Hôm nay,  

Mẹ Tôi Thành Công Dân Mỹ

01/05/201900:00:00(Xem: 9767)
Tác giả: Tố Nguyễn
Bài số  5677-20-31484-vb4050119

Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017,  cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX.  Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,   tác giả  tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.

Hình: Cong Dan My.jpg
Tân công dân Mỹ bước xuống thang trong tiếng chào mừng reo hò của người thân.

***

Thấm thoát mà mẹ ở Mỹ đã sáu năm. Khi mẹ sang Seattle, tôi định cho mẹ đi học tiếng Anh ở gần nhà, nơi có một trường ESL nhỏ. Vì công việc tôi phải dọn qua LA, "con đường đến trường" của mẹ bị cắt luôn từ ngày sang vùng nắng ấm. Những khi có khách "hiệp chủng quốc" đến nhà, mẹ chỉ cười và nói mấy chữ "eat, drink, thank you và sorry", còn lại thì  hai đứa bé con luôn là "thông dịch" cho bà ngoại.

Tháng Tư năm trước, khi điền đơn thi quốc tịch cho mẹ, tôi lại   muốn cho mẹ đi học ESL, lớp luyện thi do người Việt mở. Nhưng rồi công việc bận rộn, mẹ lại thương cháu trai không ai giữ, nên cứ nấn ná lần lựa, tự học một mình. Tối nào tôi cũng thấy mẹ xem các đoạn phim luyện thi trên youtube. Được khoảng hai tháng, tôi hỏi thăm: "Mẹ ơi học thi sao rồi mẹ?" thì bật ngửa khi nghe mẹ trả lời: "Mẹ nghỉ học bữa giờ, vì ông thầy mất rồi! "

"Trời đất! Mẹ thi quốc tịch mà sao lựa chi ông thầy già đến mức học trò chưa thi thì thầy đã "lên thiên đàng" vậy?"Mẹ dở khóc dở cười trả lời: "Đâu có, ông thầy trẻ lắm, dạy cũng hay nữa, tội nghiệp thầy mất vì bệnh ung thư! "

Thôi rồi, tôi phải khích lệ mẹ "tầm sư" khác, khi mẹ vẫn cứ suýt xoa trên youtube chưa thấy ai dạy giỏi bằng ông thầy quá cố cả!  

Tối nào lên giường mẹ cũng đem theo cả xấp giấy trắng, bút chì, viết viết, rầm rì học một mình. Mẹ viết câu hỏi,  câu trả lời ra giấy xong rồi... tiếc, không muốn bỏ tờ nào, vì vậy giấy tờ ở đầu giường mẹ chất càng ngày càng nhiều. Chắc nhìn mẹ ngồi học bài và viết bài "nghiêm trang" quá,  nên mỗi lần tôi dọn phòng, là A Phi đều la lên:  Mama đừng bỏ homework của bà ngoại! "

Ngày nào tôi cũng vào trang web của USCIS để “rình” coi họ có thơ từ gửi cho mẹ không. Chờ khoảng 3 tháng thì được dẫn mẹ đi “Biometric screening- lăn tay". Tôi "hù" mẹ, nói hồi trước con “lăn tay” xong 2 tháng sau là thi rồi, mẹ phải học nhanh lên. Mẹ gật đầu "Ừ ừ",  vẻ mặt đầy “tâm sự”! Sau khi lăn tay, tôi về nhà, nôn nao chờ đợi, để rồi ngày nào cũng phải hát bài "sao chưa thấy hồi âm"...  

Một buổi sáng đẹp trời, tôi hí hửng thấy có email từ USCIS. Thật là tẽn tò, họ báo là đang xem xét hồ sơ, thời gian chờ đợi dự tính là khoảng 8 tháng!  

Nghe tôi báo lại, mẹ mừng rỡ nói là thời gian vậy để thong thả học bài. Không ngờ mới khoảng 3 tháng sau, tôi đã nhận được thư hẹn ngày phỏng vấn. Mẹ lại phải về Việt Nam chăm ông ngoại bệnh, trở qua trước khi thi 10 ngày, còn gà gật xài múi giờ bên kia bờ Thái Bình Dương.

Tôi định tập dượt cho mẹ, rủi thay lại trúng vào mùa thuế, nên cứ nửa đêm tôi mới về đến nhà. Trước khi thi vài ngày, tôi về nhà khoảng 10 giờ đêm, thấy mẹ còn ngồi bên đống giấy tờ "luyện thi".  Vậy là tôi xông vào phòng mẹ, thử phỏng vấn mẹ bằng tiếng Anh. Tôi bắt đầu vào phần thông tin cá nhân của mẹ trong Form N400.  

Con:  Mẹ tới Mỹ khi nào?

Mẹ căng thẳng, ngập ngừng hỏi: Là họ muốn hỏi mẹ đi Mỹ hồi nào đó hả?

Con:  Mẹ phải tưởng tượng con là người phỏng vấn, mẹ trả lời bằng tiếng Anh nha!

Mẹ:  March... Ngày mấy mẹ quên rồi?

Mẹ trả lời rất chậm cho tất cả các câu hỏi thuộc về Form N400. Tôi giải thích, viết ra giấy những câu hỏi, và “bắt” mẹ lặp đi lặp lại những mốc ngày, tháng năm, địa chỉ, chi tiết về công việc làm, tình trạng hôn nhân, chi  tiết về con cháu, dâu rể...  

Đặc biệt, tôi dặn mẹ phải đọc cho thuộc lòng mấy chữ "first time,  last time", "left the country", vì mẹ vừa về lại Việt Nam sau ngày nộp đơn thi quốc tịch. Tôi đoán là thể nào mẹ cũng sẽ “đụng” câu hỏi về lần ra khỏi nước Mỹ gần đây.

Nếu như phần form N400, mẹ hiểu được hết những câu hỏi, nhưng lại không trả lời được vì không có từ ngữ để diễn tả, thì phần 100 câu hỏi mẹ lại gặp vấn đề ngược lại. Mẹ thuộc làu làu những câu trả lời, nhưng không nghe được câu hỏi!  

Tôi bấm vào trang từ điển  “dictionary. com” cho mẹ nghe đi nghe lại cách đọc của chỉ 1 từ "key word" trong câu hỏi, và tìm cách sao cho dễ nhớ.

Ví dụ như:  Khi mẹ nghe có chữ "Father", trong 100 câu hỏi chỉ có 1 câu có chữ Father, thì nhất định câu đó là câu hỏi về "Father of our country"-  ở Việt Nam hay gọi là "cha già của dân tộc"! Tôi đùa: "Khi nghe chữ "Father”, mẹ phải liên tưởng đến ông chủ của con (ông tên George). Cách này có vẻ hữu hiệu, mẹ nói liền "À,  George Washington!"

Trong phần 100 câu, còn tên của vài ba "ông" nữa tôi phải tìm cách cho mẹ nhớ và phân biệt, khi nghe đến từ “key words” nào thì phải nhớ ngay đến ông nào.

Tôi cũng chú ý những câu thuộc về "vote" -bầu cử, vì nghĩ đó là quyền lợi đặc biệt khi trở thành công dân Mỹ. Ví dụ như nhiệm kỳ của tổng thống, tháng bầu cử tổng thống, khi tổng thống không thể làm việc được nữa thì ai sẽ lên thay...  

Tóm lại, tôi hướng mẹ đến những câu dễ, vì "sự thật mất lòng", tôi nói cho mẹ là ngay sau câu hỏi đầu tiên, người phỏng vấn mẹ sẽ biết họ gặp phải một "ứng viên" chưa từng đi lớp ESL một ngày nào! Nếu ơn trên phù hộ, họ sẽ hỏi mẹ những câu đơn giản, nên ráng tập trung vào những câu này để trả lời cho suôn sẻ.

Rồi cái ngày "trọng đại" cũng đến. Buổi sáng mẹ khăn áo gọn gàng lịch sự cùng tôi ra downtown Los Angeles. Sau khi tìm được chỗ đậu xe, hai mẹ con băng qua con đường nhộn nhịp. Đối diện toà nhà liên bang là khu buôn bán khá rộng rãi, bên dưới có nhiều quán hàng và bàn ghế xếp ngoài sân cho khách ngồi nghỉ chân. Hai mẹ con soạn giấy tờ ra ngồi “tập dợt”. Tôi đọc đi đọc lại từng câu hỏi cho mẹ trả lời, nhấn mạnh những "key words" cho mẹ nhớ.

Thời gian trôi qua thật nhanh, không bao lâu đã thấy đồng hồ điểm 2 giờ, hai mẹ con trở qua bên đường, trình giấy tờ để vào bên trong toà nhà. Khi bước vào trong, choáng ngợp trước mái vòm cao và những dãy cột to, mẹ cứ cứ lẩm bẩm "Đúng là Mỹ nên cái gì cũng bự! "

Lên đến tầng 8, chúng tôi được chỉ dẫn bỏ tờ giấy hẹn của mẹ vào cái hộp ngay cửa sổ, rồi vào ngồi ở phòng chờ. Trái với sự tưởng tưởng của tôi là thành phố LA sẽ có đông người thi lắm, hôm nay chỉ lác đác chưa đến chục người, trong đó phân nửa là gia đình đi theo "hộ tống" thí sinh.

Dường như máy lạnh trong phòng trở nên… lạnh hơn, nhìn quanh quất không thấy "người mình", chỉ có hai bác nói tiếng Tàu ngồi trước mặt, mẹ bắt đầu hồi hộp. Tôi phải trấn an:

-Mẹ phải nghĩ giống như mấy thí sinh đi thi Idol hay thi hoa hậu!

-Là sao?

-Là vầy nè:  “Em đến với cuộc thi mong được học hỏi thôi, còn đậu rớt em không đặt nặng! ”

Mẹ phì cười: "Sao mà giống được, rớt rồi mất công thi lại, học lại mất thời gian lắm!

-Mẹ rớt là bình thường, có người thi tới 5, 6 lần không đậu. Còn mẹ đậu thì mình sẽ mở tiệc ăn mừng!

Mẹ cười, có vẻ bình tĩnh lại. Chợt một ông người Á Châu từ bên trong phòng bước ra, gọi to tên họ của một "thí sinh". Hai bác ngồi trước mặt tôi lập cập bước tới. Ông ta hỏi “thí sinh” trình ra ID và Permanent Resident Card trước khi cho vào trong.

Lúc này mẹ lại lo lắng hỏi: "Ủa ổng đòi cái gì nghe lạ vậy?" Tôi ngạc nhiên: "Là thẻ xanh, ai cũng phải trình thẻ xanh khi đi thi mẹ quên rồi sao?" Mẹ: "Có, mẹ có đem thẻ xanh, là cái Green Card, sao ông lại không kêu là Green Card?" "Mẹ ơi Green card tức là Permanent Resident Card đó, kêu Green card tại vì nó có màu xanh, mẹ phải nhớ thêm 2 chữ mới này nha!" Mẹ gật đầu lia lịa, lại tiếp tục lẩm nhẩm 2 từ vựng mới.

Rồi đến lượt bà người Ấn Độ vận bộ quần áo sari “màu xanh hy vọng” ngồi bên phải chúng tôi cũng được gọi vào, giờ trong phòng chỉ còn lại có hai mẹ con và một cô gái trẻ.


Vài phút sau, một cô Mỹ  da trắng muốt bước ra gọi to tên mẹ. Tôi giữ hết giỏ xách, chỉ đưa cho mẹ cầm bọc giấy tờ ID, thẻ xanh, passport. Thấy sắc mặc mẹ lại chuyển sang màu của cái "Green Card", tôi cố vớt vát hỏi tôi có vào cùng mẹ được không dù biết chắc họ sẽ không cho vào. Cô lắc đầu, nhưng cũng tử tế "hứa" là sẽ nói chậm chậm cho mẹ nghe, bảo tôi đừng lo.

Cánh cửa đóng lại sau lưng mẹ, tôi trở về chỗ ngồi và bắt đầu đọc kinh...  cầu nguyện. Cầu nguyện được một lúc tôi bắt đầu thấy mình mất tập trung, lại mở phone lên tìm kiếm thông tin nếu mẹ thi...   rớt thì bước tiếp sau sẽ là gì.

Vừa đọc vừa xem đồng hồ, mười lăm phút rồi tôi vẫn chưa thấy mẹ trở ra. Cánh cửa bật mở, bà Ấn Độ vào trước mẹ mừng rỡ bước ra ngoài, nói một tràng tiếng...  Ấn với ông chồng đang đứng lên dang tay đón vợ. Nhìn vẻ mặt vui vẻ của họ, tôi đóan là bà đã đậu rồi.

Thời gian như ngưng đọng.  Cánh cửa phòng lại mở ra, cô "giám khảo" của mẹ bước trước, mẹ lập cập theo sau. Tôi tiến tới hỏi: "Xin cho biết mẹ em thi ra sao ạ?"

Cô bấy giờ mới nở nụ cười tươi hơn hoa mẫu đơn mùa xuân: "Chúc mừng em, mẹ em giỏi lắm, đây là kết quả thi này!" Tôi cầm tờ giấy cô đưa, phải chớp mắt hai lần vì sợ mình nhìn lộn, kết quả mẹ thi là 100%!  Cô lại cười tươi tắn: "Em và mẹ về nhà đợi giấy hẹn đi tuyên thệ, chắc trong vòng tháng sau"!

Mẹ nói "tạm biệt" cô rồi quay sang hỏi tôi: "Cổ nói gì mẹ vậy?" Tôi mừng rỡ: "Cổ nói mẹ đậu rồi, đậu hạng xuất sắc! "

Mẹ giật mình mình xen lẫn ngạc nhiên: "Thiệt sao? Có hạng xuất sắc à?" Tôi cười: "Vậy chứ mẹ không nhớ mẹ trả lời đúng hay sai sao?". Mẹ: "Khi mẹ trả lời thì cô ấy luôn gật đầu khen "good, good! "

Khi quay về, LA kẹt xe trùng điệp, nhưng hai mẹ con cứ ngỡ như đang ngồi máy bay hạng thương gia chứ không phải trong chiếc xe nhích nhích trên xa lộ! Mẹ kể  mẹ phải trả lời hơn chục câu, từ Mỹ da màu nâu (Martin Luther King) đến Mỹ da màu…đỏ (Indian), có 3 câu hỏi về tổng thống (trúng tủ được câu "cha già dân tộc"), hỏi về Civil War, về việc nước Mỹ bị khủng bố 2001,  hỏi những lần về Việt Nam...  Phần thi viết, mẹ lại "trúng tủ" được bảo viết một câu về bầu cử. Tôi khích lệ mẹ: Con sẽ tìm trường cho mẹ đi học ESL, để xứng đáng là một "công dân Mỹ xuất sắc” như kết quả thi.

Đúng như lời đồn đoán, thi quốc tịch thời nay thật là khó hơn khi trước rất nhiều. Nếu không học bài tử tế, chắc sẽ không thể nào đậu được. Tôi lâng lâng nghĩ, nếu một mai không còn ai thuê mướn mình làm income tax, tôi sẽ mở lớp "luyện thi quốc tịch bao đậu", chắc kiếm bộn tiền!

Rồi y như lời "hứa hẹn" của cô "giám khảo", tôi nhận được thư báo ngày mẹ đi tuyên thệ sau đó ba tuần. Tôi xin trường A Vy cho bé ra sớm để theo bà Ngoại, lên xe thẳng tiến về Los Angeles Convention Center. Tôi nhanh chóng tìm được chỗ đậu với giá cả thật là dễ chịu. Trong bãi đậu xe cũng dày đặc những người sắp thành công dân Mỹ, váy áo chỉnh tề, tíu tít bên cạnh gia đình, bạn bè, không khác đi dự tiệc.

Nếu như hôm đi thi một "thí sinh" có một, hai người đi hộ tống, thì hôm nay trung bình một "tân công dân" có tới bốn, năm người đi theo chung vui. Bên ngoài toà nhà Convention Center, nhiều người Mễ Tây Cơ  đứng mời chào những khung bìa để bằng quốc tịch, những vòng hoa sặc sỡ chúc mừng.

Bên trong toà nhà có sẵn nhiều quầy hàng chụp hình làm passport và hướng dẫn ghi danh bầu cử. Khi được chỉ dẫn lên phía trên lầu, tôi choáng ngợp thấy toàn người là người đứng kín khắp mọi nơi. Ba mẹ con bà cháu nhìn qua lại rồi thấy...  hối hận vì mình ăn mặc thật là "chìm" quá so với bạn bè hiệp chủng quốc xung quanh. Bấy giờ ban tổ chức xếp những người sắp sửa nhận quốc tịch đứng vào hàng, còn thân nhân thì "check-in" riêng biệt.

Nhóm khách mời đông đúc với đủ thành phần nam phụ lão ấu được vào bên trong trước. Dòng người sẽ nhận bằng quốc tịch Mỹ được cho vào sau, ngồi kín hết nửa trên khán đài. Rồi giây phút chờ mong cũng đến. Sau màn giới thiệu, mọi người được xem đoạn phim ngắn nói về lịch sử công dân Mỹ, rồi đến đoạn phim chúc mừng của tổng thống đương nhiệm.

Có lẽ làm lay động lòng người nhất là khi bài hát “God Bless the USA”  được chiếu trên màn hình: “From the lakes of Minnesota to the hills of Tennessee. Across the plains of Texas, from sea to shining sea. From Detroit down to Houston, to New York to Los Angeles. Well there's pride in every American heart…”

Trước mắt tôi là khung cảnh rực rỡ hùng vĩ từ những bờ hồ mênh mông xứ Minnesota, rồi bình nguyên thênh thang vùng Texas, đến hình ảnh Nữ Thần Tự Do sừng sững giữa biển trời, và sau cùng trở về LA, Thành Phố của Những Thiên Thần với những hàng cây palm thẳng tắp dọc đại lộ Hollywood, vùng đất "nắng ấm tình nồng" yêu dấu của tôi...   

Rồi khi có tiếng hát trong veo cất lên bắt đầu bài Quốc Ca, mắt tôi chợt nhạt nhoà theo từng giai điệu bổng trầm. Tôi sinh ra bên kia bờ Thái Bình Dương, nhưng nơi tôi thật sự trải qua những ngày tháng cam go để "thành nhân" chính là là mảnh đất này. Bé A Vy cũng cất giọng hoà theo bài hát… Thật như một giấc mơ, gia đình tôi cả ba thế hệ giờ cùng là công dân của một cường quốc nhân đạo, tự do.

Tôi dắt bé A Vy xuống phía dưới, đứng sát bên chiếc thang cuốn đón mẹ trở ra. Những "tân công dân Mỹ" bước xuống chiếc thang giữa hai hàng người ngóng đợi, miệng cười rạng rỡ, tay vẫy lá cờ nho nhỏ trong tiếng hò reo của đám đông-một hình ảnh đẹp sẽ mãi in sâu vào lòng những người di cư về đây từ khắp bốn phương trời.

Nhìn bé A Vy ngồi ngóng bà Ngoại, tôi chợt thấy hình ảnh mình ba mươi năm trước, thấy đứa bé con ngồi trên bậc cửa ngóng mẹ về.

Tôi thấy những đêm mẹ con tôi bơ vơ quay về từ nhà Nội. Thấy người thiếu phụ gầy gò chở con gái nhỏ trên chiếc xe đạp cọc cạch, qua những con đường tối tăm gập ghềnh sỏi đá. Không gian vắng lặng, tiếng côn trùng, ếch nhái từ những cánh đồng lộng gió ven đường càng làm cho bé con sợ hãi bấu tay thật chặt vào bụng mẹ. Mẹ choàng một tay ra sau vỗ về: "Đừng sợ, can đảm lên, con à..."

Tôi thấy người thiếu phụ đứng chênh vênh, ướt sũng giữa chợ chiều xác xơ tiêu  điều vì bão lũ. Nước mưa, nước mắt cùng nhạt nhoà trên mặt mẹ khi nghĩ đến những đồng tiền dành dụm sẽ phải ra đi vì "sưu cao thuế nặng" cuối tháng này…

Tôi thấy những đêm mẹ  thức trắng dỗ dành hai cháu, những giọt mồ hôi mẹ trên trán mẹ khi dắt tay hai bé tập đi, để vợ chồng tôi được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhoài. Có bao nhiêu “grandma” như mẹ tôi đã âm thầm đóng góp cho nước Mỹ bằng tình thương, sự hy sinh vô tận cho con...  

Có tiếng bé A Vy gọi to "Bà Ngoại ơi, Bà Ngoại con ở đây nè..." Và kia rồi, mẹ tôi đã bước ra, tay ôm mảnh bằng quốc tịch, tay vẫy cờ cười thật tươi đưa mắt tìm tôi. Mẹ ơi, mẹ con mình đã bước sang một trang đời mới, bình yên và phẳng lặng. Nước Mỹ có những người trẻ như con sẽ luôn làm việc, đóng góp, sẽ không bao giờ để những người già như mẹ phải thiếu thốn lo âu.

Bên ngoài toà nhà, những người Mễ Tây Cơ bên chiếc xe "hot dog"  bốc khói thơm ngào ngạt đã "dàn sẵn" khắp sân chào mời nồng nhiệt. Tôi cũng ghé mua hai phần bánh ăn chiều cho  ra vẻ “công dân Mỹ”! Cô bán hàng có vóc người tròn trịa rất "Mễ Tây Cơ" cười tươi rói, hào phóng gắp cả một nhúm ngò to đặt lên trên chiếc “hot dog” khi nghe tôi  nói muốn “cilantro”.

Bầu trời trong xanh không một bóng mây, xa xa, lá cờ Mỹ phất phới bay trên nóc toà nhà Staples Center. Một bà cụ da mồi, tóc bạc phơ đang được đàn cháu con tíu tít vây quanh chụp ảnh chúc mừng. Nhìn tấm lưng gầy và làn tóc trắng như mây của cụ, tôi bỗng nhớ về xóm chợ quê xưa… Nơi ấy có cụ bà bán ớt bán rau lưng còng gần sát mép chiếc chõng tre ọp ẹp, run run vuốt từng tờ bạc lẻ xếp vào bên trong chiếc khăn tay bạc thếch, bạc như phận đời chìm nổi của bà./.

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
03/05/201920:37:55
Khách
Bác Jane và anh Từ Huy thân mến,
A Tố cám ơn Bác và anh thật là nhiều,Tố sẽ chuyển cho mẹ xem quý độc giả VVNM chúc mừng mẹ nồng nhiệt luôn.

Anh Từ Huy đúng thật là cùng "tần số" với Tố nha.Khi vừa bước xuống từ "máy bay hạng thương gia",Tố cũng định viết tựa là "Mẹ tôi đi thi quốc tịch" cho hấp dẫn.Lu bu sao đến lúc mẹ đã đi tuyên thệ rồi Tố mới viết,nên cái tựa bị đổi và bài viết lại bị "xuống quãng xề " đoạn cuối...như mọi khi.
"Dạ em thi để học hỏi,đậu rớt em không đặt nặng.." nên em hứa sẽ ráng viết hoài để được...học hoài !

Tố mến chúc Bác Jane và anh Từ Huy sẽ có những ngày cuối tuần thật là vui nha.
03/05/201904:53:06
Khách
Bài viết hay lắm A Tố! Vừa đọc đầu óc anh cứ vừa lung tung hỏi... Bút pháp nhỏ này trở nên điêu luyện, tinh tế từ hồi nào vậy?!.
Chỉ với một câu chuyện nội dung giản dị mà A Tố... tung ngang hoành dọc làm anh phấn khích, hồi hộp theo từng câu, từng chữ!
Chỉ hơi phiền lòng nỗi... Câu chuyện đang thật hay, thật dí dỏm, tự dưng bưng cả quê hương với những ngày tháng cũ vô. Thiệt tình! Hổng biết nói gì luôn🙄🤔
Cái này phải gọi là đùa cợt với cảm xúc của người khác! Chơi kỳ quá nha! Nhưng phải đồng ý là... A Tố giỏi🥳‼️
Một góp ý nhỏ. Nếu A Tố đừng bật mí kết quả ngay ở tựa đề thì có lẽ bài viết sẽ cuốn hút thêm một... xịu🤓‼️ Ví dụ: “Mẹ tôi đi thi quốc tịch lần đầu.”
Ừ, thật là một ngày trọng đại! Cho anh gửi lời chúc mừng mẹ của A Tố và toàn thể gia đình, nhất là A Phi và A Vy🌹💐🎶🎶...

Mong cho A Tố cứ mãi vậy!
03/05/201900:57:19
Khách
Họa sĩ dùng màu tả , vẽ tranh cảnh nên thơ, tình y. Nhà văn cầm bút nói lên tâm tình ....sao có người làm điên đầu vói bao con số mà viết hay như chuyên nghiệp văn sĩ vậy ha . Mừng vui cùng Mẹ của em .
02/05/201920:34:05
Khách
Dạ Tố cám ơn Cô Iris, cô Mão và quý độc giả rất nhiều vì đã ưu ái gửi lời chia sẻ niềm vui cùng mẹ Tố và gia đình Tố.
Tố mến chúc quý độc giả sẽ có một dịp cuối tuần thật là bình yên ấm áp bên những người thân yêu.
01/05/201923:11:05
Khách
câu chuyện dễ thương quá, mừng cho bác đã thành công dân Mỹ.
01/05/201921:35:39
Khách
Chúc mừng mẹ Tổ Nguyễn đã thành công dân xứ Mỹ, đọc đến đâu cảm động đến đấy. Chúc Mừng gia đình Tổ Nguyễn.
Mão
01/05/201920:29:37
Khách
Chúc mừng chị Quyên, Tố và toàn gia!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,659
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY đăng 2 kỳ.Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY được ghi “Hè 2019, kỷ niệm 30 năm tìm được “cái xương sườn cụt của tôi”. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ sáu của bà kể về mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, Bà tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 7 của bà được viết trong ngày lễ Phật Đản.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada từ năm 1981. Mong bà tiếp tục viết.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bai mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. (Ấn bản chủ nhật có sự sai sót. Xin đăng lại phần đúng và trân trọng cáo lỗi.)
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19. Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19.