Hôm nay,  

Thay Thận ở Mỹ

27/05/201800:00:00(Xem: 13668)
Tác giả: Phạm Thị Kim Dung

Bài số 5399-19-31240-v8052718

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.

 
***
 

Anh chị Lý - Phượng là bạn thân của gia đình chúng tôi từ hồi mới định cư ở Mỹ. Tuy cùng ở Thành Phố San Jose, nhưng chúng tôi cũng đã cả năm  chưa gặp nhau.

Cách đây hơn một năm,  Tháng Ba, năm 2017, khi biết tin chị Phượng đã thay thận hơn một tháng rồi, em Hồng Loan và tôi đã rủ nhau, gọi điện thoại hẹn với anh Lý chồng của chị để đến thăm chị.

 Ôi!  Hôm gặp lại chị sao mà xúc động quá. Sắc diện chị vàng vọt thấy mà thương.  Khuôn mặt chi khả ái xinh đẹp mới đó mà nay trông khắc hẳn.  Những ngón tay chị cong queo, hai bàn chân và những ngón chân đau nhức không bước đi bình thường như mọi khi được.  Ngôi nhà có lầu (tri-level) vợ chồng chị ở đã lâu lắm rồi, nơi mà chúng tôi đã được mời đến dự tiệc sinh nhật của song thân chị nhiều lần, đôi khi thì dự sinh nhật của thân mẫu anh ở dưới Miền Nam California lên đây thăm gia đình anh chị.  Cho đến nay thì hai bên nội ngoại đã lần lượt bỏ anh chị mà ra đi, chỉ còn lại thân phụ của chị Phượng hiện đang ở chung với gia đình cậu em út của chị.

Anh chị rất vui mừng khi gặp lại chị em tôi, hai người ríu rít thay phiên nhau kể cho chúng tôi nghe tỉ mỉ từng chi tiết diễn biến về bệnh trạng và cuộc giải phẫu ghép thận của chị.  Nghe chị kể là, phòng master bedroom thì ở trên lầu, nên mỗi khi muốn xuống nhà bếp ở tầng dưới hay tối đến đi lên ngủ, chồng chị cứ phải bế chị lên lên, xuống xuống như vậy mỗi ngày.  Có đôi khi anh Lý vắng nhà, chị cũng phải chịu khó tự vịn cầu thang để tuột xuống từ từ hoặc bò lên một mình, nhưng rất khó khăn và lâu lắm mới lên xuống được.

Chị Phượng bị căn bệnh phong thấp, sưng thấp khớp đã lâu, chị vẫn phải uống thuốc mỗi ngày theo liều lượng của Bác Sĩ đã chỉ định cho toa mua thuốc.  Rồi một hôm, tự nhiên thấy trong người yếu hẳn đi, nên chị đã xin hẹn Bác Sĩ gia đình khám bệnh thử nghiệm.  Bác Sĩ cho biết kết quả thử nghiệm máu cho thấy chị đã bị suy thận.

Bác Sĩ gia đình chuyển chị qua Bác Sĩ chuyên khoa thận để theo dõi và cho uống thuốc.  Sau khoảng chừng một năm uống thuốc không hề thấy thuyên giảm, mà ngày càng thấy bệnh của chị nặng hơn.

Theo như lời anh Lý kể  thì dù cho anh thường hay nhắc nhở và khuyên can chị thế nào cũng không được.  Vì đau nhức quá chịu không nổi, chị đã tự ý uống tăng thêm quá nhiều liều lượng thuốc đau nhức, nên có lẽ chất thuốc này thế nào đó đã làm ảnh hưởng đến cả hai trái thận của chị bị suy yếu dần, và sau lâu ngày thận của chị gần như không còn làm việc được nữa.  Bác Sĩ định bệnh là thận của chị đã đến hồi nguy kịch, có thể sẽ ngưng hoạt động bất cứ lúc nào, và không cứu vãn được nữa, phải dùng đến phương pháp thay thận Kidney Transplant.

Anh Lý thắc mắc, muốn tìm hiểu thêm về bệnh trạng thay thận, nên đã vào mạng đánh những chữ Kidney Transplant Information, thì màn ảnh hiện lên rất nhiều những chi tiết mà anh muốn biết để chia sẻ thêm với chị.

Khi Bác Sĩ cho biết thận của chị Phượng không còn hoạt động tốt nữa, cho nên Bác Sĩ đã phải quyết định cho chị đi lọc thận ở nhà thương hoặc làm ở nhà, thì anh đã xin Bác Sĩ được phép lọc thận tại nhà.  Quy trình này kéo dài khoảng ba tháng.  Trong thời gian lọc thận, Bác Sĩ hướng dẫn làm thủ tục ghi danh xin waiting list để thay thận.

Có bệnh thì vái tứ phương!  Trong gia đình chị có cô em gái kế chị, thương và thân với chị nhất, em Liên đã tình nguyện hiến tặng chị một trái thận.  Bác sĩ cho biết là nếu xét nghiệm mà hợp, thì cả hai người đều phải có hẹn đến bệnh viện để giải phẫu cùng thời gian, bên phòng giải phẫu này lấy trái thận ra, thì trao lại cho phòng giải phẫu bên kia để Bác Sĩ sửa soạn ghép thay trái thận vào sau khi đã thử nghiệm lại. Nhưng sau đó, khi cô em đi thử nghiệm thì kết quả không phù hợp, không matching với máu trong cơ thể của chị.  Mọi người trong gia đình chị Phượng đã hết sức thất vọng khi nghĩ tới sẽ có một ngày mất đi một người con yêu trong gia đình.

Chồng chị rất mực quý yêu và lo lắng về bệnh tình của chị, nên anh đã xin về hưu sớm trước vài năm để ở nhà săn sóc chị.  Tên chị đã được ghi vào danh sách những người chờ được hiến thận do Bác Sĩ hướng dẫn giúp đỡ.  Người ta cho biết thẳng trước là phải đợi cả hàng nhiều năm, may ra thì mới có cái ca phù hợp với máu của mình, trái thận sẽ được gởi đến bất cứ lúc nào từ ở khắp nơi trong nước Mỹ.  Trong trường hợp này người nhận và Bác Sĩ cũng không được biết trước, và cũng không biết được nguyên thuỷ nơi trái thận đến từ hoàn cảnh nào, và danh tánh của người donated trái thận còn hiện hữu hay đã ra đi trước khi dâng tặng trái thận của mình cho người chưa hề biết mặt quen tên.  Đó là nghĩa cử cao đẹp để cứu đời.  Cơ hội thì rất hiếm hoi mà những người bệnh đang chờ được liên lạc để thay thận lại quá nhiều, nên cũng hơi khó, nếu có được gọi đến tên cũng là chuyện ngàn năm một thuở, coi như là được trúng số độc đắc vậy.

Chị Phượng đã ghi danh waiting list xin thay thận đã được hơn sáu tháng mà chưa thấy ai liên lạc, cả hai gia đình bên nội lẫn bên ngoại của anh chị vẫn khắc khoải hồi hộp trông đợi mỏi mòn.  Ở hiền thì gặp lành!  Rồi dịp may đã đến với chị vào một buổi chiều khoảng 8:00 pm giờ tối, trong lúc gia đình đang dùng cơm, thì bỗng có chuông điện thoại reo, anh Lý nghĩ rằng, có lẽ đó là cú điện thoại quảng cáo thương mại, nên đã không muốn nghe điện thoại.  Nhưng điện thoại cứ tiếp tục reng mãi, hình như có linh tính sao đó nên chị Phượng đã đứng lên để liếc nhìn cái máy điện thoại, thì thấy tên của bệnh viện mà chị đã ghi danh thay thận đang hiện lên trong máy.  Thật bất ngờ, chị thoáng nghĩ, nếu bệnh viện mà gọi vào giờ này chắc hẳn có chuyện quan trọng lắm, nên chị đã nhấc điện thoại lên để trả lời họ.


-Một giọng người nữ từ bệnh viện gọi đến đã lên tiếng.

“Xin cho tôi nói chuyện với bà Phượng”

Sau khi chị Phượng xác nhận đúng tên của mình là người mà nhân viên của bệnh viện cần nói chuyện, thì đầu giây bên kia cô Y Tá cho biết nhà thương đã tìm thấy một trái thận có thể sẽ matching với máu của chị.   Cô ta còn nói rõ là chị phải chuẩn bị sẵn sàng vì nội trong đêm nay sẽ có quyết định quan trọng nếu mọi sự sắp đặt và thử nghiệm final hợp đúng y như dữ kiện trong hồ sơ bệnh lý của chị.

Lúc ấy chị Phượng vừa mừng mà cũng vừa lo âu, bởi vì sẽ phải trải qua một cuộc giải phẫu rất nguy hiểm, mà sự sống còn như chỉ mành treo chuông.

Đêm hôm đó chị Phượng chỉ biết cầu nguyện thật nhiều, dâng hết mọi sự đau đớn khốn khó cho Chúa và Đức Mẹ Maria, trong giấc ngủ với tâm trạng hồi hộp mơ màng.  Độ chừng khoảng 4:00 am giờ sáng thì tiếng chuông điện thoại reo lên, chị Phượng vội nhấc điện thoại để nghe, chị đã nhận ra ngay giọng nói của cô Y Tá hồi tối hôm trước đã gọi lại cho chị để thông báo tin vui.

Cô Y Tá đã hỏi hiện bây giờ chị Phượng đang làm gì?” Chị Phượng trả lời rằng:  “Tôi đang lọc thận.” Cô tá bảo chị Phượng:  “Chị hãy bảo người nhà tắt máy lọc thận và khẩn cấp chở chị đến bệnh viện ngay bây giờ.  Bởi vì, từ nhà chị đi đến bệnh viện phải mất khoảng hai giờ đồng hồ lái xe”.

Và rồi, anh Lý đã vội vàng lấy cái giỏ sách đựng đồ dùng cá nhân của chị đã sắp sẵn từ lâu, và dìu chị ra xe để chở chị đi đến bệnh viện.  Sau hai giờ đồng hồ lái xe anh chị đã đến bệnh viện khoảng lúc 6:00 am giờ sáng, và đi ngay vào phòng cấp cứu của bệnh viện, nơi mà chị đã ghi danh xin thay thận.

Sau khi làm thủ tục nhập viện, Y Tá đã dẫn chị Phượng vào khu vực chờ đợi, chị được đưa ngay đến gặp Bác Sĩ  (Team of Doctors) và Y Tá làm thủ tục để khám sức khoẻ tổng quát trước khi giải phẩu.

Tại nơi mà chị Phượng đang phải chờ đợi, Bác Sĩ đã cho biết khoảng buổi trưa ngày hôm ấy thì mới nhận được trái thận từ ở một nơi nào đó gởi đến, mà Bác Sĩ cũng không được biết nguồn gốc.  Trong thời gian đó chị Phượng vẫn tiếp tục được Bác Sĩ , Y Tá theo dõi và khám sức khoẻ liên tục suốt buổi chiều hôm ấy.

Khoảng 5:00 pm giờ chiều cùng ngày, có vị Bác Sĩ chuyên khoa về giải phẫu thận đến phòng và báo cho chị là trái thận đã được gởi đến nhà thương bằng đường hàng không rồi, nhưng Bác Sĩ trong phòng lab phải làm thủ tục kiểm tra xác định trái thận đó lại lần cuối, để cho Bác Sĩ biết chắc chắn trái thận mới và người nhận không có bị phản ứng gì khác.  Sau khoảng năm giờ đồng, lúc đó vào khoảng 10:00 pm tối, thì vị Bác Sĩ và Y Tá, người mà đã đảm nhiệm ca giải phẫu tối hôm đó, đã xuống phòng chị Phượng đang nằm chờ, để báo cho biết một tin rất quan trọng là kết quả thử nghiệm mà chị đang chờ đợi, là trái thận mới và người bệnh sẽ được nhận trái thận ấy không có phản ứng (negative), nghĩa là không có phản ứng phụ (get along, no reject).  Và đồng thời lúc bấy giờ Bác Sĩ nói với Y Tá là hãy chuyển bệnh nhân vào phòng giải phẫu ngay lập tức.

Sau một vài thủ tục kiểm tra danh tánh, và làm thủ tục kiểm tra lại sức khoẻ của chị thêm một lần nữa trước khi đi vào phòng giải phẫu.

Có một người Y Tá đã dẫn anh Lý xuống phòng chờ đợi.  Lúc bấy giờ khoảng hơn 11:00 pm giờ đêm.  Anh Lý đã phải đợi ở phòng chờ đợi đến hơn 3:00 am giờ sáng của ngày hôm sau, thì có một vị Bác Sĩ đến báo tin vui cho anh là ca mổ đã hoàn toàn thành công.  Và Bác Sĩ cũng cho biết sau khi ghép trái thận mới vào cơ thể của chị Phượng thì nó đã hoạt động ngay lập tức một cách rất bình thường.  Ít phút sau thì chị Phượng được chuyển đến phòng phục hồi recovery room.  Nơi đây chị Phượng được theo dõi sức khoẻ, họ cho uống thuốc mới và phải ở lại bệnh viện năm ngày.

 

Bác sĩ đã cho chị Phượng xuất viện sau năm ngày,  anh chị đã về nhà đúng vào ngày mồng một Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, Năm 2017;  Vợ chồng chị có cảm giác như đã nhận được món quà vô giá vào đầu năm mới, năm con gà vàng thật là hên.

Sau khi xuất viện trở về nhà, chị Phượng phải uống rất nhiều loại thuốc và từ từ Bác Sĩ đã cho giảm dần số lượng thuốc và loại thuốc uống hằng ngày.  Những ngày sau đó chị Phượng cảm thấy sức khoẻ đã dần dần hồi phục, ăn uống thấy ngon miệng và ăn được nhiều hơn khi chưa giải phẫu.  Nhưng hiện tại chị Phượng vẫn phải đi khám định kỳ, thử nghiệm máu thì thấy rất tốt, không phải kiêng cữ gì cả, ngoại trừ phải uống thuốc đều đặn đúng giờ giấc mà Bác Sĩ đã căn dặn.

 

*

Cách đây hai tuần lễ tôi đã gọi điện thoại để thăm hỏi sức khoẻ của chị Phượng.  Được biết từ khi thay thận cho đến nay, chị Phượng cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn, nhất là căn bệnh đau nhức của chị cũng đã giảm bớt rất nhiều, nên sự đi lại của chị cũng dễ dàng và thoải mái hơn.  Chẳng bù cho lúc trước, chị thường hay thấy depress buồn chán đời và không muốn gặp bất cứ ai ngoài những người ruột thịt trong gia đình của anh chị.

 

Chị Phượng đã tâm sự với tôi là, trong tâm khảm chị luôn luôn biết ơn đến người ân nhân ẩn danh đã hiến thận cho chị và cả gia đình của họ nữa.  Nhờ lòng nhân ái quảng đại của họ đã hiến tặng cho chị sự sống tiếp tục trên cõi đời này.  Tính từ khi giải phẫu đến nay, chị đã kéo dài sự sống được hơn một năm, chị vẫn phải uống nhiều loại thuốc đúng liều, đúng lượng mỗi ngày theo toa Bác Sĩ từ sau khi phẫu thuật thay thận đã thành công.  Bất cứ người nào đã thay thận, cũng phải uống một loại thuốc này đến mãn đời, để giữ cho cơ thể chống lại những phản ứng phụ.

 
Vợ chồng anh chị Lý, Phượng xin gởi lời cảm ơn nước Mỹ đã giàu lòng nhân ái, đón nhận gia đình anh chị theo đoàn người di tản Năm 1975 và đã được định cư ở nước Mỹ, một đất nước có tự do nhân quyền mà có lẽ biết bao nhiêu người trên thế giới đều mơ ước được đến thăm hay sinh sống.  Nước Mỹ đã cho anh chị một đời sống thăng hoa tươi đẹp, được hưởng phúc lợi y tế thật tuyệt vời và văn minh bậc nhất thế giới.  Chị Phượng và gia đình luôn nhớ ơn những Bác Sĩ và những Y Tá đã ân cần săn sóc, tận tâm tận lực cứu sống chị qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, mà sự sống hay chết gần kề chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

San Jose, Tháng Năm 2018.

Phạm Thị Kim Dung

Ý kiến bạn đọc
22/06/201803:12:34
Khách
Chị viết bài này chi tiết rõ cám ơn chị, em sẽ gởi cho cô bạn của em đọc vì cô này cũng hay uống Tylenol lắm!
Hồng Loan
19/06/201805:00:22
Khách
Cảm ơn em gái Hồng Loan đã đọc bài này của chị và lại còn bỏ thời giờ để chia sẻ và góp ý với quý độc giả của mục VVNM.
Hồi trước, trong sở làm cũ của chị, cũng có một vị xếp lớn đã thay thận, và ông đã sống thêm được mười mấy năm. Được biết ông đã từ trần cách đây khoảng vài năm rồi. Theo thiển ý của chị, thì mỗi trường hợp thay thận được kéo dài thêm tuổi thọ còn tuỳ thuộc vào cơ thể của mỗi người có sự thích ứng và hoạt động khác nhau.

Chị KimDung
19/06/201802:32:43
Khách
Đầu tiên em xin cám ơn tâm tình của chị Kim Dung là chị muốn chia xẻ cho tất cả mọi người biết hậu quả rất là tai hại của sự lạm dụng thuốc mà mình không ngờ được như trong trường hợp bạn của em.
Những năm về trước chúng em và gia đình anh chị Lý Phượng thường hay gặp nhau. Chị Phượng đã chia xẻ với em là chị hay bị đau nhức. Và mỗi lần đau là chị phải uống thuốc, anh Lý thấy vậy lại phân trần :
_ Cô này hay uống thuốc nhiều quá, tôi cản thì cô ấy nói đau chịu không nổi!
Chị Phượng luôn dịu dàng cười:
_Anh ấy hay lo, mình uống có vài lần thôi mà!

Thế rồi thời gian trôi đi và mãi tới hơn hai chục năm sau bịnh mới hoành hành và chị bị ảnh hưởng vì thuốc đau nhức đó.
Chị Phượng được sự yêu thương chăm lo của chồng. Em cũng nhận biết rằng anh chị Lý Phượng là đôi vợ chồng rất hạnh phúc, thương yêu nhau và rất ngoan đạo vì vậy mà hồng ân của đấng tối cao đã đổ xuống và cứu giúp mà đã ban cho chị nhận được sự cứu giúp của người ân nhân ẩn danh ấy.

Ngày hôm qua, khi mọi người trong gia đình em đang ăn mừng chúc tụng và vinh danh những người cha thì em nhận được cáo phó của anh Lý gởi đến cho biết là thân phụ của chị Phượng đã qua đời ngày 12 tháng 6, năm 2018. Cụ ông hưởng thọ được 97 tuổi.
Thương cho chị mới vừa lành bịnh lại mất cha. Em muốn kể lên đây để xin mọi người cầu nguyện cho chị ấy được khỏe mạnh, vượt qua khỏi mọi sự đau buồn và cho anh Lý luôn được khỏe mạnh để lo cho người vợ thương yêu của mình.

Hồng Loan
29/05/201803:18:56
Khách
Chào độc giả Trương Du,
Cám ơn độc giả TD đã đọc bài này của tôi nha, lại còn chia sẻ góp ý nữa.
Người mẹ thật là có phước, có con trai trẻ tuổi mà lại hiếu thảo quá.
Xin gởi lời chúc chị của độc giả TD gặp may mắn, có quý nhân giúp đỡ.
Ptkd
28/05/201802:31:01
Khách
Tôi có chị bà con xa suy thận, lọc thận mãi mới được đứa con trai 25 tuổi hiếu thảo hiến 1 trái thận hợp với cơ thể, nhưng vẫn phải uống thuốc và bác sĩ khám thăm chừng liên tục mấy năm liền.
Sau 3 năm thì trái thận này không work nữa, lại đành phải lọc thận 1 tuần 3 lần lại,chờ có ai gửi cho trái khác. Chị giàu lắm , nhưng sống như vậy thật là khổ hơn cả người nghèo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến