Hôm nay,  

Lý Tống Và Tôi: Những Ngày Giờ Cuối

17/04/201900:00:00(Xem: 12496)


Đính Chính 
về việc Ông Lý Tống Rửa Tội

Việt Báo Daily News và Việt Báo Online, ngày 17 tháng Tư 2019, đã phổ biến bài viết "Lý Tống và Tôi" của tác giả vừa nhận được email của tác giả Sapy Nguyễn Văn Hưởng. Sau đó tòa báo có nhận được thư của tác giả yêu cầu đính chính một sơ xuất trong bài viết. Thư đính chính viết nguyên văn là Cô Xuân Lộc, con ông Lê Xuân Nhuận, bào huynh của Ông Lý Tống, “không đồng ý trong việc Ông Lý Tống rửa tội, trong khi tôi viết là cô đồng ý. Tôi xin chân thành xin lỗi độc giả cùng gia đình ông Lý Tống.”

Bên cạnh việc yêu cầu đính chính, tác giả Nguyễn Văn Hưởng cũng kèm theo bản sao email cho biết: trước khi phổ biến, bài viết đã được chuyển tới ông Lê Xuân Nhuận để xin ý kiến và được ông Nhuận hồi đáp bằng email ngày 16/04/2019, cho biết “đã có thể phổ biến.”

Bản đính chính trên đây đã được phổ biến lần đầu trên online cùng trang bài "Lý Tống Và Tôi: Những Ngày Giờ Cuối".  Đây là bản phổ biến lần thứ hai


****

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số  5664-20-31470-vb3041619

Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County. Xin mời đọc bài viết đặc biệt của Sapy Nguyễn Văn Hưởng. Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới, nói theo tác giả, là “mấy điều tôi biết về đời sống thường ngày của Lý Tống.” Bài 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

LeVTong
Lý Tống thời học trò, tên thật Lê Văn Tống.

Ly Tong-Le x Nhuan
Lý Tống và người anh ruột, Ông Lê Xuân Nhuận, một cấp chỉ huy ngành cảnh sát đặc biệt thời VNCH.


* * *

Thấy tôi nhắn tin, Lý Tống không trả lời, điện thoại mãi cũng không được, vợ tôi phải thúc dục:

- Sao anh không đi vô nhà thương thăm anh Tống?

- Chắc anh ấy đang mổ sạn mật, không nghe điện thoại. Thế nào mổ xong, anh ấy cũng báo cho mình biết ngay.

Cứ thế mãi cho đến trưa thứ Năm 21 tháng Ba, vẫn không nghe tin tức gì, vợ chồng tôi sửa soạn cùng vào thăm Lý Tống. Trước lúc ra xe, điện thoại nhà reo lên. Vợ tôi nghe xong, hốt hoảng báo tin:

- Chị Hoa vừa cho hay, anh Lý Tống mất rồi.

Tôi đứng như chết lặng, không muốn tin điều này. Tôi cầm ngay điện thoại gọi hỏi các bạn, tôi mừng thầm vì chưa ai nghe tin này. Riêng anh bạn Phan Thành Lạc, hội trưởng hội Thủ Đức, cho tôi số điện thoại của Cù Thái Hòa, Hội trưởng hội Không quan San Diego, người được Lý Tống chọn thay cho Ông quyết định mọi chuyện, nếu Ông lâm trọng bệnh. Sau khi nói chuyện với Cù Thái Hòa tôi mới biết, Lý Tống chưa mất, vẫn đang chờ thân nhân bay từ Okland xuống để bàn việc rút ống trợ sinh, bởi bác sĩ cho biết Ông không còn hy vọng cỏn con nào có thể cứu chữa được. Tôi chẳng biết làm gì hơn, ra xe lái thẳng tới bệnh viện.

Lúc bước vào phòng bệnh 313, nhìn Lý Tống với đủ loại giây nhợ chằng chịt trên mặt, trên người. Tôi sờ chân tay thấy còn ấm, nghe hơi thở nặng nề, tôi chỉ biết đứng bên Ông dâng lời cầu nguyện. Trò chuyện với Cù Thái Hòa, tôi biết rõ thêm.

Chiều 12 tháng 3, bác sĩ điều trị gọi báo cho Cù Thái Hòa biết, sức khỏe Lý Tống rất bết bát, buồng phổi suy yếu toàn diện, phải nhờ đến máy trợ thở. Tính đến giờ phút này, đã hơn 5 ngày qua, Lý Tống vẫn chưa một lần tỉnh lại. Vì vậy bác sĩ khuyên anh, hãy nhắn thân nhân trực hệ của Lý Tống đến, để bàn xem có muốn rút ống trợ sinh để Lý Tống ra đi êm ả hay không. Nghe xong tôi tự trách mình đã trễ nải trong việc thăm nom Lý Tống. Tôi cũng biết, thân nhân Lý Tống sẽ xuống tới Phi trường San Diego vào lúc 8 giờ rưỡi tối nay.

Bên ngoài phòng đợi trên tầng lầu 3 của bệnh viện, mỗi lúc mỗi đông thêm người đến viếng Lý Tống. Bà Rose Trần, nhân viên nhà quàn, cùng Sư cô Hạnh Như cũng ngồi sẵn đấy. Rồi lần lượt một số phóng viên, nhà báo từ quận Cam xuống tới. Thật tội cho Cù Thái Hòa, giờ trở thành trung tâm điểm để mọi người khắp trên thế giới gọi tới hỏi han hết điều này điều nọ.

Bởi ai cũng ngạc nhiên trước việc bệnh tình biến chuyển quá nhanh và sắp mất đi một anh hùng dân tộc, nên không tránh khỏi vài suy luận trái chiều, rồi nảy sinh tranh cãi. Nhờ chú tâm vào việc cầu nguyện, tôi bỏ ngoài tai, ngoài mắt nhiều lời lẽ đối đáp, nhiều cảnh không hay.

Mọi người cứ thế đứng, ngồi chờ đợi mãi, vì máy bay trễ nải. Tôi chỉ còn biết lâu lâu ra vô nhìn Lý Tống nằm trên giường bệnh mà lòng xót đau. Và rồi hơn 10 giờ đêm, Lê Xuân Nhuận, ông anh của Lý Tống, người sắp bước qua tuổi 90, được cô con gái Lê Xuân Lộc cùng người cháu Trương Minh Hồng dìu tới bệnh viện.

Truyền thông báo chí xúm ngay lại, đặt những câu hỏi dồn dập. Phải khó khăn lắm gia đình mới đi được vào phòng thăm Lý Tống. Tôi chẳng quen biết ai, chỉ đi đi lại cho đỡ tù túng tay chân. Tới gần nửa đêm, phòng đợi dần thưa người, thân nhân Lý Tống mới được chút thoải mái ngả lưng trên mấy chiếc ghế sofa, chờ đợi Sư cô Hạnh Như trở về chùa, định xem giờ nào tốt để rút ống trợ sinh.

Nhìn ông Lê Xuân Nhuận lộ vẻ mệt mỏi, vợ tôi bưng một ly nước ấm đến mời ông, rồi lên tiếng hỏi:

- Bác với cô Xuân Lộc đã ăn uống gì chưa?

Nghe vậy, Thiện Thành, người điều hành "Thiện Thành Show" của "Viet Online Radio" bước tới, móc từ trong túi jacket, lấy ra một ổ bánh mì thịt khá to, cầm đưa cho cô Xuân Lộc rồi hỏi:

- Bác trai ăn được bánh mì thịt không vậy chị?

Mắt Xuân Lộc sáng lên, cám ơn rối rít, bẻ ổ bánh làm đôi. Vừa đưa cho cha phân nửa vừa nói:

- Ba ăn đi để còn uống thuốc.

Nhìn hai cha con nhai miếng bánh ngon lành, tôi đoán, chắc từ lúc rời nhà ra đi đến giờ, họ vừa lo lắng vừa vội vã vẫn chưa kịp ăn uống chút gì.

*

Đến lúc nhận được điện thoại của Sư cô Hạnh Như báo cho biết: Ngày thứ Sáu 22 tháng 3 có 2 giờ tốt, 9 hoặc 11 giờ sáng, gia đình đã chọn rút ống thở, để Lý Tống yên bình ra đi vào lúc 11 giờ. Mọi người cùng đứng lên, hẹn gặp lại nhau vào lúc 10 giờ 30 sáng.

Thêm một lần nữa, tôi lại ngỏ lời:

- Như vậy chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là phải có mặt tại đây. Vậy xin mời bác Nhuận, cô Xuân Lộc với chú Hồng lại nhà tôi nghỉ ngơi, để sáng cùng đi luôn một xe cho tiện.

Cô Xuân Lộc nói lời cám ơn, chỉ nhờ tôi đưa hai cha con về khách sạn. Nghe vậy Thiện Thành liền lên tiếng:

- Vậy chú Hưởng cho con về nhà chú đi.

Chúng tôi về đến nhà đã hơn 2 giờ sáng. Ngồi trước tô mì nóng hổi, Thiện Thành cám ơn rối rít, còn diễu cợt:

- Chắc con được Ơn Trên trả công vì đã nhường ổ bánh mì cho bác Nhuận với chị Xuân Lộc, nên mới được cô bù cho tô mì với cái đùi gà nóng hổi.

Trò chuyện một hồi, Thiện Thành nói thêm:

- Con cũng phải cám ơn chú Lý Tống nữa, nhờ chú mà con tìm được người Cà Mau, còn tìm được cho ba con người bạn tù ở chung trại cải tạo Cái Đôi hồi trước nữa.

*

Vợ tôi dậy thật sớm, lo ăn sáng cho tôi cùng Thiện Thành xong, còn "to go" phòng hờ cho khách. Chúng tôi rời nhà sớm để đi đón cha con ông Nhuận. Chạy tới khoảng giữa đường, cô Xuân Lộc gọi báo cho biết, đã có người đến đón. Tôi đổi hướng chạy thẳng tới nhà thương.

Ba chúng tôi lên tới phòng bệnh đúng 9 giờ 30 sáng, vẫn chưa có ai ngoài cô y tá. Rờ tay chân Lý Tống vẫn ấm, tự nhiên tôi nói với anh:

- Anh Tống ơi, Hưởng đến thăm anh đây. Anh nghe được thì ra dấu hiệu cho tôi biết.

Nhìn mặt, tôi cảm thấy dường như đôi mắt Ông hơi nhúc nhích, rồi một tiếng "tít" khá rõ trong chiếc máy đặt ngay đầu giường kêu lên. Cô y tá đứng bên cạnh nói vội:

- Có dấu hiệu bệnh nhân đang động đậy.

Tôi như muốn ứa nước mắt, gọi thêm:

- Anh Lý Tống ơi,...

Cứ thế tôi huyên thuyên nói hết chuyện này qua chuyện khác chừng năm ba phút. Tôi chẳng nhớ đã nói điều gì, tôi tin chắc Ông đang nghe tôi. Đến khi thấy lưỡi Ông nhúc nhích, Thiện Thành buông ngay chiếc Iphone đang quay video xuống, luôn miệng gọi chú Tống ơi, chú Tống à, cháu là Thiện Thành đến thăm chú đây, chú có nghe cháu không? Rồi liên tục nhắc chuyện này, hỏi Ông chuyện nọ.

Bước ra bên ngoài, chúng tôi bàn với nhau sẽ khuyên gia đình bỏ ngay chuyện rút ống. Trong lúc chờ đợi, tôi kể cho Thiện Thành nghe về Phạm Xuân Tạo, đứa con nuôi của vợ chồng tôi. Tạo mắc chứng bệnh ung thư máu. Nhiều lần bác sĩ khuyên rút ống để cho Tạo ra đi một cách nhẹ nhàng. Nhưng năm lần bẩy lượt Tạo đều hồi sinh trở lại trước lúc bác sĩ định rút ống. Và sau 79 ngày hôn mê, hoàn toàn không biết gì cùng hơn ba năm điều trị, tuy Tạo phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn đủ sức khỏe để Tòa giám mục Melbourne truyền chức linh mục.

Tôi còn kể thêm trường hợp một anh bạn là dân đánh cá. Khi hay biết Lý Tống rất thích món Sushi, đã 2 lần anh gởi cá từ San Francisco xuống, để tôi mang biếu Lý Tống. Mấy lần Lý Tống xin tôi số điện thoại để gọi cám ơn anh bạn đó. Tôi không thể cho được bởi lúc đó bạn tôi đang nằm trong nhà thương vì bệnh ung thư gan, gia đình đang bối rối chuẩn bị việc ma chay.

Mấy ngày sau khi Lý Tống vào bệnh viện, tôi đã nhận được tin, anh bạn tôi đã bình phục, hiện đang về Việt Nam chơi. Tôi hy vọng có ngày chính Lý Tống sẽ nói lời cám ơn đó và tiếp tục nhận được mấy loại cá mà Ông ưa thích.

*

Đến lúc gia đình vào tới, tôi chỉ kịp nói với cô Xuân Lộc:

- Ông Lý Tống có dấu hiệu hồi sinh.

Rồi trong lúc gia đình vào với Lý Tống, mọi người quan tâm tới Ông đều ngồi tại phòng chờ. Niềm vui như vỡ òa, lúc cô Xuân Lộc thay mặt gia đình báo tin, chuyện rút ống trợ sinh sẽ không xảy ra nữa. Vị bác sĩ thừa nhận tình trạng Lý Tống khả quan hơn mấy ngày trước. Tôi còn nghe kể thêm, lúc đứng bên giường em, khi ông Nhuận gọi: "Tống ơi, anh Nhuận đây", đột nhiên cằm Lý Tống lay động, như muốn cố trả lời. Còn lúc Sư cô Hạnh Như đọc lời cầu an, Lý Tống đã chảy nước mắt, sau đó còn hé mở mắt, nhẹ lắc đầu, môi mấp máy như muốn nói điều gì.

Buổi trưa ngày hôm đó, trước khi về lại Bắc Cali, gia đình cũng tỏ ý quan ngại vì tình trạng quá đông người tới thăm Lý Tống. Điều này khiến các bác sĩ, y tá cũng than phiền về chuyện chụp hình, quay phim, nói năng ồn ào gây phiền toái cho các bệnh nhân khác. Nhờ vậy việc giới hạn khách đến thăm được đặt ra và thi hành ngay lập tức.

*

Kể từ sau ngày thân nhân Lý Tống rời San Diego, tôi cũng tự giới hạn việc ra vào nhà thương. Mỗi lần đến, tôi chỉ đứng bên giường cầu nguyện cho Ông dăm ba phút, chớ chẳng nói năng, hỏi han gì. Tôi chỉ biết làm có bấy nhiêu và mong đợi thêm một lần nữa phép mầu sẽ xảy đến với Ông.  

Rồi ông Lê Xuân Nhuận gởi email báo cho tôi biết, trưa thứ Hai 1 tháng Tư, Xuân Hạnh, cô con gái út sẽ đưa ông cùng mấy người em họ xuống San Diego thăm Lý Tống. Nhờ vậy tôi lại được biết thêm đôi chút về dòng tộc của Lý Tống có người làm "lớn", nếu nói chính xác hơn là làm rất lớn ở cả hai bờ chiến tuyến Bắc Nam trước đây.

Nhưng cho dù quan tòa xử vụ Lý Tống cướp máy bay, xếp Ông vào loại gia đình có công với "cách mạng", Ông chẳng những không nhận điều này, còn dõng dạc khẳng định trước tòa: Gia đình Ông là gia đình cách mạng chân chính, chớ không phải gia đình cách mạng Cộng sản. Cha Ông chống Pháp, bị Pháp chặt đầu, anh Ông bị Pháp bắt bỏ tù phải vượt ngục trốn vào bưng biền, cuối cùng ra Bắc trở thành người chống Mỹ. Còn Ông và tất cả mọi người ở tại Miền Nam đều chống Cộng, bị Cộng sản liệt vào hạng cực kỳ ngoan cố, cực kỳ phản động.

Chuyến trở xuống San Diego này, người thân của Lý Tống chỉ lưu lại nhà tôi mỗi một đêm, đến chiều thứ Ba, 2 tháng 4, sau khi vào thăm Ông, mọi người cùng trở lên Los Angeles.

Đến trưa thứ Năm, 4 tháng 4 tôi vào đứng cạnh Lý Tống, mọi sự chẳng có gì thay đổi. Qua trưa thứ Sáu, 5 tháng 4, Cù Thái Hòa đột ngột gọi báo tin, bác sĩ vừa cho anh biết, phổi Lý Tống hoàn toàn không hoạt động được nữa, chắc Ông sắp ra đi. Tôi chạy vội vào nhà thương. Cù Thái Hòa một mình u buồn ngồi trong phòng đợi.

Thấy tôi bước vào, anh báo tin ngay:

- Gia đình lại đang trên đường trở xuống San Diego.

Tôi bảo anh:

- Như vậy sớm lắm khuya nay họ mới đến đây.

Cù Thái Hòa lắc đầu:

- Cô Xuân Hạnh đang ở quận Cam, mới chất đồ lên xe để trở về Bắc Cali thì nhận được điện thoại của tôi. Chắc chỉ đôi ba giờ cả nhà sẽ quay lại đây.

Và suốt từ trưa đến chiều hôm ấy, năm người gồm: Ông Nhuận, cô Xuân Hạnh, anh Trương Minh Hồng, Cù Thái Hòa và tôi ngồi nơi phòng đợi trên tầng lầu 4 của Sharp Memorial Hospital chia sẻ với nhau về cuộc đời và những kỷ niệm với Lý Tống. Rồi bà Nguyễn Thị Lê Hương, bác sĩ gia đình của Lý Tống cùng với chồng, con vào đến. Sau khi kể rõ các biến chuyển bệnh tình của Lý Tống, bà liền khơi ra chuyện tôn giáo. Vì là người Công giáo, bà đã đặt thẳng vấn đề:

- Có nên mời linh mục đến rửa tội cho anh Lý Tống không?

Lúc đó ông Nhuận, cô Xuân Hạnh, anh Hồng đều đồng ý. Ông Nhuận còn gọi hỏi Xuân Lộc, con gái lớn, và cô cũng đồng thuận ngay.

Thế là Cù Thái Hòa tìm gặp y tá nhờ giúp đỡ. Ít phút sau, một bà chuyên lo về việc đạo đến. Sau khi hỏi rõ ước muốn của gia đình, bà liên lạc ngay với một vị linh mục. Chưa đầy 20 phút, vị linh mục xuất hiện ngay trước ngưỡng cửa. Lúc này trong phòng đợi có thêm một bạn trẻ xuất hiện. Cù Thái Hòa giới thiệu đó là người hết sức mến mộ Lý Tống, suốt từ khi Ông nằm trong phòng cấp cứu, anh không vắng mặt một ngày nào.

Mọi người cùng vị linh mục lặng lẽ đi vào phòng bệnh, đứng quây quần bên giường Lý Tống để dự lễ rửa tội và xức dầu. Cù Thái Hòa chọn Micae, vị Tổng lãnh thiên thần, từng giúp Chúa chống lại kẻ ác là Thánh Bổn Mạng của Lý Tống. Trong buổi lễ ấy, chỉ có Cù Thái Hòa và tôi nhận Mình Thánh Chúa. Trong thâm tâm, tôi đón Chúa vào lòng thay cho người bạn đang nằm đó. Với niềm tin tôn giáo, tôi vững tin bạn tôi sẽ được Thiên Chúa rước vào nước Ngài.

Lúc quay trở ra phòng đợi, tôi chia sẻ thêm cùng mọi người về niềm tin tôn giáo của Lý Tống. Nhiều lần Ông nói với tôi, Ông tin có Thượng Đế và chính Thượng Đế đã ra tay cứu thoát ông rất nhiều lần. Còn Cù Thái Hòa thì bảo tôi:

- May mà có anh Hưởng ở đây làm chứng, không thôi người ta lại nói tôi là người Công giáo, nên tự ý mời linh mục tới để làm lễ rửa tội cho anh Lý Tống.

Tôi chân tình đáp lại:

- Việc này chắc chắn sẽ có người thắc mắc. Nhưng quyết định này là của người nhà chớ đâu phải của anh. Nếu có ai nêu câu hỏi, anh chỉ cần nói đây là chuyện riêng của gia đình Lý Tống, tôi không thể trả lời thay cho họ được. Anh Hòa ơi, anh còn rất nhiều chuyện trước mắt phải lo lắm, nghĩ nhiều đến chuyện này làm gì cho nhức cái đầu.

Trò chuyện đến đây ai cũng đói meo, mọi người đưa nhau đi ăn tối. Tôi vội vàng trở về nhà trong chốc lát.

*

Lúc tôi quay lại, nhìn đôi mắt cha con ông Lê Xuân Nhuận đỏ hoe, tôi biết ngay việc gì đã xảy ra cho Lý Tống.

Cù Thái Hòa báo cho tôi biết ngay:

- Anh Lý Tống ra đi lúc 9 giờ 16 phút. Lúc đó anh Nhuận đứng ngay bên cạnh, đã vuốt mắt cho anh Tống.

Tôi chẳng biết nói lời gì, cúi đầu một mình lẳng lặng đi vào phòng số 493. Tấm màn cửa đã khép lại, mấy cô y tá đang sửa soạn để nhân viên nhà quàn đến đưa xác Ông đi. Tôi đứng đó thầm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Micae sớm được Chúa đón về nước Ngài.

Giới truyền thông từ Little Saigon cũng xuống tới. Những câu hỏi dồn dập lại được nêu ra. Tôi nghe tiếng tiếng còn tiếng mất của ông Nhuận cùng cô Xuân Hạnh trả lời trong nước mắt. Tôi nói nhỏ với Xuân Hạnh.

- Tôi thấy bác Nhuận mệt lắm rồi đó, mọi chuyện ở đây đã có ông Cù Thái Hòa lo. Thôi cô với chú Hồng đưa bác về nhà nghỉ ngơi đi, trời cũng khuya rồi.

Tôi cũng lẳng lặng ra về sau khi nhìn thân xác Lý Tống phủ kín bằng một lớp vải, được nhân viên nhà quàn đẩy vào trong thang máy. Cánh cửa khép lại, tôi làm dấu thánh giá, cúi đầu đưa tiễn bạn mình.

*

Anh Tống ơi!

Chắc tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt, hay vô cùng thương tiếc khi tiễn đưa Anh. Bởi ngay lúc này, tôi vững tin Anh đã được Chúa cứu rỗi, trước sau gì chúng ta sẽ được gặp lại nhau nơi nước Chúa. Anh ra đi đúng vào ngày chiếc A37 do Anh lái bị bắn rơi tại Ba Ngòi. Chiếc máy bay tuy vỡ tan tành, nhưng viên phi công vẫn tiếp tục tung cánh bay thêm 44 năm nữa. Tôi tin không một viên phi công nào tung hoành trên bầu trời suốt hơn nửa thế kỷ, để làm nhiệm vụ bảo quốc, an dân, mưu tìm tự do, dân chủ, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam giống như Anh. Anh cũng là một chiến sĩ mặc áo nhà binh suốt từ ngày nhập ngũ cho đến khi vĩnh viễn rời cõi thế.

Đến giờ này tuy sự bền bỉ tranh đấu vẫn chưa có kết quả như Anh mong đợi, nhưng "không thành công cũng thành nhân", lời của Anh Hùng Nguyễn Thái Học, mà Anh từng nói với tôi là anh đã học được để nghiền ngẫm từng lời đối chất trước tòa án của những người muốn kết tội yêu nước của anh. Và đúng như lời đanh thép anh đã nói với họ:

“Lúc trở về đây, tôi nhân danh Tổ quốc, Nhân dân và Công lý. Quý vị ngồi trước mặt tôi cũng nhân danh Tổ quốc, Nhân dân và Công lý để kết tội tôi. Trong phiên tòa này quý vị là những quan tòa và tôi là bị cáo. Nhưng tôi nghĩ rằng, sau phiên tòa này còn có một phiên tòa khác là tòa án lịch sử, trong tòa án lịch sử đó nhân dân Việt Nam sẽ là vị quan tòa công tâm, họ sẽ là người định công định tội tôi và các ông.”

Anh Lý Tống ơi, tên Anh đã hiên ngang đi vào lịch sử. Công tội đã rõ ràng, anh đang trở thành tiền nhân, đang ở trên cao để phù hộ cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Ngày thân xác Anh đi vào lòng đất cũng chính là ngày Chúa Phục Sinh. Tôi luôn vững tin Anh sẽ được bình an trong bàn tay nhân ái của Ngài. Một lần nữa xin tạm biệt và cám ơn Anh đã xem tôi là một người bạn trong những năm tháng cuối đời.

Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
21/04/201910:41:52
Khách
Tôi thích Lý Tống không gì anh là người chống cộng cực đoan mà thích anh là coi 10 năm tù như vất ngũ trưa.
Tôi thích LT qua cuộc đàm thoại với tên đại tá an ninh Thailand :
Ông đại tá: nghe nói mầy là đại uý của VNCH gan lì , tao nghe nói có một số quân do phục quốc tuyển mộ sau mầy không đi theo họ để giải cứu quê hương của mầy, có phái mầy định đào ngủ tập 2 phải không?
Lý Tống: Thưa ông đại tá chiến đấu cái kiếu đó không phải chuyên nghiệp của tôi. Tôi là một phi công F5 của Mỹ chế bỏ bơm mà VC không chết còn giờ nầy ông kêu tôi cầm cây súng R15 hay R16 đi đánh với VC.( Anh Tống anh không hiểu tụi an ninh Thai . Khi tôi đến Thai năm 81 có quen 2 người vượt biên bằng đường bộ và cả đường biển rồi vào được đất Thai. Nguyễn Văn Hải là người REAL Việt Nam Cộng Hoà bố của nó là trung tá hải quân định cư tại pháp năm 75. Nguyễn Mạnh Cường là người REAL của VC chánh tông Hà Nội cuối cùng tụi an ninh Thai cho tháp tùng cùng chuyến nghe của tôi nhập trại Leasing Thailand cả 2 đều ngoan và hiền . Cao ủy không cang thiệp được quyền sát sanh của an ninh Thai.)
Người hùng cướp máy Air Vietnam chổ nầy thì tôi cũng thích anh nhưng là người HÙNG nhà báo viết thiếu chử K.
Tôi thích anh lái máy bay qua Cuba làm dùm chuyện của người khác, không biết có lảnh lương không hay bớt được 6 năm tù còn 6 tháng tù của Đàm Vình Hưng. Nghe nói hôm nay là ngày nhập quan của anh tôi xin chúc anh thượng lộ bình an nhờ ơn chúa hay phật.
21/04/201908:18:23
Khách
Có Pháp danh, tin vào Phật lên Niết bàn. Có rửa tội, có tên Thánh tin vào Thiên Chúa (Đấng Tạo Hoá/Trời) vô Thiên Đàng. Cả hai điều đều tốt, Lý Tống được cã hai, mừng vui cho anh.
20/04/201909:32:39
Khách
Tôi là người theo đạo Công giáo cũng thấy kỳ. Biết lý Tống quy y theo đạo Phật thì nên để nhà chùa họ lo tang lễ. Mình nhào vô chi để mang tiếng tranh giành linh hồn trong lúc LT hôn mê. Các vị lo phần hồn và những người hám danh , cuồng tín càng nên cân nhắc vì điều này rất tế nhị. Nhất là người mất là những nhân vật nổi tiếng.
19/04/201918:18:31
Khách
Hay? viet nhu the? chung' ta ddang noi' chuyen voi' nhau mot cach lich su*. nhat'
The' gioi' nay` dda~ qua' nhieu` ma^u thuan? va` thu` oan'
Mong lam' thay !
Thong thuong trong gio` phut la^m chung , than nhan nguoi` hap hoi' thuong` moi` nha` su* hoac linh muc dde? chuan? bi cho phan` ta^m linh truoc' phut lia` ddoi`
Ong Ly' Tong khong co' gia ddinh` vo*. con , chi? co' anh em va` chau' o? xa , khong co' nguoi` chuan? bi cong viec nay` .Vao` gio` chot' co' nguoi` goi y' va` ban. tha^n cua? ong LT la` nguoi` nhung~ cong giao' Tat nhien vi. linh muc dduoc moi` dden trong gio` phut nay` cung~ la` ddieu` de? hieu?
Thien. y' nay` neu' co' dduoc dda~ la` mot su rat tinh` co` , khong co' su* tien lie^u,
Du` sao ong LT dda~ ra ddi trong su thanh thang? va`chung' ta hieu? dduoc rang` linh ho^n ong dda~ dduoc cuu' roi? vao` nhung~ gio` phut' sau cung`.
Tran trong .
KIm Ho
17/04/201922:45:37
Khách
Thiệt là mệt cái đám nhà thờ. Bây giờ thiếu linh hồn quá nên đi bắt người ta như việt cộng bắt lính.
17/04/201919:33:23
Khách
Ba bs gia dinh vo van qua ! Chuyen vo^ dao. phai do chinh nguoi do chap nhan chu. Dang nay nguoi binh da hon me, con biet gi nua dau. Gia dinh nguoi ta dang boi roi, noi gi ma nguoi ta khong gat! Trong khi ong Ly Tong da duoc dat Phap Danh tu be' ! Toi khong phan biet ton giao, nhung toi rat ghet may nguoi co dao. hay du. nguoi binh khi nguoi ta sap chet Vo Dao !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,728,206
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất. Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự.
Chào mừng tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, mong ông tiếp tục viết và bổ túc mấy dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến