Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_970x250_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Nấu Món Việt Trên Đất Mỹ

28/11/201800:00:00(Xem: 15600)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5559-20-31365-vb4112818

 
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017,  tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài,  cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles,  thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,  tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây,  thêm một bài viết mới.

 
mon goi no bong
Những cuốn gỏi "nở bông."

Quang's kitchen
Và bàn tiệc VIP của Quang's Kitchen.

 
***
 

Thời gian ở Mỹ trôi qua thật là nhanh,  không khí lễ hội cuối năm đã về tưng bừng trên khắp các nẻo đường, trong các khu chợ Mỹ chợ Việt nhộn nhịp hàng hoá thức ăn bắt mắt. Như bao người Việt ở Mỹ, gia đình tôi cũng tiệc tùng dài dài từ Thanksgiving cho đến tết Việt Nam. Chen chúc trong dòng người chờ đợi chỗ đậu xe ở chợ, tôi bất giác mỉm cười nhớ lại "hành trình" nấu nướng trên đất Mỹ của mình mười mấy năm qua.

Trước khi đến Mỹ, chuyện bếp núc với tôi hoàn toàn xa lạ, "ký ức ăn uống" của tôi luôn gắn liền với những hàng quà rong. Lúc còn ở quê, dù Ngoại làm cho đủ thứ bánh, sáng sáng, tôi vẫn ra ngồi bên bờ nước  nôn nao chờ đợi tiếng rao "ai… bánh bò hôn." vang vang theo nhịp mái chèo rẽ  làn sương sớm trên dòng sông đặc quánh phù sa.

Khi dời lên tỉnh, tôi vẫn được nuông chìu, lịch học dày đặc từ sáng đến khuya, ăn xong còn không rửa cái chén của mình. Tôi thường chỉ cắp giỏ đi theo bà ngoại, theo mẹ, theo dì ra những phiên chợ quê, chợ tỉnh, đi cả trăm lần nhưng tôi cũng chẳng nhớ hết tên cá tên rau vì không để ý. Những buổi đi chợ với tôi là cảm giác háo hức khi sà vào hàng quà sáng trong tiếng lao xao của các bà các chị lẫn tiếng quàng quạc của vịt gà.

Rồi những buổi trưa vừa ra khỏi cổng trường đại học ở Sài Gòn, tôi lại ghé vào gánh chè, gánh đậu hủ của bà mẹ nghèo đến từ miền đất Quảng. Mỗi khi ai hỏi về việc nấu ăn, tôi chỉ cười cười đáp tôi thích "ủng hộ" các gánh hàng rong nên không muốn nấu nướng chi.

Đến lúc vào làm ở "Viện”, các cô các chị đồng nghiệp càng làm cho tôi nghĩ chuyện nấu nướng là chuyện tôi không cần để ý, vì làm nhiều tay sẽ nhăn nheo, nổi gân xấu xí. Tôi nhớ mỗi lần có cuộc thi nấu ăn, cả department của tôi lại đùn đẩy nhau, cuối cùng phần đi nấu nướng luôn được "ưu tiên" dành cho chị công nhân lau dọn phòng thí nghiệm.

Khi tôi định cư ở Mỹ, đi làm cho tiệm Phở thì không còn thời gian để mà lo lắng cho sự xấu xí của tay chân nữa. Thường thì chủ nhà hàng sẽ giao đủ thứ việc cắt gọt, pha chế cà phê sinh tố cho nhân viên "chạy bàn", nếu “kẹt kẹt” cũng “được” gọi vào cuốn gỏi hay chiên chả giò cho khách. Tôi dần quen với việc cắt rau cắt ớt, dọn dẹp những cỗ bàn ê hề  sau khi khách đã ra về. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của việc kiếm tiền bằng công khó nhọc, trân trọng hơn những con người mà khi xưa tôi hay cho là "không có học hành tử tế" nên mới phải đi bán hàng ăn. Những ngày nghỉ, nỗi buồn xa quê hương càng như nhân lên gấp bội vì thương nhớ những… gánh hàng rong đã theo tôi từ tuổi ấu thơ ở chốn quê xưa đến những xóm chợ nơi  thị thành náo nhiệt.

Ngán ngẩm với những món quà vặt trong tiệm Deli vừa đắt (so với tiền lương của tôi lúc đó) vừa nhạt nhẽo, tôi ôm “giấc mơ bé nhỏ” là mình có thể nấu được những món giống như từng được thưởng thức khi xưa. Tôi bắt đầu thử nấu món chè, nhưng mùi nước dừa hộp và lá dứa đông lạnh làm cho chè trở nên dở tệ. Rồi tôi lại da diết nhớ hàng dừa soi bóng nước ở quê nhà, nhớ những trái dừa khô lăn lóc mọc cả chồi non, nhớ bụi lá dứa xanh nõn nà trong góc vườn nhà ngoại. Vậy mới hay những thứ bình thường dân dã ở quê nhà bỗng trở thành "cao xa" nơi đất Mỹ, khiến lòng người xa xứ rưng rưng mỗi khi muốn tìm lại một chút hương xưa.

Tuần lễ đầu tiên dọn tới Cali, tôi ghé qua các tiệm chè phố Bolsa. Quả thật chè Cali có khác chè Seattle, nhưng rồi chè trong tiệm Deli trên xứ Mỹ của những bà chủ đeo hột xoàn lóng lánh, da trắng bóc như trứng gà nên mùi vị vẫn khác với chè của những  cô những chị lam lũ chốn quê nghèo. Vậy là tôi lại lục đục nấu chè trong những ngày lễ lạc. Ở Cali thì dễ dàng tìm được món tươi, ngon, rẻ lúc nào cũng đầy ắp trong các chợ Việt Nam.

Sau này có internet và có. . . cô Uyên Thy, nên “sự nghiệp” nấu chè của tôi dễ dàng hơn trước. Tôi thật là "tâm đắc" những món chè của mình, mang cả vào trong sở làm đãi cho đồng nghiệp. Ngày hôm sau, một anh gốc Mễ Tây Cơ mang cho tôi bọc “tamales” nóng hổi, ríu rít khoe món quê nhà làm từ bắp. Tamales của người Mễ là bột bắp gói trong lá bắp rồi mang đi hấp chín, có hai loại nhân mặn và nhân ngọt. Ngửi qua thì thật là thơm, nhưng không thể nào sánh bằng bánh tét bánh chưng của Việt Nam. Tôi chợt nhận ra biết đâu chè chỉ ngon với người mình, còn với dân tộc khác thì nhiều khi thật là . . . khó nói. Từ đó về sau, tôi chỉ mang chè đem cho bạn bè người Việt.

Tôi "thừa thắng xông lên", tập tành nấu các món cơm canh. Lần đầu tiên nấu canh bí đao, tôi tưởng mình nấu ra… cháo bí,  vì nào có biết bí ở Mỹ thả vô là chín ngay, tôi lại đậy nắp đợi một hồi lâu. Rau muống mua về thì tôi nhặt bỏ gần hết bó, thịt heo Mỹ cũng không biết làm sao cho khỏi hôi tanh mùi. . . lợn. "Không thể gọi điện thoại về Việt Nam hỏi cách vì nguyên liệu nấu nướng không giống nhau, mỗi lần đi làm ở nhà hàng, tôi hay vào xem các bà phụ bếp, chuẩn bị món ăn.

Khi đã quen dần, tôi nghiệm ra nấu ăn ở Mỹ hoá ra lại đơn giản với nhiều thứ được cắt gọt, chuẩn bị sẵn nên không tốn nhiều thời gian như ở Việt Nam. Nhiều ngôi chợ Việt ở Cali cũng gói sẵn những phần rau đầy đủ cho một nồi canh, chỉ cần lấy một gói là khỏi lo thiếu hụt gia vị. Khốn nỗi, món nào càng “đậm đà hồn quê Việt" thì mùi lại càng "bát ngát", nên tôi nghe hoài những chuyện kiểu như: "Từ ngày ông A "remodel" xong cái bếp hết 40 ngàn, thì bà vợ ông toàn ra nấu ở ngoài sân!"

“Chí lớn gặp nhau", chàng còn thích nấu nướng hơn cả tôi, nghe kể từng đi học "culinary school", mơ một ngày Quang’s Kitchen sẽ là chuỗi nhà hàng vang danh khắp năm châu bốn bể! Đã lăn lộn “chạy bàn” vài năm, tôi cứ nghe đến nhà hàng là sợ, vì sự vất vả tủn mủn của nghề bán hàng ăn cùng trăm thứ luật lệ permits gắt gao của Health Department. Tuy vậy, mỗi khi "chồng nấu vợ khen", "vợ nấu chồng khen", ”hay “vợ chồng cùng nấu, khách (ăn free) khen” thấy cũng vui vui, nên tôi không nỡ dập tắt giấc mơ tươi đẹp của chàng!

Có lần, chàng đi làm cả ngày và dặn tôi ở nhà phải cuốn 80 cuốn gỏi để mang đi "góp" vào buổi tiệc ở sở làm. Tôi hăng hái gật đầu, không mường tượng được cảnh một mình làm bấy nhiêu việc để cho ra những cuốn gỏi thật đẹp. Rửa rau, luộc tôm, nấu tương, làm dưa chua một mình lui cui trong bếp, tôi tủi thân muốn oà lên khóc khi nghĩ mình vẫn chưa chuẩn bị đầu tóc váy áo gì. Đã vậy khi chụp hình gửi cho chàng xem cái cuốn tôi nắn nót sao cho những chú tôm phơi mình đỏ au  ngay ngắn dưới lớp bánh tráng mỏng tang, chàng không khen mà còn phán: "sao không có  chùm rau ở đuôi giống như cuốn gỏi "nở bông" mình ăn ở nhà hàng!"

Thật, giờ này mà còn đòi "nở bông", Dì Ghẻ của cô Tấm hay Cinderella mà có tái sinh cũng "ác" đến chừng này là cùng. Từ đó về sau, biết "sức mình có hạn", tôi không bao giờ dám  nhận nấu cho khách khi không có "phụ bếp" kề bên.

Vì yêu món Phở, chàng cũng tập tành nấu thử và giới thiệu với bạn bè. Thật là mừng, các bạn bè  với đủ sắc tộc màu da vui vẻ chấp nhận hết những  món Việt hơi "lai căng" của vợ chồng tôi. Một bà khách người Phi Luật Tân còn đặt chúng tôi nấu tiệc cho 30 người VIP của hãng. Không muốn làm "nhụt chí anh hùng", tôi nói chàng cứ cho giá cả  thật cao, nếu bà chịu thì mình sẽ làm, ngày cuối tuần rảnh thì nấu thêm chút cũng vui, ai ngờ bà ta gật đầu.

Lần đầu làm catering, chúng tôi tham lam đưa thực đơn gợi ý đủ món từ trên trời xuống dưới. . . sông: Phở, cá nướng, chim cút chiên bơ, gỏi cuốn, chả giò, cơm chiên,  súp hoành thánh, trà “Thái ice tea”, chuối chiên tráng miệng.  Không ngờ bà khách cũng… tham ăn, không chịu bỏ món nào ra dù chúng "đụng" nhau chan chát. Vậy là tôi phải nghỉ  làm từ hôm thứ năm, đi hết bao nhiêu là cái chợ để “tha” đủ những món mà tôi “dại dột” đưa ra. Cả nhà ba người hì hục trong bếp liên tục từ tối thứ năm đến trưa thứ bảy cắt, gọt, xào nấu, hấp luộc tưng bừng, tưởng chừng quên mất hai đứa bé con đói meo buồn bã  tha thẩn lòng vòng trong bếp.

Vừa nấu vừa xem đồng hồ, ai cũng căng thẳng sợ trễ giờ, lại phải thật cẩn thận lo những khách VIP bị "Tào Tháo rượt" khi ăn  món lạ. Vì người Phi không biết cách ăn món Việt nên chàng phải tới đó trước để sắp xếp cỗ bàn. Vậy là còn có tôi và mẹ loay hoay xào nấu. Khi người của bà khách đến nhận món ăn, tôi vẫn chưa cuốn xong 60 cuốn gỏi "nở bông", chả giò cũng đang chiên dang dở. Tôi đành phải gọi A Phi ra tiếp khách để "câu giờ".

Không hổ danh "con nhà tông", buôn bán thì phải cởi mở xởi lởi, cậu con 3 tuổi rưỡi khệ nệ ôm thùng đồ chơi ra khoe từng món với ông khách. Hai người một già Phi một bé Việt,  "gà vịt" hàn huyên cùng nhau có vẻ "tâm đắc" được khoảng hơn nửa giờ thì tôi  gói ghém xong các mâm thức ăn. Đến lúc này A Phi, bỗng thấy "nóng ruột" khi nhìn ông khách bưng hết mâm này đến mâm khác ra xe trong khi bụng mình đói meo đói mốc. Cậu bé "trở mặt" khóc inh ỏi đứng cản đường "ông bạn” mới quen, miệng gào to "No, no take out!"

Sau bao màn "dở khóc dở cười", buổi tiệc “thành công rực rỡ”, không một ai bị chột bụng đau đầu, bà khách Phi đòi đặt thêm 50 phần ăn cho tuần sau. Mệt mỏi rã rời sau 2 ngày nấu nướng và dọn dẹp "bãi chiến trường" trong bếp, chàng từ chối, vì sự cực nhọc và áp lực khác hẳn cảm giác "enjoy" khi nấu ăn chiêu đãi bạn bè. Thêm nữa, khi tôi tính tiền “công nhật” cho cả 3 người (chưa kể công "tiếp khách" của A Phi) thì dù bán được với "giá trên trời", chúng tôi vẫn còn "lỗ tới xương" so với khi đi làm thuê làm mướn cho “bọn tư bản giãy hoài không chết". Như bao nhiêu nhà hàng Việt Nam "tưng bừng khai trương" rồi "âm thầm đóng cửa" trên xứ Mỹ, Quang's Kitchen chỉ mở cửa bán 1 lần rồi... chạy trong niềm nuối tiếc ấm ức của thực khách!

Chàng, cuối cùng đã từ bỏ giấc mộng "giới thiệu món Việt đến bạn bè năm châu". Tôi, vẫn giữ ước mơ bé nhỏ của mình, hay lục đục nấu món Việt  và... dụ các bé ăn cùng, như một cách tìm bạn đồng hành cho những hoài niệm về một miền quê xa lơ xa lắc. Tôi mơ màng tưởng tượng hai mươi mấy năm sau, tôi lại  nấu chè xôi  mừng đầy tháng,  thôi nôi cho cháu mình. Mong lắm mai sau con cháu tôi, những em bé Việt sinh ra trên đất Mỹ, không chỉ thích thưởng thức cheesecake mà còn biết yêu vị nước cốt dừa béo thơm quyện cùng hương lúa nếp từ cánh đồng quê xôn xao những cánh cò.

Khi có dịp dùng lại những món ăn “thấm đậm tình quê”, tôi mừng rỡ như gặp được người quen cũ, lại nao nao ngậm ngùi thương cho những "hương đồng cỏ nội" đã "bay đi ít nhiều". Có lần tôi háo hức đi dự  buổi họp mặt đồng hương ở Mile Square Park vì nghe có món bún nước lèo,  mong tìm lại  chút hương. . . mắm giữa xứ sở phồn hoa. Tôi nhận phần bún của mình, tách đám đông đi về phía ngọn đồi. Ngồi trên thảm cỏ mượt mà, mùi mắm cá đồng phảng phất làm tôi ngỡ như mình đang ngồi trên gò đất chằng chịt những rễ cây nơi quê cũ, bên bờ nước cá lội tung tăng... Tôi lại nhớ hình ảnh cô bé cắp chiếc rổ tre lon ton đi theo bà ngoại đến lò bún ông Tỉa Hai trên con đường làng râm ran tiếng ve kêu. Nghe lá reo xào xạc trên cao, mắt tôi lại cay cay nhớ mùi khói mùi rơm quyện trong sợi bún chốn quê nghèo. . .

 

*

Cũng như nhiều người Việt ở Mỹ, năm tháng trôi qua, tôi đã dần dần "nhập gia tùy tục", bớt “đòi hỏi” những món ăn Việt phải "giống y hệt" như tôi từng được ăn ở quê nhà. Tôi có thể hài lòng với món gỏi gà thiếu thân chuối cây cắt mỏng, với món canh chua vắng mặt bạc hà (dọc mùng), với món cá kho chỉ cho ít nước mắm thôi để hàng xóm Mỹ khỏi phiền lòng. Giữ đúng “tinh thần hiệp chủng quốc", những ngày lễ lớn như Thanhsgiving hay Noel, bên cạnh những món Turkey, bánh trái kiểu Tây, nhà tôi lúc nào cũng có thêm những món Việt Nam.

Dù ngày nắng hay mưa, gian bếp nhà tôi thường xuyên đỏ lửa nấu những món cơm canh quê Việt. Không dám sánh với ai, chỉ dám so sánh với chính mình, tôi thấy mình thiệt là "giỏi" quá chừng so với tôi của ngày xưa. Từ một người  “sợ” nấu ăn,  tôi  giờ đã biết yêu quý những giây phút quây quần nấu món Việt trong gian bếp nhỏ, nghe thấm thía hơn câu ca dao "Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon".

Những tháng năm vất vả xứ người đã dạy tôi nhìn ra nét đẹp từ đôi bàn tay chai sần, gân guốc để giữ cho những bữa cơm nhà còn thoảng hương vị quê xa. Như món thịt kho trứng, ngày còn ở Việt Nam tôi luôn "ngán ngược", giờ  tôi luôn tìm cách nấu sao cho thật ngon, thật đẹp, để rưng rưng bày lên mâm cỗ đón giao thừa tết Việt giữa đêm đông xứ Mỹ.

Không nấu nướng kiểu “tài tử” như tôi, một cô “tiểu thơ Sài Gòn”, bạn học tôi ngày xưa sau vài năm bưng phở chai tay đã trở thành bà chủ của hai tiệm phở lớn ở miền Đông nước Mỹ. Bạn bây giờ khác xa ngày còn ở Việt Nam, tay chân nhanh nhẹn, một mình tất bật từ trong bếp ra ngoài, ”lăn” cả vào dọn dẹp phòng vệ sinh cho cả hai nhà hàng mà giờ ăn trưa là khách phải xếp hàng dài chờ đợi.  Ngày gặp lại nhau, tôi thấy bạn trở nên thật dễ mến dễ gần, cần cù chịu khó, khác xa với  một "cô chiêu" đỏng đảnh ngày nào. Tôi thầm cảm phục cuộc sống nơi xứ cờ hoa đã giúp bạn và tôi cùng thay đổi, cùng "khôn lớn thành người".

Tiểu bang California sẽ cho phép bán thức ăn tại nhà bắt đầu từ năm 2019, tôi nghe nôn nao như mình sắp được tìm về "những ngày xưa thân ái" của cô bé thích quà rong. Không gì sánh bằng một ngày se lạnh được ngồi bệt trên chiếc ghế nhỏ, bên tô bún thơm bốc khói, trên mảnh sân xôn xao tiếng nói cười  bằng "tiếng Việt dấu yêu".

Chiều nay Nam California bỗng có mưa, tôi chợt nhớ những đêm mưa nơi quê cũ, nhớ cô bán chè với đôi quang gánh  bạc màu sương gió  và cái đèn dầu nhỏ xíu soi đường. Cô đội chiếc nón lá cũ có cột thêm tấm ni long che cho khỏi ướt người, ánh đèn dầu vàng vọt hiu hắt đong đưa qua những con đường tối tăm ướt sũng...  nhớ tiếng rao ngọt ngào vang lên lẻ loi trong đêm mưa vắng "ai chè đậu đen nước dừa hôn."

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
17/12/201900:11:02
Khách
Ôi, sao mà giống nhau thế! E ko diễn tả hết bằng lời đuợc như chị Tố nhưng tâm trạng và trải nghiệm y chang luôn. Ra nước ngoài sinh sống tự nhiên ai cũng trở nên giỏi giang, đảm đang. Nhiều khi nấu xong 1 món ăn hay làm ra đc 1 cái gì hay ho mà lúc ở VN mình chưa từng làm thì e lại thốt lên: "Công nhận tui tài quá!" or "tui phải khen cái tài của tui 1 cái!" or "tui nể cái tài của tui quá!".
10/12/201817:36:03
Khách
Cháu chào chú Triều Phong,
Cháu cám ơn chú khen ngợi, nếu có dịp ghé Cali cháu xin mời gia đình chú ghé qua dùng thử nha. Cuối tuần gia đình cháu vẫn hay nấu nướng để được nghe khách (ăn free) khen!
Tố mến chúc chú Triều Phong và gia đình một mùa Giáng Sinh thật là an lạc.
08/12/201814:57:24
Khách
Cháu viết bài này dễ thương , nghe cháu tả món ăn chú nghĩ là ngon và tự dưng thèm và nhớ...má chú quá. Chúc cháu và gia đình cuối tuần vui vẻ.
Triều Phong
02/12/201821:43:25
Khách
Chào bạn May Beane,
Tố Nguyễn rất vui khi được bạn May Beane cùng chia sẻ những kỷ niệm thật tự hào về "nấu món Việt trên đất Mỹ",nhất là sự sáng tạo cho món chả giò từ trái bí đỏ Mỹ.
Như đã thú nhận trong bài viết là Tố chỉ nấu nướng kiểu "tài tử" thôi,chắc cũng không đúng cách nấu của người Việt thuần tuý nữa,mong được học hỏi thêm nhiều từ bạn May Beane.
Mến chúc bạn May Beane sẽ có thêm thật nhiều giải thưởng về nấu ăn nữa.
02/12/201805:49:06
Khách
Lúc xắt gừng để ôn làm mứt cho TẾT sắp đến (trước đó tôi có đọc bài nầy 1 lần nửa trên báo Thủy Tiên) tôi nhớ lại và cũng hãnh diện để khoe về thức ăn VN. Tôi ở gần quê người Amish, nhiều năm trước, để ăn mừng Lễ Tạ Ơn gặt hái tốt thành phố cho thi nấu ăn với đề tài là 'Trái Bí Vàng' Tôi đậu Gỉai Danh Dự được tăng $50 và Đài Truyền Hình WNIT mời tôi lên để trình bài về cách làm Chả Giò VN, vì tôi lấy trái PUMPKIN còn xanh, bào nhỏ như cọng giá để làm CHẢ GIÒ, Gíam Khảo thích quá, khen ngợi làm mình cũng nở mặt đại diện cho Việt Nam.
Thích tác giả Tố Nguyễn xin được liên lạc để thỉnh thoảng nói về thức ăn VN.
01/12/201802:00:53
Khách
Anh Từ Huy thân mến,
Cám ơn anh đã nghĩ cho A Phi và đồng cảm với A Tố. Quê hương nhiều khi chỉ là những gì nhỏ bé đơn sơ,như những gánh hàng rong cùng lời rao ngọt ngào trong ngõ vắng lúc đêm về...
30/11/201823:21:21
Khách
Mừng cho... A Tấm đã làm mắm A Cám🤓... “Hiểu đời đá vàng” nên hạnh phúc hơn heng👌❗️
Chỉ thấy... hận giùm cho A Phi tiếp-viên hàng-không (không còn hàng họ gì vì bị ông khách bưng ra xe ráo nạo.) Người lớn chơi vậy mai mốt ai dám chơi chung.
Anh thích đoạn cuối trong bài viết của A Tố. Xuống một quãng... Xề trong bậc ngũ cung, làm anh chạnh lòng thương về một thuở khói mây dịu dàng xưa!
30/11/201802:38:16
Khách
Dạ A Tố cám ơn cô Châu Hà,chú Trần Đức Hân,cô Mão,chị Như Ý, anh Lê Bình, bạn May Beane đọc bài và chia sẻ những cảm xúc về món ăn Việt Nam.
Anh Quang vẫn hay nấu phở cuối tuần đãi bạn bè,nếu có dịp xin mời cô chú ghé qua cùng thưởng thức.
Mến chúc Cô Chú Anh Chị một mùa lễ thật là đầm ấm bên gia đình và bạn bè.
29/11/201816:29:46
Khách
10 năm qua, không những nấu thức ăn VN ở nhà thường xuyên, tôi còn đi thi nấu ăn ở Hội Chợ Mỹ. Tất cả thí sinh và Gíam Khảo là Mỹ nhưng tôi gắng nấu nếm với gia vị VN, tôi hảnh diện với thức ăn VN và giới thiệu với người ngoại quốc. Tôi đậu 'Gỏi Gà Vietnamese First Place' với đề tài CABBAGE và trong buổi phỏng vấn tôi cũng giới thiệu về thức ăn phong phú của người Việt Nam.
29/11/201815:59:15
Khách
Bé A Phi dễ thương quá, biết "tiếp khách" để mẹ có thời gian gói ghém các mâm thức ăn. Mong một ngày được ăn tô phở ở Nhà Hàng Tố Quang.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,193,941
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.