Hôm nay,  

Vô Tình

21/02/201900:00:00(Xem: 14628)
Tác giả: Phạm Thành Châu

Bài số  5621-20-31427-vb4022019

 
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây,  thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
 

 ***
 

Không trăng sao ấy,

không người ấy

Không biết đời tôi đặt ở đâu?

(thơ Trần Mạnh Hảo)
 

Đây là chuyện kể về một người đàn ông chán chường với đàn bà và một cô gái lớn tuổi nhưng cô đơn. Lần đầu, gặp người đàn ông đó, từ tiểu bang khác đến, cô đã xao xuyến. Tình cảm bất chợt bao giờ cũng rất mãnh liệt và khó quên. Cô tìm mọi cách cho người vô tâm kia hiểu được cô và đáp lại tình cảm của cô. Vì mỗi năm chỉ có thể gặp mặt một lần nên cô phải bạo dạn nhưng ông ta vẫn vô tình        

Người nam, yêu là muốn chiếm hữu. Theo đuổi mà không thấy hi vọng thường bỏ cuộc. Người nữ, yêu là hiến dâng. Trót yêu ai thì nhớ mãi và đau khổ rất nhiều nếu không được người mình yêu hiểu cho.

Mời bạn theo dõi xem, “làm cách nào” cô tiếp cận được với người đàn ông đó?

*

Ông Tâm, tuổi trên năm mươi, vóc dáng, gương mặt không có gì đáng để phái nữ chú ý. Ông Tâm nghỉ phép thường niên (vacation), từ miền đông Hoa Kỳ qua Texas, thăm các bạn. Ông có nhiều bạn ở các tiểu bang Texas, California. Ông đến bạn nầy vài hôm, qua bạn khác vài hôm.

Ở Mỹ, nhà nào cũng có nhiều phòng cho con cái. Khi chúng lớn, như những con chim rời tổ, chúng có gia đình, ở nhà riêng. Thành thử, nhà bố mẹ có những phòng trống, dành cho bà con, bạn bè đến thăm, ở lại. Ông Tâm cũng biết, đến nhà người ta, dù bạn thân cũng làm xáo trộn nếp sống thường ngày của gia chủ, nên ông thường ở motel, bạn đến hotel mời về nhà ăn bữa cơm gia đình hoặc đưa đi thăm viếng địa phương. Đôi khi, bạn thật tình, khẩn khoản lắm, ông cũng chỉ ở vài hôm là tối đa. Khi người trong nhà đi làm thì ông lang thang ngoài đường một mình, ngắm cảnh hoặc vào siêu thị nhìn thiên hạ.

Ở Texas và California, nhiều người Việt nên ông cảm tưởng như đang ở quê nhà thời trước. Một buổi trưa, đi mỏi chân, ông vào tiệm McDonald, sắp hàng mua bánh. Vào giờ đông khách, ông Tâm đứng cuối một dãy dài. Đang nhìn vơ vẩn, ông thấy một cô, (ông đoán là người Việt) bước vào, đứng sau lưng ông. Ông bước lùi lại, nhường chỗ “Mời cô!”  Cô bước tới, nói nhỏ “Cám ơn chú!” rồi ngước nhìn ông Tâm, nhoẻn miệng cười.

Cô đứng gần đến độ hai người như chạm nhau. Bỗng cô quay lại, nhìn sững ông, ánh mắt sáng lên, như vui mừng được gặp lại bạn thân, rồi cô lại cười. Tự nhiên, ông Tâm cũng vui lây với cô. Niềm vui bất chợt và đơn giản mà ông chưa hề cảm nhận được lần nào trong đời. Hình như cô đang thở mạnh. Ông nói “Cô cho tôi được mời cô, nghe!” Cô không quay lại “Cám ơn chú!” Tuổi cô chưa đến bốn mươi nhưng cô gọi ông bằng chú, có lẽ để khỏi ngại ngùng.                

