Hôm nay,  

Chị Dâu

08/10/201800:00:00(Xem: 15325)
Tác giả: Chính Vũ

Bài số 5517-20-31324-vb2100818

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.

 
***
 

Chị mang thai đứa con đầu được năm tháng thì miền Nam hoàn toàn “giải phóng”. Anh từ vùng I trở về trong tâm trạng  âu lo. Chị an ủi chồng: “Thôi hết chiến tranh là mừng rồi! Ai sao mình vậy... Với lại bạn bè em hồi còn ở Tổng hội Sinh viên giờ làm ở phường và quận nhiều lắm!..”.

Anh cố cười vui gượng gạo, cay đắng với cảnh... ăn không ngồi rồi, nhìn vợ bụng mang dạ chửa, mỗi ngày phải đạp xe ra chợ, bán mấy món hàng tạp hóa ngày càng thu hẹp lại...

Chị không nề hà mọi công việc nặng nhọc, dù vẫn thấy lo lo bởi anh là “sĩ quan ngụy,” lại thuộc lực lượng Biệt Động quân biên phòng... Những lo lắng khi còn con gái, rồi chấp nhận lấy anh vẫn ngày đêm canh cánh chị, bởi “Lấy chồng thời chiến chinh/ Mấy người đi trở lại?..”. Nay đã chấm dứt chiến tranh, anh trở về bên chị, nguyên vẹn hình hài. Còn mong gì hơn? Song điều đáng buồn anh lại là người... bại trận! Đêm, có khi anh thủ thỉ tâm sự: “ Nếu anh chưa có vợ, và nếu em chưa có bầu con đầu lòng, thì anh đã...”. Chị bịt miệng anh lại, vì chị hiểu tính anh. Thà chết vinh hơn sống nhục! Đơn vị anh đã có ba sĩ quan tự sát, khi lệnh buông súng đầu hàng đã phát ra! Anh cố cam chịu để trở về bên chị, vì đứa con chưa được thấy hình hài!

Một hôm, từ ở chợ về, chị thấy anh ngồi tư lự trước cửa, trên tay cầm tờ giấy. Chị đến bên anh, nhẹ nhàng hỏi:

-Giấy gì vậy anh?

-Giấy... triệu tập!- Giọng anh đượm buồn, anh chìa cho chị xem tờ giấy. Chị cầm và chăm chú đọc. Đó là giấy gọi trình diện đi học tập, mang theo áo quần, lương thực, đủ ăn cho mười ngày...-Chỉ Mươi ngày, một tuần! Chắc không sao mà anh!- Giọng chị từ hồi hộp chuyển sang vui vẻ.

-Chưa chắc em ơi! Anh có linh tính. Còn em thì cũng sắp gần ngày sinh rồi...

Chị im lặng nhìn anh đang cố kìm nén tiếng thở dài.

*

Con bé Vân, con chị đã được ba tuổi, anh vẫn biền biệt chưa về. Ba năm mà chị có cảm giác như vừa trải qua cả chục năm với bao vất vả, nhọc nhằn, phải nuốt nước mắt ngược vào trong để sống và hòa nhập với “xã hội mới”.

Từ chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong chợ, chị đã được “cải tạo” để trở thành... một con buôn, ngồi chồm hổm ở chợ trời mua bán từng chiếc giày, dép cũ mà đám con nít bụi đời đã chôm chĩa khắp nơi về bán lại cho chị, một món hàng “xa xỉ” mà người ta tìm mua rẻ về mang thay cho đôi dép râu, dép lốp bằng vỏ xe hơi nặng trĩu và đen kịt!

Chị nhớ như in ngày chị sinh bé Vân, người nhà đưa chị đến nhà thương Từ Dũ trong cơn đau quằn quại, hụt hơi, nhưng “Xưởng đẻ Từ Dũ” theo cách nói “mai mỉa” của người Sài Gòn lúc bấy giờ đã cương quyết không nhận, đuổi chị đi nhà thương khác chỉ vì một lý do có chồng là Sĩ quan ngụy! May mắn, một người bạn thời sinh viên, làm việc ở Quận đã xuống tận nơi can thiệp, chị mới được nhận vào sinh với điều kiện ngày hôm sau phải... về nhà!

Cuộc sống lây lất, tạm bợ của hai mẹ con trong những ngày chị sinh nở là bán dần những chiếc áo dài, những chiếc quần lãnh Mỹ A đen, rồi đến bàn, ghế, tủ, giường... để có đủ đường, bột ngọt và gạo để nuôi con trong lúc cả miền Nam đang dần dần ăn độn sang khoai, sắn thậm chí cả bắp và bo bo, những thứ thức ăn giành cho bò, ngựa!

Bao lý tưởng, bao ước mơ, bao niềm tin theo chị từ hồi còn tranh đấu, xuống đường trong phong trào sinh viên, học sinh và những ngày đầu sau giải phóng, với hình ảnh những cô sinh viên duyên dáng, áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, nón tai bèo, băng đỏ trên tay ra giữa đường điều tiết, giữ gìn trật tự giao thông... đã dần phai nhạt, cạn kiệt theo thời gian và tin anh bằng bặt, hết đổi từ “trại cải tạo” này sang trại cải tạo khác, trong những lần chị đi thăm chồng về, thấy anh ngày càng hốc hác, suy kiệt vì... học tập! Chị hiểu rất rõ là anh đang là người tù khổ sai, chưa biết ngày về!

Một buổi trưa, đang ngồi ngủ gà gật bên đống giày dép trên vĩa hè chợ trời, chị nhận tin anh đã được chuyển trại cải tạo đến Tống Lê Chân, thuộc Kà Tum, Sa- mát, gần với biên giới Miên. Cũng cùng buổi trưa, có thêm tin  anh Hậu, người anh con bác của chị đang tìm người... ra biển. Chị bỗng nhớ lời anh dặn: “Nếu có điều kiện, em và con nên... đi tìm một cuộc sống mới, bảo đảm cho tương lai của con...” và chị đã chần chờ mãi. Đến hôm nay, chị quyết định thu xếp đi thăm anh, nghe lời khuyên của anh, trước khi dứt khoát chuyện đi, ở.

Suốt gần nửa ngày đường, ngồi bó gối trên chiếc xe than, nực nồng mùi mồ hôi người, mùi than củi, chạy chậm rì rì như rùa trên con đường đầy ổ gà, bụi đỏ, chị cũng đã đến được Sa-mát. Hỏi thăm đường vào trại cải tạo, còn hơn ba cây số đi bộ nữa. Nóng lòng, chị cắn răng bỏ ra mười đồng, để thuê chiếc xe Honda ôm của một người Khơ-mer trung niên chở chị vào trại cho kịp chiều tối về lại chợ Sa-mát.

Lần gặp anh cuối cùng, anh đã nhanh chóng đồng ý cho chị ra đi, vì anh nghĩ: Anh không biết ngày về, có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào vì lúc này bọn Khơ-me đỏ có thể tấn công trại bất cứ giờ giấc nào, trại phải thay đổi chổ ở và di chuyển liên tục.

Khi từ biệt, anh nắm chặt tay chị, nghẹn ngào. Bầu trời biên giới đỏ quạch như màu máu. Chị cắn đến rách môi, dùng giằng như những sợi nắng chiều, ứ bầm cứ bịn rịn hoài trên tàng cây, ngọn cỏ. Đến độ người quản giáo quát to: “Chị bỏ tay cho anh đi nào!”

*

Tàu chở gần ba chục người, hơn phân nửa là bà con ruột thịt, còn lại là dây mơ lá rễ, chằng chịt với nhau. Có năm trẻ em, đều được cho uống thuốc ngủ trước đó để khỏi la khóc, làm lộ chuyến đi, nằm ngủ mê mệt trong lòng cha mẹ, hoặc anh chị.

Chuyến tàu may mắn trót lọt ra đến phao số không, hải phận quốc tế, không còn sợ bị truy đuổi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Trong đêm tối hun hút, nhạt nhòa sương khói, mênh mông trên biển cả, cầu mong gặp một tàu của quốc tế hay tàu của một nước nào đó cặp vào cứu vớt. Chị nhìn bé Vân say ngủ, lo lắng. Chị cũng đã từng nghe có những chuyến vượt biên, khi cặp bến, nhiều trẻ con bị “lậm thuốc ngủ” đã vĩnh viễn ngủ luôn trong vòng tay vật vã của cha mẹ, chị thầm cầu nguyện Bồ Tát, rồi Đức Mẹ ra tay cứu giúp mọi người, trong đó có mẹ con chị...

Chị lắng nghe hơi thở của con, và bắt gặp một mùi... hôi thúi từ áo quần mình bốc lên. Chị chợt mĩm cười. Ngẫm nghĩ lời dặn của anh Hậu, người tổ chức, cũng là chủ tàu, dặn dò tất cả đàn bà con gái, cần phải ăn mặc... rách rười, hôi hám, để đầu bù, tóc rối, dơ bẩn... khi ra khơi, nhằm tránh lúc gặp cướp biển nó... hãm hiếp! Đây cũng là kinh nghiệm mà chị nghe bà ngoại kể lại với mẹ, khi giặc Pháp tràn vào làng, những cô gái bôi mặt mũi tèm lem, làm cho đầu tóc bù xù, thậm chí lấy cả nước cốt trầu... trát vào mình, cố làm cho bọn lính lê dương phải kinh tởm...

Sang đến ngày thứ hai lênh đênh trên biển, gió và muối biển đã làm tóc chị cứng còng, xơ xác. Chị liên tục ói mữa, lịm dần, giữa mơ màng, tiếng sóng, tiếng thét, tiếng la hét của từng người, cùng với từng cơn sóng cao bổ ấp xuống tàu như búa tạ đang quai vào cái bị cát. Cơn gầm gừ, đe nẹt, của thần sóng, thần biển đủ khiến những người không quen với sóng gió như những người chết rồi.

May mắn, chiếc tàu không bị sóng đánh chìm, không bị cướp biển, trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ, có một ít cư dân sinh sống, Sau này, chị mới biết đó là một đảo của nước Indonesia. Từ đó, mọi người được đưa lên một tàu nhỏ của Hải quân nước sở tại, và chở đến trại Galang, chờ ngày được cứu xét. Chị bồi hồi, hồi tưởng lại.

 
*

Trong phòng cấp cứu của bệnh viện Marcy thuộc thành phố Springfield, bang MA. Chị kể cho Vân, con gái chị giờ đã là sinh viên của trường Đại học Yale về anh, chồng chị, tức ba của Vân.

Sau khi chị vượt biên đến đảo Galang, chị cũng cố gắng tìm người nhắn tin về Sài Gòn cho người em gái con dì và nhờ đưa tin đến anh, rằng mẹ con chị đã bình an, đang chờ cứu xét đi nước thứ ba, thì anh ở trại cải tạo, trong một đêm Pôn-pốt tấn công vào trại, do lực lượng ít, quản giáo trại phải giao súng cho các anh để tổ chức phòng thủ. Song trước hỏa lực mạnh mẽ của Khơ-me đỏ, trại tan vỡ, mạnh ai nấy chạy thoát thân.

Anh cùng hai người bạn, trong đêm tối đã chạy lạc sang biên giới Campuchia. Lần mò vừa đi, vừa tránh đụng độ cả với quân Pôn-pốt và bộ đội Việt Nam, họ nhắm hướng sao mà đi, hướng về biên giới Thái Lan với mục đích qua Thái.

Cả tuần lễ, lén lút trong rừng sâu, đói khát phải bắt bất cứ thứ gì thấy được chung quanh và trên đường đi để ăn. Có khi phải ăn sống nuốt tươi bởi không dám nấu nướng, sợ khói và lửa đánh động quân Pôn-pốt, tràn ngập trên khắp vùng biên giới. Bệnh sốt rét rừng đã trỗi dậy và quật chết một người trong số họ, chỉ còn anh và một người bạn cố gắng bám víu vào nhau để đi tìm sự sống. Họ chôn người bạn xấu xố lại bên vệ đường, dưới gốc một cây thốt nốt cổ thụ. Anh còn cẩn thận lăn một hòn đá to gần đó để làm dấu mộ phần bạn, trong thâm tâm anh thầm hứa, nếu còn sống sót, anh sẽ quay trở lại bốc cốt bạn mang về quê nhà chôn cất...


Chị run run cố gượng ngồi dậy. Vân nhẹ nhàng nâng mẹ ngồi cao lên cùng chiếc gối. Chị rút dưới gối ra một cuốn sổ học trò, quăn queo một góc và ố vàng vì thời gian, ở vài trang đầu nâu xỉn vì một thứ chất gì đó, mà Vân đoán là máu! Tim cô bé đập mạnh vì những linh cảm mơ hồ đang dần bóp nghẹt trái tim cô, nghe văng vẳng lời của chị.

-Quyển nhật ký của ba con, mà người bạn đi cùng đã đem về giao cho ông bà nội, và nó được trao cho mẹ khi con vừa mới vào Trung học... Mẹ đã giấu con cho đến bây giờ.

Nét chữ bằng mực viết bic đã nhạt nhòa cùng năm tháng.

 
Battambang, ngày... tháng... năm...

Suốt bốn ngày luồn sâu trong rừng. Đói khát dày xé, đám vắt lại bám đầy hút máu, hai đứa chỉ dám đi ban đêm, ngày tìm chỗ trú ẩn... Phum, sóc xác xơ, không một bóng người, nhiều xác chết trương phình, ruồi bọ lúc nhúc... bọn khơ-me đỏ tán sát, không từ thứ gì. Tiếng súng, tiếng mìn nổ cứ vang lên, âm âm trong đầu... có tiếng máy xe ở xa, bộ đội Việt Nam xuất hiện. Lại trốn chui, trốn nhủi, không dám ra giáp mặt hay “đầu thú”, bởi 2 thằng là “cải tạo trốn trại”, là kẻ bại trận “hèn nhát”... cảm giác bất lực, nghẹn ngào cứ dâng lên choáng váng...

 
Battambang, ngày...

Cứ bám theo bìa rừng men lộ mà đi như những kẻ ốm đói, lang thang. Mình và T. Đã nhặt được một khẩu ru- lô và cái mã tấu để tự vệ... theo trí nhớ của mình, thì đã gần đến Sisophon. Cầu mong đến được Poipet, là sắp qua biên giới Thái... chưa bao giờ, sự sống mong manh nhưng cứ thôi thúc mình tìm đường ra ánh sáng. Ánh sáng của tự do, văn minh và cả nhân đạo...

 
Poipet, ngày...

Một đám khơ-me đỏ đã phát hiện ra mình và T. Chúng rượt theo, bắn xối xả bằng các loại súng. Ak, M.16, trung liên và cả B.40...

Trời, mình đã bị thương nơi chân. Máu ra nhiều quá, T. Xé áo, buộc garo cho mình...thương T. quá ! Nó gầy gò, ốm yếu...

Màn đêm đen kịt. Muỗi bâu kín cả mặt mày. Chết!... đầu óc mình lởn vởn chiếc lưỡi hái tử thần, lạnh buốt...

....

T. T. ơi! Mày hãy đi đi, chạy nhanh lên, tao ở lại, cản bọn đỏ cho... mang theo giấy tờ, và quyển vở này của tao...

 
... Chạy đi! Chạy đi nhanh lên T. ơi! Tao đánh lạc hướng bọn nó đây...

Tiếng lựu đạn vang lên dồn dập, sáng lòa trong đêm...

Hưng ơi! Vĩnh biệt mày, tao ghi lại đoạn cuối khi đã ngồi yên bên đất Thái đây! Tao đang gục đầu trước pho tượng Phật trong một ngôi chùa của đất Thái. Cầu xin vong linh mày được siêu thoát...

Mày đã tìm được tự do. Tự do vĩnh viễn trong cõi vĩnh hằng Hưng ơi!...

 
oOo


Từ Galang, chị là một trong những người đầu tiên được cứu xét vào Hoa Kỳ. Chị và con đến Hoa Kỳ, xứ sở hùng mạnh và tự do mà biết bao người mơ ước được đặt chân đến, trong một buổi chiều mùa đông nắng vàng rực rỡ cùng với màu trắng lóa mắt của tuyết.

Những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo, sau gần một tháng được sự giúp đỡ của những người đồng hương đến trước. Để hòa nhập vào cuộc sống mới, việc đầu tiên là tiếng nói của người bản xứ. Cũng may, suốt thời trung học và những năm học ở Đại học Văn khoa, vốn liếng tiếng Anh của chị cũng kha khá, vấn đề là phải nghe sao cho rõ và phát âm chuẩn. Chị làm quen với tất cả mọi người gặp phải chung quanh, trên đường đi, trong siêu thị, trên xe bus... Từ một người rửa chén, bưng bê trong một tiệm phở của người đồng hương, chị được nhận vào một hãng chế biến và sản xuất các linh kiện điện tử. Chị chắt chiu, dành dụm từng đồng một, quên mọi thứ tình cảm nhớ thương chồng vợ để tập trung nuôi con...

Năm năm trôi qua nhanh chóng. Chị đã nhận được tin từ quê nhà là anh đã “mất tích”. Chị đã cố gắng bình tĩnh, vượt qua mọi nỗi đau về tinh thần để thu xếp trở về Việt Nam, đến gia đình anh để tìm hiểu rõ hơn về sự mất tích của anh!

Trở về Việt Nam, chị tìm đến gia đình cha mẹ anh, giờ đã sa sút và lâm vào tình trạng nghèo đói. Cha anh đã chết sau cơn bạo bệnh không có thuốc chữa. Mẹ anh già yếu, sống với đứa con út bệnh tật. Chị đau xé lòng khi nhận từ mẹ anh cuốn vở “nhật ký” của anh trong những ngày chạy trốn trên đất K... Cũng từ cuốn nhật ký, chị nắm được địa chỉ của T. người bạn của anh tại Cà Mau, vậy là chị bôn ba xuống Cà Mau tìm T. Nhưng người nhà T. cho biết anh ấy cũng đã qua Mỹ từ rất lâu? Tuyệt vọng, chị quay về nhà mẹ anh, giúp mẹ xây lại căn nhà cấp bốn, để có chỗ tươm tất khang trang thờ cha và cả “cúng cơm” cho anh theo ngày mất tích ghi trong nhật ký.

Qua Mỹ, chị gánh thêm trách nhiệm hàng tháng gửi tiền về nuôi mẹ và người em tàn tật của anh, đó là do chị hoàn toàn tự nguyện. Dù sao chị cũng là con dâu cả, và là chị dâu. Chị không thể bỏ mặc họ vì tình máu mũ, ruột rà cùng với con gái chị. May là bé Vân, càng lớn càng học giỏi và rất ngoan nên chị cũng rất yên tâm. Nhiều lúc nghĩ đến bản thân, người đàn bà mới ngoài tuổi ba mươi, nhan sắc, hừng hực sức sống mà phải khép kín người như một nữ tu! Không phải là không có người đeo đuổi chị, mà đã có vài người đàn ông, Việt có, Mỹ có... là bác sĩ, kỹ sư... họ đến với chị bằng vòng tay rộng mở và tình yêu đích thực, nhưng chị đều lắc đầu hay tế nhị tìm cách khước từ. Chị nói với họ, ngày nào chưa tìm thấy mộ anh, thì chị vẫn cứ sống vậy để... chờ anh!

*

Cũng phải gần năm, sáu năm sau. Khi bé Vân đã trở thành một cô thiếu nữ “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, chị mới lại trở về Việt Nam lần thứ hai và dắt theo con để biết về “quê cha đất tổ” nhìn mặt bà nội, các cô, chú...

Chị xếp đặt kế hoạch, sẽ để con lại chơi với bà nội, các cô chú, còn chị sẽ sang Campuchia, tìm đến ngôi làng ở Poipet theo như cuốn nhật ký mô tả để tìm... mộ anh. Có thể chị sẽ ở một tuần, nửa tháng hoặc hơn nữa để tìm cho ra manh mối và tung tích của anh. Ít nhất, chị cũng phải đem về một nắm đất nơi anh ngã xuống để về thờ và gửi vào chùa, chị mới an tâm.

Với cái mác “Việt kiều” và sẵn sàng chi tiền ra khi cần, chị đã dễ dàng sang Campuchia và tới một cái phum hẻo lánh của người Campuchia ở Poipet sát với biên giới Thái Lan sau hơn ba ngày vất vả hỏi thăm đường xá, cùng với cái địa chỉ chung chung mơ hồ của T. ghi.

Theo hướng dẫn của người chỉ đường trong phum, chị đến trước một ngôi chùa cổ, có vẽ mới trùng tu, sửa chữa sau này. Vì theo những người lớn tuổi ở quanh đây, thì ngày đó, đêm đó, ở đây có một người Việt Nam bị quân Pôn- pốt ném lựu đạn chết... tan thây. Trùng khớp với những chi tiết mà T. bạn anh đã ghi lại. Người hướng dẫn sau một hồi hỏi thăm kỹ lưỡng đã cho chị biết một tin mừng: Sư chủ trì của ngôi chùa này, trước đây là lính Pôn- pốt đã có mặt trong đêm truy kích đó.

Chị xin vào chùa lễ Phật và ngõ ý gặp Chủ trì, các sãi cho biết Chủ Trì đi lễ xa, sáng mai mới về. Chị đành phải quay vào phum tìm chỗ trọ qua đêm. Đêm ấy, chị đã nằm mơ, thấy anh về dắt chị đi lang thang suốt đêm trong rừng. Chị thức giấc khi tiếng gà đầu tiên cất lên, mình mẫy mồ hôi ướt như tắm. Giấc mơ thực hay do chị sống quen ở nước Mỹ, mà đêm ở K. thì hầm hập nóng như cái lò sưỡi khiến chị nằm mơ và tưởng tượng? Chị nghe trong người uể oải, đau nhức đến rã rời...

Tờ mờ sáng, người hướng dẫn đến kêu cửa. Chị gắng gượng đứng dậy và cùng đi vào chùa. Ngồi nghe sư Chủ trì xác nhận có một người Việt Nam bị lính Khơ – me đỏ sát hại bằng lựu đạn, sau đó xác bị hỏa táng ở sau nhà kho của chùa. Chị nghe đầu óc xây xẫm và gục ngã.

Vân đưa chị về Mỹ vào Marcy cấp cứu, nhưng sức chị đã cạn. Khi đưa cho con gái cuốn sổ nhật ký của chồng,   di nguyện cuối cùng chị nói được với con gái là mong sau khi chết được hỏa táng, đem tro cốt về quê nhà, một ít gửi lên chùa, còn lại đem sang ngôi chùa gần Poipet, nơi anh được hỏa táng, rải hết bên ấy để tro cốt của chị được hòa cùng cát bụi nơi anh đã nằm xuống...

*

Vân bước xuống máy bay, ra cửa làm thủ tục với hình dáng hốc hác, không một va li hành lý, chỉ ôm trước ngực bình tro cốt hỏa táng và tấm hình của người phụ nữ còn rất trẻ, với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Chị sẽ mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của anh, và linh hồn anh sẽ không còn cô đơn, trơ trọi nơi xứ người.

Ánh nắng chiều vàng như lụa, lấp loáng trên những tàng cây thốt nốt. Gió chiều đưa hương trầm thơm bay cao, lan mãi trong chiều tĩnh mịch.

Sau hồi kinh cầu siêu của sư Chủ trì, Vân quỳ xuống, và vung tay lên. Những hạt tro nhỏ li ti màu trắng như cũng có linh hồn, bịn rịn, run rẩy từ bàn tay Vân bay ra, lấp lóa như có hàng vạn ánh sao sa.

Hình như anh chị đã gặp nhau, cùng quấn quýt bên nhau tan  theo hối chuông, tiếng mõ chiêu hồn? Đời người như giấc mộng. Một giấc mộng vô thường...
 

Chính Vũ

Ý kiến bạn đọc
13/06/202020:27:32
Khách
Câu chuyện hay quá. lời văn của tác giả đẹp và Lãng mạn như thơ nhẹ nhàng Bay lên khung trời xanh đầy nắng ấm.
11/10/201809:06:05
Khách
Câu chuyện quá đỗi thương cảm, nghiêng mình trước tình yêu của 2 người. Cảm ơn tác giả
08/10/201823:33:54
Khách
Đọc câu truyện trên Như Ý cứ khóc mãi không thôi. Tình cảm của chị đối với anh trước sau như một. Nguyện cầu linh hồn của họ được an giấc ngàn thu.
08/10/201819:19:17
Khách
Cau chuyen buon qua va dang tran trong lam moi tinh cua nguoi vo tre doi voi nguoi chong yeu qui cua chi!
08/10/201812:43:14
Khách
Chuyện buồn quá nhưng ý nghĩa và đáng trân trọng. Cảm ơn tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,268,537
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến