Hôm nay,  

Thú Cưng

29/12/201800:00:00(Xem: 17263)
Tác giả: Đoàn Thị

Bài số 5584-20-31390-vb7122918

 
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
 

***


Thời cụ Diệm bố làm trong Bộ Canh Nông, ai đó tặng bố chú cẩu chính gốc Phú Quốc với cái xoáy dài trên lưng, bộ lông ngắn màu vàng nhạt mượt mà, đôi mắt thông minh lạ lẫm khiến hắn bảnh bao hơn mấy con kiki khác lông xù hơi rối mắt.

Bố nhận cho khách vui chứ không quan tâm, mẹ thì khác nhận ngay thành viên mới cho vui nhà vui cửa và đặt tên Bobby cho hắn, cái tên lạ hoắc như bộ dạng của hắn, thế là chị em tôi “có việc làm”.

Thập niên sáu mươi Sàigòn đất rộng người thưa, phía sau cư xá nhà tôi có bãi cỏ to như sân đá banh cũng là sân chơi của con nít trong xóm, sau giờ học chị em tôi dẫn Bobby đi vệ sinh.

Bobby bảnh trai, lạ mắt nên con nít bu quanh hắn như chờ đợi hắn làm xiếc, trước bao nhiêu cặp mắt chỉa vào hắn như siết chặt vòng vây làm hắn bấn loạn sủa inh ỏi.

Chị tôi la hắn:

- Bobby im đi.

Tụi trẻ trố mắt nhìn chị em tôi như người từ hành tinh lạ, có đứa hỏi:

- Con chó này có tên kỳ quá, sao không là con Vện, con kiki, con tôtô…

Đó cũng là câu hỏi mà chị em tôi từng hỏi mẹ, mẹ trả lời đơn giản, hắn là giống lạ, hiếm, quí nên phải có tên tây u cho khác mấy con chó lông xù, nhưng cái tên lạ của hắn làm chị em tôi khốn đốn mỗi lần dẫn hắn ra sân cỏ.

Tụi nhỏ trong xóm không ưa tên mẽo nên gọi hắn “con Xoáy », tôi thấy cũng hay nhưng mẹ đâu có chịu, vậy là Bobby có hai tên, một tên chính thức và biệt danh ngoài sân cỏ, mà hắn thông minh lắm gọi tên nào hắn cũng OK.

Trước lạ sau quen, bây giờ mấy chục con mắt không còn chỉa vào hắn như luồng điện vô hình làm hắn thấy tinh tú quây cuồng như lần đầu gặp gỡ, chúng nó coi con Xoáy như bạn.

Sau khi hắn đi vệ sinh, đám nhóc chơi đá banh với hắn, quả bóng nylon bị hắn cạp sần sùi, có đứa giành banh với hắn bị cạp trúng tay chảy máu khóc như mưa, chạy về nhà “mét má ».

Bà hàng xóm xót con đến đập cửa nhà tôi la chói lói, bố mẹ đi làm chưa về, chị em tôi sợ xanh mặt ngồi sát vào nhau không dám mở cửa, mặc cho bà hàng xóm đòi kêu “phú lích” (cảnh sát) tới bắn chết con Bobby và bỏ tù cả nhà tôi.

Chửi mệt mỏi, thiên hạ tảng hàng, chị em tôi bớt sợ rồi trút cơn giận lên đầu hắn.

Chị tôi chì chiết:

- Mi thấy chưa, cắn con người ta chảy máu để bi giờ người ta chửi tụi tao, họ đòi bắn bỏ mi đó.

Hắn xụ mặt nhìn chỗ khác, hai tai cụp lại, bộ dạng như đứa ăn năn hối lỗi, lúc này trông hắn hổng bảnh trai chút nào, tôi bỗng tội nghiệp hắn mặc dù tôi không thương hắn bằng chị và em tôi.

Từ đó mỗi lần dẫn hắn ra sân cỏ chị em tôi phải canh me hắn, nhưng ở tuổi lên năm lên bẩy làm sao chúng tôi và tụi nhỏ không thích chơi đùa với hắn.

Chuyện cạp tay cạp chân lũ nhóc vẫn tiếp diễn nhưng chúng nó không còn “méc má” mà lớn giọng sỉ vã con Xoáy, dơ nắm đấm đe dọa, hoặc đá hắn một cái đau điếng khiến nó sủa um lên.

 Hắn lớn lên từng ngày với chị em tôi, đứa con thứ tư của mẹ, ai cũng thương hắn, nhưng cái tội “tè bậy” trong nhà làm bố khó chịu, bố đòi trả hắn về chủ hắn làm chị và em tôi lo lắng, thường xuyên dẫn hắn ra sân cỏ để tránh cảnh “đôi ngã chia ly».

Một buổi chiều đi học về hắn không chạy ra mừng chị tôi, cả nhà đi tìm khắp xóm đến tối hắn vẫn biệt tâm, chị tôi bỏ bữa cơm chiều khóc suốt đêm.

Sau mấy ngày chờ đợi hắn thực sự mất tích, tuy không buồn như chị, tôi bỗng thấy thiếu tiếng sủa khi hắn vẩy đuôi mừng rỡ lúc chị em đi học về, chúng tôi vứt cặp xuống đất thay nhau vuốt đầu hắn.

Suốt bẩy năm làm bạn với chúng tôi, hắn là đứa bạn không hề “lắm lời», không cải vã, nói gì hắn cũng vẩy đuôi ủng hộ, lại có biệt tài đưa một chân trước “bắt tay” khi chúng tôi bảo “Bonjour».

Sau Bobby mẹ nuôi Tí Nị, con Chihuahua nhỏ xíu, lông xù, hai tai vểnh, cặp mắt lanh lợi thu hút con nít trong xóm, mỗi lần chị em tôi dẫn hắn ra sân tụi nó chạy theo xoa đầu, nựng nịu, nắm đuôi.

Tí Nị nhảy tưng tưng quay vòng vòng ra điều phản đối vì bị véo tai níu kéo đến chóng mặt mà tụi nhóc có biết đâu cứ tưởng hắn nhảy múa vui chơi nên hết đứa này đến đứa khác thay nhau “tẩm quất” thằng nhỏ.

Bị dần một trận hắn nổi cáu cạp tụi nhỏ đến chảy máu khiến mẹ phải dẫn chúng nó ra Viện Pasteur chích ngừa bệnh chó dại nơi anh tôi đang thực tập trước khi tốt nghiệp BS.

Trước khi lụi mủi kim to kềnh vào bụng nạn nhân anh chìa cây kẹo để khớp miệng đương sự, mẹ nhét túi bánh kẹo đền bù mấy vết thương làm tụi nhỏ mất viá.

Tôi vốn không ưa chó, chỉ “phải lòng” độc nhất con Xoáy bảnh trai lại hiền lành thông minh, chả bù con Tí này chạy nhảy như con rối lại chằn lửa, tôi không có cảm tình dù mẹ và chị em tôi ai cũng thương nó.

Con Tí yểu mệnh, nuôi nó được ba năm thì nó đổ bệnh rồi lăn cổ chết, chị tôi lại khóc một trận như vũ bảo nhưng không bỏ ăn như lần trước.

Mẹ và em tôi cũng buồn không kém chỉ có tôi mừng thầm cho mẹ đở vất vả dẫn con nít ra Viện Pasteur chích ngừa bệnh chó dại và phải xin lỗi cha mẹ nạn nhân.

Mất Tí Nị, mẹ tìm con khác, trong nhà có bốn phụ nữ, chỉ có tôi không thích chó nhỏ hay lớn, dữ hoặc hiền, tôi giống bố, không chú ý đến chó mèo mà chỉ chúi mũi vào sách, bố viết sách, tôi đọc sách Tuổi Hoa…

Lần này mẹ chọn con Lucky, loại gì tôi không rành, hắn “đô con” hơn thằng Tí Nị nhưng “hiền như ma sơ », suốt ngày tắm nắng trước sân nhà, hàng rong đi ngang được hắn vẩy đuôi chào, không hề sủa ôm xồm như Tí Nị.

Sau khi lập gia đình và ra riêng ở Bình Thạnh, thỉnh thoảng tôi mang cu Bi sang nhà ngoại chơi, thằng nhóc lười ăn, năm tuổi mà ốm nhom, muốn nó ăn hết chén cơm phải dụ nó ra sân vừa ăn vừa chơi với Lucky.

Cũng tại cái nết ngoan hiền của Lucky nên tôi đưa chén cơm cho cu Bi tự ăn ngoài sân và chơi với Lucky, kết quả ngoài mong đợi, thằng nhóc ăn một cái vèo là hết chén cơm.

Từ đó tôi không còn hờ hững với mấy chú cẩu, nhờ Lucky “đồng hành” mà cu Bi ăn cơm ngon lành, ăn hết sạch không cần ai chiêu dụ như lúc trước, từ đó tôi để cu Bi ăn cơm một mình.

Cái tên Lucky mẹ tôi đặt cho hắn không ngoa, ngoan hiền, không “xơi tái” con nít trong xóm, bây giờ còn làm bạn với cu Bi mỗi bữa cơm khiến tôi mến hắn như người nhà.

Tình cảm tôi dành cho hắn lớn dần, phình to như cái bong bóng căng hết cỡ rồi nổ một cái đùng, niềm tin của tôi biến thành mây khói.

Tôi vừa bắt quả tang cu Bi ăn cơm chung với Lucky, thằng nhóc ăn một muỗng cơm rồi thả một thìa cơm khác xuống sân cho Lucky.

Rứa là thằng nhóc ăn có nửa chén cơm bảo sao không nhanh hơn lúc trước, niềm vui chia đôi là đây, hiểu theo nghĩa nào cũng đúng, nhưng không vì thế mà tôi ghét bỏ Lucky.

Tuy không còn dị ứng với mấy con kiki, thú cưng của mẹ, chị và em tôi, nhưng tôi không bao giờ nuôi chó trong nhà vì sợ các con ăn cơm chung với mấy chú cẩu, nhà cửa đầy lông chó và phải dẫn chúng đi vệ sinh mỗi ngày, mùa nóng phải diệt mấy con de (loại chí rận sống bám vào lông chó).

Trước khi đi định cư bên này, gia đình nhỏ của chúng tôi cư ngụ ở Bình Thạnh, sáng chủ nhật tôi thường đi chợ Thị Nghè tấp nập ghe hàng rau, trái cây tươi từ những vùng lân cận cập bến cuối chợ.

Đi chợ xong tôi đi ra đầu đường Hồng Thập Tự (vixi đổi thành Sôviết Nghệ Tỉnh) chờ băng qua đường, bỗng bà cụ đứng cạnh tôi lanh lãnh:

- Bẩy ơi, mày đâu rồi, dắt tao qua đường về nhà thôi.

Tôi nhìn sang thấy bà cầm cây gậy của người mù tay kia xách chiếc giỏ đệm rách rưới, Bẩy của bà là con chó mực đang ngậm bó rau muống vừa dí vào tay bà.

Bà cầm bó rau cho vào giỏ, cười tủm tỉm :

- Mày đi ăn mày rau ở hàng bà Tư đó à.

Con chó vẩy đuôi phành phạch vào chân bà như xác nhận sự đóng góp của nó vào buổi chợ sáng nay, rồi nó cắn giỏ chợ lôi bà qua đường theo đoàn người chờ xe thưa dần trên đường.


Tôi thẩn thờ nhìn bà với con Bẩy băng qua lộ, một cặp tuyệt vời, chẳng những nó thay cặp mắt bà mà còn biết quơ quào kiếm chác phụ bà chủ ăn mày của nó.

Từ đó tôi hiểu vì sao ba người phụ nữ trong gia đình tôi lại yêu mấy con kiki đến thế, chúng nó ngây thơ, chân thật, thông minh, trung thành hơn con người nhiều, vì thế chị tôi mới khóc như mưa mỗi lần phải chia tay với thú cưng.

 

*

Năm vừa rồi tôi lên Las Vegas thăm chị tôi, người từng khóc sướt mướt khi con Bobby tuyệt tích gian hồ và lúc con Tí Nị qua đời, tình cảm chị dành cho mấy chú cẩu chưa bao giờ nhạt phai.

Mấy năm nay chị có con Molly làm bạn, con chó cưng của đám cháu ngoại lai Mỹ của chị, vì vậy hắn thông thạo Anh - Việt lắm

Có lần cháu ngoại của chị hỏi hắn:

- Do you want to eat “nem chua», hơi cay đó nhe.

Hắn vẫy đuôi mừng rỡ, liếm môi như muốn nói:

- Yes, I thích lắm.

Vừa xực miếng nem nhai chưa hết hắn thè lưỡi chạy ra tô nước uống lia lịa vì bị cay dù lát ớt đã được lấy ra rồi, từ đó hắn hơi nghi ngại nếu có ai đề nghị “đặc sản VN», hắn ngửi trước khi ăn để tránh sự cố “bé cái lầm” như chiếc nem chua cay xè.

Sáng sáng sau khi ăn điểm tâm chị dẫn Molly đi bộ trong một khuôn viên nhỏ gần nhà, hắn là đứa rất “friendly” bắt bồ với mấy con kiki khác dễ dàng, từ đó chị tôi có thêm mấy bà bạn Mẽo chủ nhân của đám chó cưng trong xóm.

Sau giờ thể dục buổi sáng, mùa hè chị ra vườn làm cỏ tưới cây, hắn đi theo nhòm chị nhổ cỏ rồi lấy chân cào bới vùi dập tả tơi mấy bụi rau thơm của chị lại còn ra vẻ ta đây cũng biết lao động như ai.

Từ đó mỗi lần chị ra vườn hắn bị nhốt trong sân xi măng, nhìn chị thoang thoắt tưới cây, nhổ cỏ hái rau hắn sủa inh trời ra điều ấm ức vì bị tước quyền lao động.

Chị bực mình la hắn:

- Molly ồn ào quá, không ngoan trưa nay ngoại cho nhịn đói đó.

Hắn im re, quay vào nhà, cái gì chứ mục ăn chơi hắn vô địch, Pizza, Hamberger, Pasta…, cơm thịt kho, phở, bún bò Molly xơi ngon lành, kẹo, chocolat, cà rem, bánh ngọt, chè trái cây hắn không chê thứ nào cả.

Theo thứ tự hắn là “thằng út” trong nhà, thằng này lém lắm, biết cách lấy lòng cả nhà từ lớn đến nhỏ, khách đến nhà chơi vài lần hắn vẩy đuôi chào đón và đi theo khách từ cửa vào tận phòng khách luôn.

Buổi trưa hai đứa cháu về nhà ngoại ăn cơm, hắn chạy ra cửa đón, quấn quít chơi đùa với chúng nó, thế nào tụi nhỏ cũng dúi cho hắn một viên kẹo hay cái gì đó để “tình bạn” của chúng mình thêm thắm thiết.

Giờ cơm trưa đôi khi hai đứa nhỏ len lén thả miếng thịt cắn đi một nửa cho thằng út, cơm chiều hắn liếc mắt với bà ngoại xin xỏ một chút thịt cá chi đó, chị tôi quay mặt làm ngơ vì sợ nó bị béo phì.

Hắn đâu có tha, đưa chân lên khều nhẹ tay chị, không thấy động tịnh hắn khều tiếp, để khỏi bị “sa ngã” chị đành phải trừng mắt lắc đầu, hắn buồn thiu cúi đầu nằm dưới gầm bàn ăn “chờ thời».

Thằng út tinh ranh lắm, hắn biết mọi sự trên đời đều có giới hạn nên phải ngưng trước khi quá muộn, đặc tính đó khiến chị thương hắn như hai đứa ngoại.

Người quen tới nhà chơi ai cũng thích hắn, nghe tiếng chuông nó đi theo chủ nhà ra cửa đón khách. Trong lúc chủ khách chào hỏi nhau, nó sủa nhè nhẹ như thầm nhắc, thằng út đây nè sao không ai để ý vuốt đầu mình một cái vậy, út lém thật.

Hôm tôi đến nhà chị, chúng tôi vào nhà bằng cửa garage nên không bấm chuông như khách, thấy chị tôi xuất hiện hắn nhảy cởn mừng rỡ, thấy tôi lạ hoắc hắn chồm tới vẩy đuôi nhưng nhìn tôi trừng trừng làm tôi phát hoảng.

Tôi thụt lùi e ngại, vì tôi từng bị một em Chihuahua bé tí xinh như búp bê của bà hàng xóm của tôi cắn một cái sâu hoắm vào đùi rỉ máu đau điếng, từ đó tôi dị ứng với tất cả chó to chó bé chó kiểng ngoài đường.

Thấy tôi thụt lùi, hắn nhảy tới vẩy đuôi phành phạch ra điều thân thiện, tôi chưa hoàng hồn, bèn lên tiếng để tự trấn an mình:

- Molly đứng đó.

Hắn khựng lại, thôi vẩy đuôi dương đôi mắt ngây thơ như muốn nói:

- Sorry bà khách lạ.

Chị tôi vuốt đầu hắn:

- Molly ngoan, đừng nhảy tưng tưng như vậy làm bà dì sợ.

Hắn giận dỗi quay lưng chui dưới gầm bàn nghe chị em tôi nói chuyện, chị rủ tôi ra vườn sau hè coi luống rau muống, rau lang, hún quế…, Molly nhẹ nhàng chui khỏi gầm bàn đi theo chị em tôi ra cửa.

Hắn nhìn tôi vẩy đuôi nhè nhẹ, tôi vuốt đầu hắn:

- Molly dễ thương.

Tôi vừa dứt lời hắn đưa chân khều tay tôi, vẩy đuôi phành phạch, tôi ngồi chồm hổm vuốt đầu hắn, tôi không còn sợ bị chó cắn nữa.

Thằng út rất ranh ma, biết lấy lòng mọi người, dù có bị la rầy hắn không hề giận dai hay để bụng như con người, chó là loài thú thông minh và trung thành nhất như con Bẩy của bà cụ ăn mày bên chợ Thị Nghè năm xưa.

Mấy ngày ở nhà chị, Molly quanh quẩn bên tôi như người nhà, nhưng hơi thất vọng vì tôi chỉ ăn rau lang, rau muống chả có thịt thà, xúc xích pâté “chia sẻ” với hắn như hai đứa cháu ngoại của chị tôi.

Tụi trẻ thời nay thích chụp hình rồi đưa lên Face Book khoe với bạn bè, cháu ngoại của chị tôi cũng không ngoại lệ, chúng nó lôi tôi vào mấy tấm hình đủ kiểu mà Molly không thể vắng mặt.

Mỗi lần thấy cả nhà kéo nhau chụp hình là hắn tự động chường mặt ra, chuyên đứng trước mọi người vì hắn biết mình “bảnh trai».

Molly có tài diễn xuất “ăn tiền” lắm, chị bảo tôi ngồi vào ghế salon rồi nói với hắn:

- Molly thương bà dì đi.

Hắn nhảy phóc lên ghế ngồi cạnh tôi và nghiêng đầu vào ngực giống như dân Mỹ chào quốc kỳ đặt tay trên ngực trái.

Thiệt tình thằng út làm tôi siêu lòng, hắn ranh mãnh như con nít, nhưng cũng khôn như người lớn, biết tôn trọng luật lệ trong nhà, đặc biệt là không hề cắn con nít người lớn như mấy con kiki từng cắn con nít khi bị tụi nhóc cáu đầu véo tai, giựt đuôi đau điếng.

Hồi xưa chó là loài súc vật thông minh trông nhà, trông bày gà, ra đồng phụ chủ ngậm xâu cá đồng, bó mạ…, chú cẩu làm gì cũng ở vị trí “đầy tớ », chủ nó giàu nghèo gì nó đều trung thành hết mực.

Bây giờ chó là loại thú cưng, con cưng, con ông cháu bà, có thực đơn riêng, pâté, thịt, kẹo bánh, xương gậm để làm vệ sinh răng…

Vị trí chủ tớ thay đổi thành “tri kỷ” khi ông hoặc bà chủ là một bô lão bị con cháu bỏ rơi sống đời “độc thân” cô đơn triền miên.

Chú cẩu là bạn tâm giao, ngồi cạnh ông chủ, bà chủ nghe họ độc thoại như ri,

“Mi biết không, hồi trước bà bảnh lắm chứ có tệ như vầy đâu, hoa khôi đấy… ».

"Trong quân đội tao từng đánh tụi vixi chạy toét khói, bây giờ đi đứng phải nhờ chiếc gậy….».

Các cụ giờ này ngớ ngẩn như con nít, nói năng lộn xộn con cháu chán ngán bỏ trốn, bạn bè cũng ngại đối diện, các cụ nửa tỉnh nửa mơ chỉ còn chú cẩu để nói cho vơi nỗi lòng.

Con thú trung thành nhất không hề đánh gía chủ nhân của mình, tốt hay xấu, già lú lẫn, dỡ hơi, dỏm, mất trí nhớ, dù ông bà có tệ đến đâu vẫn là cha mẹ, ông bà mà con chó vẫn thương yêu như thuở ban đầu.

Chẳng may thú cưng qua đời chủ mang hắn ra vuông đất mua sẳn ngoài nghĩa trang dành cho thú vật chôn cất hẳn hoi, thỉnh thoảng nhớ con chó trung thành chủ mang hoa ra mộ bia tưởng nhớ cục cưng của mình.

Chó cưng được chủ đưa đi BS thú y, đi massage, tắm gội, nhuộm sấy ép bộ lông, sắm quần áo đẹp, mũ nón, dây chuyền, kẹp tóc trang điễm như minh tinh tài tử.

Hội thi hoa hậu, nam vương thú cưng nở rộ khắp nơi trên thế giới, thí sinh đi một vòng, không ưởng ngực khoe mông như hoa hậu người mẫu, nhưng nếu thí sinh “đẹp mã” với bộ lông chải chuốt đúng kiểu thời thượng với bộ đồ vía đẹp lạ, biết làm trò một chút chắn chắc thí sinh đó có triển vọng vào vòng chung kết.

Chú cẩu, loài thú thông minh là đôi mắt của người mù, cứu người bị chôn vùi dưới đống gạch sau cơn động đất, đánh hơi chất nổ, khám phá ma túy, làm bạn với người già, trẻ em bị bệnh nan y trong bệnh viện…

Chó là sinh vật đáng yêu rất gần gũi với con người, bạn tri kỷ chưa bao giờ dối gian, phản bội, trung thành với chủ cho đến chết, thật không ngoa khi chú cẩu được dân xứ Cờ Hoa xếp hạng sau phụ nữ và con nít.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
03/01/201921:52:39
Khách
TH cũng thích chó và đã từng nuôi cho nhưng từ ngày cion chó mẹ bị xe cán chết lúc ra đường tìm con thì TH không còn nuôi chonữa!!! Chuyện là, chó mẹ sanh ba con, có nguòi bà con đến chơi xin đem về một con nuôi. Đêm đó chó mẹ nhớ chó con nên chạy ra đường tim bị xe cán chết! TH buồn và hối hận nên sau đó không còn nuôi bất cứ con gì nữa!
Cám ơn Đoan Thị đã cho đọc một bài viết di dỏm .
03/01/201918:43:02
Khách
Cảm ơn Người Hà Nội, thằng Bờm và Mary K Haney chia sẻ tình cảm thân thiện với tác giả lẫn nhân vật chính trong truyện.
Chúc quý vị năm mới thật nhiều niềm vui và an lành
02/01/201917:55:42
Khách
cam on tac gia cho toi min cuoi, cuoi cuoi khi doc van cua ba.dieu nghe cu chung cung giong nhu may con cho cua toi. nay chung khong con nua. toi nho chung qua!
CHO DOC BAI TOI CUA BA. CHUC MUNG NAM MOI!
02/01/201914:52:06
Khách
tui còn bị << bịnh >> thương chó loại nặng hơn nữa ....... hihihihihi , rất cưng và thương giống chó .....vì nhà đang nuôi 2 đứa nhóc chân ngắn
29/12/201817:14:36
Khách
Chỉ một bài viết mà Đoàn Thị cho ta biết về nhiều loại chó khác nhau.
Gia đình tôi cũng có "bệnh" thương chó nên cũng đã nuôi hầu hết những loại mà tác giả kể ra. Hồi ở Việt Nam, chúng tôi cũng có một con chó Phú Quốc, nó có cái xoáy dài trên lưng, bộ lông ngắn màu vàng nhạt mượt mà, đôi mắt thông minh y như Đoàn Thị kể.
Từ khi con chó golden retriever, người bạn tri kỷ của tôi bị bệnh chết là tôi không dám nuôi chó nữa, một phần vì thương nó quá, một phần vì lớn tuổi rồi không chăm sóc nổi nữa.
Cám ơn tác giả đã cho đọc một bài rất hay về những con chó, những người bạn trung thành với chủ trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,229,771
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và sau 12 năm, vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018, với bài “Thằng Tý Con là... Con Thằng Tý”.
Nhạc sĩ Cung Tiến