Hôm nay,  

Richard Gere và Chú Khuyển Hachi

13/06/201800:00:00(Xem: 15266)
Tác giả: Phùng Annie Kim

Bài số 5411-19-31252-vb4061318

 
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
 

*
 

Cách đây năm năm, trong mục “Viết Về Nước Mỹ”, có bài viết “Thằng Quang và con “Đường” kể chuyện về thằng con trai của tác giả và con chó cưng của Quang tên là “Đường”. Tên Mỹ gọi nó là con “Sugar”.

Mỗi năm con người thêm một tuổi thì tuổi chó tăng gấp bảy lần. Năm nay là năm chó. Tôi nhẩm tính tuổi chó và tuổi người cho con Sugar. Năm đó con Sugar mới ba tuổi. Tính theo tuổi người thì... em nó vừa hai mươi mốt, tuổi thành niên phơi phới dư sức...lấy chồng. Năm năm sau, nhân lên cho bảy, con Sugar thêm ba mươi lăm tuổi nữa cộng với hai mươi mốt là năm mươi sáu. Tuổi này “bà Sugar” dư sức làm bà nội hay bà ngoại.

Thằng Quang bế con Sugar về chơi, đưa cho tôi xem DVD cuốn phim tài tử Richard Gere đóng phim với...chó vì Quang biết Richard Gere là thần tượng điện ảnh của tôi. Tôi liên tưởng đến chàng đã từng đóng phim với  các nữ diễn viên điện ảnh, cô nào cũng đẹp, sexy và nổi tiếng. Tôi cầm cái DVD nói với thằng con:

-Bộ thần tượng hết người đẹp rồi hay sao mà chàng đóng phim với...chó hả con?

Thằng con nhìn bà má với cặp mắt nheo nheo như chế giễu:

-Chuyện con chó Hachi nhiều người biết nhưng xem để mẹ thấy thần tượng của mẹ bây giờ...gìa háp rồi.

Nó còn phang ngay vào tim đen của tôi và ông chồng:

-Năm nay là năm chó, bố mẹ xem để thương con chó Sugar của con nhiều hơn.

Thì ra nó vẫn còn ấm ức, để trong bụng hoài cái chuyện tôi và ông chồng không ưa chó.


*

Thật ra tôi thích anh chàng tài tử này có lẽ từ những cuốn phim hay  và nổi tiếng như “Pretty Woman”. Trong phim này, nữ tài tử Julie Roberts đóng vai  Vivian, một cô gái giang hồ đẹp còn chàng trong vai nhà tỷ phú Edward Lewish bảnh trai, lãng mạn, hào hoa. Chàng thích đi trên cỏ, thích những câu chuyện cổ tích “I want the fairy tales”. Đó cũng là chàng trai có “gu” thẩm mỹ khi chọn bộ cánh lịch sự, trang nhã cho cô bạn gái Vivian “ Nothing flashy, too hot sexy, elegant”. Tôi thích vì cách chàng hỏi cô bán hàng làm người phụ nữ  như chúng tôi ai cũng ...mềm lòng chứ không riêng gì cô nàng Vivian “ Do you have anything in this shop as beautiful as she is?”.Tôi biết mình bị cuốn theo đôi mắt say đắm của chàng khi tình yêu đến và chàng thú nhận với người đẹp có nụ cười rạng rỡ “ It must be difficult to let go of some thing so beautiful”.

Kết thúc câu chuyện có hậu. Tình yêu không phân biệt giai cấp và vượt qua mọi biên giới. Tình yêu đích thực có thể chuyển hóa con người. Edward khuyên Vivian bỏ nghề, tiếp tục đi học.  Mối tình nẩy nở giữa “cô bé lọ lem”  với nhà tỷ phú đẹp trai, giàu có đẹp như một bài thơ.

Tôi càng thích chàng trong phim “Shall We Dance” vai luật sư John Clark. John tò mò vì bảng quảng cáo “ballroom” và đôi mắt buồn và đẹp của một giai nhân đứng ở cửa sổ trên lầu nhìn xuống.Vào những buổi chiều, khi chuyến tàu điện lướt ngang qua từ thành phố Chicago về nhà, John  nhìn lên lầu đều bắt gặp đôi mắt ấy. Chàng tìm đến đôi mắt và “ballroom”. Chàng trở thành học viên lớp nhảy đầm của cô giáo Pauline. (Jennifer Lopez). Với sự chỉ dẫn tận tình của cô giáo cùng với niềm đam mê, chàng nhảy giỏi và trở thành một “partner” điệu nghệ của cô trên sàn nhảy.

Bị cô giáo từ chối “Tôi không bao giờ đi ăn tối với học trò”, John xấu hổ nhưng càng ráng tập luyện. Để chuẩn bị cùng cô giáo dự cuộc thi trình diễn các vũ điệu. Chàng nhảy  điệu Valse lả lướt trong vòng tay gần gũi của cô giáo. Chàng nhảy điệu Cha Cha Cha gợi cảm và Samba bốc lửa khi hai thân hình họ uốn lượn xoắn lấy nhau. Chàng nhảy điệu Tango lãng mạn với đôi chân đong đưa và những cú lắc mông “sexy” của cô giáo đẹp. Trong ánh đèn mờ ảo và âm nhạc trữ tình của các điệu Slow, có những lúc ánh mắt hai người nhìn nhau say đắm. Trong gang tấc, tưởng như đôi môi của họ sẽ cất tiếng nói không lời nhưng cả hai đều tự biết mình đang biểu diễn nghệ thuật đẹp nhất về hình thể: “Dancing”.

Nhìn chàng nhảy, thảo nào tạp chí “People” bầu chàng là ‘The sexiest man alive” và là một trong hai mươi người đàn ông hấp dẫn phụ nữ nhất thế giới.

 Kết thúc câu chuyện, họ chỉ là “partner”, bạn nhảy ưng ý với nhau trên sàn nhảy. Sau khi thắng trong cuộc thi, chàng vẫn là người chồng chung thủy, hiểu và thương  vợ mình hơn. Chàng vẫn là ông bố tốt của hai cô con gái. Chàng dạy vợ học nhảy sau khi khám phá ra nhiều điều mới mẻ về giá trị của tình yêu,  hạnh phúc và cuộc sống từ lớp học nhảy đầm.

Tôi cũng rất thích Richard Gere diễn xuất, nhảy và ca hát trong phim nhạc kịch “Chicago” vai Billy Flynn, một luật sư tài ba, thành công, đầy mánh khóe xảo quyệt, dàn cảnh, phù phép chạy tội cho khách hàng là Roxie  (Rene Zellweger) một cô gái nũng nịu, điệu đàng, nhiều tham vọng trở thành ngôi sao trên sân khấu lớn. Roxie bị kết tội bắn người vì bị lừa. Sân khấu ca nhạc tại Chicago cũng là thế giới ảo của Velma (Catherine Zeta- Jones)  cô gái cũng bị kết tội bắn tình nhân và cô em gái. Hai người gặp nhau trong nhà tù và tìm cách gây ảnh hưởng với Billy. Kết thúc Billy bào chữa cho Roxie thoát tù và Velma được ân xá. Họ cùng hát trên sân khấu nhỏ bằng tài năng của mình chứ không phải bằng cách đi tìm danh vọng ảo đầy dối trá, lường gạt và hào nhoáng mà Billy đã nói “It’s Chicago”.

Là một nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi sự độc lập cho đất nước Tây Tạng, nhà từ thiện lớn, một Phật tử thuần thành, một diễn viên tài ba và đào hoa, Richard được biết nhiều với một sự nghiệp điện ảnh khổng lồ và nhận nhiều giải thưởng về xã hội, tôn giáo và điện ảnh. Riêng lãnh vực điện ảnh, cuốn phim duy nhất, đặc biệt “Hachi, A Dog’s Tale” vai diễn cùng với chàng là con chó tên là Hachi.

Đây là chuyện có thật về con chó  Hachi.

 
*

Hachi là tên giống chó nhỏ Akita, đặc biệt, lông trắng, dòng dõi huyết thống của nó có từ ngàn năm trước, sinh tháng 11 năm 1923  tại trang trại thuộc thị xã Odate, quận Akita, thành phố Tokyo Nhật Bản. Hachi tiếng Nhật có nghĩa là số tám, một con số tượng trưng cho sự may mắn.

Giáo sư  Hidesaburo Ueno của trường đại học Tokyo là chủ nhân của con chó. Mỗi buổi sáng, đều đặn như thế, dù mưa hay nắng, ông làm công việc của một nhà giáo gương mẫu “sáng vác ô đi tối vác về”. Hachi theo chủ đi bộ đến nhà ga Shibuya gần đó. Nó chờ ông lên tàu rồi lững thững về nhà. Chiều đến, cứ vào khoảng năm giờ, Hachi  đến nhà ga, ngồi ở bục nhỏ trước sân ga đón ông.

Một hôm, Giáo sư  Ueno bị xuất huyết não tại nơi làm việc. Ông mất tại bệnh viện.

Từ đó, cứ chiều chiều là chó Hachi lại tìm  đến sân ga, ngồi chờ, đợi, nhớ, mong chủ suốt gần mười năm. Người dân sống gần đó biết chuyện bèn cho  Hachi ăn, đem Hachi về nhà và cho Hachi một chỗ ngủ nhưng Hachi vẫn tìm cách chạy đến ngồi ở sân ga Shibuya chờ chủ về.

Từ một chú chó nhỏ tinh nghịch, nhanh nhẹn, xinh xắn, bụ bẫm ngày nào, Hachi bây giờ tiều tụy, xơ xác, bệnh tật. Vào những buổi chiều tà, khi chuyến tàu từ Tokyo đỗ về ga Shibuya, họ nhìn Hachi cô đơn, im lặng và ngoan ngoãn. Họ  hỏi nhau “Tại sao cứ chờ đợi người không về chứ”. Câu hỏi đó không có câu trả lời.

Ngày tám tháng ba năm một chín ba lăm, vào một đêm tuyết rơi, Hachi chết cóng tại sân ga vì ung thư phổi. Những tấm hình cuối cùng ghi lại Hachi nằm trên một tấm đan bằng cói đặt trên nền đất. Những nhân viên mặc đồng phục xanh của nhà ga Shibuya quỳ chung quanh trong đó có phu nhân của cố giáo sư Hidesaboru. Họ chắp tay. Họ cúi đầu. Họ lau nước mắt. Đám tang Hachi ở nhà ga Shibuya đông nhất từ trước tới nay và có tiếng kinh cầu nguyện của các nhà sư.

Sau khi Hachi mất, người học trò cũ của giáo sư Hidesaburo là Saito về thăm quận Akita để nghiên cứu về giống chó Akita. Biết chuyện Hachi, ông viết bài về sự trung thành của Hachi và đăng trên tờ Asahi Shimbun với tựa đề “Câu chuyện một con chó buồn”.

Tin tức được loan truyền nhanh trong nước Nhật. Hình ảnh Hachi ngồi chờ chủ  gần mười năm và chết trong tuyết lạnh đã làm cho người dân Nhật xúc động. Họ dựng tượng đồng Hachi tại nhà ga Shibuya. Họ làm bia tưởng niệm Hachi cạnh mộ vị giáo sư. Họ đặt tên Hachi cho lối đi vào nhà ga. Tên Hachi được khắc trên nắp cống, trên các bức tường nghệ thuật trong quận. Họ đặt tên “Shibuya Hachiko Bus” cho các chuyến xe buýt  công cộng. Xương và hình ảnh Hachiko nhồi bông được đưa vào bảo tàng “Tự Nhiên và Khoa học Quốc Gia”. Đài CBN cho phát hành tiếng sủa của Hachi. Ngoài ra, họ  viết truyện “ Hachiko, Chú Chó Trung Thành”, “Hachiko, Chú Chó Đợi Chờ”. Người Nhật làm phim “Chuyện chú chó Hachiko” (Hachiko Monogatari).

Và Holywood làm phim “Hachi, the Dog’s Tale”để tưởng nhớ Hachi.

                                            
*

Trong phim “Hachi, the Dog’s Tale” chàng tài tử điển trai tóc màu bạch kim Richard Gere đóng vai giáo sư Hidesaburu. Thằng con tôi nói đúng, chàng trông già đi vì tuổi đời nhưng rất hợp trong vai một ông giáo già. Chính chàng cũng tự  nhận mình già trên trang mạng cá nhân sau bao nhiêu năm gắn bó với điện ảnh và những cuộc hôn nhân tan vỡ. Chụp ảnh gần, mặt chàng xuất hiện  những dấu ngoặc đơn và ngoặc kép dọc theo hai bên bờ môi, những vết chân chim tỏa ra hai bên đuôi mắt và trên vầng trán rộng. Đôi má chàng hình như hóp đi. Nụ cười rạng rỡ và đôi mắt thông minh vẫn còn đó.Thần tượng dù có già đi theo năm tháng nhưng nét điển trai của người đàn ông từng trải đã vào lứa tuổi lục tuần vẫn còn sức quyến rũ đối với phái nữ.

 Hãng phim ở Hollywood xây dựng hình ảnh giáo sư dạy sử  Parker tóc bạch kim trong bộ “vest” xám, sáng nào cũng vác chiếc cặp  đáp chuyến tàu hỏa tốc hành lúc tám giờ đến tỉnh Providence dạy học. Năm giờ chiều, khi còi tàu hụ là lúc ông lững thững rời sân ga Bedridge Station về nhà. Một hôm trên đường về, trời đã tối, ông bắt gặp một con chó lạc chủ đi lang thang. Ông ôm nó về nhà, dấu vợ, nhốt trong nhà kho.

Bà vợ cấm nuôi chó. Chỉ có đứa con gái là đồng tình với bố muốn giữ con chó lại. Ông chiều vợ, in những tờ flyers dán ở sân ga và khắp nơi báo tin con chó lạc. Ông năn nỉ bạn bè nhận nuôi dùm nhưng ai cũng từ chối. Trong khi chờ chủ đến nhận, mỗi ngày ông ra sân dạy nó chơi banh, ông ăn, ngủ, dành nhiều thì giờ chăm sóc Hachi. Một hôm bà vợ đứng ở cửa sổ nhìn xuống sân, thấy ông  như đứa trẻ, bò lê bò càng, ngậm trái banh vui chơi với Hachi, bà động lòng thương. Từ đó con Hachi trở thành người bạn nhỏ của ông.

Hachi ngồi ở trung tâm nhà ga trước bồn hoa của thị xã chờ ông đã lâu lắm rồi. Từ xa, thoáng thấy bóng ông, Hachi phóng tới, lao vào người ông, hai chân đứng thẳng, dụi mỏ vào tay, vào mặt ông. Đuôi nó quẫy mạnh, lăng xăng,  hớn hở, vui mừng, sủa từng tràng như muốn nói “I miss you”. “I love you”. “You come back”.

 Ông thầy giáo phải bỏ chiếc cặp xuống đất. Ông khom lưng, cúi đầu “say hello”, cọ má vào mặt, cười giỡn với nó  một hồi trên sân ga. Loài người có thói quen bắt tay chào nhau hoặc ôm nhau khi gặp nhau. Với giáo sư, con chó Hachi còn muốn hơn thế nữa. Nó nũng nịu áp vào lòng ông. Nó muốn được ôm. Biết ý nó, ông dang tay ôm cả thân hình của Hachi  như ông bố ôm đứa con trai cưng của mình. Thế là từng bước, chầm chậm, “ông bố”  xách cặp đi trước, “thằng con” Hachi lẽo đẽo theo sau. Về nhà.

Có những hôm ông giáo ngồi xem tivi với một lon bắp rang theo thói quen truyền thống của người Mỹ. Hachi ngồi bên cạnh, đớp những hạt bắp rang trên tay ông hay ông đút vào miệng nó. Có khi nó giành ăn với ông. Hai người bạn không nói lời nào vì ông đang mê xem bóng đá. Nó là người bạn hiểu và biết điều. Nó nằm thật ngoan bên cạnh ông, chẳng bao giờ sủa bậy hay làm phiền ông vào những lúc căng thẳng nhất của trận bóng đá.

Có những khi ông ngồi chơi đàn piano, nó nằm yên lặng, nhàn nhã dưới chân ông, đôi con mắt mở to, cái đuôi ngoe nguẩy. Thỉnh thoảng nó ư ứ vài tiếng nhỏ trong miệng như cho ông biết  có một người bạn nhỏ đang thưởng thức tiếng đàn của ông.

Những buổi sáng trước khi đi làm, ông lo bữa điểm tâm cho Hachi bằng những ly sữa. Những cái vuốt ve như những lời từ giã  “good bye” bạn nhé, hẹn gặp lại bạn “see you soon” làm cho đôi mắt của Hachi lim dim. Mùa xuân, mùa hè, hai người bạn, một người già và một con chó nhỏ cùng song đôi chạy bộ qua những con đường vắng hay ra phố dạo chơi. Mùa thu, ông sang nhà Hachi ở sân sau. Chiếc nhà gỗ nhỏ của nó ngập lá vàng. Người bạn và con chó nằm lăn lộn chơi đùa trên đám lá khô hoặc nằm yên ngắm trời, ngắm cây, ngắm nắng. Mùa đông, sân nhà là một màu trắng xóa, ông chạy giỡn, ném tuyết, ném banh với nó, ôm nó vào lòng trong cái giá lạnh  như muốn truyền hơi ấm của ông cho người bạn nhỏ.

Mỗi ngày, sau khi ông lên tàu, Hachi  rong ruổi trên phố xá một lát  rồi mới về nhà. Chiều chưa tắt nắng, không cần nhìn đồng hồ, thời tiết của thiên nhiên cho Hachi dấu hiệu đến giờ đón chủ về. Nhìn nó tung cánh cửa, phóng qua hàng rào hàng xóm, chạy băng băng  một mình trên con đường vắng đến sân ga, thở hồng hộc rồi dừng lại đúng chỗ bồn hoa đối diện với sân ga chờ ông về cùng.

Sự  ra đi của giáo sư Hidesaburo giống như hình ảnh vào mùa xuân, những chiếc lá xanh tươi mơn mởn trên cành đong đưa trước gió giờ đã úa vàng và rơi rụng tơi tả trên mặt đường. Cành lá khô khẳng khiu, trơ trụi là chu kỳ của thiên nhiên qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cũng như đời người có sinh ắt có diệt để rồi theo vòng luân hồi mà tái sinh.  Sân ga vắng người nhưng Hachi vẫn ngồi đó. Mọi người đến ôm Hachi, vuốt ve, vỗ về bảo Hachi về đi nhưng Hachi không nghe lời ai cả. Nó chỉ nghe lời một người nhưng người ấy Hachi đang chờ đợi mỗi ngày.

 Hachi đi đứng càng ngày càng chậm chạp và nặng nề. Nó nằm ủ rũ, mệt nhọc. Trong phim, trước khi Hachi tắt hơi, hình ảnh ông giáo sư hiện ra mờ mờ ảo ảo, tươi cười và giơ tay vẫy Hachi. Khi Hachi còn sống, hình ảnh này là hình ảnh luôn luôn có trong đầu Hachi. Khi ông mất, hình ảnh ông  thể hiện qua ánh mắt của nó. Có lúc Hachi ngơ ngác nhìn đâu đâu. Có lúc đôi mắt cụp xuống buồn buồn.Có lúc Hachi nheo mắt nhìn xa xôi. Có lúc đôi mắt nhắm nghiền. Hình ảnh của ông là hình ảnh cuối cùng Hachi mang theo trước khi lìa đời.

 Hachi nằm xuống trên nền tuyết lạnh, đầu cúi xuống và đôi mắt nhắm lại. Người ta đếm từng ngày kể từ khi ông giáo sư ra đi  đến ngày Hachi mất tổng cộng là chín năm chín tháng mười lăm ngày.

 
*

 Trung thành với chủ nuôi là đức tính của loài chó. Chó cũng là người bạn tốt nhất của con người vì nó không biết thế nào là phản bội. Mặc dù không biết nói nhưng phần lớn những con chó nuôi trong nhà đều biểu lộ ít nhiều nỗi buồn khi  xa vắng chủ. Hachi là một trong những chú chó trung thành với chủ nhưng khác với những con chó khác, tình thương của Hachi đối với chủ quá lớn khiến Hachi có đủ kiên nhẫn và bền bỉ chờ chủ gần mười năm.

Lịch sử kể nhiều câu chuyện về các chú chó trung thành với chủ như chuyện chú chó Theo của hạ sĩ Tasker ở chiến trường Afghanistan. Là một hạ sĩ bắn tỉa, anh nuôi chú chó Theo để đánh hơi, tránh bom đạn và truy tìm địch quân. Tasker hy sinh ở chiến trường. Theo được đưa về căn cứ và chết sau đó. Theo được huy hiệu Victoria của Quân Đội Hoàng Gia Anh.

Chuyện kể chú chó Capitan là giống chó Đức, chủ nó là Manuel Guzma người Argentina. Ông Manuel mất. Vài tuần sau, gia đình đi thăm mộ thấy Capitan nằm chờ ở mộ. Mọi người ngạc nhiên vì chú chó chưa từng đến nghĩa trang bao giờ. Làm cách nào nó tìm được nghĩa trang và trong hàng ngàn ngôi mộ, nó tìm được chính xác ngôi mộ của chủ. Khi mọi người đi về, Capitan ở lại ngôi mộ và  ngủ cả đêm ở mộ chủ.

 Năm 2001, tòa nhà “Twin Tower” tại Trung Tâm Thương mại Thế Giới  New York bị khủng bố tấn công. Ông lão mù Omar Eduardo kẹt ở tầng 21 của tòa nhà. Ông tháo dây thả con chó Doredo. Lát sau Doredo quay lại dẫn theo một người. Người này đã giúp ông rời khỏi tòa nhà trước khi tòa nhà sụp đổ.

 
*

Nước Nhật là một quần đảo nhỏ bị nhiều tai họa như hai quả bom nguyên tử, động đất, sóng thần... Người dân Nhật, từ những đống đá vụn đã đứng lên xây dựng đất nước. Câu chuyện về chú chó Hachi là nguồn cảm hứng và biểu tượng cho nước Nhật. Đó là tình thương yêu, tình bạn giữa người và vật và giữa con người với con người; là lòng trung thành với đất nước, sự thủy chung trong cách đối xử giữa con người với nhau trong gia đình và xã hội ; là đức tính kiên nhẫn, bền bỉ trong cách làm việc và cách sống đã đưa nước Nhật nhanh chóng trở thành một cường quốc.

Benjamin Franklin, một triết gia, một chính trị gia và là nhà khoa học nói về sự trung thành: “Có ba người bạn trung thành với bạn: một người vợ tấm cám. Một con chó nuôi từ nhỏ. Một số tiền dự trữ”. Josh Billings tiểu thuyết gia bàn về tình yêu của chó: “Chó là điều duy nhất trên trái đất này yêu bạn hơn yêu chính nó”. Tài tử điện ảnh Robert Wagner cho rằng: “Chó sẽ dạy bạn tình yêu thương vô điều kiện. Nếu bạn có điều đó trong đời, cuộc sống của bạn sẽ không tồi tệ”. M K Clinton một nữ tiểu thuyết gia bàn về tình yêu vô điều kiện: “Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu ai cũng có khả năng yêu thương vô điều kiện như chó. Và, “Chó trung thành, kiên nhẫn, không sợ hãi, bao dung và có một tình yêu thương trong sáng”.

Chó là loại thú cưng.Thế mà trên thế giới này, theo thống kê có những quốc gia  như Hàn Quốc mỗi năm giết hai triệu con chó. Nhưng vẫn còn thua Việt Nam lên đến năm triệu con. Số chó nuôi trong nước không đủ, họ còn nhập lậu từ Thái Lan và các nước khác mới đủ cung ứng nhu cầu. Những người ăn thịt chó còn cho đó là món “quốc hồn quốc túy” và ca ngợi văn hóa ẩm thực đặc biệt này “Sống trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không”. Hà Nội có làng chuyên bán thịt chó và hàng năm họ có “truyền thống” tiêu thụ vài tấn thịt chó trong những ngày Tết.

Đối với những người thích ăn thịt chó, mời họ nên xem phim “Hachi, The Dog Tale”. Sự thông minh. Lòng trung thành. Khả năng yêu thương vô điều kiện để chó trở thành một người bạn nhỏ của chúng ta. Nuôi dưỡng ý thức này và lòng từ bi đến muôn loài sẽ cứu vớt sinh mạng của hàng triệu con chó.

  Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
19/06/201801:14:36
Khách
Câu chuyện hay đề tài hay và cách viết củng hay.Tôi là người rất thích đọc các bài viết của tác giả.
Mong được đọc nhiều bài mới .Cám ơn tác giả
14/06/201804:24:12
Khách
Không nui chó không thích chó không thương chó nhưng đừng bao giờ ăn thịt chó nha bà con..Tôi biết có người bắt chó bán, giết chó ăn thịt chó ngon lành là người xấu và tàn, ác. Họ không tin nhân quả, không sợ mang tội.
Tôi nui một con chó thông minh và thương chủ nên đọc bài này rất vui vì thấy con Hachi rất giống con chó tôi nui ở nhà.
Tôi rất thích bài vết về con chó Hachi. Cám ơn tác giả
13/06/201823:52:36
Khách
Phim có cái hay của phim. Văn có cái hay của văn. Đọc chậm, ghi nhận từng lời văn tả chi tiết về tình bạn giữa Hachi và ông giáo già mới thây có những điều phim không thể diễn tả hết được.
Một câu chuyện hay , phim hay và một phong cách viết đặc sắc.
13/06/201821:14:44
Khách
Tác giả viết văn hay và còn là một nhà điểm phim hay.
Tôi rát thích Richard Gere nên đọc baì viết này thật là thú vị.
Cám ơn tác giả.j
13/06/201821:09:39
Khách
Chuyện cũ nhưng cách viết vẫn mới và hấp dẫn.
13/06/201818:35:45
Khách
Truoc nam 1975 toa Đaì Su V N CONG HOA toa lac rat gan nha ga Shibuya nam 1969 toi duoc đi Nhât vi anh cua toi lam viec tâi Toă Đai Sư .Phuong tien di chuyen công cong lă tău điên vă xe búyt ,toi đi qua nha ga Shibuya hăng ngăy luc năo cung dưng lai tuong đông HACHIKO .Toi rat thich vă yeu men nhung băi viet cua CO, toi lă mot fan cua co đăy.Đoc băi năy lăm toi nhô đên nguoi anh cua toi đa khong con nua. Mot chut ngam ngui T
13/06/201816:21:55
Khách
Thời chiến tranh ở Âu Châu, thịt chó, thịt mèo được gọi chung một tên
là siege meat. Nga`y nay , ở Pháp vẫn còn ăn thịt ngựa. Trong khi
ngựa rất được tôn trọng o? Việt Nam vì dùng để làm phương tiện di chuyển
Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng miền Nam Việt Nam, một anh nhà nông
cung cấp thóc trộn mạt cưa cho ngựa của lính Nhật, chẳng may con
ngựa chết vì ăn mạt cưa, lính Nhật bắt anh nông dân Miền Nam thồn
vào bụng con ngựa đã hết và chôn chung với nhau
Ngày Noel Ngã Ba Ông Tạ Sàigo`n rất nhộn nhịp , để ăn bữa tối reveillon
món chính là "thịt chó" , thay cho ngỗng hay gà tây.
13/06/201813:06:16
Khách
Tôi cũng nuôi chó và cũng yêu thương nó. Nhưng tôi làm cho nó cái nhà và để nó sống ngoài sân sau. Người Mỹ hầu hết nuôi chó trong nhà và rất nhiều cho chó ngũ chung phòng và có khi chung giường luôn. Tôi đi làm xa, thường mướn phòng ngủ qua Airbnb nên thấy nhiều việc lạ. Có anh ly dị ở chung phòng với ba con chó. Có cặp vợ chồng share phòng ngủ với một con chó và một con mèo. Bạn tôi lấy Mỹ sau phải ly dị vì nàng muốn con chó của nàng được share cái king bed của hai chúng mình. Ôm chó cứ tưởng ôm vòng người yêu. Người Việt qua đây cũng có người thích học cách sống chung phòng với chó.
Tôi chống việc ăn thịt chó nhưng tôi cũng chống Iệ share phòng ngủ với chó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về sự khó khăn để hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt lớn tuổi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Bẩy 2016. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học.
Tôi là Hoàng Nga Bằng (bút danh Nga Bằng). Tôi là giáo viên Tiếng Nga, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1961. Tôi là học sinh trường Nữ Trung học Trưng Vương từ 1951 đến 1959. Bố tôi là công chức thời Pháp.
Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, là cựu nữ sinh Ngô Quyền và là sinh viên Luật dở dang vào năm 1975. Mong Bà sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống tại Virginia và là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon,
Với bài viết “Tháng Tư, Tro Tràn Bay Trắng Đầu”, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể,
Nhạc sĩ Cung Tiến