Hôm nay,  

David, Sao Ông Không Bắt Phone?

04/08/201800:00:00(Xem: 10130)
Tác giả: Sao Nam Trần Ngọc Bình

Bài số 5456-20-31264-vb7080318

 
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.

 
***
 

Đang nói chuyện bằng cell phone với anh H. đột nhiên có tiếng “bip” “bíp” tôi vội vàng quay qua người mới gọi.

Phía bên kia đầu dây là tiếng nói của Chuck, con trai duy nhất của Ông David, Chuck nói:

‘Hello Mr. Bình, tôi là Chuck con của Ông David. Cha tôi qua đời rồi. Ông đã trối lại là tôi phải báo tin cho Ông hay.”

Chuck ngừng một chút rồi  tiếp:

“Cách đây ba tuần cha tôi bịnh và phải vào Bịnh Viện Greenville Memorial, thế nhưng tim gan phổi của cha tôi đã không hoạt động tốt nên bác sĩ đành bó tay. Ba tôi là anh hùng của tôi.”

Tôi tiếp lời Chuck:

“Tôi cũng nghĩ là Ông David là anh hùng như Ông đã nghĩ vậy!”

Người Mỹ dùng từ ‘anh hùng’để nói lên sự mến thương, kính trọng một người về đức độ, tài năng theo như sự hiểu biết của tôi.

Từ ‘anh hùng’ không có liên quan gì đến chiến công ở ngoài chiến trường như người Việt ta vẫn thường xử dụng cả.

“Thế thì chừng nào chôn?” tôi hỏi.

“Thứ Ba July 10, 2018, Thăm Viếng từ 12.30PM và Hành Lễ bắt đầu lúc 2.00 PM

Thảo nào cả 3 tuần nay tôi gọi phone thì cứ thấy David để máy nhắn tôi lấy làm lạ mà không biết làm sao.

Sững sờ trước tin dữ này tôi bèn gọi cho anh Đ. báo tin.

Anh Đ. tôi,và một số anh em nữa vẫn thường gặp David tại nhà anh Đ. mỗi khi David có dịp ghé thăm Greenville.

Đ. cho biết con gái anh biết David đã vào trị bịnh tại Greenville Memorial Hospital nhưng khi phone hỏi bịnh viện thì không tìm ra David đang trị bịnh ở phòng nào.

Đ. cho tôi biết con gái anh sẽ cùng chồng và hai cháu bé từ Columbia, thủ đô của Tiểu Bang South Carolina, đến thẳng nhà thờ tham dự lễ tang của David.

Anh Đ.và cháu trai sẽ ghé nhà tôi để đón tôi và bà xã tôi.

Anh Đ cũng như chúng tôi, có những kỷ niệm sâu sắc về David, người cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam và từng hết lòng với những cựu quân nhân gốc Việt mà ông gặp lại trên đất Mỹ.

Để tưởng nhớ Ông, xin cho phép tôi được hồi tưởng chuyện 30 năm trước.

*

Tháng 11 năm 1991 gia đình tôi tới Hoa Kỳ, hai vợ chồng tôi đi theo diện bảo lãnh ODP còn hai cháu gái đi theo diện HO.

Sống ở Santa Ana và Westminster được lối 5 năm, nhiều lúc gõ vào túi tiền thấy im rơm không nghe thấy tiếng leng keng.   Thấy cuộc sống ở Nam Cali có phần khó khăn nên chúng tôi bèn một lần nữa “thiên di” về Miền Đông Nam Hoa Kỳ để tìm cái sống.

Khác với những con chim thiên di tìm nơi khí hậu ấm để tránh Mùa Đông lạnh giá, chúng tôi thiên di để tìm việc làm để tránh sự u uất trong tâm tư vì việc làm không ổn định.

Nhờ Trời thương nên khi move sang Thành Phố Greenvile, SC chúng tôi kiếm được việc làm ngay suốt 20 năm liền nên cảm thấy khỏe ru. Cả 4 người cha, mẹ và vợ chồng đứa con gái út đều được Hãng X. chuyên làm đồ trang trí nội thất nhận cho vào làm.

Đến cuối tháng 12 năm 1995 tôi xin phép nghỉ để cùng con gái út và chàng rể đi xe đò Grey Hound vể Cali dọn “gánh hát” của chúng tôi từ Westminster, CA qua Thành Phố Greenville, SC một quãng dường khá xa lối 4.200 miles.

Tết năm đó nhân viên người Việt ở Greenville cùng nhau tổ chức đón mừng Xuân Tha Hương. Trong dịp này tôi có cơ hội làm quen với Ông David, cựu đại úy trong quân đội Mỹ, đã từng tham chiến ở Việt Nam, khi David đến tham dự Lễ Hội Mừng Xuân cùng với người Việt tha hương.

David nói được tiếng Việt khá sõi và điều đặc biệt là Ông rất có cảm tình với người Việt. Ông cho rằng vì Hoa Kỳ cắt quân kinh viện nên chúng tôi, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa anh dũng, mới thua trận.

Đó là sai lầm của nước Mỹ, của các chính trị gia người Mỹ ngồi ở Thủ Đô nước Mỹ là Washington, DC mà không hiểu gì về cuộc chiến Việt Nam cũng như bản chất của phe Cộng Sản bành trướng Nga-Tàu nên Mỹ đã bỏ rơi người bạn đồng minh bé nhỏ là Việt Nam Cộng Hòa.

Sau Đại Hội Mừng Xuân năm đó David vào hãng X. làm, như để chia xẻ cái cảm tình mà David sẵn có với người Việt.

Công việc của tôi tại hãng X. là đẩy những cái “buggy”chất đầy những cái mền bán sản phẩm đang trên đà hoàn tất tới các khâu liên hệ.

Đây là công việc lao động giản đơn mà ai ai cũng làm được không cần khả năng chuyên môn mà một số người Việt ta khi nhớ tới quá khứ huy hoàng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hay nói đùa với nhau đây là việc làm “cu li.”

Nói thì thế nhưng nếu không có cái việc làm gọi là “cu li” thật quý giá này thì số phận những anh chàng hay đùa giai này sẽ ra sao.

Tôi xin kể sơ về công đoạn làm một cái mền.

Đầu tiên là Khâu Cắt.

Khâu Cắt sẽ cắt vải thành những “cái bao” mền, mà tiếng Anh gọi là “bag” tùy theo cỡ (size) như twin,full, queen và king.

Sau đó những cái bao mền dược xếp trên cái giá hình tam giác sẽ được công nhân đẩy qua khâu Làm Bao (bag).

Tại đây các công nhân sẽ may hai đầu và một chiều dài của cái bao còn chiều dài kia không may lại mà để hở dành để nhồi gòn vào. (Stuffing)

Những cái bao sau khi khi được công nhân may kín ba chiều được chất lên một cái giá và những cái giá này sau đó sẽ được công nhân đẩy qua khâu Nhồi Gòn. (Stuffing)

Hai công nhân luồn cái bao mền vào cái ống bọng đặt trước cái bàn di động.

Kế đó hai người này kéo miếng gòn từ cuộn gòn, đặt trước cái bàn di động, đặt lên trên cái bàn di động này, rồi bấm nút để máy tự động cắt một miếng gòn.

Kế đến hai người này mỗi người một tay giữ một đầu miếng gòn, một tay giữ cái ống bọng rồi dùng chân đạp vào cái nút của cái bàn di động để đẩy miếng gòn vào cái bao mền.

Sau đó hai người này bỏ cái bao đã có miếng gòn vào cái buggy để cho công nhân khác đẩy sang “Khâu May Miệng” (Enclosed) để may kín phần còn lại của cái bao mền.

Sau đó cái bao mền sẽ được chuyển qua Khâu Quilt để khâu này sẽ cho chạy những hoa văn lên trên cái bao mền để giữ cho miếng gòn dính chặt vào cái bao mền.

Ngày tôi vào hãng X. làm đơn xin việc thì lúc tôi được chấp thuận cho làm “Cu Li” tôi mừng hết lớn. Lúc đó bà xã tôi cùng đi cùng với tôi tại đây chúng tôi gặp bà manager người Mỹ tên là J.

Bà này hỏi tôi:

“Bà xã ông có muốn vào làm cùng hãng với Ông không?”

Gặp dịp may hiếm có làm sao tôi bỏ qua nên tôi mau mắn trả lời:

“Thế thì con gì bằng. Cám ơn Bà đã giúp”

Bà J. trả lời:

“Vậy tôi nhận cho bà ấy vào làm khâu ‘Shear Ruffles’ mà người Việt trong Hãng X. gọi là chạy bèo.

Nói xong Bà J. rời khỏi hiện trường.

Lúc đó tự nhiên có một anh chàng người Việt, lùn thật lùn, nhỏ con từ đâu xuất hiện, tôi  thấy anh ta ghé tai nói nhỏ với cô thư ký Phòng Nhân Viên người Việt.

Đến khi tôi sắp sửa ra về thì cô thư ký này nói:

“Bác a,ø Bà J. đã từ chối không nhận bác gái. Ngày mai bác nói bác gái ở nhà.”

Tôi lấy làm lạ nhưng không tiện hỏi vì tôi là “ma mới” mà. Tôi đâu biết Bà J. làm ở chỗ mô chỗ tê nào mà kiếm. Nhưng chỉ thoáng qua là hiểu ngay đây đúng là “ma cũ bắt nạt ma mới”như các cụ ta vẫn thường nói.

Ở trong nước thì người chế độ cũ bị CS đì sói trán đã đành vì đó là chính sách của họ. Khi ra ngoài nước thì người Việt chậm chân phe ta lại bị lâm vào cảnh “quân ta chặn quân mình”  mới là điều thường thấy. Thay vì bình luận, xin kể tiếp về David.

Ông rất thích người Việt vì ông đã từng tham chiến ở Việt Nam, David có thể nói được tiếng Việt kha khá. Một thời gian sau buổi gặp nhau mừng Tết Việt tha hương, David vào Hãng X. và làm trong văn phòng. Khi gặp lại, tôi cho David biết tôi đã theo học tại Viện Ngữ Học trực thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Lackland AFB, TX thì David càng trở nên thân mật với tôi hơn.

David nói:

“Chúng ta là đồng môn.”

Một hôm tôi đang đẩy cái “xe buggy”, loại xe có chiều dài lối 2m, chiều ngang lối 1m chứa đầy mền qua khâu Quilt thì David đi qua. Ông ta lấy chùm chìa khóa gõ vào khung chiếc xe buggy làm bằng sắt này và nói với tôi:

 “Ông bỏ cái xe này đi rồi về làm với tôi trong văn phòng. Tôi sẽ giới thiệu Ông với Ông J. chủ hãng!”

Ông David đã giữ lời, chỉ ít ngày sau tôi giã từ việc đẩy những cái buggy và làm việc chung với David trong văn phòng.

David luôn luôn giúp tôi khi tôi cần. Chẳng hạn như Ông đã phải gọi phone yêu cầu cô thư ký của Dental Clinique hủy bỏ cái hẹn mà cô ta tự nhiên gán cho tôi mặc dầu tôi đã yêu cầu cô ta hủy cái hẹn này.

Lần khác David phải cùng đi với tôi đến hãng bảo hiểm nhân thọ để yêu cầu nơi này ngưng trừ tiền tự động trong bank của tôi mặc dù tôi đã yêu cầu.

Đặïc biệt là David rất thích con nít, mỗi lầøn chúng tôi ghé nhà David thì Ông thân hành ra đón và bế bé Henry, cháu ngoại của chúng tôi vô nhà!

Đến khi David từ giã Hãng này sau một thời gian làm việc thì Ông lại yêu cầu Ông J. chủ hãng giao cho tôi một công việc văn phòng khác.

Dù không còn gần gũi trong công việc nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ và gọi phone thăm nhau. Gần đây, gọi ông, chỉ nghe tiếng chuông reo. David, sao ông không bắt phone? Tôi đã tự hỏi và lo lo.

Nào ngờ David không còn nữa.

*

Anh chị Đ. cùng chúng tôi  dự tang lễ David.

Sau Lễ Viếng Thăm là Hành Lễ do vị mục sư chủ trì.Trong buổi Hành Lễ có cháu trai của David xử dụng vĩ cầm, người em gái xử dụng dương cầm phụ vào lời giảng của vị mục sư.

Không khí buổi Hành Lễ rất vui, lâu lâu lại điểm thêm tiếng cười của cử tọa khi vị mục sư chêm vào lời pha trò thật ý nhị.

Điều này làm tôi nhớ đến anh Huệ một tín hữu của Đạo Phật Giáo Hòa Hảo cùng tù với tôi tại Trại Tù Gia Trung Tỉnh Pleiku.  Anh nói với tôi theo như lời dạy của Đức Thày Huỳnh Phú Sổ thì:

“Khi có người quá vãng thân nhân không được khóc vì khi sầu bi như thế thì linh hồn của người chết cứ quyến luyến thân nhân nên khó đầu thai.

Cũng không cúng vật thực vì làm như thế cũng làm cho linh hồn người chết khó đi đầu thai.

Trên bàn thờ chỉ thắp hương và cúng hoa mà thôi và thân nhân nên cầu kinh cho hồn người chết sớm ra đi.

Trở lại đám tang của Ông David thì sau khi làm lễ xong là lễ di quan về Nghĩa Trang Quân Đội Mỹ Dorthy Cooper ngoài quan tài có phủ cờ Mỹ.

Khi lễ di quan bắt đầu thì có các cựu quân nhân Mỹ mặc áo gió có chữ “Vet helps Vet”chạy xe mô tô Harley tay cầm bảng có chữ “Stop” ra đứng chặn ở các ngã tư tay để bảo đảm cho sự lưu thông của doàn xe tang và khách đưa tiễn được an toàn

Khi vị mục sư làm lễ thì có một toán bắn súng chỉ thiên để tiễn biệt.

Sau đó là lễ gập cờ phủ trên quan tài để trao lá cờ này cho Bà Quả Phụ David .

 Khi Bà David đang ngồi trên cái ghế dài tại nơi hành lễ thì có một vị đại diện cho Quân Đội Mỹ tay cầm một phong bì quỳ một chân còn một chân kia duỗi thẳng ra phía sau nói lời chia buồn rất trang trọng sau đó trao tiền phúng tận tay cho Bà David.

Sau đó một vị đại diện cho Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, tay cầm một phong bì cũng quỳ một chân còn chân kia  duỗi thẳng ra phía sau và nói lời chia buồn rồi trao tiền phúng điếu cho Bà Quả Phụ David.

Khi người dại diện cho US Marines di khỏi lúc đó tôi mới thấy Bà David dơm dớm nước mắt.

Trước khi ra về tôi hỏi Bà David là Bà có được phép chôn cạnh Ông David không thì Bà cho biết:

“Người ta đào một cái huyệt xâu 12 feet vì Ông David chết trước nên Ông sẽ nằm dưới còn tôi chết sau tôi sẽ nằm trên với 6 feet còn lại.”

Nước Mỹ chính thức lập quốc từ năm 1776 tính đến nay đã được 242 năm.

Về mọi mặt trong đời sống như khoa học, kỹ thuật,y tế, dân sinh đều phát triển tối đa khiến nước Mỹ trở thành cường quốc.

Khi dự đám tang ông David tôi hiểu tại sao nước Mỹ lại trở thành siêu cường đứng đầu trên thế giới.

Theo lẽ đám tang thì phải buồn thế nhưng cử tọa tham dự ai ai cũng tỏ ra bình thường không sụt sùi nhỏ lệ, trái lại, lại rất hào hứng chia xẻ những câu chuyện vui rất có duyên mà Ông Mục Sư thỉnh thoảng lại chêm vào.

Ông David chết già nhưng tôi có cảm tưởng là Ông chết trẻ vì nước Mỹ còn trẻ!

Vì thế nên nước Mỹ lúc nào cũng trẻ và luôn luôn đi tiên phong trên thế giới về mọi mặt.

Hè 2018

Sao Nam Trần Ngọc Bình

Ý kiến bạn đọc
07/08/201801:45:00
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Nate
Nhờ sự am hiểu xâu sắc của Ông tôi mới biết là tình chiến hữu “không bị giới hạn bởi sự khác biệt về ngôn ngữ,văn hóa, mầu da và tôn giáo”không những thế còn vượt cả không gian và thời gian nữa.
Ông David tuy đã trở về Mỹ sống cuộc đời an nhàn của một người quân nhân hồi hưu nhưng trong tâm tư của Ông Ông vẫn mang nặng tình chiến hữu với các anh em thuộc QLVNCH anh dũng nên Ông đã tìm cách để gần gũi và giúp đỡ trong phạm vi khả năng của Ông.
Dĩ nhiên còn có những “David” khác mà chúng ta không được biết vì không có cơ may.
Cám ơn Ông đã dành thời gian để bày tỏ ý kiến quý báu này.
Chúc Ông và bảo quyến mạnh.Trân trọng
06/08/201816:11:15
Khách
Tình Huynh Đệ Chi Binh thực là cao quý, cảm động và hầu như không bị giới hạn bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, mầu da và tôn giáo. Tình chiến hữu đó sẽ không phai dù không còn Khoác Áo Chiến Y hoặc kẻ ở người đi do định luật của Tạo Hóa.

Cám ơn tác giả cho một bài viết hay và đầy tình người.
06/08/201812:15:43
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Cô Tố Nguyễn
Tuy không có thống kê chính xác nhưng những người Mỹ mà mình gặp nơi sở làm có thể nói chắc chắn 99% là người tốt nhờ nền giáo dục tốt đã đào tạo nên con người tốt sẵn sàng giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Đây là điểm son của nền giáo dục Mỹ, của văn hóa Mỹ .Khi bác dọn nhà về Miền Đông Nam Hoa Kỳ chiếc xe thuê là chiếc xe mang biển số của Tiểu Bang New York.Chiếc xe này khi đến Thành Phố Flagstaff, Arizona bị hư phải kêu hãng xe cho người kéo về chỗ sửa xe có hợp đồng với hãng để sửa.
Năm 1995 đó chưa có cell phone như bây giờ làm sao đây. Bác phải đi vào khu dân cư cùng anh chàng rể để kiếm cầu may nhà nào có người đang ở trong nhà để mượn home phone gọi vì là ngày thường mà!
Tới một căn nhà bác thấy phía trước có trồng bông mà ai đó đã tưới ướt phía sân trước.
Gõ cửa thì một cô gái thật xinh đẹp như một cô tiên hiện ra trong chuyện thần thoại giữa lúc trời nóng hừng hực.
Cô ta lên tiếng liền:
“Ông là người Việt Nam? Ông rời Cali vì đời sống khó khăn?Ông cần gọi phone cho hãng xe?
Tôi biết có nhiều người Việt Nam dọn nhà khi xe lên cái dốc này thì xe bị hư nên khi ở trong nhà nhìn ra tôi bèn ra cố ý tưới cây cho ướt cái sân trước để ai đó sẽ gõ cửa nhờ cho gọi phone.”
Ông cứ tự nhiên dùng phone để gọi cho hãng xe và báo tin cho thân nhân.(Cháu đọc bài “Hành trình về Phương Đông I,II và III trên Vietbao online)
Thăm cháu và gia đình khỏe.Mến
06/08/201802:23:04
Khách
Chào bác Sao Nam,

Cám ơn bác đã kể câu chuyện về công việc làm và về người một người Mỹ thật tốt bụng. Cháu cũng có cảm giác bất an mỗi khi gọi phone cho người quen cũ ở nơi xa mà chuông cứ ngân dài mãi không có ai nhấc máy...
Cháu cũng may mắn được gặp nhiều người bạn Mỹ rất tốt và nhiệt tình giúp đỡ cháu trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Và còn nhiều thầy cô giáo trong trường học nữa, ai cũng nhiệt tình với sinh viên, nhiệt tình đến mức cháu luôn cảm thấy thật "tội lỗi" trong những lần làm test không được điểm cao, cứ cảm giác như mình đã phụ lòng thầy cô vậy.
05/08/201822:06:36
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Hồ Nguyễn
Nhân dịp phúc đáp Ông tôi chợt nhó ra một chuyện vui vui nay mà lúc tôi viết đã quên không cho vào bài.Nay tôi xin kể hầu Ông cùng bạn đọc.
Có hai chị em cô ca sĩ cũng làm trong khâu May Miệng(Enclosed Department) tức là may kín cái bề dài còn lại của cái mền sau khi cái mền đã được nhồi vào một miếng gòn.
Bạn của mẹ hai cô này đến chơi thì bà mẹ có kể là hai cô làm trong khâu May Miệng. Bà ấy bèn hỏi:
“Làm sao mà miệng hai cháu bị rách mà phải may miệng lại vậy?
Thăm Ông và bảo quyến khỏe.Trân trọng
05/08/201821:46:38
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Hồ Nguyễn
Cám ơn Ông đã dành thì giờ góp ý làm cho Mục “Ý kiến Bạn Đọc” thêm vui và sống động.
Mục này càng có nhiều ý kiến thì mới khích lệ người đang tập viết văn,như tôi,tiếp tục viết.
Thăm Ông và bảo quyến mạnh.Trân trọng
05/08/201820:11:47
Khách
Tuổi già đã đến, trí nhớ sẽ kém đi thì rất nhiều khi bị sơ suốt điều này điều nọ, nhất là những con số... Nhiều khi chỉ phỏng định thành ra không chính xác. Người đọc có thể thông cảm được.
Chúng ta đang "Viết Về Nước Mỹ", một chủ đề mà mọi người từng sống, từng trải nghiệm và kể lại. Đó là cái nội dung mà tôi nghĩ rất hào hứng cho cả hai phía, người kể và người đọc. Nhưng vì không phải là người viết chuyên nghiệp nên có nhiều sơ sót...

Rất trân trọng những bài viết của tác giả Sao Nam Trần Ngọc Bình. Mỗi bài là một câu truyện nói lên các sinh hoạt và tâm tư của ông. Không chỉ có thể. Ông còn thường xuyên theo dõi diễn đàn này để khuyến khích các tác giả khác. Sự đóng góp tích cực của ông sẽ làm cho diễn đàn VVNM ngày càng xôm tụ hơn.
Kính chúc sức khỏe đến ông và gia đình.
05/08/201812:25:01
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Tom Huỳnh
Thưa Ông
Ông dùng chữ ‘léng phéng’rất hay, nếu tôi thêm chữ đi vòng vo hay chữ ‘léng phéng’ như Ông viết thì lại không có duyên được hầu chuyện với Ông vui vẻ như thế này.
Đúng là có duyên thì gặp dù chỉ là qua những dòng chữ trao đổi chứ chưa được gặp mặt để tay bắt mặt mừng.
Quả thật khỏang cách chỉ có lối 2370 miles như Ông góp ý là đúng. Có lẽ do lớn tuổi chăng.
Xin lỗi Ông và quý độc giả thân mến về sự sơ xuất này.
Năm tôi làm việc ở Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 9 là năm 1968-1969 tức là Khu Chiến Thuật 41 còn khu Chiến Thuật 32,nếu tôi không lầm, thuộc Quân Đoàn 3.
Cám ơn sự góp ý của Ông.
Thăm Ông và bảo quyến mạnh.Trân trọng.
05/08/201801:19:32
Khách
kính ông sao nam trần ngọc binh,

Tôi rất thích đọc các bài của ông viết trên Việt báo ,nhưng trong bài nầy ông có đề cập đến khoảng cách khi ông dọn nhà từ OC/california về Greenville là 4,200 miles , ông có nhầm lẩn chi không? hay đi lén phén rồi mới về đến nên mới 4,200 miles.chứ khoảng cách chỉi about 2,370 miles thôi đổi ra km thì about 3,728 km . Trong một bài viết khác khi ông đang làm việc ở sư đoàn 9 BB, ông nói thuộc khu 41 chiến thuật , nhưng theo tôi biết sư đoàn 9 BB thời gian ông phục vụ ở vùng 4 phụ trách là khu 32 chiến thuât. Vùng 4 lúc đó có 3 sư đoàn( 7-9-21 ) trấn đông. BTL/SD 9 đóng tại sa đéc trung đoàn 16(13 )tại long hồ/ vĩnh lọng TD 14 tại trà vinh và TD 15 tại long xuyên.thời gian hơn nửa thế kỹ có thể trí nhớ của tôi có thể không còn work good , nếu có chi sai xót xin đại xạ

trân trong.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,412
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.