Hôm nay,  

Chuyện Cha Và Chú

22/06/201900:00:00(Xem: 11206)
Tác giả: Minh Thúy
Bài số: 5719-20-31526-vb7062219

Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12,  “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là  “Chuyện về Những Bà Mẹ”.  Sau đây là bài viết thứ 8.

***

Chủ nhật 16 tháng 6 năm 2019 là ngày “Lễ Cha”, đồng thời cũng là Ngày Quân Lực VNCH.

Năm 1975, khi Sài Gòn đổi đời, tôi chỉ mới 10 tuổi, sau đó thành  “con bé có cha đi cải tạo,”  đâu biết Ngày Quân Lực ra sao.  Nói về Cha, tôi chỉ nhớ năm 1987, cha đi tù về thì cả gia đình bị buộc phải đi kinh tế mới. Cha dẫn mấy đứa em ra đi. Mẹ và tôi cố thủ, lây lất tại thành phố. Lúc đó là giai đoạn đói rách kinh khủng ăn toàn sắn ngô và bo bo, nhưng dầu sao ở thành phố vẫn đỡ hơn chút xíu so với kinh tế mới, nên Mẹ tôi luôn bòn nhặt các thứ từ bột ngọt mua cửa hàng, đường thẻ hay quần áo còn mới, dồn lại đem lên tiếp tế cho các em tôi.

Trước ngày có cơ hội  đi vượt biên, tôi quyết định tới khu kinh tế mới, thăm Cha một lần.  

Tôi còn nhớ thời gian đó Cha tôi bị bệnh sốt rét, đêm ngày nằm rên hừ hừ, nhiều đêm cả nhà ngủ say, tôi thì nằm thao thức nghe tiếng ông rên, ông thì thào:

- Có ai còn thức không cho xin miếng nước.

Tôi vội lên tiếng:
 
-Dạ để con đi lấy.

Tôi chui ra khỏi mùng đi lấy nước cho ông mà nước mắt ràn rụa.

Khi lên đó gia đình dặn tôi đêm ngủ phải cẩn thận đừng để hở mùng sẽ bị muỗi chui vô, không biết có phải vì mấy đêm tôi chui ra ngoài muỗi độc chích, mà khi trở về nhà tôi đã bị sốt rét phải nằm bệnh viện chữa trị một thời gian. Có cơn đau hành hạ như thế này thì tôi càng thương Cha nhiều hơn nữa.

Tôi lao đao theo chuyện vượt biên đến 6 năm trời, có lúc tổ chức bể chạy thoát về được, có lúc bị tù, nhưng rồi cũng trót lọt đến định cư ở Mỹ. Sau đó tôi gởi quà đều đều cho Cha đến ngày ông mất vì bịnh đau tim, tôi thật sự đã mất Cha trên cõi đời này.

Người ta nói “mất cha, còn chú”. Ở Mỹ may tôi cũng có người Chú quen biết rất thân,  Chú Long. Tôi xin kể về Chú như người Cha thứ hai nhân tuần lễ “Father's Day.”

Vào khoảng 1995, ba chồng tôi bảo trợ liên tục các chú, bác HO qua Mỹ, giúp thuê nhà giùm, chở lên hội IRC, cơ quan trợ cấp xã hội người tỵ nạn (welfare) làm thủ tục cũng như những công việc cần thiết khác.

Ba chồng tôi thuê nhà giùm trong khu apartment tôi đang ở vùng Fremont (Bắc Cali) càng lúc càng đông trên dưới 10 gia đình.

Nhìn hình ảnh các chú đi tù Cọng Sản về tôi rất có cảm tình, nên thỉnh thoảng ngày cuối tuần rảnh, tôi nấu nồi bún bò và nhắc chồng tôi mời mọi người đến nhà ăn sáng uống cà phê. Nhìn các chú quây quần, chồng tôi lăng xăng pha cà phê tiếp sau tô bún bò được dọn lên, tôi thấy hạnh phúc vô cùng hình ảnh các chú ngồi thưởng thức, tiếng cười tiếng nói chan chứa tình đồng hương nơi xứ người.

Tôi đặc biệt thương chú Long hơn hết, vì chú mất vợ sau khi ra tù được vài tháng, nên nhiều bữa ăn chiều thường mời Chú qua dùng

Trong trận Hạ Lào chú bị trúng đạn nơi chân nặng không lết được, lính thương cố gắng cõng Chú thoát được nguy hiểm. Vì vết thương nặng nên phải mổ lắp xương vít vào, từ đó chú đi hơi cà nhắc, sau Chú được đưa qua “Uỷ Ban Quân Sự Bốn Bên “ làm việc văn phòng giao dịch với Mỹ.

Chú kể:

-Lúc trở về biết vợ đã nhiễm ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng chú không được kề cận, vì còn phải đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi 2 con. Từ lúc vợ mất đêm nào chú cũng thức dậy giấc nửa đêm ngồi khóc một mình.

Những ngày đầu trên đất Mỹ cùng 2 con, chú làm đủ mọi việc từ dọn vườn, phụ sơn nhà cửa, làm việc quăng báo ca 2 giờ sáng, các con chú vào college học, cuối tuần làm partime ở  Mc Donald. Cha con đùm bọc qua ngày, sau giờ bỏ báo chú về ngủ bù, dậy lo cơm nước cho 2 con, ai gọi đâu làm thêm đó. Chú tìm niềm vui khi thấy 2 người con chịu khó học hành.

Rồi lần lượt con trai ra trường theo ngành Public Health tại đại học Berkely; con gái tốt nghiệp ngành Accounting tại San Jose State. Hôm đó  Chú order vài món và mời chúng tôi đến chơi vui mừng chung với các em.  

Nhìn bàn thờ thím được chưng bày mâm thức ăn, đèn sáng loáng, bông hoa tươi tắn càng thấy quý mến Chú vô cùng.

Chú ngậm ngùi nói:

-Chú sống được nhờ em Hạ, em Quân tiếp sức về mặt tinh thần, chứ từ khi mất nước, rồi bị tù hơn 13 năm trời tại miền Bắc, nếu không nghĩ vợ con nhiều lúc chẳng muốn sống. Trở về thì số phận lại chia lìa âm dương cách trở, nhìn các con nên tình phụ tử bắt chú phải mạnh mẽ lên, làm bóng mát che chở, mới mong tương lai con tốt đẹp được.

Mọi người rất xúc động, muốn phá tan không khí ảm đảm đã đổi đề tài hỏi lại Chú:

-Sao qua đây Chú không kiếm người nâng khăn sửa túi cho bớt cô đơn?

Chú gãi gãi đầu nói e dè:

-Nghèo rớt mồng tơi, lại vừa điếc vừa mờ một con mắt, ai mà thương đây!

Quân và Hạ cũng tấn công:

-Tụi con càng ngày càng có nhiều sinh hoạt bên ngoài, có nhiều niềm vui, rất mong ba có bạn gái cho vui và các con cũng đỡ áy náy. Sao ba không về Việt Nam kiếm vợ dễ dàng hơn?

Chú vừa nghe đã giãy nảy:

-Ôi...VN bây giờ làm sao mà dám tin ...ai cũng mơ ước thiên đàng Mỹ, mượn cửa qua đây, thân ba liệu có được yên ổn núp bóng ...hiền phụ hay không?

Chú bỗng cười ha hả nói tiếp:

-Mà không được đâu, tai ba nghễnh ngãng, lỡ họ nói thương ba, ba trả lời “tôi vẫn có da thịt chứ đâu ốm dơ xương. Họ hét lên “đồ điếc”, ba trả lời “tôi đâu tiếc gì với cô”. Chưa hết, còn nữa ...con mắt nhấp nhem đêm khuya thức dậy đi restroom, vô lộn phòng em vợ, Ba sợ họ sẽ la lên “á...á...á...bây giờ em đã là người của anh” thì khổ đời (bắt chước phim Tàu).

Ai cũng bật cười không ngờ Chú cũng có máu tếu như vậy. Vừa ăn Chú vừa kể:

-Rất nhiều người muốn giới thiệu, mai mối mấy bà giàu có bên VN, chú từ chối hết con ơi. Chú không thích kiểu làm quen như vậy, tuy nghèo nhưng Chú chỉ quý đồng tiền của mình làm ra. Các con thấy đó, Chú cắc ca cắc củm từng đồng để lo cho các con, gởi về VN tu sửa nhà Từ Đường họ Lê ở bên làng, giúp bà con khổ cực đôi chút, đó là niềm hạnh phúc của Chú, Chú không mơ gì hơn nữa, trí óc Chú bây giờ chỉ bận tâm về chuyện đất nước, nghe ngóng tình hình, tin tức xảy ra là hàng đầu, khi nghĩ tới nỗi đau vẫn cuồn cuồn chảy trong từng thớ thịt, trong máu ...

Rồi ngày tháng trôi đều trên đất Mỹ. Quân đã lập gia đình với bạn người Tàu tên Vivian, chị Hạ thì chọn bạn Mỹ tên David.

Hai con Chú may mắn được job có đồng lương cao, cuộc sống vươn lên nên chúng không cho Chú đi bỏ báo hoặc làm gì khác. Chú ghi danh trường Chabot College với lớp Anh Văn và computer để học hỏi thêm, cũng là thú tiêu khiển.

Không bao lâu sau, chú được thăng chức ông nội, ông ngoại với các cháu Alice, Paul, Robert, Hilary, Tom...

Có lần tôi mời Chú tới dùng cơm với món cá kho, canh rau, Chú buột miệng nói:

-Ngon quá con ơi, chú thèm cá kho lắm nhưng ngại David chịu không nổi mùi này, nên nhịn thèm.

Tôi mở mắt lớn ngạc nhiên:

-Vậy em Hạ không ăn món Việt hở?

Chú lắc đầu:

- Từ ngày lấy chồng Mỹ thì ăn theo chồng.

Nét mặt Chú thản nhiên nói tiếp:

- Không quan trọng đâu con, Chú thì sống sao cũng được, chỉ ao ước con mình sống hạnh phúc là niềm vui lớn lao đối với Chú. Chú ngại nhất có những lần vợ chồng hơi lớn tiếng tranh luận, tim Chú thoi thóp cứ thấy lo âu xa xôi. Còn nói về em Quân ...có thời em nhờ Chú đến nhà trồng hoa sửa sang khu vườn, Chú ghé chợ mua con cá nhờ chiên luôn, đem về cha con cùng ăn, không ngờ nó nói “Cha con mình ăn nhanh kẻo vợ con sắp về nó không thích ngửi mùi này trong nhà”.

Chú đang ăn mà mắc cười quá “Cha mày ...vợ Tàu tưởng Á đông ai dè cũng sợ mùi này ..” Hai Cha con vừa ăn vừa chọc nhau vui vẻ.

Tôi im lặng không biết chen câu gì để an ủi Chú, thì Chú nói:

-Con biết không, hai đứa con rất thương Chú. Biết Chú thích ăn cá nên thỉnh thoảng Hạ hoặc Quân thường chở Chú ra tiệm Việt Nam gọi những món cá kho tộ, canh chua cá, chả cá Lã Vọng... chú cũng rất thông cảm ngôi nhà mới, sang rộng mà dân bản xứ thường ưa ăn Kentucky, Fried Chicken, Hamburger, còn soup thì có các lon đồ hộp, tủ lạnh thì có cheese, mì lát ...hi...hi... Cái bếp nhà chúng thì to đùng mà luôn có nắp đậy lại. Bọn trẻ giờ hình như mê làm hơn mê ăn, nhất là phụ nữ cứ luôn sợ mập, như con gái chú bới lunch buổi trưa bằng trái táo...

Vừa kể chú vừa cười rung cả người, tôi ngẫm nghĩ đề tài này cũng thấy mắc cười nên góp thêm chuyện:

-Hèn chi chị bạn con thường hay nói “lúc nào muốn giảm cân chị qua nhà con gái ở, vì lục tủ lạnh không có gì ăn hết. Con rể thì đi công tác nước ngoài liên tục, con gái làm theo group trong bệnh viện, nửa đêm nửa hôm nghe gọi là chạy vào theo những ca sinh nở baby, hễ thấy mặt chỉ nghe chúng nó nói thèm ngủ chẳng hề nghe nói thèm ăn món gì ..

Buổi cơm với đề tài thực tế này đã cho chúng tôi ngon hơn vì vừa ăn vừa cười...

Hai năm sau Chú Long xin được nhà housing.

Nghĩ ở xứ Mỹ này thật sung sướng, người già ăn tiền trợ cấp hay tiền hưu thấp đều có thể được chính phủ nâng đỡ, Chú tâm sự với tôi:

- Hạ và Quân buồn Chú lắm, không ngờ Chú âm thầm xin, nhưng Chú cũng nói để 2 em bớt buồn rằng “Các con rất có hiếu với ba, lo từng li từng tý cho ba, chưa kể luôn đóng góp tiền để ba thực hiện việc giúp đỡ họ hàng hay lo về mồ mả, ba không hề buồn chi cả mà rất hãnh diện về các con của ba nên người, hiếu thảo, các cháu rất ngoan. Sở dĩ ba muốn có  nơi sống riêng là vì thương các con làm việc quá cực nhọc, nhất là David sau này lại làm việc ở nhà, ba muốn các con có không gian riêng để nghỉ ngơi, phần ba lại mong thỉnh thoảng có bạn già đến bàn thời sự uống trà, nên mới ra riêng đó thôi.”

Tôi nghe Chú kể lòng cảm động với người Cha luôn chú ý tâm lý, công việc, đời sống thực tế của tuổi trẻ ở đây, luôn giữ gìn hạnh phúc cho con... và ông trời và nước Mỹ cũng giúp Chú đạt ước mơ.

Tuy ở riêng, nhưng Chú Long vẫn giúp công việc đưa các cháu nội ngoại đến trường và đón về. Mỗi chiều thứ sáu Chú cho các cháu $50 chở chúng đến tiệm MC Donald, chú ngồi ngoài xe để chúng tự do ăn uống nói chuyện tạo không khí thân mật giữa chị em họ với nhau. Chú có thời gian nghiên cứu thơ Đường luật đủ các thể thơ và thường hoạ những bài trên các diễn đàn chính trị, và khuyến khích tôi học, để tìm cho mình thú vui riêng cũng như trí óc hoạt động.

Chú rất quan tâm đến Thương Phế Binh ở quê nhà, hay tham gia những cuộc hội họp về lính, nhất là ngày 30 tháng tư và ngày 19 tháng 6 lễ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, vợ chồng tôi đi dự lúc nào cũng găp Chú trong bộ quân phục Thủ Đức, tôi thấy Chú như mạnh mẽ hăng hái lên với niềm tin về đất nước ngày mai. Chú thường chia sẻ với chúng tôi:

- Qua đây may có những buổi gặp mặt bạn tù, bạn đơn vị, bạn Thủ Đức, chú thấy an ủi phần nào nỗi đau mãi đè nén trong lòng...

Tôi an ủi Chú:

- Dù vận mệnh đất nước đổi thay, nhưng không ai có thể quên ơn những người lính đã hy sinh chiến đấu, ngày đêm gian khổ ngoài trận địa cho miền Nam có 20 năm được sống trong tự do, no ấm, chúng con có giấc ngủ bình yên, được đi học và sống thoải mái... cho nên bây giờ dù sống trên đất Mỹ này, dù bận rộn cỡ nào cũng tham gia những tiệc lính khi có người quen mời.

Chú nghe tôi nói, rực lên niềm vui trên mặt.

- Đúng rồi con ơi, những người già như Chú từ từ rụng lần, có những buổi họp mặt như vậy an ủi các chú về mặt tinh thần rất nhiều. Các chú muốn sống lại thời làm người lính chiến tròn vai với tổ quốc, muốn mặc lại bộ quân phục lính, muốn được kể, được nghe, được ôn bao nhiêu chiến tích ...đó là những phút hạnh phúc của người lính Việt Nam Cộng Hoà dù nó đã trở về quá khứ mấy chục năm qua...

Thời gian vẫn trôi đều. Chú cháu thỉnh thoảng vẫn có những buổi cơm cá kho rau luộc đạm bạc ở nhà tôi. Nhưng rồi một ngày chú lái xe vượt đèn đỏ, một ngày lái xe về nhà mà chạy lên Oakland, một buổi không nhớ đường về khi đang lên nhà con trai, vặn lò nấu nước để khô queo cháy ấm alarm kêu inh ỏi...

Con cái lo lắng muốn đưa Chú về nhà ở, không cho Chú lái xe. Chú cứ lẩn thẩn, bạn bè thăm, Chú nói sai tên lộn người, có hôm Chú trốn ra ngoài đi gần ngày trời gặp người quen dẫn về dùm, Chú đã thật sự mắc bệnh Alzheimer’s (mất trí nhớ) rồi.

Tuổi già cũng giống cái xe chạy đã quá 200 ngàn miles, khó tránh khỏi bệnh tật ào đến, Chú lại vương mang thêm bệnh Parkinson (run tay chân), khám bác sĩ thì cũng cao mỡ, cao máu đi theo.

Hạ và Quân hùn tiền thuê người đến chăm sóc, nhưng rồi người làm cũng thất thường, thay đổi mãi. Ban đêm nhiều khi Chú thức dậy đi quanh nhà làm Hậu cũng nhọc theo. Chị em bàn tính lui tính tới rồi cuối cùng đưa Chú vào nhà già để có giờ giấc uống thuốc đúng, té ngã có y tá túc trực giúp đỡ...

Hôm nay ngày Father’s Day, cũng là ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, tôi tham dự lễ QLVNCH xong ghé Nursing home Valley house rehabilitation Center nằm trên đường Clyde thuộc Santa clara thăm Chú Long.

Vào phòng thấy Chú nằm nhìn lên trần nhà miệng cười cười, tôi cầm tay Chú lắc nhẹ, Chú nhìn cũng cười. Tôi mở phone khoe Chú hình ảnh chụp được trong buổi lễ với đủ các binh chủng đi diễn hành cùng rừng cờ vàng tung bay, lá cờ mà ngày trước khi Chú chưa biết lái xe đã đi ba chuyến xe bus để đến thấy màu cờ thân yêu. Tôi kể huyên thuyên, tôi còn khoe chụp chung hình với cựu chiến binh Mỹ đến tham dự. Chú nhìn và miệng vẫn mỉm cười không nói câu nào. không biết Chú còn nhớ chút xíu hay không.

Yên tâm vì đã để chú thấy lại hình ảnh những chiến binh VNCH một thời, tôi ngồi bóp tay chân Chú. Lát sau, có y tá vô cho biết có buổi hoà nhạc đặc biệt cho ngày Father‘s Day, cần dời Chú lên xe lăn đẩy đến phòng ăn, chúng tôi cũng đi theo.

Hôm nay phòng ăn được trang trí thật sáng sủa với những bình bông xinh đẹp. Ban nhạc đợi tập trung đầy đủ thì bắt đầu trình diễn. Những bản nhạc Pháp cũ thập niên 70 như Love is blue , Bang Bang, C’est la vie, Apres Toi, Paloma ...trổi lên tuyệt vời, người nhạc sĩ thổi kèn trumpet đi đến trước mặt từng cụ, những cụ già Mỹ mặt mày ngớ ngẩn, có người nghẻo đầu, có người ngủ gục. Lúc họ đến trước mặt Chú, tôi thấy mắt Chú lạc thần xa vắng, đầu dựa vô tường, tôi tự hỏi không biết Chú có nhớ chút gì, Chú có mơ về thời của người lính Cộng Hoà xa xưa không...

Buổi chiều, nắng nhạt dần, lái xe về mắt tôi như mờ đi, màu hoàng hôn xuống từ từ, như đang phủ mờ dần phần đời già nua của những bậc cha chú mà tôi đã yêu quý...

6/16/2019
Minh Thúy

Ý kiến bạn đọc
13/07/201910:33:18
Khách
Cám ơn cô Minh Thuý đã viết về câu chuyện của chú Long. Những người cha luôn hy sinh cho con cái thường ít được nhắc đến. Năm tôi 2 tuổi thì ba tôi đi cải tạo, đến 13 năm sau mới được về. Hoàn cảnh khó khăn nên anh em chúng tôi ít có dịp đi thăm ba tôi. Đến khi về thì cuộc sống mẹ con chúng tôi vẫn khó khăn. Ba tôi đi làm cực nhọc để phụ giúp mẹ tôi. Đến khi qua Mỹ ba tôi vẫn đi làm bất cứ công việc gì để cho chúng tôi có gian đi học đại học và không phải làm việc nhiều. Rồi chúng tôi có gia đình và có con. Mẹ tôi mất khi cháu còn nhỏ, ba tôi lại làm vai ông lẫn bà giúp chúng tôi chăm sóc cháu. Bây giờ anh em chúng tôi mỗi người sống mỗi nơi, nhưng ai cũng muốn ba về ở chung. Ba tôi có dịp đi du lịch thăm và ở với mỗi đứa vài tháng. Tôi cũng lấy chồng Mỹ nên ít ăn những món ăn có nước mắm, nhưng ba tôi biết nấu ăn. Mỗi lần ba tôi phi hành tỏi hay kho cá là chồng tôi chạy ra ngoài sân đợi hết mùi rồi vô lại. Những lúc như vậy là tôi được ăn ké. Tôi mong là những nụ cười của chú Long bây giờ là chú nhớ lại những kỷ niệm vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc đời chú.
03/07/201901:29:13
Khách
Minh Thuý xin cám ơn quý anh chị em đã đọc bài và có lời khích lệ tinh thần MT . MT xin tặng bài thơ Thất ngôn bát cú về Cha đến quý anh chị em . Kính chúc mọi sự thường an lạc

Cha
Thủ Nhất Thanh (Bát vận đồng âm)

Cha đã phong trần với gió mưa
Cha lo lắm việc kể bao vừa
Cha nhường trẻ nhỏ no cơm sữa
Cha nhịn gia đình đủ cháo dưa
Cha đợi sau cùng dùng thức mứa
Cha ăn phút cuối hưởng đồ thừa
Cha là mái ấm thân con dựa
Cha vẫn đương đầu chịu gió mưa
Minh Thuý
Father’s Day 2019
02/07/201922:11:52
Khách
Câu chuyện về những người cha của chị Minh Thuý thật cảm động. Những người cha , tuy không biểu lộ tình cảm theo kiểu các bà mẹ, nhưng tình thương của cha cũng bao la, đặc biệt là sự hy sinh của họ dành cho con không thua gì sự hy sinh của các bà mẹ. Người Việt chúng ta có câu “ công cha như núi Thái Sơn” để ca tụng những người cha thật là ý nghĩa. Tôi mất cha năm 17 tuổi, chỉ còn 2 tuần thì thi tú tài 1. Cha tôi thương con gái út, học hành chưa thành tài, mà sắp mất cha, nên ông đau khổ , ứa nước mắt vỗ lưng tôi, không đành ra đi. Tôi nhớ mãi giây phút đau khổ này, và cố gắng qua mọi khó khăn, để học hành giỏi giang, mong cha yên lòng nơi chín suối..

Sau này , khi lập gia đình được gần 3 năm, chồng tôi bị VC bắt đi “ tù cải tạo” gần 10 năm (1975-1984), khiến hai đứa con gái thơ dại của tôi cũng không được gần cha suốt 10 năm trời. Khi chồng tôi đi tù, đứa lớn 24 tháng, đứa nhỏ mới 7 tháng. Khi chúng chơi với nhau, nói đến cha, đứa nào cũng giành bố cho mình. Con em giành không lại con chị, đành phải chịu thua, và nói “ Thôi để ngày mai, em ra quốc doanh mua bố vậy” !! Tôi nghe hai con cãi nhau, giành bố cho mình, mà đau lòng quá. Trẻ thơ luôn cần có một người cha để nương tựa, dạy dỗ, nhưng nhiều đứa trẻ sau 1975, tại miền Nam Việt Nam , phải lớn lên trong một mái nhà thiếu vắng tình cha, không có gì bù đắp được cho những cháu nhỏ đáng thương này.

Câm ơn tác giả Minh Thuý đã cho độc giả thưởng thức một câu truyện hay về những người cha.

Nguyễn Thị Xuân
2-7-2019
29/06/201918:49:41
Khách
Cảm ơn tác giả Minh Thuý đả khắc họa hình ảnh của những Người Cha Tuyệt Vời! Tiếc thay do vận nước điêu linh, những Người Cha từng phục vụ trong Quân Lực VNCH phải sống những ngày cuối đời bi thảm! Nhưng trong hoàn canh cảnh ấy, họ đã hy sinh cho con cái, đó chinh là điều Tuyệt Vời!
27/06/201904:10:16
Khách
Cảm ơn tác gỉa MT đã viết về người chú/ngưới cha itnh thần rất thật như nhiều hoàn cảnh của những bậc cha chú tỵ nạn cộng sản khác. Những người dù phải ròi bỏ quên hương yêu dấu, nhưng luôn mong ước về một tương lai tốt đ5p cho thế hệ mai sau, và họ đã cố gắng hết sức tàn, góp vào chút gì đó đễ giúp đạt được ước mơ chung của họ.
Mong được đọc thêm nhiều bài viết của tác giả MInh Thúy
27/06/201903:13:06
Khách
Bài viêt thật trung thực rất dúng hòan cảnh tị nạn VN thế hệ thứ nhất. Cái nhìn của người cha,chú hoài cổ nhưng độ lượng,quán thông và vị tha. Theo dòng lịch sử thì rất đúng trong thế hệ thứ nhất, nhưng theo thời gian, thế hệ thứ hai, thứ ba do môi trường, xã hội, phong tục tập quán xứ người rồi cái gốc VN dần bị đồng hóa như lịch sử của xứ Cờ Hoa này. C'est la vie. Tout passe, tout lasse,tout casse như các cụ thường nói. Thôi thì cứ thuận theo tự nhiên. Cám ơn tác giả chuyện thật, người thật.
26/06/201913:44:27
Khách
Chào tác giả Mình Thuý
Cám ơn MT đã cho đọc bài viết cảm động về người cha và người chú, hai người này tiêu biểu cho những người cha Việt Nam, dù có nghiẻm
khắc hay hiền từ tình thương con lúc nào cũng bao la vô bờ bến cả! Tôi rất thích đọc bài viết của tác giả.
Mong tiếp tục cho đọc những bài viết hay.
Người Nha Trang
24/06/201912:13:21
Khách
Theo sử gia Hoa kỳ Bill Laurie thì chỉ có những bọn ngu đần, ngu độn như ban Tuyên Giáo cộng sản và đám dư luận viên mới dè bỉu về ý chí chiến đấu của người lính miền Nam trong năm 1975 :

“Đến giữa 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ siết cổ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc dần dần từ khi ấy . Một cách tổng quát, cứ bị đói như quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng bạo của quân đội Bắc Việt, với thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối cộng sản cung cấp. Truớc một đạo quân Việt Nam Cộng Hòa bị rút ruột vì cắt vịện trợ như vậy, quân đội Bắc Việt đă phải tung ra tất cả những gì họ có. Chừng 400 ngàn quân cộng sản, gần 90% là bộ đội miền Bắc, được đưa ra trận để đánh bại quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội chưa bao giờ từng tung ra một lực lượng khổng lồ và hiện đại như họ đă ném vào trận chiến năm 1975. Hà Nội chưa từng rút ra tất cả các đơn vị từ Lào, Cambodia. Về lượng, quân số 400 ngàn là gần gấp 5 số quân Việt cộng và Bắc Việt lâm chiến hồi tết 1968, trong khi về phẩm, còn có hằng trăm đại bác tầm xa, hằng trăm xe tăng, hằng ngàn xe tải, và nguyên một kho vũ khí hiện đại “ .
24/06/201903:36:10
Khách
Tổng thống Hoa kỳ cùng các tướng lãnh nghĩ gì về người lính Việt Nam Cộng Hòa?

Trong cuốn No More Viet Nam, tổng thống Nixon đã viết:”Tất cả các vị tướng lãnh chỉ huy cao cấp Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hoa Thịnh Đốn đều xác nhận việc quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chứng tỏ rằng, nếu được trang bị đầy đủ, họ có thể đẩy lui những sư đoàn thiện chiến nhất từ Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam…” .

Thống tướng Westmoreland : Tôi ðã cùng chiến đấu với các anh trong bốn năm, tôi kính phục các anh và giờ đây, tôi vẫn tiếp tục kính phục các anh.

Đại tướng Louis C. Wagner Jr.: Tôi hãnh diện về thời gian mà tôi đã trải qua, phục vụ sát cánh với các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

v.v…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,738,098
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến