Hôm nay,  

Hoa Nở Trong Tim

04/11/201800:00:00(Xem: 12643)
Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh

Bài số 5538-20-31345-vb8110418

 
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.

ND Anh Trinh_nguoi gia
Tác giả thăm một cụ bà trên 90 tuổi.

 
***
 

Người nghèo nhất không phải là người thiếu cơm ăn áo mặc mà là người sống một cuộc đời … không có ước mơ. Khi hoàn cảnh, đời sống thay đổi thì ước mơ cũng có thể đổi thay. Ngày còn bé, khi ngắm mưa rơi, xếp thuyền giấy thả trôi theo dòng nước, cô bé ước mơ có ngày thuyền trôi ra biển lớn. Khi trở thành một thiếu nữ, biết yêu đương, cô mơ cho thuyền cô không gặp sóng dữ và sẽ cập vào một bến an bình. Khi ra đời thường thì … thiếu cái gì ta mơ cái ấy.

Người nghèo khó, nợ nần vây bủa thường mơ … trúng số, kẻ bất hạnh trong hôn nhân thì đắp xây một … lâu đài tình ái, người đau khổ vì bệnh nan y thì mơ có một sức khỏe, đơn giản như người bình thường … thậm chí kẻ không nhà, đói cơm, giấc mơ đơn giản có khi chỉ là được ăn một bữa cơm no nê với nồi thịt kho mặn.

Với một công việc làm ăn tương đối ổn định, như ý, tôi quan niệm chỉ có những người thất nghiệp mới hay bỏ tiền ra để mua vé số, với ước mơ chỉ đưa ra một đồng và may mắn lấy lại được cả triệu đồng. Bởi vậy ít khi nào tôi mua vé số, vậy mà … tôi vẫn mơ được trúng số độc đắc! Giấc mơ bắt đầu từ một ngày đầu xuân …

Chúng tôi có chương trình viếng thăm và tặng quà cho một vị cao niên. Cụ bà hơn chín mươi tuổi, chỉ có một ông con trai duy nhất đã xấp xỉ bảy mươi. Những ngày cuối đời, sức khỏe cụ không được ổn định nên gia đình sắp xếp để cụ vào một viện dưỡng lão, nơi có y tá có bác sĩ sẵn sàng chăm sóc cụ khi cần thiết.

Chiếc xe chạy vòng vèo qua vài khoảng rừng, hàng thông cao hai bên đường rì rào trong gió, khung cảnh thật êm đềm. Sau đó, xe dừng lại trước một căn nhà với khoảng sân bằng phẳng và rộng rãi, vài khóm hoa cánh mỏng, nhiều màu rực rỡ như làm khung cảnh nơi này vui hơn. Ánh nắng ban mai chiếu xuyên qua màn mây mỏng, rơi trên cành cây, để lại những bóng nắng nhảy múa lung linh trên nền cỏ.

Việc đầu tiên khi bước vào văn phòng là ghi tên họ người được thăm. Cô y tá làm việc rất vui vẻ, chuyện trò ríu rít. Hành lang dài và rộng đã có vài cụ ông, cụ bà được gia đình đến thăm đẩy xe lăn ra phía ngoài, những bàn tay nhăn nheo đưa lên vẫy vẫy chào chúng tôi. Người sắp được chúng tôi thăm hôm nay là cụ bà Tâm, cụ đã quá già không còn đi lại được, chỉ nằm tại chỗ và có y tá chăm nom thường xuyên nên chúng tôi sẽ đến thăm cụ ngay tại giường.

Chúng tôi theo chân Bác Võ là con trai cụ, nay đã gần bảy mươi tuổi nhưng rất phương phi. Vừa đi bác vừa tâm sự, cách đây mấy năm, ngày đưa bà cụ vào viện thật là là một quyết định đau lòng. Một mẹ già duy nhất mà không chăm nom được, phải để cụ vào sống nơi viện dưỡng lão. Thiên hạ dị nghị, bạn bè bàn tán lao xao chuyện nhà Bác. Không ai hiểu cho hoàn cảnh ở xứ sở này, nhưng bác đã suy nghĩ và bàn bạc trong gia đình. Cho đến lúc này, bác nói, quyết định này không hề làm bác ân hận. Bởi cái Viện dưỡng lão này ở gần nhà bác, mỗi ngày đi làm về bác đều có thể ghé qua thăm người mẹ già, chăm sóc thường xuyên thì đã có những người điều dưỡng và y tá bác sĩ phụ trách.

Đến phòng bà cụ, đã thấy có một cô y tá đang dỗ dành để thay tã cho cụ. Bà cụ hơn chín mươi mà da dẻ hồng hào, cả hàm răng chẳng còn cái nào nên khi cụ nói phát ra những âm như thều thào. Tôi nhìn cụ và nghĩ chắc ngày còn trẻ cụ cũng là một phụ nữ sắc nước hương trời. Bà cụ nhìn người con trai đến thăm mình, ánh mắt như reo vui. Cô y tá làm xong nhiệm vụ thì quay sang nói chuyện với chúng tôi, bảo rằng cụ bà ngoan lắm, không quấy phá hoặc làm đổ thức ăn như những cụ khác.

Cụ Tâm đưa cánh tay khẳng khiu, bàn tay nhăn nheo vuốt mặt Bác Võ, cụ nựng nịu Bác Võ như nựng một đứa trẻ con vài tuổi. Miệng cười tươi, mắt hấp háy. Bác Võ kề khuôn mặt cũng già nua của mình vào lòng mẹ. Tóc Bác Võ bạc phơ, cụ bà Tâm thì mái đầu lưa thưa trắng xóa. Năm tháng đã làm cả hai mẹ con da nhăn tóc bạc nhưng hình như trong lòng cụ Tâm, bác Võ mãi mãi là cậu con trai thơ dại cần được chìu chuộng, vỗ về. Tôi nhìn hình ảnh hai mẹ con mà lòng thấy bùi ngùi, cảm động.

Chúng tôi tặng cụ món quà từ tấm lòng của những người đồng hương. Vừa thăm viếng, chúng tôi vừa bàn tán, trao đổi về cách giải quyết cuộc đời mình khi lớn tuổi. Tôi đã nhìn thấy tận mắt cụ Tâm tuy không còn tự chủ trong mọi sinh hoạt thường ngày được, nhưng sức khỏe cụ thật tốt, với niềm vui hiện rõ khi ông con trai ghé thăm.

Bước qua khu nhà ăn, khu giải trí, qua căn phòng đọc sách, tôi thấy một vài cụ tay cầm sách mà ngủ gục trông thật tội nghiệp. Các cô y tá, các anh chị làm thiện nguyện nơi đây trình bày cho chúng tôi biết thỉnh thoảng cũng có vài thảm cảnh của những cụ già người Việt Nam không hề có con cháu đến thăm. Nơi đây không có nhân viên người Việt phục vụ nên các cụ thèm nói chuyện, thèm nghe ngôn ngữ mẹ đẻ. Không ai thăm viếng thì các cụ thẫn thờ cả ngày này tháng nọ, dần dần sinh ra lảm nhảm một mình như kẻ mất trí mặc dù trong phòng của các cụ, hình ảnh và bằng cấp của đám con cháu treo nhan nhản.

Lúc chưa đến viếng nhà dưỡng lão tôi thường có ác cảm và hay phản đối việc con cái đem cha mẹ già vào nơi này. Giờ đây, tôi biết rằng suy nghĩ của tôi chưa thấu đáo. Thật sự, đời sống ở xứ này chịu quá nhiều áp lực về công việc làm ăn. Để đáp ứng nhu cầu vật chất gọi là thiên đường của sự hưởng thụ nơi này, người ta phải đánh đổi bằng những món nợ khổng lồ mà chúng ta thường nghe là “không mắc nợ, không phải người Mỹ”. Họ đánh đổi sự mất mát tình cảm, sự tan vở hạnh phúc và có khi luôn cả sinh mạng. Những tấm gương hiếu thảo, hình ảnh đàn con ngoan “đứa lo cơm cháo, đứa hầu thuốc men” … chắc không có chỗ đứng trong thời khóa biểu của những con người thời hiện đại này.

Tôi có đọc qua nhiều bài viết về "Viện Dưỡng Lão", một tác giả tôi quên mất tên đã viết: “Viện dưỡng lão là nơi đáp ứng những lỗ hổng mà con người không thể lấp đầy. Chỉ cần nhấn một cái nút là y tá, bác sĩ, điều dưỡng sẽ có mặt ngay, đáp ứng mọi yêu cầu của các cụ. Đó là nơi giúp cho người già về mọi sinh hoạt, bù đắp những thiếu sót mà con cháu không có thời gian hoàn thiện. Bên cạnh đó chúng ta nên nhìn thấy thực tế rất đau lòng là thuốc men, máy móc và các dụng cụ y khoa tối tân chỉ để phát hiện ra những tổn thương trong cơ thể nhưng không thể chữa trị những đớn đau tinh thần, những khắc khoải triền miên của lòng khao khát được yêu thương. Bởi thế, các cụ không thể nào nuốt trôi được những mâm thức ăn dư thừa năng lượng nhưng thiếu vắng tình thương”.

Trong cái xã hội nhỏ bé này, tôi còn nhận ra được một điều là niềm hãnh diện của bậc cha mẹ ở nơi đây được đong đếm bằng những đợt ra vào, viếng thăm của đám con cháu chứ không phải qua những bằng cấp bác sĩ, tiến sĩ đang treo trên tường. Người già Việt Nam ở đây không thể nào chịu đựng nổi sự trống vắng, cô đơn khi không có sự đồng cảm giữa những con người xa lạ và ngôn ngữ bất đồng nên lúc nào các cụ cũng khẩn khoản muốn về nhà.

Tôi miên man nghĩ về cái viện dưỡng lão đặc biệt cho những cụ già người Việt Nam.

                                   

*

Quen biết anh đã lâu, tôi nhớ có một lần, anh hỏi tôi:

- Anh muốn đưa em đến thăm một Nursing home …

- Viện dưỡng lão hả?

- Không, đây không hẳn là một viện dưỡng lão mà là một nơi chăm sóc đặc biệt cho những người bệnh bất toại, nơi người vợ quá cố của anh đã trải qua những tháng ngày dài đăng đẳng suốt năm năm, trước khi về với Chúa.

Tôi mau mắn đồng ý, không cần suy nghĩ.

Chạy dọc theo đường Holcomb Bridge, ngay trong thành phố chừng hai dặm, quanh qua một con đường nhỏ khác, Nursing home nằm trong khung cảnh âm u, buồn tẻ gần cuối đường.

Khi anh bước vào thì người y tá trực đã lớn tuổi, hấp háy đôi mắt xám xanh, nhìn ra anh, bà giang rộng cánh tay ôm lấy anh:

- Trời ơi, lâu quá, tôi không được ôm ông. Ông khỏe không?

- Cám ơn bà, tôi vẫn khỏe.

Anh quay sang giới thiệu tôi là bạn gái. Người y tá già chào đón tôi rất nồng nhiệt, bà dài dòng kể lể:

- Ông ấy dễ thương lắm, tôi chưa thấy ai chăm sóc người thân tốt như ông ấy. Bà vợ ông ấy trước khi qua đời nằm ở đây mấy năm mà không ngày nào ông ấy vắng mặt. Chúng tôi rất khâm phục ông ta, ông ấy là người có trái tim nồng ấm.

Anh xin phép được đưa tôi đi vòng vòng sau khi ghi tên vào cuốn sổ ở phòng trực. Vừa đi anh vừa giới thiệu:

- Đây là phòng bà ấy nằm lúc xưa, đó, cái TV kia là ở nhà anh mang xuống để lại đây cho bà xem, TV luôn mở những chương trình bà thích, dù bà nằm mê man, trí óc không hoạt động, cơ thể sống một đời sống thực vật, anh vẫn xem như bà hiểu biết hết. Người ta bảo đó là một cách để người bịnh gần gũi với đời sống bình thường. Còn đây là phòng khách, nơi này anh thường ngồi hút điếu thuốc, thư giãn trước khi ra về.

Chúng tôi đi theo hành lang, dẫn vào những phòng bệnh, tôi ghé mắt nhìn vào, mỗi phòng có hai giường. Đa số là những người bị tai biến, tê liệt toàn thân, mất cả trí nhớ. Những cụ ông, cụ bà người Á Châu thì nhìn còn tạm được, nhìn sang những người gốc bản xứ, gốc Châu  u khi già hay bệnh hoạn thấy còn kinh khiếp hơn. Họ như những cái xác vô hồn, nhợt nhạt, không có sinh khí. Nhìn họ không ai có thể tưởng tượng đó là những người cũng đã một thời hoạt động sôi nổi ở nhiều lĩnh vực. Có thể là một nhà khoa học, một thương gia hay một nghệ sĩ đi bắc về nam. Họ cũng từng có một mái ấm như bao nhiêu người khác, cũng cơ ngơi, cũng bề thế. Vậy mà bây giờ … đời sống của họ buộc phải gắn liền với cánh cửa cuộc đời qua những sợi dây chuyền thuốc, chuyền thức ăn, chuyền oxy chằng chịt … Nếu ở viện dưỡng lão hôm trước tôi ghé qua vốn đã thưa thớt người thăm viếng thì nơi đây càng vắng vẻ hơn. Lác đác chỉ có mấy người phục vụ, y tá, vài ba bác sĩ lặng lẽ làm nhiệm vụ của mình. Buổi chiều nơi đây sao mà đìu hiu quá sức.

Tôi nín thở bước ra vườn hoa, anh vẫn huyên thuyên kể cho tôi nghe về những ngày anh nuôi vợ ở đây. Khung cảnh này, những nhân viên ở đây đều quá quen thuộc với anh. Ánh mắt anh chăm chú nhìn từng khung cửa sổ, từng góc phòng, từng cái kệ chứa nhiều loại dụng cụ y khoa … mọi thứ đối với anh đều thân thiết, gần gũi. Cuối cùng, anh nói một câu:

- Đã từng vào đây, thấy những cảnh này mình mới thấy cuộc đời sao vô thường quá. Một con người mới hôm qua đang còn hoạt động năng nổ, nói cười huyên thuyên, chỉ một cơn “stroke” là thành kẻ vô dụng, bất lực, mất hết tri giác. Cho nên … hơn thua mà làm gì, phải không em?

Tôi nắm bàn tay anh không nói gì, giọng anh bùi ngùi:

- Mẹ của mấy đứa con anh, sau một lần bị choáng thì nằm luôn gần năm năm trời, mất trí nhớ luôn cho đến ngày lìa đời.

Anh thở dài sau câu nói. Rồi anh kể:

- Ngày anh có điện thoại từ cô y tá báo tin vợ anh ngừng thở, lúc đó anh chỉ mới vừa thăm bà ra, đang trên đường về. Mặc dầu năm năm trời bà đã phải tồn tại như người thực vật, ra đi là một giải thoát êm đềm cho thân xác bà, nhưng anh cũng đau lòng lắm. Chỉ một việc gọi điện thoại báo tin cho mấy đứa con biết là mẹ chúng nó mất rồi, vậy mà … anh bối rối, phải bấm tới bấm lui hoài, lâu lắc. Sau đó anh vội vàng lái xe về nhà để lấy chiếc nhẫn cưới, tự tay anh đeo vào cho bà. Ngón tay không còn sự sống, khô khan queo quắt nên chiếc nhẫn chẳng còn vừa vặn nữa, nhưng anh muốn vậy. Hơn ba mươi năm làm vợ anh, đến ngày bà ra đi vĩnh viễn, anh muốn bà lúc nào cũng có cảm giác là anh đang ở bên cạnh.

Đây là lần đầu tiên tôi nghe anh tâm sự về những chuyện này nên tôi chăm chú lắm. Anh quay sang nhìn tôi và nhỏ nhẹ:

- Anh … thật cám ơn em đã cùng đi đến đây với anh hôm nay. Em mau mắn, không thắc mắc, không phàn nàn, cũng chẳng hỏi đến đây làm gì, thăm ai…

Anh nói và cứ thấy tôi ngồi yên nên ngưng lại:

- Em … sao vậy, mệt hả?

Tôi nhìn anh ngập ngừng:

- Em… chỉ mong anh thương em bằng một nửa người đã nằm xuống là quá đủ rồi.

Anh lặng yên, chỉ nhìn tôi mà không nói.

Một ngày cuối tuần của chúng tôi qua nhanh với những san sẻ về nơi Nursing home này. Tôi chợt nghiệm ra thêm một lần nữa về ý niệm đời sống quả thật quá phù du như lời của một bài hát mà tôi rất thích nghe

 

“… Hãy nói về cuộc đời,

khi tôi không còn nữa,

sẽ lấy được những gì,

về bên kia thế giới,

ngoài trống vắng mà thôi...

(Thơ Du Tử Lê nhạc Anh Bằng).

 

Sau chuyến đi lần ấy, tôi gọi cho bạn tôi là Thu Hiền, kể về cả hai chuyến đi. Một viện dưỡng lão chăm sóc các cụ già còn tương đối “yêu đời” và một Nursing home chuyên chăm sóc những người bệnh … đủ loại. Tôi nói, đó là hai ngôi nhà tương lai mà chúng tôi mai này sẽ đuợc định cư. Thu Hiền nghe tôi nói nó than phiền:

- Mi ơi, đừng bi quan quá, đừng nghĩ đến một ngày phải vào Nursing home, vô phước quá. Mi với ta đều chỉ có một đứa con gái, mai này mình rủ nhau vô viện dưỡng lão ở chung cho vui.

Thu Hiền cũng rất đồng ý về mộng ước rất thực tế của tôi. Để tạo điều kiện đem lại một quãng đời an vui cho những người Việt cao niên sống xa quê cha đất tổ, nơi không cùng phong tục tập quán và bất đồng ngôn ngữ, tôi mơ sẽ có đủ khả năng, điều kiện để xây dựng một Viện Chăm Sóc Đặc Biệt cho những cụ già người Việt Nam. Tôi sẽ mướn y tá, bác sĩ, chuyên viên đều là người Việt, hoặc ít ra cũng phải biết nói tiếng Việt. Tôi sẽ cho xây hai khu nhà ở có vườn tược y hệt khung cảnh Việt Nam, quê hương tôi. Một bên dành riêng cho các cụ già còn tương đối khỏe và tỉnh táo, một bên chuyên chăm sóc những cụ đã bại liệt hoặc mất trí nhớ. Thu Hiền vui vẻ chấp thuận liền, con nhỏ còn nhắc nhở tôi nên tìm một khu đất ở phía nam Atlanta, giáp giới với phía bắc của Florida để mai này vợ chồng nó sẽ dễ dàng lê bước tới trong những ngày tuổi già sức yếu. Hai đứa cười ha hả qua điện thoại. Thu Hiền còn nhắc nhở tôi phải mướn những người nấu nướng biết nấu thức ăn Việt Nam, tôi đồng ý hết, với điều kiện … tôi phải được trúng số độc đắc.

Hai ba hôm, cuối tuần, Thu Hiền lại gọi tôi hỏi có nhớ mua vé số không? Việc xây dựng tới đâu rồi? Con nhỏ làm tôi cũng lên tinh thần dù tuần nào tôi cũng hai lần dò vé số rồi lại vất vào thùng rác.

Ngày xưa, hơn bốn mươi năm về trước, Martin Luther King, một mục sư, một tiến sĩ, một người dân da đen đại diện cho tầng lớp những người da đen của thành phố Atlanta đã từng có bài diễn thuyết ở công trường Lincoln tận thủ đô Washington nổi tiếng. Bài hùng biện như một lời tuyên ngôn về nhân quyền, đã đi vào lịch sử nước Mỹ, “Tôi có một ước mơ…” Giấc mơ của ông sau đó đã trở thành sự thật với việc thay đổi số phận, mang lại sự bình đẳng cho những người da đen tại Mỹ.

 Ngày nay, tôi cũng có một giấc mơ …

Ước mơ theo tôi mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Ngôi nhà dưỡng lão trong ước mơ của tôi đã thật hoàn chỉnh như ý. Ngôi nhà có lối kiến trúc Việt Nam giữa một khu phố ở Atlanta, gần tiểu bang Florida, đẹp và thoáng mát. Có những hàng dừa nghiêng nghiêng bên hồ nước, có cái sân be bé trồng rau cải, bí bầu, giàn mướp đầy hoa vàng dập dìu những chú ong ve vãn.

Mỗi ngày trên đoạn đường lái xe đi làm về, buổi chiều thường bị kẹt xe, tôi thư giãn bằng cách thả hồn mình theo giấc mơ, ánh mắt đau đáu của những ông bà cụ nhìn ra cổng chờ hình bóng đứa con vào thăm hướng theo tôi, thôi thúc tôi. Tôi hình dung ra hình ảnh những đôi vợ chồng trẻ, cuối tuần đưa con cháu vào đây thăm ông bà, mái đầu xanh bên cạnh đầu tóc bạc. Niềm vui như trọn vẹn trong từng nụ cười, ánh mắt. Ngôi nhà tương lai của chúng tôi mang lại hạnh phúc, sự yên lòng cho cả hai thế hệ.

Tôi nhớ có câu ví von, “Ước mơ là hoa nở trong tim”

Ước gì… tôi trúng số độc đắc để những đóa hoa nở trong tim tôi biến thành sự thật.

Atlanta Oct 2018

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
06/11/201803:23:06
Khách
Mơ ước đơn sơ nhưng xem ra... khó sờ!!...
05/11/201812:35:37
Khách
Chân thành cám ơn tất cả bạn đọc và những lời bình, thật cảm động khi đọc, dù chỉ năm chữ: Tôi sẽ mơ cùng chị ...hay một vài phân tích, chia sẽ tâm tình khác.
Anh Lê Như Đức rất đúng, không nên sống quá 90. Có nhiều người ham sống sợ chết, nhưng có nhiều người muốn ra đi mà cũng không được, như ông bà mình nói là: chưa tới số!
Thật ra, giấc mơ cho thế hệ con cháu biết trân trọng, lưu tâm đến tuổi già của bố mẹ ông bà nó quá bao la, chắc khó thành; mơ chỉ sống đến chừng 80 thì cũng không dể; thế nên em mơ ... trúng số, xây nhà dưỡng lão chắc là dể hơn và hên xui một chút, có nhiều người cùng mơ.
Chúc anh Đức và mọi người an bình, may mắn.
05/11/201806:19:46
Khách
Cảm ơn tác giả với một tấm lòng nhân ái! Nghe đến tuổi già, viện dưỡng lão, bệnh hoạn rồi chia lìa thế gian này sao thấy buồn quá! Biết sao hơn vì tất cả chúng ta ai nấy cũng phải đi qua những cánh cửa đó. Cầu mong tác giả đạt được giấc mơ trên mà không cần phải trúng số. Biết đâu bài này lọt vào tay của người giàu tiền và giàu tình cảm để giúp tác giả đạt được một việc thật hy hữu này. ❤️🙏
04/11/201823:40:14
Khách
Ý nghĩ của một tấm lòng đôn hậu. Có làm "mềm" thêm tim tôi hôm nầy để lòng chỉ còn lại sự thương cảm và tình người .. Giữa cái đời sống mà mình không tránh khỏi nghe người ta chưởi rủa, giành giật, cạnh tranh... thật cảm tạ những tâm tình nhân hậu như cô để thay đời vẫn còn nhiều điều cao đẹp.
Tiếp tục mua về số nhé. Tôi cũng sẽ bắt đầu mua về số biết đâu mình cùng thực hiện dự án này...
Bài viết nhẹ nhàng nhưng gây nhiều xúc động.
Lời Cám ơn người Đà Nẵng từ người ... Hội An!
04/11/201817:46:35
Khách
Tôi sẽ mơ cùng Chị...
04/11/201814:36:22
Khách
Trích: “Ngôi nhà dưỡng lão trong ước mơ của tôi đã thật hoàn chỉnh như ý. Ngôi nhà có lối kiến trúc Việt Nam giữa một khu phố ở Atlanta, gần tiểu bang Florida, đẹp và thoáng mát.”
Cho dù tác giả có bạc tỉ cũng không thể nào xây được cái viện dưỡng lão hoàn chỉnh như ý muốn vì cái chính yếu là làm sao những người già có được con cháu sống bên cạnh. Đây mới chính là niềm vui duy nhất của họ. Cảnh có đẹp, gió mát, có y tá VN… nhưng không con cháu sống bên cạnh cũng thành vô nghĩa đối với họ mà thôi. Chính tác giả cũng đã rõ qua câu:
“Trong cái xã hội nhỏ bé này, tôi còn nhận ra được một điều là niềm hãnh diện của bậc cha mẹ ở nơi đây được đong đếm bằng những đợt ra vào, viếng thăm của đám con cháu chứ không phải qua những bằng cấp bác sĩ, tiến sĩ đang treo trên tường.”
Cũng như tác giả, tôi cũng đã suy nghĩ và bàn tính với cả các bạn tôi rồi. Chỉ có một cách duy nhất để gìải quyết là đừng sống quá 90. Năm chú tôi 90, có nói với tôi: “người già như cái xe cũ, không hỏng cái này thì hư cái kia. Chết như cậu cháu năm 83 tuổi là hay nhất”.
04/11/201810:55:24
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Cô
Văn phong thật là giản dị nhưng thật là xúc động lòng người khi tác giả nhắc đến những tình tự của người Việt ta sống xa quê hương.
Đọc hết bài viết thấy sao ngậm ngùi cho những tình cảm về quê hương dấu yêu chẳng bao giờ lạt phai và giấc mơ một Viện Dưỡng Lão nơi mà các nhân viên đều là người Việt chỉ là trong giấc mơ dù rằng tác giả đang sống giữa ban ngày.
Ôi giấc mơ này thật đẹp nhưng bao giờ mới là hiện thực.
Thăm tác giả khỏe.Trân trọng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến