Hôm nay,  

Philippinnes, Ngày Trở Lại

06/06/201900:00:00(Xem: 13443)
Tác giả: Nguyễn Văn Tới
Bài số  5707-20-31514-vb5060619

Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài  dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới.  Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.  

Chua Van PhapNhà thờPhi truong Manila
Hình từ trái: Dấu vết còn lại của trại PFAC Palawan: Chùa Vạn Pháp. Nhà thờ La Vang. Và Phi trường Manila qua khung kính.

***
Hơn tháng nay, kể từ ngày nhận sự vụ lệnh đi công tác Philippines, tôi thật sự vui mừng và đứng ngồi không yên vì tâm trạng quá nôn nao.

Không vui mừng sao được vì đã 29 năm kể từ ngày tôi rời trại tỵ nạn Palawan, Philippines đi định cư tại Mỹ vào cuối năm 1990. Thời gian trôi nhanh như vó câu qua cửa sổ. Ngày đó tôi còn là một thanh niên tóc xanh tràn trề sức sống, mang nhiều hoài bão, tâm tư, tưởng như sức mình có thể dời non lấp biển.

Hôm nay, khi biết mình sắp sửa trở lại xứ sở ngàn đảo này, nhìn lại mình trong gương, giật mình thấy một ông già tóc muối tiêu, những nếp nhăn trên khóe mắt, và hai mi mắt theo thời gian đã nặng nề hơn, lòng thoáng chút ngậm ngùi pha lẫn một nỗi buồn, vui, bâng khuâng khó tả.

Làm việc ở Mỹ, chuyện được công ty phái đi công tác xuyên bang trong nước hay qua các nước khác là bình thường, không có gì phải mừng vui thái quá. Nhưng đối với tôi, đây là một chuyến công tác rất khác thường mà tôi tin rằng sẽ tràn đầy cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Ngày xưa tôi liều mạng sống, vượt Thái Bình Dương với những hiểm nguy, bất trắc không lường được, đến Philippines xin giúp đỡ. Ngày nay tôi trở lại đất nước mến yêu này để đáp trả lại tấm thịnh tình ấy và giúp đỡ lại những người bạn Philippino ngày xưa qua việc làm của mình để bảo vệ quê hương họ.

Tôi may mắn đã từng đi công tác qua một số nước trên thế giới, mỗi nơi có một văn hóa và nét đẹp đặc thù riêng của nơi đó, nhưng không nơi nào khiến tôi phải xôn xao và náo nức như đất nước này vì tôi muốn lại được đặt chân lên miền đất này một lần nữa, và nhìn lại đất nước hiền hòa và hiếu khách này.

Vâng, Philippines là nơi tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất, nơi tôi hít thở bầu không khí tự do đầu tiên của một con chim vừa sổ lồng bay vút vào trời cao sau khi thoát ra khỏi cái lồng chim gắn nhãn “thiên đường cộng sản”. Cảm giác đó lạ lắm. Phải là người đi trong mưa gió lạnh lẽo, mới biết ơn một mái nhà ấm cúng, một bếp lửa hồng. Phải là người từng sống trong lo sợ, áp bức, nghèo đói, bị bịt miệng bởi “bạo lực cách mạng”, mới thấy tự do thật quý giá biết bao.

Cũng như bất cứ thuyền nhân (Boat People) nào vào thời đó, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như vừa được tái sinh khi đặt chân lên miền đất tự do. Cặp bến cảng Puerto Princesa, thủ phủ của đảo Palawan, tôi đã xúc động, quỳ gối xuống hôn mảnh đất Phi mà nước mắt chứa chan, điều mà tôi đã chưa từng một lần làm đối với mảnh đất của quê hương mình.

*

Tôi còn nhớ như in chuyện xảy ra hơn 30 năm trước vào đầu tháng 3, 1989, trước chuyến vượt biển định mệnh: Tôi ngồi hút thuốc và sốt ruột chờ má tôi ở tượng đức thánh Trần Hưng Đạo, gần bến đò Thủ Thiêm. Như bản năng của loài chim trước khi bắt đầu chuyến di cư thật xa về phương Nam, chúng thường kiếm đường về tổ lần cuối; tôi cũng hẹn gặp má tôi lần cuối trước khi đi xa không biết ngày nào mới trở về.

Vừa lấy từ trong giỏ xách ra một đòn bánh tét, lon củ kiệu, ít dưa cải chua, một ít mứt tết, má tôi dặn dò tôi nhiều chuyện mà bất cứ một người mẹ thương con nào cũng thường làm. Má muốn tôi nếm một chút hương vị ngày tết mà bà đã tự tay nấu cho đứa con lưu lạc, khốn khổ của bà. Sở dĩ mẹ con phải gặp nhau ngoài đường như vậy là vì tôi đang bị truy nã, sau khi trốn khỏi trại tập trung cải tạo, không dám về quê, nên sau tết bà đem đồ ăn lên cho tôi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp má, vì khi bà mất, lúc đó dù đang ở Mỹ, tôi đã không về được để gặp mặt và chịu tang bà.

Chuyến tàu vượt biên của chúng tôi gồm 48 người trên một con thuyền nhỏ dài 12 mét, chiều ngang 3 mét. Vừa ra khỏi cửa Cần Giờ chừng vài tiếng đồng hồ, chúng tôi bị 3 ghe đánh cá quốc doanh rượt đuổi và bắn như mưa bằng đại liên 12.8 ly. Trong đêm tối, tôi có thể nhìn rõ những vệt đỏ của lằn đạn bay về phía tàu chúng tôi. Tôi đẩy tay ga tối đa về phía trước. Con tàu chồm lên như bay trên sóng biển. Ở dưới hầm tàu, nhiều tiếng than van và con nít khóc vì ngộp và nóng.

Sau vài giờ truy đuổi, bọn chúng bỏ cuộc. Chúng tôi may mắn thoát được vì khoảng cách quá xa trong đêm tối và sóng biển nhấp nhô nên chúng không thể bắn trúng mà cũng không dám bám sát vì không biết chúng tôi có vũ khí hay không?

Sáng ngày hôm sau, ghe chúng tôi chết máy và bị trôi dạt dù đã quăng neo nhưng không chạm đáy biển vì quá sâu và nước biển tím thẫm. Sau 4 tiếng vừa tát nước vừa sửa chữa, cái máy Yanmar 2 đầu xanh mới chịu nổ lại. Từ đó, chúng tôi dựng cột buồm lên, chỉ dám cho máy chạy tốc độ chậm nhất để bẻ bánh lái, còn lại hoàn toàn nhờ vào sức gió làm sức đẩy cho con tàu.

Vài ngày sau con tàu được vớt bởi tàu hàng Na-Uy, họ đưa chúng tôi vào cảng Singapore. Họ từ chối không cho lên bờ với lý do không nhận người tỵ nạn. Tàu hàng Na-Uy lại đưa chúng tôi ra khơi và liên lạc 1 chiếc tàu hàng nhỏ của Pháp, mướn chiếc Mary Ship này chở chúng tôi vào cảng Puerto Princesa, Palawan của Philippines.

Sau cuộc săn đuổi đó, rút kinh nghiệm, tôi giảm tay ga xuống thấp để dưỡng máy, con tàu lướt nhẹ trên sóng êm ái hơn nhiều. Mọi người trên ghe say sóng nằm dài trong khoang, thi nhau ói mửa; người nào khỏe lắm thì cũng vật vờ mệt mỏi, rã rời vì sức nóng của máy tỏa nhiệt bên dưới lòng tàu. Một mình tôi ngồi ôm cần lái trong đêm tối, lòng rối bời vì lo lắng không biết có còn gặp bọn quốc doanh hay tàu biên phòng Việt cộng nữa hay không.  

Biển khá lặng, chung quanh im ắng, trời tối đen, chỉ con tàu nhỏ như chiếc lá giữa đại dương mênh mông. Trong khi tôi nửa tỉnh nửa mơ, chợt một tiếng thở phì phò rất lớn ở sau lưng tôi, rồi một tiếng “ùm” như vật gì to lớn lắm vừa rơi xuống nước, và một cột sóng dâng cao mang theo hơi nước tạt vào mặt khi tôi quay ngoắt lại thật nhanh coi chuyện gì xảy ra.

Tôi thực sự hoảng hốt, buông lỏng cần lái, hơi lạnh chạy dọc sống lưng, nhưng tôi vẫn không biết đó là cái gì. Người tôi run lên vì sợ hãi. Biển đáng sợ như vậy sao? Mãi sau này, khi ở trong trại tỵ nạn, tôi đem chuyện này kể cho những người bạn đánh cá Phi, họ cho biết đó là cá Voi trồi lên thở và lặn xuống. Tôi ước chi tôi có thể thấy được nó từ lúc mới trồi lên để ngắm nhìn một sinh vật khổng lồ đang muốn làm bạn với con người.

Một chuyện nữa mang đậm tính tâm linh, mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết đó là thực hay mơ:  Đêm đó trăng mờ nhạt, cánh buồm no gió đang lướt nhanh, tay ga vẫn để thật thấp. Tôi đang cố chống chọi với cơn buồn ngủ ghê gớm, ly cà phê đậm và điếu thuốc cháy đỏ không ngừng trên tay. Mọi người trên ghe có lẽ đang ngủ vì ngoài tiếng động cơ nhè nhẹ thì không còn tiếng động nào khác. Chợt văng vẳng đâu đây có tiếng ai đó đang ca vọng cổ. Tôi cười thầm giờ này ai còn mở radio nghe cải lương được mới tài. Chợt thấy vô lý vì làm sao radio bắt được sóng giữa biển mênh mông này?

Lấy nước vỗ vào mặt cho tỉnh táo, hớp thêm một ngụm cà phê. Lần này tôi nghe rõ tiếng cầu kinh đạo công giáo, rồi bài hát “từ vực sâu u tối, con cầu xin Chúa, Chúa ơi…” nổi lên. Kế đến chuyển qua tiếng niệm Phật đều đều như có ai đang đổi tần số đài. Ngưng một lúc, lại có giọng hát tân nhạc rõ ràng, sau đó tiếng phát thanh viên đọc tin tức.

Tôi phải tự cấu nhéo vào cánh tay coi mình có mơ ngủ không? Nhưng không, những âm thanh đó vẫn đều đều quanh tôi và rõ ràng từ dưới biển vang lên chứ không phải từ trong hầm ghe. Cứ như vậy, các âm thanh thay đổi nhau liên tục không ngừng trong cả giờ đồng hồ. Xung quanh tôi ánh trăng mờ vẫn bàng bạc trên sóng nước, con tàu vẫn trôi đi nhẹ nhàng. Người tôi bỗng nổi gai ốc khi nghĩ đến những linh hồn chết oan trên biển khơi. Tôi chắc họ chưa được siêu thoát nên vẫn còn đang tụng kinh xin thượng đế cứu giúp thoát khỏi mọi tai ương.

Sau này, tôi có kể cho bác Trần N. Tự, hiện đang sống ở Canada, về chuyện này. Bác nói chính bác cũng nghe những âm thanh y như vậy vào cái đêm đó. Bác nói vì ngủ không được, bác đứng ló đầu lên khỏi hầm ghe cho thoáng khí, và tưởng ai mở radio. Thực hay mơ, đến bây giờ tôi cũng chưa tự trả lời được.

Năm đó, 1989, các trại tỵ nạn khác như Malaysia, Indonesia, Thai, Hong Kong, Singapore đều đã đóng cửa không nhận người tỵ nạn. Chỉ còn duy nhất Philippines rộng mở vòng tay và chào đón chúng tôi. Vì thế, tôi nhớ ơn đất nước này suốt cuộc đời. Hơn một hay hai tuần sau, trại PFAC Palawan cũng đóng cửa vì Cao Ủy tỵ nạn không còn tài trợ nữa và tuyên bố không cứu xét cho thuyền nhân Việt Nam. Chúng tôi may mắn được mang số PA (Philippines Asylum), đương nhiên được quyền xin tỵ nạn; còn những người đến sau ngày đóng cửa, phải mang số PS (Philippines Screening), sẽ bị thanh lọc coi có đủ tiêu chuẩn là người tỵ nạn hay không, nếu không, phải về lại Việt Nam. Chuyến tàu của chúng tôi được đặt tên “Group 48 Berge Helene” theo tên chiếc tàu Na-uy đã vớt chúng tôi trên biển Đông.

Trại tỵ nạn Palawan (tên chính thức là PFAC, Philippines First Asylum Center) dành cho người Việt nằm cạnh ngay bãi biển, kề bên bộ tư lệnh hải quân miền Tây, Philippines. Trại rộng 13 mẫu Tây thuộc quyền sở hữu của giáo hội công giáo Phi. Người điều hành, coi sóc là một nữ tu người Phi, gốc Việt tên Pascale Lê Thị Tríu thuộc dòng Daughters of Charity of St. Vincent De Paul. Sơ Tríu  được nhiều thiện nguyện viên gồm cả quân đội Phi giúp sức lo lắng cho người tỵ nạn. Sơ là một phụ nữ nhỏ nhắn, xông xáo, nhanh nhẹn, sức làm việc bằng mấy người cộng lại. Không có Sơ, chắc người tỵ nạn cũng khổ sở lắm.

Quân đội Phi nói riêng, và người Phi nói chung, rất hiền lành và dễ thương. Họ cho phép chúng tôi ra phố chơi, sáng đi chiều về. Khi muốn đi đâu vài ngày thì báo cho họ biết để tiện bề kiểm soát số người ra vô.

Chúng tôi có thể tắm biển bất cứ lúc nào vì biển cách khu nhà ở vài chục mét cho đến vài trăm mét. Cuộc sống ở trại thật thanh bình và sung sướng. Chúng tôi được học thêm các sinh ngữ và được cung cấp nhà ở, thực phẩm đủ sống trong khi chờ đợi cứu xét và làm thủ tục định cư. Đêm nằm nghe tiếng sóng rì rào êm ái ru vào giấc ngủ dễ dàng, không còn những cơn ác mộng giữa đêm, ngồi bật dậy không biết lúc nào mình sẽ bị bắt.

*

Chuyến bay từ Arizona đưa tôi quá cảnh ở phi trường San Francisco, California, rồi từ đó bay thẳng đến phi trường Narita, Tokyo, Nhật Bản. Dạo chơi thành phố Chiba một ngày, sáng hôm sau, tôi tiếp tục bay qua Manila, Philippines. Tôi phải đổi chuyến bay một lần nữa từ Manila đi đảo M., nơi có một phi trường dân sự một bên, và bên kia đường băng chính, là phi trường quân sự. Ông xếp ra đón và đưa tôi về doanh trại không quân Phi, ở đó có một khu dành riêng cho quân đội Mỹ gồm nhiều đơn vị khác nhau. Anh đưa tôi đi giới thiệu với các nhân viên khác và hướng dẫn tôi làm quen với những khu vực, nơi ăn ở, sinh hoạt, rạp coi phim, và những quy luật phải tuân theo.

Đây là một trại lính lớn như một thành phố nhỏ gồm hai binh chủng hải quân và không quân của quân đội chính phủ Philippines với nhiều dãy nhà khu gia binh cho vợ con binh lính ở xen kẽ.  Hải quân đóng  dọc theo bờ biển, còn doanh trại không quân ở bên đối diện bên trong đất liền. Đa số nhà cửa của họ nhỏ bé không ngay hàng thẳng lối gì cho lắm. Nhưng cây cối xanh um với những con đường tuyệt đẹp gợi nhớ đến “con đường có lá me bay” ở Sài Gòn xưa. Những hàng phượng vỹ đỏ rực, những cây me cổ thụ rợp bóng mát, những cây xoài to lớn trái rụng đầy dưới gốc. Cây cối nhiệt đới giống hệt Việt Nam mình, thời tiết nóng và ẩm ướt, lúc nào lưng cũng đẫm ướt mồ hôi.

Đến nhiệm sở, tôi mới biết trong thời gian làm việc ở đây, không một ai được phép tự mình ra ngoài phố dạo chơi hay mua sắm vì rất nguy hiểm. Người ngoại quốc, nhất là da trắng thường bị bắt cóc đòi tiền chuộc bởi nhóm phiến quân Hồi Giáo Abu Sayyaf.

Hòn đảo này là nơi tập trung đông nhất của người Phi theo đạo Hồi. Nếu có chuyện cần thiết lắm vì công việc phải ra phố, sẽ có tài xế Phi lái xe, vài lính lực lượng đặc biệt (special force) trang bị vũ khí đi theo. Họ chịu trách nhiệm bảo vệ nhân viên dân sự Mỹ không để chúng tôi bị bắt cóc khi ra phố. Thỉnh thoảng họ tổ chức cho chúng tôi, tất cả nhân viên dân sự, đi mua sắm ở một cái mall lớn của thành phố bằng xe van, với lính Mỹ theo bảo vệ.

Trong trại chúng tôi vẫn có đủ những PX (Post Exchange) để mua sắm vật dụng cần thiết, tiệm hớt tóc, mát xa (hay mát gần?), và những nhu cầu cần thiết khác.   

Tình hình an ninh rất nghiêm ngặt ở thành phố này vì nơi đây là hang ổ của tổ chức khủng bố Hồi giáo. Quân phiến loạn cộng sản Phi cũng lập sào huyệt trong rừng ở đây. Giống cuộc chiến Việt Nam, bọn này cũng trà trộn sống chung với dân thường trong thành phố.  

Tôi làm việc ca 12 giờ đêm đến 12 giờ trưa, lính hộ tống đưa chúng tôi đến chỗ làm trên mấy chiếc xe van, cửa kính đen bên ngoài không nhìn thấy. Mỗi người đi xe tự ghi tên lên danh sách mỗi ngày với số ID cá nhân, và nhóm máu của mình. Ba chiếc xe lặng lẽ lăn bánh trong đêm tối, không bật đèn cho đến khi ra đường lớn, tăng tốc độ và sẽ không dừng dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Mỗi ngày chúng tôi đổi một lộ trình khác nhau để đánh lạc hướng địch nếu họ muốn phục kích trên đường. Xe này chạy cách xe kia một khoảng cách nhất định, nếu bị kẹt xe, phải đợi nhau, không được tự ý chạy nhanh quá xa. Ra vào cổng, dù xe đặc biệt, vẫn bị rọi kính dưới gầm xe.

Thế là tiêu tan mộng trở lại chốn xưa, dù là chỉ để nhìn lại những “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Vả lại, Palawan thuộc về hòn đảo khác, cách nơi tôi làm việc khoảng 300 Km đường chim bay. Dầu sao, nơi đó, tôi đã có 2 năm sống đầy ý nghĩa, chia xẻ những kỷ niệm vui buồn, ngọt ngào lẫn cay đắng và tuyệt vọng cùng các bạn tôi. Nơi những người thân yêu của tôi đã trải qua những ngày tháng thao thức, hồi hộp mong đợi kết quả thanh lọc coi có bị “đá” trở về Việt Nam? Nơi đầy vơi nước mắt của đồng bào tôi, trăn trở bên ly cà phê đen những đêm không ngủ khi hay tin bị từ chối diện tỵ nạn của ủy ban thanh lọc.

Palawan cũng là nơi ghi dấu một mối tình đắng cay, chia lìa của tôi khi người mình yêu trót mang số PS. Chiều theo ý cha mẹ và chị đang định cư ở Úc, dù không yêu, nhưng nàng phải kết hôn với một người Việt bên đó vì không muốn bị trả về Việt Nam. Ngày người ta đến trại để làm giấy kết hôn, tôi xin phép ra khỏi trại 4 ngày, lấy cớ đi field-trip với ban hiệu trưởng trường Pháp École Sans Frontière (Trường Không Biên Giới), để chạy trốn thực tại và vết thương đang rướm máu trong tim. Sự bất lực khốn cùng khi không giữ được người con gái mình yêu. Tôi nằm dài trong một căn chòi (cottage) ở Paradise Beach, một mình ở đó, gặm nhấm nỗi cô đơn mỗi sáng và mỗi chiều, lặng nhìn sóng biển cho đến khi khi hoàng hôn tắt dần ở cuối chân trời.

Ngày tôi lên trại chuyển tiếp Bataan chuẩn bị đi định cư, nàng tiễn tôi ra xe mà nước mắt lưng tròng. Sau này qua một người bạn, biết tin nàng và chồng có một con gái nhỏ ở Sydney, tôi cũng mừng cho em, tuy tôi chưa một lần liên lạc lại, chỉ muốn nàng được bình yên với hạnh phúc mà không cần phải bận tâm một cách không cần thiết với những cơn sóng vọng lại của quá khứ

Chính phủ Philippines đã chính thức đóng cửa trại tỵ nạn năm 1996 sau khi những người Việt Nam cuối cùng, người đi định cư, kẻ bị cưỡng ép trở về đất nước nơi họ đã phải trốn chạy, ra đi. Nhiều người cắt mạch máu, nhất quyết thà chết không về lại Việt Nam, và những người bám trụ bằng mọi giá qua tuyệt thực phản đối cưỡng bức hồi hương. Nhờ quyết tâm đó, cộng thêm sự vận động của Sơ Pascale Lê Thị Tríu với giáo hội công giáo và chính phủ Phi, đưa đến việc họ cho phép thành lập một làng Việt Nam ở Palawan mang tên Viet Ville vào năm 1997. Dù đối diện một tương lai bấp bênh, họ cũng chấp nhận ở lại vì hai chữ Tự Do. Người Việt tỵ nạn càng phải biết tri ân chính phủ Philippines về nghĩa cử cao đẹp này.

Viet Ville ngày nay nằm trên mảnh đất cũ của trại tỵ nạn PFAC ngày xưa. Năm 2017, chỉ còn 5 gia đình Việt Nam sống ở đó, mà 3 gia đình được mướn đến sau này làm đầu bếp nấu món Việt cho du khách trong nhà hàng Viet-Ville Restaurant duy nhất ở đây. Hai gia đình còn lại là thuyền nhân vượt biển, không được định cư, không biết đi đâu, họ ở lại và lập gia đình với người bản xứ, quyết định chọn nơi này là quê hương thứ hai.

Giờ đây, nếu du khách trên muốn đến Viet Ville, hai bên đường là những lô đất đã được quy hoạch cho những dự án du lịch và khu nghỉ dưỡng đảo Palawan, ngôi làng Việt Nam chỉ còn lại ngôi chùa Vạn Pháp và nhà thờ Công Giáo La Vang là hai nơi du khách có thể thăm viếng, vì có người trông coi, còn lại hơn 200 căn nhà của người tỵ nạn đang mục nát dần theo thời gian.

Những chiều thả bộ đi dưới những hàng cây me rợp bóng mát hay trân chần dẵm lên bãi cát mịn màng dọc theo doanh trại, tôi mang ơn nước Mỹ đã cho tôi một cuộc sống vững vàng; và kế đến tôi vẫn còn nợ đất nước Philippines này món nợ ân tình, mà nợ ân tình thì không biết bao giờ mới trả hết.

Viết từ Philippines, tháng 6/2019.
Nguyễn Văn Tới

Ý kiến bạn đọc
09/01/202123:15:30
Khách
Anh viết bài nào cũng hay.
Thanks !
28/06/201900:35:40
Khách
Bài viết thật hay và cảm động nhất là khi tác giả đã nghe tiếng cầu kinh từ dưới vọng lên. Cầu xin cho những vong hồn vô Phước được siêu thoát 🙏
11/06/201923:37:12
Khách
Chị HC UYên ơi, Chú Lion King đáng yêu của chị cũng thật xúc động, thật thấm thía. Hy vọng còn được đọc bài tiếp của chị. Hưu rồi chắc chị có nhiều thời gian hơn. Nếu có dịp về VN, tôi sẽ cố gắng tìm gặp sơ Tríu để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn sơ. Chắc giờ sơ già rồi, không biết có còn xông xáo được nữa hay không?
10/06/201902:02:53
Khách
Bài viết thật xúc động đã giúp người đọc thấy được nỗi gian nan trong cuộc hành trình vượt biển (Mỗi chuyến vượt biên là một kinh nghiệm đau khổ riêng. Soeur Pascale Lê Thị Tríu hiện đang phụ trách phòng Bác Ái Xã Hội dòng Vincent De Paul ở Sàigon. Thật biết ơn những người hết lòng giúp đỡ cho thuyền nhân. Dân tộc Phi còn tốt hơn dân Thái rất nhiều, nên bản thân tôi cũng sốt sắng hỗ trợ mỗi khi Phi luật Tân có bão lụt thiên tai.
09/06/201902:18:20
Khách
Đúng vậy chị Kim Lê, trông người mà nghĩ đến ta ngày xưa. Có tuyệt vọng họ mới phải ra đi. Anh Đại, Bảo và Cường, có dịp thử bay qua Palawan 1 chuyến với gđ, giờ Palawan là hot spot for tourists, nơi đẹp nhất của Phi dành cho du khách, trên đường đến Coron hay El Nido, 2 thiên đường cho dân thích biển, sẽ đụng Viet Ville trước. Cách phi trường Palawan 15 phút đi xe Tricycle và sẵn viếng Under ground River tuyệt đẹp. Kim Hồ đừng lo, có thấy mistake, ai cũng hiểu là lỗi Typo thôi. Vẫn phục lăn nhóm của Kim biết phép Úm ba la từ Zero thành Hero.
08/06/201900:57:42
Khách
DDinh' chinh' : Chuyen tau` cua? em cung~ dda~ dden' Thailand ( March 21 , 1989) sau ngay`khoi' ASEAN hop ca^m' kkhong nhan nguoi` ty. nan March 14 , 1989
Xin thu' loi~
Kim Ho`
PS: 1989 not 1998 Thanks
.
07/06/201909:12:50
Khách
Tới mến:
Bài viết rất cảm động. Năm 1975, giờ thứ 25 mình rời VN trong sự vội vã. Mặc dù hành trình kém nguy hiểm hơn hành trình của T, mình cũng qua cảng Singapore, nhưng không được vào và cuối cùng cũng được đem qua căn cứ hải quân Mỹ ở Subic Bay tại Phi.

Đất Phi cũng là nơi đầu tiên mình đặt chân đến khi rời VN!

Chúc T. hai chữ bình an trên quảng đường còn lại.

Đại
07/06/201905:05:06
Khách
Bài hát "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng" của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ra đời trong thời gian vận động quyên góp tiền để xây làng Việt này đó.
07/06/201903:06:23
Khách
"...cho phép thành lập một làng Việt Nam ở Palawan mang tên Viet Ville vào năm 1997. Dù đối diện một tương lai bấp bênh, họ cũng chấp nhận ở lại vì hai chữ Tự Do ".

Tôi đã không được biết về ngôi làng Viet Ville cho đến khi đọc bài viết này .
07/06/201901:56:02
Khách
Sau khi đọc câu truyện cảm động của anh NV Tới, to hy vọng các độc giả sẽ có thái độ bao dung hơn đối với những người ty nạn Trung Mỹ bây giờ. Đừng nghĩ rằng chỉ có mình xứng đáng được Mỹ cứu vớt. Nếu chính phủ Mỹ ngày xưa làm áp lực với Phi Luận Tân, thì người Việt ty nạn đâu có ngày nay. Tôi vẫn nhớ hồi mới sang đây, tôi không có tài cán gì, mới đầu chỉ đi lau nhà rồi từ từ xin quay lại trường học.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến