Hôm nay,  

Người Quét Dọn Hành Lang

27/06/201900:00:00(Xem: 10547)
Người viết: Pha Lê
Bài số  5685-20-31492-vb5062719
 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên,  học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
 
***  

"Mrs Lynn, please just leave all the trash in front of your shop, I'll take care  of it!"

Tiếng nói ồm ồm  vang lên sau lưng khiến tôi thoáng giật mình, nhưng ngay sau đó, là cảm giác thật thân gần vì nhận ra đó là giọng nói của  Gilbert, anh chàng lao công quét  dọn trong  Mall mà tôi đã quen biết gần 10 năm. Tôi nhẹ nhàng cám ơn Gilbert.

Vừa bước ra bãi đậu xe tôi vừa suy nghĩ mông lung về Gilbert, người đàn ông da màu với khuôn măt khắc khổ đến độ thoạt nhìn, người ta có thể lầm tưởng anh ta đang hầm hè cau có vì một chuyện gì đó. Chính vì vậy, ngay bản thân tôi cũng rất ác cảm với Gilbert trong ngững ngày mới mở tiệm trong Mall, ngược lại, hinh như anh chàng lao công này cũng không ưa tôi ra mặt.  

Nhiều lần Gilbert vào văn phòng tôi để dọn dẹp, đáp lại những lời chào hỏi nhã nhặn của tôi, anh chàng bao giờ cũng trả lời nhát gừng, đôi lúc còn có vẻ xấc xược. Ban đầu tôi cứ đinh ninh đó là bản chất, con người của Gilbert, cục cằn nhưng nhiều lần bất ngờ tôi nghe được những câu đối thoại của Gilbert với khách hàng trong Mall, tôi thật sự ngạc nhiên vì anh chàng nói năng chừng mực, lễ độ, trái lại khi nói chuyện với tôi, Gilbert chỉ có vài ba chữ bất di bất dịch: yes, no, I don't know. I don't care ! Riết rồi tôi cũng ... I don't care  và chẳng còn quan tâm đến anh chàng tạp dịch  lao công này.

Cho đến một ngày,  tiệm tôi đã mở cửa được hơn một năm, Gilbert bước vào văn phòng tôi với một cử chỉ rụt rè, khiêm tốn, anh chàng lao công ngỏ ý muốn được nói chuyện với tôi vì anh ta có vài điều cần chia xẻ. Vừa nghe đến đó, tôi đã bực mình, toan lắc đầu từ chối và thầm nghĩ: "Thật lãng xẹt, chẳng dây mơ rễ má, mắc mớ chi mà chia với xẻ!", nhưng khi nhìn khuôn mặt rầu rĩ với ánh mắt  nài nỉ của Gilbert, tôi thật lòng không nỡ từ chối, nhưng tôi vẫn ngần ngại hỏi:

- Nhưng cậu phải cho tôi biết đó là chuyện gì, mà tại sao phải cần nói chuyện với tôi mà không phải là người khác?

Gilbert có vẻ lúng túng, mãi vài phút sau, anh chàng mới trầm giọng nói:

- Vâng, tôi cần phải nói chuyện với bà, vì bà là người Việt Nam!

Tôi sững người vì câu trả lời của Gilbert. Ôi dẻo đất nhỏ bé hình chũ S thân thương  của tôi, cách xa hàng vạn dặm, đã ảnh hưởng và chi phối Glibert như thế nào. Điều này làm tôi  thật sự mong mỏi được nghe, được chia xẻ những cảm nghĩ, những hệ lụy nếu có, đã xảy ra cho Gilbert từ một đất nước Việt nam xa tít bên kia bờ đại dương.

Bây giờ Glibert và tôi đang ngồi tại quán cà phê Starbucks  trong mall. Buổi trưa quán vắng khách, chúng tôi chọn một bàn cuối phòng, khuất sau một chậu cây cảnh. Gilbert trông khá gọn gàng sạch sẽ hơn mọi ngày, với một giọng lễ độ khác thường, anh chàng nhỏ nhẹ nói:

- Xin cảm ơn bà cho buổi nói chuyện hôm nay. Biết bà rất bận rộn, nhưng câu chuyện tôi sắp kể với bà khá dài, nếu nửa chừng, bà không muốn nghe nữa, xin bà cứ đứng lên bước ra, còn nếu bà vẫn muốn tiếp tục nghe, xin bà đừng ngắt lời tôi, vì đây là câu chuyện của cuộc đời tôi, gần hơn 40 năm tôi đã cố quên,  hôm nay ngồi nhớ lại chuyện cũ, có thể  những đau thương, oán ghét, thù hận năm xưa sẽ trở về, vì thế tôi mong bà kiên nhẫn và tha thứ cho tôi, được không, thưa bà.

Gilbert nói một hơi dài rồi ngừng lại nhìn tôi chờ đợi, tôi chỉ mỉm cười nhè nhẹ gật đầu.

Duỗi thẳng hai chân, lựa một tư thế ngồi cho thoải mái hơn, thở một hơi dài, Gilbert bắt đầu kể:

- Đó là năm 1969, cha tôi vừa được 19 tuổi thì bị động viên và gửi sang Việt Nam. Mẹ tôi  năm đó 18 tuổi và đang có bầu tôi được 6 tháng. Tôi sinh ra và suốt hơn 3 năm trời tôi chỉ biết cha tôi qua vài tấm hình mờ mờ, nhạt nhạt. Giữa năm 71. cha tôi được giải ngũ và được " khênh" về Mỹ vì cha tôi bị thương và đã để lại trên quê hương bà đôi chân, theo như sổ quân bạ ghi nhận cha tôi bị tàn phế 40% ...

Tôi khẽ nhíu mày khi nghe giọng nói của Glibert thoáng chút cay đắng mỉa mai. Dù có chút phiền lòng, nhưng nhớ lời yêu cầu  tôi đành ngồi im. Có lẽ cũng nhìn thấy cái cau mày của tôi, Gilbert ngừng lại vài phút, rồi  thấp giọng kể tiếp:

- Những tháng đầu mới giải ngũ, cha tôi rất lạc quan, ông thường bế tôi ngồi trên chiếc xe lăn, vẽ ra những viễn ảnh tươi đẹp khi ông có việc làm, có tiền lắp đôi chân giả, ông hứa sẽ chở tôi đi đây đi đó, giúp tôi tham gia vào những đội bóng của trường. Nhưng xã hội này thật tàn nhẫn và bất công, là một cựu chiến binh trở về từ chiến trường, đúng hơn là từ cõi chết,  những người như cha tôi đáng lẽ phải đươc vinh danh là những người anh hùng, dám hy sinh thân thể thậm chí cả sinh mạng cho hai chữ Tự Do, nhưng không, đi đến đâu cha tôi cũng chỉ được tiếp đón khi thì bằng ánh mắt bực dọc, khó chịu, lúc thì bằng những câu nói mỉa mai tàn độc, thậm chí nhiều nơi cha tôi đến xin việc, họ đã xua đuổi một cách tàn nhẫn như hàm ý những người như cha tôi chỉ là loài sống bám, hại cho xã hội.

Cha tôi bắt đầu tuyệt vọng, mất niềm tin. Ngày ngày ông chỉ ngồi lặng lẽ trện xe lăn, có khi suốt ngày ông không nói lấy một tiếng, không ăn, không ngủ, cha tôi thật sự sống mà như đã chết.

Bỗng Gilbert ngừng ngang vì nghẹn lời, tôi lặng lẽ nhìn người đàn ông trước măt và cảm nhận được nỗi đau đang giằng xé trong tim. Mím chặt môi, Gilbert cố lấy giọng bình thản kể tiếp:

- Suốt gần 2 năm trời, gia đình tôi sống như thế, hoang vắng như một nhà mồ! Cha tôi không cần biết tôi làm gì,  tôi ở đâu, còn mẹ tôi càng tệ hơn, bà đi suốt ngày, không đoái hoài đến tôi, không để ý tôi sống ra sao. Mẹ tôi lấy cớ phải đi làm kiếm tiến mặc dù lương hưu trí cùng trợ cấp tàn phế của cha tôi vẫn đủ nuôi cả nhà. Năm tôi 7 tuổi, bất ngờ mẹ tôi có bầu, và khi đứa bé sinh ra, nó chẳng giống tôi hay giống cha tôi một chút nào. Có lẽ biến cố này như một nhát dao chí tử khiến cha tôi hoàn toàn ngã gục, và ông bắt đầu uống rượu.

Nói đến đây, Gilbert bật cười chua chát nhưng hình như trên khóe mắt anh ta hai giọt lệ đang từ từ chảy xuống. Thở một hơi dài, Gilbert hắng giọng nói tiếp:

- Cha tôi uống rượu như hũ chìm, và mỗi lần say là ông chửi rủa xã hội, đất nước và dĩ nhiên cả mẹ tôi. Bà thử tưởng tượng, một đứa bé mới 7, 8 tuổi mà nhiều đêm đi ngủ bụng đói meo, bên ngoài thì cha mẹ lo cãi nhau, chửi nhau. Tôi đã sống và lớn lên trong hoàn cảnh bi thương và khắc nghiệt như thế đó. Khi tôi 12 tuổi thì cha tôi mất vì ung thư gan do rượu mà ra. Sau khi cha mất, mẹ tôi lấy cớ không thể nào nuôi nổi 2 đứa con, nên bà gửi tôi sang  ở với người cô tôi. Ở gia đình này cũng chẳng khá hơn gia đình cũ của tôi là bao nhiêu, cô tôi cũng nghiện rượu, còn chú tôi thì lang thang hết người đàn bà này sang người đàn bà khác, nhưng dù sao tôi cũng còn có được những bữa ăn no bụng!

Rồi tôi cũng ra trường trung học, vài tháng sau đó tôi được tin mẹ tôi qua đời cũng vì ung thư gì gì đó tôi chẳng nhớ. Hôm tang lễ mẹ, tôi gặp lại  Jessie, đứa em cùng mẹ khác cha, tôi thoáng xúc động vì nhìn em tôi gầy gò ốm yếu xanh xao đến tội nghiệp, và tôi quyết định mang em về nuôi, vì lúc đó tôi đã hơn 18  tuổi và tôi đã đi làm cho một nhà hàng trong thành phố.
 
Bà thử tưởng tượng lúc bấy giờ tôi chỉ là một cậu trai vừa mới lớn, tuổi đời chưa quá  20,  ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà tôi bỗng trở thành cột trụ trong gia đình. Đứa em trai của tôi năm đó đã 11 tuổi, đáng lý ra nó phải vào lớp 6, nhưng do mẹ tôi dọn nhà liên tục nên nó vẫn đang học lớp 4. Tôi thương em tôi lắm, vì nó chính là hình ảnh của tôi khi còn bé, thiếu thốn, bị ruồng bỏ quên lãng. Cho nên tội nhất quyết không để những đều như thế xảy ra cho nó.


Tôi lo lắng chăm sóc cho nó như một người cha! Tôi làm 12 tiếng tại nhà hàng, từ 12 giờ trưa tới 12 giờ đêm, buổi tối về nhà, nhìn thấy em trai tôi ngủ yên giấc tôi vui lắm. Buổi sáng tôi dậy thật sớm sửa soạn cho em tôi đi học, nhiều lần tôi còn đi với nó ra tận chỗ xe buýt, chờ nó leo lên xe xong xuôi, tôi mới yên tâm quay về nhà. Hình ảnh một thằng con trai, đôi khi đầu tóc còn bù xù, đứng lẫn trong đám người, mà đa số là các bà mẹ, chờ con lên xe buýt đi học mỗi sáng khiến nhiều người cảm động. Buổi trưa trước khi đi làm, tôi thường nấu sẵn một vài món để em trai ăn tối . Rồi suốt 12 tiếng ở nhà hàng, tôi thỉnh thoảng gọi về nhà trông chừng thằng bé. Bà biết không, suốt một năm, tôi không bạn bè, không party, trưa đi làm, tối về thẳng nhà, tôi sống chừng mực  như một ông già 50 dù lúc đó tôi vừa mới 19 tuổi, cái tuổi còn ham chơi,  tôi tự nhủ cố vài năm chờ em trai tôi vào trung học rồi sẽ tính tiếp, nhưng ...

Gilbert bỗng ngừng ngang, hai tay ôm lấy mặt nhưng nhìn những ngón tay run rẩy đang cố kìm hãm sự xúc đông, tôi biết Gilbert đang khóc. Tôi vẫn im lặng ngồi yên chờ đợi, gần  5 phút sau Glibert mới  ngẩng mặt nhìn tôi cười gượng gạo, nụ cười trông như mếu, anh ta nói tiếp:

- Nhưng một buổi sáng, tôi nhận được thơ từ trường học báo 4 ngày  em tôi không đến lớp. Sau cái cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng, tôi cảm thấy thật tức giận, mỗi sáng tôi vẫn hoặc dắt em tôi ra tận xe buýt, hoặc đứng tựa cửa chờ nó bước lên xe buýt tôi mới yên tâm, vậy mà nó không vào lớp. Khi tôi tra hỏi, em trai tôi nói sáng sáng nó vẫn đến trường nhưng không vào lớp! Nó thường lang thang trốn vào khu công viên cạnh trường, chờ sau 12 giờ, biết tôi đã đi làm, nó  mới đi bộ về nhà. Tôi hỏi tại sao nó lại làm như vậy, em trai tôi, một cậu bé chỉ mới hơn 11, 12 tuổi mà tôi vẫn nghĩ còn rất hồn nhiên  ngây thơ, hai tay thọc trong túi quần, kênh kêng trả lời tôi là nó ghét cô giáo science nên nó không vào lớp! Nhìn dáng điệu của nó, tôi không dằn được cơn tức giận, tội vung tay tát trên mặt nó hai cái tát nẩy lửa, thằng bé văng vô góc phòng, khi nó đứng lên, tôi nhìn thấy trên mặt nó có một vệt máu. Nó nhấc phone gọi 911, chuyện gì xảy ra sau đó thì chắc bà cũng biết, Cảnh sát đến, em tôi được chở đi, còn tôi bị còng tay vào tù.

Tối hôm đó tôi được hai vợ chồng chủ nhà hàng bail ra. Họ rất thương tôi vì  biết  và hiểu rõ hoàn cảnh và cuộc sống của tôi. Ngày ra tòa, đó là một trong những ngày buồn nhất trong cuộc đời của tôi, nhìn đứa em trai mà tôi rất thương yêu đứng cạnh luật sư chờ sự phán xét của tòa, tôi biết đây có lẽ là lần cuối cùng tôi được trông thấy nó.

Vị quan tòa sau khi đọc sơ về cuộc đời của tôi, ông có vẻ rất thương cảm, nhưng dĩ nhiên em trai tôi không bao giờ có thể trở về chung sống với tôi, nó được đưa tới một foster  parent nào đó. Tôi không bị phạt tù ngày nào nhưng phải đi làm việc community service 60 giờ. Sau này, nhiều lần tôi vẫn cố tìm cách liên lạc với em tôi, nhưng nó vẫn bặt vô âm tín.

Tôi thẫn thờ chăm chú nghe câu chuyện về cuộc đời của anh chàng lao công nhìn rất bình thường này. Dù lòng tôi mang mang xúc động, nhưng  tôi vẫn thắc  mắc tại sao anh chàng này lại cần kể với tôi câu chuyện này. Như đoán được ý nghĩ này của tôi, Gilbert ngồi thẳng lên, cất cao giọng:

- Suốt năm tháng dài, từ lúc bắt đầu hiểu rõ tại sao cha tôi lại bị tàn phế, tội  thật sự oán hận và căm ghét đất nước Việt Nam  của bà!

Nói đến đây, và khi nhìn thấy phản ứng ngỡ ngàng của tôi, Gilbert vội xoa tay rối rít nói:

- Xin bà hãy khoan nóng giận, cho tôi nói hết những gì tôi cần phải nói, và đây mới là phần cốt yếu, là mục đích chính của buổi nói chuyện hôm nay. Tôi cứ nghĩ chỉ vì mảnh đất nhỏ bé xa tít mù khơi đó đã đẩy cha tôi vào chỗ chết, đã phá tan gia đình bé nhỏ của tôi, và nhất là đã nghiền nát tuổi thơ và  bóp chết tương lai của tôi. Khi gặp bà vài lần trong mall, tôi chợt biết bà là người Việt Nam, nỗi oán hận lâu ngày âm ỉ trong tôi bộc phát. Chắc bà cũng nhận thấy mỗi lần bà nhờ vả, dù đó là bổn phận và là công việc của tôi, thì thái độ của tôi luôn hằn học, đôi lúc còn khiếm nhã. Tôi chuyển lòng thù hận chung đất nước Việt nam sang mối thù riêng khi vô tình tôi gặp được các con trai của bà. Họ cũng là những người sinh trưởng trên đất nước này như tôi, nhưng sao họ lại thành công vẻ vang. Ngày đó, tôi xin nhấn mạnh, chỉ những ngày đó thôi, tôi thực sự ganh ghét với những đứa con của bà.

Nói đến đây, Gilbert cười ngượng ngập thay cho lời xin lỗi, rồi vội vã kể tiếp:

- Nhưng một lần tôi phải trực qua đêm, lúc đó gần 2 giờ sáng, vô tình bước về phía shop của bà, tôi chợt sững người vì bắt gặp một hình ảnh mãi mãi tôi không thể nào quên được. Trong tiệm, bà và ba người con trai đang miệt mài quét dọn, sơn sửa.  Hai cậu lớn vừa đóng đinh treo những tấm màn, vừa cười đùa với nhau, riêng cậu bé nhỏ của bà, chắc khoảng 9 ,10 tuổi gì đó, vừa ngồi sơn vừa ngủ gật. Bà có biết tôi đã xúc động đến bật khóc và chợt hiểu ra rằng những sự thành công của bà và các con, căn bản chính là sự lo lắng, thương yêu, chăm sóc và hy sinh cho nhau. Có lẽ đây là những điều chúng tôi không có trong gia đình chúng tôi chăng?

Bây giờ thì tôi thật sự muốn bật khóc, Gilbert cũng xúc động không kém, cất giọng run run, anh chàng nói tiếp:

- Rồi sau đó. tôi bắt đầu tìm hiểu về người Việt nam qua internet, tôi mới hiểu rõ hơn rằng để đến được vùng đất tự do này, người Việt đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, đôi khi bằng cả sinh mệnh của mình. Người Việt Nam của bà rất cam đảm, có sức chịu đựng mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, và đức hy sinh của dân tộc bà thật đáng được ngưỡng mộ.

Tôi suýt phì cười vì nghe câu nói này và thầm nghĩ  "I also have dark side you never know! "

Ngừng  lại vài phút, Gilbert đổi giọng hài hước:

- Nếu còn ...ganh tỵ với những người con của bà, thì sư ganh tỵ đó không phải từ những thành công của họ, mà là điều may mắn diễm phúc vì họ có một ngưới mẹ như bà!

Bây giờ thì tôi bật cười thành tiếng. Bằng một giọng dịu dàng, tôi chia xẻ những đau thương, mất mát, mà Gilbert đã trải qua. Tôi nói với Gilbert rằng người Việt nam chúng tôi luôn trân  trong ghi ơn sự hy sinh của những người lính, như cha của anh, đã đến đất nước tôi, cùng chung vai sát cánh với chúng tôi chiến đấu cho sự  tự do và nền độc lập của dân tộc Viêt nam. Tôi buồn bã nói:

- Nhưng dĩ nhiên có chiến tranh là có mất mát, đau thương. Thế hệ của cậu và của tôi, chúng ta không trực tiếp tham dự vào cuộc chiến này, nhưng những hệ lụy, những tang thương từ cuộc chiến này vẫn còn ảnh hưởng trong cuộc đời mỗi chúng ta. Người Á Đông chúng tôi luôn tin vào chữ "nghiệp", và  "số mệnh".

Tôi ngừng lại vài giây vì bắt gặp trên khuôn mặt anh chàng lao công này một nụ cười.

Tôi nhìn đồng hồ, buổi nói chuyện với anh chàng lao công  chẳng dây- mơ - rễ - má này mà kéo dài hơn 2 tiếng. Chúng tôi bước ra khỏi Starbucks, nhìn bóng Gilbert bước thấp bước cao về phía mall, tôi chợt ngậm ngùi chua xót và thầm nghĩ những oán trách, dù không còn nữa, của Gilbert về đất nước VN cũng có thể hiểu được phần nào.


Tôi cũng chợt nhận ra là chúng ta lthường chỉ biết tới sự hy sinh của những cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến, mà quên đi mất những người con, người em của họ. Khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, họ đã là những hậu phương, là chỗ dựa cho những người cha, người anh đang chiến đấu. Rồi khi cuộc chiến tàn, họ là những nạn nhân trực tiếp phải đối đầu với những khổ lụy gây ra từ hoàn cảnh khó khăn của những người cha, anh họ, nhu Gilbert, như Jessie. Mong anh em họ có cơ hội được hàn gắn, chữa lành bằng sự thông cảm và hiểu biết.

Và cầu nguyện cho những vết thương dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác mà cuộc chiến Việt Nam gây ra sớm có thể nguôi ngoai.
 
Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
30/06/201900:14:46
Khách
Nếu Kennedy, Johnson, Nixon đã không phạm những sai lầm thì Mỹ đâu đã phải tháo chạy khỏi Việt nam. Và truyền thông Mỹ đã không cố tình bịa ra những chuyện xấu xa xuyên tạc về cuộc chiến Việt nam - mà Mỹ đã thất bại, khiến cho nhiều những cựu chiến binh và gia đình của họ phải chịu nhiều điều cay đắng, tủi hổ.

Trong dịp kỷ niệm 75 năm Đồng Minh đổ bộ ở Normandy, Trump phát biểu rằng Trump thích phục vụ trong cuộc chiến chống Hitler này, vì theo Trump, người ta có cảm giác tự hào sâu xa vì chiến thắng của Hoa Kỳ .
28/06/201921:21:09
Khách
"vì những ý nghĩ hẹp hòi , nông cạn mà ngày xưa khi còn trẻ anh đã lỡ lầm suy đoán về cuộc chiến VN ". Tác giả Pha Lê.

Tổng Thống Richard Nixon: “Không có biến cố lịch sử nào của nước Mỹ mà bị hiểu lầm nhiều hơn cuộc chiến Việt Nam. Lúc ấy nó đã bị tường trình sai, và ngày nay nó bị nhớ sai. Hiếm khi nào nhiều người đã sai lầm đến thế. Chưa bao giờ sự hiểu lầm về cuộc chiến đó có những hậu quả bi thảm đến như vậy”

Richard Nixon:”Có quá nhiều trí thức Mỹ và những bậc thượng lưu ưu tú của nền văn hóa Mỹ đã tự tỏ ra là họ xuất sắc sáng lạn, nhưng họ bị chột một con mắt: Họ có xu hướng chỉ thấy điều xấu xa ở phía bên Hữu, chứ không thấy xấu ở phía bên Tả. Họ có thể cực kỳ đơn sơ và ngây thơ về những thực tế của cuộc chiến toàn cầu mà chúng ta đang chiến đấu trong đó. “Chiến tranh là xấu”. “Hòa bình là tốt”. Ngày nay, vấn đề Phương Tây sống hay chết nằm trong tay lực lượng ưu tú mới của mình ".

"Nước Mỹ thua ở Việt Nam vì lực lượng ưu tú này luôn luôn mô tả trước là Diệm rồi sau là Thiệu là những nhà độc tài tham nhũng, và rằng cuộc chiến là xấu xa không đáng để tham chiến. Họ làm ngơ không đếm xỉa đến điều là nếu không chiến đấu thì sự thể sẽ còn tồi tệ hơn như thế nào….Các đài truyền hình thì lãng mạn hóa đối phương gọi chúng là những nhà cách mạng, cũng giống như tờ Nữu Ước Thời Báo lãng mạn hóa phe Fidel Castro hai thập niên trước, làm cho cuộc cách mạng của hắn ta trở nên chính đáng, và làm cho hắn ta nắm chắc phần thắng”.
28/06/201921:12:51
Khách
"Đó không phải chỉ đơn thuần là một cuộc nội chiến, nhưng là một cuộc chiến giữa hai ý thức hệ "- tác giả Pha Lê.

Thưa tác giả, đúng như vậy. Nhà thơ Trần Trung Đạo đã phân tách rằng " Theo các định nghĩa chính trị học, Nội chiến (Civil War) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng không thay đổi thể chế.

"Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam-Bắc Mỹ là nội chiến. Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ, trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi nhiều.

"Sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng chiếm, đảng Cộng sản Việt nam không chỉ thay đổi về chính sách mà thay đổi toàn bộ cơ chế. Nói theo lý luận Cộng sản , đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc chính trị đến hạ tầng cơ sở kinh tế .

"Do đó, gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của nhân dân miền Nam chống ý thức hệ Cộng sản xâm lược ".
28/06/201900:32:04
Khách
Kinh anh Van Tran ,
Trước hết xin cảm ơn anh đã ghi chú tên Gilbert dưới câu nói của anh chàng lao công quét dọn hành lang này.

Đây chính là sự NGỘ NHẬN mà sau này Gilbert đã nhiều lần xin lỗi tôi , cũng như xin lỗi cả Đất Nước Việt Nam vì những ý nghĩ hẹp hòi , nông cạn mà ngày xưa khi còn trẻ anh đã lỡ lầm suy đoán về cuộc chiến VN . Đó không phải chỉ đơn thuần là một cuộc nội chiến, nhưng là một cuộc chiến giữa hai ý thức hệ . Một của Miền Nam độc lập tự do , đấu tranh chỉ mong muốn mang lại một nền hòa bình , ấm no hạnh phúc cho đất nước VN , chống lại sự xâm lăng của Miền Bắc với chủ nghĩa Cộng Sản bạo tàn , vô thần ...

Và hôm nay, không phải chỉ một mình Gilbert đã nhận ra điều đó, mà chính những người trẻ sinh ra và lớn lên trên đất nước này cũng cảm nhận và hãnh diện vì cuộc đấu tranh bảo vệ non sông đất nước của tiền nhân.
Những vị tướng trẻ như Lương Xuân Việt , Elizabeth Pham , Lê Bá Hùng chính là những chứng nhân cho những điều trên...
27/06/201920:45:31
Khách
Ta có thể suy diễn từ những lời phát biểu của Donald Trump rằng nếu Donald Trump là tổng thống, thì Donald Trump sẽ đồng ý cho Bắc Việt để lại 300000 quân ở lại miền Nam Việt nam và triệt thoái hoàn toàn khỏi Việt nam - như Nixon- Kissinger đã đồng ý và ký kết Hiệp Đinh Ba Lê ngày 27/1/73 .

Thượng nghị sĩ Cộng Hòa thâm niên Strom Thurmound của tiểu bang South Carolina đã viết thơ riêng hôm 2/1/73 cho Nixon bày tỏ mối quan ngại của ông về việc Nixon sẽ đồng ý cho Bắc Việt để lại quân ở miền Nam Việt nam vì " việc này sẽ làm nền tảng cho Bắc Việt chiếm được Nam Việt nam sau khi Mỹ đã triệt thoái khỏi Việt nam ".
27/06/201920:08:43
Khách
" Tôi cứ nghĩ chỉ vì mảnh đất nhỏ bé xa tít mù khơi đó đã đẩy cha tôi vào chỗ chết, đã phá tan gia đình bé nhỏ của tôi, và nhất là đã nghiền nát tuổi thơ và bóp chết tương lai của tôi ". Gilbert.

Trả lời cuộc phỏng vấn của Piers Morgan trong chương trình “Good Morning Britain” ngày 5, 2019, Donald Trump nói "Tôi chưa bao giờ là fan hâm mộ cuộc chiến đó cả. Theo tôi đó đã là cuộc chiến tồi tệ. Nó ở rất xa và khi đó, chả ai nghe về cái xứ Việt nam cả . “I thought it was a terrible war” , “I thought it was very far away, and at that time nobody ever heard of the country. So many people dying, what is happening over there? So I was never a fan “.

Ta có thể suy diễn từ những lời phát biểu của Donald Trump rằng vào năm 75, nếu Donald Trump là nhà lập pháp đảng Dân Chủ, Donald Trump sẽ biểu quyết cắt quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa. Còn nếu Donald Trump là tổng thống, thì Donald Trump sẽ hành động như Nixon- Kissinger - trong hai ngày 9 và 10 tháng 7-1971, trong cuộc gặp gỡ với thủ tướng Tàu cộng Chu Ân Lai, Kissinger nói rằng: "Hoa Kỳ sẽ triệt thoái toàn thể quân lực ra khỏi Việt Nam và sẽ không bao giờ trở lại nếu có những điều khoản về ngừng bắn và trao trả tù binh trong Hiệp Định Paris”. “.. nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp” - Nguồn : "Di sản tồi tệ của Nixon " - tác giả là sử gia Ken Hughes là người đã bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu các cuốn băng ghi âm của Nixon ở Trung tâm Miller của Đại học Virginia. Nixon từng có một hệ thống ghi âm bí mật ở Tòa Bạch Ốc. Các máy ghi âm, kết nối với microphone giấu trong phòng Bầu Dục và các phòng khác, chúng hoạt động bất cứ khi nào nhận ra âm thanh trong khoảng thời gian 16/2/1971 đến 12/7/1973. Các cuốn băng của Nixon ghi chép đối thoại của Nixon và Kissinger với các lãnh đạo Cộng sản được giữ bí mật .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Nhạc sĩ Cung Tiến