Hôm nay,  

Nước Mắt Quê Hương

04/10/201900:00:00(Xem: 12152)

Bài số: 5801-20-31607-vb6100419

 

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.

 

***

1.

 

Khi còn là chú bé rong chơi trong xóm, tôi hay ghé chòi hớt tóc của chú Chín để xem các chú thương phế binh đánh cờ tướng. Chú Chín cũng là thương phế binh Việt nam Cộng hoà, nhưng có nghề hớt tóc nên sau khi giải ngũ thì chú cất cái chòi lá ven sông để hành nghề. Từ đó, các chú thương phế binh khác hầu như có mặt tại chòi hớt tóc của chú Chín từ sáng tới tối.

Sự rong chơi khi còn nhỏ ở xóm làng từ khoảng tết Mậu thân tới Mùa Hè đỏ lửa đâu ngờ lại thành cà phê, thuốc lá về sau khi tôi đánh cờ với bạn bè ở chung phòng trọ, ký túc xá vào thời đi học xa nhà. Cứ mỗi lần hạ thủ bất quờn với các cờ thủ muôn phương, tôi thường nhớ đến các chú thương binh ở chòi hớt tóc của chú Chín. Nhớ khi một ván cờ kết thúc, mấy chú bên thua phải ra tiền cho tôi đi mua cho các chú chai rượu đế. Sau đó là mấy ổng nhậu, có hôm nhậu sớm từ sau ly cà phê sáng là mấy ổng đã nhậu tới tối mò. 

   Rồi một hôm, tôi quyết đi thật xa… như lời bài hát nào đó. Tôi cũng ra chòi chú Chín, nhưng không xem cờ, không đi đá banh ny-lon với đám bạn nhỏ ngoài lộ đỏ, không đi mua rượu cho các chú như thường ngày. Tôi ngồi dựa gốc dừa ngoài bờ sông. Mọi ngày, lục bình trôi là chuyện của lục bình, không mắc mớ gì tôi. Nhưng hôm đó ngồi nhìn lục bình trôi, tôi đã khóc, khi hình dung ra đời tôi từ nay y chang như khóm lục bình trôi… Hồi đó chưa hiểu biết về sự vô định, nhưng đã có linh tính về một chuyến đi không trở lại. Chuyến này cất bước chân đi là vĩnh biệt gia đình và xóm làng…

Chú Chín đi tè bậy ngoài gốc dừa bờ sông nên mới thấy tôi khóc. Chú hỏi: “Mày bị ở lại lớp hay sao mà khóc vậy Mập?”

“Dạ không. Con bị mẹ con đuổi con đi…”

“…rồi mày tính đi đâu?”

“Con đi lính… chứ biết đi đâu bây giờ, chú?”

“…”

Ổng cười quá chừng, vừa lôi tôi vô chòi vừa nói cho mấy chú thương binh khác nghe. Tôi nhớ chú Sến nói, “…lính không nhận mày đâu, vì lính đâu đủ gạo nuôi cái thây mập của mày. Thôi bây giờ vầy đi! Mày làm một chung “nước mắt quê hương” với mấy chú, là buồn nào cũng qua…”

Mấy chú khác còn nhao nhao lên cản chú Sến không được cho tôi uống rượu. Nhưng tôi đang buồn mà, lại từng có lần đi mua rượu cho mấy chú nhậu, trên đường về chòi hớt tóc, tôi đã nhấm thử qua rượu đế. Tại nó dở quá nên tôi không thèm uống, chứ không phải sợ nó. Nên lần này tôi làm cái ót hết một chung.

Bớt ồn mấy chú cãi nhau là sao cho tôi uống rượu, rồi thì mấy ổng chơi cờ tiếp. Tôi ngồi coi như mọi khi nhưng hôm đó phải dựa vô chú Sến. Chú là người Tàu - Chợ Lớn nên béo phị, da thịt mát rượi, cũng đi lính và bị thương nên giải ngũ như những chú thương binh khác. Chú lấy vợ người Việt nên mới sống hoà đồng bên quê vợ. Chú vui tính, chơi thân với tôi lắm. Chú Sến thua cờ nên tới người khác chơi. Chú ngồi qua cái sập tre, đặt đầu tôi lên đùi chú rồi xoa đầu cho tôi ngủ. Chú tỉ tê với tôi, “mày muốn đi lính thì trước hết phải biết uống nước mắt quê hương. Bây giờ mày ngon rồi, làm cái ót hết một chung là được cấp thẻ bài rồi đó! Nhưng đi lính thì phải xâm mình cho ngầu cho Việt cộng sợ, biết chưa? Để chú xâm cho mày nha?”

Tôi đồng ý nên chú Sến xâm lên cánh tôi hàng chữ, “sương gió phủ đời trai” bằng viết big. Tôi không còn thấy đắng và cay ở miệng như sau khi uống chung rượu. Nhưng cảm giác muốn ói, chóng mặt, nhức đầu quá nên không phân biệt được người này với người khác, người đứng bên ngoài và người tôi thấy trong tấm kính hớt tóc khá to trên vách. Thế giới như đảo lộn trong cảm giác tôi trồng chuối ngược... Tôi chỉ tỉnh táo nhất và rất tự hào với hàng chữ “sương gió phủ đời trai” trên cánh tay tôi. Tôi nghĩ, chỉ với hàng chữ ấy thôi thì tôi đã có thể ra giang hồ không sợ ai hết. Tôi bớt sợ việc mẹ tôi đuổi tôi đi khỏi nhà…

Hồi tôi thức dậy, rất nhức đầu. Nhưng cũng biết là tôi đang nằm trên bộ ván ở nhà tôi. Rồi tỉnh hẳn khi thấy cây chổi lông gà để sẵn ở góc bộ ván! Đương nhiên là giả ngủ vì trời bên ngoài đã nhá nhem tối, chỉ hy vọng thuận buồm xuôi gió tới sáng sớm mai, sẽ chuồn êm, đi học sớm…

Nhưng nằm toan tính càng chi li để thoát trận đòn thì lại bị cái bụng làm khó dữ hơn, đói sùi bọt mép mà nước miếng thì đắng nghét mùi rượu đế. Nên bản năng sinh tồn phát ra vô thức, “đói quá vậy ta…”

Bỗng tiếng thằng em tôi la lớn, oang oang cả căn nhà ngoại ô của gia đình tôi… “Mẹ ơi! Thằng Mập ngủ giả. Con thấy nó mở mắt, rồi nhắm mắt lại. Ngủ giả. Nó đang kêu đói bụng…”

   Vậy là tôi phải đứng khoanh tay, Cái đèn dầu hắt bóng tôi lên tường buồn bã đối diện với mẹ tôi huơ huơ cây chổi lông gà. Bao nhiêu nội công cũng tiêu tan với cây chổi lông gà huơ huơ, vì cứ vận công cho đỡ đau thì mẹ không quất, hồi nội lực tiêu tan thì lại ra đòn bất tử; lại hiệu lệnh uy nghi sau khi ra chiêu ba thử một thật mới tím tái linh hồn, “Con đứng thẳng lên cho mẹ. Con coi con đã mười tuổi đầu. Con nhà người ta đã phụ giúp cha mẹ được bao nhiêu việc. Con thì chỉ rong chơi, đánh lộn trong lớp, phá làng phá xóm… không ngày nào hàng xóm không tới nhà mắng vốn; vài hôm cô giáo lại có thơ mời phụ huynh vì con đánh lộn trong trường… Con mới bây lớn mà đã la cà làng trên xóm dưới, tựu tập cờ bạc rượu chè ngoài tiệm hớt tóc… Ở đó đâu phải chỗ chơi cho trẻ con.

Con nhìn lại con đi, mới mười tuổi đầu mà uống rượu say tới hàng xóm cõng về nhà. Mười tuổi đầu đã xâm mình như dân đâm thuê chém mướn…”

Gặp thằng em tôi như nó có thù không đội trời chung với tôi vậy đó! Tôi làm bất cứ việc gì nó cũng đi mách mẹ để tôi bị đòn. Thậm chí mình trộm trái, trộm trứng của nhà hàng xóm cho nó ăn. Luộc trứng bằng lon sữa bò, đốt đèn cầy để luộc đâu phải dễ. Nó ăn xong là đi mách mẹ tôi luộc trứng trên lầu. Thế là tôi ăn đòn tội “con muốn đốt nhà hả con?”

Nay nó đã rình nên mới biết tôi ngủ giả sau cơn say, nó không thông cảm lại còn la toáng lên cho mẹ tôi bỏ việc khâu vá để xử án nghiêm trọng là tội uống rượu khi chưa qua tiểu học. Nó nghe mẹ nói tôi xâm mình như dân đâm thuê chém mướn, là nó tơm tớp hớt lời mẹ, “Mẹ. Nó xâm bên tay trái là sương gió phủ đời trai; còn bên tay phải nó xâm là… là… mưa lai rai lạnh thấy mẹ.”

Thế là tôi ăn liên hoàn chổi lông gà, không có chiêu thử nào nữa mà toàn là chiêu thật, chỉ còn biết lết qua nhà hàng xóm để cầu cứu bà ngoại bên nhà hàng xóm xức dầu cho con… Nên hết đời không quên được nét mặt mẹ tôi đánh con vì tức giận thằng con quá trời quá đất, nhưng mẹ phải nín cười… Nay xa nhà đã lâu, đã giỗ mẹ nhiều năm rồi, sao lần nào tàn nhang tôi cũng uống ly rượu cúng. Cụm từ “nước mắt quê hương” của mấy chú thương phế binh ngày xưa thật hiển linh vì nhấm môi vào chung rượu thì nước mắt thương quê nhớ mẹ đã trào ra trước cả rượu nuốt vào.

 

2.

 

Nước mắt quê hương không mùi không vị nên cũng không cầm được nước mắt với tin sét đánh ngang tai. Hồi cuối cấp trung học tới rồi. Biết rằng bạn bè từ nay muôn phương vạn ngã, dễ gì gặp lại nhau. Nhưng người thầm thương trộm nhớ trong lòng tôi lại đúng lời bài thơ bài hát, “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu…” Huỳnh Mai cứ rụt rè, lỏn lẻn chân quê. Tôi chơi liều một chiều giáp tết là đạp xe theo sau để biết nhà, nhưng tính toán thật kỹ để không bạn bè nào biết! Tôi tính chỉ thua Mai vì Mai biết nhưng không nói ra thôi, vì về tới gần nhà Mai thì Mai lượn một vòng xe đạp vô nhà dì của Mai, làm cho tôi mất giấu. Rồi bọc hậu mình, cười khúc khích chọc quê. Quê thật là quê, quê đỏ mặt. Nhớ lại măt đứa nào cũng đỏ như nhau khi Mai thương hại tôi, “thì thôi, ghé nhà chơi cho biết nhà. Ăn cơm rồi về chứ xa quá mà… đói bụng thì làm sao đạp nổi…”

   Thì thôi một liều ba bảy cũng liều. Hên là được ông ngoại Huỳnh Mai khen hết lời cho thằng nhỏ lễ phép… Tự thấy ông uống rượu đế thì cũng uống với ông một chung kính lão đắc thọ trong bữu cơm chiều. May sao hên tiếp nối hên. Uống xong chung rượu liền khen ông ngoại nấu rượu ngon quá! Ông ngoại trúng đài nên cao hứng….

“Ở Sài gòn người ta thích uống rượu tây, dưới quê này, ông ngoại uống rượu trắng, tự nấu tự uống thôi con. Mà sao con uống vô là biêt liền rượu nhà nấu?”

“Dạ. Thỉnh thoảng con cũng có uống ly rượu trắng khi đi đám tiệc, đám giỗ trong xóm con. Nhưng rượu mua chua lòm hà ông ngoại. Không giống rượu nhà nấu, uống vô biết liền. Chậm nhứt là nuốt rồi thì cũng còn cái hậu của nó ngọt thơm trong cuống họng…”

“Thằng còn nhỏ mà biết ghê ha. Uống rượu đế là uống cái ót, cạn chung. Chịu nóng cổ họng thì mới thấm được vị ngọt của rượu, nhưng không pha đường như rượu chợ trên thành phố. Uống rượu đế mà nhấm nháp thì như uống giấm…”

Tôi biết nói gì hơn với ông ngoại đang cao hứng, “Vậy hôm nào ông ngoại nấu rượu thì nhắn con nha. Con muốn thấy qua để biết!”

“Ông ngoại nói, “Thiệt uổng quá xá đi. Ông ngoại mới làm xong tức thì… Thôi để ông ngoại nói lại cho con nghe: Trước hết là chà mười lít nếp lức, chà bằng cối đá ở nhà cho còn cám chứ không đem ra nhà máy chà được đâu. Rồi nấu cơm nếp bằng nồi gang ngon hơn nồi nhôm. Sau đó trải cơm nếp lên phên tre cho nguội. Hồi thiệt nguội rồi thì rắc men.  Men rượu mua ngoài chợ không ngon nên phải quen biết người chuyên ủ men rượu để mua được men ngon. Đem về nhà. Men trước khi trộn phải phơi nắng cho giòn để giã nát. Sau khi rắc men, trộn đều với cơm nếp rồi đem ủ trong khạp sành, để ngoài hè là được.

Chừng ba ngày thì châm nước vào khạp ủ cho xăm xắp. Khi đó mở khạp đã nghe mùi rượu thơm lừng. Châm nước xong chờ thêm ba hay bốn ngày nữa mới cất rượu là tùy trời nóng hay mát, tùy đợt men mua ngon hay dở, rồi còn tùy kinh nghiệm gia truyền mỗi nhà mỗi khác…

Thiệt là tiếc không biết con xuống chơi nên ông ngoại làm xong hết hồi chiều rồi, không chỉ cho con biết được. Giờ, để ông ngoại tính coi… Ba bữa nữa thôi vì trời chưa mát, con theo con Mai về đây hen. Ăn cơm chiều rồi đi ngủ sớm, sáng dậy sớm để cất rượu với ông ngoại…”

Trời ơi! Tôi chỉ còn biết kêu trời để tạ ơn hậu hĩnh của trời ban cho. Nhìn Mai khác hẳn Mai rụt rè trong lớp; Mai lung linh dưới ánh đèn dầu vừa thắp lên đến mê hồn. Tôi tạm biệt ông ngoại như thằng cháu ngoại ruột của ngoại, thằng cháu ngoại được ông thương mến…

Ngoại gởi tặng cha tôi chai rượu nhà nấu, (ngoại không hiểu giọt nước mắt tôi rơi vì cha tôi đã chết trong tù). Ngoại còn sai má con Mai ơi, đi bắt cặp vịt gởi tặng sui trai đi con… làm chúng tôi đỏ mặt nhìn nhau còn hơn uống nước Tôi dắt xe đạp ra đầu ngõ nhà Mai, miệng nói cảm ơn nhiều lần lắm rồi, tạm biệt cũng đôi lần rồi mà sao chân không muốn bước đi. Chắc lần đầu nắm tay nhau sau mấy năm chung lớp từ khi lên cấp ba nên bịn rịn hai chiều.

Đường về không xa như lúc đi, trăng trong veo trên trời trong vắt…

   Đợi chờ ba hôm dài như một tháng… Bổng tôi thích nhạc sến lạ vì mấy năm trung học tôi chỉ nghe (lén) nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Hôm đó sau giờ ra chơi, không trốn học luôn để đi đá banh như mọi khi mà bỗng dưng siêng học lạ kỳ, chỉ thích ở trong lớp để nhìn nhưng không thấy vì thấy như không nhìn. Hồi trở vô lớp học sau giờ ra chơi, giở quyển tập đang chép bài là thấy ngay mảnh giấy nhỏ xinh xinh, “Ông ngoại nói sáng mai ông ngoại cất rượu sớm… nhưng tối nay đừng xuống nhà. Sáng mai xuống sớm tốt hơn. Chừng ba giờ sáng là ông ngoại cất rượu…”

   Không có ai ký tên trên mảnh giấy nhắn tin, không ai ngờ được tuồng chữ viết bằng tay trái của người hiền nhất lớp! Không ai hạnh phúc hơn tôi khi có một người hiểu còn ai cũng không hiểu…

    Mười hai giờ đêm tôi thức dậy, ra khỏi nhà không lâu sau đó để có mặt đúng ba giờ sáng. Vừa lúc ông ngoại đang sửa soạn cất rượu. Cái nồi nhôm lớn đậy kín nắp, đặt trên lò củi. Trên nắp nồi gắn ống thông hơi bằng tôn thiếc cuộn, cỡ bắp tay. Đường ống dẫn qua chậu sành chứa nước lạnh, đặt cao hơn nắp nồi nấu không nhiều. Đường ống nhỏ dần về đường kính và xà xuống thấp tới miệng chum hứng rượu.

Sau khi trút hết cơm rượu trong khạp vào nồi thì nổi lửa. Ông ngoại thấy hơi-nước-rượu khi bắt đầu sôi bị xì ở nắp nồi nấu thì đi trộn cám với cơm nếp nhão để trét, bịt kín như trét nắp quan tài. Tôi nhanh tay giúp ông ngoại một cách xuất sắc vì tôi vốn giỏi chuyện bếp núc sau hoà bình.

Nhà không có chó thì bắt mèo mèo ăn cứt, mẹ tôi hay nói vậy với các bà trong xóm khen tôi là con trai mà giỏi bếp núc. Không biết có ai hiểu là nhà tôi không có chị em gái nên thằng Mập thành bếp trưởng khi cha anh tôi đi tù cải tạo hết trơn, mẹ tôi dãi nắng giầm mưa ngoài chợ để nuôi sấp nhỏ ở nhà, thăm nuôi sấp già là cha chú tôi, sấp lớn là đàn anh tôi… đi tù có gia phả đông vui vậy mới thích.

Tôi canh lửa khỏi chê dù là lửa củi, cứ giữ lửa liu riu mới đượm rượu hơn là lửa đùng đùng hay lửa quá yếu. Thỉnh thoảng lại nhanh tay đi thay nước lạnh cho cái chậu sành để đặng rượu được nhiều…

Ông ngoại chịu quá thằng nhóc thành phố sao rành bếp núc, nên bên bếp lửa hồng ấm áp nhất đời tôi từ sau hoà bình lập lại khi ngoại kể tôi nghe chuyện chiến tranh và hoà bình trên quê hương tôi khi tôi còn quá nhỏ nên không hiểu biết! Chuyện cha của Huỳnh Mai là lính Nghĩa quân, đã hy sinh vào ngày cuối cùng của cuộc chiến vì không chịu buông súng. Sau đó bị họ lôi ra bắn chết trước đồn Nghĩa quân, trước mặt vợ con…

Cả lịch sử nhỏ giọt đầy chum này tới chum khác mà chum nào cũng cay đắng như nước mắt quê hương. Đêm nấu rượu để uống cả đời vì ngọt ngào từ ánh mắt đến nụ cười của người pha cà phê khi trời còn tối, nấu cháo ếch khi đã tỏ mặt người, nắm tay nhau đến trường buổi sáng khi đã tỏ lòng nhau…

Nhưng sau bốn mươi năm chỉ gặp được nhau trong nỗi nhớ không biết già, khắc khoải không niên đại. Là hôm thằng bạn học hồi nhỏ  báo tin sang, “Bạn bè mới đi đám ma con Huỳnh Mai. Nó chết vì ung thư thanh quản do mấy mươi năm giảng dạy học trò…”

Thơ điện tử còn dài, nhưng “đời vắng em rồi say với ai”? Nhớ lần đó tôi ghé tìm thăm Mai ở trường Trung học sư phạm theo như bạn bè chỉ điểm vì tôi sống bất định sau khi hết trung học. Một hôm Sài gòn kinh dị với một anh Vọi vai u thịt bắp từ Vũng tàu về Sài gòn đen thủi đen thui vì tôi đi đánh cá ngoài biển liên tu bất tận để tìm đường vượt biển…

Hôm trở lại Sài gòn thật đáng nhớ cảm giác bơ vơ ngay trên mảnh đất mình được sinh ra. Đến cây me bạn cũng trở mặt… vãi cho bãi cứt chim lên đầu… “người về thân đơn côi, gót mòn đại lộ buồn…” nghe người mù bán vé số hát nghêu ngao mà buồn ứa nước mắt.

Rất may được gặp nhau hôm đó, đâu ngờ định mệnh đã an bài từ đó chỉ còn nỗi nhớ đến nhau trong định mệnh đã an bài…

 

3.

 

Nước mắt quê hương còn đâu nữa để rơi trong chơi vơi bất tận.

Đã rất lâu rồi, hôm đó nhà thơ Phan Xuân Sinh đi Việt nam về, anh ghé thăm tôi vả tặng quà quê hương cho tôi là chai rượu đế. Đã bao năm, bao lần, bao bạn bè văn thơ hữu ghé tệ xá thăm tôi; ai cũng muốn uống chai nước mắt quê hương ấy với niềm tin là bật nắp được chai rượu đã thành giai thoại thành Đà thì sẽ bật mí được bí mật tôi cố thủ chai rượu không bao nhiêu tiền; không đáng để tiếc rẻ với anh em thì chắc chắn có lý do đáng nghe!

Ôi chai rượu đế đã bao trăng tròn, trăng khuyết nơi viễn xứ, vẫn thủy chung niềm nhớ. Chai nước mắt quê hương để dành tắm xác thằng lưu linh lần cuối vì trong từng giọt trắng ngần là thiên thu nỗi bần thần nhớ mãi… tháng mười qua vai người đi qua ngõ, chút lòng thành tưởng nhớ cố nhân.

 

Phan

 

Ý kiến bạn đọc
11/10/201919:31:21
Khách
Buồn .......
04/10/201921:25:15
Khách
Anh Phan, anh viết văn mà dụng luật bằng trắc nên đọc lúc nào cũng có cảm giác nhẹ nhàng, lìm lịm những mật ngọt men say.
“Từ khi quen lối đưa em về qua, người yêu dấu đã xa thật xa đẹp như dốc mơ.”
Anh làm tui nhớ cô bạn xéo cạnh nhà trong xóm ngày xưa. Không phải tên Mai như bạn anh nhưng là em của một người tên Mai.
Có một lần hai đứa, ở sau lưng nhà thờ Bắc Hà, Lý Thái Tổ mà đạp xe tuốt vô trong Bình Thới đi công chuyện cho cô bạn nhỏ. Đường về cô bạn nhỏ (nhưng lớn hơn tui một tuổi) đến phiên đạp xe. 13 tuổi, lần đầu trong đời vịn hờ bụng con gái (cho đến lúc vượt biên tui cũng không thấy ai đẹp dễ thương bằng.) Chỉ vu vơ chuyện nắng mưa mà trăng sao trên trời lung linh rụng rơi suốt quãng đường... Yêu thương mưa thu rơi, xưa ơi sao chơi vơi, bơi bơi tương tư một đời.
04/10/201910:21:22
Khách
tối nay độc ẩm sẽ kính tác giả 1 chung đế của đồng nai
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến