Hôm nay,  

Người Lính Mỹ Thầm Lặng

25/01/201900:00:00(Xem: 11223)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5602-20-31408-vb6012519

 
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.

viet ve nuoc My
Người lính Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam.

 
 ***
 

Thành phố nhỏ với đường Roger, rẽ qua Greenwood, rồi quẹo mặt vô Grand...mấy  con đường hẹp, lót thảm màu xanh rêu sạch sẽ, hai bên là những căn nhà nhỏ, gọn gàng, vách sơn màu ngà, cửa nâu, trước mỗi cánh cửa  có ghi số và tên chủ nhà.

Đó là một xã hội được thu gọn trong toà building rộng lớn, nằm trên ngọn đồi cao, xung quanh cây cối xanh um, tạo nên vẻ tĩnh lặng, êm đềm của viện dưỡng lão! Phải, đó là viện dưỡng lão trong một thành phố nhỏ, nơi tôi đang cư ngụ.

Cách nay ba tháng, như thường ngày, tôi đến để thăm anh tôi đang ở đây. Đi ngang phòng 207, nghe tiếng nói chuyện lao xao bên trong. Cửa mở, tôi ngó vô, thấy chị Minh và chồng đang ngồi cạnh giường Willis, chú chồng của chị Minh.

Đã lâu không gặp chị, sẵn tiện nên tôi ghé vô luôn.

Đầu giường được nâng cao lên, Willis ngồi dựa lưng, dáng điệu mệt mõi, đưa tay lấy từng miếng bánh mì nhỏ do chị Minh đang xé đưa cho chú ấy.

Khoảng năm 1966, lúc đó, Willis là một thanh niên cao ráo, đẹp trai. Chú vừa tốt nghiệp đại học ở một thành phố lớn. Thay vì với mãnh bằng kỷ sư, chú có thể xin được việc làm dễ dàng nhưng chú lại tình nguyện gia nhập  quân đội và sang Việt Nam chiến đấu. Cùng đi với chú còn có hai người bạn thân là John, Smith và người cháu tên Moon, bây giờ là chồng của chị Minh. Tuy vai vế chú cháu nhưng hai người cũng độ tuổi nhau vì Willis là con trai út trong gia đình có tới sáu người con và ba của Moon là anh lớn trong nhà.

Rất may mắn, bốn người họ đều ở chung đơn vị, căn cứ tại Phú Lợi, Bình Dương, cách nhà tôi chừng ba cây số.

Tôi và chị Minh làm việc cho tổng đài điện thoại nơi đó và trong một tình cờ, khi Moon đến nhờ chúng tôi chỉ cách liên lạc về Mỹ để nói chuyện với người nhà, Moon làm quen với chị Minh. Tình bạn của hai người ngày càng thân và sau đó, hôn lễ được cử hành tại nhà chị Minh, tuy đơn giản nhưng rất vui. Bên nhà trai chỉ vỏn vẹn chú Willis của Moon làm chủ hôn cùng với hai chàng rể phụ đẹp trai Smith, và John.

Trong suốt gần ba năm trời bên nhau, bốn người vừa là đồng ngũ, vừa là bà con chòm xóm láng giềng. Những câu chuyện xưa lúc còn đi học, chọc phá bạn bè, thầy cô thường được nhắc lại với những tràng cười rôm rả. Nhở vậy nên họ cũng cảm thấy đỡ nhớ nhà.

Một buổi chiều, sau cuộc hành quân ở Dầu Tiếng, Moon cùng các bạn trở  về căn cứ. Vừa lúc chúng tôi tan sở, mấy chiếc xe Jeep chạy vô cỗng sư đoàn, xe nào cũng bám đầy bụi đỏ, những người lính mặt mũi bơ phờ. Thấy chúng tôi, Moon lập tức ra dấu kêu chờ. Anh nhãy vội xuống xe, đến bên chị Minh, ôm chị thật chặt, nước mắt chảy dài. Tôi tưởng anh mừng và xúc động sau cả tuần lễ xa chị nên khóc. Tôi cười chọc chị Minh:

- Vui rồi nha bà!

Chị mỉm cười ngó tôi.

Đột nhiên, Moon khóc lớn lên nói:

- Willis bị thương nặng, đã được đưa về Long Bình, Smith và John đã tử trận!

Trời ơi! Mới tuần trước, bốn người chia tay với chúng tôi, nói nói cười cười, giờ đây chỉ còn mỗi mình Moon!

Chị Minh cũng khóc oà lên, làm mấy đứa tôi đứng gần đó đều không cầm được nước mắt.

Hai hôm sau, Moon cho chúng tôi biết, chú Willis bị thương nặng, phải cưa hết hai chân đã được chuyển về Mỹ sáng nay.  Phẩn Moon, vừa đủ hạn ba năm phục vụ bên này, anh và chị Minh cũng sẽ lên đường trở về với gia đình trong vài hôm nữa!

Chị Minh theo chồng chừng vài tháng, tôi buồn quá nên  cũng xin thôi việc nơi đó để đi làm ở chỗ khác.

Sau cuộc bể dâu, phải dời nhà đi nhiều lần, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc nhau cho đến hơn mười lăm năm sau.

Một sáng cuối tuần, tôi đi chợ mua chút thức ăn. Đang lựa mớ rau, nghe sau lưng giọng nói nhỏ nhẹ, quen thuộc bằng tiếng Anh, tôi quay vội lại. Một người đàn ông Mỹ mập mạp, râu quai nón che muốn hết gương mặt, bên cạnh người phụ nữ Á đông có mái tóc ngắn gọn, dáng người thon thả, nét mặt trông ngờ ngợ tưởng chừng như quen quen.

Chúng tôi nhìn nhau, chị ấy nhíu mày nghĩ ngợi, tôi thì rán mở lớn hai mắt ra ngó ...và...chúng tôi đồng thanh la lớn lên:

- Chị Minh!

- Em ! Trời ơi, chị không ngờ được gặp lại em!

Hai chị em ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi, nói không nên lời! Moon cũng vui ra mặt trong cuộc tương phùng bất ngờ này.

Chị Minh hỏi tôi năm ba câu rồi cùng đến nhà tôi. Trên đường , chị cho biết gia đình chồng chị ở vùng quê, cách thành phố chỗ tôi gần hai tiếng đồng hồ lái xe. Đó là một thị trấn nhỏ, đa số sống bằng nghề nông, trồng bắp, nuôi bò. Nơi chị ở gần giống như làng quê bên mình với những con sông nhỏ uốn khúc,những cánh đồng bắp mênh mông bạt ngàn, bò được thả từng đàn trên đồng cỏ quanh năm, suốt tháng, mặc nắng mưa dãi dầu.

Chị nói, khi đến Mỹ, vợ chồng chị vừa về tới  đầu ngõ, cả làng ra chào đón cô dâu không cùng ngôn ngữ với những bông hoa tươi thắm, những món quà nho nhỏ đậm tình thương yêu. Từ đó, chị đã chánh thức là con của cái làng quê mộc mạc, mỗi sáng cùng chồng ra đồng, sớm chiều bên nhau. Chị nói chỉ có mình chị là người Việt Nam duy nhất nơi đó, bên cạnh chị là những người nhà quê, mộc mạc, tuy rằng không cùng màu da, chủng tộc, ngôn ngữ nhưng họ vẫn đối đãi với chị rất chân tình. Má chồng chị rất thương yêu, chỉ dạy chị từng chút một. Nhờ vậy, dù sống xung quanh toàn người xa lạ nhưng chị không thấy tủi thân, trái lại rất hạnh phúc được  hoà mình vào cuộc sống đậm tình quê hương nơi này.

Tôi hỏi về Willis, Moon ngậm ngùi cho biết, sau khi đã bỏ lại một phần thân thể bên kia đại dương, chú trở về trong mặc cảm, oán ghét chiến tranh. Ngày ngày, ngồi trên chiếc xe lăn, không giao thiệp với bất kỳ ai, ngay cả họ hàng trong gia đình, ngoại trừ người mẹ già đang sống chung với chú trong căn nhà xưa.

Tuần sau, vợ chồng chị Minh trở lại chỗ tôi ở để chở tôi về nhà anh chị cho biết.

Quả như chị nói, cuộc sống nơi đây quá êm đềm, hai bên đường một màu xanh tươi thắm của cỏ cây, thỉnh thoảng xa xa vài nóc nhà nhô lên, không có xe chạy dập dìu, không khách bộ hành tấp nập.

Moon từ từ cho xe chạy vô cỗng. Trước mắt tôi, căn nhà trệt khang trang, rộng lớn. Đất đai xung quanh được chăm sóc dưới đôi tay khéo léo của chị Minh. Chỗ này đám rau, kế bên cũng giàn bầu bí như bên mình. Trước cửa nhà, hai bên lối đi, chị trồng đủ loại bông thật đẹp mắt. Xe ngừng lại, Moon nhấn kèn, cửa mở, một trai, một gái tuổi độ mười ba, mười bốn chạy ra. Chị Minh cho biết đó là hai đứa con của chị và Moon.

Mấy đứa trẻ mang hai dòng máu có nước da trắng hồng, tóc vàng nâu óng ánh, nét mặt xinh xắn, dễ thương gì đâu.

Sau khi được chị Minh giới thiệu, mấy đứa chào hỏi tôi rồi rút lui vô trong. Ngồi nói chuyện giây lát, tôi ngỏ ý muốn đi thăm Willis, chị Minh hơi ái ngại. Chị nói không biết chú có chịu gặp em hay không. Moon nói mình cứ đi qua đó đại, coi sao.

 
Căn nhà xưa rộng lớn, nơi Willis đang kéo dài cuộc sống thầm lặng đã hiện ra trước mắt. Chúng tôi tiến đến ngạch cửa. Moon có chìa khoá nên không cần bấm chuông. Cửa bật mở ra, trong nhà tối om vì các màn cửa sổ vẫn còn buông kín. Mùi ẩm thấp, cộng thêm khung cảnh vắng lặng bao quanh làm cho ngôi nhà lớn càng thêm ảm đạm. Tôi đưa mắt rảo nhìn qua căn phòng khách trống trơn không bóng người.

Chợt có tiếng ho khan từ gian bếp kế bên, tôi ngó qua, một thân người to lớn, mập mạp đang ngồi dựa trên chiếc xe lăn.

Moon mở đèn, ánh sáng vàng vọt của bóng đèn tròn cũng đủ cho tôi nhìn thấy rõ Willis! Râu tóc dài kín hết đầu, rối nùi, chứng tỏ chú không bao giờ chải gỡ. Chúng tôi đi đến gần chú. Moon nói:


- Willis. Chú có biết ai đây không?

Chú không trả lời, đưa mắt nhìn tôi, nét mặt lạnh lùng. Moon lại tiếp tục giới thiệu:

- Dona nè, chú nhớ không? Hồi xưa làm việc trong sư đoàn của mình đó!

Willis vẫn không thèm trả lời, lặng lẽ dùng hai tay, mệt nhọc xoay chiếc xe quay đầu lại, lăn dần vô phòng ngủ.

Chị Mình đã hâm nóng dĩa thức ăn đem qua, thấy vậy, chị ái ngại nói:

- Tôi biết mà, ổng không chịu gặp ai ngoài vợ chồng mình đâu!

Rồi chị bưng đồ ăn vô phòng cho chú.

Chị cho biết sau ngày trở về nhà, ở với bà mẹ đã trên bảy mươi, ngày ngày chú quanh quẩn trong sân bằng chiếc xe lăn, lúc nào cũng buồn bã, không nói năng gì hết. Cho tới ngày mẹ chú mất sau đó khoảng năm năm, chú bắt đầu bị trầm cảm, tánh tình thay đỗi. Chú trở nên cọc cằn, hay la hét khi không vừa ý chuyện gì.

Tôi hiểu nỗi lòng của chú. Từ một kỷ sư vừa ra trường, tuấn tú, giỏi giang, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chú không màng đến công danh sự nghiệp mà lại lăn mình vô cuộc chiến nơi xứ người, hầu đem lại cuộc sống ấm no cho chúng tôi. Kết cuộc chú lại sa vào cảnh tàn phế, mất hết tương lai.

Sau khi lo cho chú ăn, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vợ chồng chị Minh đưa tôi trở về nhà.

Chị Minh nói với tôi là chú Willis rất giàu, có nhiều đất đai và nhà cửa cho mướn. Tuy nhiên, chú lại rất bủn xỉn, mỗi lần nhờ ai đi chợ mua thức ăn, chú tính từ đồng, không bao giờ trả dư lại dù chỉ một xu. Trong khi đó, không hiểu do đâu, chú quen với một người đàn bà qua Internet, rồi không biết bà ta than thở gì đó, mỗi tháng ông đều đặn gởi tiền đến cho bà ta mà chưa bao giờ gặp mặt. Moon biết được khi bắt gặp tờ check ông viết để trên bàn chưa kịp gởi. Sau đó, Moon nhờ người theo dõi và tìm hiểu thì được biết người đàn bà này trẻ hơn ông nhiều, có bốn con thơ, chồng đã chết.

Willis thương cho hoàn cảnh của bà nên giúp đỡ tiền bạc cho bà. Tuy biết vậy nhưng các người cháu của Willis vẫn phản đối việc làm của chú, họ cho rằng chú bị lợi dụng.

Rồi từ độ đó đến nay, gần ba chục năm trường, tôi mới gặp lại Willis trong viện dưỡng lão. Mới đầu, chú  không muốn nói chuyện với tôi. Thấy vậy, tôi cũng tôn trọng với nỗi buồn của chú, nên mỗi khi đi thăm anh tôi, ngang qua phòng chú, tôi chỉ nhìn thoáng qua, đưa tay chào rồi đi.

Cho đến mấy tuần sau, tự nhiên, Willis gọi tôi khi tôi ngang qua phòng chú. Tôi mừng rỡ bước vô. Willis bây giờ đã trên bảy mươi, râu tóc đã bạc, da dẻ nhăn nheo, chỉ đôi mắt là không thay đỗi, lúc nào cũng xa xăm, buồn bã.

Willis hỏi thăm về Bình Dương, về những người quen biết ngày xưa. Chú nói không còn thiết sống nữa sau khi mang tấm thân tàn phế trở lại quê nhà. Nhiều lần chú muốn kết thúc cuộc sống vô vị, buồn chán này nhưng khi nhìn bà mẹ già, lưng đã còng, đầu óc bắt đầu lẩn thẩn, vậy mà mỗi sáng, mở mắt ra là bà bước qua phòng chú, hỏi han đủ điều. Bà thích kể lại chuyện hồi chú còn nhỏ, ngồi lên lưng ngựa chạy khắp cánh đồng, nét mặt hân hoan vui sướng. Bà nhắc đủ chuyện hết làm chú cũng vui lây. Tự nhiên chú bỏ đi ý định lìa xa cõi thế, chú muốn tiếp tục sống dù sống trong đau khổ, để mẹ già đỡ quạnh hiu! Cho đến một ngày kia, mẹ chú lìa đời sau cơn đau tim, chú quá đau buồn và trở nên bị trầm cảm, chú đâm oán ghét mọi người không lý do! Sau khi chôn cất bà xong, chú tìm thấy trong tủ cái bóp da màu đen mà bà vẫn dùng tới mỗi khi ra khỏi nhà. Trong đó, có một số tiền khá lớn, vài tấm hình của ông bà cùng các con.

Willis coi đó như bảo vật, chú để nguyên vẹn tiền bạc và hình ảnh, đem cất vô tủ cẩn thận, thỉnh thoảng lấy ra xem lại mấy tấm hình cũ.

Một lần, chú kể cho tôi nghe về mối tình của chú và Jane. Mặc dù chưa gặp nhau lần nào nhưng chú vẫn rất yêu bà. Nhiều lần, Jane đòi đến thăm nhưng chú cương quyết từ chối vì chú không muốn bà nhìn thấy tấm thân tàn tạ của mình.

Chú cũng cho tôi biết, mấy chục năm nay chú vẫn thường xuyên liên lạc với Jane nhưng nhứt định không cho gặp mặt. Chú sợ sẽ làm cô kinh hoàng khi biết được sự thật về chú. Jane có cho chú biết đang bị ung thư phổi ở thời kỳ cuối, không biết sẽ ra đi lúc nào.

Ngày qua ngày, chú ở trong này đã hơn nửa năm. Tôi vẫn ngang qua phòng chú, vẫy tay chào, thỉnh thoảng bước vô thăm hỏi vài câu rồi vội đi vì tôi phải thế cho chị tôi về nhà nghĩ ngơi trong chốc lát.

Tuần rồi, vô tới đây, căn phòng 207 trống trơn, tôi hoang mang, gọi hỏi chị Minh. Chị cho biết chú nhất quyết đòi về, vì chú nghe trong người yếu lắm, chú muốn nhìn lại căn nhà tổ, từ mấy đời mà cha mẹ đã giao lại cho chú.  Nói cách nào cũng không được, vợ chồng chị đành phải làm thủ tục cho chú rời ngôi nhà già, nơi mà tưởng chừng như đó là ngôi nhà cuối đời của chú.

Tự nhiên, linh tính có chuyện không hay cho chú, tôi vội đi xe bus đến thị trấn hẻo lánh nói có vợ chồng chị Minh và họ hàng ở đó. Tới nơi đã gần tối, chị Minh nói để sáng mai qua thăm chú Willis.

Sáng sớm nào cũng vậy, Moon thức rất sớm để qua lo vệ sinh cho chú rồi mới trở về ăn sáng. Hôm nay, vừa ra khỏi nhà chưa mười phút,có tiếng điện thoại reo, chị Minh cầm máy lên, tiếng Moon gấp rút qua speaker:

- Tới đây mau lên, chú Willlis có chuyện rồi.

Chúng tôi lập tức lên xe chạy đi.

Mở cửa vô, chú Willis đang ngồi trên chiếc xe lăn, đầu nghẻo sang một bên, hai mắt mở trừng. Trên mình chú, cái bóp da đã cũ mèm, sờn rách nhiều chỗ , của người mẹ già thương yêu mà chú nâng niu như báu vật, tay còn cầm tấm hình chụp chung bốn người mặc đồ nhà binh- Chú Willis, Moon, Smith và John. Trên bàn, tập check còn dang dở nét chữ nguệch ngoạc vì tay không cầm viết vững với tên người nhận, người tình trong mộng của chú và hàng chữ ghi số tiền dở dang.

Vậy là chú đã ra đi êm ấm với hình ảnh mẹ hiền qua kỷ vật trong tay, với bạn bè nối khố từ thuở ấu thơ cho đến những ngày sống chết bên nhau nơi xứ lạ quê người , lòng chú vẫn nghĩ đến người bạn tình chưa hề gặp gỡ...

Trong thân tộc chỉ còn mỗi mình chú Willis là lớn nhất, còn lại là các con  của anh chị chú. Moon gọi điện thoại cho mọi người tề tựu đông đủ để lo hậu sự cho chú.

Tuấn sau, mọi việc cho người quá cố đã chu toàn, Moon và mấy người em họ nhận được thơ mời đến văn phòng luật sư.

Tới nơi, luật sư đọc thơ kèm bản di chúc của Willis cho mọi người nghe. Sau đó, mỗi người nhận một bản sao. Duy chỉ một người vắng mặt. Đó là cô Jane, người đàn bà đã quen biết chú trong nhiều năm nay qua Internet và cho đến phút cuối, Willis vẫn chưa một lần được gặp bà.

Theo di chúc, vợ chồng Moon sẽ thừa hưởng căn nhà xưa, toàn bộ đất đai do ông đã mua sau khi giải ngủ. Phần các cháu khác cũng được ông chia  đều đặn. Riêng Jane, ông cho tất cả số tiền mặt mà ông có trong ngân hàng, số tiền đó đủ để Jane sống cho đến ngày bà lìa đời.

Nghe xong bản di chúc, mọi người ai cũng rơi nước mắt.  Không ngờ,  Người chú, người cậu mà ngoài vợ chồng Moon luôn chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, mấy người kia lúc nào họ cũng cho ông là kẻ lạnh lùng, keo kiệt. Vậy mà đến phút cuối ông vẫn luôn nghĩ đến các cháu chứ có xấu xa như họ từng oán trách đâu?

Nghe chị Minh kể, tôi thật vô cùng cảm mến chú. Chú đã vì lý tưởng, hy sinh một phần thân thể nơi xứ người, trở về trong hiu quạnh, sống đời cô đơn, chịu sự lạnh nhạt của người thân vì họ nghĩ chú già rồi mà vẫn chạy theo mối tình vô vọng, không nghĩ đến thâm tình máu mủ.

Trái tim nhân hậu của chú vô cùng cao cả, đã âm thầm giúp đỡ Jane, một người đàn bà bạc phước, một mình nuôi bầy con dại. Dù chưa một lần gặp gỡ, dù không biết thực hư, chú vẫn không mảy may nghi ngờ!

Thôi giờ đây chú đã về nơi cõi vĩnh hằng, không còn đau khổ, hận thù. Xin chú hãy yên nghỉ. Tôi sẽ không quên người lính trẻ  dễ mến, đã một thời làm việc cùng một căn cứ. Người Việt Nam sẽ không quên những hy sinh cao cả của các chiến binh Mỹ từng một thời bảo vệ tự do cho  quê hương chúng tôi.

Fort Smith, Jan 12019

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
10/02/201923:37:57
Khách
Cảm ơn linhngayxua và Iris đã đọc bài và góp lời bình luận nha. Đông không viết hết sự thật vì cuộc sống ông Willis sau khi trở về Mỹ rất đau thương, chỉ nói lên một phần nhỏ thôi. Ông đã âm thầm kéo dài cuộc sống trong cảnh tàn phế và cô đơn suốt mấy chục năm trường. Bên ông chỉ duy nhất một người, vừa là đồng ngủ, vừa là người cháu thân thích, luôn quan tâm chăm sóc nhưng cũng trong giới hạn vì Moon vẫn còn bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình. Ông mất đi đã để lại cho những người cháu một sự hối hận vì đã trách lầm ông, dầu sao, giờ ông cũng đã được giải thoát, không còn đau khổ, không còn bệnh tật nữa. Và điều cao quý nhất là trước khi mất, ông cũng đã chu toàn trách nhiệm của một thanh niên có đầy nhiệt huyết, đem thân mình để tranh đấu cho hoà bình, tự do một nơi không phải là quê hương của mình. Dù ông sống đời đau khổ, vẫn lo lắng giúp đỡ kẻ khác , người mà ông không hề quen biết, và vẫn nghĩ đến thâm tình cốt nhục mặc dù họ bỏ rơi ông trong những năm tháng cuối đời!
Thân mến chúc linhngayxua và Ỉris năm mới an lành và hạnh phúc nhé!
10/02/201906:55:28
Khách
Chào chị Đông Trinh. Iris thấy bài viết của chị hổm rày mà nhìn đầu đề đã thấy sợ nên hôm nay mới đọc. Thật đau lòng và cảm động. Nếu không có tình người, tình nghĩa gia đình và người thân, con người rất khó có thể tồn tại sau nhũng tang thương khủng khiếp như thế. Em cũng có nhũng người thân yêu chết trong chiến tranh và bị ám ảnh mãi. Thật biết ơn và kính phục nhũng người đã hy sinh cho mình được sống và hưởng không khí tự do, nhất là nhũng người không cùng huyết thống như chú Willis trong truyện. Nguyện xin cho chú được yên nghỉ 🙏💖
Cảm ơn chị đã viết 🌹
31/01/201914:36:50
Khách
Cam on tac gia ve bai viet da^`y ti`nh nguo`i. Tinh banbe chien huu giong nhu tinh ban trong phim noi tieng The Deer Hunters. Xin chan thanh cam on nhung chien si nhu Willis, Moon, Smith, John cung nhung chien si VNCH va Afghanistan da dong gop xuong mau lam sap do Nga So ma TT Regan goi la Evil Empire. Neu khong co cac chien si lam khoi Nga So suy sap thi Dong Duc, Dong Au, va Russia van con song ngheo kho trong thien duong cong san. Va neu Nga So con ton tai CSVN va TC se noan co khong chiu do^?i moi de dan chung co com an ao mac. Toan the the gioi mang on tri an nhung chien si gop phan dap tan che do CS evil empire.
26/01/201906:19:06
Khách
Thân gởi đến Ngọc Anh, L.N Hằng, parasito,P.Hoa,và anh Sáu Steven Brown. Đông xin cảm ơn tất cả các anh chị, các bạn đã đọc và cho những lời bình luận thật đáng quý. Nhân dịp Tết sắp đêm, Đ xin thân ái chcs tất cả các anh chị em đọc giả Việt Báo năm mới An khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, gia đình luôn hạnh phúc nha!
26/01/201900:41:45
Khách
Chào chị Dong,
Bài viết chị rất hay và cảm động.
Chúc chị và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.
Sáu
25/01/201921:27:50
Khách
Bài viết về một câu chuyện thật rất cảm động. Ông Willis thật là một người đáng ngưỡng mộ. Cám ơn Đông Trinh cho đọc.
PHoa
25/01/201918:48:33
Khách
american heroes. thanks to you i can come here to eat mcdolnald and drink coke.
25/01/201918:43:41
Khách
Cám ơn Đông đã cho đọc một bài viết rất cảm động về một người lính Mỹ sau chiến tranh. Sự hy sinh cả tình thần và thể xác của họ thật đáng khâm phục và biết ơn.
Cầu xin ông Willis được yên nghỉ ở một nơi ông không còn đớn đau, oán hận và gặp lại người mẹ yêu quý của ông.
25/01/201915:06:33
Khách
Đọc bài mà nước mắt cứ tuôn rơi. Những người lính Mỹ như chú Willis, vô cùng xứng đáng được kính phục. Họ đã hiến cả cuộc đời cho một quốc gia xa lạ không chút ngần ngừ. Tím vẫn nhớ hoài hình ảnh người lính Đại Hàn ngày xưa quen vói gia đình, không biết bây giờ ra sao?.
Chúc ông Willis an nghỉ đời đời trên thiên đàng.
Tím
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Nhạc sĩ Cung Tiến