Hai người ngồi ăn cùng bàn. Chuyện trò cũng chỉ mưa nắng, những nhận xét về cộng đồng người Việt, về thời sự. Cả hai, đôi khi có nói về mình như một cách tự giới thiệu. Ông Tâm cho biết. Ông làm việc ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Nghỉ vacation hai tuần. Ông cũng được biết cô tên Trang, có một tiệm buôn nhỏ ở thành phố Austin, về Houston mua hàng “Từ Austin, cháu về đây hết mấy giờ lái xe. Cháu lái xe chậm lắm. Chú có biết Austin không?” “Tôi chưa đến, có thể tôi sẽ đến đó cho biết” “Khi nào chú đến Austin, nhớ gọi cho cháu. Cháu sẽ đến thăm chú” “Tôi sẽ gọi cô. Tôi có vài người bạn ở đó” Cô ngạc nhiên “Sao ở đâu chú cũng có bạn cả?” Ông Tâm cười “Bạn văn, thơ, báo chí với nhau. Thỉnh thoảng, tôi có viết và gửi đến các báo. Có người chưa hề gặp mặt mà thân nhau lắm. Gặp nhau trên email, trên điện thoại thôi. Nhưng cuối tuần nầy tôi qua San Antonio rồi” “Nếu thấy tiện, khi đến San Antonio, chú gọi cháu. Cháu cũng định ít hôm nữa về đó mua một ít hàng hóa” “Tôi sẽ gọi cô trước khi đi San Antonio. Sao hôm nay cô không đi San Antonio mua hàng cho gần?” “Cháu có bạn ở đây. Về thăm bạn. Ở Austin ít người Việt, cháu chỉ có người quen chứ không có bạn ở đó” Ăn xong, ông Tâm đem giấy, ly bỏ vào thùng rác. Lúc quay lại, thấy cô Trang ngồi nhìn vào khoảng không, vẻ bồn chồn. Đột nhiên cô gọi “Chú!” rồi cúi xuống, không nhìn ông Tâm. Ông Tâm nói “Vì chuyện trò với tôi mà cô trễ hẹn với bạn, phải không? Tôi xin lỗi!” Cô ngước lên, lắc đầu “Không có đâu! Giờ cháu phải lái xe về Austin. Cháu ngại quá. Đường xa quá!” “Sao phải vội? Ở lại với bạn vài hôm cho vui” “Cháu cũng định như vậy. Nhưng bạn cháu ngày mai phải đi làm. Cháu chỉ một mình ở đây” “Cứ ở lại với bạn. Sáng mai mát trời, chạy xe thong thả, thoải mái hơn. Sáng mai, tôi mời cô với bạn cô đi ăn điểm tâm trước khi bạn cô đi làm. Được không?” “Cô cười vui vẻ” “Cho cháu mời chú. Chú định đến tiệm ăn nào?” “Tôi chẳng biết tiệm nào ăn được. Tùy cô” “Sáng mai, nếu bạn cháu phải đi làm sớm thì cháu đến đón. Chú cho cháu số điện thoại...” “Tôi cũng cần số điện thoại của cô để sau nầy còn có thể gọi hỏi thăm nhau.  Đến nơi lạ mà có người quen cũng đỡ lẻ loi” “Chú có cần cháu đưa chú về nhà bạn chú không?” “Nhà ở gần đây. Với lại, cô cần đi gấp, không dám làm phiền cô” “Chú bảo cháu ở lại, sáng mai hãy đi nên cháu không vội” “Vậy thì mình ngồi nói chuyện một lúc nữa” Cô lại cười “Cháu cũng định nói như thế” Chuyện trò cũng chỉ quanh quẩn, linh tinh, không đầu không đuôi nhưng cả hai đã qua khỏi giây phút e ngại, trở nên thân mật. Ông nhận thấy cô Trang thông minh, dịu dàng và rất dễ mến. Cô thường lắng nghe và khuyến khích ông nói tiếp “Rồi sao nữa chú?” Ông Tâm kể về bạn bè, về thời còn đi học, về công việc của mình. Ông thường thêm thắc vào những chuyện vui khiến cô Trang thích lắm, ngồi cười mãi “Chú kể tiếp đi!” Hai người chuyện trò đến gần hai giờ chiều mới đứng lên. Cô Trang đưa ông Tâm về. Sáng hôm sau, ông Tâm báo với bạn “Bữa nay tôi có bạn đến đón đi ăn điểm tâm” Người bạn cười đoán chừng “Bạn gái phải không? Tay nầy giỏi thiệt! Tôi ở đây bao nhiêu năm mà vẫn cô đơn. Thấy ông dậy sớm, định rủ ông đi điểm tâm. Nay có người khác mời thì thôi. Làm li cà phê nầy cho sáng suốt tâm trí mà tán tỉnh người đẹp” Vừa lúc có chiếc xe dừng lại trước nhà, ông Tâm vội vã đi ra. Ông thấy cô Trang hơi lạ và đẹp hơn hôm qua. Một chút phấn hồng, đôi mắt viền đen, chiếc áo điểm hoa trang nhã nhưng sang trọng. Cô nhìn phía trước như chăm chú lái xe vì biết ông đang ngắm cô. Ông Tâm nói “Đến nơi lạ, tôi khó ngủ, bây giờ hơi mệt!” “Cháu cũng vậy. Lạ chỗ. Cháu thức trắng đêm” Ông Tâm cười, nói “Đồng bệnh tương lân” “Nghĩa là sao, chú?” “Cùng có bệnh giống nhau nên dễ thân nhau” “Nhưng cháu chỉ không ngủ được đêm vừa rồi thôi mà” “Thì tôi cũng vậy!” Cô quay nhìn ông Tâm, cười “Chú ghê thật!” Ông trả lời “Có được người bạn thông minh, thích lắm!” “Cháu ngu lắm. Người thông minh bao giờ cũng biết giữ bí mật những ý nghĩ của mình” “Vậy là tôi cũng chẳng thông minh gì!” Cô liếc nhìn ông Tâm “Chú… tức cười quá! Gì cũng giống cháu!” Đến tiệm ăn, hai người lại chuyện trò quên cả thời gian. Họ đã trở nên đôi bạn thân nhưng luôn giữ ý để khỏi bị hiểu lầm.

Mấy hôm sau, ông Tâm qua San Antonio. Hai người lại gặp nhau. Cô Trang lộ vẻ mừng rỡ, nói cười tíu tít. Lúc ngồi trong tiệm ăn, cô nói “Bữa trước, cháu bị sét đánh gần chết!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cả tuần nay, trời nắng, đâu có mưa gió gì mà có sét đánh?” “Cháu không biết. Bạn cháu nói cháu bị sét đánh” “Cô làm gì đến nỗi ông trời chỉ sét đánh một mình cô? Sự việc xảy ra như thế nào? Cô có thể kể cho tôi nghe, được không?”

Cô cúi xuống, không nhìn ông Tâm, giọng ngập ngừng “Buổi sáng mà cháu từ biệt chú về Austin, cháu bị mất ngủ. Cháu gọi người bạn ở Houston tâm sự linh tinh. Bạn cháu nghe giọng mệt mỏi, tưởng cháu bịnh, hỏi, người thấy ra sao? Nếu cần phải đi bác sĩ ngay. Cháu bảo không sao cả, chỉ mất ngủ thôi. Bạn cháu hỏi có chuyện gì xảy ra không? Cháu kể chuyện cháu về Houston mua hàng, gặp chú, chuyện trò mấy lần. Không hiểu sao về ngủ không được! Bạn cháu nghe xong, nói với cháu rằng “Bà bị sét đánh rồi!” Cháu không hiểu, tại sao mình bị sét đánh?”

Ông Tâm chỉ đoán lờ mờ nhưng cảm động “Bạn cô hiểu lầm tâm trạng của cô nên nói vậy. Đúng ra phải nói là bị “tiếng sét ái tình” Có thể cô bất ngờ gặp anh chàng nào, bị xúc động nên không ngủ được” Cô ngước nhìn ông Tâm “Tiếng sét ái tình là sao chú? Từ bữa đó đến nay, cháu có gặp ai đâu? Cũng chẳng bị ai đánh cả!” “Người ta bảo. Mới thấy đối tượng lần đầu đã yêu ngay là bị tiếng sét ái tình” “Chú giải thích cho cháu nghe xem có phải cháu bị sét đánh không?” “Tôi giải thích dài dòng, nghe cho vui chứ chẳng có căn cứ khoa  học nào chứng minh cả.”

Cô Trang không nhìn ông Tâm “Cháu gặp chú là để nghe chú nói chuyện. Chú nói càng nhiều cháu càng cám ơn chú. Cháu thích nghe chú nói” “Tiếng sét ái tình do chính mình tự đánh mình chứ chẳng phải ông trời hay ‘đối tượng’ nào đánh cả. Nguyên nhân thì, có thể là. Thứ nhất là người kia có gương mặt giống mình. Ngày nào cũng soi gương, nhìn mãi mặt mình, nay bất ngờ gặp người có gương mặt, đôi mắt, miệng cười... (giống mình mà không biết) thấy quen quen, thân thiết. Vậy là yêu. Hai người yêu nhau lâu bền, đa số có khuôn mặt giống nhau, người mình gọi là Hạp Nhãn”.

Cô Trang kêu lên “Thôi. Chết cháu rồi! Chú xem thử, gương mặt chú cháu mình có giống nhau không?” Ông Tâm cười “Giống sao được! Tôi có râu, da mặt nhăn nheo. Mặt cô đẹp, da láng o, hồng hào. Cô mà giống tôi sẽ thành người đàn ông xấu trai. Chỉ có tính tình thì giống. Thích chuyện trò với nhau mãi mà không chán” Cô cười “Cám ơn chú. Tính tình giống nhau đủ rồi. Chú còn biết lý do nào mà bị sét đánh nữa không chú? Cháu lo quá. Sét mà đánh cháu. E cháu chết!” “Cô đừng lo. Không ai nỡ đánh cô đâu. Còn một giải thích khác, đó là sự cộng hưởng của tần số giao động sinh lý. Mỗi người có một tần số sinh lý riêng, giống như ADN của riêng mỗi người. Khi hai người có cùng tần số giao động giống nhau thì cộng hưởng và tác động mạnh lên tâm sinh lý của cả hai. Giống như radio (máy thu thanh) hay TV, nếu ta điều chỉnh máy thu của ta cùng tần số với đài phát thì ta có hai tần số (giống nhau) cộng hưởng và khuyếch đại để cho ta hình ảnh, âm thanh. Nhà thôi miên thiên tài W. G. Messing gọi đó là Trường Sinh Học, nó bao quanh thân thể ta, khi hòa hợp, hai người sẽ cảm thấy vui sướng, tìm đến nhau. Đôi mắt không chỉ tiếp nhận ánh sáng mà còn là cửa sổ của tâm hồn. Chỉ thoáng nhìn thấy nhau mà đã rung động cả thần trí thì có thể gọi đó là Tiếng sét ái tình. Tần số cộng hưởng là sợi dây liên lạc vô hình nối kết hai người với nhau. Người vợ hay chồng đi xa, gặp chuyện không may, người phối ngẫu tự nhiên thấy lo lắng, bất an. Đó gọi là “Linh cảm” Có những người con chết ngoài mặt trận, báo mộng cho mẹ biết ngay, là “Thần giao cách cách cảm”.


 

Ông Tâm nói thêm, “Người Việt mình còn một giải thích khác nữa, là do Duyên Kiếp. Chẳng hạn, kiếp trước yêu nhau mà không được sống với nhau, hai người thề nguyền, kiếp sau sẽ tìm đến với nhau. Nhiều người vợ (hoặc chồng) sống không được hạnh phúc nhưng vẫn yêu người kia nên cố chịu đựng và cho rằng “Kiếp trước mắc nợ, kiếp nầy phải trả” “Nghe chú giải thích cháu mới hiểu. Vậy là không phải cháu bị chú sét đánh, vì chú với cháu chẳng có tần số dao động nào cả. Cháu mừng lắm. Cháu chỉ sợ thương chú thình lình... thì khổ cháu. Có lẽ, như chú nói, kiếp trước, cháu mắc nợ chú, kiếp nầy, cháu phải tìm chú mà trả nợ. Thú thật, cháu có nghĩ nhiều đến chú. Không phải cháu yêu chú, nhưng hễ nghĩ đến chú là cháu thấy dễ chịu, thích thú, vui vẻ, nhưng chú thì ở xa, chẳng biết gia đình chú ra sao?” “Cô yên tâm. Tôi xem cô như bạn chứ không có ý nghĩ gì khác. Chuyện mất ngủ, ai cũng có, ít bữa sau ngủ bù. Cũng có thể vì công việc buôn bán, làm cô suy nghĩ, tính toán nên không ngủ được” Cô gật đầu “Chú nói đúng. Mấy bữa nay, cháu cứ nôn nao, muốn về đây mua hàng. Cứ tính mình sẽ mua những gì. Nhưng lại quên. Viết vào tờ giấy rồi cũng bỏ đâu mất tiêu. Cháu lái xe mà hồn vía để đâu đâu. Khi chạy nhanh, khi chạy chậm. Cháu nghĩ, có lẽ mình có hẹn với chú nên mong được gặp chú. Nhưng khi ngồi với chú, cháu chỉ thấy vui thôi chứ không rung động, hồi hộp gì cả” “Cô đừng lo. Người đàng hoàng như cô, vì đã hẹn gặp tôi nên bồn chồn vậy thôi. Tôi hẹn đi uống cà phê với bạn cũng vậy, cứ nhìn chừng đồng hồ mãi. Mà dù cô có xao xuyến, rung động vì người nào đó cũng chẳng tội lỗi gì. Chỉ như một kỷ niệm đẹp để trang trí cuộc đời,  một chút vui, một chút buồn, một chút nhớ nhung, đau khổ, như ăn tô phở phải có chút ớt cay, chanh chua, miễn sau đó thì quên đi cho đỡ rắc rối” “Khi về bên đó, chú nhớ gọi cháu kẻo cháu trông nghe! Nếu chú không gọi thì cháu gọi chú. Có trở ngại gì không chú?” “Giờ làm việc thì hơi bận, nhưng buổi chiều hay tối, cô gọi giờ nào cũng được. Tôi sống một mình, được cô gọi để chuyện trò thì thích hơn mấy ông bạn. Giọng cô dịu dàng, đối đáp thông minh. Cám ơn cô rất nhiều” Cô cười vui “Chú khen cháu, cháu mừng lắm!””

Thời khoa học phát triển, chỉ với chiếc điện thoại nhỏ là có thể chuyện trò với bất cứ người nào, nơi nào. Ông Tâm về lại miền đông Hoa Kỳ, thỉnh thoảng hai người gọi hỏi thăm nhau. Cô tâm sự “Không hiểu sao, lối rày cháu thích nghe những bản tình ca. Bây giờ mới thấy hay chứ trước đây cháu ghét lắm” Ông Tâm cười “Chúc mừng cô đã yêu một người nào đó” Cô Trang bảo “Chú tài thật. Cháu đang yêu. Nhưng không phải yêu chú đâu. Chú đừng vội mừng”  Cô tỉ tê “Hơn mười năm, cháu lo buôn bán, bòn mót từng đồng, gửi về cho gia đình, cha mẹ, anh chị em. Khi cuộc sống của người thân ở Việt Nam ổn định thì cháu nhìn lại mình mới biết tuổi xuân đã đi qua. Cháu già quá rồi! Lại suốt ngày lẩn quẩn trong tiệm buôn. Mà có ra đường, cũng chẳng ai thèm nhìn. Cháu buồn lắm, nhiều lúc tủi thân, nằm khóc một mình” Ông Tâm an ủi “Sống một mình cũng có cái thú của nó. Không làm phiền ai mà cũng chẳng ai làm phiền mình. Muốn ăn, ngủ, đi chơi đây đó... tự nhiên, thoải mái. Xứ Mỹ nầy, rất nhiều người thích sống độc thân, khi già thì có nhà dưỡng lão lo. Tôi định, khi mình về hưu, sẽ đến thành phố của cô xin vào viện dưỡng lão chờ đến khi cô thành bà lão thì vào ở chung với tôi” Cô cười như reo lên nhưng làm bộ cự nự “Chú đừng hi vọng. Sau nầy, cháu có vào nhà già thì mỗi người một phòng riêng, cháu sẽ không qua phòng chú. Cháu cũng không cho chú vào phòng cháu đâu. Chỉ gọi điện thoại thôi. Nam nữ thọ thọ bất thân mà chú!” “Cô đang cười, chứng tỏ cô không còn buồn nữa. Khi cô vui vẻ thì tôi cũng vui lây. Cô dễ thương lắm!” Cô yên lặng, rồi ngập ngừng như muốn nói điều gì, nhưng cô lại tắt điện thoại, không trả lời.

“A lô! Tôi đang ở thành phố của cô Trang đây!” “Chú đến lúc nào vậy?” “Sáng nay đến Austin thăm một người bạn, hiện giờ ghé điểm tâm ở Round Rock. Cô biết tiệm ăn Á Đông ở đó không? Mời cô đến điểm tâm với tụi tôi.” “Cháu có biết tiệm đó. Mươi phút nữa cháu sẽ đến. Gặp chú rồi cháu phải về tiệm ngay. Chú đứng trước cửa nhà hàng đón cháu nghe!”

Cô Trang đậu xe trước tiệm ăn, mở cửa bước ra, giáo giác nhìn quanh. Ông Tâm tiến đến “Trang. Tôi đây nè!” Cô Trang quay lại, lấy tay đè lên ngực “Cháu muốn bể tim vì hồi hộp. Cháu mừng quá! Cả năm mới được gặp lại chu.ù” “Mời cô vào với tụi tôi” “Cám ơn chú. Cháu không vào đâu. Cháu ngại gặp nhiều người. Bây giờ cháu phải về!” “Ủa, gặp nhau, nói mấy câu là hết sao?” “Cháu ước được gặp lại chú. Bây giờ gặp rồi. Chú vào với các bạn chú đi!” “Nói với nhau vài câu nữa, không được sao?” Cô Trang mở cửa xe, tần ngần một lúc rồi nói “Chiều nay, lúc bảy giờ, cháu đóng cửa tiệm, sẽ gặp chú ở quán cà phê đằng kia. Một mình chú thôi. Cháu không thích đông người” “Cám ơn cô!”

Ông Tâm nhờ bạn đưa đến tiệm cà phê Starbucks, bước vào, đã thấy cô Trang ngồi trong đó “Cô chờ tôi có lâu không?” Cô lắc đầu “Cháu mới vào. Chú uống gì?” “Cho tôi ly cà phê nóng” Cô đứng lên, đi lấy hai ly cà phê “Chú uống cà phê có bị mất ngủ không?” “Tôi nằm xuống là ngủ liền, nhưng tối nay phải thức để trò chuyện với bạn bè” “Những người dễ ngủ thường vô tâm. Cháu mà được vô tâm như chú thì cháu không đến nỗi già như thế nầy. Cháu già lắm phải không chú?” “Trẻ hơn trước!” “Cả năm, không gặp chú nên cháu già thêm! Đố chú, cháu có gì lạ không?” “Cô vừa có bồ nên trông tươi tỉnh, vui vẻ”  “Chú sai rồi. Cháu mập hơn trước” Ông Tâm tấm tắc “Hèn chi chân tay tròn vo, mặt cũng tròn như của Thúy Vân. Gương trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Cô đẹp như Thúy Vân” Cô lắc đầu, phụng phịu “Chú nói cho cháu vui. Cứ đem Thúy Vân ra so sánh là xong. Nhưng Thúy Vân đâu có đẹp!”

Ông Tâm chăm chú nhìn cô rồi nhíu mày, làm như suy tư “Bây giờ cô đứng lên, xoay người để tôi so sánh cô với Thúy Vân, xem ai đẹp hơn?” Cô Trang đứng lên. Cô đánh phấn hồng, môi son nhạt, mắt viền đen. Cô mặc áo pull màu nâu hồng nhạt, bó sát thân hình thon gọn với hai đồi ngực thanh tân, nhỏ như hai quả cam. Quần jean xanh đậm. Hai đùi tròn lẳn, đôi mông tròn, đẹp tinh khiết.

Cô yểu điệu quay người hai vòng rồi ngồi xuống, đôi mắt long lanh ngước nhìn ông Tâm, chờ đợi. Ông Tâm gục gặc đầu “Hôm trước, gặp Thúy Vân, tôi tưởng Thúy Vân đẹp nhất. Bây giờ gặp cô thì hóa ra cô đẹp hơn Thúy Vân nhiều. Thúy Vân mà đứng cạnh cô, mắc cỡ không biết để đâu cho hết!” Cô Trang làm nghiêm “Chú gặp Thúy Vân ở đâu? Lúc nào?” “Mới đây thôi. Gặp ở quận Cam, bên Cali. Cô ta và Thúy Kiều đi ăn phở với Nguyễn Du, có cả Vương Quan với Kim Trọng nữa. Lâu ngày gặp nhau, chúng tôi mừng lắm!” “Bộ chú cũng quen với Nguyễn Du nữa à?” “Bạn thân mà! Tay bắt mặt mừng đàng hoàng.”

Cô Trang cố mím môi để khỏi bật cười, mắt đăm đăm nhìn ông Tâm “Chú!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô định nói gì?” “Cháu muốn xô chú ngã xuống đất quá!” “Coi bộ ghét hay giận tôi điều gì?” Cô lắc đầu “Chú làm cháu vui quá, thích quá! Cháu không biết nói thế nào cho chú biết rằng cháu chưa bao giờ được vui như lúc nầy. Cám ơn chú. Chỉ nghe giọng chú nói là cháu đã vui sướng rồi. Từ khi quen chú đến nay, chú đã cho cháu biết bao niềm vui. Cháu không biết, có phải đó là hạnh phúc không?” “Hạnh phúc hay không là tự mình cảm nhận được. Tôi lúc nào cũng cầu mong cho những người thân yêu của mình vui vẻ, hạnh phúc.”

Tiệm cà phê vắng khách, yên tĩnh, cả hai cảm thấy thoải mái. Cô thu ngân ngồi ở quầy tính tiền thỉnh thoảng nhìn hai người rồi tủm tỉm cười. Cô Trang hỏi chuyện đi đường, chuyện thăm viếng bạn bè của ông Tâm. Hai người mãi chuyện trò, quên cả thời gian. Rồi cô nhìn đồng hồ, thở dài, đứng lên “Cháu phải về!”

Hai người bước ra, đứng trước tiệm cà phê. Ông Tâm nói “Tôi thấy ở đây yên tĩnh, phong cảnh đẹp. Ông bạn rủ tôi ở chơi đến cuối tuần hãy đi” Cô lắc đầu “Không được! Chú không được ở đây. Cháu... sợ lắm!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô sợ gì?” “Cháu không biết. Cháu sợ chú!”

Cô yên lặng một lúc rồi ngước nhìn ông Tâm, đôi mắt long lanh nước mắt. Cô mím môi “Mai chú đi rồi, phải không? Chúc chú đi bình an, vui vẻ” Giọng cô run run “Từ nay chú đừng gọi cháu nữa. Cháu cũng không gọi chú. Chú hứa đi! Không gọi cháu nữa” Ông Tâm bối rối “Tôi xin lỗi cô. Tôi không hiểu mình đã nói gì mà thình lình cô giận tôi? Hay là cô giận ai?”

Cô cúi đầu, yên lặng. Chợt cô ngước lên “Chú ngốc lắm!”, rồi cô bước nhanh ra xe. Ông Tâm đứng sửng “Tôi xin lỗi cô. Mấy hôm nữa tôi mới lên đường. Sáng mai mời cô đi ăn điểm tâm. Nhớ nghe! Tôi sẽ gọi cô” Cô lắc đầu, vào xe, lái ra đường.

Cô Trang cho xe ra đường mà không biết mình đang đi đâu. Tiếng ca nhạc trong xe vang lên nho nhỏ “Dù tình yêu đã quá xa tầm tay với. Dù mai kia bước chân nầy rã lụi. Thành tượng đá bơ vơ phương trời...” Nước mắt cô lại ứa ra.

Mùa hè, trời vẫn còn sáng nhưng nước mắt làm nhạt nhòa con đường trước mặt. Không thấy rõ đường, cô phải tấp xe vào một công viên, tắt máy, ngồi lặng người. Cô quen sống một mình, nhưng sao giờ đây, cô thấy mình bơ vơ và buồn đến rã rời, chỉ muốn chết đi. Cô bỗng khóc òa, khóc nức nở.

Một lúc sau nước mắt đã cạn, cô lau  mắt và thở dài. Bóng tối đã tràn ngập công viên, chỉ còn lại chút ánh sáng mơ hồ trên các ngọn cây. Bỗng nhiên, cô lấy điện thoại. Bấm số, áp vào tai. Nghe bên kia chuông reo, cô ngần ngừ, chưa nghe trả lời thì cô bấm tắt. Và cứ áp điện thoại vào tai, cô thì thầm “Chú ngốc quá! Chú từng viết ‘Hạnh phúc của anh là khi em đang rơi nước mắt’ Thấy cháu khóc mà chú chẳng hiểu gì cháu cả” Ngước nhìn hàng cây phía xa trong công viên, cô thở dài “Cháu không có bạn để tâm sự. Cháu chưa hề yêu ai! Cháu yêu chú mà không dám nói, cháu đành tâm sự với cái điện thoại vô tri nầy. Chẳng ai hiểu cháu, cả đến chú nữa. Khi yêu, đau khổ quá chú ơi! Ít hôm nữa, chú đi rồi. Chỉ biết khóc. Biết bao giờ gặp lại chú? Sáng mai, gặp chú. Không biết cháu có đủ can đảm nói với chú rằng. Cháu cho phép chú ở đây. Ở đây với cháu. Đến khi nào chú chán cháu, thì, chú đi đâu tùy ý!”

Cô không biết rằng: Cô bấm tắt điện thoại, nhưng bấm nhẹ quá, điện thoại vẫn hoạt động.

Ông Tâm yên lặng lắng nghe!

Rồi ông tắt điện thoại.

Phạm Thành Châu

 
Cùng một tác giả

Đã phát hành 4 tập truyện:

 
- Nhớ Huế, 248 trang

- Bức Họa Khoả Thân, 48 trang

- Lý Lẽ Của Trái Tim, 266 trang

- Lời Tỏ Tình, 235 trang

 
Mua 4 tập, mỗi tập 10USD (tính luôn cước phí)

Liên lạc: Phạm Thành Châu 7004 Beverly Lane Springfield VA 22150 USA, (c) 571-480- 3276, (h) 703-569-0124

Ý kiến bạn đọc
13/09/202306:45:31
Khách
Cô gái này nói chuyện khá vui!
Nếu không có chủ thì nên liên hệ, biết đâu sẽ vui hơn!
23/02/201921:04:41
Khách
Một ý kiến ( ngoài đề) khi đọc bài Vô Tình, nhưng hổng biết có đúng hông nữa ?" :
Một lão niên , nếu được một phụ nữ trẻ, ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên, xưng hô là " cháu, chú " thi còn có hy vọng rằng nếu theo tán tỉnh nàng sát rạt , một ngày nào đó "cá sẽ cắn câu ", nàng sẽ đổi từ " cháu, chú" sang " em, anh". Chớ còn nếu nàng xưng hô theo kiểu " con, chú " hoặc " con, bác " , ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên , thì e rằng nên tắc lưỡi than thầm là mình trông đã quá già đối với em rồi !
22/02/201920:30:56
Khách
Một câu chuyện tình đơn phương lý thú giữa trẻ và già. Và lời văn giản dị, gọn gàng và tình cảm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến