Hôm nay,  

Điểm Credit và Mua Nhà

26/04/201900:00:00(Xem: 12778)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves
Bài số  5672-20-31478-vb6042619

Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 ***

1. Credit Card-Thẻ tín dụng.

Hồi tui ở Việt nam, chẳng hề biết "Điểm credit" là gì cả! Qua tới Mỹ, cả năm trời tui vẫn không hình dung được nó quan trọng như thế nào, cho đến một hôm…

Hôm đó tui được anh John chở lên phi trường để về lại Austin, sau mấy ngày qua Cali thăm ông bà ngoại và các anh.

Vì mới qua Mỹ hơn một năm, tiếng Mỹ không rành, nên anh John ngoài việc chở tôi đi còn phải giúp tui lo giấy tờ ở quầy "check in" nữa.

Tui chìa tờ giấy có in thông tin chuyến bay do ông chồng mua vé trên internet, cùng với bằng lái xe.

Cô nhân viên hỏi, “Bà có credit card không?”

-Không, tui không có. Nhưng tui có thẻ nhà bank-Debit card đây.”

Cô ấy nói gì nữa tui không hiểu, nhưng thấy anh John trả lời, và cô ấy đưa tờ giấy lên máy bay. Từ đó tới chỗ kiểm tra hành lý, anh John nói, “Răng Bc không có credit card?”

-“Bc có dùng hắn để làm chi mô? Bc có tiền mặt đây nữa, nếu trong thẻ nhà bank không đủ.” Tui nói.

“Không phải vậy. Mình cần phải có credit card bởi vì, trong trường hợp mình muốn thuê xe, ở khách sạn ngừơi ta bắt buộc phải dùng thẻ credit. Còn như sau này muốn mua xe, mua nhà trả góp cũng rất cần. Hoặc đi thuê nhà, mua mấy đồ dùng sinh hoạt trong nhà nữa. Kỳ ni về, biểu thằng Carl giúp mở thẻ đi hí.” Anh John dặn lui dặn tới trước khi ôm tôi chào tạm biệt.

Về nhà, tui thỏ thẻ với ông chồng, “Tui muốn có cái credit card bỏ trong ví cho oai!”

-"Sao khi không bà muốn vậy?” Ổng hỏi.

Đem chuyện ở sân bay kể cho ổng nghe, “Được rồi, để tui gọi hỏi nhà bank của bà coi họ có chương trình cho người mới mở thẻ lần đầu không?” Ổng nói.

Nhưng rồi bận bịu với công việc, cả tui lẫn ông chồng cũng quên mất chuyện đó, và nếu tui nhớ không lầm lúc tui đi thăm ông bà ngoại là dịp Spring Break, giữa tháng 3.

Đến cuối tháng 3, tui nhận được một cái thư từ Walmart, họ nói nếu tui viết cho họ cái check 99 đồng, thì họ sẽ gởi cho tui cái thẻ 50 đồng để bắt đầu tạo điểm credit.

Nhưng mà khi đó thấy 99 đồng to ghê lắm luôn! Tui cứ phân vân sợ lỡ mình “bị lừa” thì mất tiền!

Thời gian đó thiệt là khó khăn. Chỉ một năm trước thôi, tháng 2 ông chồng tui với bà vợ trước ly dị, mà ở Mỹ ni, ly dị là coi như…nghèo luôn! Tiếp tới tháng 5 thì ổng bị thất nghiệp! Đến tháng 8 cưới tui, và phải tới cuối tháng 12 mới có việc làm lại, gần cả năm trời chơ ít chi, đúng là năm vận tháng hạn!

Còn phần tui mới qua Mỹ được hơn một năm, chưa hiểu lắm về cuộc sống ở đây, ngay cả chuyện viết check cũng không rành, nên làm chi cũng sợ. Lại thêm bản tính là mụ hom, chỉ thích tiền vô chơ không thích tiền ra, nên cứ chần chừ miết. Nhưng mà nói cho ra lý do chính thì, vì nghèo không có tiền dư. Cuộc sống khá chật vật, tiền lương ông chồng sau khi trả tiền nhà chi phí ăn uống là coi như “sát nút”. Tui vừa đi học, vừa đi làm, mà lúc đó tay nghề yếu nên không kiếm được mấy tiền cả.

Cái thư của Walmart chỉ được áp dụng trong vòng một tháng, mà tui cứ lần lữa nên cuối cùng… hết hạn!

Tui nghĩ, “Cũng chả sao, mình đâu có cần thẻ thiếc chi cho mệt, có đồng nào tiêu đồng nấy khỏi lo.”

Nhưng rồi, cuộc đời không phải lúc nào cũng suông sẻ. Một ngày tháng 5 trời Texas nóng như đổ lửa mà máy lạnh của xe tui không chạy, cửa sổ phía tài xế không hạ xuống được, nóng khủng khiếp! Lại thêm cái xe Honda Accord có cái tật, hễ đậu xe giữa trời nóng để vô lớp học, tới khi ra mở máy hắn không chịu nổ! Kỳ cục. Có khi cả tiếng đồng hồ sau mới nổ máy. Kiểm tra bình điện, đủ thứ, ông thợ già ở đường Lamar nói “Cái loại xe này chạy bền, nhưng có cái bệnh này đó.”

Hai vợ chồng bàn nhau mua xe mới cho tui. Nhưng mà dù trả tiền hàng tháng được, tui lại không có điểm credit nên người ta không cho mượn tiền!

Thôi đành lái xe cũ chơ biết làm răng chừ, nhưng tui tự hứa với lòng, tui phải “build credit”-tích luỹ điểm credit, để sau này mua xe mới đi cho sướng cái thân!

Đúng lúc đó thì tui nhận được thư mời mở thẻ của Bank of America, đó cũng là bank tui đang dùng. Họ yêu cầu giống như Walmart rứa!

Họ muốn tui viết cho họ một tờ check 99 đồng, rồi họ sẽ gởi cho tui cái credit card với mức tối đa là 50 đồng, đó là để mua hàng, còn như rút tiền mặt thì chỉ 30 đồng thôi. Sau ba tháng, nếu tui trả số tiền tối thiểu họ yêu cầu là 10 đồng đúng hẹn, họ sẽ tăng dần mức tiền tối đa lên. Tiền lời thì tính theo hai cách, nếu mua hàng (merchandise) thì tiền lời thấp 10% một tháng, còn nếu rút tiền mặt (Cash advance) thì tiền lời 30% và tính ngay từ ngày rút tiền. Cách tốt nhất là không dùng để rút tiền mặt, và khi nhận hoá đơn, trả hết thì không trả đồng tiền lời nào cả.

Tui đồng ý.

Như trước kia, tiền lương đưa vào bank sau đó đi chợ hay mua sắm thì trả ngay bằng thẻ nhà bank-debit, còn chừ thì khác. Mua đồ trả bằng thẻ credit, đợi tới cuối tháng nhận hoá đơn, mới dùng tiền trong nhà bank để trả lại.

Tui đùa với ông chồng, “Khách hàng mô cũng như tui thì nhà bank chắc vỡ nợ, vì không làm ra tiền để trả cho nhân viên!”

Ổng cười, “Bà khéo lo! Chỉ cần bà rút tiền mặt từ thẻ credit hay quên trả hoá đơn một lần là tụi nó đã lấy lại vốn rồi đó!”

Sau 3 tháng đầu, tui gọi cho nhà bank và yêu cầu tăng số tiền trong thẻ cho mượn, lý do là tui cần mua cái máy giặt. Họ đồng ý, tăng lên 300. Ba tháng sau, tui gọi tiếp, “Tui muốn mua cái computer để học, tui cần 700.” Họ cũng đồng ý.

Chỉ sau một năm, thẻ của tui được dùng tới 1000, bạn có tin không?

Có lần vui miệng tui kể cho bà khách nghe chuyện mở thẻ, bà hỏi ngược lại, “Sao ông chồng cô không ghép tên cô vào thẻ của ông ấy, cũng là một cách để tích luỹ điểm credit đó.”

Tui cười, “Không được đâu, vì ông ấy là nạn nhân của bọn ăn cắp thông tin cá nhân, “Identity Theft”, có làm báo cáo với cảnh sát, nhưng họ cũng không giúp gì được cả. Để có thì giờ tui sẽ kể cho nghe.

Như đã nói ở trên, tháng 2/2002 ông chồng tui với bà vợ trước ly dị, bà dọn ra khỏi nhà.

Ổng ở một mình, cũng buồn, nên một buổi tối ở quán Bar gần nhà, gặp hai anh em Bill và Jack, nghe họ mới dọn tới Austin, thì ông không ngần ngại hỏi, “Có muốn thuê phòng không? Nhà tôi dư hai phòng, không ai ở cả.”

Không kiểm tra tiền sử cá nhân, không kiểm tra thu nhập gì cả. Họ về nhà với ông, và ở đúng một tháng.

Nhà có ba phòng, ông ở phòng lớn, hai người đó ở hai phòng còn lại, có nhà vệ sinh riêng luôn.

Cứ sáng sáng ông lái xe đi làm, họ ở nhà làm gì ông cũng không để ý lắm. Chiều cuối tuần thì cùng nhau ngồi ngoài bể bơi ăn uống thoải mái, ông không nề hà, tính toán thiệt hơn.

Đúng một tháng, khi ông đi làm về thì thấy phòng hai người trống trơn! Không một lời từ giã, và dĩ nhiên không trả tiền tháng đó luôn.

Kệ, họ nghèo, coi như giúp cho họ cũng được.

Cỡ thêm một tháng nữa thì ông bắt đầu nhận được những hoá đơn tính tiền từ các công ty thẻ Credit card ông không hề dùng! Nhìn hoá đơn thì càng tá hoả tam tinh! Ở tận Las Vegas, khách sạn, nhà hàng, đánh bài, mua sắm… Ông nhấc phone goi cho ra ngọn ngành, vì rõ ràng ai cũng biết thời gian đó ông ở Austin, đi làm suốt, lấy đâu ra giờ đi Las Vegas chứ?

Nhưng mà thẻ đúng là tên ông, số thẻ xã hội của ông, địa chỉ nhà ông! Lúc này ông mới nghĩ tới Bill và Jack. Trong khi ông đi làm, họ ở nhà, dùng phone nhà, lấy những thông tin của ông một cách dễ dàng vì tính ông cẩu thả, tin người, giấy tờ vung vãi khắp nơi. Không một phòng nào trong nhà có ổ khoá, mà dẫu có khoá cũng chưa chắc ông nhớ để khoá đâu! Họ lấy những thư mời mở thẻ, vì ông có good credit nên họ gởi hoài, ông hoàn toàn không biết chi trơn.

Tổng cộng hoá đơn gần 20 ngàn, chỉ trong vòng một tháng!

Bao nhiêu năm trời ông làm việc cực khổ, xây dựng điểm credit để mua xe, mua nhà, buôn bán thì giờ đây coi như số không!

Đúng là “Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai!”


Ông tới sở cảnh sát để báo cáo sự việc. Mà khổ nỗi, ông không có lấy một tấm hình, hay bằng lái của Bill và Jack nên cảnh sát cũng không biết đâu mà lần!

Về phía các công ty thẻ credit, dĩ nhiên ông không phải trả số tiền đó, nhưng để bảo vệ quyền lợi của họ, các công ty thẻ thu hồi các thẻ đã cấp cho ông. Và điểm credit của ông coi như số không!

Thật không công bằng!

Họ nói, nếu ông chấp nhận “Bankruptcy”- Vỡ nợ, rồi sau 7 năm sẽ “build credit” lại. Ông cương quyết không khai bankruptcy, bởi vì ông bị oan.  

Ông chính là nạn nhân của tội phạm ăn cắp dữ liệu cá nhân, “Victim of Identity Theft.”

Thật ra, khi lấy tui ông có kể cho tui nghe, và an ủi tui, “Bà đừng lo, mình có nhà, có xe đầy đủ rồi, thì credit cũng không quan trọng lắm đâu.”

Nhưng như tui đã nói phần đầu, tui muốn credit của riêng mình. Sau một năm có thẻ, nhà bank tăng giá trị thẻ lên 10 ngàn, và sau ba năm, cuối năm 2005, thì credit của tui đủ tốt để ký giấy nợ mua nhà!

Chúng tôi quyết định dọn chỗ ở mới, vì muốn tìm trường tốt hơn cho hai đứa con gái.

Điểm credit của ông chồng vẫn rất thấp, người làm nợ khuyên chúng tôi không nên để tên ông vào sẽ ảnh hưởng xấu tới hồ sơ vay nợ, nhưng vẫn dùng thu nhập của ông để coi như thu nhập của hai vợ chồng.

Nói thì đơn giản vậy, chứ bán và mua nhà cũng đau đầu lắm, nhưng nhờ đó tui cũng học thêm được nhiều điều.

2. Mua nhà, mua xe, mua tiệm...

Ngôi nhà cũ của tui nhỏ thôi 1450 square feet, có 3 phòng ngủ, xây từ 1988. Điều tui thích là nhà có bể bơi, nhưng đồng thời đó cũng là điều tui không thích, hay không đáp ứng nỗi nếu nói cho thật lòng.

Có bể bơi thì tốt cho hai đứa con gái, vì được bơi cả ngày, cuối tuần tụi nó rủ mấy đứa bạn hay chị em bà con tới bơi. Còn tui trồng chuối và hoa quanh hồ bơi trông rất vui mắt.

Thế nhưng dọn dẹp bể bơi cho sạch cũng nhiêu khê và tốn tiền, mà tui thì đi làm Nails, “Bán mặt cho bàn nail, bán lưng cho trần nhà,” mấy khi có giờ để ngắm!

Sau khi hai vợ chồng quyết định bán nhà thì, việc đầu tiên là tìm cho mình một Realtor, người môi giới mua bán nhà. Họ có chứng chỉ và hiểu biết về luật pháp cũng như các thủ tục cần thiết.

Tiền công là 3 phần trăm cho mỗi hợp đồng, riêng trong trường hợp chúng tôi thì vì người realtor lo cả bán và mua nhà và cũng vì ông ấy là bạn thân của ông chồng tui nên đồng ý bớt 1 phần trăm. Ổng tên là Michael.

Người realtor giỏi còn phải biết dự đoán giá nhà sao cho hợp lý, dựa vào giá trị nhà, giá trị của những ngôi nhà chung quanh, địa thế, hay chủ nhà muốn bán nhanh hay chậm…vv và vv…

Realtor sẽ đặt một cái ổ khoá ở cửa trước, rồi mỗi lần có khách hàng muốn coi nhà, thì người realtor của họ sẽ liên hệ với realtor của tui để biết mã số mà vào coi nhà.

Lần đầu chúng tôi đặt bảng bán nhà, chỉ trong vòng một tuần đã có người muốn mua, đặt cọc 200 đồng. Sau khi nhận đặt cọc, thì hai vợ chồng cuống cuồng tìm nhà để mua! Vừa lo đi coi nhà, vừa lo làm giấy tờ nợ, và dĩ nhiên vẫn phải đi làm!

Còn người mua thì tiến hành làm các việc kiểm tra như thường lệ: Kiểm tra nền móng, mái, tường, điện nước…

Michael giới thiệu Harry, người chuyên làm “Loan” tức là làm nợ. Sau khi nộp 25 đồng để kiểm tra điểm credit, thì mấy ngày sau, Harry báo cho biết nợ được chấp thuận. Tui mới hỏi, “Tiền lời bao nhiêu vậy?”

Harry bảo, “10 phần trăm, theo thời điểm hiện thời và với điểm credit của bà.”

Nghe vậy, tui tá hoả tam tinh, mới gọi ngay cho ông chồng, “Không được rồi, phải huỷ chuyện mua bán nhà lại thôi!”

-“Vì sao vậy?” Chồng tui hỏi.

“Là vì hiện tại nợ nhà chỉ có 7 phần trăm, nhà cũng tốt, tự nhiên khi không đem bán, lại chịu tiền lời cao gấp rưỡi, có mà điên a!”

-“Nhưng lỡ nhận cọc rồi?” Chồng tui lo lắng, “Giờ mà bán nhà, thì không có chỗ ở. Mà mua nhà mới với tiền lời quá cao thì cũng không cách chi trả nỗi! Còn như trả lại tiền đặt cọc thì phải mất 400 đồng, uổng ghê.”

Đang suy đi tính lại thì trời thương, tự nhiên hôm sau người môi giới của bên mua nhà báo cho biết là họ muốn huỷ tiền cọc, bởi vì nhà có bể bơi, họ sợ không kham nổi.

Hú hồn hú vía, vậy là tui nói với ông Michael hoãn chuyện bán nhà lại, đợi một thời gian nữa rồi tính, ổng có vẻ không vui nhưng cũng đồng ý với suy tính của tui.

Một năm sau, bé lớn bắt đầu vào lớp 9, phải chuyển trường, vì ở Mỹ, lớp 9 tới 12 là Highschool. Chồng tui không thích ngôi trường nó sẽ học, sau buổi đầu đi họp phụ huynh! “Phải đổi trường thôi, trường này thấy nhiều học sinh ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác quá.” Tui đồng ý.

Rút kinh nghiệm lần trước, tui mới nói với ông chồng, “Chừ mình lo làm nợ trước, coi họ cho mượn bao nhiêu, tiền lời mấy, khỏi vắt giò lên cổ chạy như lần trước, với lại có thì giờ để lựa chọn nhà mới nữa chơ.”

Theo lời giới thiệu của người bạn, kỳ ni tui đi gặp cô làm nợ là người Việt. Tui sẽ ký hai nợ, nợ thứ nhất trị giá 20 phần trăm ngôi nhà, tiền lời cao 10%, nhưng bù lại, nợ thứ nhì trị giá 80 phần trăm của ngôi nhà được hưởng tiền lời khá thấp, 5 phần trăm thôi. “Chị ráng trả hết nợ thứ nhất càng sớm càng tốt nhé,” cô ấy dặn lui dặn tới.

Và rất may mắn, tui bán nhà cũ khá nhanh, dọn về ở chung với ông bà ngoại hai tháng thì mua được ngôi nhà mới với giá rất tốt. Lý do: Chủ nhà nghỉ hưu, không màng chuyện thế sự nữa!

Ngôi nhà này, 2400 sf, xây từ 1998, và tui mua 169 ngàn. Ai cũng khen rẻ! Đúng là "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ!”

Mà thật ra mua nhà cũng là cái duyên. Chuyện như thế này.

Sau bữa ăn lễ Thanksgiving năm 2005, tui lo dọn dẹp, ông chồng tui với bé Vi vào computer để coi các ngôi nhà bán. Ổng chạy ra hối thúc tui thay áo quần để đi coi nhà! “Chừ hả? Biết Michael có rảnh không mà đi coi nhà?”

“Bà đừng lo, tôi điện cho hắn rồi, đang trên đường lên đó. Mình qua coi phía ngoài trước, tôi thích hai cái cũng ở gần nhau thôi.” Ông chồng tui giải thích.

Khi chúng tôi tới, thì có thêm 2 gia đình đang đứng đợi ở ngoài đường, “Người realtor của chủ nhà chưa tới.” Một người nói.

Chồng tôi không muốn chờ, bèn lái xe đi coi ngôi nhà thứ hai. Vì Michael chưa tới nên chúng tôi cũng chỉ đứng nhìn ở ngoài thôi. Một lát, thì Michael gọi tới coi lại ngôi nhà thứ nhất.

Vậy là cả 3 gia đình cùng vào coi ngôi nhà. Khi ra về, Michael bảo, “Nếu thích thì mua ngay, đừng bớt giá gì cả, bởi vì giá thấp hơn thị trường và theo tui biết, hai gia đình kia cũng muốn mua, nhưng họ đòi bớt vài ngàn.”

Ông chồng tui rất thích ngôi nhà, bé Vi cũng vậy, riêng tui và bé Sa thì dễ tính hơn, sao cũng được.

Chúng tôi đồng ý và đặt cọc ngay tối hôm đó. Và nhờ chúng tôi đã lo giấy tờ nợ trước sẵn rồi, nên đúng một tháng sau thì giấy tờ ký xong xuôi, chúng tôi dọn vào nhà mới một ngày trước Christmas, 2005.

Mười một năm sau, Giáng sinh 2016, món quà tui dành cho ông chồng là tờ giấy nhà bank xác nhận hết nợ!

Năm 2006 tui mua chiếc xe mới Nissan Xentra.

Năm 2007 tui mua cái tiệm Nails nhỏ nhỏ gần nhà, chưa đầy 3 miles, lái xe chưa đầy 10 phút.

Năm 2011 mua chiếc xe Truck Chevrolet mới toanh to đùng đùng cho ông chồng.

Hai đứa con gái lên lớp 11 là mỗi đứa một chiếc xe để cha mẹ đỡ lo đưa đón.

Cả hai học đại học ở Austin và San Antonio, ra trường món quà được cha mẹ tặng là tờ giấy xác nhận không có đồng nợ nào cả!

Đi Việt nam chơi 3 lần, còn lâu lâu thì đi quanh quẩn trong nước Mỹ, nói chung cuộc sống an nhàn, không có gì để phàn nàn, nhờ ơn trời Phật.

Đầu năm vừa rồi tui nghỉ hưu, riêng ông chồng thì phải đợi cuối tháng 8 này, khi ổng tròn 66 tuổi, mới nghỉ hưu để được hưởng toàn bộ quyền lợi. Hai vợ chồng tui coi như xong bổn phận với con cái! Giờ chỉ trông cho có sức khoẻ để trồng cây, làm vườn an hưởng tuổi già, chẳng đòi hỏi gì thêm!

Tất cả, đều nhờ vào điểm credit! Tui đã cương quyết giữ uy tín với nhà bank, và tất nhiên cùng với sự cố gắng tằn tiện của ông chồng nữa chứ, để xây cho mình một điểm credit cao.

Tui muốn cám ơn nước Mỹ đã cho tui cơ hội để có nhà cửa, cuộc sống yên bình, vì biết đâu, đối với nhiều người, có thể đó là mơ ước của cả một đời người chứ chẳng phải chơi!

Austin, TX. April 19th, 2019

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
27/04/201915:44:20
Khách
"Tất cả, đều nhờ vào điểm credit! Tui đã cương quyết giữ uy tín với nhà bank, và tất nhiên cùng với sự cố gắng tằn tiện của ông chồng nữa chứ, để xây cho mình một điểm credit cao ".Trích.

Cũng nên kể thêm là tác giả là người chăm lo làm ăn nên lúc nào cũng có tiền để trả nhà băng đầy đủ khi đến kỳ hạn.
26/04/201920:25:48
Khách
Chi Minh Nguyet ,
Xin chuc' mung` gia ddinh` chi .
Chi take care & cheers
Kim Ho
PS: K rat thich' van chi viet
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Nhạc sĩ Cung Tiến