Hôm nay,  

Hội Hoa Xuân

05/01/201900:00:00(Xem: 20556)
Tác giả: Phùng Annie Kim

Bài số 5588-20-31394-vb6010419

 
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.


1_Hoi hoa2 xe hoa ok
Hình xe hoa diễn hành.

 
 *

Có một vị giáo sư người Mỹ tên là Charles F Holder nói rằng trong khi người dân sống ở New York phải co ro bởi tuyết lạnh thì thời tiết ở đây có nắng ấm quanh năm làm cho mùa đông hồng vẫn nở hoa, cam Cali vẫn trổ trái.

Tại sao không tổ chức lễ hội cho cả thế giới biết về thiên đường hạ giới này? Tờ báo Reader Digest’ s cho rằng đây là lễ hội đẹp nhất ở nước Mỹ (America’s Best Parade) và cũng là một trong năm mươi địa điểm bạn nên ghé thăm trước khi bạn lìa đời. (50 places you must visit before you die).

Nhớ lại ngày đầu năm dương lịch 1992, vợ chồng Hai Lúa được cậu em hăng hái  hứa chở đi xem lễ hội Hoa Hồng tại Pasadena tiểu bang California. Mới qua Mỹ, cặp Hai Lúa còn nhát đèn, ăn nhờ ở đậu, đi đâu cũng ngơ ngơ ngác ngác như Mán ở rừng xuống phố. Khởi hành từ sáng sớm, tài xế bị lạc đường, đến Pasadena chỉ thấy người là người, cấm xe, kẹt xe, bãi đậu không có. Cậu nản quá, quyết định ...về.

Ngày mồng một Tết Dương Lịch, ông Hai bảo vừa ra ngõ gặp đúng bà Mỹ già hàng xóm khó tính nên …xui. Cả nhà Hai Lúa vừa tiếc vừa buồn. “Bụng buồn còn biết nói năng chi”. Bốn mạng ngồi dán mắt vào cái ti-vi, vớt vát xem được đoạn cuối của buổi diễn hành Lễ Hội Hoa Hồng. Đó là lần đầu tiên cặp Hai Lúa biết đến địa danh Pasadena nhưng niềm mơ ước được xem trực tiếp ngày lễ hội Hoa Hồng vẫn còn ấp ủ trong lòng chưa biết tỏ cùng...ai?

Năm nay 2019,  nhóm Việt Bút có cô cháu gái tên là Tố Nga  vừa đẹp người, đẹp nết lại nấu ăn giỏi. Nhà cháu ở gần địa điểm diễn hành. Nghe mấy bà cô già trong nhóm tâm sự chưa bao giờ được xem live show lễ hội Hoa Hồng, cháu bèn “óp-phơ” một tiết mục vui chơi thật hấp dẫn đầu Xuân. Nhà dư hai phòng trống, nơi ăn chốn ở khỏi lo.  Còn khoe  có giường “king size”). Vợ chồng chủ nhà lại thích “Bếp nhà ta nấu”, “chuyên trị” món phở bò ngon nổi tiếng. Hai cô Nụ và cô Kỳ Hương ở Bắc Cali sẽ bay thẳng xuống phi trường Burbank. Cặp Hai Lúa sẽ có tài xế Uber đưa đón. Bốn mạng già hẹn nhau chiều  cuối năm sẽ đến quậy overnight ở nhà cô để sáng sớm theo gia chủ chở xuống phố xem lễ hội.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.  Thế còn gì bằng! “Được lời như cởi tấm lòng”. Bà  Hai nhanh nhẩu rủ rê ông Hai. Biết ông khó ăn, khó ở, ngại đi xa, bà xuống giọng  ngọt xớt:

-Mình ơi! Du Xuân Pasadena xem lễ hội Hoa Hồng để thay đổi không khí...cộng đồng nha mình. Xem như mình đi...dối già. Cho em có dịp ngắm hoa hồng và mừng năm nay em đây lên... lão bà hàng thứ bảy. (nhưng vẫn kiên trì “hầu” mình đến cuối đời).

Hình như cả đời ông không biết từ chối  điều gì khi bà mở đầu bằng hai chữ “Mình ơi!”. Ông gật đầu cái cụp. Để đền bù tấm lòng ...hảo tâm của ông, bà khai bút mấy câu thơ con cóc đầu năm tặng ông:


Chà! Năm nay em đã bảy mươi

Anh lên hàng tám vẫn tươi (như) trăng rằm

Đi xem lễ hội hàng năm

Hoa Hồng tươi thắm nở nhằm đầu Xuân

 Tình già như thuở thanh tân

Lòng như mở hội, đôi vần chúc nhau

Chúc nhau ráng ...sống...lâu lâu

Mùa Xuân bất tận (vẫn) có nhau bên đời.

*

 Xuất phát từ ý tưởng của hội đi săn “Valley Hunt Club” khai mạc trận đấu football bằng buổi lễ diễn hành xe hoa do ngựa kéo, vào năm 1890, vị bác sĩ tên là Heton về sống tại Pasadena đề nghị chính quyền tổ chức Lễ Hội Hoa Hồng đầu tiên. Từ đó lễ hội này trở thành truyền thống văn hóa của người dân địa phương thị trấn Pasadena nói riêng và của tiểu bang Cali nói chung..

Đây là lễ hội hàng năm kéo dài ba tiếng đồng hồ trên con đường chính Colorado Blv. Tham gia lễ hội này gồm nhiều đơn vị như hãng, xưởng, trường học, công ty, hội đoàn, quân đội, tôn giáo, các cơ sở thương mại, các cộng đồng di dân của các quốc gia. Mỗi năm có từ bốn đến năm mươi xe hoa, vài chục ban nhạc nổi tiếng của các trường trung học và đại học trên khắp các tiểu bang cùng những đơn vị  cưỡi ngựa và  hàng ngàn diễn viên tham dự. Họ mặc những bộ quần áo đẹp lộng lẫy, đủ màu sắc  rực rỡ , tươi cười diễn hành hoặc vừa đi vừa ca múa theo điệu nhạc sau những chiếc xe hoa hoặc ngồi trên xe vẫy tay chào đón “Happy New Year” mọi người.

Đâu chỉ có hoa hồng. Một rừng  hoa đủ loại, đủ màu khoe sắc thắm trong những tia nắng ấm và cái lạnh của ngày đầu Xuân. Nào chỉ có hoa tươi. Lễ hội còn trang trí các loại hoa khô, cành, lá, cây , cỏ, củ, quả  lấy từ thiên nhiên chứ không dùng hoa lụa hay hoa ni- lông. Các khung xe hoa đều được sản xuất từ một xưởng riêng của  Hội Hoa Hồng. Mỗi xe hoa đều có chủ đề, một phong cách trang trí nghệ thuật khác nhau nhưng tất cả đều đẹp ngoài sự tưởng tượng của người xem. Họ mặc những y phục truyền thống, độc đáo của quốc gia hay địa phương. Họ tuyển chọn một nữ sinh đẹp nhất từ các trường trung học Nam Cali hoặc từ đại học cộng đồng để trở thành “Nữ Hoàng Hoa Hồng” (Rose Queen) trong ngày hội.

Sau lễ hội, các xe hoa được trưng bày hai ngày trên hai đại lộ Sierra Madre Blv và Washington Blv để dân chúng đến xem tận mắt sự dàn dựng khéo léo và tài hoa của hàng trăm nghệ nhân làm việc không ngừng, hoàn thành đúng hạn những chiếc xe hoa đẹp lộng lẫy, độc đáo, đầy sáng tạo. Họ đã chi phí hàng triệu đô la cho lễ hội này và mất vài tháng để chuẩn bị  “một tín hiệu đặc biệt cho ngày đầu năm mới”. Trong lễ hội, ban tổ chức đã bình chọn và trao giải  thưởng cho những chiếc xe hoa đẹp nhất và ý nghĩa nhất. Cũng ngày đó, trên màn hình, hàng triệu người Mỹ và trên thế giới đã  theo dõi cuộc diễn hành đẹp và  lớn nhất trong lịch sử tiểu bang Cali.(1)

*

Những ngày cuối năm, nắng vàng tươi  rực rỡ. Cái lạnh 60 độ F ngoài trời của thời tiết Cali thấm tháp gì so với cái buốt giá trong tuyết trắng của các tiểu bang miền Đông Bắc. Giờ này, các cửa hàng thương mại của Mỹ và Việt, các chợ Việt Nam tại khu Little Saigon vẫn mở cửa buôn bán mặc dù trong lòng ai cũng nôn nóng chờ đợi  thời khắc trở về nhà trước Giao Thừa.

Xe cộ trên đường phố Bolsa vẫn đông như mọi ngày. Cặp Hai Lúa hì hục kéo chiếc va li ra ngoài đường Bolsa đón chàng tài xế Uber. Đâu đây vang lên tiếng hát  trong khu nhà yên tĩnh: “Yesterday, all my troubles seem so far away…” “Mới hôm qua, buồn phiền trong tôi như đã bay đi xa…” Một số người Mỹ lạc quan có tục lệ viết những vận đen, chuyện xui, chuyện buồn, điều bất như ý hay không toại nguyện vào một mảnh giấy rồi cho vào máy nghiền hay đốt đi. Để đón chào năm mới, họ mong muốn một sự thay đổi, một điều gì mới, khác hơn, vui hơn, hạnh phúc, tích cực trong tương lai hơn là gặm nhấm nỗi buồn quá khứ như trong bài hát “Yesterday”.

“Nhớ trong tôi, tưởng chừng như thời gian đã quên không trôi”...

Ngồi chờ trên ghế đá, ngắm từng hàng xe qua lại trên đường Bolsa, bà bâng khuâng lắng nghe dòng thời gian chầm chậm trôi đi như trong lòng bà muốn níu kéo những giây phút ngắn ngủi còn lại của những ngày cuối năm.

Theo truyền thống của thành phố New York, khoảnh khắc đếm ngược (count down) sẽ diễn ra từng giây khi chiếc đồng hồ tại quảng trường Times Square chỉ đúng con số mười hai. Hàng triệu người Mỹ theo dõi trên màn hình sẽ chứng kiến hình ảnh ngưởi dân thành phố New York  đón chào năm mới.

Giao Thừa. Khoảnh khắc thiêng liêng của trời, đất, thời gian và lòng người  giao hòa. Pháo hoa sẽ nổ tung và rực sáng trong màn đêm. Khoảng ba ngàn pounds cánh giấy (confetti) từ quả cầu pha lê thả xuống bay trong màn tuyết trắng. Du khách sẽ viết lên niềm mong ước của mình trên “Bức Tường Mong Ước” (Wishing Wall) được dựng lên tại Times Square. Những ly rượu sủi bọt, những nụ hôn nồng nàn, những vòng tay ấm áp, những tiếng reo hò, ca hát, những lời chúc tốt đẹp, những nụ cười rạng rỡ cùng với những giọt nước mắt vì xúc động. Một  ngày mới của năm mới 2019 bắt đầu.

Đâu đây trong trí nhớ của bà âm điệu một ca khúc quen thuộc, truyền thống được hát lên vào những đêm giao thừa hay những buổi chia tay “Auld Lang Syne”. Lấy ý từ bài thơ hoài cổ được phổ nhạc, ca khúc gợi nhớ “Thời gian trôi và những ngày xưa êm ả”. “Tôi và bạn cùng nâng ly uống mừng cho tình của chúng ta từ những ngày xưa thân ái”...

Kỷ niệm thời thơ ấu tràn về.  Bà Hai nhớ đến một đoạn nhạc ngắn có lời, không tựa đề, không biết tác giả là ai, sáng tác lúc nào để rồi sau này trở thành bài đồng ca quen thuộc, dễ thương, mà trẻ con và người lớn ở Việt Nam nào cũng biết : “Tò te/ con ma đánh đu/ Tạc-dăng nhảy dù/ thằn lằn bắn súng. Chết cha/ con ma nào đây/ làm tao hết hồn / thằn lằn cụt đuôi.”...

Chiếc xe trờ tới đáp bên lề. Anh tài xế da đen nghiêng đầu cười chào. Thì ra từ nãy giờ bà Hai lang thang với ý tưởng về lễ hội Hoa Hồng, với những kỷ niệm thời thơ ấu ở Việt nam và hình ảnh những đêm giao thừa ở New York. Anh tài xế đã kéo bà về với thực tại, nhắc nhở bà ước mơ đi xem lễ Hội Hoa Hồng đã thành sự thật.

Địa chỉ nhà cháu Tố đã định vị trên bảng chỉ dẫn đường GPS. Chỉ mất bốn mươi lăm phút lái xe, nhóm Việt Bút của bà sẽ được trùng ngộ tại nhà người chủ xị hiếu khách và vô cùng dễ thương này.

*

Căn nhà nhỏ xinh xinh của A-Tố vừa hiện ra thì thấy Nụ cô nương và Kỳ Hương đứng đón cặp Hai Lúa ở sân nhà. Còn chần chờ chi nữa, mọi người đều đói bụng cả rồi. Tố  xách phụ hai túi thức ăn. Màn điểm tâm kết hợp ăn trưa diễn ra xôm tụ kèm theo những câu chuyện vui và tiếng cười rôm rả của bạn bè lâu ngày  gặp lại. Sau đó là mục đi ngắm một vòng cảnh đẹp của thành phố Pasadena và cảnh “behind the scenes” của lễ hội. Gần khán đài chính là vị trí của các hãng truyền thông KTLA, ABC, CBS News đang bận rộn lắp ráp dàn đèn và  các máy quay phim từ trên cao. Mọi người đang làm việc tất bật và hối hả. Đây là các khán đài dành cho những người  mua vé dọc theo Colorado Blv. Muốn đi xem miễn phí, có người Mỹ đem theo mền gối, máy sưởi , lò ga...  cho cả gia đình ngủ qua đêm ngoài trời hoặc phải đi sớm để tìm chỗ tốt cạnh lề đường. Lát nữa đây, con đường này sẽ đóng hẳn cho đến khi lễ hội chấm dứt.

Theo chương trình, nhóm Việt Bút sẽ được  Tố chủ nhân dẫn đi mua sắm và chụp hình tại trung tâm thương mại Americana Galleria rất đẹp tại thành phố Glendale. Sau đó tài xế hào hứng chở đi thăm khu nhà giàu Bevely Hills và thành phố Hollywood. Tối về, bà con được thưởng thức món cháo, gỏi gà xé phay hấp dẫn. Tiếp theo là  mục giải trí ca-ra- ô- kê và giấc ngủ thật ngon sau một ngày vui chơi thoải mái.

Sáng ngày thứ hai, Thảo Nguyên, tác giả bài viết “Cây đàn mandoline” và cũng là thành viên trong nhóm Việt Bút đến nhà Tố  cùng các cô chú  tham dự lễ hội Hoa Hồng. Trong khi chủ nhân bận chút việc, năm người rủ nhau đi bộ và  mua sắm tại trung tâm thương mại Americana Galleria, ăn trưa sushi tại nhà hàng Nhật Katsuya.

Chiều về, trời còn sáng, Tố vừa là  cô tài xế giỏi, hướng dẫn viên chuyên nghiệp lại kiêm thổ công tại vùng đất này nhất định đòi chở nhóm đi chơi khu Berverly Hills lần nữa khi trời còn sáng để  nhìn những căn nhà bạc triệu  mơ ước rồi theo đường vòng trên núi, lái tuốt  lên đỉnh để chụp hình, ngắm thung lũng thành phố Los Angeles dưới ánh nắng chiều và quan trọng nhất là nhìn thấy hàng chữ HOLLYWOOD thật lớn bên kia đồi.

Về đến nhà đã sẵn sàng có mục bánh xèo và phở “Quáng Tô”. Đây là tên  ghép đọc ngược của cặp vợ chồng chủ nhà ‘bô cúp”. Chồng đẹp giai giống tài tử Trần Quang. Chàng có nghề nấu ăn, biết cách nấu phở ngon cực kỳ, không đối thủ. Ăn xong món phở, mọi người chúc nhau  về  phòng nghỉ ngơi  để sáng mai dậy sớm đi xem lễ hội.

 

*

Xe thả mọi người xuống chỗ đường cấm. Phải  đi bộ qua nhiều ngã tư mới len lỏi vào dòng người  đang đổ xô về phía đầu đường Colorado Blv nơi đoàn xe hoa khởi hành. Đúng tám giờ, lễ Hội Hoa Hồng khai mạc. Trên không trung, chiếc máy bay B-2 Spirit Flyover bay lượn trên bầu trời. Mở đầu là xe hoa của Gerald Freeny, vị chủ tịch Hội Hoa Hồng người Mỹ da màu đầu tiên. Ông tuyên bố khai mạc lễ hội Hoa Hồng thứ 130 năm 2019. Tiếp đó là phần trình diễn trên đường phố của đội vũ công múa dù đính  bằng hoa hồng và của Chaka Chan, cô ca sĩ, nhạc sĩ da màu và cũng là người làm từ thiện nổi tiếng. Cô được chọn là thần tượng được yêu mến, tiêu biểu cho văn hoá và nghệ thuật của lễ Hội Hoa Hồng năm nay với danh hiệu cao quý  “Grand Marshal”  người đứng đầu hướng dẫn  buổi lễ hội.


Cũng thế, hãng xe hơi Honda là hãng có vinh dự hướng dẫn bốn mươi chiếc xe hoa, mười tám đội cưỡi ngựa, hai mươi mốt dàn nhạc diễn hành. Pháo bông từ chiếc xe hoa bắn tung khói trắng. Đoàn vũ công xinh đẹp trình diễn các động tác múa gậy. Các mẫu xe mới của hãng Honda quảng cáo đang lăn trên đường . Đàn ngựa con rất dễ thương lục tục theo sau. Đội nhạc kèn hùng hậu đi những bước mạnh mẽ mở đầu cho một một buỗi lễ hội vô cùng ngoạn mục.

Ca khúc làm nền chính của lễ hội Hoa Hồng năm nay là bài “The Melody of Life” (Giai điệu của đời sống) . Hàng loạt các xe hoa của  hội đoàn như hội cựu chiến binh “Veterans”, tiêu biểu là hình ảnh’America Eagle”, con chim đại bàng trang trí bằng hoa cúc vàng với khẩu hiệu “Still Serving America”. Xe hoa của  Well Fargo Stage Coaches” biểu tượng là chiếc xe ngựa kết hoa hồng đỏ nhắc lại quá khứ của ngân hàng xưa nhất nước Mỹ... Tổng cộng có bốn mươi xe hoa trong đó có hai mươi bốn xe hoa thắng các giải thưởng khác nhau.

Làm sao có thể diễn tả hết cái đẹp đầy sáng tạo và ý nghĩa cũng như chủ đề của hai mươi bốn chiếc xe hoa đoạt giải thưởng năm nay ? Chẳng hạn như xe hoa của hãng UPS “a book- reading ballet” trang trí hoa hình con chim trĩ lông trắng  rất đẹp tên là Olive. Chân , cánh và đuôi chim động đậy , nâng nhẹ quyển sách màu tím, kêu gọi tinh thần “Books Keep Us On Your Toes” đoạt giải Sweepstakes Award.

Giải thưởng của ban Giám Khảo “Judges” “Most outstanding float and dramatic impact” dành cho xe hoa tên là “Donate Life” với chủ đề “Rhythm Of The Heart” ghi lại hình ảnh cậu bé Grajede 10 tuổi tàn tật vì bị đụng xe trong khi chơi trong sân. Chân cậu bị cắt từ đầu gối, cậu phải dùng chân giả. Hình ảnh hiến tặng các bộ phận cơ thể để cứu giúp người sống gây xúc động cho người xem.

Bên cạnh đó là các giải thưởng dành cho  các  hội đoàn và các công ty thương mại nổi tiếng như giải” Animation” dành cho Hội Hoa Hồng Burbank chủ đề “Stompin’ Good Time”.

Giải thưởng  “Wrigley Legacy” dành cho xe hoa “Dole Packaged Foods” chủ đề “Rhythm of Paradise” trưng bày nhiều trái cây nhiệt đới.

Giải “Bob Hope Humour” dành cho xe hoa của hãng bảo hiểm “Northwestern Mutual” chủ đề “Spend Your Life Living”.

Giải “Crown City Innovator” dành cho xe hoa hình chim đại bàng của công ty Trader Joe’ s Company chủ đề “Ride Captain Ride”.

Giải dành cho trí tưởng tượng “Most Outstanding Display Of Fantasy And Imagination” dành cho công ty Western Asset Management, chủ đề “Yellow Submarine”.

Giải “Grand Marshal” đầy ý tưởng sáng tạo và trang trí đẹp dành cho hãng rượu “Stella Rosa Wines”với chủ đề “ Taste The Magic featuring Kool& The Gang”.

Giải “Showmanship” dành cho nghệ thuật quảng cáo thu hút sự thưởng ngoạn của quần chúng dành cho công ty giải trí “Universal Pictures & Dreamworks Animation” với chủ đề “How to Train Your Dragon- The Hidden World”....

 Buổi diễn hành còn có xe hoa của các công ty và các cơ sở tôn giáo nước ngoài như hãng máy bay China Airlines có các diễn viên chơi các nhạc cụ cổ truyền diễn tuồng  trên sân khấu, đoạt giải  “International” với chủ đề “:Rhythm Of Taiwan”. Giải  “Isabella Coleman” dành cho xe hoa trang trí đẹp và  màu sắc hài hòa của hội truyền giáo “United Sikh Mission” chủ đề “A Divine Melody Resonates In All”...

Trong danh sách các giải thưởng năm nay còn có những giải đặc biệt như xe hoa   “City of Hope” chủ đề “Harmony of Hope” đoạt giải “President” của vị chủ tịch hội Hoa Hồng về nghệ thuật trang trí. Giải công chúa “Princess” dành cho thành phố Alhambra với nghệ thuật cắm hoa. Giải “Mayor” của thị trưởng thành phố Pasedena đã tham dự  lễ hội với chủ đề “Three Little Birds”.Giải “Theme” của hội “Shriners Hospital for Chidren” với chủ đề “Fezzy’s Garden of Hope and Healing”...

“The Rose Queen”, nữ hoàng của lễ hội năm nay là cô sinh viên đeo kính tên là Louise Siskel có ước mơ là một nhà khoa học tương lai. Cô  đội vương miện cùng với tám tỳ nữ xinh đẹp của  hoàng gia “royal court” ngồi trong chiếc xe hoa trang trí như cung điện nhỏ, tươi cười vẫy tay chào đón mọi người.

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những ban nhạc lớn có vài trăm nhạc sĩ tài tử sử dụng đủ các loại nhạc cụ như kèn, trống, chập chỏa.... Họ đi, đứng uy nghi và nghiêm trang, ăn mặc đồng phục  đẹp và chỉnh tề, trình diễn rất chuyên nghiệp như ban nhạc của của trường đại học Alabama State University, US Marines Corps, The Ohio States Marching Band, Unity of Washington Huskies... Âm thanh của những đội nhạc như những khúc quân hành đã làm cho không khí của lễ hội thêm phần hào hứng và sinh động.

Sự có mặt của những đội kỵ binh cưỡi những con ngựa khổng lồ hay các phụ nữ vừa đẹp vừa mạnh mẽ, trang điểm lộng lẫy, đội mũ rộng vành, ăn mặc kiểu “cow-boy” miền viễn Tây, ngồi trên lưng ngựa lúc nào cũng tươi cười vẫy tay “ Happy New Year” đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt của người xem.

 Hình ảnh vui  và gây ấn tượng “behind the scenes” là các cậu thanh niên trung học tự nguyện tham gia công việc của cộng đồng. Người này tay cầm chổi, người kia cầm đồ hốt phân ngựa, người nọ đẩy thùng rác.. Các cậu lăng xăng chạy sau các đoàn kỵ binh làm sạch đường cho các diễn viên và các xe hoa đi ngang qua. Tuy  không được ghi trên màn ảnh truyền hình nhưng các thanh niện trẻ nhiệt tình này nhận được rất nhiều tràng pháo tay  khen thưởng của người xem lễ hội. (2)

Lễ hội Hoa Hồng đã kết thúc. Những chiếc xe hoa đã đi qua. Mọi người tản mác khắp nơi. Họ rủ nhau đi xem dàn xe hoa đang đậu dọc theo đường Sierra Madre Blv để thấy tận mắt cách trang trí của từng đóa hoa hồng được cắm riêng từng cành trong những ống thủy tinh nhỏ có chứa nước. Ngày lễ hội vẫn còn tiếp diễn với những trận bóng đá của Rose Bowl Game được hãng Northwestern Mutual bảo trợ.. Cùng với đoàn người tản mác  ra về, chúng tôi phải đi bộ một quãng khá xa mới đón được chiếc Uber cho Thảo Nguyên về lại Santa Ana. Về  đến nhà, nhóm Việt Bút đón thêm một thành viên mới là Như Ý tác giả quyển “ Journey of Hope” và ông xã đến ăn phở. Nhóm Việt Bút lại có dịp chụp hình, chuyện trò rôm rả, thưởng thức thêm món mới là cà-ri gà do gia chủ trổ tài nấu nướng.

Cuộc vui chơi vẫn tiếp tục trong ngày đầu năm mới vì trùng với ngày sinh nhật của cháu Vy Vy con gái đầu lòng của Quang và Tố. Một màn ca hát, cắt bánh, mở quà chúc mừng Happy Birthday cho cháu Vy. Các cô chú đến giờ này ai ai cũng mệt sau một ngày vui bèn rút lui về nghỉ ngơi. Sáng mai Tố sẽ đưa Nụ cô nương và chị Kỳ Hương ra phi trường sớm. Vợ chồng Hai Lúa đã có tài xế Uber. Buổi cà phê và điểm tâm sáng với món cà ri bánh mì và xôi vò, cơm rượu cũng là buổi chia tay hẹn ngày gặp lại. Nhóm Việt Bút xin gửi lời cảm ơn đến Quang & Tố cùng với  bà ngoại các cháu đã hết lòng phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho nhóm trong những ngày qua.

                                                        *

 Về lại Santa Ana nhưng những hình ảnh đẹp của lễ hội vẫn còn tơ tưởng trong ký ức của bà Hai. Những giây phút tuyệt vời được sống với thế giới của những đóa hoa đầy hương sắc chỉ còn là kỷ niệm. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu và hạnh phúc. Hoa cúc là sự trung thực, thanh khiết. Hoa lan là sự sang trọng, lâu bền. Hoa cẩm chướng là sự quyến rũ, trang trọng. Hoa hướng dương là sự trung thành, mạnh mẽ. Hoa tu-líp là sự ấm áp, dịu dàng.... Hoa đã nở những nụ tròn đầy, chan hòa với hạnh phúc của người  đi xem lễ hội vào ngày đầu xuân. Có biết đâu chúng chỉ tồn tại trên con đường này vài ngày nữa  rồi sẽ trở thành những đống rác khổng lồ, dơ bẩn, hôi thối mà công ty vệ sinh thành phố phải mất nhiều ngày để thu gom, dọn dẹp.

“Hoa và Rác”. Có  vị thiền sư bảo  rằng hãy nhìn sâu vào những đóa hoa, sẽ thấy giữa rác và hoa không là một nhưng cũng không hai . Là người yêu cây cảnh và vườn tược, những đống  rác từ hoa kia sẽ được bà ủ thành phân hữu cơ, vun trồng và chăm bón thành những đóa ngọc lan trắng nõn nà, những đóa mai vàng rực rỡ hay những cành húng quế, tía tô hoặc những trái chanh dây chín mọng trên giàn. Đừng đối xử không công bằng với rác vì rác vẫn âm thầm tích cực đóng góp làm đẹp cho đời sống và khu vườn nhỏ đầy hoa trái của bà.

Tâm thức con người không khác chi hoa và rác. Có những lúc con người phát khởi những tâm thiện lành như an, vui, yêu thương, bao dung, vị tha, hiền hòa, cảm thông... Lúc đó tâm là những đóa hoa tươi mát tỏa ngát hương thơm nhưng có lúc đầy những tâm bất thiện như tham, giận, ích kỷ, ghen tị, sợ hãi, buồn, chán, thất vọng... Đó là những cọng rác đang ủ ngầm trong tâm. Cuộc sống hướng thượng là sự thực tập chuyển hóa không ngừng để biến rác thành hoa.

Nhìn đóa Hoa, bà thấy trong đó có “duyên sinh” nào là đất, nước, không khí, mặt trời và phân Rác... “Cái này có, thì cái kia có”. Chúng “tương tức” với nhau  như  sự tương giao giữa thân tâm ta và đời sống. Đời sống có niềm vui và nỗi buồn, có hạnh phúc và đau khổ, có chia ly và hạnh ngộ, có mê lầm và tỉnh thức, có nắng hạn và mưa rào, có sinh và diệt... Như người làm vườn, bà không chối bỏ hay xua đuổi rác để mong cầu và đi tìm hoa. Bà vẫn đang thực tập chuyển hóa biến rác thành hoa bằng cách trở về tìm hạnh phúc từ bản thân mình, chấp nhận và trân quý những gì mình đang có trong hiện tại, sống tùy duyên, chánh niệm, tri túc và chia sẻ.

Ngồi trước bàn phím, bà gõ vội bài viết về lễ hội Hoa Hồng kịp gửi đi cho Việt Báo vào ngày đầu Xuân 2019. Trên tờ giấy trắng, những giòng chữ quen thuộc, ngã nghiêng như tuổi đời càng ngày càng chồng chất của ông Hai hiện trước mắt bà. Ông Hai khai bút tặng bà vài câu thơ con cóc nhân dịp đầu Xuân:

 
Tuổi đời nay đã gần tám bó

Tình xuân ngỡ vẫn chỉ đôi mươi

 Đông về rừng phong trơ trụi lá

 Xuân sang hoa nở nụ cười tươi

               *

 Đã qua những mùa xuân ảm đạm

 Những chia ly tan tác muộn phiền

Tình chung thủy vượt qua bão loạn

Lệ rưng rưng hạnh phúc đoàn viên

                 *

Vượt bao thác ghềnh thuyền lữ thứ

Tha phương đất khách, lạ tiếng người

Tạ ơn tự do nơi viễn xứ

Vòng tay độ lượng bao dung đời

                    *

Bao nhiêu năm đếm tuổi hoa hồng

 Đất lành hạt giống mãi đơm bông

 Pa-se-de-na mừng năm mới

Rừng hương hoa tỏa ngát mênh mông.

 
Người già sống nhiều với kỷ niệm và quá khứ.  Ông Hai nhắc lại những “mùa Xuân ảm đạm” trong cảnh tù đày tại trại Z30 C Hàm Tân năm nào, bà lủ khủ vác từng bao bố lên thăm ông vào những ngày sau Tết. Bốn mắt nhìn nhau trong nỗi nhớ thương và tuyệt vọng vì ngày đoàn tụ còn quá xa vời.

 
Nào ngờ:

“ Trời còn để có hôm nay.

Tinh sương đầu ngõ,vén mây giữa trời” (3)...

Sau “những chia ly tan tác muộn phiền”, ông bà đã nhỏ những giọt “Lệ rưng rưng hạnh phúc đoàn viên” tại xứ Mỹ và du xuân trong lễ hội Hoa Hồng tại “Pasedena mừng năm mới”.

Mùa Xuân, luật tuần hoàn của vũ trụ qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân đến, xuân đi rồi lại xuân. Hoa nở, hoa tàn, hoa đời sẽ khô héo thành rác, rác được chăm bón lại trở thành hoa. Thế nhưng trong lòng ông bà Hai, mùa xuân và đóa hoa tâm vẫn mãi mãi là nhạc khúc “Hoa Xuân” bất tận.

“...Xuân, hoa còn tươi mãi. Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui.

Xuân, hoa nở vì ai. Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai...” (4)

Ngày mai là tuổi già bình an, tự do và hạnh phúc của ông bà Hai tại quê hương thứ hai này. Nước Mỹ.                                     

Phùng Annie Kim

 
Chú Thích:

(1) Rose Parade Wikipedia

(2) Local News 2019 Rose Parade Tournament of Roses. (3)Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.

(4) Bài Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy.

Phùng An Kim

Ý kiến bạn đọc
16/02/201910:17:05
Khách
Tui nho la hang nam cu vao ngay co hoi hoa hoang o Pasadena la tui nan xem, nghe TV ca ngay Nam nay tui o Saigon nen khong duoc xem TV nua. Nhung duoc doc van cua nguoi ban cu thi cung vui.
GOD bless America.
15/01/201905:52:37
Khách
Lễ hội Hoa Hồng ai cũng biết và ai cũng đều xem nhưng sao bài viết được các bạn đọc và các fan khen hay hấp dẫn ?
Bởi vì tác giả đã lồng trong câu chuyện kể các thứ tình cảm như tình bạn, tình vợ chồng, tình yêu thiên nhiên và tình yêu một đất nước mình đã chọn. Các tình cảm này theo tôi đều đẹp , được tác giả trân quý và được kể với giọng văn rất là "Annie" ngoài đời = Văn +Thơ,+ Nhạc.
Tôi là người bạn cũ , gặp nhau tình cờ tại LSG, nghe bạn kể có bài viết, đầu năm tôi về đọc ,không ngờ sau bao nhiêu năm gặp lại bạn , bạn đã gắn bó với việc viết lách nhiều như thế.
Chúc mừng bạn tôi. Gửi bạn những lời khen cbân thành từ đáy lòng của người bạn cũ.
14/01/201901:17:45
Khách
THICH VAN CUA BA
11/01/201903:12:49
Khách
Tôi rất đồng ý người già cần biết sống tùy duyên sẽ khộng buồn khi trái ý hay nghịch lòng sống tri túc nên không tham cầu hay ham muốn, sống chia sẻ để tự tạo cho mình niềm vui và mang niềm vui đến cho tha nhân là những yếu tố căn bản để có an lạc và hạnh phúc.Sự tham lam và ích kỷ chỉ mang đến đau khổ và ưu phiền.Một bài viết hay là khi đọc xong mình tìm ra một điều tấm đắc. Cảm ơn một bài viết hay từ đầu đến cuối.
08/01/201916:06:30
Khách
N8M 2016 tác giả lãnh giải chung kết. Chúc mừng bà vẫn còn phong độ để viết những bài VVNM hay. Mong được đọc thêm những bài khác. Happy New Year.
07/01/201901:57:23
Khách
Một lễ hội tưng bừng
Một bài viết hay , vui ,sinh đông
Một cặp đôi chung thủy
Một nhân sinh quan tích cực
Một năm mới hạnh phúc
HAPPY NEW YEAR
06/01/201918:24:47
Khách
Hấp Dẫn. Dí dỏm..Thi Vị.Lạc Quan và Sâu Sắc
Đó là những ý kiến của tôi khi đọc bài viết này.
Cảm ơn người viết.
06/01/201918:18:35
Khách
Bài viết tuyệt vời về nội dung, văn phong và hình thức.
06/01/201918:15:43
Khách
Đọc đoạn văn phân tích về triết lý sống rất thiền chuyển hóa Hoa thành Rác cùa tác giả theo tôi chỉ là lý thuyết nếu mình không thường xuyên thực hảnh mỗi ngày. Tôi là người đang thực hành và thấy rất khó nhưng từ từ mình cũng đạt đến nêu mình quyết tâm trở thành ngườidễ thương và tốt trong gia đìng ,xã hội
06/01/201918:08:43
Khách
Hình như năm ngoái tôi nhớđọc bài của tác giả viết về mối tình của cặp vợ chồng già ngủ riêng. và hộp sâm. Năm nay tôi được đọc mốt bài viết rất tú vị trong chuyến đi xem xe hoa. Câu chuyện kể chi tiết nhưng chưa đầy đủ lắm về cuộc biễu diễn xe hoa. Tôi rất thích đọc những bài thơ vui và có nhiều tình nghĩa vợ chồng già tuổi nhưng tâm hồn không già.Tôi đọc một mạc h vì hấp dẫn lắm. Cảm ơn bài viết hay .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Nhạc sĩ Cung Tiến