Hôm nay,  

Một Cơn Ác Mộng

31/07/201900:00:00(Xem: 9884)
Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số: 5750-20-31557-vb4073119

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và  tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.

***

Khoảng bốn tháng nay, trên đầu tôi có một cái mụt ngày càng to dần. Nó to rất chậm, bây giờ chỉ bằng vào khoảng bốn hạt cơm đã nở.

Tôi không thấy có sự gì khác biệt trong cơ thể, không cảm thấy có sức nặng nghìn cân của năm hũ nước mắm Phan Thiết đội trên đầu, không cảm  thấy có cây đa mọc rễ khắp nơi, không đau nhức cần uống thuốc "Búa bổ đầu người", không dấu hiệu khác lạ đổi giống, thành thử tôi bình chân như vại không để ý đến nó. Tuần tới này tôi có hẹn khám nghiệm sức khỏe tổng quát hàng năm nên tôi định bụng lúc bấy giờ hỏi bác sĩ cũng không muộn.

Ngoài mặt nói là không lo nhưng bên trong đầu óc chắc suy nghĩ lo ngại giấu không đánh tín hiệu cho tôi biết nên đêm hôm kia tôi nằm mơ một cơn ác mộng. Nói về độ khốc liệt của những giấc mơ thì chưa bao giờ tôi mơ một giấc mơ kinh khủng như thế này. Khi tỉnh giấc tôi đờ đẫn cả người như Điệp bị sững sờ khi Lan gióng tiếng chuông chùa quyết định đoạn tuyệt một cuộc tình.

Trong cơn mơ, cái mụt của tôi to đến lúc phải vào nhà thương mổ. Bác sĩ giải phẫu cho tôi có lẽ tốt nghiệp ở nhà thương Hà Lội nên cắt chỏm đầu tôi lìa hẳn ra khỏi đầu như chặt dừa rồi may nó lại một vòng. Trong mơ, tôi chắc là Siêu nhân Superman nên không bị đau đớn gì cả. Tôi còn nghĩ thầm là quái lạ, đầu bị cắt lìa cái chỏm ghê rợn như thế mà tại sao tôi lại không bị đau một tí nào như lúc mổ vai?

Vợ tôi nghỉ làm mấy ngày, ở nhà thương thường trực chăm sóc cho tôi (tôi minh xác rõ ràng trong cơn mơ là vợ tôi chứ không phải em nhí nào khác). Có lẽ là tôi nằm trong tình trạng hôn mê nên trong cơn mơ, tôi chỉ nghe vợ tôi nói mà tôi không cách nào nói chuyện với nàng.

Một hôm vợ tôi khóc lóc, nói tuy rằng quá nguy hiểm cho tôi nhưng nàng mừng vì cuộc giải phẫu diễn ra tốt đẹp. Theo lời bác sĩ, nếu chỏm đầu bị cắt của tôi không sưng thì tôi sẽ bình phục, vài tuần nữa được về nhà dưỡng bệnh cho khỏi hẳn.

Bỗng nhiên trong khi nói chuyện, gương mặt vợ tôi hoảng hốt, thét to: "Anh Ngọc! Anh Ngọc!" Tôi không biết chuyện gì xẩy ra thì nàng kinh hãi khủng khiếp, thét tiếp: "Đầu anh càng ngày càng phồng to lên không ngừng! Thế nào nó cũng nổ!"

Hóa ra vợ tôi đang chứng kiến một sự kinh dị, và tuy không có gương trước mặt để nhìn, tôi thấy rõ chỏm đầu của tôi như bong bóng đang được bơm, mỗi lúc mỗi phồng lên to. Chỉ vài phút sau là tôi nghe vợ tôi khóc lóc thảm thiết, ôm chầm lấy tôi, rên rỉ: "Sao anh lại bỏ em?"

Tôi đang nằm thì bỗng dưng bay cao lên như bong bóng. Trong khi nói trấn an, tôi cố với tay níu  lấy vợ tôi nhưng không tài nào nắm được nàng, và tôi có cảm tưởng là nàng không nghe được những gì tôi nói. Càng ngày tôi càng bay lên cao hơn và bóng dáng vợ tôi càng nhỏ dần.

Tôi nhận thức ngay là tôi vừa mới chết, xa lìa vợ tôi vĩnh viễn.

Ngày xưa khi còn bé tôi rất sợ chết vì một câu chuyện bố tôi kể. Ông dặn tôi là sống đời hiền hòa, không ác đức,  không ăn gian nói dối. Ông nói là sau khi chết, mọi người đều phải đi bộ trên một cầu vòng rất to, bên dưới là nước sông với ác quỷ và cá sấu. Cầu chẳng những không thẳng, mà vòng to như cầu vồng sau cơn mưa. Trên cầu rất trơn trợt vì được trải bằng xà-phòng. Mọi người phải xếp hàng đi qua bên kia cầu. Ai trên trần gian sống ác đức gian dối thì sẽ bị ngã xuống sông rồi ác quỷ và cá sấu ăn thịt, chỉ có người hiền lành mới sang được phía bên kia.

Bắc Kỳ nói phét thì nhất định là số Một. Đến mãi năm, sáu năm sau tôi vẫn tin lời của Bố tôi là thật, không dám ăn gian nói dối vì sợ khi chết sẽ bị ngã xuống cầu ác quỷ ăn thịt. Chết với tôi khi còn trẻ là một viễn tượng kinh hoàng vì tôi không biết đi trên cầu có bị ngã xuống cầu vòng hay không.

Nhưng khi đã già dặn, khoảng chừng mười năm trở lại đây, sau khi đọc hết tất cả sách vở của ông Đạo Dừa viết về nguyên thủy của vũ trụ, của con người, tôi không còn sợ chết nữa.

Tôi nhận thức cuộc đời không có Giáo chủ Muhammad, không có Đức Chúa Trời, không có Phật Thích Ca, không Chiêm Tinh Gia Huyền bí Huỳnh Liên, không thế giới bên kia. Loài người chỉ là hạt cát so với vũ trụ, khi mất đi sẽ bị đào thải như xe hơi nhà lầu, như muông thú, như cua cá, như bánh chưng bánh dầy, như bánh mì xíu mại. Sẽ không có cầu vòng trải xà-phòng, không có địa ngục lửa cháy đời đời, không có tòa án nhân dân kết án giam vào địa ngục mấy tên gian ác lừa đảo, cường hào ác bá, cướp bóc giết người trên trần gian. Cuộc sống trên trái đất chỉ là thời gian con người được thụ hưởng tạm thời, và khi chết đi, mọi người sẽ trở thành tro bụi. Sẽ không có một cơ hội thứ hai với đời sống mới.

Tuy nói không sợ chết thật là "xôm tụ", nhưng trong giấc mơ khi càng ngày càng bay xa vợ, tôi hoảng hốt bật khóc. Tôi khóc vì biết giờ chấm dứt trên dương thế của tôi đã đến. Tôi khóc vì biết sẽ không bao giờ gặp lại vợ con, anh chị em, bạn bè, người thân quen thuộc. Tôi khóc vì biết sẽ không còn được chơi với bốn cháu ngoại, đặc biệt là hai cô sáng sớm weekend vào phòng vòi ông bà bật TV cho xem. Tôi khóc vì không còn thú tiêu khiển hàng ngày lau hồ bơi, cắt cỏ; và nhất là tôi khóc vì mới mua tám món đồ ở Costco mới toanh chưa dịp dùng đến.

Nỗi bực dọc nhất trong khi tôi bay càng ngày càng xa là cho dù nàng có gào thét, cho dù tôi cố gắng nói vĩnh biệt, chúng tôi không thể nào liên lạc được với nhau. Bao nhiêu năm vợ chồng liên hệ bỗng nhiên bị cắt nửa chừng như cúp điện, như đèn đứt bóng. Đèn tắt bất thình lình vĩnh viễn không khôi phục, không một ánh sáng, để lại một không gian tối mực như tờ.


Sự hoảng hốt vì chết thình lình xa vợ thân yêu không lời trăn trối thật sự rất ngắn vì  tôi chợt bừng tỉnh. Trông lên trần nhà tối om nhưng có ánh đèn đỏ chỉ giờ 5:18 sáng, tôi nhận thức ngay là tôi vẫn còn sống. Không bút mực nào tả nỗi vui mừng khôn siết của tôi khi biết mình vừa trải qua một cơn ác mộng,

Vợ tôi nằm bên cạnh, trở mình hỏi: “Sao anh dậy sớm thế?”. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Chúng tôi vẫn còn nói chuyện được với nhau, không như trong cơn ác mộng, không cách nào người chết nói chuyện với người sống. Ấy thế mà tôi biết là rất nhiều người tin là khi người thân ra đi, họ để lại những dấu hiệu liên lạc với người sống. Điều này đúng hay sai?

Trong sự tìm hiểu về Liên Lạc sau khi Chết (After Death Communications, ADC) vào năm 2011, Bác sĩ Streit-Horn khám phá là mọi người từ tất cả các chủng tộc, tôn giáo khác nhau, giầu hay nghèo, học thức nhiều hay ít, ai cũng cảm thấy sự hiện diện của người thân sau khi chết. Vợ/chồng nghĩ người chết liên lạc với mình nhiều hơn là người thường, và phụ nữ tin như thế nhiều hơn là đàn ông.

Một thống kê cho thấy là 20% người Mỹ tin là người mới chết có liên lạc với mình. Lý do người ta tin có sự hiện diện của người mới mất vì tình cảm gắn bó, liên hệ thân mật với nhau trong bao nhiêu năm trên dương thế khiến tâm não không chấp nhận mọi liên lạc bỗng dưng bị cắt đứt thẳng thừng.

Từ xa xưa nhân loại đã cố gắng tìm cách liên lạc với người chết. Ở Anh Quốc vào thế kỷ thứ 19, các phụ nữ trưởng giả đã lập ra nhưng buổi cầu cơ sau khi họp nhau ăn bánh uống trà. Cuối thế kỷ thứ 19 nước Mỹ tràn ngập những nhà siêu linh học (pyschics) lừa gạt người khác là mình có thể liên lạc với người trong gia đình họ vừa mới chết. Sự lừa gạt này chấm dứt một phần nào khi nhà ảo thuật đại tài Houdini chứng tỏ cho thiên hạ biết là những người này chỉ dùng xảo thuật để lừa thiên hạ.

Khác với Việt Nam có nhiều con ma dữ tợn ai cũng "teo" như con ma vú dài, con ma nhà họ Hứa, ở Mỹ có nhiều cá nhân, hội đoàn hăng hái tìm ma, ngay cả TV cũng có show “Ghosts hunters – Săn ma” để xem ma có hiện hữu hay không. Tìm ma rất khó vì không một ai có bằng chứng hẳn hòi mà chỉ “cảm thấy” có ma, thí dụ như nghe cửa đóng, đèn điện chớp tắt, hơi lạnh thổi buốt da… Chưa ai thực sự đối diện hay liên lạc với ma (nhà ảo thuật đại tài Houdini hứa là sau khi chết sẽ trở về liên lạc nhưng vợ ông đợi chờ trong vô vọng), và ngay cả khi họ quả quyết là thấy bóng ma lảng vảng thì khi người ta đem máy chụp hình đến để "bắt" ma thì chẳng bao giờ nó xuất hiện để máy chụp hình ghi lại. Chưa một người nào thành công chụp hình ma.

Show TV “Ghosts hunters – Săn ma” với bao nhiêu là máy quay phim chụp hình, máy móc phát minh có thể phát hiện "năng lượng" người chết phát ra, cũng chẳng tìm được một con ma nào. Có lẽ nếu họ phát minh ra máy phát hiện mùi hôi nách thì sẽ có nhiều cơ hội tìm ma hơn.

Một người tin Chúa theo đạo Công Giáo, Tin Lành hay Do Thái Giáo nhất định không thể nào tin có ma vì trong Kinh Thánh nói rõ ràng không có ma quỷ: người chết sẽ nằm yên dưới mấy thước đất cho đến khi Chúa trở lại. Kinh Thánh sách Truyền đạo (Ecclesiates) 9:5-6 viết: "Kẻ sống biết mình sẽ chết, nhưng kẻ chết không biết gì. Kẻ chết không còn phần thưởng gì nữa, ngay cả tên họ cũng vào quên lãng. ..Sự yêu thương, ghét bực, ganh tị của họ, tất cả đều mất hết. Họ không còn là một phần tử hoạt động trong thế gian dưới ánh mặt trời" ("For the living know that they will die, but the dead know nothing; they have no further reward,   and even their name is forgotten. Their love, their hate, and their jealousy have long since vanished; never again will they have a part in anything that happens under the sun").

Không có ma quái nên Kinh Thánh cũng nói rất rõ đừng nghe những người lên đồng hay thầy bói. Sách Lê-vi Ký (Leviticus) 19:31 viết: "Các ngươi chớ cầu đồng cốt hay thầy bói; đừng hỏi họ, bởi vì họ mà các ngươi sẽ bị ô uế: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi" ("Give no regard to mediums and familiar spirits; do not seek after them, to be defiled by them: I am the LORD your God").

Khoa học đến nay không bắt được ma nên chuyện người chết hiện về chắc chắn không có thật. Ở Mỹ có vài trường hợp người trong nhà nói nhà bị ma ám nhưng khi người ta đến điều tra thì  phát giác bên trong tường bị mốc (mold) hoặc hơi gas trong nhà bị xì (nhà ở Mỹ tường rỗng, bên trong là ống nước, ống gas nên khi nước bị rò nổi mốc hay gas nếu bị xì thật ít thì khó phát hiện ngay được). Người trong nhà hít thở mốc hoặc hơi gas tạo ảnh hưởng thần kinh rối loạn.

Khoa học giải thích người ta tin sự hiện diện của hồn ma là vì họ vừa thình lình qua một cơn “sốc” vì người thân mất nên trí óc trở nên tưởng tượng. Một giải thích khác nữa là khi thân nhân chết, người ta thường bị mất ngủ vì lo lắng cho người bệnh trước đó, tạo ra điều kiện "ngủ khi tỉnh". Dù rằng trạng thái này rất ngắn trong tích tắc, nhưng nó tạo ra ảo giác là liên lạc với người chết.

Có một giải thích nữa người ta nghĩ có ma vì họ bị ảo giác, ảnh hưởng của electromagnetic field (tôi chẳng biết dịch là gì, "từ trường điện"? như những nhà ở gần dây điện cao thế) hay những siêu âm rất nhỏ infrasound người không nghe nhưng thú vật nghe được.

Electromagnetic field, infrasound là những thứ con người không thấy được, nhưng cái mụt trên đầu tôi chắc chắn không phải là kết quả của trí tưởng tượng. Nhất định là tuần tới tôi phải nói cho bác sĩ biết kẻo không nếu tôi chết vì nó thì vợ tôi phải tổ chức một buổi cầu cơ triệu hồn tôi về để hỏi nàng phải làm gì với tám bộ dồ mới toanh tôi mua ở Costco nhưng chưa có cơ hội dùng đến.

April 2019

Nguyễn Tài Ngọc
http://saigonocean.com/index.php/en/

Ý kiến bạn đọc
01/08/201900:05:41
Khách
Chào Ông Nguyễn Tài Ngọc
Khi nói chuyện về ma với các bạn của tôi .Tôi hay tiếu lâm nói rằng có một con ma ở bên cạnh các bạn mà các bạn không biết .Con ma này ám các bạn suốt cả đời :Đó là con ma phăm(tiếng Pháp Ma femme).Thấy vậy ai cũng bật cười.
Thăm Ông thân tâm thường an lạc.Trân Trọng
31/07/201917:31:39
Khách
Anh Tài Ngọc nói bên đạo Thiên chúa khogn tin có ma,sao có nhiều ông linh mục biết cách trị ma quỷ theo ám các tín đồ công giáo đó. Điện ảnh Mỹ cũng có nhiều phim ma quỷ theo ám ảnh người sống trong những ngôi nhà hoang để trả thù họ đã giết ( ám sát, hay tung xe bỏ chạy....) chúng hồi trước.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 834,064,121
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2919. Ông cho biết có cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979. Qua Mỹ năm 1998, ông hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết thứ hai của ông có lời ghi “Viết cho sinh nhật đầu tiên của cháu ngoại. Tựa đề được đặt lại theo nội dung: “bật mí” là âm nói lái của “bí mật.”
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.