Hôm nay,  

Đôi Chim Cu Đất Và Mối Tình Già

18/11/201900:00:00(Xem: 16210)

Bài số: 5837-20-31618-vb2111819

 

Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.

 

***

Viết tặng một người yêu dấu.

 

Vợ chồng tôi dọn đến Irvine khi các con bắt đầu vào lớp tiểu học. Thành phố mới thành lập vài thập niên nên tổ chức tiện nghi để con trẻ có thể học hành từ lớp vỡ lòng đến chương trình đại học. Những năm đầu, chúng tôi hạnh phúc nhìn các con đi bộ băng ngang công viên đến trường nhưng thời gian đó đã qua nhanh và ngôi nhà xưa kia đầy đủ năm người hiện nay chỉ còn vợ chồng già lủi thủi bên nhau.

“Chim nhà” đủ lông đủ cánh đã bay đi tìm tương lai ở phương trời xa, chim trời bay ngang mỗi ngày thấy căn nhà vắng vẻ, để ý rồi làm tổ như câu nói “đất lành chim đậu”. Sống đời hưu trí nên thanh thản, tôi có thói quen uống cà phê khi người vợ trẻ dậy sớm đi làm. Một mình ngồi nhâm nhi mùi thơm vị đắng, tôi sung sướng được dịp quan sát cảnh vật chuyển mình vào lúc trời bừng sáng.

Mùa xuân năm nay, tình cờ tôi có đôi bạn... Vợ chồng Dove đến xây tổ dưới mái nhà. Mourning Dove là tên Mỹ vì tiếng gáy nỉ non như than khóc nhưng thực ra đó là tiếng lòng ỉ ôi của chim trống gọi mái. Chúng sống có đôi, cùng ấp trứng nuôi con theo giờ giấc quy củ, chẳng bao giờ thấy giận hờn lại thường say đắm tỏ tình. Chỉ vài đặc điểm ấy thôi cũng chứng tỏ chúng là những cặp uyên ương lý tưởng mà xã hội loài người thầm mong ước. Người Việt gọi chúng là chim Cu Đất, Cu Gáy hay chim Cổ Cườm...

Từ cửa sổ, tôi có thể quan sát đôi chim một cách kín đáo sau bức màn che. Nhìn chúng đi lại, dễ phân biệt con trống và con mái vì chồng nó giống tôi, thân hình đẫy đà hơn “my Dove” một chút. Chim Cu Đất có đôi mắt đẹp, nhìn nó tôi thường bị hớp hồn bởi nét thơ ngây thanh tịnh và chất từ bi ở một thế giới hòa bình không thật trên cõi đời này. Yêu nhau... Đạp mái xong thì nàng mang thai, ấy cũng là lúc cả hai cùng bay để tìm nơi an cư tạm trú.

Chim mái chọn chỗ nằm ngay dưới nóc nhà của chúng tôi. Chim trống chiều ý vợ, nàng bảo sao chàng nghe vậy rồi tha về những cành khô để nàng làm tổ. Xây xong thì nàng đẻ hai trứng, vợ chồng thay phiên ấp từ sáng đến chiều. Vợ nằm thì chồng nuôi ăn đến khi hai chim con ra đời, mỗi đứa một việc giống như cảnh “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừa”. Sau đó, chim bố và chim mẹ cùng bay luẩn quẩn gần tổ tìm thêm hạt để mớm cho con. Chúng há miệng to lắm, kêu tíu tít gọi mẹ hoặc bố để dành miếng ăn.

Khoảng năm giờ, khi nắng chiều bớt gay gắt và màu vàng ngọc vẫn còn lung linh trên đầu cây ngọn cỏ, tôi thấy vợ chồng chim thường đứng bên nhau phơi nắng trên giàn dậu trước căn phòng bếp. Nhìn cảnh mặn nồng thiên hướng ấy tôi thấy động lòng yêu thương! Vào giờ này, vợ tôi cũng đã về sau một ngày làm việc, chúng tôi cùng ngắm đôi chim rỉa lông, chùi mỏ, mắt khép mắt mở, âu yếm hôn nhau. Chim vợ nhiều hưng phấn, rên rỉ trong cổ tựa như “love me tender, love me sweet, never let me go” rồi rúc đầu vào lông chồng say đắm.

Khoảnh khắc đó nếu đứng bên cửa phòng, tôi có thể chiêm ngưỡng được cảnh gia đình chim đầm ấm ở cả hai nơi. Giữa tổ, hai chim con no nê thản nhiên nằm ngủ trong lúc bố mẹ đứng sổ lông tỏ tình bên hàng dậu. Tôi quay lại định khoe với vợ thì thấy nàng cũng đang chăm chú nhìn và mỉm cười... Nhưng có lẽ cử chỉ tự nhiên sỗ sàng ấy đã làm nàng ngượng ngùng nên mau chóng quay về với bếp núc, sửa soạn bữa cơm chiều.

Khi nắng tắt, không gian nhuộm màu xám đục là lúc mẹ về bên con. Mẹ nằm giữa, hai con hai bên và mỗi đứa ủ một đầu cánh dự trù nhiệt độ về đêm sẽ xuống thấp. Lạ thay, chim bố không bao giờ nằm chung tổ mà hay một mình trên mái nhà tựa như thi sĩ thơ thẩn nhìn hoàng hôn để tìm cảm hứng... Chẳng tối nào ngủ cùng vợ con nhưng mỗi sớm mai, bình minh vừa lên là đã thấy nó bay quanh tổ để thay vợ ấp trứng từ sáng tới trưa. Khi vợ ấp thì chàng vất vả bay đi bay về kiếm từng hạt cây cho đến khi mỏi cánh. Vợ chồng chỉ gần nhau nghỉ ngơi trên hàng dậu vào lúc chiều tàn suốt hai tuần chờ trứng nở ra con.

Nhìn tổ chim kích thước giới hạn, tôi tò mò suy ra chút sự thật... Tổ ấm xây hình tròn, đủ cho gia đình chim một mẹ hai con chứ không có chỗ để chim bố nằm nhưng tôi thắc mắc chẳng biết chàng sẽ về đâu mỗi đêm? Ngủ vất vưởng một mình dưới cành lá kín hay cũng lập phòng nhì, năm thê bẩy thiếp như các đấng nam nhi loài người?

Mỗi chiều khi nắng hoàng hôn dần tắt, chim bố thanh thản giữa trời, có lẽ chàng tự mãn vì đã lo xong bổn phận một ngày đầy đủ đối với gia đình? Tôi cố đoán xem chim nghĩ gì sau giây phút ân ái với người tình bên hàng dậu nhưng khi chiều sụp tối, lại cô đơn đứng trên nóc nhà mà chẳng thể nào hiểu thấu tâm tư nỗi lòng của nó?

Thế rồi một buổi sáng, bình thường như mọi ngày, tôi không thấy đôi bạn ấy nữa. Chim con ra ràng đủ lông cánh đã bay xa và bố mẹ chúng cũng giã từ tổ ấm. Gia đình chim bỏ tôi đi không lời từ biệt. Tôi ngơ ngẩn bắc thang lên thăm và thấy tổ được xây đắp thật công phu nhưng đôi chim cũng chẳng màng, sẵn sàng trả lại trời đất những gì chúng đã vay mượn!

Ngắm cái tổ rơm một thời hạnh phúc bây giờ te tua hoang tàn mà lòng buồn mênh mang, tôi đành phá đi và hốt chùi rác rưởi cho ngôi nhà sạch sẽ trở lại. Thế là vợ chồng chim đã tá túc ở đây gần một tháng xuân để chồng nuôi vợ, vợ ấp trứng nở con rồi đường ai nấy đi không chút bận bịu, không cả một tiếng trách móc kêu than… “Anh đường anh, em đường em, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi!”. Tự do bay đi, tự do bay về khắp bốn phương trời, trước và sau thời gian xum họp.

Chim đi rồi... Nhớ vợ chồng chim nên tôi đọc sách để tìm hiểu. Hóa ra người đời vẫn thường dễ lầm. Có cái lầm bé nhưng đôi khi cũng “bé cái lầm” nghĩa là lầm lớn tựa như câu chuyện tình của chim Cu Đất! Chẳng ai có thể ngờ chúng yêu nhau suốt đời. Không tin cũng phải tin, chung thủy chỉ một vợ một chồng từ lúc trưởng thành cho đến phút biệt ly lìa trần. Ý trời hay ý chim? Dĩ nhiên phải là ý trời và vì sống theo ý trời nên chim “đạo đức” ngay thẳng, tâm hồn sẵn có trật tự thiên nhiên rõ ràng và hiệu nghiệm hơn những giáo huấn hay dự luật gia đình của xã hội loài người!

Qua bao thế kỷ, tình người vẫn điêu ngoa, gian dối, ngoại tình, ly dị, “ông ăn chả bà ăn nem”, “vợ cả vợ hai... cả hai đều là vợ cả” bất chấp phép vua hay lệ làng từ thời cổ đại đến văn minh. Phải chăng tiếng chim Cu êm ái là tiếng lòng thánh thót nên đẹp và trong sáng? Còn tiếng hát loài người “Yêu ai yêu cả một đời...” vừa nghe xong, chúng ta đã có ý nghĩ xấu vì mang đầy tính hoài nghi ngờ vực.

Câu chuyện tình của đôi bạn Dove đến đây vẫn chưa kết thúc bởi vào khoảng đầu xuân năm sau, chúng tôi lại thấy vợ chồng Cu Đất tha cành khô đến làm tổ cũng tại nơi chốn cũ. Biết ngay nàng chim say tình nên bây giờ sắp đến ngày đẻ trứng... Rồi chỉ vài tuần, chim mẹ lại sinh hai con, nuôi nấng trong tiết xuân nên chúng lớn nhanh như thổi. Bình minh đầu ngày, tôi may mắn lại được nghe tiếng chim “cúc cu” rộn ràng khi ngồi nhấp ly cà phê buổi sáng. Buổi chiều, vợ chồng lại nhìn chúng đứng trên hàng dậu âu yếm, chùi mỏ, tỉa lông rúc vào nhau như câu chuyện mùa xuân cũ.

Tôi vui hơn vì có bạn... Hạnh phúc thay gia đình đôi chim Cu! Chúng cư xử với nhau hiền hòa, không thấy cảnh chịu đựng mà chỉ thấy yêu thương, ấp trứng nuôi con và cất tiếng hót “cúc cu”. Đôi khi tôi cảm nhận sự thật để phân bì loài chim với loài người. Mối tình già nào xét ra cũng mang ít nhiều mâu thuẫn chẳng bao giờ suôn sẻ giống như mối tình của chim Cu Đất. Ai cũng sống một đời, chim cũng thế nhưng chả lẽ chim khôn hơn người hay tất cả đều do bản năng sắp đặt và con người vì sân si dục tính nên trở thành nạn nhân đáng tội? Ít ai tâm niệm trên cõi đời ngày nay có thể “Yêu ai yêu cả một đời..” như đức tính bẩm sinh của chim Cu Đất.

Mỗi độ xuân về, tôi lại có ý chờ... Đôi chim giữ thông lệ, bay đến xây tổ mới dưới nóc nhà, chắc hẳn nàng yêu chồng quá nên lại thai nghén sắp trở dạ? Vợ chồng tôi mỗi năm mỗi già, sức khỏe yếu dần và theo tuổi đời tính tình một ngày một khó mà nhìn quanh ít thấy ai thân thiết hơn nên vẫn phải cố gắng chịu đựng gắn bó bên nhau. Tuy nhiên, chuyện đời ở thế gian này vốn dĩ chẳng lúc nào phẳng lì ngược lại chất chứa đầy rủi ro, hận thù... đe dọa muôn loài mỗi lúc mỗi nơi.

Hôm ấy, ra phố về nhà vào giữa trưa, tôi bàng hoàng thấy lông chim bay tơi tả và hãi hùng nhận ra vài vết máu loang lổ dính trên giàn dậu. Tim đập mạnh, tôi âu lo vì biết vừa có án mạng xảy ra nơi đây. Nhìn lên nóc nhà, hai chim con ngủ gục thỉnh thoảng kêu khẽ có lẽ vì đói lạnh? Bố mẹ chúng vắng tổ nhưng ai đã bị giết khi mỏi cánh nghỉ ngơi ở hàng dậu?

Đợi đến chiều khi vợ tôi về, chúng tôi cùng ra quan sát thì thất vọng nhìn cảnh tượng thảm hại. Hỡi ôi! Chỉ nửa ngày mồ côi mà một con đã rớt nằm chết dưới đất, con trong tổ đang quằn quại vì bị kiến cắn. Tôi vội vã leo lên ẵm chim xuống, đưa cho vợ chăm sóc rồi dọn sạch đàn kiến. Chúng manh nha ngửi thấy mùi tử khí nên bắt đầu bu quanh thân xác con vật đáng thương.

Chim con chưa mọc lông nên vợ tôi ủ khăn ấm cho tấm thân trần của nó đỡ lạnh rồi chờ nắng tắt mới để lại vào tổ đợi mẹ hay bố nó bay về. Quả nhiên gần chập tối, từ cửa sổ sau bức màn che, tôi thấy một con đã bay về xòe cánh ấp. Trời chiều nên chẳng biết chim bố hay mẹ? Không bỏ rơi con nhưng liệu lòng nó có đau xót khi thấy thiếu mất một? Suốt bữa cơm muộn buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi không ngớt bàn chuyện gia đình chim... Buồn vì đoán chừng diều hâu hay quạ đen đã ăn tươi nuốt sống chim bố hoặc mẹ và chim con bất hạnh đã được chúng tôi chôn cất trước nhà. Dù sao, vợ chồng vẫn còn vui khi thấy bố mẹ nó sống sót bay về lo lắng cho con.

Tảng sáng hôm sau, cầm ly cà phê nóng trên tay, tôi bước ra thăm tổ chim thì cảnh đau thương thêm một lần nữa hiện ra trước mặt... Đàn kiến bu đầy thân chim con chết trong tổ một mình, bố hay mẹ đã bay đi từ đêm khuya, bỏ lại xác con. Thế là hai nấm mộ chim sơ sinh được an táng gần nhau. Kể từ hôm ấy, Dove không bao giờ trở lại nhưng chuyện tình một thời hạnh phúc qua nhiều mùa xuân của đôi chim Cu Đất vẫn mãi mãi nằm trong kỷ niệm của gia đình.

Vợ chồng tôi nhận ra rằng cái tai nạn của gia đình Dove cũng có thể xảy đến với bất cứ gia đình nào! Quả tình, không ai biết trước được tương lai. Bất hạnh chợt đến, chợt đi chẳng bao giờ rung chuông báo động và dĩ nhiên suy diễn thêm thì mỗi sáng rời nhà, người vợ trẻ của tôi chắc gì một ngày như mọi ngày... sẽ về ăn chung bữa cơm chiều? Với tuổi già, chỉ có hôm nay là hệ trọng rồi tự hỏi còn bao lâu nữa sẽ đến giờ vĩnh viễn chia phôi thì sẽ hiểu ngay lẽ phải bài toán cuộc đời.

Rất gần... gần đất xa trời! Vậy thì một ngày với tuổi già là quý vì “không vui cũng mất một ngày”, thế sao bất lực vẫn hoàn bất lực để những mâu thuẫn xâm chiếm tâm hồn? Yêu, ghét, hờn giận, hiền hòa, khó khăn, gắn bó, chịu đựng... chỉ là những trạng thái tâm lý. Con người dễ dàng sửa đổi tâm trạng nếu có tri thức. Chân lý đi từ chữ “hiểu” vần đến chữ “thương” một cách hiệu nghiệm với tất cả nồng nàn tha thiết.

Chỉ một tai nạn bất ngờ ập đến đã kéo sập tổ ấm gia đình Dove giống như học thuyết hiệu ứng Domino. Giả sử chàng Dove đã bị tàn sát, tôi cũng chẳng biết nàng Dove hiện nay đã chết theo chồng, tái giá hay còn góa bụa độc thân... nhưng chuyện tình hạnh phúc và bất hạnh của đôi bạn Dove chính là những bài học quý giá, ngoạn mục cho mối tình già của vợ chồng tôi vào ngã rẽ cuối đường đời. Bao khó khăn vô nghĩa hầu như tự cảm thông tan biến ở cả hai phía.

Yêu không nghĩa là ôm nhau ngủ hằng đêm, cứ tự do bay nhảy cho tâm hồn sảng khoái nhưng cố giữ tình chung thủy với bổn phận chu toàn. Yêu là biết quên mình để yêu người... chung tình, chung gối như Mourning Dove! Cảm ơn Cu Đất và cảm ơn Em.

 

Cao Đắc Vinh

 

 

Ý kiến bạn đọc
19/11/201906:36:02
Khách
“Chiều buồn nhẹ xuống
Đời Người
Tình tìm đến
Người thấy
Run run trong chiều phai...”
(Dạ Khúc)

Câu chuyện thương tâm của gia đình nhà chim, tác giả với lối viết thật ý vị đã cho thấy được sự hữu hạn của đời sống này.
Tuyệt!
18/11/201921:56:00
Khách
Bài hay! Sâu sắc!
18/11/201920:52:10
Khách
Bài viết hay quá, văn phong chững chạc. Người ta thường nói "Đất lành chim đậu", nhưng đất lành, vẫn còn có biết bao tai ương đến từ những giống cùng loài hay khác loài, chực chờ!. Sân sau nhà tôi năm trước cũng có đôi chim hồng tước làm tổ trên chạc ba cây bằng lăng. Sinh ra đôi chim non xinh xắn. Rồi một ngày, án mạng xảy ra vì mèo hay ...rắn??? cả 2 chim non đều chết và ba mẹ bỏ tổ đi luôn, không trở lại nữa!!! Buồn! Cám ơn tác giả.
18/11/201919:18:54
Khách
Xin cám ơn !!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,573,282
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Nhạc sĩ Cung Tiến