Hôm nay,  

Đạp Xe Đi Tìm Ba Tại Trại Tù Biên Giới (Kỳ 2)

09/07/201900:08:00(Xem: 17050)
Người viết: Lê Xuân Mỹ
Bài số: 5733-20-31540-vb3070919

Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa.

Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

***

Đi thêm một đoạn dài, vượt qua thêm một nhánh sông tương tự thì trời đã tối đen. Lúc này tôi không còn đạp xe được nửa. Tôi dắt xe, vừa đi vừa run cầm cập. Dân thành thị như tôi, lần đầu tiên mới cảm thấy nỗi sợ hãi cùng cực khi một mình giữa đồng không mông quạnh, âm thanh toàn là tiếng côn trùng ếch nhái, thỉnh thoảng là những ánh đom dóm lập loè. Lại thêm cái lạnh cắt da của ban đêm và mưa phùn miền Bắc. Khổ không thể cực khổ hơn. Sợ không thể nào sợ hơn. Nếu không vì ba, tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng gặp được một căn chòi trống ven đường. Đây có thể là nơi tạm trú của những nông dân hay của những em bé chăn trâu nào đó.

Căn nhà (cái chòi thì đúng hơn) nhỏ xíu, trống không, có một cửa bằng tre nhỏ xíu. Đặt chiếc xe đạp sát vách, tôi ngồi xuống tựa lưng nghỉ mệt. Có thể nói trong đời, lúc này, đây là căn nhà ấm áp nhất mà tôi từng ở dù rằng những giọt mưa vẫn từ các khe hở nhỏ xuống lạnh buốt. Bây giờ mới cảm thấy đói.

Bữa ăn tối đầu tiên trên miền đất tận cùng biên giới của người con đi tìm cha đang học tập cải tạo là một cái bánh bao không nhân mua vội trên tàu. Cái gọi là bánh bao thật ra chỉ là một cục bột hôi mốc nhờ mưa ẩm ướt làm mềm đi nếu không chắc sẽ cứng như đá. Nhưng không sao, khi đói thì đất cát vẫn thấy ngon như thường. Vừa ăn tôi vừa cố nuốt đi những giọt nước mắt. Cùng với cơn lạnh ban đêm, dù trải qua một ngày không ngủ, mệt lả, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi ngồi bó gối co ro ở một góc nhà. Lần đầu tiên tôi thấy cái vô tận của đêm dài.    

Trời vừa hơi sáng là tôi lên đường ngay. Đi thêm một chặng đường đất khá dài, khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đến được trại Tân Lập. Thật ra cái tôi gặp đầu tiên ở giữa cái đồng không cô quạnh này là một ngôi nhà tranh, tương đối lớn, phía trước có treo một tấm bảng nhỏ “ K10 Tân Lập”. Bên trong là một cái bàn dài có hai dãy ghế bằng tre. Không thấy có ai canh gác. Tôi nghĩ đây là nhà khách. Đợi một lúc quả nhiên tôi thấy một công an đi ra. Tôi trình giấy tờ, ghi rõ là cán bộ Bưu Điện ra Hà Nội công tác luôn tiện thăm cha đang học tập tại K2 Tân lập.

Mừng hụt. Trại cải tạo Tân Lập thì đúng rồi nhưng đây là nhà khách thuộc K10. Toàn trại gồm có 10 khu vực. Nếu tính từ ngoài vào trong thì bắt đầu từ khu K10, K9…cuối cùng sát biên giới là khu K1. K10 là khu vực đầu tiên của trại Tân Lập. Từ đây sẽ không có nhà dân mà chỉ có những trại giam, cán bộ và tù nhân. Sau này tôi mới biết khu trại Tân Lập không chỉ giam giữ các tù nhân từ trong Nam mà còn là nơi giam giữ các thành phần bất hảo ăn cắp ăn trộm ngoài Bắc. Thành phần này được giam ở các khu K10, K9 gần phía nhà dân.

Các tù nhân sĩ quan từ miền nam được phân loại và giam giử theo thứ tự, chức vụ càng cao, càng ác ôn thì được đưa về các khu số nhỏ K1, K2 sát núi gần biên giới, khí hậu khắc nghiệt và rất khó trốn thoát. Nếu có vượt thoát được công an ở các khu vực K1, K2, K3…thì chắc không qua được các thành phần bất hảo của K9, K10. Ai nói Việt Cộng ngu. Có đào thoát khỏi trại, mặc áo tù đi lang thang 30 Km, ra khỏi đây không bị bắt trở lại mới lạ.    

Lại tiếp tục lên đường. Hai bên đường là nhũng cánh đồng khoai mì, những cánh đồng trà cằn cỗi. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp từng toán người mặc áo tù đang cuốc đất. Từng nhóm làm việc lặng lẽ. Lúc này đường đất tương đối dễ đi hơn. Tôi cúi thấp người cố gắng đạp thật nhanh. Đi riết rồi cũng đi qua hết khu K3 và bắt đầu vào địa phận K2. Có lẽ khoảng 10 giờ sáng, mưa phùn vẫn còn rơi. Tính ra từ sáng tới giờ tôi đã đi một lèo gần 4-5 tiếng đồng hồ. Không ăn uống gì nhưng tôi vẫn không cảm thấy đói. Tôi đang náo nức với cái cảm giác sắp được gặp lại ba. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ những chuyện sẽ hỏi ba, chuyện gì sẽ kể cho ba. Tự nhủ phải thật bình tỉnh, phải không được xúc động, phải không được khóc. Nghĩ tới lúc sắp gặp ba, quên cả mệt nhọc, tôi ráng sức đạp thật nhanh.

Qua khỏi khúc quanh cuối K3 để vào K2, tôi thấy cách đường đất đỏ khoảng 5 đến 10 mét một nhóm khoảng mươi người áo quần lam lũ, người đang cuốc đất, người đang vác những bó củi khô, cạnh đó mấy tay mặc áo vàng đội mũ cối, cầm súng đi qua đi lại. Tôi biết chắc chắn đó là những tù nhân đang lao động cải tạo. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đạp xe chậm lại, đưa mắt nhìn quanh. Cùng lúc một tù nhân đang đội nón lá lui cui gần vệ đường ngước mắt nhìn về phía tôi. Dù đã bao năm qua không gặp, dù bây giờ đã quá khác xưa, gầy gò, mặt mày đen thui, râu tóc dài bạc phơ, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là Ba. Nhảy ra khỏi xe, tôi thảng thốt kêu lên một tiếng Ba thật to. Tiếng kêu làm nhiều người quay lại hướng về phía tôi trong đó có mấy tên công an cầm súng đứng ven đường. Trong khoảnh khắc, tôi bắt gặp đôi mắt hoảng hốt của ba, cặp mắt của con thú hoang ngây dại và đầy vẻ lo sợ, ba vừa chớp mắt vừa lấy tay xua lia lịa như muốn tôi đứng lại và chỉ về phía căn nhà xa xa. Tôi khựng lại, tôi biết tôi không được quyền đứng lại hay trò chuyện với ba. Nuốt giọt nước mắt đang chực chờ chảy, tôi lên xe phóng nhanh về căn nhà khách, không quên nhìn lại ba. Vẫn kịp thấy ba đang cúi xuống, tấm lưng gầy gò yếu đuối run run ngã quị bên đường.

Tiếp tôi trong căn nhà khách K2 là một công an mặt áo vàng, gương mặt gầy nhọn, non choẹt và giọng nói rặt Bắc Nghệ an. Tôi đưa giấy tờ chứng nhận là cán bộ giáo viên trong nam ra công tác Hà Nội tranh thủ thăm cha đang học tập cải tạo ngoài này. Sau khi xem giấy tờ, tên cán bộ hỏi tại sao tôi biết nơi này. Không lẽ nói do tự tìm kiếm, tôi nói do chú là Trung tá chính ủy chỉ đường. Thái độ có vẻ nhã nhặn hơn nhưng gã ta cho biết là tôi không thể thăm được ba tôi lần này được với lý do: – Ông nhà đang trong thời kỳ bị kỹ luật do vi phạm nội quy của trại, đang bị biệt giam.


Thú thật nếu không gặp mặt ba ngoài kia, chắc chắn tôi đã phải tin lời quay về. Tôi biết hắn đang làm khó dễ. Tôi nắm chặt bàn tay dằn cơn giận dữ. Xuống nước:

– Nhưng thưa cán bộ tôi mới gặp ba tôi ở ngoài kia.    

Tên cán bộ gằn giọng:    

– Anh có chắc không? Ông đang bị biệt giam, ai cho ra ngoài, chắc anh nhìn lầm.

Sao có thể lầm ba với ai được. Dù có bị đày đoạ cở nào, dù ba có thay đổi bao nhiêu, thì tôi vẫn không bao giờ lầm ba với ai khác. Cặp mắt ấy, con người ấy với tôi là duy nhất. Đuối lý nhưng tay công an vẫn khăng giữ vững ý định không cho tôi gặp ba. Nhiều lý do được đưa ra: Thứ nhất đây không phải là mùa thăm nuôi, thứ hai tôi cũng không có giấy phép thăm nuôi (hèn chi các nhà khách tôi đi qua vắng như chùa bà đanh).    

Tôi cố gắng trình bày là đi công tác đột xuất, hơn nữa đường đi xa xôi, đã lỡ đến đây rồi, xin cán bộ thông cảm. Làm ra vẻ tử tế, lão cán bộ chép miệng:    

– Thật ra tôi cũng muốn thông cảm cho anh, không phải tôi làm khó dễ nhưng thú thật không thể cho anh gặp được.    

Tôi càng năn nỉ, tên cán bộ càng cứng rắn. Lão nỗi nóng:    

– Nhưng tôi nói không gặp được là không gặp được, anh về khi nào có giấy tờ thăm nuôi thì chúng tôi sẽ giải quyết.

Nhìn khuôn mặt tên cán bộ mặt mày lấc cấc, máu tôi sôi lên, tôi muốn đấm cho nó một cái, ra sao thì ra. Nhớ đến ánh mắt của ba ngoài kia, cặp mắt ngây dại của con thú hoang đang co cụm dẫy chết. Nhớ đến đôi vai gầy gò run rẫy trong gió lạnh ngoài kia, lòng tôi dịu lại, tự nhiên tôi bật khóc, khóc ngon khóc lành. Vừa khóc tôi vừa năn nỉ tên cán bộ đáng tuổi em mình. Tiếng khóc động đến lòng trời, đúng lúc một tay cán bộ nữ bước vào. Có lẽ khuôn mặt một người đàn ông đang khóc nhìn thê thảm, xấu xí và cảm động quá, sau khi bàn bạc, cán bộ nữ đồng ý cho tôi được gặp ba nhưng chỉ được gặp đúng 15 phút mà thôi. Dù sao đàn bà vẫn tình cảm hơn.    

Chờ khoảng một tiếng, một tên công an đi vào, theo sau là ba tôi. Lúc này tôi mới có cơ hội nhìn rõ ba. So với hồi ở nhà, hoàn toàn khác hẳn. Khuôn mặt đen sạm, tóc tai bạc trắng, râu dài tới ngực, mặc bộ đồ tù cũ kỷ, tay cầm chiếc nón lá rách tả tơi. Không kềm được tôi phóng người về phía ba, hai tay dang rộng. Ba giật mình bước tránh qua một bên miệng lắp bắp “dạ thưa cán bộ, tại con tôi không biết”. Nói xong ba lầm lủi theo tên công an đến chiếc bàn tre chính giữa phòng. Đợi tên công an ngồi xuống chiếc ghế ở giữa hất đầu ra lệnh, ba ngồi xuống ở chiếc ghế đầu kia đối diện với tôi. Tên CA hất hàm:    

-Anh có 15 phút để nói chuyện với ông.    

Dù tự nhủ phải cố gắng bình tỉnh nhưng vẫn không thể được, tôi oà khóc như một đứa bé. Trong khi đó ngoài trừ cặp mắt ánh lên một nỗi niềm khổ đau vô hạn, ba bình tĩnh hơn tôi nhiều. Ba nói trước, ba hỏi thăm về mẹ, về các em. Cũng vẫn là lời lẽ như trong các thư ba gửi về. Thỉnh thoảng dù rất cố gắng kìm lại nhưng ba vẫn húng hắng ho. Tiếng ho vẫn đục như có đàm chận trong cổ. Vừa khóc, vừa trả lời tôi mãi nhìn ba, muốn nhảy đến ôm ba vào lòng. Nhưng khoảng cách hai đầu chiếc bàn quá xa và tên công an ngồi chính giữa như một bức tượng lạnh lùng, đe doạ. Tôi để cho ba hỏi ba nói và tôi trả lời. Có nhiều điều muốn hỏi, muốn kể với ba nhưng nỗi xúc động làm tôi không nói được nên lời.

Thật ra nếu nhớ ra, có hỏi, chắc chắn cũng là câu “cách mạng khoan hồng, ba học tập tốt sẽ được cho về ”. Nhìn ánh mắt ba, tôi biết sẽ không bao giờ ba học tập tốt được, ngày về sẽ còn xa lắc xa lơ. Tôi lấy từ trong túi sách, mấy gói thực phẩm khô, chuối khô do mẹ làm, một ít bánh đậu xanh, mấy hộp diêm một tút thuốc lá đen đẩy về giữa bàn về phía Ba. Ba đẩy tất cả về phía tên CA, miệng nói: nhờ cán bộ giữ giùm. Cặp mắt sáng lên, mặt bớt lạnh lùng, tên CA đem các món đồ vào chiếc tủ nhỏ ở góc phòng. Không biết ba sẽ nhận được lại các món này hay không, tôi không có tâm trí để nghĩ đến.

Tôi cứ mãi nhìn người đàn ông gầy gò tội nghiệp và yếu ớt đang ngồi trước mặt mình không nói được lời nào. Nước mắt cứ không ngừng tuôn. Nói chuyện được khoảng 15 phút tên công an lạnh lùng đứng dậy tuyên bố hết giờ. Ba chậm chạp đứng lên, cặp mắt nửa như ngây dại, nửa thảng thốt, nửa tiếc nuối nhìn tôi, bước theo tên công an ra khỏi nhà khách. Không kìm được, tôi vùng chạy tới, ôm choàng lấy ba khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi thấy mặt gã công an như dịu lại, quay mặt ra nơi khác. Bây giờ thì ba cũng khóc. Không biết chúng tôi đứng bên nhau được bao lâu cho đến khi tên CA kéo tay Ba tôi đi. Ba lủi thủi đi không quay lại. Cái dáng đi khòm khòm, nhẫn nhục đến tội nghiệp. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp ba, còn sống.

5 tháng sau mẹ và tôi ra thăm ba đúng ngày ba mất. Chuyến đi thăm nuôi trở thành chuyến đi tiễn biệt lần cuối cùng. Mẹ không gặp được ba lúc còn hơi thở nhưng vẫn còn may mắn ôm tấm thân vẫn còn hơi ấm của ba lần sau chót.

Mỗi người có một lý do, có một cách khác nhau khi đến định cư tại nước Mỹ. Với tôi chắc chắn không phải vì tiền và cũng không phải nước Mỹ là thiên đường. Thiên đường hay địa ngục chỉ dành cho những người đã chết. Tôi đến đất nước này chỉ vì một vết thương chưa bao giờ lành và một nỗi hận chưa bao giờ phai. Hôm nay trong ngày giỗ ba trên xứ người tôi viết để nhớ về ba và cũng để cảm ơn nước Mỹ, nơi đã cưu mang gia đình của một sĩ quan tù cải tạo. Một đất nước không phải nơi tôi sinh ra nhưng chắc chắn sẽ là quê hương thứ hai, nơi tôi chọn để nằm xuống những ngày cuối đời.

Từ ngày ôm xác ba lần cuối cùng, tôi đã quyết định bỏ xứ ra đi, vì tôi biết nếu còn ở lại quê nhà, ký ức đau buồn của tôi, của mẹ và của các em tôi sẽ không bao giờ nhạt phai.

Viết để mãi nhớ về ba và như một lời cám ơn về một đất nước đã cưu mang gia đình chúng tôi trong những tháng năm lưu lạc.

Lê Xuân My

Ý kiến bạn đọc
14/07/201912:51:21
Khách
Xin Cám ơn bạn đã đọc
Năm đó tôi là giáo viên của trung tâm huấn luyện viễn Thông của bưu điện thành phố
14/07/201912:39:09
Khách
Chi tiết về nghề nghiệp không đồng nhất:
"Tôi trình giấy tờ, ghi rõ là cán bộ Bưu Điện ra Hà Nội ..."
"Tôi đưa giấy tờ chứng nhận là cán bộ giáo viên trong nam ra công tác Hà Nôi... "
12/07/201906:30:53
Khách
Chào bạn Lê Xuân Mỹ. Tôi là Iris Đinh cũng
ở San Jose và muốn liên lạc để hỏi bạn một vài điều. Nếu tiện, xin bạn email cho tôi ở email address
[email protected]. Chân thành cảm ơn!'
10/07/201921:36:57
Khách
Tôi cũng vào hoàn cảnh như tác giả, bạn LXM, ba tôi cũng đi học tập, đúng hơn là bị bỏ tù ơ trại tù Tan lập, Yen bái . Bài viết của bạn làm tôi nhớ lại thời gian di thăm nuôi ba tôi, cũng gian nan, từ miền nam ra miền bắc, cũng những ánh mắt đầy thù hận của bon công an giữ tù. Không thể có hòa giải giữa người miền nam và miền bắc.
10/07/201918:41:37
Khách
Từng giòng chữ của tác giả khắc hoạ nỗi đau vô tận của nạn nhân cộng sản, tôi thấy như tâm sự của gia đình mình, mặc dù cha tôi bị hành hạ tại nhà chứ không phải nơi trại học tập (ông cụ bị bệnh nằm trên giường nhung cũng không thoát khỏi sự trả thù của những kẻ cầm quyền). Khi tác giả nói đến việc phụ thân vừa qua đời, tôi nhắm mắt nuốt lệ và tự nhủ: 'Vết thương tâm hồn này sẽ không bao giờ lành..." Mở mắt ra đọc tiếp, thật bất ngờ khi thấy tác giả cũng viết: "Vết thương chưa giờ lành và nỗi hận chưa bao giờ nguôi.." Thật đúng là đồng bệnh tương lân, nên những người như chúng ta có cùng cảm nghĩ. Mong tác giả và gia đình có những ngày an vui để bù đắp lại sự đau buồn trong quá khứ.
10/07/201904:19:33
Khách
Lời văn hay , không những gây cảm xúc mạnh mà còn khiến cho người đọc cảm thấy như hòa mình với tác giả trên chiếc xe đạp gian nan và vạn lý đi tìm cha cũng như rơi lệ khi gặp lại người cha trong thể xác tiều tụy và bộ đồ tù cũ kỹ.

Tán dương tác giả đã không để cho cái chết của cha mình lặng lẽ đi vào bóng tối của lịch sử mà đã viết lên bài này để tố cáo chính sách vô nhân đạo của Cộng sản đã đầy ải quân dân cán chính miền Nam vào trong các trại tù giam khắc nghiệt để họ chết dần mòn vì thiếu ăn và lao động khổ sai.

Một trong những bài viết thật hay về tình phụ tử trong mục VVNM !
10/07/201903:21:31
Khách
Câu chuyện hay quá. Ước gì được thực hiện thành phim để thế giới biết được Việt nam ra sao sau khi cuộc chiến đã tàn.

Quý mến và ca ngợi tác giả về quyết định đã bỏ lại tất cả ở Việt nam để ra đi vì cái chết thương tâm của thân phụ trong trại tù Cộng sản.
09/07/201922:39:58
Khách
Một lần nửa xin cám ơn tất cả các bạn đã cảm thông và chia sẽ.
09/07/201921:48:36
Khách
Xin được thắp một nén huong và xin góp lời cầu nguyện cho lính hồn ba của bạn nhân ngày giỗ của Ông.
Ba của tôi may mắn hơn là về lại với vợ con sau hơn 10 năm tù cs,và đi suốt đoạn đường còn lại của Ông ở Mỹ ( San Jose) cùng 7 anh chị em chúng tôi, nhưng nay trở cốt Ông đã về lại ViệtNam và đoàn tụ với Mẹ tôi, Ông Bà và các anh tôi đã mất trong cuộc chiến VN, Quê hương mọi người có một, chúng ta cũng nên một lần về, chế độ tốt hay xấu có thế qua đi, nhưng dân tộc, gia đình, quê hương vẫn là một, vẫn còn đó dù cho vật đổi sao dời.
Cũng không quên cảm ơn quê hương thứ hai ( USA) này, đã cưu mang, xoa dịu đi những mất mát , và đau khổ quá lớn cho mọi gia đình người Việt, trong quá khứ, hiện tại và mãi sau
09/07/201921:11:34
Khách
Bài viết thật cảm động. Đọc bài tôi có cảm tưởng như đang xem một cuốn phim chiếu về những khó khăn của mẹ mình một thân một mình tay vang lưng vác trên đường đi thăm cha cũng ở trại tù K1 Vĩnh Phú ngày xưa. Vừa đọc vừa lau nước mắt. Xin cảm ơn tác giả rất nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến