Hôm nay,  

Chuyện Gia Đình Tôi Và Việc Hậu Sự Ơ Mỹ

06/11/201900:00:00(Xem: 14963)

Bài số 5829-20-31618-vb4061118

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

Bài đăng 2 kỳ.

 

***

 

Cuộc chia ly đẫm lệ xa cách ngàn trùng....

  Năm 1992 Ba Mẹ tôi, cô em út Thanh Vân và em Hoàng Oanh còn độc thân được đi Mỹ theo diện đoàn tụ Orderly Departure Program - ODP.  Trước hai ngày ra đi, tất cả hành lý đã được gởi đi rồi, và cả nhà phải đi khám sức khoẻ lại một lần nữa trước khi rời khỏi Quê Hương yêu dấu.  Nhưng qua ngày hôm sau, Ba Mẹ tôi đã nhận được giấy báo cho biết là Ba tôi phải ở lại Việt Nam uống thuốc cho hết bệnh rồi mới được đi sau.

  Thật xúc động ngỡ ngàng!  Mẹ tôi không chịu đi, nhất định ở lại chờ Ba, nhưng vì Ba tôi yêu quý vợ con nên đã hy sinh, năn nỉ Mẹ dẫn các em đi trước.  Bởi hai cô em tôi được đi Mỹ diện theo cha mẹ, nếu để chậm trễ e sẽ mất cơ hội, nên Mẹ đành phải gạt lệ nghe lời Ba dẫn các em đi để Ba ở lại nhà mà cõi lòng Mẹ tan nát đớn đau.

  Ngày đau buồn ấy!  Mẹ tôi đi Mỹ được gần mười bốn tháng thì Ba tôi qua đời.  Lúc đó chỉ còn có cô em Hồng Phúc đã lập gia đình, đang ở chung nhà với Ba.  Em cũng đang chờ đi Mỹ đoàn tụ với đại gia đình.

  Em Hồng Loan đi vượt biển và đã định cư ở Mỹ từ năm 1982.  Khi được tin Ba mất, mặc dù em rất lo sợ cái thời nhiễu nhương ban đầu mà người cộng sản vừa mới mở cửa cho Việt Kiều nước ngoài về Việt Nam, nhưng vì thương gia đình nên em đã không nề hà, thay mặt cho Mẹ và tất cả các anh chị em trở về Quê Hương đem tro cốt Ba sang Hoa Kỳ. 

  Còn riêng về phần tôi thì tâm hồn bàng hoàng đau buồn, muốn về Việt Nam để thọ tang cha và nhìn mặt người lần cuối.  Nhưng ngặt nỗi trong lòng tôi đầy sợ hãi bất an, luôn liên tưởng đến 5 năm bị sống dưới ách cai trị dã man của cộng sản Bắc Việt, sau ngày họ cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam Tháng Tư Năm 1975.  Đã có những lần bị bố ráp bắt bớ càn quét nơi chợ trời mua bán, và những lần đi vượt biển không thành bị bắt tù đầy, trấn lột hết mọi thứ nữ trang đeo trong người và một ít tiền USD mang theo để phòng thân.  Những lắng đọng kinh hoàng ấy vẫn còn in đậm trong tâm khảm tôi, qua những giấc mơ hãi hùng trong nhiều năm đầu định cư ở Mỹ.

  Mỗi gia đình đều có niềm đau riêng.  Trong tôi là cả một sự thương nhớ mất mát lớn lao, không gì có thể thay thế được.  Những dòng lệ trong mắt tôi đã cạn khô từ lâu, và qua nhiều năm sau tôi mới có thể chấp nhận là mình đã mất Ba vĩnh viễn thật rồi;  Dù thế nào, đến bây giờ tôi vẫn cứ ân hận mãi là từ hồi tôi đi vượt thoát ra khỏi nơi xã hội chủ nghĩa cộng sản, tôi chưa một lần dám trở lại cố hương để thăm cha của mình.

  Những ngày xa xưa, hai cha con chỉ liên lạc tâm sự bằng thư từ qua bưu điện, hoặc đôi khi đánh điện tín.  Tôi vẫn nhớ như in những lời dạy dỗ nhắn nhủ ngọt ngào của Ba trong những lá thư mà Ba đã gởi qua Mỹ cho tôi, lần nào cũng có câu "Con gái cưng của Ba, nhớ viết thư về cho Ba nghe con..."  Vào thời gian đầu chúng tôi định cư ở Mỹ, vì tôi bận bịu chăm sóc hai cháu còn nhỏ và công việc nội trợ, nên cứ dừa cho nhà tôi viết thư thăm hỏi cả hai bên nội ngoại.  Sau này tôi mới hiểu rằng, Ba chỉ muốn nhìn thấy lá thơ do chính những nét chữ của tôi viết, để làm bằng cho cả nhà an tâm là tôi đã đến Mỹ bằng an.

  Trong lời kinh sớm tối, tôi vẫn luôn cầu nguyện xin Ba thứ lỗi cho tôi, bởi vì con gái của Ba quá hãi sợ về những ngày khốn cùng sống dưới chế độ cộng sản, và con đã được diễm phúc là người đầu cầu tiếp nối cho gia đình từ bấy lâu nay, nên con rất lo ngại về lại chốn cũ, rủi mình có mệnh hệ nào, thì làm sao có thể tiếp tục làm thêm được những điều hữu ích cho gia đình mình đây?

  Tôi vẫn ước mơ, nếu có được những điều ước như trong chuyện thần thoại thì tôi xin ước.  Xin cho tôi được trở lại thuở ban đầu và nói với Cha rằng:

  Cha yêu quý của con... Tình Cha thật tuyệt vời.

Xin cho tôi luôn được phụ đỡ Cha tôi một phần như ngày xưa.

  Xin cho tôi vẫn được diễm phúc làm con của Cha tôi như những ngày đã qua, dẫu trong tình huống nào và còn mãi mãi trong đời sau.

  Ngày Ba mất, em Hồng Loan đã đi về Việt Nam, khi tàu bay vừa đáp xuống Phi Trường Tân Sơn Nhất thì đã có điều lạ xảy ra, tự nhiên đôi giày mới tinh của em bị đứt banh hết quai giầy một cách rất kỳ lạ? 

  Rồi cả đến hôm Hồng Loan ôm bình tro cốt Ba trở lại nhà ở San Jose, thì cũng có nhiều thứ lạ xảy đến nữa như:  Hai cậu em Tuấn và Sơn Vương loay hoay mãi với cái máy chụp hình thứ "professional" mà không có hình?  Cả mấy cái máy chụp hình của các em khác, cái nút bấm để chụp hình bị cứng không bấm được, và cái máy quay phim cũng chẳng thâu được hình ảnh. Nhưng khi về đến nhà đặt tro cốt Ba lên bàn thờ có thắp đèn nến, thì lúc bấy giờ tất cả các máy hình đều hoạt động bình thường trở lại, điều này kỳ lạ quá, nhưng thật khó giải bày!!

  Chúng tôi đã mời Linh Mục làm lễ cầu nguyện, và làm phép tro cốt Ba tại nhà thờ Công Giáo.  Chị em tôi đã chung nhau, mua một cái hộc tủ ngoài nghĩa trang cách đây hơn hai mươi năm, giá khoảng hơn một ngàn bảy trăm USD, để đặt tro cốt của Ba tôi ở trong cái hộc tủ bằng kính, trong một toà nhà chỉ dành riêng để chôn nổi hoặc để tro cốt là nơi an nghỉ "tạm" cho cha. 

  Trong đời người, có ai tránh được chuyện sinh ly tử biệt?  Dù buồn đau, nhưng cũng phải chấp nhận sự thật.  Khi gia đình tôi có đại tang cha, thì lúc ấy Mẹ đã sáu mươi tuổi rồi.  Ngay sau đó một thời gian ngắn, Mẹ đã bảo mấy chị em tôi dẫn Mẹ đi mua một lô đất, và mua cả package outside gồm có:  Kim tĩnh, công đào, và công chôn.  Phần này, nếu không mua trước, mà đợi khi đến việc rồi mới mua, lại muốn chôn ngày cuối tuần hay ngày lễ thì họ sẽ bắt chẹt mình, và tính thêm tiền phụ trội đắt lắm.

  Mẹ dặn chị em chúng tôi là Mẹ đã có đất sẵn cho việc hậu sự, Mẹ không muốn thiêu.  Ước vọng của Mẹ khi trăm tuổi, Mẹ muốn chị em tôi đem tro cốt của Ba về đoàn viên với Mẹ cho trọn tình nghĩa phu thê.  Bởi vì, Mẹ muốn cuối đời yên nghỉ bên cạnh Ba, cho các con các cháu khi gặp phải chuyện buồn hoặc vui, có nơi để ra tâm sự và chia sẻ như lúc Ba Mẹ còn tại thế. 

  Vào cuối tháng 9 năm 2017, nhờ ơn trên thương ban Mẹ đã qua khỏi cơn thập tử nhất sinh, muốn lo cho xong mọi việc hậu sự của mình khi còn sinh thời, để có thể chọn lựa mọi thứ theo đúng ý thích của mình, nên Mẹ muốn chị em tôi gọi hẹn người nhân viên bán hàng của nghĩa trang, mang tất cả những sách có in hình mẫu mã đến tận nhà để Mẹ chọn mua package inside cho yên tâm, vì Mẹ không muốn phiền đến con cái dâu rể.  Phần này gồm có rất nhiều chi tiết tỷ mỷ như:  Chọn phòng lớn hay nhỏ để quàn linh cữu, quàn mấy ngày, chọn quan tài nào, muốn bông hoa gì, chở đến nhà thờ làm lễ tiễn biệt, cần mấy người cảnh sát công lộ giúp đoàn xe khi di chuyển trên những con đường, cùng tất cả những dịch vụ phụ thuộc...v.v... Giá thành tổng cộng là bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào sự chọn lựa nhiều hay ít những mục, hoặc những nơi mình muốn đưa linh cữu tới.  Phần này hễ mua trước thì được bớt 25% cho tổng số tiền đã mua.

  Mặc dù tôi biết Mẹ không thích thiêu, nhưng nhân tiện Mẹ và mấy chị em tôi đang nói chuyện với người bán hàng, tôi đã hỏi để biết thêm giá cả về việc thiêu cremation package.  Người bán hàng cho chúng tôi biết là giá tối thiểu của package này bao gồm như:  View, quan tài, bông hoa, thiêu, và chọn phòng để quàn linh cữu, cùng tất cả những dịch vụ phụ thuộc...v.v..., giá lúc đó khoảng $10 ngàn USD, nếu mua trước để sẵn thì được bớt 25%, như vậy giá package thiêu này chỉ có $7 ngàn năm trăm USD. Nói cách khác, nếu đợi đến việc hữu sự, rồi mình mới mua thì phải trả nguyên giá, không được bớt đồng nào.

  Còn riêng về phần chúng tôi, khi thấy Mẹ an tâm hơn vì đã lo xong việc hậu sự cho chính mình.  Sau đó một thời gian, chúng tôi đã bàn tính mua đất để sẵn đó phòng khi hữu sự, thì các cháu đã nói rằng:  "Mẹ ơi!  Mình đang ở xứ Mỹ mà, đâu phải còn ở VN, sao Mẹ phải lo xa thế?  Khi đến việc thì chị em con lo được mà".  Tôi thấy cảm động vô cùng trước sự hiếu đễ của các con, nhưng vẫn phải giải thích cho con nghe:  "Mẹ cám ơn các con nhiều lắm, Mẹ vẫn luôn nghĩ là bây giờ Ba Mẹ có thể làm được gì cho mình thì cứ làm.  Ba Mẹ thương các con lắm, nên không muốn để bất cứ gánh nặng nào lại cho hai con phải lo, bây giờ các con nói vậy vì có tiền, nhưng tới lúc đó vì một lý do nào khác, các con không thể lo được thì sao?  Mẹ hiểu là các con còn phải lo cho gia đình riêng, và con cái của mình nữa.  Nhất là trong lúc bối rối buồn sầu, không phải lo toan đến việc này, thì đỡ vất vả con ạ".

  Chúng tôi đã mua khu đất cùng nghĩa trang mà Mẹ đã mua, ở ngay trong Thành Phố.  Có người thì thích lô đất ở trên đồi cao để ngắm cảnh gió mát trăng thanh, và nhìn xuống phía dưới thành phố có view ngàn vạn ánh đèn lung linh.  Còn tôi thì thích khu đất bằng phẳng ở ngay trung tâm nghĩa trang, ở "downtown" khung cảnh nhộn nhịp vui hơn, hễ muốn đi shopping, đi chợ hay thèm phở, cơm tấm bún riêu gì đó, thì chỉ cần đi bộ băng qua bên kia đường là có ngay những nhà hàng để thưởng thức.

  Đất mua đã lâu nên giá còn rẻ, nhưng bây giờ đất đai nhà cửa ở Miền Bắc California, San Jose giá cả mắc mỏ quá, nên đất hậu sự cũng tăng theo gấp mấy lần giá mua khi trước, mỗi lô đất để chôn bây giờ giá cũng khoảng trên $10 ngàn USD.  Đó là chưa kể đến giá cả của những lô đất nào đẹp ở trên đồi, chắc hẳn giá tiền sẽ đắt hơn rất nhiều.  Có người thì lại muốn thiêu, sau đó cũng mua đất để chôn, nhưng lô đất ấy nhỏ hơn nhiều, nên giá cả cũng nhẹ nhàng hơn lô đất bình thường.

  Lâu nay tôi vẫn cứ tưởng rằng, chỉ có đất hậu sự ở Miền Bắc California nơi tôi đang cư ngụ là tăng giá đắt đỏ thôi.  Thật ra không phải vậy, tối hôm qua nhân dịp tôi nói chuyện điện thoại lan man với chị bạn ở dưới Miền Nam California, chị và tôi đã quan tâm chia sẻ đến vấn đề mua đất cho việc hậu sự mai sau, thì tôi mới biết được cách đây bốn năm anh chị đã mua phần đất hậu sự ở nghĩa trang Công Giáo mà người Việt mình đã đặt cho cái tên thật là thánh thiện "Chúa chiên lành" cho hai người với giá $18 ngàn USD;  Lô đất này là loại chôn hai tầng, ai đi trước thì chôn ở dưới, phần còn lại ở trên thì dành cho người đi sau.  Chị cũng cho biết là cách đây mấy tuần, bạn của chị đã phải mua với giá hơn $20 ngàn cho một lô đất như chị đã mua.

  Cách đây hai tháng, chúng tôi đi viếng một người thân đã qua đời tại San Jose, cụ bà Maria được 82 tuổi thọ, ước muốn cuối đời của bà là được về Việt Nam yên nghỉ bên cạnh ông.  Các con cái đã làm theo ý muốn của bà, họ nhờ nhà quàn lo liệu từ A tới Z. Nhà quàn mở cửa cho thân nhân thăm viếng, gia đình đã mời Linh Mục lại làm lễ tiễn biệt, và cầu nguyện nguyên một ngày dài mười hai giờ đồng hồ.  Qua ngày hôm sau, họ đã gởi linh cữu cụ bà đi theo chuyến tàu bay chở hàng hoá Air Cargo về đến tận dưới quê Hà Tiên Việt Nam, với package giá $15 ngàn năm trăm USD.

**

  Mẹ tôi có tám người con đang cư ngụ tại Miền Bắc California.  Hiện tại Mẹ đang ở với gia đình cô em áp út Hoàng Oanh.  Chúng tôi đã quây quần tụ họp đúng ngày Sinh Nhật Mẹ vào ngày mùng 06 tháng 10 vừa qua, ở nhà cô em Hồng Loan để Chúc Mừng Sinh Nhật thứ 86 tuổi thọ của Mẹ.  Mẹ rất vui mừng vì có sự hiện diện của bác, cô dì, cậu mợ và đầy đủ con cháu chắt đến chung vui.  Thời gian đi mau quá, coi như Mẹ đã được "Bonus" hai năm kể từ khi thoát khỏi cơn bệnh nghẹt tim thập tử nhất sinh.

  Nhân ngày vui của Mẹ, cứ mỗi lần chị em tôi có dịp quây quần bên Mẹ, thì lại được nghe Mẹ kể lại chuyện về người cha kính yêu của chúng tôi, có lẽ Mẹ yêu thương Ba lắm nên Mẹ đã nhắc lại đến nỗi chúng tôi thuộc lòng về chuyện ngày xưa của Ba Mẹ.  Ba của tôi là người làng Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình Miền Bắc Việt Nam.  Ba có một ông anh và một cô em (bác cả đã mất lâu rồi, còn cô em của Ba hiện đang cư ngụ rất gần nhà chúng tôi).  Ba mồ côi mẹ vào lúc mười hai tuổi, vì thế ngoài việc cắp sách đến trường, Ba còn phải phụ bác cả đi chợ nấu ăn, và lo những việc lặt vặt trong nhà sao cho tươm tất, bởi vì ông nội của tôi đi buôn bằng thuyền cả hằng mấy tháng trời mới về lại nhà.  

  Anh của Ba theo Việt Nam Quốc Dân Đảng nên rất sợ việt minh cộng sản tìm cách triệt hạ, bác phải dọn cả gia đình vào khu an toàn của Đức Cha Lê Hữu Từ lánh nạn cho an toàn.

 Ông ngoại cũng là một thành viên trong VNQDĐ, khi ông ngoại thấy việt minh cộng sản đã tìm cách sát hại người VNQDĐ rất dã man thì ông lập tức tìm đường cho gia đình đi ẩn trốn, dọn về khu an toàn của Đức Cha LHT ở tỉnh Phát Diệm để được yên thân.

  Ông Đỗ Đình Đạo là em rể cột chèo với ông ngoại, ông là một trong những vị lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị sát hại.  Người cộng sản vốn có bản chất lật lọng, luôn luôn xử dụng hết thủ đoạn này đến âm mưu khác nhằm tiêu diệt những người cách mạng quốc gia.  Năm 1954 ông đã bị người việt minh cộng sản gài bẫy, dùng đồng đội để tiêu diệt ông.  Khi em gái của bà ngoại tôi cùng gia đình đến lãnh nhận thi thể đã được khám nghiệm thì mới biết ông đã bị đầu độc bằng thuốc chứa đựng chất thuỷ ngân. 

  Trong nơi gọi là khu an toàn, có lính canh gác ở cổng xét hỏi mọi người ra vào để bảo đảm an ninh cho những người đang trú ngụ ở trong vùng đất đó, nơi đây đặt dưới quyền tự trị của Đức Cha LHT.  Tuy là hai bên nội và ngoại của tôi phải rời bỏ nhà cửa tản cư vào nơi tạm trú ẩn nắu thiếu thốn này, song chính vùng đất đó lại là nơi kết nối tơ duyên cho Ba Mẹ tôi.  Ở đây được vài năm thì bác cả đã quen biết ông ngoại tôi, rồi sau đó chẳng bao lâu hai bên đã kết tình thân với nhau.  Mặc dầu bác cả kém ông ngoại tôi mười mấy tuổi, nhưng cùng chung chí hướng đấu tranh, rất hợp ý và quý mến nhau lắm. 

Những lần đến thăm viếng gia đình ông bà ngoại tôi, có lẽ bác cả đã để ý thấy nhà ông bà ngoại có những cô con gái vừa đẹp người đẹp nết, và giỏi nữ công gia chánh. Các cô cũng chịu khó quay tơ dệt lụa để kiếm tiền phụ giúp gia đình trong lúc tản cư khó khăn.

  Thế rồi một hôm đẹp trời, bác cả đã dẫn Ba tôi ghé thăm ông bà ngoại, bác có ý muốn cho Ba tôi được dịp "ra mắt" ông ngoại, vì ông ngoại là người có uy quyền nhất ở trong nhà.  Ông ngoại của tôi là người nho nhã lịch thiệp, lại rất câu nệ về việc môn đăng hộ đối.  Phải công tâm mà nói, không dễ gì mà Ba được ông ngoại nhận vào làm rể một cách dễ dàng như thế, Ba có duyên phận lắm mới cưới được Mẹ.  Bởi vì, Ba tôi là người giỏi giang tánh tình hoà nhã, lại rất điển trai, nhiều chữ nghĩa, giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh.  Khi diện kiến ông ngoại đã hỏi chuyện bằng Pháp Văn hay Anh Văn, Ba tôi đều lễ phép trả lời được hết, nên ông ngoại thương, đã chấm cho cô con gái yêu quý thứ nhì, người đó là Mẹ tôi. 

  Khi xưa ông ngoại được người cùng thời gọi ông là cậu ấm Lê Trung Vàng, vì ông là con nhà quan quyền.  Thân sinh của ông ngoại là người Sài Gòn, ông cố được vinh thân ra Hà Nội làm Quan Tổng Đốc Thượng Thư Lê Trung Ngọc dưới thời Vua Bảo Đại, có lính khố đỏ hầu hạ.  Ông cố lập gia đình với cô tiểu thư sang đẹp người Hà Nội, bà cố thường hay sánh vai với bà Nam Phương Hoàng Hậu vào những dịp Quốc Khách yến tiệc.  Ông Quan Tổng Đốc Thượng Thư kết tình thông gia với ông Quan Tri Phủ Vũ Ngọc Liễn, là thân phụ của bà ngoại tôi, quê ở làng Lục Thuỷ, có lính khố xanh phục vụ.

 

(Còn tiếp một kỳ)

Ý kiến bạn đọc
10/12/202211:07:53
Khách
Hi! Please tell me the number of your office, I will come to you tomorrow. QGWJOYEXS6RX9BGWXF www.yahoo.com
30/08/202208:17:50
Khách
I registered on the website last week and filled in my details. But since yesterday I can't log in to my profile. Help me fix everything. Here is a link to my page ►►► https://cutt.us/PsaQo ✅. Thanks! Helen
16/07/202111:01:52
Khách
This year turned out to be very difficult. But we have optimized and reduced the cost of our products!
It is almost impossible to find prices lower than ours, the sale is at the cost price level.
Watch and be surprised by our super low prices https://cutt.us/6nChw
10/11/201918:24:02
Khách
Chào em Nguyễn Văn Tới,
Cám ơn Tới em đã đọc bài viết của chị KD. Không còn gì quý giá bằng khi được độc giả quan tâm đến. Nhờ những lời khích lệ thân thương của em đã làm cho người viết lên tinh thần, hy vọng và vui hơn, trải lòng sẽ cố gắng viết tiếp tục để chia sẻ với quý đọc giả và góp phần vào việc gìn giữ văn hoá Việt nơi Quê Hương thứ hai của chúng ta.
Xin chúc em Nguyễn Văn Tới và gia đình được khoẻ mạnh, hạnh phúc và bình yên. Mong được đọc những bài hay và giá trị của em sớm.
HAPPY THANKSGING!!
Ptkd
10/11/201910:14:08
Khách
Qua câu chuyện biên niên sử gia đình, tôi lại được học thêm nhiều tình tiết liên quan đến lịch sử cận đại . Thêm những kinh nghiệm sống và chết trên nước Mỹ qua phần hậu sự. Đúng là cuốn sử Việt Nam được viết bởi nhiều người mà phong phú và đọc không biết chán. Cầu chúc gđ chị KD luôn tràn đầy hồng ân trong mùa sum họp này.
07/11/201904:43:22
Khách
Kính chào anh độc giả Văn Trần,
Cám ơn anh Văn Trần đã đọc bài và góp ý nhiều chi tiết tỷ mỷ cho bài viết của KD thêm phần sống động hơn. KD xin hoàn toàn đồng ý với những lời góp ý chân thành hữu ích của anh.
Xin chúc anh Văn Trần được nhiều sức khoẻ và vạn an.
Ptkd
07/11/201904:32:52
Khách
Chị Năng Khiếu thân mến,
Cám ơn chị NK đã dành thời giờ đọc bài viết của em. Lời góp ý của chị là niềm khích lệ quý giá cho em. KD vui lắm chị ơi! Em cám ơn chị đã chúc em khoẻ mạnh và may mắn.
Em cũng xin chúc chị được khoẻ mạnh, gia đình luôn hạnh phúc ấm vui nhé.
Ptkd
07/11/201902:52:17
Khách
Sống đã không giữ được nước, chết lại muốn được chôn ở Việt nam, để làm gì nhỉ?! Sống đã chẳng đạt được quyền cao chức trọng, có tiền hàng triệu, chết lại muốn đám tang được tổ chức trọng thể, để làm gì nhỉ?!

Nên lo việc hậu sự càng sớm càng tốt. Khi mình tắt hơi, con cháu chỉ cần gọi điện thoại cho funeral home, họ sẽ tới ngay lo hết mọi việc.

Thành phố nơi tôi cư ngụ, thiêu xác - còn tro thì đem rắc ở đâu đó - tốn khoảng 1500 đồng. Cách đây 20 năm, giá chỉ khoảng 500 đống.

Người bạn tôi theo đạo Công giáo nên mặc dấu muốn thiêu xác, tuy nhiên,Tòa thánh Vatican buộc phải tổ chức lễ nghi Công giáo trước khi xác được mang đi hỏa thiêu ; tất cả tốn phí tổng cộng lên tới 4500 đồng- bao gồm tiền thuê quan tài $900. Ngoài ra, nếu muốn có một ngăn kéo để đặt hũ tro cốt vào đó cho con cháu đến viếng trong tương lại thì lại phải tốn thêm hai, ba ngàn đồng nữa.
06/11/201915:53:46
Khách
Từ câu chuyện gia đình thật cảm động. Tác giả đã kể lại những chị tiết về việc hậu sự thật hữu ích.
Chúc Kim Dung luôn mạnh khỏe và may mắn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,676,714
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến