Hôm nay,  

Bức Ảnh Yêu Thương

12/10/201900:00:00(Xem: 12603)

Bài số: 5808-20-31614-vb7101219

 

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Sau đây là bài viết mới của tác giả, sau hai năm bặt tin.

 

image001image002

 

 “Hai bàn tay già nua nắm lấy nhau... ấm hình này con tôi chụp trên chuyến xe lửa từ Tokyo  về lại Fussa...”

 

 * * *

 

Tôi đến thăm con.

Một ngôi nhà xinh xắn trong một khu gia cư khá mới tại Antonio Texas.

Trong nhà bày biện đơn giản, không có gì đắt tiền. Đời lính cứ 3 năm là phải chuyển đơn vị, nên con, cháu tôi quen rồi với cuộc sống thay đổi chỗ ở. Nhà 3 phòng ngủ và một phòng làm việc của con trai khang trang. Cháu không thích ở nhà tầng lầu nên chọn căn nhà nhỏ nhắn ấm cúng này.

Tôi bước vào bên trong, đứng ngay nhà bếp, trước mặt là phòng khách. Con tôi chỉ:

-Phòng má ở bên này. Kế phòng má là phòng hai cháu. Nhà vệ sinh và phòng tắm đối diện.

Tôi đưa mắt nhìn bao quát, chợt mắt tôi dừng lại trên vách tường hành lang. Đó là  những bức hình gia đình của con tôi.

Hình hai con tôi hôn nhau ngày cưới. Hình mấy đứa cháu ngày đầu tiên chào đời. Con mèo nhỏ Simpa.  Trên cùng những bức hình là tấm hình hai bàn tay nắm với nhau.

Tôi xúc động nghẹn lời. Cám ơn hai con đã lấy hình này để biểu tượng cho hai chữ Hạnh Phúc và Yêu Thương của gia đình. Hai bàn tay già nua nắm lấy nhau. Hai bàn tay hằn lên những đường gân nhăn nhúm thảm hại. Bàn tay vợ nắm lấy bàn tay chồng như nhắn gửi sự tin cậy và gắn bó. Hình không đẹp nhưng quý giá vì người được nắm tay đã khuất núi qua đời.

Tấm hình này con tôi chụp khi hai vợ chồng tôi đi thăm con tại Nhật. Trên chuyến xe lửa từ Tokyo  về lại Fussa. Tôi và anh ấy đã ngồi ở ghế dành cho người Handicap.

Xe lửa ở Nhật lúc nào cũng đầy ngập lấy người. Gia đình tôi đi 6 người mà phải đem theo hai xe đẩy trẻ con và chiếc xe đẩy người bệnh. Ba người đẩy ba người lên một chuyến xe lửa ở Nhật thật không dễ dàng. Mặc dù xe lửa đến đúng giờ, mọi người xếp hàng thật lịch sự. Nhưng thời gian lên xe giới hạn, đúng giờ cửa xe lửa tự động đóng lại. Số người lên xe ở mọi cánh cửa đều thật đông. Chân người trước đặt vào cửa xong là người khác bước lên liền. Họ không mất lịch sự hay xô đẩy hổn độn, nhưng họ cứ lấn tới để được vào nếu không sẽ không kịp chuyến xe.

Trên xe lửa người ngồi đã đầy ghế, người đứng không còn chỗ. Xe chạy lắc lư , tay bấu chặt cái nắm tay treo tòng teng được móc cứng trên nóc, tôi cũng lắc lư theo. Dưới chân tôi, đứa cháu nội đang ngủ trên xe đẩy, những chiếc áo măng tô dài che khuất mặt cháu tôi. Con dâu không còn nắm tay để vịn, nó cố đứng giang hai chân ra rộng một chút để giữ thăng bằng. Cũng để có thể nhìn con cũng đang nằm lọt thỏm trong một chiếc xe đẩy khác. Ông xã tôi được thằng con đẩy vào  trước nên đứng cách con dâu tôi một khoảng đầy kín cả người không thể di chuyển.

Chiếc xe lửa lao về phía trước, tôi nhìn ông xã tôi mà thương. Đầu ông ngoẹo một bên vì mệt và ngộp hơi người. Trên những hàng ghế ngồi, rất nhiều người Nhật đang ngủ gà ngủ gật dáng thật mệt mỏi. Có người ngủ thật say, miệng há to bất cần đẹp xấu. Có người chăm chú đọc sách, đọc báo,  đa phần họ chúi mũi vào chiếc Iphone.

Rất nhiều người trên chuyến tàu này dùng khẩu trang bịt kín miệng. Họ giữ gìn vệ sinh cho chính bản thân họ và không muốn ảnh hưởng tới người khác. Ông xã tôi qua đây cũng mang khẩu trang khi ra ngoài. Như vậy khi anh nhễu nước miếng không ai thấy và tôi không cần phải lau. Chỉ thường xuyên thay khẩu trang là được.

Người Nhật trên xe lửa không nói chuyện ồn ào, họ thì thầm nho nhỏ nếu cần. Dường như họ kiệm lời nói. Dường như họ đã quen lắm rồi không gian chật chội như thế này. Họ đã thường xuyên mỗi ngày đón xe lửa đi làm đi về và coi đây là tiện nghi tốt nhất. Họ hài lòng vì điều đó. Họ tự hào và kiêu hãnh là có một phương tiện di chuyển tốt nhất thế giới.

Người Nhật, một dân tộc kiên cường và chịu đựng. Họ đã làm nhiều điều mà dân tộc khác phải ngưỡng mộ. Đó là một đất nước nhỏ bé nhưng sức mạnh tiềm ẩn. Một đất nước nhiều thiên tai và cũng lắm người tài. Một đất nước từng gieo kinh hoàng cho nhiều đất nước láng giềng bên cạnh. Nhưng cũng là đất nước mà kẻ thù phải khiếp sợ và học hỏi vì sự phát triển đi lên vượt bực. Một đất nước nhận hai trái bom nguyên tử kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh. Và rồi đất nước nhận bom và thả bom lại là trở thành bạn đồng minh thân thiết.

Chúng tôi là những người My gốc Việt. Quê hương tôi từng chịu nhiều tang thương chết chóc khi quân phát xít Nhật xâm chiếm. Trận đói năm Ất Dậu 1945 đã giết chết biết bao người dân VN vô tội vì sự tàn ác của quân đội Thiên Hoàng. Con trai tôi, nay là một sĩ quan quân đội Mỹ,  nước đã thả hai trái bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố của Nhật. Tất cả những nạn nhân chiến tranh  bây giờ đều là bạn. Tất cả đều đã trở nên tốt đẹp khi ta biết nhìn về phía trước để làm cuộc hành trình mới.

Khi tiếp xúc với người Nhật, tôi rất kính phục họ về cuộc sống, tinh thần trách nhiệm và cách hành xử. Một đất nước nhận nhiều thiên tai như vậy, nhưng họ lúc nào cũng đứng thẳng, kiên cường và tự hào về bản thân, dân tộc. Trên xe lửa, họ không vì mình lớn tuổi mà muốn người khác nhường chỗ. Họ không cần điều đó vì họ có thể đứng được như mọi người. Một đứa bé học lớp một, tự bản thân có thể đáp những chuyến xe lửa để đến trường một mình. Đứa bé 3 tuổi đến lớp phải tự mình đánh răng, đi vệ sinh, ăn uống và thu dọn chén đũa cá nhân.

Nếu bạn có dịp đến ga xe lửa của Nhật vào giờ tan sở, bạn sẽ thấy rõ sự vội vã của người Nhật. Hành khách đông như kiến, họ đi như chạy. Họ tới lui, xuôi ngược như nước chảy liên tục xung quanh bạn. Nếu bạn đứng im để nhìn họ, một hồi bạn sẽ bị chóng mặt với số lượng người di chuyển liên tục đó.

Những chuyến xe lửa đổ về mọi vùng khác nhau rất đúng giờ. Cứ 5 phút là có một chuyến và nhiều trạm như vậy. Bạn có thể mua vé đi một lần hay mua thẻ đi thường trực ở một máy tự động. Vé vào cửa sẽ trừ thẳng vào thẻ của bạn. Hết tiền bạn sẽ được báo động và bỏ tiền thêm vào để đi tiếp. Cũng với thẻ này bạn có thể mua thức ăn, nước uống bán tự động ở mọi sân ga. Ở cổng trạm bạn đưa thẻ vào máy, một tiếng tíc vang lên, cửa cỗng mở và bạn vào trong. Sân ga nhiều tầng lầu và túa đi nhiều nơi. Nếu bạn qua cổng mà sai chuyến đi thì bạn phải tìm cách trở ra và tìm đúng tuyến để cà thẻ lại một lần nữa. Lần cà sai, bạn phải chịu mất tiền.

Chỉ đón sai một chuyến xe lửa bạn sẽ gặp khó khăn khi tìm cách quay về. Vì trạm đến và đi không phải là một chỗ mà phải tìm đúng tuyến.

Có một lần, gia đình tôi cũng đi chơi như vậy. Người đông, xe lửa chật, tôi và con dâu với hai chiếc xe đẩy vừa vào được thì cửa xe lửa đã tự động đóng lại, Con trai và ông xã tôi bị bỏ lại ở sân ga. May là con dâu đã kịp thời lên cùng chuyến xe lửa với tôi, nếu không một mình tôi không biết sẽ ra sao. Tôi sẽ xuống ga nào và đi về đâu.  Tôi  không có phone để liên lạc và một số người Nhật họ không nói được tiếng Mỹ.

Hai mẹ con tôi xuống ở ga kế tiếp. Con dâu  phải dẫn tôi đi một vòng ở trạm, tìm đúng tuyến đi ngược về để gặp con trai và ông xã đang đứng đợi chỗ cũ lên tàu. Từ đó tôi rất sợ đi xe lửa ở Nhật. Tôi xin một bản đồ để thủ thân. Mỗi lần đi xe lửa,  lúc nào thấy có thể ba người cùng lên chúng tôi mới bước lên tàu.

Hai cháu tôi học trường ở Nhật. Tôi đã có dịp đến đó trong những lần gặp gỡ thầy cô. Chúng tôi cũng được mời tham dự những buổi biểu diễn văn nghệ sau mỗi khóa học của cháu. Chương trình văn nghệ lớp đòi hỏi tất cả học sinh trong lớp đều phải ra trình diễn, chứ không phải chỉ vài em biểu diễn đại diện. Cô giáo phải chịu trách nhiệm tất cả về y trang, bài hát và trang trí sân khấu. Phụ huynh đến hội trường, ngồi ở ghế khán giả. Tới lớp con mình biểu diễn, phụ huynh được mời lên gần sân khấu nhất và ngồi hẳn dưới sàn để dễ chụp hình hay quay phim. Sau màn biểu diễn, họ được chụp hình với con và các bạn chúng trong thời gian cho phép trước khi lớp khác chuẩn bị lên sân khấu. Dù đông đúc nhưng rất trật tự và ấm cúng.

Con dâu tôi nhờ cô giáo Nhật đến nhà dạy cháu tôi đàn piano. Cô đến dạy đúng giờ, nhiệt tình và kiên nhẫn. Cô lịch sự trong giao tiếp và chỉ bàn luận về chuyên môn rồi ra về.

Một số học trò Anh Văn người Nhật của con dâu tôi cũng hay đến thăm viếng. Tôi được tiếp xúc với họ,  rất mến họ trong cách giao thiệp, phục họ trong tinh thần học hỏi. Mỗi lần đến thăm hay đến gặp con tôi để học tại nhà, lúc nào trên tay họ cũng có một món quà nho nhỏ. Đó là một thói quen trong giao tiếp của người Nhật.

Đi thăm vài nơi của nước Nhật, tôi hết sức kính phục và ngưỡng mộ văn hóa và tinh thần người Nhật. Sự điềm tĩnh và nhẫn nại của họ đáng cho tôi học hỏi rất nhiều. Bạn đến cửa tiệm của họ, mua hay không mua đồ, khi bạn bước ra họ vẫn cúi đầu thật sâu chào với một nụ cười.

Khi vào siêu thị bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ trân trọng những sản phẩm họ bày bán. Ba củ cà rốt, hai củ khoai lang, vài trái cà... tất cả đều được bọc cẩn thận. Cầm một bịt rau củ trên tay tôi suy nghĩ liền đến giá trị và công sức của người nông dân trồng ra nó.Trái cây, rau quả rất mắc, nhưng bạn yên chí vì đây là hàng nông sản tươi và đạt chất lượng.

Khi đi ra đường họ luôn luôn chuẩn bị cho mình một túi nhỏ dùng để đựng rác cá nhân. Vì vậy họ ít khi nào cần thùng rác công cộng. Ngoại trừ ở park hay những nơi có bán thức ăn.

Phòng vệ sinh công cộng của Nhật phải nói hơn hẳn nước Mỹ. Ở những mail lớn, phòng vệ sinh thật rộng, sang trọng, lịch sự và tiện nghi. Có nhiều phòng dành cho các bà mẹ, các bé và trẻ con vui chơi. Phòng vệ sinh dành cho các bà mẹ có con nhỏ, thiết kế một cái ghế treo như cái võng. Mẹ đặt con vào đó và vừa đi vệ sinh vừa trông con.

Vào mùa lạnh, vào phòng vệ sinh, ngồi lên bồn cầu bạn sẽ thấy thật tuyệt vời vì độ ấm của nó. Khi xong có những nút bấm bạn sẽ được phục vụ rất thoải mái. Nhưng xin bạn chú ý. Tất cả phòng vệ sinh của Nhật, có nước và xà bông để rửa tay nhưng không hề có giấy lau. Họ có trang bị máy xấy khô tay. Nhưng đa phần người Nhật khi đi ra đường hay đi chơi công viên,  họ luôn chuẩn bị cho mình thêm một khăn lau tay nhỏ. Hỏi tại sao, được trả lời là để tiết kiệm giấy, bảo vệ môi trường.

Thật lòng mà nói, ngoài cảm phục, tôi lại có ý nghĩ thật thương người Nhật. Nền giáo dục dạy họ phải tuân thủ nề nếp, khắt khe với bản thân. Họ đã mang trên người một trách nhiệm quá lớn. Phải bảo vệ và thể hiện những cái tốt nhất của người Nhật. Họ làm việc căng thẳng, sống dường như quá khô khan. Trên xe lửa, trong quán ăn, ngoài đường, họ chăm chú vào Iphone. Họ vội vã, tất bật, sống nội tâm, ít khi tỏ ra cảm xúc với người xung quanh. Tôi nghĩ, có thể  đây cũng là lý do người Nhật tự tử khá nhiều. Một số không thích lập gia đình hay sinh con.

Tôi nhớ trên chuyến xe lửa về Fussa hôm ấy, xe lửa ngừng ở từng trạm. Hành khách xuống để về nhà sau một ngày lao động vất vả. Hành khách lên tàu cũng không nhiều. Chúng tôi dần dần được về chỗ ghế ngồi dành cho người bệnh và trẻ con. Ông xã tôi trên xe đẩy và tôi ngồi trên băng ghế. Tôi ngồi đối diện anh ấy. Tôi nắm lấy hai bàn tay anh ấy để anh an tâm là đã có tôi bên cạnh. Chúng tôi già rồi. Hơn 45 năm cùng chia sẻ những đắng cay hoạn nạn, chúng tôi nhìn vào mắt nhau đã hiểu người đối diện muốn nói gì.

Ngày 14 tháng 8 âm lịch năm nay  là đúng hai năm anh ấy mất. Ngày rằm Trung Thu anh lìa xa chúng tôi đi theo bóng dáng chị Hằng. Anh đa tình muốn làm chú Cuội  bên cạnh Hằng Nga. Hay anh muốn lên trên ấy thưởng thức điệu múa Nghê Thường quên hết muộn phiền trần thế. Anh an bình  ngồi dưới gốc cây đa nhìn xuống thế gian. Ánh sáng lung linh đẹp nhất của chị Hằng đêm Trung Thu có chồng tôi trên đó.

Anh đã không còn đau đớn thân thể vì bệnh đau hậu chấn bởi tù tội đọa đày. Tâm hồn anh không còn bị dày xéo vì những lời thóa mạ của những cai tù cộng sản gọi là quản giáo, công an. Anh cũng không còn phải ưu phiền vì  đau bệnh dài lâu làm vợ con vất vả.

Bàn tay tôi bây giờ trống trải không còn có tay anh để nắm, để xoa bóp để dìu anh đi. Tôi thấy mình dường như dư thừa và vô dụng. Bao nhiêu năm theo anh như chiếc bóng không rời, tôi đã quen với những tánh tốt và tật xấu của chồng. Anh ấy là một người chỉ huy nên bản tính cương nghị và quyết đoán. Anh ấy lúc nào cũng rộng rãi và hào phóng với bạn bè. Cuộc sống nay đây mai đó, đối diện với cái chết khiến người lính đặt gia đình sau bổn phận với quê hương và dân tộc.

Sau 8 năm tù tội chồng tôi trở về chằng chịt những vết thương tâm lý và thể xác. Tất cả những thứ ấy đày đọa tâm hồn anh và làm một rào cản trong hạnh phúc gia đình. Con cái không nhận được từ cha những vui tươi cởi mở, những nụ cười trọn vẹn thương yêu và sảng khoái.

Mất anh có người mừng cho tôi bớt vất vả. Nhưng bản thân tôi thấy mình thật cô đơn và không làm hết trách nhiệm với chồng.

Ngày anh mất, hai thằng con đi lính xa nhà được phép đơn vị về thọ tang cha. Hai con dâu đều có mang gần ngày sinh nở. Tôi đã không ngăn được nước mắt khi hai con tôi  đứng nghiêm chào cha theo lễ nghi quân cách lần cuối trước khi chúng bấm nút lò thiêu.

Năm nay, tháng tám trăng tròn. Hai cháu nội tôi cũng gần được hai tuổi. Chúng đã biết nói, biết mừng khi bà nội tới thăm và ở lại. Chồng tôi không được thấy mặt khi cháu sinh ra đời. Tôi lấy ngày rằm Trung Thu để nhớ ngày chồng mất  và là cái mốc để nhớ sinh nhật hai đứa cháu nội nhỏ nhất.

Đêm Trung Thu, khi các cháu rước đèn quanh vườn chùa, dưới chân tượng Quan Thế  m Bồ Tát. Tôi nhìn lên ngắm khuôn mặt tròn trỉnh của chị Hằng. Mặt trăng sáng vằng vặc ẩn sau những ngọn lá dừa đong đưa trên bầu trời thật đẹp. Tôi nghĩ chồng tôi trên ấy đang háy mắt chọc tôi cười.

Ông Trời cũng từng háy mắt với tôi, ban cho tôi được sống cận kề mỗi ngày, hàng giờ bên chồng. Bây giờ anh ấy đã hết hợp đồng ký kết với ông trời. Anh ấy đã đi theo chị Hằng  để được mỗi năm về vui Trung Thu với con với cháu.

Hãy yên tâm đi ông xã. Mỗi năm chúng mình sẽ gặp nhau một đêm hạnh phúc. Có chị Hằng làm chứng, có các cháu chung vui. Mình mãi mãi hạnh phúc trong niềm vui nhân loại.

 

Nguyễn thị Thêm

 

 

Ý kiến bạn đọc
14/10/201915:34:16
Khách
Cảm ơn tác giả đã mô tả khá chính xác về cuộc sống thường ngày khá căng thẳng ở Nhựt Bổn, quê hương thứ 2 của tui, bài viết còn nói lên tấm lòng vị tha, nhân ái, buông bỏ của tác giả, một người vợ lính Cộng Hòa không thích nuôi thù hận, oán hờn muôn kiếp không nguôi...
14/10/201912:42:54
Khách
Thưa chị

"Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa "
Vâng, bức hình nói lên tất cả vẻ đẹp ,chân dung hạnh phúc, tình nghĩa vợ chồng..của người vợ lính thủy chung
Nhà văn Quân lực VNCH Phan Nhật Nam đã viết về lính,và Chị là một trong những người vợ lính đã viết về lính, về người vợ lính sau khi mất miền nam
cảm ơn chị và chúc chị dồi dào sức khỏe, sống vui và hạnh Phúc với con, Cháu .

Kính
14/10/201900:28:18
Khách
“Ơn em hồn sớm ngậm ngùi
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau”
(Du Tử Lê)

Thưa chị, ở đây mình có rất nhiều chọn lựa nhưng chị vẫn chọn cận kề, chăm sóc anh đến phút cuối. Em ngưỡng mộ chị.
Chị là người thật sự giàu có và hạnh phúc!
Kính chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,174,451
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến