Hôm nay,  

Stroke- Tai Biến Mạch Máu Não

21/03/201900:00:00(Xem: 13555)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số  5645-20-31451-vb4032019

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.

 
***


1. Ông anh bị Stroke

Tối hôm qua hai vợ chồng tui được Diệu, cô em gái út, mời ăn tối. Như lệ thường, tui làm thêm món chả giò và tráng miệng Flan cho ông chồng (Carl) người Mỹ "khó chịu"- lấy vợ Huế gần 18 năm mà nhất định thà nhịn đói chứ không chịu ăn bún bò giò gân!

Tui có thói quen đi đâu cũng thích đi sớm, “Để lỡ gia chủ có cần gì thì mình giúp một tay.” Vậy nên buổi sáng trước khi chồng đi làm, tui dặn dò, “Ông đi làm về 4 rưỡi, nghỉ ngơi nửa tiếng thì đi qua nhà Diệu là vừa nghe chưa.”

Buổi chiều trong khi tui lúi húi sắp xếp thức ăn vào cái thùng cooler cho khỏi đổ nhớp xe, thì ông chồng, với cái bản mặt nhăn nhăn ưa gây; đi lui đi tới trong bếp càm ràm đủ lớn cố ý để cho vợ nghe, “Từ đây qua đó 15 phút thôi, cớ sao phải đi sớm cả nửa giờ?”

Tui phần mệt vì dọn dẹp ngoài vườn cả ngày, phần bực vì ông chồng hay nói, mới nổi cáu nạt lại, “Ông bà tui nói, ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau, chơ đi trễ lỡ hết đồ ăn thì răng? Có vợ khun rứa không biết quý, còn đòi hỏi chi nữa?”

Và dĩ nhiên, hai vợ chồng tui tới trước ai hết.

Tui giúp em gái sắp xếp bàn ăn, nào là trải khăn bàn, bày đũa muỗng ly chén, còn món kem Flan thì tui dùng hai cái dĩa lớn úp lên hai tô kem, và nhanh chóng lật ngược cái tô để phía có nước đường caramen nằm lên trên trông đẹp mắt. Gắp bún ra tô, sắp rau hành chanh tỏi ớt ra dĩa, và không quên nêm lại nồi nước bún trên bếp, vì ai cũng nói tui nấu ăn thấm tháp! (Nhiều khi thấm quá thành mặn luôn!) Ông chồng tui ngồi coi ti vi, ngó bộ vẫn còn hậm hực vì không được ở nhà coi cái show ông ưa thích trong computer qua Netflix.

Cũng gần 6 giờ thì mọi người mới lục tục tới. Vì chỉ có anh chị em trong nhà nên ai cũng thoải mái, tự phục vụ, tự tìm chỗ ngồi.

Được một lát, chị dâu Hà kể, “Trên đường từ nhà qua đây, anh San cứ hỏi lui hỏi tới, “Ngày ni có chi đặc biệt mà họp mặt ăn uống vậy?”

"Rứa Hà trả lời răng?” Chị Thi hỏi lại.

-"Thì em bảo Diệu mời ăn, mừng anh may mắn, bị tai biến mà phát hiện kịp thời nên không bị biến chứng, mà ảnh không nhớ. Trí nhớ giờ tệ lắm.” Hà vừa kể vừa lắc lắc đầu.

Diệu đáp, “Tạ ơn trời Phật, chơ anh bị Stroke-Tai biến mạch máu não, mà may mắn có người biết để đem vô bệnh viện tức thì, chứ ngó anh cả tề, cũng bị stroke mà cả 6 tháng vẫn phải nằm một chỗ, thiệt tội nghiệp…”

Mọi người ngồi vào bàn chuyện gẫu, nhắc lại ngày San bị tai nạn.

Trong lúc đó thì anh San bỗng hỏi, “Mà anh Giảng qua khi mô?”

Tui đáp, “Qua bữa đám ba, tháng 10 năm ngoái đó.”

San lắc đầu, “Anh không nhớ chi cả, anh tưởng ba còn sống mà!”

Diệu cười, “Sau hôm ổng bị té, em qua thăm, ngồi nói chuyện mà ổng cứ khăng khăng là ba mạ còn sống, nên em nghĩ coi chừng bị Stroke chơ không phải chỉ đơn thuần té xe đạp mô.”

Tui nói, “Bữa trước qua Cali thăm anh cả, nghe anh Tân kể, ổng cũng bị té khi trèo thang, sau đó mấy đứa con sợ nên bắt ổng đeo cái Apple Watch, có chức năng báo động khi mình bị té mà quanh mình không có ai. Anh San mua một cái mà đeo cho chắc cho rồi!”

Mọi người lao xao, “Rứa cái đồng hồ nớ hắn làm được chi?”

Tui cười, “Nghe anh Tân nói là lỡ mình té xuống, thì hắn sẽ hỏi “Are you ok?” Nếu mình chọn Yes thì thôi, còn mình không trả lời, nó sẽ tự động gởi báo động tới cấp cứu hay số phone của người nào mà mình chọn. Chỉ không nhớ để hỏi ổng là phần đó mình có phải trả thêm tiền hàng tháng không nữa.”

“Apple Watch mắc, rồi trả tiền thuê hàng tháng cho dịch vụ nớ nữa, uổng tiền lắm, anh khoẻ mà, chỉ té xe thôi!” San nói.

Thằng Tô nãy giờ im lặng ngồi ăn không ai để ý, bỗng  nó nói, “No money is worth your life, Dad!”

Tui ngạc nhiên quá, trong đầu tui cứ nghĩ nó còn nhỏ, không có suy nghĩ sâu sắc như vậy, nên quay qua các anh chị, nói lớn, “Nè, có nghe cháu nói chi không tề?”

Chị Thi hỏi, “Hắn nói chi mà dì sửng sốt rứa?”

Tui lại quay qua Tô, “Please repeat what you just said!” (Con lập lại câu nói đó dùm cô!)

“No money is worth your life, Dad!” Tô nói.

Câu nói khiến tui suy nghĩ mãi. Chuyện Ba nó bị stroke đầu đuôi thế này.

Giáng sinh năm vừa rồi, San mua hai chiếc xe đạp cho hai cha con, nhưng vì đang là mùa đông, trời lạnh quá nên chưa có dịp đạp đi đâu để khoe xe mới cả.

Sau khi mua xe về, theo hướng dẫn San vặn lại các con vít cho chặt, thêm dầu nhớt vào dây xích và tay phanh, chỉnh pê-đan cho vừa thế ngồi. Nhưng thằng con trai út tên Tô (14 tuổi) vốn rất thích mày mò xe, đã coi mấy cái video ở youtube nên muốn tự kiểm tra lại. Ba nó đồng ý.

Ngoài chuyện thích mày mò xe cộ, thằng Tô cũng thích nuôi cá. Ba mẹ mua cho nó 2 cái bể cá nhỏ để trong nhà cho nó chăm sóc.

Trưa thứ Bảy tuần trước, thằng Tô rủ ba hắn đạp xe ra cái hồ gần nhà, lượm ít đá về trang trí cái bể cá trong phòng khách.

Sau khi Hà lái xe đi làm, hai cha con ăn sáng bằng hai tô Cereal, rồi lên xe đạp ra hồ gần nhà, cỡ 1,5 miles.

Thằng Tô gò lưng đạp xe, vượt qua ba hắn đoạn gần tới ngã ba đường Braton lane và đường Loon Lake Drive, rồi nó rẽ trái vào Mallar green để theo con đường mòn vào bên trong khu vực công viên có cái hồ nước nhỏ. Đến nơi, nó dừng xe, một chân chống xuống đất, chân kia để trên pê-đan, hí hửng đợi ba tới.

Chờ mấy phút không thấy tăm hơi, Tô bèn đạp xe lộn ngược lui. Ra khỏi công viên, gần tới đoạn ngã ba hồi nãy nó vượt qua ba, thì thấy ba nó nằm bất động im lìm, đầu gục xuống đất, bàn tay phải cụp lại ở khuỷu tay chống đỡ phần trên của cơ thể. Phần dưới hai chân vẫn kẹp vào sườn chiếc xe đạp, (Lúc này cái lốp xe thay vì vuông góc với ghi- đông, thì giờ đã quay ngang song song,) máu me tùm lum.

Vứt vội chiếc xe đạp, Tô ngồi thụp xuống, đập đập tay vào ngực ba nó, kêu to “Ba ơi, ba ơi, ba làm sao vậy?” Ba nó hai mắt vẫn nhắm nghiền, không nhúc nhích. Như một phản xạ tự nhiên, thằng bé la lớn “Help! Help!” Nó không có cell phone, lục tìm trong túi áo, túi quần của ba nó cũng không có! "Lạ thiệt, thường ba nó luôn mang cell phone theo bên người mà? Hôm nay sao xui xẻo quá!" Nó cuống cuồng chạy băng qua đường, vừa chạy vừa khóc, định gõ cửa mấy ngôi nhà gần đó để xin giúp đỡ, nhưng mới chạy có mấy bước thì nó nghĩ, “Lỡ xe nào chạy ngang không thấy ba đang nằm dưới đường, tông vào thì chết mất!” Vậy là nó quay trở lại, dựng chiếc xe đạp ngay giữa đường, móc cái áo khoác để làm dấu hiệu cho người đi đường thấy.

May thay có xe ông đưa thư vừa chạy chầm chậm tới! Sợ ông không thấy, thằng Tô vừa vung cao tay vẫy vẫy để ra hiệu, vừa lắp bắp, “Ba con! Ba con bị té, bất tỉnh, không biết gì cả, ông giúp con với! Please, Please!” Ông đưa thư lấy cell phone ra gọi 911. Chưa đầy 2 phút, xe cứu hỏa, xe cứu thương, và cả cảnh sát tới. Thật là may bởi vì trạm cứu hoả nằm ngay cuối đường, góc Braton lane và Shoreline.

Trên xe cứu thương, San tỉnh dậy, mở mắt ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

-“Ông bị té xe đạp, giờ đang ở trên xe cứu thương, chúng tôi sẽ đưa ông tới bệnh viện.” Cô y tá chậm rãi giải thích, trong lúc đang đo huyết áp cho San, rồi hỏi “Bệnh viện chuyên về Stroke ở Roundrock nhé?”

San chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra. Và cũng không hiểu lắm những gì mấy người trên xe đang nói. Cô y tá thứ hai, cắt bộ áo quần ấm San đang mặc, để dán mấy miếng băng dính có một đầu gắn với máy đo điện tim.

Trong lúc đó thì ông cảnh sát người Mỹ gốc Việt hỏi Tô, “Con có hai sự lựa chọn: 1/ Lên xe cứu thương cùng với ba con tới bệnh viện. 2/ Chú chở con về nhà.”

"Chú sẽ gọi phone cho mẹ con. Con có nghĩ là chú nên nói tiếng Việt cho mẹ con dễ hiểu không?” Ông cảnh sát tiếp. Để cho chắc, ông ấy còn cẩn thận gởi cả Text bằng tiếng Anh, vì ông ấy không viết tiếng Việt được.

Tô trả lời rằng nó muốn về nhà.

Trong lúc đó thì Hà đang làm bộ móng tay cho khách, và chuông điện thoại reng. Một người đàn ông nói tiếng Việt giọng lơ lớ rất khó nghe, Hà không hiểu ông ấy nói gì cả, chỉ nghe loáng thoáng rằng “Có một người đàn ông bị tai nạn.”

“Chắc họ gọi lầm số,” nghĩ vậy nên Hà cắt ngang cuộc gọi, tiếp tục làm cho khách. Số phone đó lại gởi lời nhắn, bảo rằng, “Có một người đàn ông bị té xe, ở đường Braton lane, bà về nhà ngay, con bà đang đợi ở nhà." Lời nhắn ngắn gọn về tai nạn, địa chỉ bệnh viện cùng số biên bản của tai nạn để trong trường hợp gia đình muốn biết thêm chi tiết.

Đọc lời nhắn, Hà bán tín bán nghi, lấy phone gọi cho chồng thì không ai trả lời, gọi phone nhà cũng vậy. Người bạn cùng chỗ làm khuyên, “Về nhà coi sao, chứ khi không ai mất công vừa gọi vừa nhắn tin như vậy?”

Khi Hà về tới nhà thì cũng đúng lúc xe cảnh sát chở thằng Tô về. Nó mếu máo vừa khóc vừa kể lể, “Ba té xe đạp, không nói được, không biết gì cả, họ đưa vô bệnh viện rồi. Có phải vì con vặn xe không kỹ khiến ba bị té không vậy? Con nhớ là con kiểm tra kỹ lắm mà! Tội ba quá, con ân hận ghê. Biết vậy, con đừng biểu ba đi lấy đá ngoài hồ cho rồi!”

“Không phải vậy đâu con, chỉ là xui xẻo thôi, mẹ chắc chắn con đã làm đúng mà. Ba may là có con ngay bên cạnh để gọi cấp cứu, chứ như ở nhà một mình, lỡ con đi học, thì càng nguy hiểm hơn. Thôi con đừng dằn vặt nữa, con gọi cho cô Thi dùm mẹ, báo tin ba bị tai nạn liền đi.” Hà vừa lái xe, vừa nói.

Chị Thi, hai tay đang bận làm tóc cho khách, nghe phone của thằng cháu qua cái headphone xong, cuống cuồng gọi cho tui, “Minh ơi, đang làm chi, ở mô? Chạy lên bệnh viện giúp Hà, coi tình trạng San như thế nào rồi tin chị hay. Chút nữa anh Thức về sẽ lên, còn chị đang kẹt khách. Có chi tin cho chị hay.”

Sáng thứ Bảy, cả hai vợ chồng tui đang dọn vườn, nghe phone của chị Thi xong, tui đứng ngây ra cũng mấy giây. Ông Carl hỏi, “Có chuyện gì vậy?”

Giải thích ngắn gọn cho chồng, tui hỏi, “Ông có muốn đi cùng lên bệnh viện với tôi không?”

-“Đi! Nè, có khi mô San bị stroke giống anh cả không?” Carl hỏi.

Thì bị tui nạt lại, “Nói vô duyên, toàn trù chuyện xui xẻo rứa! Bị té xe đạp ông không nghe tui giải thích hả? Chắc đụng đầu xuống đất nên choáng thôi. Vô gặp bác sĩ là biết liền."

Mấy phút sau, hai vợ chồng tui có mặt ở phòng cấp cứu, Carl bảo, “Gọi Hà coi phòng số mấy?”

Nằm trong phòng cấp cứu, San trông xanh xao nhưng tỉnh táo, mỉm cười khi thấy em rể và em gái vào.

“Có nhận ra ai không mà cười rứa?” Tui hỏi.

-“Hi Carl, Hi Minh.” San nói.

“Nhận biết người quen chơ, nhưng hoàn toàn không nhớ chuyện gì đã xảy ra cả." San cứ luôn miệng bảo vậy.

Lâu lâu lại hỏi, “Thứ Bảy mà răng Minh với Hà nghỉ làm uổng rứa, thôi anh không can chi mô, về đi làm đi.”

Hà vừa lau dọn chung quanh giường nằm, vì San mới nôn mửa, vừa đáp, “Minh nghỉ hưu rồi, không phải đi làm. Anh không nhớ à?”

“Không, anh không nhớ chi trơn.” San đáp.

Y tá chính là cậu thanh niên da trắng trẻ, niềm nở chào hai vợ chồng tui và giải thích, “Ổng bị choáng vì khi té đầu đập xuống đất, giờ quên nhiều. Nhưng trí nhớ sẽ hồi phục lại thôi, đừng lo. Hiện tại các chỉ số máu, tim tốt. Kiểm tra trên đầu và phần bụng thấy không có gì bất thường cả. Có thể sẽ thấy nôn ra ít máu bởi vì khi té, có thể đụng đâu đó, nên chảy máu nhẹ, nhưng không đáng để lo lắng. Bác sĩ sẽ lấy cái khung đỡ cổ ra vì không thấy chấn thương ở cổ hay đầu. Lần sau đạp xe thì phải nhớ đội mũ bảo hiểm nhé!”

Ông Bác sĩ điều trị là người Ấn độ tới, tui hỏi, “Bác sĩ có nghĩ là ổng bị Stroke-Tai biến mạch máu não không? Bởi vì cách đây mấy tháng trong nhà cũng có người bị. Trong gia đình có nhiều người bị stroke nên tôi cũng hơi lo.”

Ông bác sĩ cười trấn an, “Bà lo quá đó thôi. Hiện tại tình hình khả quan, ông ấy chỉ bị té, xương cổ tay bị gãy, sẽ băng bó tạm thời rồi nội trong một tuần phải gặp bác sĩ chuyên về xương. Khả năng sẽ mổ chứ không đăng bột, an toàn và nhanh hồi phục hơn. Không thấy thương tổn não, không thấy máu chảy trong não, vậy là mừng rồi, chiều nay về nhà. Bệnh nhân sẽ còn nhầm lẫn, dễ té, nói chuyện không đâu vào đâu, do tác dụng phụ của thuốc nữa. Cỡ vài ba ngày thì ổn. Nhưng nếu bệnh nhân nói líu lưỡi, các câu chữ dính vào nhau thì phải nghĩ tới khả năng bị stroke, gọi cấp cứu ngay.”

Một cô y tá khác lại vào làm sạch sẽ các vết thương, và chích morphine giúp giảm đau trước khi băng bó tạm thời cho cánh tay bị gãy. Tối hôm đó San được về nhà.

Về nhà rồi, người trông rất yếu, thích nói nhưng câu chuyện không mạch lạc. Và quên rất nhiều! Em gái Diệu qua thăm,

“Biết anh thích ăn món cá kho nên nấu bới qua nè.”

San đáp, “Ngó ngon hí, giống cá mạ kho. Mấy ngày ni có qua thăm ba mạ không? Anh bệnh rồi, khó đi lắm.”

Diệu cười, “Ba mạ mất lâu rồi. Ba mất tháng 10 năm ngoái, mạ mất cả chục năm rồi.”

San, “Lạ thiệt, anh không nhớ chi trơn!”

Thứ Hai, sau khi gặp bác sĩ chuyên về xương, chị Hà điện nhắn nhờ tui ghé giúp điền mấy giấy tờ chuẩn bị cho việc mổ tay của San.

Mới mấy ngày mà trông San yếu đi nhiều, đầu óc vẫn chưa tỉnh táo hẳn, Hà lo lắng hỏi tui, “Sao mà ổng không nhớ gì trơn. Mới nói chuyện tối qua với anh thằng Tô, đang đi học đại học ở Houston, vậy mà sáng ni lại cứ cãi lui cãi tới là lâu rồi không thấy con gọi phone!”

Tui nói, “Thì để mổ tay xong coi răng, rồi lấy hẹn bác sĩ gia đình. Họ nói cỡ 72 tiếng là 3 ngày thì trí nhớ sẽ trở lại dần dần.”

Trưa thứ Ba, chuẩn bị cho San đi bệnh viện, Hà nói, “Ngày ni bác sĩ sẽ mổ cái tay cho anh, chiều về nhà lại thôi.”

Trên đường tới bệnh viện, San cứ hỏi lui hỏi tới, “Mình đi đâu vậy em?”

-“Đi bệnh viện mổ tay cho anh đó. Chiều về nhà lại thôi.” Hà đáp, “Anh không nhớ gì trơn sao? Hồi sáng đến giờ, em giải thích cho anh cả 10 lần rồi đó.”

Đến chiều tối thì mổ xong, nằm trong phòng hồi sức hậu phẫu, San lơ mơ, nói năng không đầu không đuôi.

“Hơn 3 ngày rồi, mà sao trí nhớ không tốt lên chút nào cả. Mới nói chuyện với anh chị em hồi đêm, sáng hôm sau là quên mất. Hoàn toàn không nhớ chi cả!” Hà đem nỗi lo lắng này hỏi bà bác sĩ mổ tay cho chồng, “Bác sĩ ở phòng cấp cứu nói vì té xe đạp, vì thuốc giảm đau thì đến hôm nay phải tỉnh táo hơn, chứ sao không nhớ gì hết cả? Tôi không thấy tiến triển chút nào hết bà à.”

Nghe vậy, bà bác sĩ có vẻ đăm chiêu, trầm ngâm một lát, “Vì bà đã lo lắng như thế thì tôi sẽ cho làm lại MRI coi não có vấn đề gì không, chiều tối nay sẽ có kết quả.”

Cầm tờ kết quả MRI trong tay, bà bác sĩ nói, “Thấy trong não có cục máu đông khoảng 10cm, phải chuyển qua bệnh viện lớn chuyên về Stroke thôi. Có khả năng ông nhà bị stroke nên té, sau đó máu đông lại, thật may là bà đã cho chúng tôi biết.”

Hà hỏi, “Khi đưa vào cấp cứu, không biết họ có cho làm MRI không, nhưng họ có nói không thấy gì hết, chỉ bị choáng do đầu đập xuống đất thôi, giờ thì thấy cục máu đông là sao?”

Bác sĩ, “Giống như khi bà bị té, chỗ da đó đâu có bị bầm ngay, mà phải vài tiếng đồng hồ sau mới thấy bầm xanh, đúng không? Bởi vậy, sau khi chụp MRI lần đầu, từ 12-24 tiếng, người ta yêu cầu chụp lại mới chắc chắn. Tôi không hiểu vì sao bác sĩ ở phòng cấp cứu không yêu cầu làm vậy.”

Khuya hôm đó, lúc 2 giờ sáng, xe cấp cứu đưa San qua bệnh viện lớn dưới phố thuộc trường đại học của tiểu bang Texas. Tại bệnh viện này, bác sĩ chuyên về thần kinh, stroke, chuyên viên về dinh dưỡng, vật lý trị liệu... đã chăm sóc và kiểm tra mọi thứ trước khi quyết định cho San về nhà. Cục máu đông tự tan chứ không cần phải uống thuốc.

Bác sĩ không dám chắc chắn là stroke khiến San ngã xe đạp, hay vì té xe đạp, rồi đầu đập xuống đất, bị chấn thương, rồi bị stroke. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, ai cũng một phen khiếp vía, bởi vì chỉ trong vòng 6 tháng, 2 ngừơi trong gia đình bị stroke. Một người bị nặng, rất nặng, đến giờ vẫn chưa nói năng hay đi lại được, và ngừơi kia thật may mắn, hồi phục tốt, không bị biến chứng.

Cách đây hơn 5 tháng, anh trai lớn nhất nhà bị Stroke, nằm bệnh viện này tới bệnh viện khác, đến giờ vẫn còn phải ở Nursing home- nhà nuôi dưỡng người tàn tật!

Và trước đó nữa, ba của tui, cũng mấy lần bị Stroke.

Còn ai trong gia đình bị stroke nữa không nhỉ?

Bác trai tui mất vì stroke khi mới được 50. Cô em kế của ba tui cũng bị stroke rồi mất, lúc đó cô mới hơn 60 tuổi.

Cháu kêu ba tui bằng cậu ruột, là con trai cô X. cũng bị stroke, mê man khoảng một tháng thì mất.

Ba tui còn có một người cháu kêu bằng cậu ruột, sống một mình, anh mất đột ngột không ai biết chính xác vì nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Cả tháng sau khi anh mất người ta mới phát hiện!

Tháng 11 năm ngoái, cô TH. là em gái út của ba tui cũng bị stroke, may mà đem vào bệnh viện sớm nên tập vật lý trị liệu, giờ đi lại bình thường.

Và giờ xảy ra với San!

Nhất định tui phải tìm hiểu về "Nó-Stroke" thôi! Nó hiện hữu trong gia đình nhưng nhiều khi mình không để ý, bởi cứ nghĩ, "Chuyện đó xảy ra với ai chứ không xảy ra cho mình mô!"

 
2. Bạn Biết Gì Về Stoke?

Mày mò trên Google, tui vào trang https://www.cdc. gov/stroke/about.htm để tìm hiểu thêm về Stroke. Với vốn liếng tiếng Anh “ngắn chẳng tày gang” lại không phải là người làm trong lãnh vực y tế, nên có gì sai sót mong mọi người chỉ giáo. Mục đích của tui là tìm hiểu để nhận biết dấu hiệu và triệu chứng của stroke để ứng xử kịp thời nhằm hạn chế hậu quả do stroke gây ra cho cả bệnh nhân và những người làm công việc chăm sóc họ.

 
NGHIÊN CỨU VỀ STROKE
 

1/ Bạn không thể thay đổi lịch sử của gia đình nhưng biết được lịch sử về sức khoẻ gia đình có thể giúp bạn biết được nguy cơ về tai biến mạch máu não- Stroke, để có những bước chuẩn bị ngăn ngừa stroke.

Các thành viên trong gia đình thường chia xẻ genes, thói quen, cách sống và môi trường sống, những điều đó có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và nguy cơ bị bệnh của họ. Nguy cơ stroke có thể cao hơn trong một số gia đình và nguy cơ bạn bị stroke có thể lên cao hay xuống thấp tuỳ thuộc vào tuổi tác, giới tính và chủng tộc hay cộng đồng sống.

2/ Khi những thành viên trong một gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác, có chuỗi chuyển giao bệnh tật thông qua genes, gọi là di truyền. Những yếu tố di truyền đóng vai trò trong bệnh cao huyết áp, tai biến mạch máu não, và nhiều bệnh trạng liên quan khác. Sự biến đổi về gene cũng gây ra stroke như bệnh “Sickle Cell disease.”( Bệnh về tế bào bị bệnh) Những người có lịch sử gia đình bị stroke thường là vì họ sống cùng nhau trong môi trường và nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị bệnh của họ. Nguy cơ bị stroke có thể gia tăng hơn khi di truyền cọng với sự chọn lựa lối sống không lành mạnh như hút thuốc và một chế độ ăn uống không đúng. Lịch sử sức khoẻ gia đình là một bản lưu giữ hồ sơ bệnh tật và tình trạng sức khoẻ đã xảy ra trong gia đình bạn. Lịch sử sức khoẻ gia đình là dụng cụ rất hữu ích để hiểu được những tiềm ẩn nguy hiểm và ngăn ngừa vấn đề về sức khoẻ.

3/ Tuổi tác. Càng già thì càng dễ bị Stroke. Nguy cơ bị stroke tăng gấp đôi sau tuổi 55. Mặc dầu stroke thường xảy ra với người cao tuổi, nhưng nhiều người trẻ hơn 65 vẫn bị stroke. Thật ra, khoảng 1 trong 7 bệnh nhân stoke thì là người trẻ tuổi từ 15-49. Chuyên gia nghĩ rằng người trẻ tuổi bị stroke vì nhiều người bị quá nặng cân, cao huyết áp và bệnh tiểu đường.

4/ Giới tính. Stroke thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, và phụ nữ ở tất cả mọi lứa tuổi thường chết vì bị stroke. Thai nghén và sử dụng viên thuốc ngừa thai cũng là môt nguy cơ gây stroke cho phụ nữ.

5/ Chủng tộc hay cộng đồng. Người da đen, Người châu Mỹ la tinh, Người Mỹ da đỏ, và người dân xứ Alaska dễ bị stroke hơn là người da trắng không phải châu Mỹ La tinh hay người châu Á. Người da đen có nguy cơ bị stroke lần đầu tiên là gấp đôi so với da trắng. Người da đen cũng chết vì stroke hơn người da trắng.

6/ Stroke xảy ra khi một khối máu bị đông lại ngặn chặn dòng chảy của máu tới não. Điều này khiến tế bào não bị hư hại hoặc chết.

Stroke, thông thường còn được gọi là sự tấn công vào não, xảy ra khi có cái gì đó chặn dòng chảy của máu đi nuôi một phần của não hoặc khi một mạch máu ở trong não bị vỡ ra. Trong cả hai trường hợp đó, những phần của não sẽ bị hư hại hoặc chết. Stroke cũng có thể gây hư hại kéo dài cho não, tật nguyền lâu dài, hoặc ngay cả chết.

a/ Để hiểu về stroke.

Muốn hiểu stroke, sẽ hữu ích khi hiểu về não. Não điều khiển mọi cử động, lưu giữ ký ức, và là nguồn gốc của suy tư, biểu cảm và ngôn ngữ. Não bộ cũng điều khiển nhiều chức năng của cơ thể, như thở và tiêu hoá.

Muốn hoạt động tốt, não cần Oxygen. Mặc dầu não chỉ chiếm có 2% trọng lượng của cơ thể, nhưng nó dùng tới 20% oxygen khi bạn hít thở. Động mạch đưa máu giàu oxygen tới toàn bộ các ngóc ngách của não.

b/ Điều gì xảy ra khi bị stroke

Nếu có điều gì xảy ra ngăn chặn dòng chảy của máu, tế bào não sẽ bắt đầu chết trong vòng vài phút vì chúng không thể nhận được oxygen. Điều này gây ra stroke.

Có hai loại Stroke:

- Ischemic Stroke: Xảy ra khi máu bị nghẽn hay các thành phần khác ngăn chặn các mạch máu tới não. Những chất béo đông lại gọi là chất bám cũng có thể gây ra sự tắc nghẽn khi chúng bao bọc dày quanh các mạch máu.

- Hemorrhagic stroke: Xảy ra khi mạch máu bị vỡ trong não. Máu chảy tràn ứ đọng và làm hư hại các phần tế bào não chung quanh.

Cả hai loại Stroke đều làm hư hại tế bào não. Dấu hiệu của sự hư hại bắt đầu hiện ra ở những phần của cơ thể được điều khiển bởi các tế bào não đó.

Stroke là một tình trạng y tế nghiêm trọng cần sự cấp cứu kịp thời. Hãy hành động “Nhanh - FAST"

- Gọi 911 ngay khi bạn hay người bên cạnh bạn có dấu hiệu của stroke. Thời gian mất đi cũng là não mất đi. Tính từng phút một.

Các loại stroke

Loại stroke bạn bị sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị và hồi phục cho bạn. Sự điều trị và hồi phuc sẽ tuỳ thuộc vào loại stroke mà bạn bị.

Stroke có 3 loại chính:

- Ischemic stroke.

- Hemorrhagic Stroke.

- Transient ischemic attack (TIA) (một cảnh báo hay “stroke nhỏ”)

ISCHEMIC STROKE:

Hầu hết stroke (87 phần trăm) là Ischemic Stroke.

Ischemic stroke xảy ra khi máu chảy qua động mạch cung cấp máu giàu oxygen cho não bị chặn/khoá lại.

Máu đông thường là nguyên nhân gây ra sự tắc nghẽn dẫn đến Ischemic strokes.

HEMORRHAGIC STROKE.

Hemorrhagic stroke thường xảy ra khi một động mạch của não bị chảy máu hay vỡ ra. Có hai loại hemarrhagic stroke:

- Intracerebral hemorrhage là loại phổ biến nhất của Hemarrhagic stroke. Nó xảy ra khi một động mạch của não bị vỡ, máu chảy tràn ngập bao quanh các mô (tissue).

- Subarachnoid hemorrhage thì kém phổ biến hơn. Vùng máu bị chảy ở giữa não và lớp mô mỏng bao phủ não.

TRANSIENT ISCHEMIC ATTACK (TIA)

Còn được gọi là "stroke nhỏ.” Nó khác với các loại stroke bởi vì dòng máu chảy tới não bị chận chỉ một thời gian ngắn - Thông thường không hơn 5 phút.

Thật quan trọng để nhớ rằng:

- TIA là dấu hiệu cảnh báo cho một stroke sẽ xảy ra trong tương lai gần.

- TIA là một tình trạng y tế cấp cứu, cũng giống như các loại stroke khác.

- Stroke và TIA yêu cầu chăm sóc cấp cứu. Gọi 911 ngay nếu bạn cảm thấy dấu hiệu của stroke hay thấy những dấu hiệu đó nơi người nào đó ở chung quanh bạn.

- Không thể nào biết được đó là TIA hay stroke khi sự việc mới xảy ra.

- Cũng giống như Ischemic stroke, những cục máu đông là nguyên nhân gây ra TIA.

- Hơn 1/3 người bị TIA không được chữa trị thường bị stroke trong vòng 1 năm. Và từ 10 đến 15% người bị TIA sẽ bị stroke trong vòng 3 tháng.

Nhận biết và chữa trị TIA có thể làm giảm nguy cơ bị stroke. Nếu bạn có bị TIA, đội ngũ chăm sóc y tế có thể tìm ra nguyên nhân và từng bước ngăn ngừa stroke.

 
DẤU HIỆU CỦA STROKE VÀ TRIỆU CHỨNG

Đột nhiên bị đau đầu kinh khủng mà không rõ nguyên nhân là dấu hiệu của stroke ở đàn ông và phụ nữ.

Trong khi bị stroke, mỗi phút đều được tính! Nhanh chóng tìm sự chữa trị có thể làm giảm sự hư hại của não do stroke gây ra.

Bằng cách hiểu được dấu hiệu và triệu chứng của stroke, bạn có thể hành động nhanh và có lẽ cứu được mạng ngừơi-có thể ngay chính cả chính bạn.

Những dấu hiệu của stroke ở Nam và Nữ giới.

- Đột nhiên thấy cứng đờ hay yếu hẳn trên mặt, cánh tay hay chân, đặc biệt là một phía của cơ thể.

- Đột nhiên thấy nhầm lẫn, khó khăn khi nói, hay khó khăn để hiểu lời ai nói.

- Đột nhiên có vấn đề trong một hoặc cả hai mắt.

- Đột nhiên không bước được, thấy chóng mặt, mất thăng bằng, hay thiếu sự đồng bộ trong tương tác.

- Đột nhiên đau đầu kinh khủng mà không có nguyên do.

Gọi 911 ngay nếu bạn hay ai đó khác có những dấu hiệu này.

 
NHẬN BIẾT DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHÚNG CỦA STROKE.

Hành động nhanh (FAST) là chìa khoá ứng phó Stroke.

Khi ai đó bị stroke, mỗi phút trôi qua đều quan trọng. Cũng giống như khi bạn dập tắt ngọn lửa càng nhanh thì có thể ngặn chận càng sớm ngọn lửa cháy lan, chữa trị stroke càng nhanh càng giảm sự hư hoại của não bộ.

Chữa trị cho stroke chỉ thành công nhất khi stroke được nhận ra và chẩn đoán trong vòng 3 tiếng đồng hồ của những dấu hiệu đầu tiên. Bệnh nhân stroke có thể không được hưởng sự chữa trị này nếu họ không đến bệnh viện đúng lúc.

Nếu bạn nghĩ rằng ai đó đang bị stroke, hãy hành động nhanh (FAST) và làm những bài kiểm tra đơn giản sau:

F-FACE (Mặt): Hãy bảo họ cười. Có phải một bên của mặt bị xệ xuống không?

A-ARM (Cánh tay): Hãy bảo họ giơ hai cánh tay lên. Có phải một cánh tay thõng xuống không?

S-SPEECH (Nói): Hãy bảo họ lập lại một vài chữ đơn giản. Có phải lời nói bị dính lại với nhau hay nghe lạ tai/kỳ cục không?

T-TIME (Thời gian): Nếu bạn thấy những dấu hiệu trên, đây là lúc phải gọi cấp cứu 911 ngay tức thì.

Hãy ghi lại thời điểm những dấu hiệu này mới xảy ra. Thông tin này sẽ giúp đội ngũ chăm sóc y tế quyết định phương pháp tốt nhất chữa trị cho từng cá nhân. Đừng có tự lái xe tới bệnh viện, hay để ai đó khác lái xe đưa bạn đi. Thay vào đó, hãy gọi xe cấp cứu để nhân viên y tế có thể bắt đầu các phương pháp cứu sống bệnh nhân ngay từ trên đường tới phòng cấp cứu.

Chữa trị cho bệnh nhân Transient Ischemic Attack. Nếu những triệu chứng mất đi sau vài phút, bạn có thể đã có Trasient ischemic attack (TIA). Mặc dù rất ngắn, nhưng một TIA là một dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng mà nó sẽ không biến mất nếu không có sự giúp đỡ của y khoa. Không may, bởi vì TIA xảy ra quá nhanh, nên khi nó qua rồi, nhiều người xem thường chúng. Nhưng nếu bạn chú ý tới TIA, có thể cứu mạng sống của bạn đó. Hãy báo cho đội ngũ y tế biết về các triệu chứng ngay tức thời.

Chữa trị Stroke. Gọi 911 lúc mới có triệu chứng đầu tiên của stroke có thể giúp đưa bạn tới bệnh viện đúng lúc để có sự chăm sóc cấp cứu stroke Chữa trị cho stroke được bắt đầu từ giây phút EMS- Đội ngũ cấp cứu y tế đến để đưa bạn tới bệnh viện. Một khi bạn ở bệnh viện rồi, bạn tiếp tục nhận được sự cấp cứu, chữa trị để ngăn ngừa stroke khác xảy ra, tập luyện để chữa phần đã bị ảnh hưởng của stroke, hoặc cả ba.

Trên đường tới bệnh viện. Không được lái xe tới bệnh viện hoặc để ai đó lái xe đưa bạn đi. Chìa khoá cho chữa trị stroke và hồi phục tốt là đưa tới bệnh viện càng nhanh càng tốt. Gọi cấp cứu có nghĩa là nhân viên y tế có thể bắt đầu cứu chữa ngay trên đường tới bệnh viện. Những bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện bằng xe cấp cứu thường được chẩn đoán và chữa trị nhanh hơn người không tới bằng xe cấp cứu. Đó là vì sự chữa trị đã được bắt đầu ngay từ trên đường tới bệnh viện. Nhân viên cấp cứu có thể đưa bạn tới chuyên gia về stroke để chắc chắn rằng bạn nhận được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Họ cũng sẽ thu thập thông tin giúp cho sự điều trị và cảnh báo nhận viện bệnh viên trước khi bạn tới phòng cấp cứu, giúp cho họ có thời gian để chuẩn bị.

 
ĐIỀU GÌ XẢY RA Ở BỆNH VIỆN

Tại bệnh viện, chuyên viên y tế sẽ hỏi bạn về lịch sử bệnh tật và thời điểm triệu chứng bắt đầu. Chụp cắt não sẽ cho thấy bạn bị loại stroke nào. Bạn cũng có thể gặp bác sĩ chuyên thần kinh, người chuyên về những bất thường của não, hay bác sĩ phẫu thuật thần kinh, người sẽ phẫu thuật não, hay một chuyện viên về lãnh vực thuốc.

Nếu bạn tới được bệnh viện trong vòng 3 giờ của triệu chứng đầu tiên của một ischemic stroke, bạn có thể được cho uống một loại thuốc gọi để làm tan cục máu đông. Tissue plasminogen activator tPA là một loại đó. Nó giúp cơ may sống sót từ stroke. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ischemic stroke được dùng phương pháp tPA cơ may được hồi phục hoàn toàn hay ít bị tàn phế hơn bệnh nhận không được dùng tPA. Bệnh nhân được chữa bằng tPA cũng ít bị phải sống trong nhà người tàn tật lâu năm. Nhưng không may là nhiều bệnh nhân stroke không được tới bệnh viện kịp thời để dùng phương pháp tPA. Điều này giải thích vì sao nhận diện dấu hiệu và triệu chứng của stroke ngay lập tức và gọi cấp cứu 911 là rất quan trọng.

Thuốc thang, phẫu thuât hay những tiến trình khác có thể cần để ngăn chặn máu chảy và cứu các mô của não. Ví dụ:

- Tiến trình Endovascular: Tiến trình có thể dùng để chữa một số hemorrhagic strokes. Bác sĩ sẽ đưa một ống dài thông qua động mach ở chân hay tay và đưa ống tới phía bị yếu hay vỡ mạch máu. Cái ống được dùng sau đó để cài một thứ khác, giống như “coil," để sửa chữa những hư hỏng và ngăn ngừa máu chảy.

- Phẫu thuật chữa trị: Hemorrhagic strokes cũng có thể chữa bằng phẫu thuật. Nếu máu chảy gây ra bởi hư hỏng aneurysm, một cái kẹp bằng kim loại sẽ được đặt vào để ngặn mất máu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

Nếu bạn bị stroke, bạn có nguy cơ cao bị một stroke khác nữa:

- 1 trong 4 bệnh nhận stroke sống sót bị stroke khác trong vòng 5 năm.

- Nguy cơ bị stroke trong vòng 90 ngày của những người đã bị TIA cao khoảng 17%, và nguy cơ cao nhất là trong tuần đầu tiên.

Đó là lý do tại sao rất quan trọng phải chữa trị những nguyên nhân gây ra stroke, bao gồm bệnh tim, huyết áp máu cao, atrial fibrillation (nhanh, bất thường), mỡ trong máu cao, và bệnh tiểu đường. Bác sĩ của bạn có thể cho thuốc hoặc khuyên bạn thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, hay tập những thói quen tốt cho sức khoẻ khác. Trong một vài trường hợp khác thì có thể phẩu thuật.

Tập vận động sau stroke

Sau một stroke, bạn có thể cần sự tập luyên vật lý trị liệu để giúp hồi phục. Trước khi bạn được bênh viện cho về nhà, nhân viên sở xã hội có thể giúp bạn tìm những công ty giúp săn sóc và hỗ trợ người chăm nom để tiếp tục giúp bạn hồi phục trong thời gian dài. Rất quan trọng khi hợp tác với đội ngũ y tế để tìm ra nguyên nhân vì sao bạn bị stroke và từng bước ngăn ngừa stroke sẽ có thể đến trong tương lai.

Phục hồi sau khi bị stroke

Tập luyện vật lý sau khi bị stroke bắt đầu ngay khi ở trong bệnh viện, thường là một hoặc hai ngày sau khi bị stroke. Tập luyện giúp cho sự chuyển đổi từ bệnh viện về nhà dễ dàng hơn và có thể ngăn ngừa stroke khác.

Thời gian hồi phục sau stroke ở mỗi người đều khác nhau- Có thể hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm. Một vài người hồi phục hoàn toàn nhưng nhiều người khác bị tàn phế lâu dài hoặc cả đời.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi bị stroke

Nếu bạn bị stroke, bạn có thể hồi phục trong việc tự hoạt động. Tuy nhiên, một vài vấn đề sẽ có thể vẫn tiếp diễn:

- Bất động (Không di chuyển được một vài phần của cơ thể), sự suy yếu, một phía hay cả hai phía của cơ thể.

- Gặp rắc rối trong suy nghĩ, thức tỉnh, chú ý, học hỏi, phán đoán và trí nhớ.

- Gặp rắc rối khi nói hay hiểu ai nói.

- Khó khăn khi diễn tả hay kiềm chế cảm xúc của mình.

- Không có cảm giác hay cảm thấy kỳ cục.

- Đau ở bàn tay và bàn chân, và đau hơn khi di chuyển hay khi nhiệt độ thay đổi.

- Gặp rắc rối khi nhai hoặc nuốt.

- Có vấn đề trong việc điều khiển đại tiểu tiện.

- Bị trầm cảm.

Tập luyện sau stroke

Tập luyện với các chuyên viên có thể bao gồm về: nói, đi đứng và vân động phần trên của cơ thể.

- Luyện tập nói giúp người có trở ngại khi nói hay hiểu lời nói.

- Luyện tập thể chất dùng bài tập giúp bạn học lại cách di chuyển và phối hợp các kỹ năng bạn đã mất do stroke.

- Luyện tập kỹ năng chú trọng tới việc giúp tiến bộ hơn trong các hoạt động hàng ngày như ăn, uống, mặc áo quần, tắm rửa, đọc sách và viết lách.

Luyện tập và thuốc men sẽ giúp với trầm cảm hay những tình trạng kahcs về tâm lý theo sau stroke.

Tham gia các nhóm hỗ trợ bệnh nhân giúp bạn điều chỉnh cuộc sống sau khi stroke. Bàn bạc với đội ngũ chăm sóc y tế về các nhóm hỗ trợ quanh nơi bạn ở, hay trung tâm y tế trong vùng.

Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng giúp giảm bớt sự sợ hãi và lo lắng sau khi bị stroke. Hãy nói cho những ngừơi thân biết bạn cảm thấy như thế nào và điều gì họ có thể làm để giúp bạn.

Ngăn ngừa một stroke khác.

Nếu bạn đã từng bị stroke, bạn có nguy cơ cao bị một stroke khác.

-1 trong 4 người bị stroke hàng năm-

-Nguy cơ bị stroke trong vòng 90 ngày của TIA là 17%, và cao nhất trong tuần đầu tiên.

Nguy cơ Stroke

Tuổi tác gia tăng nguy cơ bị stroke. Càng lớn tuổi, bạn càng dễ bị stroke.

Bất kỳ ai cũng có thể bị stroke ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nhưng có một vài thứ làm gia tăng nguy cơ bị stroke. Cách hay nhất để bảo vệ bản thân và những người thân từ stroke là hiểu nguy cơ của bạn và cách để kiểm soát nó.

Hãy tìm hiểu thêm về nguy cơ bị stroke để bảo vệ chính mình, vì điều đó có thể cứu sống chính bạn!

 
NHỮNG THÓI QUEN XẤU LÀM GIA TĂNG NGUY CƠ STROKE

Lối sống của bạn có thể ảnh hưởng tới nguy cơ bị stroke. Những thói quen tốt có thể làm giảm nguy cơ bị stroke.  Hãy tìm những công thức và nấu những bữa ăn lành mạnh hơn.

- Chế độ ăn uống dư thừa chất béo, chất béo bão hoà, và cholesterol liên hệ tới stroke và nhiều bệnh trạng khác, ví dụ như bệnh tim chẳng hạn. Cũng giống như ăn quá nhiều muối (Sodium) cũng làm tăng huyết áp.

- Không có những hoạt động thể lực cũng dẫn tới những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị stroke. Những tình trạng như béo phì, cao huyết áp, cao mỡ trong máu, và tiểu đường. Những hoạt động thể lực đều đặn có thể làm giảm nguy cơ bị stroke. Béo phì là lượng mỡ trong cơ thể quá dư thừa. Béo phì thường dính tới chỉ số cholestrol xấu (LDL) và triglycride rất cao, trong khi chỉ số cholesterol tốt (HDL) thì lại thấp. Béo phì cũng khiến bệnh nhân bị huyết áp cao và tiểu đường.

- Uống quá nhiều rượu bia có thể gia tăng huyết áp và nguy cơ của stroke. Nó cũng làm gia tăng triglycerides, một thể loại chất béo có trong máu bạn có khả năng làm dòn/cứng thành mạch máu.

- Phụ nữ không nên uống qua một drink trong một ngày.

- Nam giới không nên uống quá hai drink trong một ngày.

Drink được tính như sau:

Bia (1lon bình thường)= 12fl oz

Rượu (Table wine)= 5fl oz

Rượu mạnh (Gin, Rum, Tequila, Vodka, Whiskey, etc…)= 1.5 fl oz

 
*

Như đã nói ở trên, với vốn kiến thức hạn hẹp, lại không phải là người làm trong ngành y, nên có gì sai sót, mong mọi người góp ý để ai cũng có được những kiến thức cơ bản và cần thiết về stroke.

Biết đâu, khi cần có thể giúp ích cho mình cũng như người chung quanh, bởi vì như ai cũng biết, hậu quả của Stroke thật kinh khủng.

 
Tháng 3,2019 Austin, Texas

Minh Nguyệt Graves.
 

(Tài liệu tham khảo:

About Stroke www.cdc.gov)

Ý kiến bạn đọc
26/03/201922:28:52
Khách
Cảm ơn tác giả với bài viết rất hữu ích cần biết về Stroke vì hậu quả của nó ảnh hưởng đến tính mạng hay đời sống lâu dài sau bịnh , thân thể đời sống có thể bị thay đổi vô cùng , người thì đi không bình thường hay nằm liệt , người thì mất trí nhớ ,méo miệng .v.v...
Thật sự cần thiết để ngăn ngừa hay giúp đỡ người có dấu hiệu Stroke cấp cứu tính mạng cho họ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhạc sĩ Cung Tiến