Hôm nay,  

Từ Huế Đến Sacramento

05/04/201900:00:00(Xem: 12311)
Tác giả: Nguyễn Thị Yến

Bài số  5656-20-31462-vb6040519

 
Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế  năm 1972, đã dạy văn tại Huế 18 năm. Đến Mỹ 1990, đi học và trở lại nghề nhà giáo. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento,     California. Bà cũng từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết về nước Mỹ 2009, với bài viết Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975.

 
KieuChinh, Chi NhaCa va Yen 2009
Hình lễ phát giải VVNM 2009, từ trái: Kiều Chinh, Nguyễn Thị Yến, Nhã Ca.


***
 

Buổi sáng mùa xuân, tôi rảo bước quanh vườn, mỗi bước đi bàn chân tôi nhẹ nhàng dẫm lên thảm cỏ.  

Sáng nay, không có tiếng chim, chỉ có tiếng lá cây đong đưa xào xạc.   Nắng rạng rỡ và trong gió thấp thoáng có mùi hương.  Một bất ngờ thật dễ thương khi tôi nhìn thấy đám hoa violet đầu mùa đang nở rộ.  Ở Mỹ, khí hậu tốt, thiên nhiên trong lành, đất và phân bón là nguồn sống mạnh mẽ cho cây cỏ.  Mấy đóa hoa violet cánh to, vươn lên khỏe đẹp, màu tím biếc nổi bật trên đám lá xanh tươi. Tôi ngồi xuống thật gần. Mùi hương tỏa nhẹ gợi trong tôi một cảm xúc rất con gái.

Không phải tình cờ, mà thật ra mỗi loại hoa có mặt trong vườn nhà tôi đều có một ý nghĩa nào đó.  Cây mộc là hình ảnh hai bụi hoa mộc của ba mạ tôi trong ngôi nhà vườn ở Huế.  Khi hoa mộc nở trắng ngát hương cả khu vườn là khi tôi da diết nhớ đến tuổi thơ của tôi.  Hoa hồng, hoa dạ lý, hoa ngọc lan, hoa quỳnh đều có những niềm thương quý trong tôi.  Những đóa violet tim tím đã nằm trong lòng đôi bàn tay nhỏ bé của tôi từ tuổi mười lăm, mười tám khi tôi vừa biết mộng mơ.  Violet đã ghi dấu trong tôi kỷ niệm một thời. “Công chúa Violet” trong đêm Văn Nghệ Liên Khoa, tổ chức tại Đại Học Sư Phạm Huế, năm 1970 ...

Cái đêm đáng nhớ năm 1970 ấy, lớp Việt Hán của thầy Đoàn Khoách với sự cộng tác của lớp Sử Địa đã đóng góp hai tiết mục văn nghệ: hoạt cảnh “Dạ Hội Muôn Hoa” và vũ khúc “Chiều Tà”.  Trần thị Trà Mai độc vũ “Chiều Tà”, và chúng tôi Phan Bích Hà, Nguyễn thị Bạch Mai, Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Nguyễn thị Kim Chi, Nguyễn thị Yến . . . trong màn hoạt cảnh.  Bích Hà thủ vai “chú thằn lằn”, chủ nhân ông buổi dạ hội, còn mỗi diễn viên chúng tôi đóng vai công chúa của một loài hoa, hay giả trai làm công tước, bá tước, huân tước ... những vị thượng khách của đêm đại yến.  Tôi “công chúa Violet” trong chiếc áo đầm dạ hội màu tím đã lọt vào sóng mắt của “bá tước Bạch Mai”.

Trên sân khấu, buổi dạ hội thật đẹp đẽ, tưng bừng trong các điệu nhảy boston, tango, bolero, paseo ... Lớp Việt Hán năm thứ nhất của tôi nam nữ gồm 40 sinh viên, còn có chị Hàn Cúc Anh, các bạn Đoàn thị Nhỏ, Trần thị Kim Quỳ, Hoàng thị Thương, Võ thị Liên Thi, Huỳnh thị Hồng Loan, Nguyễn thị Vân Hương ... Chao ơi, có thể nào một người được tắm hai lần trong cùng con nước của dòng sông?

Rồi năm tháng đi qua, tôi ra trường năm 1972.  Nhiệm sở đầu tiên của tôi là trường Trung Học Đông Giang, Đà Nẵng.  Sau hai năm, giữa 1974, tôi được hoán chuyển về dạy trường Quốc Học, Huế.  Biến cố tháng 4 năm 1975 xảy ra khi tôi đang dạy tại ngôi trường nổi tiếng này.  Giữa năm 1976, tôi phải chuyển về dạy tại trường Nguyễn Tri Phương, rồi trường Tây Lộc B, và năm 1980 tôi chuyển về dạy tại trường Thống Nhất cho đến năm 1990.  Gia đình tôi rời Việt Nam, đến Mỹ vào tháng 5 năm 1990.

 

Tháng Tư, Quê Hương ơi!

Ngày 17 tháng 3 năm 1975, khi nhiều người đang xôn xao, lục đục rời bỏ Huế, tôi đến trường Quốc Học gặp anh hiệu trưởng Phan Khắc Tuân xin nghỉ phép để lo việc di tản gia đình vào Đà Nẵng.  Không ngờ chính lúc này, cùng với lịch sử dân tộc, đời tôi bắt đầu rẽ vào một khúc quanh!  Chúng tôi rời Huế di tản vào Đà nẵng ngày 18 tháng 3, 1975…

Tôi bắt đầu ghi…

Đà nẵng, đêm 5 tháng 4, 1975… Con đường Bạch Đằng trống hoác.  Con đường dài thênh thang của những buổi sáng đầy gió lộng, những buổi chiều nắng vàng phủ ngập, bây giờ vắng tanh đến rợn người.  Anh ơi, anh ở đâu?   Người ta mời anh đi họp, bây giờ anh ở đâu?  Ai đem gia đình mình về lại Huế?  Không một bóng người.

Tôi đứng đó.  Gió sông Hàn phần phật. Tiếng vỗ của những con sóng rối rắm, chồng lên nhau, chen lấn, di động như không hề dứt.  Dấu tích của con tàu với hàng ngàn người bương bả tìm sống trong cái chết mới hôm kia, giờ chìm sâu.  Cái dấu lặng mơ hồ trên bề mặt của nước đang rần rật cuồn cuộn xoáy trong tôi.  Nước màu đen, trời màu đen.  Chỉ có ngọn đèn trên kia đang tỏa chút ánh sáng, dửng dửng, thách thức.

Chờ ai?  Thằng bé cựa quậy trên tay, miệng mấp máy như muốn hỏi.  Mình chờ ba con ạ!  Tôi trả lời con bằng cái nhìn da diết rót thẳng vào đôi mắt đen láy của đứa con trai mười tháng tuổi.  Rồi cái nhìn ấy xa xăm, mất hút tận cuối con đường dài.  Từ đầu đến cuối đường không một bóng người.  Tôi quấn chặt con trong vòng tay.  Ngồi đó đợi… Cho đến khi bóng tối phủ khắp, hơi sương ập xuống thấm lạnh đến không chịu nổi.

Mười hai ngày vô vọng.  Tôi quyết định một mình đem các con trở lại Huế.

Chiếc tàu thủy lắc lư rời bến Bạch Đằng khi mặt trời đã đứng bóng.  Ba đứa con và tôi cũng như nhiều người nôn tháo thốc vì không chịu nổi sức xô đẩy liên tục của con tàu với những đợt sóng khủng khiếp.  Giữa trùng khơi, con tàu cứ bồng bềnh.  Khi trong bụng mỗi người không còn chi nữa, môi khô, ngủ.  Thế rồi cũng đến.

Nơi con tàu đổ là một bãi đá đen.  Trời nhá nhem.  Từng đợt người chen lấn ồ ạt lên bờ, tranh nhau vượt qua bãi đá.  Thằng Trung nằm trong tay tôi không khóc, nó áp khuôn mặt xanh xao vào ngực tôi, đưa mắt nhìn đám người nhốn nháo, lắng nghe những âm thanh hãi hùng vây quanh.  Thằng Bằng bốn tuổi, một tay dắt em, con An mới hơn hai tuổi, một tay giữ vali.  Đôi mắt nó đăm đắm nhìn vào đám người hỗn loạn.  Tiếng xe nổ, đến rồi đi, tiếng người cãi cọ, trả giá, dành nhau.  Rồi mỗi người cũng tìm ra được một chuyến xe.

Tôi còn nhớ như in ngày trở lại Huế, 17 tháng 4 năm 1975, sau một tháng di tản vào Đà Nẵng.  Tôi đã trào nước mắt khi đến Huế.  Buổi sáng hôm ấy trời trong và có nắng, con đường vào thành nội hai hàng cây xanh ngát, đường Đinh Bộ Lĩnh nhỏ nhắn, thẳng tắp.  Huế mát mẻ trong lành.  Mọi vật đều thân quen, nhưng lòng tôi chua xót ngỡ ngàng… Huế ơi!

Sáng hôm sau, tôi trở lại trường Quốc học trình diện.  Một Quốc Học vừa đổi sắc.  Rồi từ ấy, những thảm cỏ xanh, những bồn lá đỏ giữa sân trường bắt đầu và dần dần nhường chỗ cho những đám rau lang, những vồng sắn.  Nề nếp hoàn toàn thay đổi.  Hôm nay chia thịt.  Phòng giáo vụ biến thành quày hàng thịt.  Một vài nhân viên tình nguyện cắt, chia và bỏ thăm cho thầy cô.  Tôi lẩn vào giữa hàng, đứng phía sau, tránh nhìn thấy khi các giáo sư đưa tay ra nhận gói thịt.

Thế rồi quen dần, những lần chia nước mắm, những lúc chia đường.  Ôi thầy cô!  Ban đầu có người tặng bạn phần tiêu chuẩn để khỏi cầm về, theo thời gian, rồi cũng quen với chế độ tem phiếu.  Đầu quý, thầy cô đua nhau đạp xe đi từ khi trời chưa sáng, để đến sớm mà sắp hàng.  Khi mặt trời lên, khung cửa sổ vừa mở và khi mùi thịt sống bốc lên là khi đám người bắt đầu xô đẩy nhau.  Những đôi mắt đau đáu nhìn vào mấy khối thịt.  Chen lấn, dành giựt, rủa nhau và hạnh phúc cũng ở đấy, đơn giản.  Mỡ.  Chị cho em ba lạng mỡ.  Chị cho em miếng ba-rọi.  Anh Lê Hữu Nam cố chèn tấm thân cao to lọt ra khỏi đám đông, nhìn tôi cười, đưa cao miếng thịt nói dõng dạc: một ngày hạnh phúc!  

Nhiều cô giáo và tôi được phân công đi lao động ngày chủ nhật, làm vệ sinh chợ Đông Ba, đi làm sạch đường phố.  Hôm nào đỏ mặt vì chở “bó hoa” – cái chủi rành được gói trong giấy báo, theo tháng ngày, đã trở nên thành thạo khi cột cái xẻng, cái cuốc vào xe đạp lên đường từ sáng sớm đi lao động công ích.

Cuộc sống thay đổi quá nhanh ngoài sức tưởng tượng của mỗi người.  Chiếc xe đạp mini, đầu năm 1975, tôi mua vì vẻ đẹp thanh lịch của nó.  Tôi thích được hưởng những buổi chiều đạp xe thong dong trên đường Đinh Bộ Lĩnh nhìn vào ngôi trường thân thương Nữ Thành Nội của một thời tuổi nhỏ, hay đạp lang thang trên đường Lê Lợi ngang trường Đồng Khánh, Quốc Học của tôi.  Bây giờ, chiếc mini là phương tiện vận chuyển duy nhất của gia đình tôi.  Hằng ngày tôi đưa con đi mẫu giáo.  Sáng đến trường, chiều về tôi đi chợ Đông Ba mua bán.  Tất cả việc trường, việc nhà cũng chỉ nhờ vào hai bánh xe nhỏ dẻo dai, bền bỉ ấy.

Từ Quốc Học, tôi chuyển qua dạy trường Nguyễn Tri Phương, rồi một năm sau lại chuyển trường.  Xuyên qua nội thành đến tận cùng cửa Chánh Tây, tôi về dạy trường Tây Lộc B bốn năm.  Nhà tôi ở ngay trước hồ Tịnh Tâm, mỗi ngày, từ sáng sớm tôi đạp về hướng đông đưa con đi học, rồi quay lại trực chỉ hướng tây đạp mau đến trường.

Có những buổi chiều đi học tập nghị quyết, đến giờ con bãi, xin phép đi đón con.  Cắm đầu đạp từ tây sang đông, đưa con ghé nhà, tôi lại lên trường học tập tiếp.  Những lúc “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, buổi tối đi họp công đoàn, rồi còn “làm thêm giờ nghỉ”, cô chủ nhiệm đi thăm góc học tập của các em vào những ngày cuối tuần.  Cũng nhờ chiếc mini ấy, theo kế hoạch “rau xanh ngắn ngày”, từ thành nội tôi đạp lên Chín Hầm đưa học sinh đi vỡ đất trồng sắn, cùng tập thể giáo viên đạp ra Phong Sơn trồng khoai.  Đến ngày thu hoạch, không thấy củ đâu, những đôi mắt nhìn nhau không nói.


Rồi tôi chuyển về trường Thống Nhất dạy mười năm cho đến năm 1990.  Giữa thời gian này, gia đình tôi đoàn tụ, cũng chiếc xe mini ấy, ngày hai buổi tôi sáng trường chiều chợ cùng chồng nuôi con...

 

Từ Huế Đến Sacramento

Tháng 2 năm 1990, tôi cất viên phấn, trả lại bục giảng, giả từ các em với ngôi truờng Thống Nhất mười năm lưu luyến và Huế thân yêu.  Rời bỏ một khúc quanh, làm cuộc đổi đời.

Quê hương ơi, ai ra đi mà không mang nặng nỗi niềm.  Tôi còn nhớ như in ngày bước chân ra phi trường Tân Sơn Nhất, 11 tháng 5, 1990.  Buổi sáng có nhạc nắng, sân bay thênh thang, gió lùa tóc mơn man như lụa gấm mượt mà.  Từ trên cao những bàn tay vẫy và dưới kia những dòng nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt người thân.  Bước lên nấc thang cuối cùng, thả va Ii, tôi quay lại một lần nữa, vẫy hai tay.

Ngày 18 tháng 5 năm 1990, gia đình tôi đến Mỹ.  Redding là một thành phố không thấy người Việt, nằm tận phía bắc tiểu bang California, đã đón nhận chúng tôi vào một buổi chiều khá lạnh.  Bên cạnh sự choáng ngợp trước xã hội văn minh giàu có của xứ người, là nỗi nhớ quê hương và niềm lo lắng cho tương lai, chúng tôi bắt tay xây dựng lại cuộc sống ngay trên thành phố yên tĩnh này.  May thay, những tấm lòng từ thiện của người bản xứ đã sưởi ấm, khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi hòa nhập vào cuộc sống mới khá nhanh.  Cả gia đình tôi đi học.  Các con tôi vào trường High School.  Còn vợ chồng tôi ôm theo đứa con gái út Cali vừa tròn năm tháng tuổi, đến học tại Adult Education Center, một trung tâm giáo dục dành cho người lớn, cho đến đúng một năm sau mới đủ tiêu chuẩn vào học trường Shasta College.

Năm 1993, khi các con lớn và chúng tôi vừa xong chương trình hai năm đại học, gia đình tôi chuyển từ Redding về Sacramento, thủ phủ tiểu bang California.

Phải chăng mỗi nhà giáo thường gắn cho đời mình mối duyên nợ với tuổi trẻ?  Chuyện sách đèn đi học, chăm sóc gia đình, đi làm kiếm sống đã nặng trĩu cả hai vai, mà lạ quá, khi ghé thăm trường Việt Ngữ Lạc Hồng, tôi cứ bâng khuâng.  Một nỗi nhớ mênh mông, có khi là nỗi dày vò.  Tôi chưa làm được gì cho em cả, em đang ở xa vời vợi, Tây Lộc B ơi, “Chín 6” ơi, “Chín 4” ơi…  Hường B ơi, Làm sao cô không ray rứt khi thư em viết: “... Em phải đi bộ 4 cây số đường núi đến bưu điện để nhận thư cô.  Đường về, em chạy cô ơi, em la to, bác ơi con nhận được thư Mỹ, cô giáo con gởi cho con.  Em la to lắm cô ơi.  Em la to, anh ơi, anh đâu rồi, em nhận được thư Mỹ, ... cô giáo em ...”  Rồi thôi, từ dạo ấy, hình ảnh em và con đường đất đỏ xa xôi nào đó bên quê nhà mất hút theo bóng thời gian.  Chỉ còn ... tiếng la to của em lâu lâu lại vọng về, nhói trong lòng tôi.

Năm 1995 đến 1997, tôi trở thành một thiện nguyện viên đảm trách điều hành Hội Phụ Huynh và Giáo Chức Việt Nam tại Sacramento.  Đây là một Hội đoàn Bất-vụ-lợi được giấy phép ban hành của tiểu bang California, do một số cựu giáo chức người Việt với tinh thần thiện nguyện đứng ra thành lập một trung tâm dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam, từ năm 1988 – Trường Việt Ngữ Lạc Hồng.

Cũng từ công việc này, tôi trở thành một người sinh hoạt cộng đồng quen thuộc, gắn bó không dứt với một số hoạt động khác cũng liên quan đến việc khuyến học và bảo tồn tiếng Việt, văn hoá Việt cho tuổi trẻ Việt Nam tại đây.

Lần theo ngõ vào đại học như một học sinh vừa tốt nghiệp trung học ở Mỹ, sau gần mười năm dùi mài sách vở, tôi đã hoàn tất việc học.  Đây là một khúc quanh mới, đẹp đẽ, mà dưới từng bước chân đi qua của tôi đã lót đầy không biết bao nhiêu là cam go, chịu đựng và nước mắt.  Vừa đến lớp học, vừa đi làm, tôi còn phải làm tròn bổn phận gia đình.  Đi học, tôi như người vượt biên, khi con thuyền đã ra khơi chỉ còn một mục đích duy nhất là đến được bến bờ mơ ước.  Có gì đằng trước cứ réo gọi, đằng sau là sức đẩy, và cứ thế, con thuyền tôi đi tới.  Đi học, chịu khó, can đảm, bền bỉ, may mắn và hy sinh.  Tất cả những thứ ấy đã bén rễ trong tôi, nuôi dưỡng tôi từ khi tôi còn là một nữ sinh, một sinh viên và ngay cả khi đã trở thành một nhà giáo nơi quê nhà.

Mười tám năm đứng lớp, tôi đã kiên trì quyết không quăng viên phấn, dù phải bao lần chông chênh trước những bức bách của đời sống tinh thần, vật chất trên quê hương.

Cũng như nhiều người Việt tị nạn ở đây, những tháng năm đầu, vừa đi học, tôi vừa đi làm kiếm sống bằng những công việc bán thời gian.  Năm 1993, khi gia đình từ Redding đã chuyển về sống tại Sacramento, tôi được nhận vào làm phụ giáo tại một trường trung học thuộc học khu San Juan, và liền sau đó, được nhận vào làm một nhân viên song ngữ toàn thời gian (Full time, Bilingual Associate) cho hoc khu Elk Grove.  Sau ba năm gián đoạn kể từ ngày rời Việt Nam, trở lại làm việc với môi trường giáo dục ở xứ người, tôi đã vui mừng không ít.  Có một kỷ niệm thật xúc động, cho đến bây giờ khi viết những dòng này, tôi vẫn rưng rưng.

Đó là buổi sáng đầu tiên khi tôi đến nhận công việc tại trường Highlands High School, thuộc học khu San Juan.  Khi tôi vừa vào trường, từ bãi đậu xe đi bộ về hướng văn phòng, một nhóm học sinh nam và nữ đang ngồi ở hàng hiên đứng dậy chào tôi bằng tiếng Việt “thưa cô, thưa cô”.  Tôi dừng lại, bàng hoàng tưởng như mình đang ở Huế, đang ở giữa sân trường Thống Nhất.  Mà không, mấy cậu tóc vàng, tóc quăn, Mỹ, Mễ, trắng, đen đang chạy chơi đuổi nhau la ó rần rật đằng kia.

Đây không phải quê nhà!  Tôi ứa nước mắt chào các em và hỏi “Tại sao các em biết cô?”  Một em, sau này tôi mới biết em là người Việt gốc Chàm, trả lời vừa bằng tiếng Anh vừa tiếng Việt, “Em nghe bà counselor nói, sáng nay, sẽ có một cô người Việt đến làm ở trường này.  Bọn em chờ cô ở đây để ‘say hello’ với cô và thấy cô là bọn em biết ngay cô là người Việt.”

Tôi mỉm cười, lòng vui khi bắt gặp trong ánh mắt các em niềm thương mến rất Việt Nam.  Ấn tượng thân thương này, vừa làm tôi càng nhớ các em học trò ngày xưa của tôi ở Huế, vừa là chất keo gắn chặt tình thầy trò chúng tôi, thúc đẩy tôi chịu khó từng ngày, làm tốt từng công việc của mình, trong suốt gần bốn năm tôi làm việc tại học khu này.

Cuối năm 1999, khi vừa hoàn tất việc học như mong ước, tôi bắt đầu đi làm một cán bộ xã hội (social worker) cho cơ quan Chăm Sóc Trẻ Con Nuôi (Foster Care Agency).  Nửa năm sau, từ giữa năm 2000, tôi trở thành giảng viên thuộc phân khoa ngoại ngữ tại trường Cosumnes River College cho đến nay.

Hôm ấy, sau buổi phỏng vấn và biết mình được nhận vào dạy Việt Ngữ tại trường này, tôi nghe lòng mới mẻ và hân hoan quá.  Mà lạ chưa, khi trở lại bãi đậu xe, từ trên bậc cấp của sân trường bước xuống, giữa mùa hè trời nắng chang chang, tôi chợt thấy lại qua ký ức và nghe rõ ràng như thật, một mảnh trời rất mát dịu của Huế, trong đó có tiếng cười trong trẻo của bạn bè tôi giữa sân trường Đại học Sư Phạm Huế, có tiếng nhạc vui và cả tiếng chuông nhà thờ đổ... mà cho đến nay, tôi không thể nào giải thích được.  Từ năm 2002 đến năm 2004, trong lúc dạy tại trường Cosumnes River College, tôi cũng được nhận dạy Việt Ngữ bán thời gian tại trường California State University of Sacramento.

Cuối năm 2000, bên cạnh cuộc sống đời thường, tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới.  Cuộc hành trình tự khám phá chính mình.  Nhóm Học Phật Lộc Uyển đã hé mở cho tôi cánh cửa tâm linh từ đầu năm 2001 và Thiền viện Diệu Nhân là chiếc nôi đầu tiên đã ươm trong tôi những hạt thiền lấp lánh.  Thế nhưng, cho đến khi đủ nhân duyên, cuối năm 2007, tôi mới thật sự đi vào con đường Thiền.  Thiền Tánh Không, một biển học và hành mênh mông đã và đang chảy suốt trong tôi từ thuở ấy cho đến nay.

Là người hiếu học, tôi luôn siêng năng tìm hiểu, học hỏi và thực hành.  Nếm được hương vị Thiền, trải nghiệm được chút ít giá trị quý báu của học và hành trên con đường tâm linh, tôi đã khám phá ra chính mình đang chuyển hoá nhận thức và bắt đầu biết làm chủ tâm mình.  Từ năm 2013, tôi được Thầy truyền trao công việc hướng dẫn Thiền cho những người đến sau.

 

*

Hai mươi sáu năm cùng với gia đình sống nơi thủ phủ thân thương này, tôi gọi Sacramento là thành phố quê hương thứ hai của tôi.

Thời tiết ở đây ấm áp, mùa đông không có tuyết.  Thành phố có những ngọn nắng hiền hoà và gay gắt, có những làn gió xuân dễ chịu và cũng có những cơn mưa dầm như mưa Huế đôi khi đã làm tôi rất nhớ quê nhà.  Cuộc sống vẫn trôi.  Tôi vẫn đi dạy và hướng dẫn Thiền.  Tôi vẫn cùng với các em sinh viên tổ chức các sự kiện văn hoá Việt Nam hằng năm tại trường.  Tôi vẫn đến học với Nhóm Học Phật Lộc Uyển và sinh hoạt với Hội Thiền Tánh Không Sacramento đều đặn.

Các con chúng tôi đã khôn lớn thành nhân đều tự lập ổn định, đang ở trong cùng thành phố.  Mái nhà của chúng tôi đang ở nhỏ nhắn gọn gàng, được mua từ năm 1999, vẫn tĩnh lặng.  Tôi đang sống giữa cuộc đời và cũng đang đi bên cạnh cuộc đời.  Hoàng hôn đang xuống trên tuổi đời của chúng tôi, lặng lẽ yên ả.

 
Hạnh phúc là khi giữa đổi thay …

Lặng yên trọn vẹn phút giây này

Ngắm bình minh đến, hoàng hôn lại … (*)

 
Ôi, những khúc quanh cuộc đời.  Hai mươi chín năm một cuộc đổi đời.  Điều đáng nói, từ Huế đến Sacramento, riêng với tôi, là một cuộc hành trình chuyển hoá nhận thức, từ nhận thức tâm đời đến nhận thức tâm linh.

Xin cho tôi được giữ ấm mãi lòng biết ơn cuộc đời, biết ơn mỗi nhân duyên.

Sacramento, Ca. Tháng 4, 2019

Nguyễn Thị Yến

(*) Online

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,614
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến