Hôm nay,  

Nghề Nhà Băng

28/07/201800:00:00(Xem: 11931)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5450-20-31258-vb6072718

 
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.

Nghe Nha Bang
Tác giả ở Citizens Bank - Giáng Sinh 1989.

 
****
 

  Tôi đến Mỹ vào những năm cuối thập niên 1980. Sau khi những thủ tục giấy tờ đầu tiên tạm hoàn tất, tôi bắt đầu chập chững đi vào guồng máy của xã hội Hoa Kỳ. Tôi được giới thiệu đến một trung tâm dạy nghề để chuẩn bị cho một tương lai mới mẻ đang chờ đón. Tại đây, người ta xếp tôi vào lớp học nghề in.

  "Lớp" ở đây thật sự là một xưởng in thu nhỏ, có những chiếc máy to lớn, cũ kỹ, lúc nào cũng chạy ầm ầm nghe đinh tai nhức óc. Tôi bỡ ngỡ bước vào một thế giới mới, nhỏ nhoi và lạ lùng, nằm trong cái thế giới mới và to lớn hơn là nước Mỹ. Từ khi thôi ghế nhà trường ở Việt Nam, tôi vào làm ở thư viện thành phố nơi tôi ở, đồng thời dạy kèm tiếng Anh và tiếng Pháp thêm ở nhà trong mười một năm kẹt lại với chế độ cộng sản. Theo định nghĩa thông thường, những việc tôi làm hồi còn ở trong nước là công việc của những người mặc "cổ áo trắng", còn công việc tập sự nghề in của tôi ở Mỹ là của những người mặc "cổ áo xanh."

  Tôi thường nghĩ trời sinh mỗi chúng ta được cái này thì mất cái khác. Từ nhỏ đến lớn, cái đầu tôi hạp với chữ nghĩa chừng nào thì đôi tay của tôi càng lóng ngóng, hậu đậu với công việc hằng ngày chừng ấy. Nói cách khác, tôi chưa bao giờ được diễm phúc đứng vào hàng ngũ của những người đàn ông được ban tặng danh hiệu "handy man" cả. Sự va chạm đầu tiên của tôi với nghề in tập sự ở Mỹ đã hùng hồn chứng minh điều đó. Trong lúc những người Việt, Miên hay Lào được xếp vào nhà in để tập sự như tôi đều nhanh chóng quen thuộc với nghề mới, tôi cứ lúng ta lúng túng với những xấp giấy được giao cho mình để tập in. Đa số những người cùng học nghề với tôi, lớn tuổi hơn tôi có, nhỏ tuổi hơn tôi cũng có, ai nấy đều điềm nhiên, khoan thai in ra những tờ giấy thơm lừng mùi mực mới, đầu ra đầu, đuôi ra đuôi. Còn phần tôi, hỡi ôi, chắc lúc khởi sự học nghề không có ai nhắc tôi làm lễ cúng ông tổ nghề in hay sao mà tôi cứ trầy lên trật xuống với công việc tưởng chừng dễ như ăn ớt ấy.

Nhìn qua những cái máy in hai bên mình, tôi thấy những tờ giấy vui vẻ tuôn ra đều đặn, thẳng tăm tắp. Còn những người học nghề như tôi đang đứng coi máy thì gương mặt thản nhiên như không có gì phải bận tâm. Nhìn lại cái máy in của mình, tôi thấy giấy tờ cứ tung toé ra, bay tứ tung tứ tán. Mực in thì lem luốc trên giấy, trông thật thảm hại. Ông thầy người Mỹ cứ phải chạy tới chỗ tôi, chỉ dẫn, dặn dò đủ thứ, mà kết quả ấn loát của tôi cũng chẳng khá lên hơn là mấy.

  Rồi ngày lại qua ngày. Mỗi buổi sáng ngồi trên xe buýt công cộng trên đường đến lớp, tôi cứ ngán ngẫm nghĩ đến công việc sắp tới. Lại phải vật lộn với những tờ giấy cứng đầu, ngoan cố. Lại phải hì hục bấm chỗ này, ấn chỗ nọ với cái máy in dường như chẳng có cảm tình với tôi chút nào. Sáng nào tôi cũng bước vào nhà in với một trái tim nặng nề và một tâm trạng vô cùng chán ngán. Đến một hôm, sau khi vật lộn với mớ giấy in ngỗ nghịch như mọi ngày, tôi cảm thấy mình chịu đựng cảnh này hết nổi rồi.  Tôi quyết định lên tìm người giám thị để nói chuyện. Bà giám thị là một người Mỹ tóc vàng, mắt xanh, nhìn có vẻ cũng khá thân thiện. Bà hỏi tôi:

  - Anh cần gì vậy? Nói cho tôi biết xem tôi có thể giúp gì cho anh không.

            Tôi bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một cái thở dài. Với giọng tiếng Anh còn khá gượng gạo của mình, tôi đáp:

  - Trong tiếng Anh của bà, người ta thường nói "có hai cái chân trái" để chỉ những người vụng về. Còn với việc tập sự in của tôi, không biết tôi có thể nói là mình có hai cái tay trái hay không. Tôi nghĩ là tôi không hạp với nghề in, bà ạ. Bà có thể chuyển tôi qua học cái gì khác được không?

  Bà giám thị không trả lời tôi ngay mà hỏi lại:

  - Hồi ở Việt Nam, anh đi học về ngành gì và đã đi làm ở đâu chưa?

Tôi đáp:

  - Dạ, tôi học sư phạm Anh văn rồi ra làm thủ thư ở phòng đọc sách ngoại văn của một thư viện gần nhà. Ngoài ra tôi có dạy kèm tiếng Anh và tiếng Pháp nữa.

Bà giám thị ra vẻ đăm chiêu:

- Vậy thì anh có thể hợp với công việc bàn giấy hơn là làm trong hãng xưởng. Anh nghĩ thế nào về một công việc trong ngân hàng?

   Tôi hăm hở nói:

  - Dạ, vậy thì hay quá! Bà chuyển cho tôi qua lớp học nghề nhà băng đi ạ.

Bà giám thị mỉm cười:

  - Trung tâm này không có lớp dạy nghề nhà băng. Nếu tôi giới thiệu cho anh đi làm nhà băng ngay có được không?

   Tôi ngớ người ra:

  - Bà nói vậy nghĩa là sao? Không học hành, tập sự gì hết thì làm sao tôi vào làm nhà băng được?

  Bà giám thị chậm rãi giải thích:

  - Chồng tôi là giám đốc một chi nhánh của Bank of America ở gần đây. Tôi đã từng giới thiệu nhiều người đến trung tâm này cho ông ấy rồi. Anh đừng lo. Nếu anh được nhận vào, họ sẽ gởi anh đi huấn luyện cấp tốc một tuần lễ rồi mới cho anh bắt đầu. Những người vào làm trước anh cũng đâu vào đó cả rồi. Tuy nhiên, cũng như mọi người khác, anh sẽ qua một cuộc phỏng vấn để họ xem anh có đủ khả năng không rồi mới quyết định.

   Hôm ấy, tôi trở về nhà, nửa mừng nửa lo. Mừng vì mình sắp được từ giã cái nghề in bất đắc dĩ, lo vì không biết sẽ ăn nói ra sao trong cuộc phỏng vấn sắp đến. Đây sẽ là cuộc phỏng vấn việc làm đầu tiên trong cuộc đời tôi. Hồi còn ở Việt Nam, khi học xong sư phạm ngành tiếng Anh, tôi còn đang lo không biết sẽ bị thuyên chuyển về vùng kinh tế mới nào để dạy học, thì vừa may cô bạn cùng lớp giới thiệu tôi vào làm thư viện thành phố vì cô quen bà quản thủ thư viện. Trong thời điểm chỉ mới năm, sáu năm sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, làm gì có chuyện phỏng vấn việc làm như sau này. Tôi nhớ ngày đầu tiên đến thư viện làm việc, tôi ngồi nói chuyện với bà quản thủ thư viện. Thư viện này vốn là một biệt thự xinh xắn của một nhà "tư sản mại bản" đã chạy đi nước ngoài lúc 30 tháng Tư, nay "nhà nước tiếp thu" để làm chỗ đọc sách cho "nhân dân". Bà dẫn tôi đi xem qua phòng mượn sách do bà phụ trách, rồi đến phòng đọc sách do một chị tre trẻ trông coi. Hai phòng này đều ở tầng dưới. Cuối cùng, bà dẫn tôi lên lầu, chỉ cho tôi phòng làm việc của tôi, mà nay sẽ thành phòng đọc sách ngoại văn, với đa số sách là bằng tiếng Nga, sau đó mới đến tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây-ban-nha và cuối cùng là tiếng Anh. Vậy đó, tôi đã bắt đầu công việc ở thư viện hôm đó mà không có phỏng vấn, phỏng viếc gì cả.

Vậy mà ngày mai tôi sẽ phải đi phỏng vấn ở một ngân hàng nổi tiếng nhất nhì nước Mỹ. Chị tôi (người đã bảo lãnh cho tôi qua Mỹ từ trại tỵ nạn Palawan ở Phi-luật-tân) dặn dò tôi là phải ăn mặc chỉnh tề, quần tây, áo sơ-mi, áo vét và cả cà-la-oách nữa! Thiên địa ôi! Lúc còn ở Việt Nam, đất nước vừa qua một cơn hồng thuỷ, thuở đó hiếm ai đi làm mà mặc com-lê cả. Tôi cũng vậy thôi, cả đời chưa hề diện đồ lớn, thắt cà-vạt bao giờ. Chị tôi chở tôi đi China Town ở Los Angeles để tìm mua một bộ đồ vét rẻ tiền, một cái sơ mi trắng và một cái cà-vạt tiệp màu với bộ đồ vét. Tôi không biết thắt cà-vạt như thế nào, trời ạ! Tôi còn nhớ tối hôm đó, đã tám, chín giờ rồi mà chị tôi phải chở tôi đến nhà một chị bạn trước đây làm nghề thợ may. Chị bạn tốt bụng này của chị tôi đã dạy cho tôi cách thắt chiếc cà-vạt đầu đời của mình cho cuộc phỏng vấn ngày mai.

  Sáng hôm sau, cũng lại chị tôi chở tôi đi phỏng vấn. Lúc đó, tôi đã có bằng lái xe rồi nhưng chưa có tiền mua xe, ngày ngày còn đi học nghề bằng xe buýt. Chi nhánh Bank of America mà tôi đến phỏng vấn nằm trên góc đường Wilshire-Robertson ở thành phố Beverly Hills. Đây là một thành phố giàu có nhất nhì của vùng Los Angeles. Ngoài đặc điểm tự nhiên là có đa số nhà giàu sinh sống ở đây, cùng những tiệm tùng, quán xá vô cùng sang trọng và tráng lệ, thành phố này còn đặc biệt ở chỗ là chỉ dành cho người sống chứ không có chỗ cho người chết. Thật vậy, ở Beverly Hills không hề có một nghĩa trang nào cả. Ai có tiền muốn sống ở đây thì cứ việc sống, nhưng khi vĩnh biệt cõi đời rồi thì cũng phải từ giã luôn thành phố giàu sang này mà đi an nghỉ ngàn thu ở một thành phố khác!

  Chị tôi chúc tôi may mắn và bảo sẽ ngồi ngoài xe chờ tôi. Hôm đó, có hai người phỏng vấn tôi là ông giám đốc người Mỹ (chồng của bà giám thị chỗ tôi học nghề) và một bà phó giám đốc người Đức (Ở đó, sau này tôi mới biết ra là còn có một ông phó giám đốc người Việt nữa. Không hiểu sao họ lại không để ông này phỏng vấn tôi). Cuộc phỏng vấn diễn ra khá suông sẻ. Với vốn liếng tiếng Anh còn khá khiêm nhượng của tôi (tuy đã có bằng sư phạm tiếng Anh ở Việt Nam rồi mà xem ra chẳng thấm tháp vào đâu cả), tôi may mắn ứng đáp một cách tạm chấp nhận được các câu hỏi của hai vị này. Câu hỏi cuối cùng mà ông giám đốc hỏi tôi thật là khó trả lời:

  - Theo anh, tại sao chúng tôi phải nhận anh vào làm?

 Ái chà! Hỏi vậy thì biết đường nào trả lời đây hè? Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, tôi mạnh dạn đáp:

  - Thưa ông bà, tôi nghĩ rất đơn giản. Nếu ông bà thấy tôi có năng lực thì ông bà phải mướn tôi chứ ạ.

   Hai vị giám đốc nhìn nhau, ý chừng thầm bảo với nhau là cái anh chàng này ngó rụt rè vậy mà trả lời cũng táo bạo quá. Cuối cùng, ông giám đốc mỉm cười nói:

  - Chúc mừng anh! Chúng tôi rất vui được đón mừng anh vào làm việc với Bank of America!

  Tôi hoan hỉ bắt tay hai vị giám đốc và hí hửng ra xe báo tin vui với chị tôi. Sau đó, đúng như lời bà giám thị ở trung tâm học nghề cho biết trước, tôi được gởi qua một trung tâm khác của Bank of America để tham dự lớp cấp tốc một tuần lễ để chính thức trở thành một "teller" của nhà băng. Trong mấy tuần đầu làm việc, ban giám đốc cắt một bà teller đã khá lớn tuổi để "kèm cặp" tôi trong từng giao dịch giữa tôi và khách hàng. Bà ta rất kiên nhẫn giải thích, chỉ dẫn cho tôi những điều nhỏ nhặt nhất.

  Thách thức đầu tiên đối với tôi là những tờ đô-la xanh của Mỹ. Ở Việt Nam, tôi đã từng xài các loại tiền khác nhau, từ tiền thời Việt Nam Cộng Hoà, qua tiền của "Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam" (là Việt cộng), đến tiền của "Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" (nói nôm na là cộng sản, núp dưới cái tên mỹ miều, sáo rỗng!) Các loại tiền này, tuy vậy, có một đặc điểm chung là mỗi mệnh giá đều có màu sắc và cỡ khác nhau nên không thể nào lẫn lộn được. Còn tiền đô-la Mỹ chỉ có một cỡ, và đều xanh ngăn ngắt một màu! Hồi sống nghèo khó ở quê nhà, mấy khi mà tôi có dịp đếm quá hai ba tờ giấy bạc chứ đừng nói đếm hết xấp này qua xấp nọ, tờ bạc nào cũng như tờ bạc nấy như trong nhà băng ở Mỹ. Bởi vậy, mỗi lần đếm tiền do khách gởi vào hay để giao cho khách, tôi đều thấp thỏm sợ mình đếm nhầm thì khổ. Cũng may là chưa bao giờ việc này xảy ra cho tôi trong suốt thời gian làm nhà băng.

  Sau một tháng tôi vào làm việc, ông giám đốc thấy tôi chịu khó, chưa làm lỗi nào thiệt hại cho nhà băng, bèn quyết định chuyển tôi qua làm "note teller". Với "chức vụ" này,  tôi sẽ phải kham thêm nhiều việc khó hơn nữa như đổi ngoại tệ qua đô-la hay ngược lại, bán chi phiếu cho khách, hay thanh toán tiền mua trái phiếu tiết kiệm (mà không được lên lương đồng nào!). Công việc mới tuy khó, nhưng có một điều khác còn thử thách tôi hơn nữa là khách hàng của tôi. Đa số khách hàng, cố nhiên, là nhà giàu. Những vị khách giàu sang này dường như có tất cả mọi thứ trên đời, chỉ trừ lòng kiên nhẫn. Ai mà làm việc chậm chạp (đối với họ) là họ sẵn sàng đổ quạu. Nếu tôi hay một teller nào khác muốn xem thẻ căn cước của họ để đối chiếu với chữ ký trên ngân phiếu trước khi trả tiền thì họ thường nổi nóng. Họ cho rằng chúng tôi có nhiệm vụ phải nhớ mặt khách hàng. Hỏi giấy tờ của họ là một điều xúc phạm ghê gớm lắm.

  Một hôm, có người khách đến quầy của tôi và bảo:

  - I wanted to withdraw five grand from my savings account.

  Từ hồi qua Mỹ tới giờ (chỉ có vài tháng ngắn ngủi) tôi mới nghe chữ "grand" dùng như vậy là lần đầu, rất khác với ý nghĩa của nó mà tôi đã từng học trong lớp ngày xưa. Tôi lúng túng hỏi lại ông ta:

  - Xin lỗi ông, năm "grand" là bao nhiêu tiền ạ?

  Bất thình lình, ông khách đùng đùng nổi giận. Ông không thèm ngó tôi nữa mà nói thật lớn tiếng, cốt để mọi người chung quanh đều nghe thấy:

  - Ai mà lại để cho một người nói tiếng Anh chưa rành như thế này vào làm ở đây vậy? Chữ "grand" mà cũng không hiểu nổi à?

  Ông giám đốc của tôi nghe ồn ào, tiến lại gần hỏi đầu đuôi câu chuyện. Vị khách lại tức ta tức tưởi lập lại lời ông ta vừa nói cho ông giám đốc nghe. Chờ ông khách dứt lời, ông giám đốc điềm đạm nói:

  - Tôi xin lỗi ông đã phiền lòng. Nhưng chữ "grand" là một tiếng lóng, thường dùng trong các sòng bài hơn là ở nhà băng. Tôi không nghĩ nhân viên của tôi nhất thiết phải biết chữ lóng đó có nghĩa là "thousand" trong tiếng Anh tiêu chuẩn.

  Trong lúc ông khách hợm hĩnh vẫn còn đang hậm hực, tôi quay lại cám ơn ông giám đốc của tôi đã bênh nhân viên của mình một cách thật độ lượng. Ông cư xử thật đúng với địa vị của mình. Trong nhiều chuyện khác ở ngân hàng, lúc nào ông cũng tỏ ra khoan thai, nói năng từ tốn, thật đúng với phẩm cách của một người lãnh đạo. Ông đã làm cho tôi đỡ mất mặt với mọi người chung quanh, mà cũng khéo léo dùng lời lẽ có lý có tình để người khách không thể giận dữ được nữa. Có rất nhiều chữ tiếng Anh sau này tôi học vào rồi cũng quên ra. Nhưng chữ "grand" của ngày hôm đó tôi không bao giờ quên được.


Một hôm khác, trong lúc tôi và một chị teller gốc người Hoa (trước đây cũng từ trung tâm dạy nghề được bà giám thị giới thiệu vào làm) đang đứng ở quầy đếm nhiều cọc tiền, bất đồ một tên cướp từ đâu xông tới đòi chúng tôi phải đưa cho hắn chỗ tiền đó.  Thấy tên cướp chỉ nói suông mà không cầm súng ống gì cả, chị bạn tôi quơ vội đống tiền và ngồi thụp xuống sau quầy. Tôi hoảng kinh hồn vía, không biết làm gì hơn là cũng ngồi thụp xuống theo chị. Không khí trong nhà băng bỗng trở nên hoảng loạn. Tên cướp... hụt vội vã chạy ra ngoài cửa và biến mất dạng. Hai chúng tôi được bà phó giám đốc đưa vào phòng, cho mỗi người uống một ly nước lạnh để hoàn hồn và chờ cảnh sát đến lấy lời khai về vụ cướp hụt. Sau vụ đó, chị bạn tôi không những không được tuyên dương là đã cố giữ tiền cho ngân hàng khỏi bị cướp mà còn bị khiển trách vì chị đã quên một nguyên tắc quan trọng của nhà băng, đó là phải coi trọng sự an toàn của bản thân nói riêng và của toàn ngân hàng nói chung hơn là tiền bạc. Về phần tôi, sau bữa cướp ngân hàng hụt đó, mỗi lần có người khách hàng nào đến mà thọc tay vào túi quần để tìm cái gì đó, tôi lại giật mình thon thót không biết có phải họ sắp rút súng ra hay không. Phải mấy tháng sau tôi mới thực sự hoàn hồn.

Ít lâu sau, chị tôi muốn dọn xuống Orange County để lập nghiệp. Tôi cũng đi theo chị nên xin nhà băng cho tôi chuyển xuống làm ở một chi nhánh Bank of America khác ở thành phố Garden Grove. Xuống đó, giờ làm việc của tôi bị rút lại ít hơn nên tôi thử xin một ngân hàng khác để làm toàn thời gian. Ngân hàng đó tên là Citizens Bank ở Costa Mesa. Vốn tin dị đoan, lúc đi phỏng vấn ở ngân hàng này, mặc dầu đã có xe riêng, tôi vẫn nhờ chị tôi chở đi để lấy hên như lần trước!

Cầu được ước thấy, tôi lại được nhận vào làm ở ngân hàng mới này. Đồng thời, tôi cũng ghi danh vào học buổi tối ở Orange Coast College, cách ngân hàng mới không xa.

Làm ở nhà băng mới được khoảng một năm, có người mách cho tôi thi vào công việc office assistant của tiểu bang California. Tôi cũng hăng hái nộp đơn đi thi vì nghe rằng làm cho chính phủ có nhiều quyền lợi hậu hĩ. Thi đậu, tôi vui vẻ từ giã nghề nhà băng, trở thành anh thư ký quèn trong hãng State Compensation Insurance Fund, là nơi lo về tiền bồi thường tai nạn lao động cho người đi làm. Công việc mới này có vẻ khiêm nhường hơn việc cũ, vì tôi không phải diện đồ lớn, đeo cà-vạt đi làm như trước nữa. Ngoài ra, tôi không phải lo lắng về tiền bạc, không sợ thiếu hay dư tiền trong két sau mỗi ngày làm việc lúc còn làm ở nhà băng. Thay vào đó, ở chỗ làm mới, suốt ngày tôi chỉ lo làm hồ sơ bồi thường tiền thương tật cho người đi làm hay trả lời điện thoại khi họ có điều gì thắc mắc.

Mỗi ngày tôi làm đúng tám tiếng như mọi công chức chính phủ khác, rồi buổi tối lại cắp sách đi học. Mọi việc cứ thế mà đều đều diễn ra cho đến một hôm tôi giật mình khi thấy rằng mình không thể tiếp tục đi làm toàn thời gian như vậy nữa. Lúc đó, tôi đã học xong chương trình hai năm của trường Orange Coast và được nhận vào chương trình cử nhân của trường University of California ở Irvine. Trường đại học này, trên nguyên tắc, không khuyến khích học bán thời gian. Oái oăm thay, chỗ tôi đang làm cũng không nhận người làm bán thời gian. Tôi không thể đánh đu như trước, vừa đi làm toàn thời gian, vừa đi học bán thời gian. Tôi quyết định nộp đơn xin làm bán thời gian ở những chỗ khác để chuẩn bị dọn chỗ cho việc đi học toàn thời gian sắp tới. Tôi đã điền dễ đến ba mươi mấy cái đơn, xin làm đủ thứ việc khác nhau, mà chẳng có nơi nào buồn gọi tôi phỏng vấn cả. Đúng lúc tôi đang gần như tuyệt vọng thì có một nơi liên lạc muốn phỏng vấn tôi. Nơi duy nhất đó không đâu khác hơn là Bank of America!

Những tưởng nhà băng là nơi tôi không còn dính dáng đến nữa, ai ngờ cũng lại nhà băng, mà vẫn là Bank of America. Điều này khiến tôi nghĩ đến hai câu thơ Kiều mà tôi đã khôi hài cải biên như sau:

Chém cha cái số ngân hàng,

Cởi ra rồi lại buộc ràng như chơi!

Tuy nhiên, lần này cũng có khác. Họ mướn tôi vào không phải để làm teller như trước nữa, mà để làm công việc của một người gọi là "proof operator". Công việc mới của tôi là ở South Coast Proof Center (cũng thuộc thành phố Costa Mesa, sau này đã dời về nơi khác). Sinh hoạt của tôi bấy giờ trở thành trái ngược với lúc trước: Ban ngày tôi đi học toàn thời gian ở trường, đến tối tôi làm bán thời gian ở trung tâm ngân hàng này. Công việc của tôi không khác chi công việc của một người máy là mấy. Trong một gian phòng rộng thênh thang, có khoảng cả trăm "proof operators" như tôi ngồi ngay ngắn trước những chiếc máy to cỡ một cái piano, vừa ngang tầm ngồi của mỗi người. Với những chiếc máy kỳ dị này, chúng tôi dùng tay trái bỏ từng tấm ngân phiếu của khách hàng gởi vào một cái khe dài, còn tay phải thì bấm những cái nút như trên máy tính để in số tiền ghi trên ngân phiếu. Từng chiếc, từng chiếc một, những tấm ngân phiếu chạy dài theo đường khe từ bên trái qua bên phải. Khi thoát ra bên phải, mỗi tấm ngân phiếu giờ đây đã được in số tiền ở góc dưới bên phải, sẵn sàng được nhiều người đi quanh các máy thu lại, gởi đến một trung tâm khác để máy điện toán "đọc" và chuyển dữ liệu vào trương mục của khách hàng. Nếu có ai bên ngoài tình cờ bước vào trung tâm của chúng tôi trong giờ làm việc, sẽ thấy một cảnh tượng khá lạ mắt. Hàng trăm người ngồi thoăn thoắt cho từng tấm ngân phiếu vào máy, tay phải đánh số cũng thoăn thoắt không kém. Tiếng máy chạy rào rào không dứt. Toàn cảnh tượng và âm thanh đó khiến người ta liên tưởng đến một bầy tằm đang ăn dâu một cách náo nhiệt.

Nghề nào cũng có những cái sướng và những cái khổ của nó. Cái sướng của nghề in ngân phiếu này là ở chỗ chúng tôi không phải dầm mưa dãi nắng, không phải chạy tới chạy lui, cũng không cần nghĩ ngợi lôi thôi, mà chỉ cần đôi tay làm việc thật nhanh. Cái khổ của nghề này là một tay bỏ checks vào máy, mắt nhìn vào số tiền, đồng thời tay kia bấm số thật lẹ, làm liên tục không được nghỉ cho đến  đúng giờ ấn định. Mỗi tiếng đồng hồ, chúng tôi phải in tối thiểu là 1.500 tấm ngân phiếu. Nếu in nhiều hơn thì được thưởng thêm vào tiền lương hằng tháng. Ngược lại, nếu in dưới con số tối thiểu thì bị khiển trách. Nếu ai bị khiển trách nhiều lần thì tự tìm cánh cửa chính mà một đi không trở lại!

Tôi vốn là một tên lề mề, làm việc gì cũng khoan thai, ung dung tự tại. Ngày còn học trung học  ở Việt Nam, có một anh học trò học trên lớp tôi để ý đến tôi, không vì lý do nào khác ngoài cái tướng đi khoan thai của tôi. Tôi nhớ hoài lời anh ta nói. Anh này vốn là dân chủng sinh tu xuất, ăn nói rất chải chuốt, lịch sự. Tôi học dưới lớp anh mà anh không gọi tôi là thằng này thằng nọ. Anh bảo: "Nhìn anh Trí đi trong sân trường thì ai cũng yên chí rằng thế giới này vẫn còn đang trong thời bình!" Qua Mỹ rồi, tôi làm gì có cái xa xỉ được khoan thai như trước nữa. Chân đi không bén gót mới theo kịp nhịp sống hối hả của xã hội văn minh chứ đâu phải chuyện đùa. Tuy vậy, cái chậm chạp cố hữu cũng vẫn còn đâu đó trong tôi. Tôi có gắng hết sức mà đánh máy thì mỗi giờ đồng hồ cũng chỉ nhỉnh hơn con số tối thiểu một chút, ít khi có tiền thưởng ra hồn. Không bị đuổi việc là may lắm rồi.

Chưa hết, tôi còn một vấn nạn khác. Trong lúc những người chung quanh tôi cứ điềm nhiên đánh máy, tay lúc nào cũng thoăn thoắt, điệu nghệ như đang chơi dương cầm, thì tôi phải khó nhọc gõ từng con số và lúc nào cũng về chót về cái mục đánh nhiều đánh ít. Từ lúc nào không biết, tay phải của tôi trở nên cứng còng, điều khiển từng ngón thật khó khăn. Thoạt đầu, tôi còn gõ cả năm ngón. Sau đó, cả bàn tay đau nhức quá, tôi gõ còn ba ngón. Rồi dần dần còn hai ngón, một ngón, và cuối cùng tôi phải dùng một cây bút chì để đánh máy chứ không dùng ngón tay nào được nữa. Độc giả thử tưởng tượng xem, trong khi ai cũng dánh máy bằng năm ngón tay, còn tôi đánh máy bằng một cây bút chì, mà phải cố gắng để đánh được con số checks tối thiểu, thật là cảnh dở khóc dở cười. Đến một ngày nọ, thậm chí bút chì tôi cũng không còn cầm để đánh máy được nữa, vì cơn đau đã trở nên không còn chịu đựng được. Người ta chuyển cho tôi qua làm chỗ bỏ các bó checks vào bao tải để chuyển đi qua trung tâm dữ liệu, cho đến ngày tôi phải xin nghỉ làm hẳn để đi bác sĩ.

Tôi không phải người Công giáo, nhưng tôi biết những người có đạo thường nói với nhau câu này: "Khi Chúa đóng một cánh cửa lớn, ngài lại mở một cửa sổ ra." (mặc dầu nhiều người bảo không thể tìm ra chính xác câu này ở đâu trong Kinh Thánh cả). Tôi thì tôi tin câu này có thể áp dụng vào tình cảnh của tôi lúc bấy giờ. Lúc cánh cửa ngân hàng của tôi vừa khép lại cũng là lúc một cái cửa sổ ở trường đại học vừa được mở ra. Trong thời gian đó, tôi đang theo học chương trình cao học ở UCLA và cũng vừa vặn có được một chân làm teaching assistant, dạy một lớp ngoại ngữ trong trường. Không làm ở ngân hàng nữa vì đau tay quá, bây giờ tôi trở thành một anh trợ giáo trong trường. Ngặt một điều là tay phải tôi đau quá, tôi buộc lòng phải luyện cho mình viết bằng tay trái. Những chữ đầu tiên tôi viết nguệch ngoạc bằng tay trái trông như những con giun ngoằn ngoèo, không thể nào đọc ra được. Nhưng tôi phải nghiến răng lại mà tập viết, vừa để ghi bài giảng trong lớp mình học, vừa để viết lên bảng trong lớp mình dạy. Càng ngày tôi càng viết bằng tay trái khá ra nhiều. Trong lúc đó, tay phải của tôi càng mỗi lúc mỗi đau hơn. Tôi không thể duỗi thẳng các ngón ra được nữa. Chúng cứ cong queo, đau nhức, tê buốt suốt ngày. Lúc đi lại, tôi phải cầm một cây bút trong tay, hay phải bỏ tay vào túi cho đỡ căng và đau. Lắm lúc, khi đang lái xe trên xa lộ, tôi phải hét lên thật to để dằn cơn đau xuống. May mắn một điều, và cũng thật là lạ lùng, cơn đau chỉ đến với tôi ban ngày. Còn ban đêm, khi vừa ngả lưng xuống để tìm giấc ngủ, cơn đau lại biến đi một cách kỳ diệu. Để rồi sáng hôm sau, đâu lại vào đó.

Tôi đi bác sĩ để khám cái tay thì được cho biết đây là bệnh carpal tunnel syndrome (dây thần kinh chỗ cổ tay bị áp lực mạnh vì tay hoạt động một cách thái quá). Sau một thời gian thử đủ cách chữa trị, chích thuốc, châm cứu, bấm huyệt, cuối cùng tôi phải chấp nhận giải phẫu tay. Ngày sắp tháo băng, tôi hồi hộp chờ cái cảm giác thoải mái ngày xưa sẽ trở về với tay, không còn cảnh cong queo và những cơn đau kéo dài nữa. Nhưng thất vọng thay, băng tháo ra rồi mà tôi chẳng thấy gì khá hơn cả. Tình trạng đau nhức cũ vẫn tiếp tục. Ông bác sĩ Mỹ mổ tay cho tôi cũng lấy làm bực lắm vì ông thấy mình không chữa hết bệnh cho tôi. Ông giới thiệu tôi qua bác sĩ Daniel Trương là người nổi tiếng về việc chữa trị Parkinson  s. Bác sĩ Trương chẩn bệnh và cho tôi biết tôi bị chứng writer  s cramp (nghe giống như bệnh "nhà văn bị vọp bẻ" vậy!) chứ không phải carpel tunnel. Ông dùng botox để chích vào cánh tay phải của tôi. Kỳ diệu thay, sau đó tay phải của tôi dần dần bớt đau và tôi đã có thể viết lại bình thường như trước. Đúng là một phép lạ. Thuốc botox này tôi phải chích sáu tháng một lần. Tôi nói đùa với bác sĩ: "Bác sĩ chích botox cho tay phải của tôi thì sau này tay trái của tôi sẽ già đi mà tay phải thì vẫn thanh xuân mãi mãi!"

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Không, nói cho chính xác và công bằng thì những ngày vui của tôi cũng kéo dài được một vài năm. Sau đó thì dường như thuốc dần dần "lờn" đi, không còn thấy công hiệu nữa. Tay tôi tuy không còn đau như trước, cũng không còn viết được bằng lúc vừa mới chích botox ban đầu. Vả lại, công ty bảo hiểm lúc này cũng đã ngừng thanh toán cho những liều thuốc botox cho tôi. Lúc đầu, tôi còn bỏ tiền túi ra trả cho những liều thuốc kế tiếp (mỗi mũi tiêm như vậy cả mấy trăm đô-la!). Sau rốt, phần vì thuốc đã lờn, phần vì tốn tiền, tôi ngưng luôn, không chích thuốc nữa.

Giờ đây, tôi không còn viết được bằng tay phải với những dòng chữ nhỏ trên giấy được nữa, tuy vẫn còn tạm viết được chữ to trên bảng khi dạy học trò. Trong khi giảng bài trong lớp, tiện tay nào tôi viết tay nấy trên bảng, tuỳ theo vị trí mình đang đứng.  Nhiều em học trò hiếu kỳ, thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi:

- Thầy ơi, em thấy thầy viết trên bảng lúc thì bằng tay trái, lúc thì bằng tay phải. Vậy thì thầy thật sự là thuận tay nào vậy?

Tôi cười trả lời:

- Tôi sinh ra là thuận tay phải, nhưng ngày xưa đi làm dùng máy điện toán quá sức bằng tay phải bị đau nên phải mổ và tập viết tay trái. Bây giờ đỡ hơn một chút nên có lúc viết bằng tay phải vậy thôi.

Thật ra, tôi vẫn còn khó khăn khi viết bằng tay phải. Còn tay trái thì tuy có quen nhưng cũng không thể nào hoàn toàn thoải mái được. Nghe tới phải viết cái gì tôi đều ngán ngẩm cả. Cũng thật trớ trêu là làm nghề giáo thì phải chấm bài quanh năm suốt tháng nên lúc nào tôi cũng thấy đau khổ khi làm việc đó. Tôi thường nói với người chung quanh là làm nghề giáo mà không viết được chẳng khác nào làm ca sĩ mà bị mất đi giọng hát vậy.

Nghề nhà băng là nghề đầu tiên tôi làm trên xứ Mỹ. Bây giờ tôi đang làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng cái nghề đầu tiên của tôi từ những ngày xa xưa đó vẫn còn "vận" vào nghiệp của tôi cho đến tận ngày nay. Nhiều người vẫn mang hoài những kỷ niệm khó quên về nghề nghiệp đầu tiên trong cuộc sống của mình. Riêng tôi, "kỷ niệm" của nghề nhà băng không chỉ là những buồn vui ngày cũ, mà còn là một thực thể đau đớn và rõ ràng trong từng ngày sống và làm việc của tôi cho đến ngày buông tay gác bút.

 
Trần C. Trí


Ý kiến bạn đọc
30/07/201803:58:43
Khách
Tiếng Mỹ có chữ silver lining đại khái hàm ý rằng ngay cả một tình huống tệ hại nhất mà ta đang kẹt trong đó nó cũng có thể mang lại cho ta một điều tốt đẹp nào đó. Trong trường hợp của tác giả , vì việc làm "proof operator" gây cho tác giả cơn đau tệ hại nơi bàn tay phải đã buộc tác giả phải rời Bank of America khiến sau đó tác giả phải đi tìm việc mới mà bắt được chân làm teaching assistant. Từ kinh nghiệm nơi làm teaching assitant,và khi đã đỗ đạt cao , tác giả đã dễ dàng dược thu nhận làm giáo sư đại học.

Hà hà. Số tác giả là người văn học đỗ đạt cao, có địa vị trong xã hội , cho nên khi làm các việc chân tay đều không thành công hoặc kéo dài lâu. Nay là thời đại tin học , tác giả không phải dùng nhiều đến bút để viết mà có thể dùng bàn phím. Dùng bút nay chỉ để ký ngân phiếu mà thôi.
29/07/201817:25:44
Khách
Cám ơn Ông đã ưu ái quan tâm. Xin Ông dùng email [email protected] để liên lạc. Kính chúc Ông và Gia quyến luôn an vui.
29/07/201810:55:52
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Trần C. Trí
Ông cho tôi địa chỉ email,nếu không có gì trở ngại, để tôi gởi cho Ông bài tập về ngón tay mà bạn tôi mới chuyển cho tôi.
Thăm Ông và gia đình khỏe.Trân trọng
28/07/201821:01:47
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Hy vọng Ông sẽ sớm khỏi cái bịnh quái ác này.Thăm Ông và gia đình khỏe.Trân trọng
28/07/201815:16:01
Khách
Xin cám ơn ông Sao Nam Trần Ngọc Bình nhiều. Kính mến. trần c. trí.
28/07/201814:49:35
Khách
Chào Ông Trần C. Trí
Xin giới thiệu Ông bài “Đương Đầu Bệnh Thấp Khớp”để Ông thử tập xem sao.Bài này hiện đang được lưu trữ trong mục: “Xem nhiều nhất trong 30 ngày qua” Thăm Ông và gia đình khỏe.Trân trọng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Nhạc sĩ Cung Tiến