sát ba tôi từ những dịp đi lưu diễn hay cả những lúc ba đi đá banh bên Sân Vận động. Các cầu thủ đá banh mặc quần shọt, áo may ô và mang giầy đinh. Có lần trên sân banh, khi chị Anh đang giử áo quần của ba tôi vừa thay ra, một thanh niên đến nói với chị là "Ba của cô kêu tôi đến nhờ cô đưa quần áo cho ổng thay"... Chị Anh bèn đưa hết quần áo, có cả bóp và tiền bạc. đến khi ba tôi đá banh xong, trở lại lấy quần áo đi thay, mới biết chị Anh đã bị kẻ lạ gạt lấy hết quần áo giấy tờ. Em Hoàng Yến kế tôi hảy còn bé chưa đi học, và em Thanh Hà chỉ mới chập chững biết đi.

Trong các bài ca mà tôi nghe ba tôi ca, có một bài với lời thật ngộ nghĩnh khiến tôi theo hỏi và được ba cho biết là do bác Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh sáng tác, thời bác còn làm bầu gánh hát - thời thật xa xưa trước khi bác trở thành Dân Biểu Bình Thuận. Bài hát này các chị em chúng tôi sau này đều thuộc lòng (và trở thành bài ca chung trong những dịp vui mỗi khi gia đình hội ngộ):

Mau vô trỏng, cúi đầu thưa với ổng
Rằng tôi đợi ngoài cổng
Rồi trở ra mau nói, để cho tôi thăm hỏi
Kẻo chờ lâu cẳng mỏi

Ông quan ấy thân với tôi lắm đấy
Tôi với ổng họ Trình
Trình ấy làm Quan
Còn Trình này thì bán quán giữa rừng "hoang"

Quán với Quan cũng gần
Quan với Quán một vần...

Những lúc cả nhà theo tiếng đờn cuả cha tôi quây quần ca hát, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng ca góp một bài với lời lẻ thật xa xưa "Dạ dạ dập đầu... Thưa chuyện với chị dâu..."

Có một bài ca rất dài mà lũ chúng tôi rất thích nghe giọng của Ba ca với những hơi ngân, những nhịp ngắt với tiếng song lang gõ nhịp tài tình truyền cảm điệu Xàng Xê, hoặc khúc lái ngân nga lên xuống giọng thật đặc biệt, khiến cho người nghe cãm thấy như có một làn mây ấm cúng nào đó đang vây quyện khắp không gian:

Hậu đô Bắc Hà,
Vào triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 46,
Hân hạnh được cung nginh đức Bình Bắc Tướng Quân Nguyễn Huệ
Thống lãnh đại đội binh hùng
Hát khúc khải hoàn vào cổ lủy Thăng Long
Sau khi bình giặc đã thành công
Nhưng vì thấy Lê Trịnh tranh hùng muôn dân đồ thán
Cho nên Nguyễn Tướng Quân phải diệt Trịnh phù Lê
Tảo trừ bọn Trịnh tư quyền là Trịnh Tứ Phương
Hạ thành Sơn nam...

Sau những quãng đời khó khăn vật vã truân chuyên với cuộc sống từ những ngày Tây về ruồng bố bắt dân, rồi chuyến lưu lạc sang tận Cam Bốt học may, cha mẹ chúng tôi vừa mới bắt đầu gầy dựng được một cửa tiệm may để sinh nhai với những điều tạm gọi là yên ổn của mái ấm gia đình, tuy đơn sơ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Bỗng nhiên một hôm cần tiền, người chủ căn phố nhà chúng tôi đang ở trỡ về lại Phan Thiết và quyết định bán căn nhà thật gấp, chứ không cho gia đình tôi thuê nữa, mặc dầu thời hạn thuê mướn vẫn còn và công việc làm ăn của ba tôi đang đà phát đạt. Vì giá bán căn phố quá cao cha mẹ tôi không đủ tiền để mua căn phố ấy, gia đình chúng tôi đành phải quyết định dọn đi.

Thời mới lớn

Đậu xong Tú Tài 1 tôi trỡ về trường Phan Bội Châu tại Phan Thiết học lớp đệ Nhất, hồn tôi đầy những thương tích rã rời không kém gì thể xác phí phạm với men rượu và khói thuốc thâu đêm bên cạnh lũ bạn thân. đấy là những năm tôi uống những lon bia đầu đời, yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn như các người trẻ khác. Chúng tôi bắt đầu hướng về các ý niệm và nhận thức của tuổi thành niên: quân dịch, đại học, du học, tình yêu, cuộc đời và thân phận. Cả tên bạn thân Nguyễn Xuân Hùng và tôi đều thích bản nhạc "Tình Khúc Thứ Nhất", thơ của Nguyễn đình Toàn do Vũ Thành An phổ nhạc. Chúng tôi say mê các truyện "Bếp Lửa" của Thanh Tâm Tuyền và truyện dài "Ung Thư" của ông trên tuyển tập Văn. Rồi đến các bài thơ học trò của Nguyên Sa mà điển hình là bài Áo Lụa Hà đông. Dạo đó có bản dịch của nguyên tác La Porte Etroite (Khung Cửa Hẹp) của André Gide, Bùi Giáng dịch, mà chúng tôi rất thích, với hai câu thơ trích từ bài thơ “Khúc Ly đình” của Cao Thị Vạn Giả khi người yêu sắp đi du học phương xa:

Tiễn chân anh tận phi trường 
Lối đi lối ở mười phương lối về 
Mù sương phi cảng não nề 
Thôi anh ở lại buồn về em mang 
Tiễn anh một chén rượu tàn 
Một bàn tay nắm một hàng lệ mau...

Bạn bè chúng tôi bắt đầu biết suy tư, rất vui, nhưng lũ chúng tôi đã qua khỏi tuổi hồn nhiên mất rồi và trỡ thành đối tượng quân dịch để đáp ứng nhu cầu chiến sự ngày một gia tăng. Những người bạn suýt soát cùng lứa như Bá Long, Nam Bò, Dũng Lọ và nhiều bạn bè khác đều tuần tự phải nhập ngủ. Sử đi SQ Thủ đức. Nam Bò đi Thuỷ Quân Lục Chiến, chết tại vùng 4. Dũng Lọ em anh Nguyễn Kim Hùng đi SQ Thiết Giáp, bị mất tích. Cùng ỡ lại Phan Thiết có Diệu Lý, Cu Tân, Hùng, Quang và tôi. Sau Tết Mậu Thân chiến cuộc càng tàn khốc. Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Trung Quang và tôi vào Sài Gòn học đại học. Quang được học bổng đi du học nhưng vào học Quốc Gia Hành Chánh vì tuy cùng đi chơi như lủ chúng tôi, hắn đậu Tú Tài 2 hạng Bình. Các bạn ỡ Sài Gòn như Trần Văn Toàn và Nguyễn Thành Vân được gia đình gửi đi du học tự túc sang Đức, và sau này đều lấy vợ đức. Hùng và tôi cùng học Luật và kinh tế tại đại Học Vạn Hạnh. Một hôm sau khi nhậu say đã đời, Hùng và tôi cùng quyết định tình nguyện đi Hải Quân.

Tuy chuyến về quê nào đối với tôi cũng là những chuyến thân thương như về miền đất hứa, cũng có những chuyến về kém vui tươi vì những mất mát. Sau khi tốt nghiệp Khóa 20 trường SQHQ Nha Trang, tôi phục vụ tại Vũng Tàu, được đi xuất ngoại du tập (lúc mang Trung Úy) và phục vụ trên các chiến hạm HQ-800, HQ-802.

Một trong những lần về thăm Phan Thiết buồn bã nhất là khi được tin em Yến chết. Tàu HQ-800 tôi vừa đi công tác quần đảo Trường Sa về đến bờ thì được một người quen cho biết em gái tôi bị chết đuối tại biển Thương Chánh. Tôi xin phép hạm trưởng về Phan Thiết gấp.

Buổi chiều từ mộ em Yến ỡ bia đài về, tôi chưa bao giờ thấy căn nhà mình trống trải lạ lùng đên thế. Như một chiếc răng lược đã gảy, sự vắng mặt của em thật là hiển nhiên. Mỗi khi tôi bước lên lầu, đi lên nhà trước hoặc ra sau nhà, đâu đâu cũng thấy hình bóng em ẩn hiện. Trước đó, chị Nam thấy điềm báo mộng chẳng lành về em Yến, chị đã về Phan Thiết trước tôi và làm mấy câu thơ viết trên một tấm trướng lớn lúc đưa tiễn theo quan tài của em Yến:

Em chết vội không thời giờ trang điểm 
Giùm cho em nhan sắc nhuốm xanh sao 
Hai mươi tuổi thú vui đời chưa hưởng 
Em nỡ lòng về tiên cảnh đành sao

Như ai khơi lại đống tro tàn dĩ vãng, buổi chiều xanh hôm ấy bên mộ em, quá khứ như một dòng sông trôi về mênh mang trong tôi. Tôi có cảm tưỡng trong lòng mình cây cối mọc hoang vu. Nước mắt tôi chảy tự nhiên, từ một con tim rủ rượi.

Đoạn đường cuối của Cha

Vào tháng 4 năm 2002, Tôi từ Nam Cali và chị Hoàng Nam từ Minesota cùng hẹn nhau qua Philadelphia thăm Ba. Trí nhớ của Ba như đã cạn hẳn. Người cha yêu dấu với ngón đàn du dương, làn hơi truyền cảm và giọng kể chuyện đầy mê hoặc, người đã mang hình ảnh Tết thiêng liêng về bên bàn thờ tổ tiên mỗi mùa Xuân cho gia đình chúng tôi giờ chỉ còn là một thân xác gầy gò, tóc bạc sương, ngồi xe lăn với cặp mắt nhìn trống rỗng thờ thẩn xa xôi vào hư vô. Ba chỉ cười nhìn các con, nhưng nét tinh anh sắc bén của tầm mắt không còn nữa. Ba như ngọn đèn leo lét trước gió. Một năm sau đó Ba vĩnh biệt cuộc đời. Ba mất đi để lại nhiều kỷ niệm về một thời rất đẹp với quê hương khi gia đình còn có những buổi ăn tràn đầy tình thương yêu lúc các con của Mẹ còn quây quần đông đủ bên quầy canh chua cá nục kho tuyệt vời và thèm khát lắng nghe những chuyện kể đầy thích thú mê hoặc của Ba.

Nhắc đến mẹ, tôi nhớ nhất là những lúc mẹ đi buôn bán chiều về nhà. Mẹ luôn kêu tôi cho trái ổi, trái quýt, trái cam. Khi thì được trái xoài, măng cụt. Tiếng yêu thương của mẹ tôi là như thế. Không phải bằng lời nói "yêu thương" mà là cái nhìn âu yếm trìu mến, cái vuốt đầu khi mẹ sung sướng. Vậy mà khi sang Mỹ rồi, ai cũng lo phấn đấu với cuộc sống mới. Chợt nhớ lại những lúc tôi cằn nhằn mẹ vì mẹ đổ thuốc tẩy vào máy giặt quá nhiều làm rách hư hết mấy bộ quần áo hiếm hoi, hoặc khi mẹ rang popcorn trong microwave lâu quá làm cháy khét cả nhà. Mẹ tôi đành lặng im không đáp. Trời ơi, thấy mình sao kém cỏi nhỏ mọn quá quá. Sao mình không biết lựa lời để mẹ khỏi đau lòng. Bây giờ cha mẹ đã khuất núi rồi, làm sao mình sánh với những tình thương và hạnh phúc cha mẹ đã từng ban cho trong quãng đời khốn khổ kia.

Đất Mỹ những ngày đầu

Năm 1975 thành phố Wilkes-Barre PA tăng thêm một dân số, mà phải nói là một "khách trọ" thì mới đúng. Đó là hình ảnh của một thanh niên tị nạn trẻ với nhân dáng gầy gầy, mái tóc phủ tai, với đôi mắt đăm chiêu, một nụ cười khô khan không trọn vẹn, và một tâm sự ngổn ngang những nỗi niềm, bước những bước chân xa lạ bỡ ngỡ trên con phố Main Street của thành phố Wilkes-Barre, PA với tâm trạng buồn bã.

Tuy nhiên, miền đất mới này như trải rộng một lời mời gọi rất chân thành và khoan dung. Nó thúc giục tâm hồn thanh niên tị nạn trẻ trong tôi một nghị lực phấn đấu để vươn lên mà tôi không tài nào cưỡng lại được. Tôi cố gìn giữ đóm ánh sáng của một ngọn nến bập bùng, dầu đôi khi có bị nghiêng ngả tròng trành trước những gió mưa giông bão của cuộc đời. Tôi nhớ lời của vị thầy dạy học tôi thời niên thiếu, người đã mang tôi ra khỏi bóng tối của khờ dại và bước vào vùng ánh sáng của lý tưởng với lời khuyên còn vang vọng từ thuở bình minh của tâm hồn "Các con hãy sống chân thành, sống đầy nghị lực, hãy đi tìm ý nghĩa của cuộc đời... và rồi hạnh phúc sẽ đến với con, với một niềm mãn nguyện.."

Người lữ hành đó đang mò mẫm đi tìm một điểm đến, một nụ cười, hay phải chăng là một mùa Xuân... Đầu niên học kế, do lời khuyên của một người bạn, tôi tập trung mọi can đảm đến gặp vị Dean of Admission của trường Đại Học Wilkes để xin nhập học. Vị Giám Học (Dean) này mới ngoài 40 tuổi, rất cởi mở và tận tâm khi gặp tôi. Tôi rất ngại ngùng, nhưng nhờ vào sự tin tưởng ấy của ông mà sau khi tính hết tất cả các khoản học bổng ông có thể xin được cho tôi, cuối cùng ông cho biết khoản học phí rất cao của tôi có cơ hội sẽ được thanh thỏa đầy đủ! Ba tuần sau, tôi sung sướng và cảm động biết bao khi nhận được 1 lá thư có in dấu hiệu trường Wilkes lịch sự ngoài phong bì chuyển đến phố Allentown nơi tôi đang làm thợ dệt cực nhọc ca khuya (graveyard shift). Lá thư gọn ghẽ và lịch sự ấy cho biết đơn xin nhập học của tôi đã được Trường chấp thuận. Khát vọng được đi học lại là một cái gì chiếm ngự trọn vẹn tâm hồn tôi lúc ấy mà không một mãnh lực nào có thể cản được... bao nhiêu hình ảnh của các người thân vẫn còn ở lại Việt Nam, bao nhiêu đồng đội và bạn bè giờ đã lạc phương nào biệt vô âm tín, tâm trạng buồn bã tuyệt vọng ngày rời trại Orote Point ở Guam cùng làn sóng người Việt tị nạn chia ra đi về những phương trời vô định...Nhớ làm sau những nét lo âu phân vân rối bời của những anh em cùng phục vụ trên chiến hạm ngày bỏ nước ra đi, lưỡng lự phút giây đi ở sống còn vì người thân còn kẹt lại ở quê nhà...nước mắt tôi nhòa ra mờ hết mọi cảnh tượng chung quanh... và tôi khóc tức tưởi đến ướt đẫm cả chiếc gối...

Từ đó tôi theo dòng đời dong ruổi bận rộn miệt mài. Từ khi tốt nghiệp kỹ sư rồi đi nhận việc làm tại Houston TX, rồi di chuyển sang Nam California làm việc với McDonnell Douglas, Boeing, và đến nay đã hơn 35 năm, tôi vẫn còn kỷ niệm đáng nhớ nhất về Mục Sư Phillips. Đó là ngày ông hướng dẫn tôi và 3 người Việt tị nạn khác đi thăm New York City với khu Rockefeller Center, Empire State Building, và hướng cho tôi một ánh nhìn đầy ngưỡng mộ trìu mến về tượng Nữ Thần Tự Do hùng vĩ... chuyến đi đó đã ăn sâu vào tâm khảm tôi những giá trị về ý nghĩa của hai chữ Tự Do, bằng những hình ảnh to tát, cao cả và thâm thúy nhất mà chỉ có thể cảm nhận được từ con tim của 1 người tị nạn.

Thêm một mùa Xuân đất Mỹ

Mùa Xuân năm nay thật khác với mùa Xuân đầu tiên trên đất Mỹ năm 1975. Sau những biến đỗi to tát đời mình, tôi tìm được chút giây phút tỉnh lặng ngồi nhớ lại không khí Tết ở quê nhà, thấy tết quê mình sao mà thiêng liêng sao mà ấm cúng thiết tha như thế. Thế là thân xác thì sống trong hiện tại mà hồn thì cứ tưởng nhớ những kỷ niệm đẹp xa xưa.

Một buỗi chiều nắng vàng nghiêng nghiêng ngoài khung cửa kính trên lầu căn apartment nhìn đại lộ ồn ào mé dưới của thành phố Wilkes-Barre thung lủng của miền đông bắc Pennsylvania tôi cũng đã có lần ngồi lặng người tự hỏi tại sao mình hiện hửu? Rồi sẽ về đâu? Sẽ còn một thế giới nào khác giữa vũ trụ bao la? Tôi chợt nhớ về Einstein, nhớ lời kinh Bát Nhã "sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc", chợt nghỉ về những chặng đường trầm luân của một đời ngưòi...

Như một câu tục ngữ Phi Châu: "để nuôi nấng, un đúc, dưỡng dục một đứa con cho nên người, chúng ta cần sự hợp lực của cả một ngôi làng". Hôm nay số tuổi tam tuần ấy đã từng đến và ra đi băng bẵng từ khuya, tôi lại chợt muốn ghi nhận những ý tưỡng về miền đất thân yêu mà tôi đã lớn lên. Vùng trời hiền hoà đó đã cho tôi một quá khứ, tuy không được sơn son thiếp vàng trên nhung lụa, nhưng đầy ắp những hạnh phúc và tình thân yêu mà giờ đây tôi không bao giờ có thể tìm bắt được. Quá khứ đó là bóng mát nghỉ chân của kẽ lữ hành vẫn còn đang rong ruổi chuyến phiêu lưu vô tận giữa sa mạc cuộc đời. Nó là những gấm hoa kỹ niệm của vùng biển mặn quê tôi. Nó cho tôi một điểm tựa giữa bao bất trắc đổi thay của cuộc sống.

Trong Thiền vị an lạc của mùa Xuân trên đất Mỹ tôi ghi lại vài câu cảm tác:

Nếu ai hỏi ánh dương tỏa sáng
Xin trả lời có cũng là không
Nếu người hỏi vầng trăng thanh khiết
Xin trả lời có cũng là không
Nếu ai hỏi tim còn hình bóng
Xin trả lời có cũng là không
Nếu ai hỏi nhớ thương nhiều lắm?
Xin trả lời có cũng là không
Nếu người hỏi có còn ngôn ngữ
Xin trả lời có cũng là không

Cát Biển

Ý kiến bạn đọc
22/03/201315:39:39
Khách
Bài viết thật hay của một người từng trải và hiểu được chân giá trị cuộc sống này "...CÓ cũng là KHÔNG". Xin cám ơn và chúc sức khỏe của tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,759,514
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí. Ông cũng từng nhận giải Danh dự Viết Về Nước Mỹ và vẫn tiếp tục góp thêm nhiều bài viết giá trị.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ.
Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010.
Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Giải danh dư 2009, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010 - thường được gọi đùa là giải á hậu - với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu”.
Đây là bài viết của người trẻ nhất trong số các tác giả dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sang Mỹ năm 2007, lúc 11 tuổi do ông nội đi HO năm 1992 bảo lãnh, năm nay, Hoàng Ân chỉ mới 17 tuổi, hiện học lớp 11 tại Portland, Oregon.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Viết Về Nước Mỹ năm thứ 13, ông đã góp 5 bài, gần nhất là “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm”. Sau đây là bài viết thứ sáu.
Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nails vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California khi 62 tuổi.
Tác giả đã góp một số bài viết đặc biệt về chuyện đời tị nạn, và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bút hiệu gồm 2 người: Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối, viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc trong một công ty Energy tại thành phố Houston, Bài mới của ông góp cho năm nay là một chuyện tình yêu hồi hộp.
Tác giả tên thật Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ thuộc lớp tuổi 30, cư dân Westminster, Orange County, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2010 với bài viết về Lễ Tạ Ơn mang tựa đề “Chỉ với một nụ cười...”
Nhạc sĩ Cung Tiến