Hôm nay,  

Bệnh Viện và Tôi

12/06/201800:00:00(Xem: 10555)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5410-19-31251-vb2061118

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
 

 ***
 

Tháng Ba năm 2006. Tôi đang làm cho chị chủ tiệm Nail cũng là người Huế, ở đường Metric. Hôm đó là thứ Năm, buổi sáng đi làm không chi, rứa mà buổi chiều bỗng dưng cảm thấy đầy hơi, tôi nghĩ: “Chắc ăn cái chi nặng bụng, thôi nhịn buổi tối, để cho bụng rỗng, ngày mai sẽ khoẻ hơn.”

Chị chủ tiệm nghe tôi than van, còn đùa, “Cái tội hư ăn, nê bụng là đúng rồi!"

Thứ Sáu, cảm giác đầy hơi không bớt đi chút nào, trái lại thì có. Muốn ợ hơi cũng không ợ được. Tôi ăn cháo và uống Peptobismol, một loại thuốc mua ở chợ, không cần toa của bác sĩ.

Bận khách suốt ngày, tôi quên mất cái bụng trở chướng, cho đến tối về, mới thấy bụng có cảm giác như phình to ra. Lại uống tiếp Peptobismol, và nhịn đói đi ngủ. Trước khi ngủ, tôi nói với ông chồng và đứa con gái “Nếu tôi mà đau thêm, thì phải chở vô bênh viện, đau trong bụng khó chịu lắm.”

Ổng cười: “Giờ bà muốn làm bác sĩ luôn hả?” Nhưng trái với dự đoán, tôi ngủ ngon, đánh một giấc tới sáng luôn!

Thứ Bảy, lại tiếp tục bận túi bụi vì cuối tuần khách đông. Cảm giác đầy hơi vẫn còn, muốn ợ hơi nhưng không làm sao ợ được, uống gần hết chai thuốc Peptobismol, cũng không thấy đói bụng, mặc dù gần 2 ngày không ăn chi được, chỉ uống nước thôi! "Kiểu này là tui không cần phải ăn kiêng mà vẫn giữ eo được đó chị chủ à!” Tôi đùa.

Chủ nhật, không phải đi làm, mệt mỏi nên tôi nằm ráng trên giường, “Chắc là bà làm việc nhiều quá, hôm nay nghỉ cho khoẻ.” Ông chồng tôi nói: “Mà cũng có thể vì bà không chịu tập thể dục.”

Cả ngày tôi không bước chân ra khỏi phòng, ngủ chập chờn, mơ màng. Đến chiều tối, ông chồng tôi cương quyết bắt tôi đi bộ một vòng với ổng, “Cho khoẻ người ra.” Ổng nói.

Tôi thật tình không bước nổi, nhưng nể mất lòng ông chồng, phải “lết” theo ổng. Tôi cằn nhằn, “Không muốn đứng chứ đừng nói chi đi bộ một vòng quanh xóm!”

Thứ Hai, dậy đi làm, cảm giác mệt mỏi càng tăng lên, gần 3 ngày không ăn, chỉ uống nước cầm hơi!

Chắc chắn có cái gì không ổn, chớ người ham ăn ham uống như tôi mà cả 3 ngày không ăn thì đâu phải là “chuyện thường ngày ở Huyện!”

Tôi gọi lấy hẹn với bác sĩ, “Trưa mai, thứ Ba, 11:30” Cô nhân viên ở văn phòng Bác sĩ báo cho tôi hay.

Sáng thứ Ba, nghỉ làm, nhịn đói tôi đi gặp bác sĩ.

Bác sĩ hỏi:

“Bà đau làm sao?”

“Đau một bên bụng phải, không nhói nhưng khó chịu và kéo dài mấy ngày rồi. Chắc chắn không phải bao tử, hay sỏi thận, vì mấy bệnh nớ tui bị rồi, nên rành lắm! Tui nghĩ là tui bị viêm ruột thừa.”

Bác sĩ:

“Không có đâu, bởi vì ruột thừa mà nhiễm trùng thì đau lắm. Ông chồng tôi, cao to gấp đôi bà, mà năm ngoái bị viêm ruột thừa, đau quá, ổng kêu la; bò khắp nhà tắm trước khi tôi đem vô cấp cứu ở bệnh viện. Bà đâu có đau, chỉ thấy khó chịu thôi mà, đúng không?”

“Tui không bị đau, nhưng mà thấy khó chịu lắm, nằm ngồi không yên, mệt và yếu hẳn.” Tôi đáp một cách uể oải.

Sau khi khám,  bà BS cho qua làm xét nghiệm máu ở phòng bên cạnh, đồng thời bà bảo cô y tá gọi lấy hẹn cho tôi làm CT. “Hôm nay bà đã ăn gì chưa? Chúng tôi lấy hẹn cho bà lúc 4 chiều nay.” Bác sĩ hỏi.

“Chưa, chỉ có uống ly cà phê thôi.” Tôi đáp, mà thật ra gần cả 4 ngày nay có ăn uống gì nhiều được đâu!

-"Vậy thì đừng ăn gì, hẹn cho bà 4 giờ chiều nay làm CT ở trên Roundrock.” Bác sĩ dặn cô y tá.

Gần 1 giờ trưa thì xong mấy cái xét nghiệm, tôi về nhà nằm nghỉ tiếp.

Đến 3 giờ rưỡi thì tôi lái xe đi làm CT. Sau khi ghi tên vào giấy hẹn, một cô y tá ra đưa giấy tờ cho tôi điền thông tin cá nhân, rồi hỏi “Bà muốn “Sô-cô-la" (Chocolate) hay “Va-ni-la” (Vanila) ?"

Tôi nghĩ, “Khi không tự nhiên hỏi mình ưng ăn kem Sô-cô-la hay Va-ni-la, mấy người ni thiệt là vô duyên! Hay là tui hư ăn nổi tiếng quá, nên họ biết?” Làm đày làm láo nghĩ vậy, nhưng cũng lịch sự nói lắc đầu.

Có lẽ cô y tá nghĩ là tui không nghe, nên lập lại một lần nữa. Tui nổi cáu

“Tui mệt, cô đừng có hỏi nhiều. Tui bị đau trong bụng, không thích ăn chi cả; không thích Sô-cô-la; cũng không thích Va-ni-la.””

Cô y tá nhìn tôi cười:

“Bà hiểu lầm rồi, đây là thuốc bà phải uống để người ta làm CT. Hiện tại, chúng tôi chỉ còn 2 loại có mùi Sô-cô-la và Va-ni-la, chứ không phải tôi mời bà ăn kem đâu.”

“Ờ, vậy thì loại gì cũng được.” Tôi hơi ốt dột, nên cười trừ. Uống xong, cô dặn tôi ngồi đợi.

Clinic này khá lớn, bao gồm cả X-ray, CT, Mammogram… bệnh nhân đông đúc, cả phòng đợi rộng vậy mà người ngồi đợi kín luôn. Ở một góc phòng có quầy tự phục vụ cà phê. Mặc dù tôi thường không uống cà phê buổi chiều, nhưng ngồi buồn, tôi làm môt ly, không đường, không sữa.

Vừa uống cà phê, vừa đọc mấy tờ báo, để ý thấy nhiều bệnh nhân đến sau tôi, lần lượt làm thủ tục, và rồi hết người này đến người khác được kêu vào làm xét nghiệm rồi ra về! Riêng tôi vẫn ngồi chờ, không nghe ai kêu cả, “Không lẽ họ kêu tên mình mà mình không nghe? Hay cái cô y tá nớ giận mình nên “trù” bắt mình đợi cho dài cổ?” Tôi thắc mắc.

Phòng khám cũng vắng dần, lúc này chỉ lác đác vài người bệnh.

Nghĩ vậy, nên tôi chạy tới hỏi cô nhân viên trực điện thoại “Cô à, có phải cô quên tui rồi không vậy?”

Ngạc nhiên, cô hỏi “Họ của bà là chi?”

“Graves”

Nhìn vào màn hình computer, cô nói “Không, chúng tôi không quên bà đâu.“

“Vậy thì sao bao nhiêu người tới sau tôi, mà đều xong trước, chỉ còn tôi ngồi lại đây?” Tôi hỏi một cách bực bội.

“Bà làm CT, nên phải đợi khoảng 2 tiếng đồng hồ, cho thuốc vào trong cơ thể, thì máy mới đọc được. Mà đã tới 2 tiếng đâu? Nếu bà mệt thì để tôi tìm cho bà cái giường ở phía trong để bà nằm.” Cô nhân viên lịch sự giải thích, “Ngồi lâu chắc bà mệt lắm, bà ráng đợi nhé.”

“Thôi, để tôi ra ngoài xe ngồi, hoặc đi quanh đây cho đỡ chồn chân. Số điện thoại cầm tay của tôi đây, khi nào tới giờ thì nhắn tin hay gọi lại cho tôi.” Tui hý hoáy viết xuống mảnh giấy số điện thoại của mình.

Buồn buồn tui đi tha thẩn quanh khu vực, thấy tiệm Goodwill (nơi người ta đem tặng đồ cũ, hay đồ sản xuất dư, cũ có, mới có…) đang bày bán hạ giá dép xỏ ngón, còn nguyên nhãn, nên tôi gọi cho chị chủ tiệm, “Nè, họ có bán dép rẻ, chị có muốn em mua chục đôi không? (Vì thỉnh thoảng khách làm chân, quên đem giày hở ngón, thì có sẵn cho họ mua lại.)

Lần bước vào phía trong tiệm, tha thẩn nhìn quanh các dãy áo quần, ví xách, thấy có cái ví nhỏ để đựng tiền lẻ (Coin purse), hình con chuột Minnie Mouse, vui vui, và đang còn mới toanh, nên tui mua luôn. Đúng là đàn bà, miệng thì kêu đau, mà đi shopping thì vẫn cứ mê!

Chuông điện thoại reng, phòng xét nghiệm gọi. Lúc này thì trời bắt đầu nhá nhem tối, một phần vì mùa đông trời tối nhanh, phần vì hôm đó trời mưa, mây mù u ám, xám xịt.

Cả phòng khám giờ chỉ còn mình tôi và mấy cô nhân viên ở bàn giấy đang chuẩn bị dọn dẹp ra về. Một cô dắt tôi vào phía trong, dặn dò thay áo xống, để lại ví xách trong cái tủ nhỏ, sau đó cô lại dẫn ra phòng khác ngồi đợi thêm 5 phút, thì cô chích vào tay tôi một ống thuốc rất to và bảo đợi thêm 10 phút nữa. Thấy ống thuốc tôi đã sợ đến gần muốn xỉu, nên rụt tay lại hỏi, “Có cần phải chích cái ống to ghê vậy không?”

Cô y tá dịu dàng vuốt tay tôi giải thích, “Tôi xin lỗi vì làm bà đau, nhưng bà chịu khó chút đi, bà ráng nhé."

Phòng làm CT bao bọc bằng gương trong suốt, trong đó có cái lồng kính lớn, bệnh nhân nằm thẳng, rồi người ta bấm nút cho giường chạy lui chạy tới trong cái lồng đó, dặn lui dặn tới, “Bà phải nằm yên, đừng “nhúc nhích ngo ngoe”, chứ không thì phải làm lui làm tới đó."

Xong xuôi, tôi uể oải về lại cái phòng ban đầu để thay áo quần và lấy tư trang, trước khi có người dẫn tôi trở ra phòng đợi, thì cô nhân viên làm CT quay qua tôi nói, “Bà về nhà, chắc chắn bác sĩ gia đình sẽ gọi cho bà. Bà nhớ trả lời điện thoại nhé.”

Trời đổ mưa to, tôi lái xe chậm chạp, từ từ vì mệt, thông thường cỡ 15 phút là tới nhà, nhưng hôm đó cũng gần nửa tiếng tôi mới về tới nhà. Lúc này thì trời đã tối hẳn rồi.

Bước chân vô nhà tôi nói lại những gì cô nhân viên ở CT dặn, ông chồng nhìn tôi lo lắng, “Có lẽ mình phải đi bệnh viện cấp cứu đó bà à. Bởi vì không có bác sĩ nào lại gọi cho mình ngoài giờ làm việc; ngoại trừ cấp cứu.”

Chẳng nói chẳng rằng, tôi vào giường nằm nghỉ. Chưa đầy 10 phút thì điện thoại reng, “Ông phải đưa bà vào cấp cứu ngay nhé. Bà bị viêm ruột thừa, phải đi ngay không chờ tới sáng mai được đâu. Ông định đưa bà tới bệnh viện nào để chúng tôi fax toàn bộ xét nghiệm, và CT tới?” Bà bác sĩ hỏi chồng tôi.

Bệnh viện rất gần nhà, có 10 phút thì tôi đã ngồi ở ghế chờ trong phòng cấp cứu. Tôi nghe người ta nói, ở phòng cấp cứu, phải đợi 3, 4 tiếng đồng hồ là chuyện thường, ngoại trừ bệnh tim, nhưng tối hôm đó, ít người bệnh hay sao, chỉ một lát thì người ta gọi tên tôi.

Ông chồng giúp tôi điền giấy tờ, "Từ 1 tới 10, bà đau cỡ nào?”

Tôi nói “Không có đau, chỉ thấy khó chịu, chọn đại 1 hay 2 cũng được.”

Ổng cười, “Đau ruột thừa mà sao 1 hay 2 được, ai cũng bảo đau thấu trời xanh, đau hơn đau đẻ!”

Tôi la ổng, “Không tin thì thôi, đang mệt trong người mà cứ hỏi hoài. Họ không nhận bệnh nhân thì về nhà nghỉ cho khoẻ.”

Sau khi hoàn tất giấy tờ, cô y tá giúp tôi thay áo quần, bảo tôi nằm dài trên cái giường rồi bắt đầu đặt ống chuyền ở khuỷu tay, dây dợ tùm lum, đo nhiệt độ, đo huyết áp, lấy máu. Mấy cô y tá cứ chạy lui chạy tới lăng xăng làm tui càng thêm chóng mặt, mà thấy họ tội thiệt, mỗi cô đeo trong người cũng phải 3,4 cái điện thoại, rồi có cả bộ đàm, cái này reng, trả lời chưa xong thì cái khác lại reng, lại trả lời. Họ làm việc như một cái máy vậy, trông thật vất vả.

Một ông bác sĩ tới và tự giới thiệu, “Tôi là Bác sĩ phẩu thuật Rice, tôi sẽ chịu trách nhiệm mổ ruột thừa cho bà.” Rồi ông chỉ cho tôi và chồng tôi coi hình cái ruột thừa bị viêm, từ cái Ipad.

Chậm rãi ông giải thích “Trong trường hợp của bà, khi ruột thừa sưng lên, nó nằm chặn lên ruột, thành ra khí trong ruột không di chuyển được, gây ra cảm giác muốn ựa hơi mà không ựa được, đúng không?”

Tôi mừng quá, ông bác sĩ ni giỏi ghê, nói đúng như thần!!!

Rồi tiếp đó là ông bác sĩ khác tới, tự giới thiệu “Bác sĩ gây mê Hays, bà có cần hỏi gì không?”

Chừng một tiếng sau, thì 2 người mặc đồng phuc của phòng mổ, tới đẩy giường tôi đi, ông chồng tôi theo sau. Tới trước cửa phòng mổ, cô y tá nói “Ông có thể đợi ở phòng ngoài, khoảng vài tiếng. Sau đó sẽ đưa về phòng thường ở lầu 3, chứ không về lại phòng cấp cứu nữa. Ông nhớ để lại số điện thoại để nhân viên bệnh viện liên lạc nhé.”

Ông chồng tôi cái mặt rầu rĩ giống như gần khóc dặn, “Bà yên tâm nhé, tôi đợi ở phòng dành cho người nhà.”

Dù đang đau, tôi cũng phì cười, “Tui bị ruột thừa, chơ có phải bệnh thập tử nhất sinh mô mà cái mặt ông ngó "rầu máu”, thảm não rứa?"

Rồi tôi làm ra vẻ ta đây anh hùng, không “sợ ma bệnh viện” bảo, “Thôi; ông về nhà ngủ cho khoẻ, với lại coi hai đứa nhỏ, tui ở đây không can chi đâu. Có bác sĩ, y tá lo rồi, ông ở lại thêm vướng họ thôi, sáng mai vào lại cũng được.”


Cánh cửa phòng mổ mở ra cũng là lúc tôi bắt đầu thấy buồn ngủ, và tôi có nói thêm gì đó nhưng không thể nhớ được.

 

Sau đó bao lâu không rõ, nửa tỉnh nửa mê tôi lơ mơ nghe tiếng cô y tá “Đây là cái điều khiển, nếu bà cần gì thì bấm số 1, tôi sẽ đến ngay.”

Vì người ta chuyền thuốc nên tôi cứ phải mắc tiểu, sau 3 lần bị tôi “bấm số 1” gọi suốt cả đêm, thì đến lần thứ 4 cô y tá nói “Lại là bà nữa sao?” Tôi cũng không vừa, nên giả vờ ngây thơ trả lời lại “Nếu cô không muốn giúp đưa cái bô thì tôi đi tiểu ra giường, chỉ sợ cô mất công dọn giường thôi đó chơ?”

Gần sáng, tôi không ngủ được nữa, mà nằm hoài cũng buồn, nên lò mò ngồi dậy, muốn đi lui đi tới cho giãn gân cốt, nhưng vì đống dây dợ dính liền với cái monitor nhỏ, có cái móc để treo mấy chai thuốc chuyền, nên đi đâu cũng phải kéo nó theo. Mới đi được mấy bước, nghe cái máy reo inh ỏi, thì tôi nghe giọng ai đó nói, “Bà định làm gì vậy?”

Tôi ngạc nhiên, vì có thấy ai đâu, cũng chẳng thấy màn hình computer nào trong phòng, cứ tưởng mình nghe lầm, nên cứ bước. Thì tôi lại nghe ai đó nói, “Bà không nên đi, có gì cần chúng tôi sẽ đến giúp.”

Lúc này thì tôi mới nhìn thấy ngọn đèn tròn màu xanh đen trên trần nhà, mà tôi đoán là camera để theo dõi bệnh nhân trong phòng, tôi cười (cũng phải mấy ngày rồi tôi mới cười lại được đó chơ!), “Tôi không muốn làm phiền mấy cô, tôi khoẻ rồi, chỉ muốn đi lui đi tới tập thể dục thôi."

Khoảng 7 giờ cô y tá trưởng tới kiểm tra, “Sức khoẻ bà tốt lắm. Đợi bác sĩ đến khám thì sẽ hoàn tất giấy tờ cho bà ra viện”

Tôi hỏi, “Tôi có thể ăn được chưa? Đói bụng lắm rồi.”

Cô cười, “Được chứ. Thực đơn của nhà ăn đây, bà chọn món rồi gọi nhé.”

Tôi nói cám ơn và bấm số điện thoại của nhà ăn bệnh viện.

“Chào bà, Bà muốn dùng gì cho buổi điểm tâm?” Họ nói.

“Thế tôi được và không đươc ăn cái gì?” Tôi hỏi.

“Theo hồ sơ thì bà có thể ăn mọi thứ, không kiêng cử món gì cả.”

“Thật sao? Vậy thì tốt quá. Tôi muốn cà phê sữa, nước cam, da-ua, trứng; thịt bò và bánh mì. Nhanh nhanh lên nhé, tôi đói bụng gần xỉu rồi đây, tôi có thể ăn cả con bò chứ không phải đùa đâu.”

Thức ăn được đưa đến đang còn bốc khói, tôi ăn một lèo, sạch cả khay. Khoẻ hơn hôm qua nhiều!!!

Ông chồng dẫn 2 đứa con gái vào thăm, “Mẹ ơi, phòng bệnh viện mà đẹp như ở khách sạn!” Hai đứa con trầm trồ.

Tôi kể, “Hồi nãy, cô y tá hỏi mẹ, bà có thắc mắc gì không, thì mẹ nói cho tui ở thêm ít ngày! Cô ấy trợn tròn mắt ngạc nhiên vì bình thường ai cũng muốn về nhà, không ai muốn ở bệnh viện. Mẹ nói là vì ở đây, ăn ngon, ngủ ngon, không phải làm gì cả, ha ha ha. Cô y tá có lẽ không biết mẹ nói đùa, nên nói một cách hùng hồn, bà đừng lo, tôi sẽ dặn ông chồng bà không để bà phải làm gì đâu. Lúc đó thì mẹ phì cười với cô và nói, tôi chỉ đùa thôi, cám ơn cô.”

Chồng tôi kể, “Hồi đêm, tôi về nhà, “Đố 2 đứa con biết trước khi người ta đưa mẹ vào phòng mổ, bị thuốc mê ngủ, mẹ dặn chi không?”

Sa nói “Mẹ nói mẹ thương Sa nhứt.”

Vi cãi, “Mẹ nói mẹ thương Vi nhứt chơ!”

“Sai cả hai.” Chồng tôi đáp.

"Vậy mẹ nói chi?” Hai đứa con càng tò mò hơn.

“Mẹ nói: Nhớ đừng quên cho 3 con Chó ăn!!!” Chồng tôi cười.

10 giờ thì bác sĩ tới khám, và ký giấy cho tôi xuất viện. Tôi cứ nghĩ là thay áo quần thì đi về với gia đình, ai dè, cô y tá bắt tôi ngồi trên xe lăn, đẩy ra tới cửa của bệnh viện có xe ông chồng đã đậu sẵn.

Phải công nhận y tá đây thiệt là tốt! Họ lo cho mình còn hơn cả người nhà nữa!

Về nhà, chồng tôi đem cái ghế Reclyner vào phòng ngủ để tôi nằm, chứ giường cao, người còn yếu, trèo lên trèo xuống không được.

Một lát thì ông anh ở Cali nghe tôi mổ, gọi điện qua hỏi thăm, ổng hỏi uống thuốc chi. Tôi bảo có uống viên thuốc giảm đau (Vicodine) làm người thấy bồn chồn khó chịu. Ổng cười bảo, không đau thì không phải uống, ai bắt mô! Nghe vậy, tôi không uống thêm viên thuốc nào cả. Không kháng sinh cũng chẳng giảm đau, trong người chỉ thấy hơi yếu và …đói bụng thôi.

Tôi ở nhà nghỉ cho đến thứ Hai thì đi làm lại.

Bây giờ tôi không còn thấy sợ bệnh viện nữa, mừng ghê!!!

Bạn không tin ư?

Lần mổ ruột thừa là lần đầu tiên tôi “được” nằm bệnh viện ở Mỹ, còn ở Việt nam, kể cả 2 lần sinh thì tôi vào bệnh viện 4 lần: Một lần do bị phỏng dầu hoả, và một lần mổ lấy sỏi thận.

Cuối năm 1972, mới vào học lớp 5 trường Đoàn thị Điểm do cô Xuân dạy, thì tôi bị phỏng lúc phụ mạ nấu ăn, tôi được 10 tuổi. Vừa chạy loạn 1972 về, bếp nấu ăn tạm bợ được đặt trên một tấm ván dài, kê cao bởi 4 viên “tap-lô”, ghập ghềnh. Hôm đó, tôi đang học bài thi học kỳ 1, thì mạ đi chợ về, đưa cho bộ đồ mới may bằng vải nên biểu đi thay, (trước đó đang mặc bộ đồ vải “xoa”, nylon.) Sau đó ra giúp mạ nhen lửa hai cái “lò xô”, nấu bằng dầu hoả.

Cách thức hoạt động của lò nấu mà hồi đó gọi là “lò xô” hay “rề xô” rất đơn giản. Nó có một phần đế để đựng dầu lửa, phần giữa có bộ khung, giống như hai lớp thép đứng tròn, ở giữa nó là chỗ để các sợi vải (còn gọi là tim) được thông lên từ cái phần đế lò đựng dầu, và phần trên cùng là nắp tròn có mấy chân nhỏ để đặt soong nồi. Một cái cần kéo nhỏ, có 3 nấc để kéo dài tim lên, cao thấp tuỳ mình muốn lửa lớn hay nhỏ. Nhiệm vụ của tôi là thả que diêm đã thắp đỏ vô cái khe hở giữa hai lớp thép tròn, làm cho tim bắt lửa đều, đừng để bên cao bên thấp, “nhóm lò” coi như xong, còn việc nấu nướng thì có mạ và chị gái lo.

Hôm đó, không hiểu vì tôi lanh chanh, vội vàng nên giật cái cần quá mạnh, làm 2 cái bếp đổ xuống, dầu tràn ra, lửa bùng lên.

Nhà tôi lúc đó, bếp được đặt ngay dưới Rầm, đó là phần gần mái nhà để trống, cất mấy khuôn đúc nước đá bằng nhôm, và chỉ lên đó khi tránh lụt. Ngọn lửa bốc cao tới Rầm luôn, tôi nhớ mang máng thấy nóng ở chân, như phản xạ, vừa chạy vừa khóc, “Nóng quá, nóng quá." Ông anh đầu đang học Mỹ thuật, ngồi nặn tượng em trai sau hè, vội quơ lấy mấy bao cát ném vô đám lửa, lấy lối đi để đuổi theo tôi, đè tôi xuống và chụp cái mền lên để dập lửa ở chân tôi.

Còn mạ và chị chạy ra trước nhà kêu cứu, mấy người hàng xóm cũng chạy vô giúp, vì hồi đó nhà nào cũng có hầm trú ẩn ở trong nhà xây bằng cát, nên người ta ném bao cát vào đống lửa. Khi đám lửa dập tắt rồi, tôi vẫn còn đang ngơ ngác đứng dựa một chân vào cây ổi sau góc nhà, gần bể nước đá (nhà tôi có thời gian làm nước đá nên có xây 2 bể nước lớn đằng sau), thì có anh con bác hàng xóm, đang đi lính Không quân, xức va-sơ-lin (Vaseline) và bọc mấy miếng gạc ở trên. Mạ tôi thuê xích lô chở tôi lên bác sĩ Giàu khám, ông bảo ngày mai đem qua bệnh viện.

Đến chiều tối thì da tôi bắt đầu mọc lên những bong bóng nước, có cái to gần bằng trái trứng gà so, nhưng có cái lạ là hình như tôi chưa thấy đau lắm, vì không nhớ chi nhiều.

Sáng hôm sau, mạ đưa tôi qua bệnh viện. Lúc này tôi bắt đầu thấy đau nhức khi người ta thay băng, tôi khóc như rứa thì thôi! Tôi càng gào to hơn khi người ta muốn tôi ở lại bệnh viện, nhứt định không chịu. Mạ tôi thấy thương, nên đồng ý đem về nhà. Vậy là hàng ngày, ông già đạp xích lô chở hai mạ con qua bệnh viện, rồi ông phải cõng tôi lên tận lầu 3 để làm thuốc, nghe tôi khóc lóc, mếu máo, sợ hãi. Và sau đó lại cõng tôi xuống, chở tôi về nhà. Cứ như vậy, gần cả tháng trời chân tôi mới mọc da non.

Tôi không bao giờ quên được nỗi sợ hãi bệnh viện từ những ngày tháng đó, nỗi đau đớn như ai xé thịt mình ra, dù còn nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ ràng, mỗi lần cô y tá lột từng miếng gạc ra, đau đớn lắm, tôi khóc năn nỉ cô, “Răng cô không lấy cả mấy miếng một lần, mà cứ lột từng miếng đau lắm.”

Sau đó cả mấy năm trời, tối ngủ tôi luôn mơ thấy ác mộng là ngọn lửa lớn từ đâu không biết bùng lên bao trùm mọi phía, còn tôi sợ hãi la hét, vùng chạy.

Hậu quả của lần bị phỏng đó, chân trái tôi có những vết sẹo phồng, nhưng không đến nỗi phải đi có tật như người ta lo sợ, và cùng với thời gian, vết sẹo cũng mờ nhạt theo, bây giờ, nếu không nhìn kỹ thì không ai thấy sẹo cả.

Rồi tôi bị mổ sỏi thận vào năm 1993

Tôi đang có thai bé thứ Vy Vy, hàng tháng đều đi khám ở phòng khám tư của bác sĩ Hân. Bác sĩ khám sau giờ làm việc, cứ khi nào thích thì đi thẳng vô nhà ổng để khám, không cần lấy hẹn gì cả. (Mà hồi đó, đến phone nhà cũng không dùng, chứ đừng nói chi tới Cell phone.)

Đến tháng thứ 5 mà ổng thấy lạ vì tui không có lên cân nào, nên ổng biểu qua bên đường Lê Lợi để siêu âm.

Kết quả siêu âm nói tui bị sỏi thận, bị ứ nước độ 2, đợi tới sau khi sinh rồi sẽ mổ.

Sinh em bé được 1 tháng rưỡi thì tui qua nhà anh bác sĩ Nhân để hỏi ý kiến. Anh khuyên tui đi siêu âm lại. Lần này, họ viết giấy biểu tui qua thẳng bệnh viện trung ương Huế để khám lại và nhập viện.

Sau những thủ tục nhập viện dài lê thê, tối ngày trước khi mổ, tôi qua nằm bệnh viện. Phòng bệnh đông cả gần 30 người, không có máy lanh là đương nhiên. Nhà vệ sinh thì xa, ướt và trơn trượt, tối tăm. Một cô y tá tới dặn tôi phải làm tự làm vệ sinh vùng bụng. Sáng sớm họ đặt ống thông tiểu, rồi đẩy vô phòng mổ. Cảm giác đau đớn khủng khiếp nhất là khi họ chuyển tôi từ giường của phòng hồi sức cấp cứu về phòng thường! Cứ tưởng tượng bạn bị mổ bụng, một đường cắt dài cả gang tay, mới may hôm trước, mà hôm sau, một người giữ ở đầu, một ngừơi giữ chân, hai người nắm hai đầu để đưa bạn từ giường này qua giường khác, phần bụng bị thõng xuống, đau không biết làm sao để diễn tả được! Giờ khi ngồi viết lại bài này, tôi vẫn nhớ như in cảm giác đau kinh hoàng đó! Lý do họ phải làm vậy, vì giường bệnh thời đó, không có hệ thống nâng lên đỡ xuống như bây giờ.

Sợ khiếp luôn!

Sẽ rất thừa nếu so sánh sự tiện nghi của bệnh viện Mỹ và Việt nam, tôi chỉ muốn nói lên điều rất nhân văn ở đây, đó là sự đối xử giữa bác sĩ, y tá và người bệnh. Họ rất lịch sự, dịu dàng, chu đáo. Họ biết đó là việc của họ, không cần ai "quen biết", cầu cạnh, gởi gắm, năn nỉ ỉ ôi, xin xỏ.

Khi tôi nói rằng, “Không còn thấy sợ bệnh viện” nữa, đó là một cảm giác rất thật. Nhưng để hiểu cho hết ý thì không phải dễ dàng. Thật ra, để có được những ưu ái như ở đây, là sự phát triển của cả một hệ thống, mà trước hết phải kể đến đó là lòng nhân đạo. Bất kỳ bệnh viện nào, khi bạn đã vào đó thì họ phải chữa chạy cho bạn tận tình. Đó đã trở thành LUẬT rồi, bạn sẽ đọc được những thông cáo như vậy, ngay từ cửa ra vào của bệnh viện. Tiếp theo sẽ là chế độ bảo hiểm, tiền do người dân địa phương đóng thuế, …vv…và…vv…

Nhớ có lần ba tôi vào bệnh viện, tôi hỏi, “Ba có sợ không?”

Ông nói, “Không, ba thích ở bệnh viện. Mấy cô y tá dễ thương, ăn nói dịu dàng, miệng khi mô cũng cười duyên. Được nâng lên đỡ xuống, thích quá đi chơ!”

Ngỡ ông nói đùa, nhưng đến khi bản thân mình trải nghiệm, mới thấy đó là sự thật!

Dĩ nhiên không ai muốn bị đau ốm để phải vào bệnh viện, nhưng ít nhất, ở đây, nếu “chẳng đặng đừng” mà phải lạc bước vô chốn ấy, bạn sẽ không phải lo trả tiền trước khi được chữa trị, không ngửi mùi “ê te” ghê ghê, không nghe tiếng la hét sợ hãi, không nhìn thấy những gương mặt lạnh như tiền của y tá bác sĩ.

Tôi nói thật đấy, tin tôi đi!

Austin, Texas, tháng 5, 2018

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
12/06/201811:35:14
Khách
Cám ơn anh Steve Brown.
12/06/201809:54:25
Khách
Chào chị Minh,
Bài viết về kinh nghiệm chị trong bệnh viện như là rất quen thuộc và dễ hiểu. Cách viết chị tự nhiên lắm nên không cần suy nghĩ nhiều đến ý nghĩa. Xin cứ tiếp tục viết thêm đi nhé.
Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,261,700
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến