Hôm nay,  

Chuyện Ông Giáo

24/03/201900:00:00(Xem: 11491)
Tác giả: Thảo Lan

Bài số  5648-20-31454-vb8032419

 
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.

 
***


Trời cuối năm mau tối, mới hơn 6 giờ mà đã tối mịt mù. Bên ngoài trời mưa rả rích thật buồn. Ông Giáo chợt cảm thấy một nỗi buồn nhè nhẹ từ đâu lan đến tâm can. Mấy đứa cháu nội của ông đang ngồi chơi game trên chiếc máy vi tính phát ra tiếng gì tựa như tiếng côn trùng kêu rả rích vào những buổi chiều mưa xa xưa khi còn ở quê nhà.

Đã lâu lắm rồi ông không còn được nghe những tiếng kêu như thế vào những đêm mưa, nhất là khi trời bắt đầu trở lạnh ở bên Mỹ này. Ông chợt nhớ đến những đêm mưa xa xưa ở quê nhà khi ông còn trẻ. Nhớ những tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu vang khắp nơi. Nhớ đến bài văn mà ông đã dạy cho bao thế hệ học sinh trong chương trình lớp Một mà giờ ông vẫn còn thuộc nằm lòng phần mở đầu.

“Mới hơn 8 giờ tối, mưa mới tạnh. Tiếng ễnh ương kêu uềnh oang khắp vườn. Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau. Tí lại ngồi bên cha thỏ thẻ, “con nhớ má và em Tơ quá ba à”. Bác Hai Hoành xen vô trêu Tí “tối nay Tí và ba ở lại đây....” . Bài này còn dài lắm nhưng ông chỉ còn nhớ đến đó.

Bây giờ các đứa cháu của ông làm gì biết được những bài văn mộc mạc như thế. Chúng làm sao hiểu được có những lúc ông chúng nhớ da diết một tiếng cóc nhái kêu, một tiếng dế gáy vang trong đêm tối. Làm sao chúng có thể hiểu được nhiều khi ông chúng nó thèm nghe một tiếng mưa rơi trên mái tranh vào lúc nửa đêm. Thèm cái mùi hơi đất xông lên từ những cơn mưa đầu mùa. Đến ba của chúng, con trai ông, mà giờ đôi khi cũng quên hết những kỷ niệm ngày xưa thuở thơ ấu của nó thì làm sao những đứa cháu ông sinh đẻ ở Mỹ này lại có thể hiểu được nỗi lòng của ông chúng nó.

Ông Giáo năm nay đã bước sang tuổi 80. Ngày xưa khi còn trẻ ông có dạy học ở một ngôi trường làng tại quê ông bên dòng sông Cửu Long đục ngầu phù sa. Cuộc sống khi ấy thật êm đềm với những người dân thật thà chất phác.

Rồi chiến tranh xảy đến đã tàn phá làng quê ông và cướp đi người vợ hiền của ông. Ông đem thằng Hai, đứa con trai duy nhất mà người vợ sanh được cho ông khi đó mới ngoài ba tuổi, lên Sài Gòn để kiếm sống. Ông giáo làng khi xưa giờ phải lăn lộn làm mọi việc nặng nhọc từ phụ hồ đến khuân vác.

Sau một thời gian, ông dọn về khu nhà trọ của những người dân lao động lam lũ ở Khánh Hội. Hàng ngày ông đạp xích lô kiếm sống bỏ mặc thằng Hai lê la trong sự đùm bọc của những người dân cùng xóm. Tối về ông cố gắng dạy cho thằng Hai để cho nó biết chút chữ nghĩa với đời chứ mang tiếng là con ông giáo mà một chữ bẻ đôi không biết thì ông sợ mang tội với tổ tông. Dần dần khi nhận thấy các con em của những người cùng xóm đều không có điều kiện để đi học đến nơi đến chốn như thằng Hai, ông đã dạy thêm cho chúng mỗi tối.

Ngoài việc giúp cho các trẻ nhỏ biết đọc biết viết, ban đầu ông chỉ dạy như để phần nào đền đáp lại tấm lòng của những người dân nghèo ở đây đã đối xử với hai cha con ông khi mới dọn đến. Nhưng dần dà ông mới nhận thấy công việc dạy trẻ nhỏ ở đây đã tạo cho ông cái cảm giác là người hữu ích cho xã hội và nó cũng đã giúp cho ông được tiếp tục theo đuổi cái nghề mà bao đời nay cha ông của ông đã theo đuổi nó.

Mặc dù công việc đạp xích lô của ông cũng là một công việc lương thiện, đổ mồ hôi để kiếm bát cơm nhưng sao bấy lâu nay trong lòng ông vẫn có cảm giác không giúp ích được gì nhiều cho xã hội. Và điều khiến ông cảm thấy ấm lòng đó là ông lại được gọi bằng cái tên trìu mến “ông Giáo” thay vì “tía thằng Hai” như trước kia. Ôi lâu lắm rồi từ ngày ông bỏ làng quê, bỏ dòng sông để lên Sài Gòn bươn chải kiếm sống đến giờ ông mới lại được gọi bằng hai chữ “ông Giáo” thân thuơng này.

Thế rồi thằng Hai cũng được vô trường học. Ông Giáo vẫn tiếp tục mở lớp dạy thêm buổi tối cho các trẻ nhỏ trong xóm và cả những bạn học cùng lớp của thằng Hai. Ông không những chỉ dạy trẻ mù chữ không có điều kiện đến trường mà còn mở lớp dạy thêm cho các học sinh cần học thêm nhất là các em học sinh lớp Năm chuẩn bị để luyện thi đệ thất. Nhờ thế đời sống của hai cha con ông Giáo cũng đỡ vất vả hơn trước. Những hôm mưa bão liên tục vắng khách hoặc những hôm ốm đau không chạy xích lô được ông không còn phải lo thiếu hụt nhiều như xưa nữa.

Rồi thì thời thế đổi thay. Người lao động chân tay như ông được đề cao trong xã hội mới nhưng cuộc sống hai cha con ông lại càng vất vả hơn như những người dân khác ở khu xóm ông. Tuy vất vả nhưng hòa bình rồi, nhìn thằng Hai được học hành đến nơi đến chốn không còn phải lo tương lai phải cầm súng giết chóc nữa ông Giáo rất yên tâm. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi chiến tranh lại xảy ra hết ở biên giới phía Tây Nam lại đến biên giới phía Bắc.

Chương trình giáo dục thì sao mà lạ quá không giống những gì ông dạy học trò ngày xưa. Đâu rồi cái thời “tiên học lễ hậu học văn” hay “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Không muốn nhìn tương lai thằng Hai phải cầm súng bắn giết trên đất người, ông Giáo gom hết tài sản dành dụm được của cả một đời chỉ được một vài chỉ vàng và cạy cục xin để gửi cho nó đi theo một chuyến tàu vượt biên. Chủ tàu là người có con được ông Giáo dạy dỗ khi xưa nên đã nể nang nhận cho thằng Hai đi theo với giá rẻ hơn mọi người khác.

Cái ngày thằng Hai đi biệt tăm chưa có tin tức về, ông Giáo lo lắm. Ông lo có lỗi với mẹ nó. Ngày bà Giáo ra đi trong lửa đạn, trước khi hấp hối bà đã dặn dò ông phải cố gắng chăm lo nuôi nấng cho thằng Hai nên người. Ông còn lo có lỗi với tổ tông vì chỉ có nó là người thừa kế hương hỏa cho họ nhà ông. Thế mà sao ông lại nỡ đẩy con ra giữa biển khơi bao la không bến bờ như thế. May mà chuyến đi của thằng Hai được trót lọt.

Sau một thời gian dài ở đảo thằng Hai được nhận vào Mỹ. Thư từ qua lại ông Giáo luôn nhắc nhở con mình ráng theo đuổi con đường học vấn. Cũng may thằng Hai cũng biết nghe lời cha và có thể cũng nhờ gia đình cha mẹ nuôi người Mỹ của thằng Hai biết chăm lo hướng dẫn nó nên sau khi hết trung học thằng Hai đã biết ghi danh học đại học để có tương lai ổn định.

Rồi đến ngày thằng Hai cưới vợ. Ông vừa mừng mà lại vừa buồn. Mừng vì đã là bậc làm cha mẹ thì còn có nỗi lo nào lớn hơn là nỗi lo cho con cái mình ấm êm hạnh phúc. Mừng vì ông cảm thấy đã thực hiện trọn vẹn được lời hứa năm xưa với người vợ quá cố. Nhưng buồn vì không được đứng ra lo cho ngày trọng đại của đứa con duy nhất của mình. Buồn vì cảm thấy từ nay đã có người chia sẻ bớt với ông tình thương mà trước giờ chỉ có hai cha con dành cho nhau.


Rồi thằng Hai đẻ cho ông đứa cháu đích tôn để thừa kế giòng họ. Ba năm sau nó cho ông thêm một đứa cháu gái nữa cùng với tờ giấy bảo lãnh qua đoàn tụ. Cầm tờ giấy trên tay ông suy nghĩ lung lắm. Ông không muốn bỏ quê hương, bỏ phần mộ tổ tiên và mẹ thằng Hai không người hương khói. Cuối cùng được lời khuyên của bạn bè chòm xóm, ông về quê bốc mộ mẹ và ông bà nội thằng Hai đem hỏa táng rồi ký gửi vô chùa. Từ đây ông cảm thấy yên tâm vì không còn lo phần mộ bị lạnh lẽo hương khói những ngày lễ Tết nữa.

Cái ngày đầu tiên qua đoàn tụ với thằng Hai không cho ông một cảm giác như mong đợi. Chỉ có 3 bố con lếch thếch đi đón ông. Hỏi mẹ sấp nhỏ đâu thì thằng Hai nói phải đi làm. Thằng Tèo cháu đích tôn của ông năm đó mới 5 tuổi còn con Bí em nó mới chỉ lên 2 mà sao người mẹ nào lại để cho bố chúng nó trông như vậy. Trên đường lái xe về nhà thằng Hai tâm sự cùng ông.

- Con không muốn tía lo nên không kể ra trong thư mà thôi. Chúng con ly thân với nhau cả hơn 6 tháng nay rồi. Con thuơng hai đứa nhỏ nên dành phần nuôi mà cũng may mẹ tụi nó cũng không có ý kiến gì.

Ông Hai ngán ngẩm buồn bã than thầm trong bụng không hiểu kiếp trước hai cha con ông có làm gì ác không mà nay cả hai lại phải chịu cảnh góa vợ sớm như nhau. Có nhiều lúc ông buồn quá muốn bỏ về Việt Nam sống nhưng lại nghĩ đến cảnh ba cha con thằng Hai côi cút nên ông lại không nỡ. Rồi từ đó ông phụ với thằng Hai chăm nom hai đứa bé.

Thằng Tèo con Bí đều ngoan ngoãn biết vâng lời ông. Nhờ có bàn tay của ông Giáo trong nhà mà thằng Hai có thể yên tâm làm việc. Cũng nhờ có ông mà hai đứa cháu nội biết đọc và viết tiếng Việt một cách rành rọt. Đến năm thằng Tèo và cả con Bí đều vào đại học thì trời xui đất khiến làm sao mà thằng Hai lại về Việt Nam cưới một cô vợ trẻ hơn mười mấy tuổi đem qua Mỹ.

Được cái trời không nỡ dồn ai mãi vào bước đường cùng nên cô con dâu sau này của ông rất ngoan ngoãn chịu chăm lo nhà cửa và biết kính trên nhường dưới. Rồi cô con dâu trẻ này lại cho ông thêm hai đứa cháu gái kháu khỉnh sinh đôi nữa. Thằng Hai lúc này thì công danh sự nghiệp cũng được tiến triển tốt nên cuộc sống cũng thoải mái. Hai đứa cháu gái nhỏ ngoan ngoãn dễ thuơng lại được ông nội dạy cho tiếng Việt như hai anh chị nó ngày trước.

Bây giờ thì hai đứa cháu nhỏ của ông đã lên 10. Kỳ này ba mẹ nó gọi tên Mỹ ở nhà luôn là Jen và Jess, đọc tắt của Jennifer and Jessica. Nhiều lúc ông chép miệng than đặt tên con cái chi mà đọc nghe trẹo cả lưỡi.

Thằng Tèo, con Bí cũng đã lập gia đình và mỗi đứa cho ông một đứa chắt xinh xắn như thiên thần. Chỉ có điều chúng nó lấy người bản xứ mà lại ở xa nên ông Giáo không có dịp để dạy cho hai đứa chắt vài câu tiếng Việt. Ngày ngày sau khi thằng Hai đi làm thì vợ nó chỉ ở nhà đưa đón hai đứa con đi học rồi lo cơm nước. Ông Giáo thì lanh quanh làm vườn chăm sóc mấy luống hoa, vài khóm rau ngoài vườn. Dạo gần đây ông không còn cảm thấy khỏe như xưa nữa nên không còn ra vườn thuờng xuyên như trước.

Bắt đầu năm nay thì vợ thằng Hai cũng đã xin đi phụ làm cho tiệm nail khi hai đứa cháu đã đến trường. Cả ngày quanh quẩn ở nhà chán ông Giáo lại càng nghĩ mông lung đến những chuyện xa xưa. Đôi khi ông lại nhớ đến những áng văn mộc mạc, những câu hò trên sông nước của người dân quê ông bên dòng sông Cửu Long quanh năm đục mầu phù sa. Ông tiếc rồi ông lại lo vì rồi đây các cháu ông, những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ này làm sao có thể cảm được cái hay của những áng văn chương xa xưa.

Chả cần đến thế hệ các đứa trẻ ở hải ngoại, ngay cả những đứa trẻ ngay tại Việt Nam giờ đây ông nghĩ chúng cũng chả còn quan tâm đến những gì mà thế hệ ông ngày trước quan tâm. Với chúng thì chỉ có các trò chơi game trên phone, trên tablet, trên video là có thể lôi cuốn và có thể khiến chúng suốt ngày dán mắt vào.

Do cảm thấy cái ngày ông phải đi gặp má thằng Hai cũng không còn xa lắm, ông cứ nghĩ làm cách nào để có một di sản tinh thần nào đó để lại cho đứa con duy nhất của ông và các con cháu của nó. Ngày xưa vì chiến tranh, vì kế sinh nhai nên ông đã không có đủ điều kiện để lo cho thằng Hai có một cuộc sống đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần.

Giờ thì rõ ràng nhờ phúc đức tổ tiên, và ông tin nhờ hai cha con bao lâu nay ăn ở hiền lành nên cuộc sống thằng Hai không hề thiếu thốn cực khổ như cha nó ngày trước. Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy thiếu sót khi nghĩ đến không truyền lại được cho thằng Hai những áng văn hay, những tác phẩm kinh điển của kho tàng văn học Việt Nam như ngày xưa cha ông của ông đã truyền lại cho ông khi ông còn là đứa bé. Ôi sao mà ông Giáo nhớ những lúc xưa kia ông nội ông ngồi vuốt râu khề khà đọc cho ông nghe Lục Vân Tiên.

Trước đèn xem truyện Tây minh,

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.

 

Rồi đến cha ông những lúc la dạy con cũng lấy lời giáo huấn của cụ Đồ Chiểu ra để chỉ bảo cho ông điều hay lẽ phải.

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình

 

Rồi khi ông đến tuổi biết tự mình đọc thì sao mà quên được những lúc ông miệt mài xem những quyển tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh hay của những nhà văn miền Nam khác như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc. Ông nghiền ngẫm xem đi xem lại cái cảnh thầy phái viên nhà báo Chim Trời đi xuống ấp Cà Bây Ngọp tìm độc giả Tư Có để truy thâu tiền báo trong Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư của Sơn Nam. Ông xem đến thuộc nằm lòng mà vẫn không thấy chán.

Ôi cái ấp Cà Bây Ngọp ở miệt Rạch Giá đó không biết chỉ có trong trí tưởng tượng của nhà văn hay là có thiệt mà sao ông thấy gần gũi y như quê ông ngay bên dòng sông Cửu Long này. Ông lại nhớ đến cái thời ông vào tuổi thanh niên trai tráng chiều chiều vác chiếc đàn bầu đi ca Dạ Cổ Hoài Lang ở xóm bên.

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin nhạn

Đêm năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Cho gan vàng quặn đau í à

 
Rồi ông nhớ lời má thằng Hai trách yêu.

- Người ta nói 'Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu'. Ai biểu hồi đó ông cứ cho tui nghe đàn bầu chi để giờ tui phải bỏ tía má dìa với ông.

Ôi sao mà ông nhớ cái ánh mắt long lanh của má thằng Hai khi nói câu đó. Càng nghĩ miên man ông càng buồn nhưng rồi trong đầu ông bỗng lóe lên một ý nghĩ. Phải rồi ông đã biết di sản mình sẽ để lại cho thằng Hai và mấy đứa cháu chắt của ông là gì.

Nghĩ đến đây, ông đứng phắt dậy lấy ngay giấy bút ra ngồi xuống viết. Từ đây mỗi ngày ông sẽ viết chuyện đời ông từ thuở còn lê la bên dòng sông đục mầu phù sa đến khi bươn chải kiếm sống ở đất Sài Thành rồi lạc bước lưu vong. Đây chính là cái di sản văn hóa mà ông dự định sẽ truyền lại cho thằng Hai và các con cháu của nó, bắt đầu bằng cái tựa “Chuyện Ông Giáo”.

Thảo Lan

Ý kiến bạn đọc
25/03/201901:28:39
Khách
Cám ơn Phạm Thị Kim Dung rất nhiều. Những lờ khen khích lệ của độc giả là niềm vui cũng như động lực cho những người cầm viết tài tử như Thảo Lan để có thể viết thêm nhiều hơn nữa.
Thảo Lan
25/03/201900:06:14
Khách
Chào Tác Giả Thảo Lan,
Cám ơn Tác Giả đã cho tôi đọc một bài thật hay, văn phong nhẹ nhàng tỉ mỉ. Kết cuộc có hậu dễ thương uyển chuyển qua ba thế hệ, từ quê nghèo VN qua tới xứ Mỹ cơm no ấm áo; Như thế còn gì bằng?
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,231,652
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến