Hôm nay,  

Đời Phi Công... Không Người Lái

31/03/201918:17:00(Xem: 16068)
Tác giả: Nguyễn Văn Tới
Bài số  5654-20-31460-vb8033119

Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài  viết  của một dân sự gốc Việt từ căn cứ  Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.

drone
Phi cơ không người lái. Drones hoặc Predators.



 ***

Đúng vậy, thưa quí vị độc gia. Không phải tôi gõ sai phím hay độc giả đọc lộn.  Xin lặp lại lần nữa, đây là câu chuyện đời thật của một phi công lái máy bay không người lái (UAV). Lâu nay nhiều người trong chúng ta đã từng nghe về máy bay không người lái thường được gọi là Drones, hoặc chi tiết hơn một chút, gọi bằng tên Predators.

Máy bay không cần phi công ngồi trong cockpit không phải là cái gì là mới nữa rồi, nhưng vào đầu thế kỷ thứ 21 này, khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những kỹ thuật tân tiến, của nền công nghiệp 4.0, của thế hệ mạng wifi 5G với tốc độ internet nhanh gấp 100 lần 4G, của xe hơi không người lái (Autonomous driving cars), và máy bay không người lái UAV (Unmaned Aerial Vehicles)  được điều khiển từ xa, thậm chí từ bên kia nửa vòng trái đất, đang được dùng rất phổ biến khắp nơi trên thế giới, nhất là trong quân đội các nước.
Trong quân đội Mỹ, đây là một loại vũ khí rất phổ biến, rất hiệu quả khi săn lùng và tiêu diệt khủng bố, như đã xảy ra với tên trùm Osama Bin Laden ở thành phố Abbottabad, Pakistan. Nhờ có trang thiết bị cảm ứng thân nhiệt (heat signature) và những hình ảnh chụp được từ UAV mà vệ tinh không thể có được. Quân đội Mỹ có thể theo dõi được tên trùm khủng bố này từ 15,000 feet cho đến 50,000 feet trên cao, mất nhiều tháng theo dõi và phân tích dữ liệu ngày đêm. Trong khi UAV lúc nào cũng ở trên quan sát, thì từ một phi trường ở Afghanistan, 3 chiếc trực thăng Black Hawks đặc biệt cất cánh, mất 90 phút vừa bay vừa tránh radar dày đặc của căn cứ quân sự nguyên tử Pakistan kế khu nhà tên trùm khủng bố, và nhờ công nghệ tàng hình, toán đặc nhiệm tới nơi, đột kích, và tiêu diệt kẻ gây biết bao tội ác cho thế giới loài người và đã giết hơn 3000 người Mỹ trong tháng 9 năm 2011.

Đồng thời UAV cũng gây ra biết bao tranh cãi, kể cả biểu tình của những người phản chiến trong và ngoài nước Mỹ vì họ tố cáo drones đã giết lầm người dân vô tội. Với công nghệ ngày càng tân tiến thì máy bay không người lái cũng không ngoại lệ. Ngoài ra UAV còn được xử dụng để thu thập và phân tích thông tin tình báo, chụp và vẽ ảnh không đồ, hoặc quan sát, đánh giá những vùng bị thiên tai cần cứu giúp mà không thể đến bằng xe hay đi bộ.

Tôi sẽ không đi sâu vào kỹ thuật, cái hay dở của chiếc máy bay, và càng không nói về chính kiến của công luận khi đề cập đến vũ khí đặc biệt này; tôi chỉ muốn kể lại câu chuyện đời của một người phi công không người lái mà tôi sẽ dùng ngôi thứ 3 số ít là HẮN. Công ty mà hắn đang làm việc không cho phép tiết lộ chi tiết việc làm, địa điểm công tác, và tên thật của nhân viên, xin bạn đọc thông cảm.

*

Hắn qua Mỹ khi tuổi đời đã bước vào hơn con số băm (30) và khi lòng nhân đạo của thế giới đã cạn kiệt cho người tỵ nạn Việt Nam. Một thân một mình với học lực chưa xong trung học ở Việt Nam trước năm 1975, sau ngày mất nước thì số phận của hắn chỉ là chôn tương lai trong vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc.  

Để kiếm sống, hắn và một tên  bạn thân phải xoay trở đủ nghề. Hết lên non  lại xuống biển, rồi xoay qua chặt củi Đước gần cửa biển Cần Giờ, vác củi lên vai lội bùn quá đầu gối, chất 15 thước củi xuống chiếc ghe 12 mét, và chèo bằng tay, có khi mất 2 ngày mới về đến bến Thị Nghè để bán. Củi Đước được chặt thành khúc dài 8 tấc và rất được ưa chuộng vào thời gạo châu củi quế những năm sau 1975 vì than rất đượm và cháy lâu hơn củi thường.

Định mệnh khiến hắn bỏ biển trở lại rừng vì một tai nạn thương tâm xảy ra giết chết thằng bạn thân của hắn. Một đêm cuối năm trời thật lạnh, một nhánh sông có tên Rạch Mả, lòng sông chật hẹp, ngoằn ngoèo, và tối thui, nơi có nhiều ngội mộ của cán bộ cộng sản trong thời chiến tranh, chiếc ghe của hắn đã bán hết củi và được kéo chạy song song bởi một chiếc ghe bạn trang bị máy đuôi tôm Kohler (1). Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, tiếng động cơ nổ đều, hai chiếc ghe vẫn đang trên đường về nhà. Hắn được phân công ngồi đằng lái bên ghe hắn để giúp cho tài công ghe có máy trong trường hợp khẩn cấp. Người bạn khác đang nằm ngủ giữa lòng ghe, còn thằng bạn thân nằm ngủ phía mũi ghe. Chiếc ghe máy bên kia cũng có 3 người, hai người khác nằm ngủ và tài công chính đang thức điều khiển máy và bẻ lái.

Trùm mền ngồi dựa bánh lái ngủ gà ngủ gật, hắn bị đánh thức bởi tiếng động cơ Diesel ồn ào vang đến từ bên kia khúc quanh. Một đoàn tàu kéo thật dài đang chạy ngược chiều thình lình nhô ra, một sự va chạm dữ dội, ghe lắc lư mạnh giữa tiếng la hét thất thanh của nhiều người. Hai đoàn ghe dạt xa nhau ra, rồi mạnh ai nấy cố gắng điều khiển tàu lấy lại thăng bằng và tiếp tục hành trình của mình. Nhìn về mũi ghe, không thấy X., thằng bạn thân, mà chỉ thấy một góc tấm mền nửa trên ghe nửa dưới nước. Hắn la to yêu cầu tài công dừng lại để kiểm điểm người và đánh giá hư hại.

Trời vẫn tối đen, nước thủy triều đang lên lớn nên gió theo con nước thổi lên những cơn gió lạnh buốt da. Cả 5 người đồng thanh kêu tên thằng bạn mà không nghe nó trả lời. Hơn 10 phút trôi qua, mọi người biết chắc rằng bạn mình đã chết. Hắn tiếp tục gào đến khan cổ, chỉ có sự im lặng đến rợn người đáp trả. Cởi áo vắt lên cọc chèo, hắn lao mình xuống dòng nước lạnh chảy xiết, lặn thật sâu đến khi hết hơi trong phổi mới trồi lên. Cứ như thế, hắn và mấy người bạn ghe, thay phiên nhau ngụp lặn mong kiếm được xác bạn mình.

Trời dần hừng đông và con nước bắt đầu ròng (nước xuống), tất cả đều mệt lả vì đuối sức và lạnh, vẫn không thấy tăm hơi bạn mình. Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, chợt anh chàng câm bên ghe máy ú ớ la hét và chỉ ngón tay về phía bờ sông.

Theo hướng chỉ, hắn thấy xác bạn nằm úp dật dờ trôi tắp vào bờ. Chèo ghe đến gần, hắn lại nhẩy xuống sông đưa xác bạn đến gần thành ghe. Mấy người bạn giúp kéo xác lên, đặt nằm ngay ngắn giữa lòng ghe. Khi vuốt tóc cho bạn mình, hắn thấy một vết cắt khoảng 5 cm bên thái dương trái. Mọi người đồng ý rằng khi bạn hắn té xuống nước, một cánh quạt động cơ chém vào màng tang nhưng không biết cánh quạt của bên nào.  

Bạn hắn nằm đằng kia, khuôn mặt vẫn như say ngủ, không biểu hiện sự đau đớn nào, chỉ có khuôn mặt nhợt nhạt đi vì lạnh mà thôi. Hắn thề sẽ không bao giờ trở lại nghề sông nước.

Cũng lại định mệnh đưa hắn trở lại với nghề sóng nước khi cao trào vượt biên bằng thuyền trở nên rầm rộ vài năm sau đó, hắn được chiêu mộ làm taxi chở người vượt biên, để rồi ngày hôm nay, hắn có mặt tại đất nước tự do và đầy cơ hội này. Hắn hoang mang lắm không biết mình sẽ làm được gì trên quê hương mới mẻ này.

Rồi những ngày cực khổ vừa làm vừa học, hắn cũng lấy được mảnh bằng của FAA (Federal Aviation Administration), rồi học thêm lái máy bay loại nhỏ 1 động cơ, để cuối cùng duyên phận đưa đẩy hắn trở thành phi công của loại máy bay không người lái, làm việc theo hợp đồng bay và huấn luyện cho quân đội Mỹ.

Một thời gian dài trước đó, hắn bay cho các công ty tư nhân, sau làm việc trong những căn cứ quân sự trong nước, rồi trở thành huấn luyện viên bay (flight instructor) cho quân đội Mỹ. Hắn tình nguyện đi nhiều nơi trên thế giới, kể cả những quốc gia được gọi là vùng chiến sự (combat zone hay war zone), tham dự nhiều chuyến bay trinh sát ở các nước đồng minh, song song với nhiệm vụ theo dõi khủng bố trên khắp vùng trời Trung Đông.

Hắn rất tự hào vì đã góp một phần nhỏ phục vụ cho quê hương đã dang đôi tay ôm ấp hắn, cho hắn được tự do theo đuổi ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ, và hơn nữa là loại bỏ bớt những phần tử cực đoan cho quê hương mới này và nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày còn nhỏ, vì cha là lính nên gia đình cậu bé sống trong khu gia binh phi trường Sóc Trăng miền Nam Việt Nam, nơi đã ươm mầm và nuôi dưỡng ước mơ bay bổng, đã chắp thêm đôi cánh thiên thần cho cậu bay vào không gian. Hằng ngày cậu thường dõi mắt theo những chiếc khu trục cơ (skyraiders) với những động cơ gầm thét ồn ào, xé không gian lao vút vào bầu trời xanh. Những ngày đầu, cậu sợ hãi bịt chặt tai  khi phi cơ gầm rú lao nhanh trên phi đạo lấy đà cất cánh. Sau quen dần, những âm thanh và hình ảnh của những con chim sắt luôn kích thích trí tưởng tượng và óc phiêu lưu của cậu bé quê mùa lớn lên bên những cánh đồng hiền hòa xanh mướt vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng những chiếc trinh sát cơ L-19 còn gọi là máy bay Bà Già hay Đầm Già là lôi cuốn cậu bé nhiều nhất vì nó bay chậm và động cơ không ồn ào như các chiến đấu cơ bán phản lực kia. Ngày ấy, khi nhìn những người phi công Việt Nam Cộng Hòa cao lớn, oai vệ trong bộ quân phục bay áo liền quần (coverall), tay cầm nón bay (helmet) và cặp táp, leo vào buồng lái (cockpit) của chiếc phi cơ, đề máy nổ; cậu mê hoặc nhìn theo những cánh quạt quay tít trong khi phi cờ từ từ chạy (taxiing) trên đường băng và bẻ cua để vào phi đạo chính.

Hình ảnh những chàng phi công VNCH bước đi hùng dũng in trên bóng trời chiều nhạt nắng trong những chuyến bay hoàng hôn mới đẹp và oai hùng làm sao! Tâm trí cậu lênh đênh phiêu bồng theo từng đôi cánh phóng vút vào trời xanh đến nỗi mẹ kêu về ăn cơm mà cậu cũng không nghe.

Thật khó tưởng tượng cậu bé mơ mộng thời ấy nay có thể trở thành “phi công chính” cho loại máy bay không người lái lạ đời của thế kỷ 21.

*

Một ngày đẹp trời, trong một căn cứ quân sự trên đất Mỹ, có hai chàng phi công, một nhỏ con, gốc Châu Á, người kia mập ú, mắt xanh, tóc vàng, bụng phệ; cả hai quần short, áo polo, dáng điệu lè phè, tay cầm ly soda, đang khệnh khạng bước vào một cái hộp sắt được gọi là GCS (Ground Control Station). Chiếc phi cơ thì đang ở trên đường băng (ramp) đâu đó trong phi trường. Hai chàng phi công này nhìn chán lắm: tướng tá trông “oai phong lẩm... cẩm” gì đâu, dáng dấp lại tương phản với nhau đến buồn cười như trong phim “Ốm Béo” với hai tài tử Laurent và Hardy. Đã vậy, anh chàng mập còn đội thêm cái nón kết quay ngược đằng sau. Mười hai con giáp, không giống con giáp nào cả.

Thưa quý độc giả, là một phi công không người lái thì ngoại hình không quan trọng, nếu cao ráo, khỏe mạnh đẹp trai thì thật lý tưởng, còn không thì cũng không sao sất! Không cần phải oai hùng lẫm liệt, cao lớn, khỏe mạnh, “râu hùm hàm én mày ngài” và vai u thịt bắp như Từ Hải. Cận thị đeo kiếng đít chai như hắn cũng không sao. Quan trọng là họ phải biết việc họ đang làm và phải hoàn thành thật nhiệm vụ xuất sắc.

Người nhỏ con là hắn, phi công chính, cân nặng 148 lbs., cao 5’7’’, đeo kính khi làm việc; còn người béo tròn là phi công phụ mà trong nghề gọi là SO (Sensor Operator), dễ chừng cân nặng đến 270 lbs., cao 5’.8’’. Với số đo và cân nặng như hai “ông thần nước mặn” này thì khó mà lọt qua được vòng đầu để trở thành phi công máy bay dân sự hay máy bay chiến đấu. Phi công thế kỷ 21 là vậy đó!

Ground Control Station
Cái “hộp sắt” (Ground Control Station) ở dưới đất của phi công điều khiển UAV


Hắn ngồi vào ghế bên trái dành cho pilot, người bạn ghế bên phải dành cho SO. Chung quanh là những trang thiết bị điện tử và tiếng máy lạnh chạy xè xè trên đầu. Trước mặt 2 người là hai màn hình mỗi bên, một trên cao và một dưới thấp, cộng thêm 2 màn ảnh nhỏ (monitors) và một bàn phím với tay cầm điều khiển (Joystick) bên phải và tay ga bên trái, thêm hàng tá các nút bấm giống hệt như đang ngồi chơi trò chơi điện tử (game).

Sau khi hoàn tất thủ tục “sign in” ký nhận cái hộp sắt GCS cho một nhiệm vụ mới, cả hai mở nút khởi động giàn máy trước mặt. Những con số bắt đầu nhảy trên màn hình. Trong khi chờ đợi hệ thống bay tự điều chỉnh, họ với tay lấy máy liên lạc (Headset) đội vào đầu và liên lạc với cơ trưởng (crew chief) đang túc trực bên phi cơ trên đường băng (ramp).

Qua hệ thống liên lạc và màn hình, hắn yêu cầu cơ trưởng (1) bắt đầu những thao tác trước khi bay (pre-flight) và tiếp tục thực hành những động tác cần thiết kiểm tra tình trạng an toàn phi cơ trong khi anh bạn SO lo điều chỉnh ống kính máy quan sát, hệ thống radar, GPS, và những hệ thống phụ cần thiết của nó.

Tiếp đến, qua máy camera, hắn cùng người cơ trưởng thực hành những động tác nghề nghiệp kiểm soát tất cả những hệ thống cơ động trên phi cơ bằng cách dò theo một cái checklist dài và kiểm tra từng bước một cách kỹ càng không để sót bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Cuối cùng, sau khi checklist đã xong, cả hai chàng phi công đều coi lại kỹ càng thêm một lần nữa tất cả những thông số và biết chắc là đã sẵn sàng, hắn “bấm cò” để khởi động máy từ bên trong, rồi gọi cơ trưởng:

- Crew chief, this is Titan. Radio check. Cơ trưởng, đây Titan. Thử máy liên lạc.

- Titan, this is crew chief. I hear you Lima & Charlie. How me? Titan, đây cơ trưởng. Tôi nghe anh lớn và rõ. Anh nghe tôi thế nào?

- I got you Lima & Charlie. Tôi nghe anh lớn và rõ.

- Crew chief, I go hot inside. Cơ trưởng ơi, tôi “nóng” bên trong.

- Titan, I go hot outside. Titan, Tôi “nóng” bên ngoài.

Trên màn hình, những thông số máy móc chuyển động và tăng giảm không ngừng cho biết động cơ máy bay đã được khởi động bên ngoài. Những con số nhấp nháy liên tục rồi trở thành bình ổn. Hắn tiếp tục kiểm tra máy móc, nhiệt độ qua những thông tin bên trong (perimeters), lên xuống tay ga, cho nhiên liệu di chuyển qua lại từ bình xăng trước qua bình xăng sau và ngược lại, nhìn hệ thống chủ (Fadec) kiểm soát mọi tính năng điện của động cơ trong khi anh bạn kế bên tiếp tục lo hệ thống GPS và các hệ thống cần thiết cho chuyến bay. Hắn hỏi SO (Sensor Operator):

- Ready for Rock and Roll? Sẵn sàng cho cuộc vui chưa?

SO:

- Go for it. Tới luôn bác tài.

Gọi cơ trưởng:

- Switches, laser and weapons in flight? Công tắc, laser, và vũ khí sẵn sàng bay?

Cơ trưởng:

- Switches, laser and weapons in flight. Công tắc, laser, và vũ khí sẵn sàng tình trạng bay.

- Crew chief, remove chocks and tie-downs. Clear for taxi. Cơ trưởng ơi, lấy chặn bánh và giây buộc ra.  Sẵn sàng taxi.

- Chocks and tie-downs removed. Bon voyage. Chặn bánh và dây buộc vừa lấy ra. Thượng lộ bằng an. (Hắn nghĩ thượng lộ bằng “Air” thì hợp hơn).

Phi công phụ (SO) cho biết mọi thứ đều “Clear” qua quan sát bằng camera. Hắn cẩn thận nhìn màn hình, tăng ga một chút rồi ấn nút thắng. Chiếc phi cơ chồm lên rồi dừng lại như con tuấn mã bị kềm cương đột ngột. Xong công đoạn thử thắng. Phi cơ từ từ chạy theo kẻ vạch vàng viền đen trên đường băng (Taxiway) rồi bẻ cua phải hướng về đường phi đạo chính. Chiếc phi cơ dừng ở hai vạch đôi và hai vạch đứt đoạn chắn ngang màu vàng một lúc, hắn liên lạc với đài không lưu (Air Traffic Control Tower) xin phép tiếp tục taxi ra chỗ cất cánh (Hold-short line). Phi cơ gầm lên lấy đà lao nhanh trên phi đạo (Runway) với vận tốc 45 MPH (Miles Per Hour) và nhấc bổng lên cao, lao vào bầu trời xanh lơ không một áng mây một cách nhẹ nhàng, như cánh én lao vào trời xuân.

Camera nhìn xuống đường phi đạo với đầy vết bánh xe đen chằng chịt đang lùi dần về phía sau. Phi cơ  nâng dần độ cao. Hàng rào phi trường, những cây xương rồng saguaro, cactus, ocotillo, cánh đồng cỏ khô cháy, và những đồi núi sỏi đá chạy lùi thật nhanh dưới chân mình. Lần nào cũng vậy, lòng hắn luôn xôn xao một niềm vui bay bổng theo con chim sắt cho đến khi mất hút trong đám mây và một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng luôn theo hắn trong chuyến bay đi làm nhiệm vụ và nó kéo dài mãi cho đến khi xong nhiệm vụ và đôi càng máy bay chạm đất xuống mảnh đất thân thương, phi trường nhà (home base).

Ngày xưa, thằng bé ngây ngất nhìn con chim sắt cất cánh, mơ mình là chàng phi công ngồi trong cockpit điều khiển đôi cánh sắt bay vào bầu trời xanh, mơ ngắm không gian bao la, mơ nhìn xuống những ruộng lúa xanh ngắt chạy dài như bất tận, mơ những dòng sông uốn khúc lượn lờ, len lỏi qua những xóm làng bình yên, những làn khói bếp ngập ngừng trên mái nhà tranh trong sương chiều. Những niềm đam mê thằng bé dệt thành tơ thì nhiều lắm, bao la lắm. Những ước mơ theo nó vào trong giấc ngủ hằng đêm. Thằng bé mơ thấy nó bay bằng hai cánh tay của chính mình, tiếng gió rít bên tai nghe mới rõ làm sao. Khi vẫy mạnh tay thì bay nhanh, khi thì chậm, khi lên cao, lúc xuống thấp, khi bay qua những đồi cao, rồi lượn dọc theo những thung lũng tuyệt đẹp với những đàn nai đang uống nước bên con suối lặng lờ. Nó thấy mình bay là đà, trầm cả thân hình vào giòng suối mát lạnh, lạnh lắm, xong lại vút lên cao, rồi nó thức giấc với cảm giác ướt nhẹp và “lạnh lắm” phía dưới lưng quần. Chao ôi, giấc mơ thành sự thật. Dream comes true. Khổ nỗi chỉ thành sự thật ở đoạn cuối giấc mơ mới khổ thân thằng bé.

Phi cơ đang bay ở độ cao 1500 feet, có thể nhìn thấy xe cộ lưu thông bên dưới rất rõ ràng. Lên 3000 feet, những căn nhà và cảnh vật cũng nhỏ đi dần đi, nhường chỗ cho những dãy núi đá màu nâu sậm xen lẫn những cụm xương rồng rải rác đó đây. Không hẹn mà cả hai chàng phi công đều với lấy ly nước ngọt hút rồn rột, âm thanh nghe thật vui tai trong cái “hộp sắt” lạnh tê tái vì máy lạnh đang chạy hết công suất.

Với tay lấy cái áo khoác sau ghế mặc vào cho đỡ lạnh, hắn lại dán mắt vào bốn màn hình tiếp tục quan sát và điều khiển phi cơ. Sau khi đưa tọa độ điểm đến vào hệ thống, chỉnh cho “con chim ưng” bay tự động, và để tốc độ bình phi ở độ cao nhất định 10,000 feet, giờ đến phiên anh bạn SO ngồi bên làm việc với radar và các dụng cụ quan sát (Payload) như kính hồng ngoại (infrared camera). Việc này người trong nước gọi là công việc “nghe nhìn”, nghe thô nhám lỗ tai làm sao! Mặc kệ! Hắn bắt đầu mơ.

Bầu trời xanh lơ của sa mạc, một mầu xanh không chút gợn mây, màu xanh ngút ngàn đến tận chân trời cứ trải dài trước mắt hắn một quang cảnh tuyệt đẹp không bút nào tả nổi. Đối với hắn, nó không hề đơn điệu và tẻ nhạt một chút nào. Trái lại, hắn luôn thấy mình bồng bềnh, lênh đênh, phiêu du, đằng vân giá vũ trên đôi cánh của chính mình. Một cảm giác thật bình yên, tự tại.

Hắn thu (zoom) khoảng cách lại gần hơn để thấy những cánh đồng trồng cỏ ngựa (hayes) bằng phẳng đã gặt xong với nhiều đụn rơm chất thành đống. Cánh đồng trải ra trước mắt, bên dưới kia đưa hắn trở về với tuổi thơ trên những thửa ruộng, những đụn rơm hiền hòa nằm bên con sông Hậu. Hình như đâu đây còn thoảng mùi rơm rạ của đồng lúa mới gặt xong.

Hắn thấy lại mình là một thằng bé đang chạy chơi cùng đám bạn trên những cánh đồng lúa còn trơ gốc rạ đó. Đám trẻ con chơi đá gà bằng cách co đùi vào, tay phải nắm chặt cổ chân mình làm vũ khí, nhẩy lên đá vào đùi địch thủ, để rồi bị đá té vào những đống rơm chất trên cánh đồng. Mệt nhoài sau những trò chơi, bọn chúng lại lùi khoai vào đống lửa rơm, những củ khoai lang dương ngọc, lấy ra vừa thổi vừa ăn trong khi ráng chiều đang chầm chậm rơi, và đàn cò đang rủ nhau bay về tổ thì chúng mới chịu ai về nhà nấy.

Có những chuyến bay ngoài nước Mỹ, nơi một vùng đất xa xôi bên Phi Châu ở vùng đồng bằng châu thổ. Vừa cất cánh khỏi phi trường, nhìn xuống thấy người dân ngừng tay cuốc nhìn lên, vẫy tay về phía phi cơ khiến hắn nhớ thật nhiều về quê hương bên kia bờ Thái Bình Dương. Họ cũng trồng trọt và chăn nuôi như quê của hắn. Rồi những thảo nguyên hiện ra, mênh mông chạy dài, đó đây lác đác ít bụi cây thấp, nhấp nhô xen lẫn vài đồi đá trọc.  

Những ngôi làng nhỏ, những cánh đồng bắp, người dân đang vun xới, cày bừa, gieo hạt trên luống cày dọc theo những đầm nước nhỏ của con sông cát. Chắc họ cũng có ước mơ đơn giản như người dân quê mình là mong giọt mồ hôi thấm xuống đất sẽ làm hạt nảy mầm và trĩu nặng bông trái. Xa xa, những người dân quê vội vã lùa đàn dê rảo bước nhanh trên đường về nhà trước khi trời sập tối.

Có khi hắn bay dọc theo những con sông nhỏ và cạn, say sưa nhìn những cô thôn nữ da đen đang giặt quần áo bên bờ sông. Đây nhóm các thiếu nữ vừa tắm vừa vui đùa tát nước vào nhau, kia nhóm những đứa trẻ bơi lội vùng vẫy, long nhong từ những cành cây lao mình xuống nước. Sao mà nhớ quê mình gì đâu! Nhớ con đường làng nhỏ hẹp với mấy con heo mọi ủn ỉn xục xạo trong các bụi cây, đàn gà con kêu chiêm chiếp tranh giành mấy con trùng do gà mẹ bới cho. Có gì khác với quê hương nơi hắn sinh ra là mấy?

Những chuyến bay về phía bắc Châu Phi, phong cảnh lại hoàn toàn khác biệt. Toàn núi đá khô rốc. Lâu lắm mới thấy một hồ nước nhỏ được bao quanh bởi một ít cây cối. Vài cô gái đội những vò nước trên đầu đi từ hồ nước về nhà, hay những người đàn ông dùng lừa chuyên chở đồ vật qua lại trên những vùng đồi cát. Rải rác đó đây là những căn chòi tranh nhỏ, hình tròn được xây cất bằng bùn đất trông lạc loài cô đơn giữa một sa mạc mênh mông.

Thông số cho biết nhiệt độ tăng dần khi bay ngang đây. Thường thì hắn phải bay cao để bên dưới không thấy mình, nhưng đôi khi hắn cũng xé rào xuống thấp dưới 6000 hay 7000 feet để “mơ” một chút rồi lại lên cao.

Ngoài nhiệm vụ được giao với những chuyến bay dán mắt chăm chú vào màn hình, không một tiếng động, ngoài tiếng máy lạnh và liên lạc điện đàm với nhau; cũng có những pha cũng khá gây cấn và hồi hộp khi phát giác mục tiêu hay người cần theo đuổi. Phi cơ bay chậm và thu hình ảnh lại gần để dễ quan sát. Phải kiên nhẫn lắm, đôi khi hàng giờ chỉ để theo đuôi một mục tiêu. Thường thì sự kiên nhẫn sẽ được trả công một cách bất ngờ; đôi khi kết quả chỉ là dã tràng xe cát biển Đông.

Cuộc đời phi công không người lái sẽ rất đơn điệu và buồn tẻ cho ai đó, nếu như không có được một đầu óc tưởng tượng phong phú và một chút chất thơ trong tâm hồn. Khi nhìn một dãy núi, hắn thấy đó là hình dáng của một con voi đang quỳ hay thấy nhiều hình dáng ngộ nghĩnh đến buồn cười. Ngoài những nhiệm vụ đôi khi rất căng thẳng, lại có những chuyến bay rất dễ dàng và bình yên. Hắn thường để tâm hồn mình chạy rông phiêu du theo trí tưởng tượng không biên giới, tìm đến đến những hình ảnh huy hoàng, không tưởng, nhưng lúc nào cũng tuyệt đẹp như chuyện thần tiên. Nói kiểu “thơ nhái” theo thơ Xuân Diệu: “Là Pilot nghĩa là vui với gió, / Mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây”.

Lúc mơ thì cứ mơ, nhưng lúc cần thực tế thì phải rất thực tế và phải làm việc nghiêm chỉnh. Với một ba lô, một túi vải kéo có bánh xe (duffle bag), hắn lê gót phong trần nhiều nơi trên thế giới, được nhìn những buổi hoàng hôn đẹp như tranh vẽ, ngắm bình minh rạng rỡ mặt trời, được thỏa mộng tang bồng hồ thỉ, nhất là giấc mộng tuổi thơ đã trở thành hiện thực và trọn vẹn.

Nếu một lúc nào đó, bạn thấy một chiếc UAV cất cánh, bạn hãy cám ơn những người miệt mài làm công việc giữ cho quê hương này thanh bình, an ninh, cho bạn một cuộc sống ấm êm không lo sợ bị khủng bố. Trên đời này, mọi nghề nghiệp lương thiện đếu đáng trân trọng, nhưng chắc không nhiều nghề ngồi một chỗ mà thấy được xa từ hàng ngàn dặm, đủ mọi cảnh sắc lạ lùng của thế giới như nghề phi công của loại không người lái.


Tháng 3/2019
Nguyễn Văn Tới

REFERENCES:

Một loại thủy động cơ rất thông dụng ở vùng sông nước miền Tây. Người dân quê dùng nó để chạy ghe xuồng. Động cơ được gắn thêm một trục dài bằng sắt khoảng 2 – 4 mét, phía cuối trục là cái cánh quạt để đẩy nước. Khi khởi động, dùng dây buộc vào bánh trớn và giật mạnh. Hai loại máy phổ biến lúc đó là Kohler và Clinton. Dân mình thường gọi đùa là máy Cô Le, lè lưỡi. Vì giật máy mệt đến lè lưỡi mà không nổ.

Tiếng Việt mới trong nước gọi phi công chính là cơ trưởng là không đúng. Gọi “giặc lái máy bay” nghe còn đỡ. Cơ trưởng phải là người trưởng cơ khí lo về máy móc và cơ phận của máy bay.

Ý kiến bạn đọc
03/04/201904:31:36
Khách
Cám ơn H.C. Uyên khích lệ. Rất vui khi có bạn đọc chịu khó theo dõi câu chuyện đôi khi nhàm chán chỉ trời mây non nước. Sẽ cố hơn vào bài kế tiếp.
Thanks Mr. mguoinhaque for reminding me the typo mistake. I mean 2001, not 2011.
02/04/201910:25:39
Khách
Sept 11, 2001....not 2011. Enter wrong # could be dangerous when navigating...
01/04/201919:55:00
Khách
Người đọc bài được mở rộng tầm mắt, hiểu hơn về thề giới của drone qua lối viết văn đầy cảm hứng của tác giả, từ những ngày lận đận dưới thời bị cộng sản đày đoạ nơi quê nhà, đến lúc ước mơ được tung cánh trở thành sự thực. Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến