Hôm nay,  

Chỉ Nói Chơi Cho Vui Mà Thôi

01/11/201800:00:00(Xem: 14793)
Tác giả: Bồ Tùng Ma

Bài số 5535-20-31342-vb5110188

 
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.

 
***
 

Gia đình anh gồm hai vợ chồng và cô con gái 7 tuổi vượt biên qua Mỹ cuối năm 1990. Vì anh là viên chức cao ấp của chế độ cũ và có liên hệ khá mật thiết với Hoa Kỳ nên gia đình anh được nhanh chóng định cư tại Mỹ. Đối với cuộc sống cơ cực của họ tại Việt Nam lúc đó, thật là một bước lên Tiên khi được trợ cấp tiền mặt, phiếu thực phẩm, thẻ khám bệnh. Nếu không có anh, chị khó có cuộc sống này. Vài tuần sau vợ anh đã có việc làm trong một thẩm mỹ viện; còn anh làm trong một văn phòng luật chuyên về bảo lãnh tại ngoại (bail bond). Công việc rất thích hợp với anh. Trước năm 1975 anh là một công tố viên (nay gọi là kiểm sát viên nhân dân). Công tố viên được cơ quan tư pháp trao trách nhiệm điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự. Các công tố viên thường là luật sư có bằng đại học luật, và được tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền công nhận là chuyên gia pháp lý.

Cuộc sống của họ êm đềm phẳng lặng như vậy cho đến khoảng 2 năm sau, khi anh cảm thấy như chị có thái độ xem thường mình, có lẽ vì anh làm việc bán thời gian, không kiếm ra tiền hơn chị. Anh nghĩ một người vợ xem thường chồng là nguyên nhân của những cái không hay. Và anh không bỏ qua một dịp thuận tiện nào để có thể biết được nguyên nhân đó.

Một hôm đi làm về sớm hơn thường lệ, anh nghe tiếng chị nói chuyện bằng điện thoại với ai đó, giọng êm ái, khác hẵn giọng nói của chị khi gọi cho người khác, nhất là khi gọi cho anh. Anh mở hé cửa nhìn vào, thấy một tay chị cầm ống nghe, một tay đưa lên đưa xuống như phân bua, còn đầu khi thì ngoẹo qua trái khi ngoẹo qua phải. Anh định hỏi chị gọi cho ai nhưng thấy như vậy không được lịch sự nên thôi. Anh rời khỏi cửa vừa lúc chị nhìn ra, vẻ mặt lúng túng:

- Anh làm về đó à?

Anh gật đầu:

- Dĩ nhiên là đi làm về.

Suốt bữa ăn, chị nói toàn chuyện đâu đâu, không liên quan gì đến cái điện thoại.

Hôm sau đi làm về, anh bước vào nhà, thấy chị đang ở trong phòng và lại gọi điện thoại. Anh vội vàng lui ra phòng khách, nhấc cái điện thoại cùng một đường dây lên. Anh nghe một giọng đàn ông:

- Sao lại gọi số phone này, không gọi số kia?

Tiếng chị trả lời lí nhí. Sau đó có tiếng thì thầm nghe không rõ. Anh bỏ điện thoại xuống và bước đến bàn ăn. Chị cũng ra ngồi vào bàn ăn. Cả hai đều không nói không rằng. Anh nghĩ dầu sao thì đâu có gì rõ ràng. Mà có rõ ràng thì làm gì bây giờ. Chị vẫn không hề đi đâu nửa bước, trừ khi đi với anh.

Một hôm chị nói với anh:

- Chủ Nhật này tham dự Hội đồng hương VL không?

- Đi thì đi.

Sáng Chủ Nhật anh lái chiếc xe Nissan Maxima cũ rích đưa chị và cô con gái từ Rosemead xuống Garden Grove để tham dự Hội đồng hương VL.  Anh vừa lái xe vừa nhìn chị ngồi kế bên. Trông chị hôm nay đẹp hơn mọi lần rất nhiều. Chị diện một bộ đầm (dress) đẹp nhất kể từ ngày qua Mỹ. Đó là một bộ đầm màu trắng sọc đỏ hồng. Người chị tầm thước nhưng hôm nay trông chị cao hơn thường ngày, chẳng khác gì một người mẫu.

Đến nơi cả gia đình được sắp xếp ngồi vào một chỗ gần sân khấu. Chừng nửa giờ sau buổi hội  mới khai mạc. Anh xướng ngôn viên (MC) bước ra trịnh trọng chào khan giả. Đó là một người đàn ông trẻ hơn anh vài tuổi. Anh ta không đẹp không xấu, không ốm không mập, một loại người không có gì đặc biệt mà giới điện ảnh (?) gọi là loại người ‘’chìm trong đám đông”. Anh ta ăn nói có duyên, giọng êm ái, liến thoắng, dạn dĩ, hay pha trò có lúc ‘’rất Tây’’, làm nhiều người nhăn mặt.

- Kính thưa quý vị đồng hương. Xin trân trọng giới thiệu Ban Tổ chức. Tận cùng bên phải sân khấu là Ông Trần Bân, kế tiếp là cô Nguyễn Thị Mộng Lan, tiếp theo là cụ Lâm Thành, người đứng gần tôi là Bà TrầnThị Diệu Cầm, người cao nhiên nhất trong Ban Tổ chức, là mẹ tôi, nhưng khi tôi đi với bà, có người nhầm, tưởng bà là bạn gái tôi.

Anh nhìn chị cười, không lộ vẻ khen chê câu pha trò của anh MC. Chị không nhìn anh, hình như đang suy nghĩ chuyện gì.

Anh không nhớ rõ sau đó tại sao anh biết anh MC chính là người đã liên lạc với chị bằng điện thoại. Hình như anh MC xuống chỗ gia đình anh ngồi nói vài lời tạm biệt. Anh đã nhận ra giọng nói đó.

Anh đưa chị và con về nhà. Suốt lộ trình hơn nửa giờ, không ai nói chuyện với ai cả. Khi bước vào nhà anh hỏi chị:

- Em quen anh MC hả?

Chị nói:

- Ông Thăng, giáo sư dạy em trước đây.

Sau đó thỉnh thoảng anh vẫn chở chị xuống gặp Thăng. Cả ba đi đến chỗ này chỗ nọ. Tất cả xem nhau như bạn bè quen thân. Nghe nói Thăng từng vượt biên qua Mỹ, đã chịu và chứng kiến biết bao nhiêu nỗi đắng cay, đau lòng của thuyền nhân, nên lập một hội thiện nguyện để giúp đở họ. Anh nghe nói vậy nhưng khi tiếp xúc nhiều lần với Thăng, anh thấy một cái gì đó nơi Thăng không hợp với công việc từ thiện của anh ta. Nhận xét của anh sau này đã được xác nhận bởi một số người quen với Thăng và những người muốn tìm hiểu về Thăng. Nhiều lần anh định nói với chị về Thăng, nhưng anh không nói. Anh biết chị rất dị ứng với ai nói về những cái không hay của người khác, nhất là những người chị từng ái mộ.

Một hôm anh về nhà, lại thấy chị đang gọi điện thoại. Anh không nói không rằng, đến nhấc ống nghe điện thoai ở phòng khách lên đặt vào tai. Anh đã nghe vợ anh và Thăng nói những lời không phải như thầy trò nói chuyện với nhau. Anh xồng xộc vào phòng to tiếng với chị. Lúc đầu chị chống chế, nhưng cuối cùng nói:

- Chỉ nói chơi cho vui mà thôi, chớ tui thề độc là… không…có gì cả.

Có thể ‘’không có gì cả’’ nhưng cũng có thể là ‘’đã có gì’’. Dù thế nào anh thấy nên im lặng. Nói để làm gì bây giờ. Nói ra, nói cho rõ, chắc chắn chị sẽ bù lu bù loa kể những cuộc ăn chơi mà khó có người đàn ông nào tránh khỏi: ‘’Ông cũng đâu có vừa. Ông quen hết con này đến con khác. Đi vượt biên mà cũng có con đĩ đưa lên thuyền.’’  Vợ anh nói như vậy có nghĩa là ‘’Ông ăn chả, bà ăn nem’’. Anh sẽ đánh chị. Chị có thể gọi cảnh sát. Bạn bè và bà con sẽ biết. Đứa con gái sẽ biết, một điều anh rất sợ. Xưa nay con bé rất tôn trọng mẹ nó. Nếu nó không tôn trọng có thể xảy ra những cái không hay cho nó. Thôi, cứ cho là “không có gì cả’’.

Nếu không xảy ra ‘’vết thương’’ trên, chị là người vợ gần như hoàn hảo: Siêng năng, cẩn thận chăm sóc con cái, đối xử hòa nhã với bạn bè, thân thiện và kính trọng bà con bên chồng. Nhưng anh nghĩ cái chính của tình yêu là lòng chung thủy, chớ không phải những thứ đó. Anh ngạc nhiên không hiểu sao một người như vợ anh lại dính dáng đến một người như Thăng, một người mà mới tiếp xúc anh đã cảm thấy không đáng để anh ganh ghét. Anh nghĩ có lẽ vợ mình đã bị mê hoặc bởi Thăng với những lời lẽ ngọt nào, những khoe khoang khéo léo mà chị khó nhận ra được. Hình ảnh một ông thầy trẻ với những xảo ngôn, khéo ăn khéo nói đã thành ấn tượng sâu sắc trong tâm trí chị. Nếu chị chung sống với anh ta chưa chắc đã kéo dài được vài tháng để nghe được những lời như rót mật vào tai. Thước đo chính xác nhất của tình yêu là thời gian mà!

Vài năm trôi qua, anh vẫn nhớ chuyện ‘’không có gì cả’’ và cố quên đi. ‘’Không có hay có’’ anh vẫn không làm gì khác hơn là thỉnh thoảng bực mình, có những thái độ trái ý chị như ăn nói cộc cằn, không sửa soạn nhà cửa cho ngăn nắp.Ngay cả vệ sinh thân thể, anh cũng lơ là. Chị càng ngày càng xa lánh anh. Rất hiếm khi hai người ‘’ăn nằm’’ với nhau. Một hôm anh không nhớ vì chuyện gì chị đã lớn tiếng:

- Còn ở đây là may lắm rồi đó!

Anh nghĩ có lẽ chị đã bị ai đó rủ rê, xúi chị ly dị hay bỏ nhà ra đi. Kẻ xúi dục không ai khác hơn là Thăng. Có lần vợ Thăng đã đã gọi cho chị mà anh nghe đươc. Anh không nhớ hai người đã nói gì, chỉ nhớ có mỗi một câu:

- Ở đây, chớ không phải ở Việt Nam đâu nghe em!

Có lẽ chị đã gọi cho Thăng và vợ anh ta nghe được.

Mấy năm sau đó, anh phải ‘’ép’’ chị lắm mới có đứa con thứ hai. Nay nó là một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh và tốt tánh. Bây giờ thỉnh thoảng nhìn nó, anh nghĩ nếu nó biết mẹ nó chẳng đặng đừng mới sinh ra nó thì sao nhỉ!

Mấy mươi năm dài dằng dặc ‘’chuyện buồn’’ đã chôn kín ở đâu đó trong lòng anh, thỉnh thoảng lại hiện ra, làm anh khó có được cách đối xử thân thương với chị như xưa; và có lẽ vì lý do đó, chị đối xử với anh cũng chẳng khác gì. Hai người chung sống với nhau, thân mật lắm cũng như một cặp vợ chồng già.

Cách đây mấy năm anh xuống Garden Grove dự một buổi họp. Khi về anh có hẹn với người bạn học tại một tiệm cà-phê. Anh đến gọi cà-phê, rồi ngồi đợi ở một góc khuất ít người. Chừng 5 phút sau một người đàn ông từ ngoài vào, tiến về phía anh:

- Anh Hùng nhờ tôi đến xin lỗi thế cho anh ấy. Anh ấy không đến được.

- Ủa, sao ảnh không gọi cho tôi, mà lại nhờ anh?

Người đàn ông cười:

- Thật ra tôi cũng muốn gặp anh. Chúng ta quen nhau mà.

- Tui cũng thấy anh quen quen.

- Tôi làm tại Tòa án... Tôi chỉ là Tham sự Công nhật thôi. Tôi là Bình, Nguyễn Bình.

- À, tôi nhớ ra rồi. Anh chỉ làm tại tòa chừng nửa năm, rồi nhập ngũ và…nghe nói anh đã…chết.

Bình cười:

- Thời đó sống chết là chuyện không lạ. Dĩ nhiên tôi chưa chết mới gặp anh hôm nay.

Cả hai cùng cười. Anh nhìn kỹ Bình, từ từ nhận ra được đây là anh chàng Bình có biệt hiệu ‘’Z -28’’ vì trong tay anh ta lúc nào cũng có quyển truyện gián điệp Z-28. Bình rất siêng năng, tốt tánh, có lòng vị tha.  

- Nghe nói chị là học trò của ông Thăng phải không?- Bình đột nhiên hỏi anh.

- Thăng nào?

- Thăng Giám đốc…

- Có chuyện chi không?

- Nói thật với anh, chúng tôi đang tìm hiểu về Thăng và nhờ anh giúp. Anh chị ở Rosemead, chung cư… , phải không? Thăng thường liên lạc điện thoại với một người trong chung cư đó, cái chung cư chỉ có hai gia đình Việt Nam. Tôi được biết có 4 cuộc điện đàm.

- Xin lỗi, anh làm gì mà biết được như vậy, anh là cảnh sát hay trinh thám tư?

Bình không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói:

- Chuyện này có liên quan đến đời tư của anh chị và công việc của tôi, xin giữ kín. Anh an tâm! Đây là việc hợp pháp.

Bình im lặng một lát rồi tiếp:

- Chuyện như thế này. À…Tôi nghe câu được câu mất, nên chỉ kể lại những đoạn và chữ nào rõ nhất. Anh nghe kỹ rồi kể lại cho chị, hỏi chị có…nhận ra ai không. Anh nghe nhé! Người đàn ông nói: ‘’Anh vừa thăm một căn cứ Hải quân lớn…’’. Tiếng một người đàn bà: ‘’Bế Bi ơi, em..’’, ‘’Chủ Nhật này em chỉ gặp anh nửa giờ thôi…’’, ‘’Đồ lưu manh!...’’, ‘’Em sống cay đắng suốt mấy chục năm nay…’’

Phần nhiều những cuộc điện đàm đó thường vào khoảng 8 giờ 30 tối. Cuộc điện đàm mới nhất vào khoảng 10 g 30 sáng Thứ Ba.

- Tôi hiểu rồi. Cứ nói thẳng cho khỏi mất thì giờ. Anh muốn hỏi người đàn bà đó có phải là vợ tôi không hả? Thật khó xác nhận khi không nghe tiếng nói, mà chỉ nghe kể lại. ‘’Bế Bi ơi’’ hả? Chắc bà ấy đang tập diễn với ai đó để lên sân khấu-Anh phá ra cười. Gì mà ‘’Sống cay đắng mấy chục năm nay?’’ Chắc bà ấy nói ‘’lộn ngược’’, hay bị ai ‘’ép cung’’ Còn chuyện chửi rủa thì chắc chắn không bao giờ bà ấy chửi như vậy. Có thể đó là vợ Thăng.

- Không phải, Thăng đã ly dị vợ từ lâu.

Anh đang suy nghĩ thì nghe Bình nói tiếp:

- Còn nữa. Một người trong vòng 17 năm mà thuê hay share chỗ ở đến 15 lần; trong vòng 11 năm có đến 9 hồ sơ criminal trong Orange County Superior Court (Tối Cao Pháp Viện Quận Cam), thì có phải là người tốt không? Người đó là Thăng.

- Criminal là tội phạm hình sự, trong đó có cả tội lái xe say rượu, gây tai nạn bỏ chạy, không đóng tiền phạt vi phạm giao thông, và có những tội khác nghiêm trọng hơn như giết người…

- Anh chàng Thăng này không chỉ phạm tội nhẹ đâu.

- Nhưng như vậy thì có liên quan gì đến gia đình tôi?

- Dạ, nếu vậy tôi xin lỗi đã làm phiền anh chị.

Bình nói xong, chào anh và ra về.

Tuy anh đã nói với Bình như trên, nhưng khi về nhà vẫn hỏi chị về việc gọi điện thoại. Chị trả lời:

- Đúng là em có gọi… Nhưng mà em từng nói với anh rồi, chỉ nói chơi cho vui mà thôi, chớ không…có gì cả.

Anh cảm thấy mình dửng dưng với chuyện này. Gọi điện thoại với người khác, chị cũng “cà kê dê ngỗng’’. Vậy cũng đâu có gì lạ. Nhưng rồi anh lại nghĩ có lẽ trong khi gọi, Thăng đã có ý xấu, ởm ờ khơi mào cho những câu nói “không lành mạnh’’. Vợ anh đã cao hứng đáp ứng. Chị tưởng không có ai nghe, việc gì không nói cho… sướng miệng.

Sáng hôm sau anh định gọi Bình, thì Bình đã gọi trước:

- Xin lỗi anh một lần nữa nghe! Người đàn bà đó không phải là chị.

- Cám ơn Bình đã… tử tế không nói thật. Chính bà ấy đã gọi. Vợ tôi thường “nói mê nói sảng’’ như vậy lắm, nói chơi cho vui thôi, chớ… không có gì cả. Các bà nói chuyện có khi cười rú lên, có khi khóc như đưa đám, là chuyện thường.

Hôm sau để Bình tin thêm việc ‘’Nói vậy chớ …không có gì cả’’, anh mời Thăng dự đêm Họp mặt đồng hương VL. Thăng vui vẻ nhận lời.

Anh cũng báo tin cho Bình biết. Bình cũng nói sẽ đến đó nhưng không gặp anh.

Đêm đó trong phòng tiệc anh đi chỗ này chỗ nọ để chào những người quen biết thì gặp Thăng. Sau cái bắt tay, cả hai đến bàn tiệc.

Vợ anh và Thăng nói chuyện với nhau như người xa, cứ như bị cạy miệng ra mới có tiếng thốt lên. Sau bữa tiệc, chị cười nói với anh:

- Ông Thăng thay đổi quá nhiều. Tóc thì giả, răng thì không còn. Em nhận chẳng ra.

- Ủa, đã lâu em không gặp Thăng sao? Anh hỏi.

- Chỉ nói chơi cho vui mà thôi, chớ gặp hồi nào, không có gì cả.

Anh nhìn chị không biết nên nói thế nào. Anh tự hỏi bây giờ các bà các cô cũng có cách giải trí như vậy sao?

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
03/11/201819:01:36
Khách
Không thể tội nghiệp cho ông chồng,vì:
1- Khi ở Việt Nam,đã có vợ mà "quen hết cô này đến cô khác", là phản bội,không tôn trọng bạn đời của mình.
2-Qua đến Mỹ,biết mình làm ít tiền,bị vợ "coi thường", tại sao không ráng đi tìm việc khác cho nhiều tiền,thay vì cứ để thời gian về nhà sớm mà rình vợ?
3-Khi biết vợ đã không tôn trọng mình rồi,còn "ép" có thêm 1 đứa con để làm gì?

Về bà vợ:
1- Sao lại dung dưỡng ông chồng trăng hoa khi ở VN?
2 -Không có "niềm vui" nào khó nghe hơn là gọi một ông đã có vợ là "bế bi ơi"! Mình đã từng là nạn nhân của ông chồng lăng nhăng "sống cay đắng mấy chục năm", mà lại đi gieo rắc sự cay đắng đó cho người đàn bà khác?

Hai vợ chồng này có quan niệm về hôn nhân,về đạo đức thật là kỳ quặc.Hy vọng họ sẽ tiếp tục sống với nhau để hành hạ nhau cho đến hết đời,xin đừng ly dị nhau ra,tìm thêm bạn mới mà làm khổ thêm cho đàn ông đàn bà khác.
03/11/201816:23:50
Khách
Cám ơn ông Lê Như Đức đã trả lời ...Xin nói thêm ngắn gọn. Dĩ nhiên không càn phải là có kiến thức cao mới vào đây để nêu ý kiến. Nhưng trước hết nên nắm bắt cái ý của tác giả. Đại khái tác giả nói: Ông chồng thất thế chạy qua Mỹ đem vợ con qua đây. Ông là người bình thường như một số đàn ông khác về tính cách, nghĩa là trước đây cũng có chút lăng nhăng nay chỉ biết có vợ. Nhưng bà vợ lại bị Thăng một anh ba xạo dụ dỗ. Bà vợ này giống như một số đàn bà VN khác khi mới qua Mỹ, thấy chòng mình “xuống cấp” nên liên lạc thường xuyên với Thăng...Ông chồng biết được nhưng nhìn nhục vì thương con cái. Bà vợ cũng không phải người quá tệ, chỉ liên lạc với Thăng bằng “cho vui thôi”. Dù sao giữa hai vợ chồng thì bà vợ đáng trách hơn còn. Vậy mà không hiểu sao quý vị độc giả cứ nhè ông chồng mà ...nói này nói nọ...Đáng lẽ ít ra cũng nên tội nghiệp cho ông ta. Ngoài ra có một số mấy bà mấy cô ở đây có vẻ như cho đàn ông Mỹ “ngon lành” hơn. Đàn ông nào cũng thế thôi, cũng khác đàn bà. Họ cũng ở thế chủ động trong tình yêu tình dục giải trí. Mot ông ra quán bia, cà phê “nói chơi cho vui” với cô hàng thì trông không chướng mắt lắm. Còn một bà mà làm như vậy thì sao? Sẽ bị cho là mất nết, ngay ở Mỹ.
03/11/201803:39:36
Khách
Thành thật xin lỗi anh bạn Phạm Trân vì chúng tôi thường nghĩ tên Trân là cho phụ nữ và rất thông cảm hoàn cảnh phải nhịn nhục im lặng để cho vợ cắm ba bốn cái sừng lên đầu hầu gia đình yên ổn, con cháu vui vẻ.
Tin mừng cho bà vợ bạn họ Phạm: cứ việc tha hồ có bạn trai nhé, ông nhà sẽ mãi mãi vui vẻ chúc mừng và im lặng chịu nhục. Ngày xưa Hàn Tín chịu nhục chui qua háng gã hàng thịt để sau thành Đại Tướng. Ngày nay có người nhịn nhục thả rong cho vợ dzung dzăng dzung dzẻ để sau thành Tượng…Đí.
Cũng thành thật xin lỗi bạn Tôn Công Phước hay Công Tôn Phước hay Phước Công Tôn hay Phước Tôn Công hay Tôn Phước Công. Thời nay không những tên tuổi mà cả con người cũng khó mà nhận dạng được nam hay nữ. Hy vọng bạn thông cảm cho.
Bạn Tiến ơi! Những loại người như tên Thăng đều có khắp nơi. Như tôi đã viết ngày hôm qua, chúng nó còn chỉ nhau vào tiệm Nail cua mấy em ít điểm cho dễ. Bọn chúng và gia đình chúng cũng sẽ bị quả báo thôi. Do đó mà chả có gì nghịch lý cả. Nghịch lý chính mà chúng tôi muốn bàn là tại sao ông chồng phải im lặng. Nếu ông sợ con cái biết thì kêu riêng bà ra park nói chuyện. Nhưng ông không làm được vì há miệng mắc quai. Bạn có nghĩ ngày xưa có thể ông ỷ có tiền cặp những người phụ nữ trẻ và phá gia đình họ không? Như vậy thì tư cách cùa ông có khác gì của tên Thăng đâu.
PS. Chúng tôi chả có tư tưởng hay triết lý gì cả. Đọc xong nghĩ gì thì viết nấy. Việt Báo mở diễn đàn không phải tìm những triết gia hay thông thái gia. Già trẻ, lớn bé, giáo sư, thợ mộc, tài xế.. đều có quyền tham dự và cho ý kiến như nhau. Bạn muốn tìm những tư tưởng lớn, làm ơn tìm nơi khác.
03/11/201803:25:47
Khách
Vào đây thấy một cái nghịch lý nhất là nhận xét về con người . Đáng thương nhất là người chồng lại bị xem như kẻ tội phạm, còn tội phạm chính hiệu như tên Thăng lại không ai đề cập đến. Thăng là tên ba xạo, gạ gâm phụ nữ có chồng, cố phá nát gia đình người khác trong 20 năm nhưng có lẽ đã không thành công
03/11/201800:00:47
Khách
THƯA QUÝ VỊ TRONG ''GỬI Ý KIẾN''.
THẬT TÌNH MÀ NÓI, TÔI CHẲNG HIỂU ''TƯ TƯỞNG, TRẾT LÝ'' CỦA QUÝ VỊ, GẦN ĐÂY NHẤT LÀ CỦA ÔNG/CÔ/CẬU/BÀ BI BI "Gieo tư tưởng, sẽ gặt hành động''. ÔNG CHỒNG GIEO TƯ TƯỞNG NHỊN NHỤC SẼ CÓ HÀNH ĐỘNG NHỊN NHỤC. VẬY LÀ TỐT HAY XẤU. NGOÀI RA, RẤT NHIỀU CHỖ ''TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC, CÓ NHỮNG VỊ KHÔNG HIỂU TÁC GIẢ NÓI GÌ, NGOÀI RA CÓ NHỮNG CÁI VUI VUI NHƯ TÔI LÀ ĐÀN ÔNG MÀ ĐƯỢC GỌI LÀ ''BÀ''. CÔNG TÔN NỮ PHƯỚC LÀ PHỤ NỮ THÌ ĐƯỢC GỌI LÀ ''ÔNG''. VẬY TÔI XIN PHÉP ĐƯỢC RÚT LUI...
02/11/201822:11:14
Khách
Trích từ Trân Phạm: Nghĩ giết người KHÁC HOÀN TOÀN với nghĩ của ông chồng trong truyện này;

Trân Phạm
Gieo tư tưởng, sẽ gặt hành động.
Gieo hành động, gặt thói quen.
Gieo thói quen, gặt tính cách.
Gieo tính cách, gặp số phận.

Như vậy, ông ta bị cái quả là do tính cách từ tư tưởng của ông ta tạo ra. Bà đừng ra sức bào chữa cho "chó sói" để ra vẻ có lòng từ bi nhân ái nữa, càng nhảy đong đỏng càng nhiều lời càng vô duyên không ra gì.
02/11/201821:03:51
Khách
Trân Phạm: Cũng nói thêm DÙ ÔNG CHỒNG CÓ TÁNH LĂNG NHĂNG NHƯ VẬY THÌ CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ CÁI GÌ GHÊ GỚM LẮM TRONG CÁNH ĐÀN ÔNG.

Gớm chết, chắc đây là bà cụ còn nuối tiếc cái văn hóa tư tưởng của thời phong kiến ba tầu. Hay là bà không có con gái toàn là con dâu nên khư khư bênh vực Nam Quyền?
Đây là ở Mỹ bà ơi, và đang trong thời phong trào Nữ Quyền và Me Too rầm rộ cả nước trào dâng như sóng thần.
Xưa rồi đàn ông có quyền ăn chơi lăng nhăng, còn đàn bà thì Tam Tòng Tứ Đức bà cụ ơi.
Bây giờ mà mấy cô vớ phải thằng chồng lăng nhăng mèo mỡ gà đồng là đá bay ra đường cho child support chết luôn đấy cụ. Cụ liệu mà về nhà nhắn nhủ con trai đi nhá.
02/11/201820:47:12
Khách
Trích: "Nếu người cha hút thuốc thì làm sao cấm được con mình hút thuốc.
Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Ngày xưa ở VN ông cà chớn với tôi thì giờ đây tôi cà chớn lại để cho ông biết cà chớn là gì?"

Trả lời rất hay. Chính xác luôn!
02/11/201820:46:28
Khách
Trả lời thay cho cô Phước. Nghĩ giết người KHÁC HOÀN TOÀN với nghĩ của ông chồng trong truyện này. Ông chồng NGHĨ rằng mình NÊN NHỊN NHỤC, CHỚ NẾU LÀM TO CHUYỆN THÌ BÀ VỢ CÓ THỂ ĐỔ LỖI RẰNG TRƯỚC ĐÂY ÔNG TA CŨNG LĂNG NHĂNG, THẬM CHÍ CÓ CẢ ''CON ĐĨ'' ĐƯA ÔNG LÊN THUYỀN, và GIA ĐÌNH CÓ THỂ TAN VỠ. ÔNG CHỒNG NGHĨ NHƯ VẬY THÌ CÓ TỘI GÌ HẢ? NGHĨ NHƯ THẾ CÒN ĐÁNG KHÂM PHỤC NỮA. Cũng nói thêm DÙ ÔNG CHỒNG CÓ TÁNH LĂNG NHĂNG NHƯ VẬY THÌ CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ CÁI GÌ GHÊ GỚM LẮM TRONG CÁNH ĐÀN ÔNG.. ÔNG TA KHÔNG PHẢI THÁNH NHÂN. VẢ LẠI ĐÂY LÀ CHUYỆN CŨ.
02/11/201820:39:08
Khách
Xin không đồng ý với bà Trân Phạm về định nghĩa hai chữ CHUNG THỦY.

Khi người đàn ông vừa tài giỏi đẹp trai phong độ lại làm nhiều tiền. Khi người đàn bà xinh dẹp cao ráo trắng trẻo lại còn duyên dáng thông minh.
Thì họ có nhiều cơ hội bị cám dỗ, mà vẫn quyết không sa ngã thì mới được khen là chung thủy bà ạ .

Còn người chồng khi lên voi ăn chơi cho đã khi xuống chó thì mới lá rụng về cội, hết thời, vừa già vừa hết xíu quách, lại không dư dả tiền bạc.
Và người vợ thì vừa xấu vừa vô duyên, nhìn bẩn bẩn, lại ác như phù thủy và chằng tinh như gấu.
Thì nói xin lỗi có xin xỏ cũng chẳng ai chịu ngoại tình cho với. Như vậy không phải là CHUNG THỦY, mà là không có cơ hội.

Vì thế, cho nên, ngoại tình không phải muốn là được đâu, phải có điều kiện chứ lị.
Còn chữ Chung Thủy thì phải được nạm vàng cho đúng nghĩa, chứ không phải bạ đâu cũng nhận vơ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,331
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.