Hôm nay,  

Dallas Có Gì Ngon…

09/11/201800:00:00(Xem: 22618)
Tác giả: Phan

Bài số 5542-20-31349-vb6110918

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới  của ông.

 
***
 

Tôi nghe bạn bè ở địa phương thường nói chuyện với nhau: Dallas là thành phố lớn thứ ba của tiểu bang Texas, lớn thứ chín trên nước Mỹ, có phi trường Dallas FortWorth Airport lớn hàng thứ tư trên nước Mỹ, có cộng đồng người Việt chỉ thua thành phố Houston cũng ở Texas và bên Calif…

Riêng tôi chỉ tiếc không có quán ăn Việt nào đặc sắc ở Dallas như hôm tôi sang San Jose, bạn Thy (i-cờ-rét) đón ở phi trường SJC là đưa tôi ngay về phở Papa. Ăn tô phở ngon nhưng hơi tiếc là không dẫn theo bầu đoàn thê tử bên Dallas qua ăn chung vì tô phở ấy mà tôi ăn một mình thì phải tới ngày về mới hết. Hôm về quận Cam thì anh bạn Chương Vũ dẫn đi ăn tô hủ tíu to như cái hồ bơi, tha hồ bơi trong tô hủ tíu ngon như ngày nào còn ở Chợ lớn. Nhưng tôi thích ăn tô miến gà với bạn học cũ ở đường Westminster. Tô miến hải ngoại nên có thêm tép mỡ, hành ngò xanh mướt, và chấm nước mắm gừng. Có thể là khẩu vị của người Việt ở quận Cam thích thế nên quán miến làm thế cho vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Nhưng tôi vẫn thích dĩa thịt gà để riêng nên thưởng thức được mùi thơm của thịt gà đến nhớ nhà, nhớ mẹ tôi nấu miến gà, chỉ cho chút ngò rí cho đẹp tô miến chứ không bỏ hành lá vì hành lá nồng làm báng mùi gà. Và mẹ tôi xé thịt gà cho vô tô miến chứ không chặt để khi ăn khỏi lừa xương…

Khẩu vị và cách ăn mỗi gia đình mang tính đặc trưng riêng nên thẩm thấu vào ký ức con cái từ nhỏ. Rồi ai cũng rời nhà theo thời gian khôn lớn. Khẩu vị thay đổi khi cơm đường cháo chợ nhiều hơn ăn cơm nhà, sau đó lại pha trộn với khẩu vị của người phối ngẫu dần thành quen, tạo ra đặc trưng khẩu vị của một gia đình mới. Chẳng có ai là đúng hay sai về khẩu vị và cách ăn, miễn ăn thấy ngon và thoải mái là được. Nhưng bất chợt một hôm trên đường phiêu bạt, ăn được tô miến gà đậm đà hương xưa, nước trong như miến, thơm phức mùi gà, ký ức tràn về cả thời tuổi nhỏ còn sống với gia đình, cha mẹ. Bỗng thấy hạnh phúc giản đơn trong đời rong ruổi.

Đến hôm đi công tác bên Santa Ana, nhà văn Huy Phương đón tôi ở phi trường John Wayne Airport. Anh ghé đâu đó trên đường Bolsa cho tôi ăn tô phở gà trứng non, rằng ngon thì thật là ngon, nhưng cũng lại chấm nước nắm gừng chua chua cay cay ngọt ngọt. Giá được chén nước mắm nguyên chất, không pha chế gì thêm thì hương xưa còn nhớ càng lẫm liệt.

Rồi thì một lần cũng chỉ tạt qua toà soạn Việt báo Cali vì xuống phi trường SNA, lái xe lên công tác ở San Diego. Nhưng phải ghé bác Từ - Việt báo trước để nhờ bác giúp tổ chức cho một buổi họp báo cho Projet “Shore to Shore” của Nguyễn Thơ Sinh ở hội trường Việt báo.

Làm báo thì chạy như ca sĩ chạy show, đói chịu chứ trễ giờ không được, nên đến đâu có anh em thổ địa ở đó cho gì ăn nấy cầm hơi. Hôm đó bác Từ dẫn đi ăn tô hủ tíu cá mới thật là đã đời lưu manh như thơ Bùi Giáng, “Sài gòn Chợ lớn đã đời lưu manh”. Phải lưu manh thứ thiệt ở Sài gòn Chợ lớn mới biết ở sau chợ Bình tây có tiệm hủ tíu cá, nước trong leo lẻo, ngậm mà nghe…

Bây giờ về Houston - Texas thì không thua gì bên nam bắc Calif với đủ cả các món ăn, món nhậu Việt nam. Vào khu Nha Trang Plaza thì hơi sang, nhiều món ngon, và dĩ nhiên... Nhưng ra khu Bellaire thích hơn vì bình dân như ở Sài gòn. Có hôm xuống Houston còn mặt trời, anh em dẫn đi ba bốn quán đông vui, ăn thì ăn ở quán này, tới uống thì uống ở quán kia mới đã, rồi chơi thì đi quán lạ! Tía má ơi! Cụm từ “tàu lạ” từ biển Đông bay qua tới Houston thành quán lạ mới ghê! Nhưng lạ thật vì trời sáng không hay!

Tôi tin là món ăn trong hàng quán của người Việt hải ngoại bây giờ ngon hơn trong nước dù tên món không thay đổi nhưng phẩm chất thực phẩm ở hải ngoại và cách chế biến ngon hơn ở Sài gòn. Bằng chứng nhiều người quen ở Dallas đã nói, “về Sài gòn bây giờ ăn tô phở không thấy ngon như bên đây…” Nhưng người mới qua định cư lại chê phở Dallas, Calif vì chưa quen với khẩu vị bên Mỹ và chưa quên khẩu vị ở Sài gòn…

Thôi thì ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn. Nhưng đôi khi trong bạn bè cũng cần bàn qua ẩm thực một chút để nhớ thôi đã đủ. Có khi tôi ngồi nghĩ về thành Đà (Dallas) của mình. Khi có bạn hữu từ xa ghé qua Dallas có công tác thì thổ địa phải làm nhiệm vụ thổ địa thôi. Nhưng đưa họ đi đâu ăn cho ra đặc trưng ở Dallas, chỉ có ở Dallas. Có lẽ chỉ có vài nhà hàng Mỹ chuyên bán thịt bò bí tết, hay hải sản Mỹ, hoặc sushi Nhật hạng sang là tương đối. Còn lại nhà hàng Việt nam chỉ quanh quẩn mấy món Tàu mà ai nấy chưa ăn đã thấy ngán. Những hàng quán, tiệm ăn nhỏ nhỏ của người Việt không có quán nào nổi trội, có lẽ do sức cạnh tranh không cao như ở Houston hay bên Calif nên hàng quán chỉ chung chung như nhau, kê thực đơn đọc tới mỏi mắt nhưng nhiều món không có, hết rồi. Đôi khi ngồi chơi với anh em địa phương làm nghề nhà hàng, nghe họ nói có lý mà không có lý vì đơn giản là muốn ăn ngon thì phải trả thêm tiền, nhưng tô phở bán mắc hơn tiệm khác năm mươi xu thôi là đã bị khách chất vấn, nghe có lý đó nhưng vô lý là sao ở Houston, bên Calif, hàng quán cũng phải chịu cảnh ngang giá với nhau thì mới bán được, vậy sao họ vẫn nấu ngon được? Hàng quán ở Dallas có đầu bếp bên Calif qua thường đông khách hơn hàng quán vợ nấu chồng bưng, con dọn bàn ở Dallas. Vấn đề của ngành nhà hàng Việt ở Dallas còn nhiều chuyện để bàn về ẩm thực, và phần quan trọng khác cũng đáng nói tới là vấn đề vệ sinh và phong cách phục vụ…

Kể ra Dallas chỉ loanh quanh có mấy tiệm ăn Việt tương đối được như Phở Bắc, bún bò Huế Tây Đô, bánh xèo Lá Xanh, cá nướng Đồng Quê… Nhiều khi nghĩ cũng buồn chứ chẳng phải không khi nghe anh em trò chuyện, “Có bạn bè, bà con ở xa về Dallas chơi, không biết dẫn họ đi đâu ăn?”

Hôm tôi đón người bạn bên miền đông bắc Mỹ sang chơi, đã chín giờ tối mới ra khỏi phi trường DFW. Bạn tôi nói muốn ăn tô bún riêu, anh thèm bún riêu lắm! Tôi đã nói mà hắn cãi, tôi ở đây tôi biết, tôi đã ăn hết mọi quán có bán bún riêu vì tôi cũng thích món đó, dễ ăn… nhưng chẳng có quán nào ăn được! Thậm chí có cái quán bán cho tôi tô bún riêu mà tôi phải đổi tên là bún lừa, vì lừa gạt quá đáng. Ai đời bún riêu mà đi chan nước lèo phở bò, mùi quế, mùi hồi trong tô bún riêu thì làm sao ăn được. Người bạn đi chung ăn tô bún suông nên không thắc mắc vì chẳng có gì để gắp bởi là bún suông mà!

   Nhưng người bạn đông bắc Mỹ này ngoan cố. Hắn nhất định đòi ăn bún riêu nên tôi ghé quán quen là quá nhậu. Ghé đó bởi chợt nhớ ra chị chủ quán thường nấu những món chay cho chùa khá ngon. Hôm tôi được ăn bún riêu chay ngoài chùa do chị nấu, tô bún ăn rất khá. Vậy mà đến quán của chị thì, hay tại tối quá rồi nên hai tô bún riêu bưng ra bàn. Người bạn ở đông bắc Mỹ nên thèm món dân dã Việt như bún riêu thì phải quá rồi, nhưng gắp lên một đũa, rồi hắn lơi.

Cha mẹ ơi! Bún riêu mà nguội ngắc, rau không ra rau, lá úng lá xìu, mấy miếng cà chua mới lấy trong tủ lạnh ra, cắt bỏ lên tô bún riêu còn lạnh như mấy cục nước đá màu đỏ…

Tôi xin lỗi bạn thôi chứ biết làm gì hơn. Hai thằng về nhà ăn hoành thánh tự làm mà hắn tươi tỉnh, vui vẻ ra.

Hôm sau tôi đưa hắn đi ăn bánh xèo Lá xanh vì tên này dân nam bộ nên thích món nhiều rau. Địa chỉ đáng tin cậy vì thương hiệu từ bên quận Cam qua mở chi nhánh ở Dallas. Đáng tin cậy hơn nữa là cô chủ rất đẹp, tử tế, lịch sự, và tốt bụng. Món nào có trong thực đơn nhà hàng mới tính tiền, còn món nào làm nhà ăn thì chỉ biếu mấy anh nhà báo ăn chơi cho vui… vui sao không vui. Cả Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas Forth Worth ủng hộ Lá Xanh là đương nhiên.

Vậy mà xa mặt cách lòng, lâu lâu không ghé nên quán đổi thay, không còn cô ở đó, cô bắc kỳ nho nhỏ chủ tiệm bánh xèo Lá Xanh, cười giòn như bánh xèo, giọng bắc ngọt tái tê như tép bạc… Nay được anh bạn tôi khen nức nở bánh xèo ngon, nhưng không thấy cô chủ đâu để khoe thêm một người bạn xa đã phải lòng bánh xèo Lá Xanh ở Dallas. Anh bạn tôi bảo cháu trai bưng bánh xèo, “Em ơi! Cho anh xin thêm một dĩa rau sống, đủ thứ rau hết nha. Rồi tính tiền vô hóa đơn.”

Cái cách đi ăn nói lên tư cách thực khách dữ lắm! Bởi có lần cô chủ than phiền với tôi, “bánh xèo ngon thì nửa phần là nhờ rau. Em đặt người ta trồng các loại rau từ nhà đem giao cho tiệm em, nên một dĩa rau đã hết bốn đồng, mà cái bánh xèo bán ra tám đồng thì lời bao nhiêu. Thế mà nhiều người cứ xin thêm dĩa rau. Đôi khi ăn còn chút xíu cũng xin thêm dĩa rau để mang về nhà. Đề nghị khách trả tiền thêm thì khó nói quá…”

Khó thật. Tôi là người làm báo nên tôi biết rõ khó khăn của hàng quán vì liên lạc nhau thường về quảng cáo báo chí. Như tiệm cá nướng Saigon Block là một tiện ăn Việt có thể nói là có không gian nhất, vấn đề vệ sinh tương đối nhất ở Dallas, chỉ kẹt cái phục vụ là khách xin thêm rau, bánh tráng… những người phục vụ cứ làm lơ, làm lơ cho tới khi khách thiếu điều như níu áo mới chịu nói: thêm bánh tráng một đồng, thêm rau một hay hai đồng gì đó! Khách chịu mới đem ra. Sao không nói thẳng từ đầu, hay ghi rõ trên thực đơn cũng được… Cô chủ tiệm bánh xèo nói với tôi, “làm thế sẽ mất khách đấy anh ạ! Nhiều lần em định xài rau mua từ chợ cho giá thành hạ xuống, nhưng đã bán rau trồng mà bây giờ xuống rau chợ thì cũng mất khách hết…”

Làm ăn buôn bán khó thật! Nên làm báo cũng khó mà giữ chân được người Calif tử tế, tốt bụng ở lại Dallas cho hàng quán thêm sắc màu.

Tôi đang kể chuyện Dallas cho bạn tôi nghe, bảo hắn ăn chậm lại để chờ rau thêm. Hắn thấy thằng bé ban nãy bưng nước cho bàn khách mới vô, đợi nó xong việc thì hắn nhắc, ‘Em ơi! Dĩa rau anh order thêm có chưa?”

Nó, “Dạ, dạ, dạ….! Để cháu vào xem.” Một lát, cái đầu đen kiểu Xuân tóc đỏ của nó ló ra khỏi cửa bếp, đáp, “Chú ơi! Chú chờ rau chút nhé! Rau đang xử lý trong nhà bếp.”

Bạn tôi, “Thôi. Về. Đù cha nó. Đến rau ăn bánh xèo cũng phải xử lý chứ không rửa rau như trong nam, lặt rau như người bắc di cư… Sao nó xã hội chủ nghĩa tới xử lý rau, sao không ở lại miền bắc mà xử lý nhau cho chết mẹ nó hết tụi viêt cộng cho rồi! Sao lại sang Mỹ để xử lý rau ăn bánh xèo…”

“Thôi mà. Thông cảm cho đám du sinh kiếm cơm qua ngày, làm ơn. Cha anh nó đã đối xử phân biệt với bọn mình là con em của quân dân cán chính VNCH trong nam. Bây giờ mình cũng đối xử phân biệt với bọn chúng ở hải ngoại thì khác nào chó cắn ông nên ông cắn lại chó à?”

   “…”

Hồi thằng nhỏ ra tính tiền. Tôi hỏi nó,

“Cháu là gì của cô Hương?”

“Cháu chả biết cô Hương nào cả, chú ạ!”

“Thế chủ tiệm này bây giờ là ai?”

Nó gãi đầu. Nhìn rất thiếu chuyên môn trong quán ăn nhưng trả lời dễ thương, “Cháu chỉ biết làm vài giờ, kiếm vài đồng thôi chú ạ! Ai là chủ, cháu chả biết đâu! Xin lỗi chú.”

Tôi bảo nó giữ lấy phần tiền dư, không phải thối lại. Nó cảm ơn tử tế lắm!

Tôi nói với bạn tôi, “Nhớ hồi anh em mình còn đi học ở Sài gòn ha! Bọn mình cũng đi chụp hình ngoài công viên hồ Kỳ Hoà tới nửa đêm để kiếm thêm vài đồng sống qua ngày. Gặp hôm mưa gió thì về ký túc xá ăn mì gói vụn chan cơm nguội. Nay tụi nhỏ trong nước qua Mỹ học, đâu phải toàn con ông cháu cha nên mới phải đi bưng bánh xèo. Thôi thì nó đã hội nhập với đời sống bên đây được câu xin lỗi, lời cảm ơn. Mai này tốt nghiệp ngành xử lý rau xanh bên Mỹ, biết đâu nó về nước lại xử lý được hiện tình đất nước ở quê nhà. Tôi ước gì thằng bé học chuyên ngành bắt sâu thì sau này chết cha mấy thằng sâu mọt trong nước với nó…

Hôm sau nữa tôi dẫn bạn đi ăn bún bò huế Tây Đô. Hắn khen ngon tuyệt. Tôi kể hắn nghe, Ông thấy tên tiệm là Phở Tây Đô không? Hồi mới nghe Dallas đã có phở Tây Đô, tôi hơi thắc mắc là phở theo chân người bắc vào nam, sao không lấy tên là phở Hà nội. Bây giờ qua Mỹ thì lấy tên là phở Sài gòn nghe cũng nhớ nhung. Sao lại chọn tên cho tiệm phở là Tây Đô. Tôi đến ăn thử với bạn bè thì không tệ nhưng cũng chẳng có gì xuất sắc. Về sau, thực khách Dallas mới phát hiện ra món bún bò huế ở tiệm phở Tây Đô rất ngon. Nên tới bây giờ, 90% khách vào tiệm là ăn bún bò huế. Nổi tiếng đến độ nói tới bún bò huế ở Dallas là nói tới bún bò huế Tây Đô, người ta quên luôn tiệm này là tiệm phở. Tiệm này có cái đặc biệt là bán togo thường nhiều tới gần gấp đôi bán tại tiệm, có lẽ không phải dọn bàn, rửa tô khi khách mua về nhà ăn nên bán rẻ để khuyến khích khách rửa tô, lau bàn dùm. Thường hai vợ chồng tôi cũng như bạn bè, ra đây ăn thì ăn hai tô nhỏ, nhưng mua về nhà ăn thì chỉ mua một tô lớn, mắc hơn tô nhỏ có một đồng mà đủ hai người ăn. Nhiều người công nhận việc Tây Đô bán togo một phần thì hai người ăn đủ. Tôi nghĩ tới ông bà chủ tiệm này biết làm ăn với cái tiệm nhỏ xíu mà thời tiết Dallas thì chỉ có nóng quá với lạnh quá, khách không đợi bàn bên ngoài tiệm được nên bán togo rẻ cho bà con mua về nhà ăn là thượng sách để nâng cao doanh thu của tiệm… Tôi ủng hộ cách làm ăn thông minh của họ lắm. Ngược lại ghét tiệm nào hễ bán được là rút bớt số lượng, giảm phẩm chất theo cách thiếu tầm nhìn xa…”

Anh bạn tôi nói, “Hay. Hay… Chắc họ đã làm ăn từ lâu nên có kinh nghiệm?”

“Không đâu! Ông chủ là lính cũ. Đi tù cải tạo về rồi đi HO. Anh ấy cũng dễ chịu, vui vẻ với đồng hương ở đây lắm! Còn cái đặc biệt hơn ở quán này là khách quen ăn xong có thể hỏi chủ tiệm xin ít đầu bắp bò về hầm cải chua với cà chua để ăn cơm, ngon lắm ông ơi! Dân nhậu thì xin đầu bắp bò về chỉ chấm tương cự đà, mắm tôm tùy hỉ, ăn kèm rau sống là đưa cay mút chỉ…”

“Thiệt không vậy?” Bạn tôi hỏi.

“Thì cứ chống mắt lên xem…” Ăn xong. Tôi nói ông chủ tiệm, có đầu bắp bò thì cho em xin chút về nhậu chơi. Vậy mà ông chủ vui vẻ nói đầu bắp bò mớ cắt xong, ngon lắm, để tôi lấy cho. Ông cho một túi nylon đến chục pounds đầu bắp bò.

Hôm tôi tiễn anh bạn về lại miền đông bắc Mỹ với con cá nướng ở Đồng Quê. Cá ngon có tiếng thành Đà nên không bàn nữa. Anh bạn tôi không muốn uống bia trước khi lên máy bay, nhà hàng cũng không bán bia rượu, khách muốn uống thì bước sang chợ Trường Nguyên bên cạnh nhà hàng mà mua. Nhưng sao lại có xô nước đá ướp mấy chai bia bưng ra bàn. Bạn tôi hỏi chú bé bưng cá thì chú nói con không biết! Tưởng bia của chú mua nên con ướp nước đá cho chú thôi. Chị chủ nhà nhà nhanh nhẩu lên tiếng, “chắc anh từ xa đến nên không biết, ở đây bia khách uống không hết, bỏ lại nhà hàng thì nhà hàng mời khách tới sau, không tính tiền bia vì nhà hàng đâu có bán bia. Ở đây khách quen không hà, ai cũng còn bia thì để lại anh em uống chứ đâu ai đem về...”

Anh bạn tôi khoái quá! Nói,

   “Vậy mà ông cứ nói Dallas không có gì ăn ngon như bên Calif, dưới Houston… Tôi thấy ngon và thích người Dallas rồi đó!”

“Chắc Bụt nhà không thiêng hay sao đó ông ơi! Nay ông nói tôi mới nhớ tới cái quán Ốc lẩu bên quận Cam. Tôi mới sang bên đó hôm tháng tám. Ngon thì có ngon. Nhưng phục vụ quá tệ. Hỏi ra mới biết cô gái trẻ nhưng lại là manager của tiệm, cô ấy mắng khách hàng là người bạn mời tôi đi ăn bằng ngôn ngữ của hàng quán ngoài bắc như bún mắng, cháo chửi ngoài Hà nội vậy! Chả biết có phải là bọn họ tràn qua đây mở quán nên đem theo cả văn hoá xã hội chủ nghĩa không nữa?”

Giờ còn lại một mình khi bạn đã bay về Minnesota, nhưng tôi quen gọi hắn là tên mini-sofa vì không bạn bè người Việt, hàng quán Việt lưa thưa, lèo tèo nên hắn đi làm về chỉ biết uống bia một mình, chẻo nghẻo trên cái mini sofa xem tivi… Nghĩ tới bạn mới biết mình may mắn sống ở Dallas. Đi ăn uống ngoài hàng quán thường được thêm món không tính tiền vì không có trong thực đơn, chủ tiệm làm để nhà ăn nhưng khách quen như người nhà thì mời ăn chơi cho biết. Nhiều khi không muốn nhưng uống chai bia không phải trả tiền nó ngon ngọt tình huynh đệ Lưu Linh cũng hay hay. Đi chợ cũng thường được bà chủ chợ cho thùng mì, chai tương ớt, cây chổi bông cỏ để quét nhà, tết thì lì xì mấy đồng lấy hên đi mua vé số đi con… Chút tình đồng hương cũng đỡ lạnh mùa đông xứ người lắm chứ!

Phan

Ý kiến bạn đọc
11/04/202403:48:08
Khách
best earache remedy <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> drug rehab idaho
09/11/201823:23:53
Khách
Mấy câu đàm thoại quanh chữ " xử lý" rất tếu.

Khi nào có dịp ghé Dallas, tôi sẽ tới các tiệm Phở Bắc, Tây Đô, Lá Xanh, và Đồng Quê. Tác giả Phan đã khen thì chắc hẳn phải là ngon rồi.

Mỗi lần viếng Houston, gần như ngày nào tôi cũng lui tới bánh cuốn Thiên Thanh, bánh mì Nguyễn Ngọ French Cafe, tiệm chè Đức Phương...Cũng không quên tới tiệm Tokyo One của người Nhật tha hồ ăn cua luộc , tiếp đãi lịch sự. Trước khi rời Houston, ghé Van Loi Bakery mua giò chả và Thiên Thanh mua ruốc ( thịt chà bông ) mang về.

Tôi nhận thấy người Việt ở Dallas và Houston có vẻ cởi mở, dễ thân thiện.
09/11/201819:09:19
Khách
Cám ơn anh Phan đã đưa ra những món ngon của người Việt mình ở hải ngoại. Đặc biệt cách đối xử khéo "hiếm có" của vài nhà hàng, mà thường thì khách đi ăn hay gặp phải những ông bà chủ hoặc người chạy bàn phách lối đến không có một chút lịch sự tối thiểu với khách hàng. Không biết câu châm ngôn "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" họ để ở đâu?

Tê Hát I Cờ Rét
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,263,648
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Nhạc sĩ Cung Tiến